"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

                     Bà Hillary Rodham Clinton

 

 

Văn hào Athur Miller nói câu bất hủ “The tragedy of a man is his woman, but the tragedy of a woman is herself”. Khi nhìn vào chính trường Hoa Kỳ, ai cũng thừa nhận tài năng chính trị của cặp Clinton trong suốt mấy thập niên qua. Ông Bill Clinton, từ một thanh niên trốn quân dịch, rồi làm Thống đốc một tiểu bang nhỏ bé của vùng Trung Mỹ (Arkansas), bỗng nhiên gặp thời, nhờ tài biết vận dụng thời thế, mà trở thành Tổng thống Hoa Kỳ suốt hai nhiệm kỳ. Khi gần mãn nhiệm, tổng thống Clinton suýt bị truất phế vì quan hệ tình dục với cô Monica Lewinsky, và sau đó lại nói dối hữu thệ trước tòa và công chúng.

 

Ông Bill Clinton, người đàn ông sở hữu một charisma (sức lôi cuốn) và persona (tính cách) bình dân và giản dị. Ông không tỏ vẻ cao ngạo hơn những gì mình thực sự vốn có, chấp nhận là một chính trị gia trẻ tuổi miền thôn dã. Khi ông bị bắt gặp tại trận sự nói dối trắng trợn, người ta cũng chỉ cười và bỏ qua vì “ông ta cũng như mọi đàn ông khác, như chúng ta”. Quần chúng Mỹ quả rộng lượng, đã tha thứ cho ông Bill, như cha mẹ bắt qủa tang đứa bé thích ăn vụng kẹo bánh. Thằng cu mà không thích ăn vụng bánh kẹo mới là chuyện lạ. Ông Bill Clinton thể hiện nhân cách đầy chân thật. Cái thật của ông, xem như một nền tảng authenticity (xác thật) về lối sống mà mọi người chấp nhận được. Khuyết điểm của Bill là khuyết điểm tự nhiên ở mỗi người đàn ông. Khi dân chúng Mỹ nhận ra sự bất lực đối với khuyết điểm trong mỗi cá nhân, người ta cũng chấp nhận luôn một ông Tổng thống bất toàn. Ông biểu tượng cho điểm-yếu đàn-ông trên phương diện quan hệ tình dục. Đàn ông nào mà không thích gian díu lăng nhăng? Ngoại trừ những anh chàng bất lực, hoặc qúa sợ vợ, hoặc vì không có cơ hội. Mà một khi đã “phạm tội” là phải biết nói dối. Và người phụ nữ chỉ trách cứ, phiền lòng khi chàng ăn vụng mà không chùi sạch mép. Người phụ nữ ghen tuông không phải vì sự thể lăng nhăng của chàng, mà là sự vụng về để khiến nàng phát giác. Đôi khi sự thật phải được bao phủ bởi nhiều tầng dối trá. Nói chung, người phụ nữ không có khả năng biết hết mọi sự thật trong thế giới đàn ông. Tội của Bill là tội đại bất cẩn (reckless disregard). Đây là tội chỉ đáng cảnh cáo, không phải tội phản quốc của một tổng thống để phải bị truất phế.

 

Còn Hillary Rodham thì lại khác. Bà gần như đối cực với Bill. Năm 2008, bà đương kim thượng nghị sĩ của New York, đã chính thức nhảy vào vòng tranh cử tồng thống. Bà Clinton cho ta thấy một điều: Bà là một chính trị gia “phải đạo” (politically correct), gió chiều nào bà phất theo chiều đó. Khi cả nước Mỹ đồng tình theo tổng thống George Bush trong cuộc chiến tranh Iraq, bà thượng nghị sĩ cũng ngã theo ủng hộ. Khi chuyện Iraq đã đâu vào đó, bà lại chạy theo phong trào phản chiến. Bất cứ vấn đề nào, bà đều có lập trường ngã theo số đông cho chắc ăn, căn cứ trên các cuộc thăm dò cử tri. Đối với Hillary, ý kiến của đa số đồng nghĩa với chân lý. Bà là chính trị gia đầy tính toán, đam mê quyền lực. Ngay khi chuyện tình dục lăng nhăng của chồng bị phát giác, đệ nhất phu nhân vẫn lạnh lùng hiên ngang đứng bên chồng (stand by her man). Bà biết rằng, nếu phản ứng khác, bà sẽ mất đi cơ hội chính trị trong tương lai, sau khi chồng mãn nhiệm. Ít phụ nữ nào đủ bản lãnh đối ứng trong lãnh vực tình cảm cũng như chính trị như bà. Và chính điều đó làm quần chúng Mỹ thấy sờ sợ về con người này. Cái tâm lý vừa nể phục vừa ngần ngại đối với chính khách nhiều bản lãnh là chuyện không lạ lùng gì trong chính trường. Như một anh chàng ăn mặc luôn thẳng nếp, phong cách anh ta sẽ mất đi tính tự nhiên và uyển chuyển để hoà hợp với mọi người chung quanh. Và người Mỹ là loại bình dân đại trà, thích ông tổng thống của mình phải có một chút gì chân chất, không qúa chải chuốt. Đừng quên rằng cá nhân bà Hillary Rodham không thể là điểm son cho ứng cử viên tổng thổng Hillary Clinton. Và sự kỷ luật, tính toán bản thân bà về chuyện gia đình, để lộ sự chải chuốt qúa đáng, khi chọn lựa lập trường chính trị. Hillary Clinton không có niềm tin chính trị, mà chỉ có lập trường chính trị. Sự khôn ngoan, toan tính, và thận trọng khắc nghiệt trong mọi chuyện thể hiện qua đôi mắt và khuôn mặt của bà, có cái gì không thật, khác với ông Clinton. Khi phụ nữ ra đường, xuất hiện trước đám đông, người ta mong muốn cá nhân ấy thể hiện gía trị nữ tính hơn là người đàn bà xuất sắc, phải nhờ sự trang bị phẩm chất đàn ông của chồng. Thất bại của phong trào nữ quyền ở Tây phương là ở chỗ đó. Người đàn bà tranh đấu cho nữ quyền bằng cách rập khuôn, bắt chước người đàn ông. Một xã hội, trong đó người phụ nữ đều muốn giống đàn ông, sẽ mất đi sự quân bình. Phụ nữ Mỹ ngày nay, vì thế, không thể kết hôn với người đàn ông cá tính mạnh mẽ, mà lại mong muốn một gia đình êm ấm. Trớ trêu thay, họ cũng không thể sống mà không có đàn ông. Bi kịch của phụ nữ Mỹ không phải từ nơi các ông, mà chính từ nơi các bà ( the tragedy of a woman is herself ). Bà Hillary Clinton tượng trưng cho bi kịch đó. Bà muốn trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên trong một lịch sử tổng thống toàn nam giới. Cử tri Mỹ một nửa muốn bỏ phiếu cho bà vì muốn ngày nào đó con gái mình cũng sẽ như thế, nhưng nửa kia thì ngần ngại vì không muốn con mình thành đàn ông. Mỗi cá nhân Mỹ vẫn khao khát “phụ nữ tính” nơi kẻ đối diện.

 

Trong kinh cổ Do Thái giáo, nam tín đồ cám ơn thượng đế đã không cho họ sinh ra là nữ giới. Kinh Phật cũng khuyến cáo phật tử rằng hãy sống nhân đức, nếu không kiếp sau sẽ tái sinh làm phụ nữ. Thiên Chúa giáo xem phụ nữ là hiện thân của sự trừng phạt. Hồi giáo thì xem phụ nữ là tài sản. Trong chủ thuyết La mã, phụ nữ từ lâu vẫn bị cho là không có linh hồn. Điều này không có gì lạ. Nó không phài là lịch sử sai lầm do nam giới viết ra, cũng không phải là huyền thoại trong ý chí quyền lực, như các trường phái nữ quyền học theo Nietzsche diễn giải. Lại càng sai lầm nếu chúng ta nhìn vấn đề theo Kate Millett, người dựa vào xã hội học của Max Weber, để gọi hiện tượng này thuần túy dựa lên cơ sở đô hộ và phục tùng. Lại càng lạc lối hơn nếu cho rằng đàn ông nhìn phụ nữ như một điều “bí hiểm ngoại thân” muốn khám phá. Bản chất nữ giới là sự thiếu, và bản chất nam giới là sự thừa. Khi nam giới ái dục, hắn muốn tống xuất cái tinh hoa của mình cho bên ngoài, vì thế, đối tượng dục vọng của đàn ông là đàn bà. Khi nữ giới ái dục, họ muốn chất đầy chính mình bằng tinh hoa của kẻ khác. Và đối tượng ái dục cho họ là cho chính mình/ vì mình. Người đàn ông liều lĩnh giao mình cho đối thể, mong muốn người phụ nữ hy sinh vì mình. Ian Fleming viết rõ điều này trong loạt tiểu thuyết James Bond 007. Khi kẻ ác muốn giết 007, hắn nhắm vào người phụ nữ của chàng. Bill Clinton thành công trên chính trường vì bản chất của chính trị, một năng động dục tính nam giới, là thoả mãn mình bằng cách thỏa mãn kẻ khác. Bill hành lạc chính trị qua cảm giác tha nhân. Còn chính trị gia Hillary Rodham là hiện thân của aí dục qua sự thoả mãn chính mình. Bà muốn trở thành tổng thống Mỹ vì tự bản chất bà muốn đong đầy lịch sử nữ quyền bằng thể thức và quyền hành theo kiểu mẫu của đàn ông. Bà không ngừng cổ vỏ sự bình đẳng phụ nữ tại những nơi bà bước chân đến trên khắp thế giới. Cái thiếu vắng của người phụ nữ là không có mô hình gía trị nào hơn ngoài sự vươn lên bắt chước phong hóa quyền lực nam giới, mà nội dung tự nó vốn đã là ảo giác và đầy dối trá. Khi người chính trị nam dối trá cho quyền lực là chuyện tự nhiên, nhưng khi người phụ nữ làm theo thì nàng đã đánh mất chính mình.

 

Chính trị Mỹ thuộc về thế giới bảo thủ và lạc hậu, và chưa có khả năng sản xuất được một lãnh tụ phụ nữ. Tính chất hiển nhiên của định chế tranh cử tồng thống là một trò chơi thể thao cho nam giới. Một thứ football đầy lao lực trên bình diện ý chí, chính trị đại chúng với phí tổn truyền thông lớn lao. Và còn đòi hỏi một làn da mặt thật dầy để xin tiền gây qũi. Khi Hillary Rodham chấp nhận cuộc chơi này, bà đã vươn tay qúa đầu mình.

 

Trung Đạo