"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Con Cái Và Ước Mơ Của Cha Mẹ 

Ngoài mục đích chính là đi tìm tự do, một trong những động cơ quan trọng nhất thúc đẩy người tỵ nạn vượt biên là hy vọng cho con cái mình một tương lai tươi sáng hơn. Chúng ta muốn tạo điều kiện cho các cháu mau lớn, ngoan và học hành tấn tới. Nghĩa là mong các cháu sức khỏe và phát triển tốt về thể chất cũng như tinh thần.

Thứ nhất là về thể chất. Lúc đứa bé mới chào đời, mối lo lắng duy nhất của người cha hoặc người mẹ có lẽ chỉ là làm sao cho được "mẹ tròn con vuông". Nghĩa là làm sao cho người mẹ không bị làm băng chảy máu quá nhiều hoặc bị nhiễm trùng, tính mạng bị đe dọa, làm sao cho em bé không bị ngộp, không bị tật nguyền, không bị nhiễm trùng phải nằm săn sóc lâu dài trong nhà thương. Một đứa bé lúc mới sanh vì sanh non, hoặc vì yếu đuối có thể là một mối bận tâm to lớn trong suốt thời gian nằm trại săn sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.Nền y học của Mỹ thuộc loại hiện đại và đắt tiền nhất thế giới, những kỷ thuật tân kỳ trong phòng săn sóc đặc biệt trẻ sơ sinh có khả năng cứu sống những bé thiếu tháng nhỏ nhất, những thương tật phức tạp nhất. Nhưng với hai giới hạn: những dư chứng cũng như biến chứng do trị liệu có thể sẽ còn tồn tại lâu dài, và giá cả, tiền bịnh viện phí có thể rất cao. Nếu không có bảo hiểm y tế (ví dụ mới qua Mỹ, thất nghiệp), gánh nặng về tài chính có thể rất cao, lên đến hàng trăm ngàn đô la trong một số trường hợp và làm cho gia đình cháu mang nợ suốt đời. Những cháu mang tật bẩm sinh như sứt môi, bệnh tim, bệnh xương cần phải theo dõi và điều trị lâu dài, thường bằng nhiều lần giải phẫu.

Cho nên giấc mơ lúc đầu của cha mẹ thường là một ước mơ rất bình thường, tuy đôi khi không đạt được: Một đứa trẻ bình thường biết khóc, biết thở, biết la và biết bú, một con búp bê tuyệt hảo của trời cho.

Lúc cháu về nhà rồi là lúc bắt đầu những ước mơ khác. Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại đến xem tướng cháu, nhìn tai nhìn mũi, sờ nắn chân tay xem cháu có tốt tướng hay không, các dì cô cậu ước mơ cháu trở thành tài tử ti vi và đặt cho cháu những cái tên chọn từ những ca sĩ, nhân vật ti vi nổi tiếng và thời thượng nhất. Rồi xem cháu có đen hay trắng (mối lo này có vẻ giảm đi trong những năm gần đây, nhất là từ ngày Obama lên làm tổng thống), mũi có xẹp không, mắt có cần giải phẫu thẩm mỹ sau này không (mặc dù phần lớn bé nào cũng mũi nhỏ, mắt mở không ra vì bé mới đẻ thường như vậy, chưa có những nét của người lớn). Mẹ cháu thường thắc mắc tại sao da cháu không được mướt như da mình mà lại mọc mụn (cũng gọi là acne, cùng tên với mụn thiếu niên) hoặc sần sùi không được đẹp như da Barbie Doll. Nói chung những đặc điểm của một bé sơ sinh có thể làm cho gia đình thắc mắc về nhan sắc của cháu, tuy nhiên mọi việc đâu cũng sẽ vào đấy.

Ngày tháng qua, hết đầy tháng lại thôi nôi (12 tháng). Từ sáu đến mười hai tháng, cháu bắt đầu bập bẹ phát âm đôi tiếng, ‘ba ba” “ma ma”, đến lúc chúng một tuổi rưỡi thì nói được chừng mười tiếng trở lên. Lúc mừng thôi nôi là lúc cha mẹ muốn đoán xem em bé lớn lên sẽ làm gì, nghề văn hay nghề võ, cầm viết, cầm búa, cầm kềm hay cầm kiếm dao? Ngày xưa, sanh con trai bắn cung bằng gỗ cây dâu, tên bằng cỏ bồng để mong "tang bồng hồ thi". Ngày nay mộng ấy không khó gì, có tiền mua vé máy bay hoặc đi tàu, đi "cruise" thì nam bắc đông tây gì cũng có thể tới được một cách dễ dàng. Mộng tân thời hơn là con trai lớn lên được thành cầu thủ football và con gái trở thành tài tử xi nê, ti vi, hoặc "model" nổi tiếng. Cho nên cha mẹ ở xứ này lo lắng không ít về bề ngoài thể chất của em bé sau này: Cháu có cao to "hơn Mỹ" không, hoặc ít lắm có cao hơn ba nó hoặc mẹ nó không? Chân cháu cứ mãi sẽ phải bị cong như lúc còn baby hay không, tướng đi có còn hai hàng như vậy không?

Về câu hỏi nếu đủ điều kiện về dinh dưỡng, người Việt có thể to con bằng Mỹ không, chưa có câu trả lời dứt khoát vì chúng ta chưa ở đất này lâu lắm đủ để biết kết quả của dinh dưỡng, khí hậu, phong thổ như thế nào. Tuy nhiên kẻ viết bài này có cảm tưởng con nít chúng ta sẽ cao lớn hơn rất nhiều thế hệ trước và nói chung chúng ta cũng sẽ nhỏ con hơn người da trắng hoặc da đen một chút. Những khảo cứu gần đây tại Saigon và Hà nội cho thấy thanh niên Việt cao trung bình chừng 165 cm, so với trung bình ở Mỹ cho đàn ông trên 18 tuổi là 175 cm hay 5 feet 9 inch. Thanh niên Mỹ gốc Việt có thể cao hơn, do dinh dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên cũng có những giống da trắng không phải gốc Anglo-Saxon như Do Thái, Trung Âu có lẽ cũng không to lớn gì hơn chúng ta mấy. Và thống kê mới đây cho thấy thanh niên Nhật nay đã cao bằng thanh niên Mỹ. Ngược lại ngay khi nói đến "người Việt Nam" chúng ta cũng đã bao gồm nhiều nhóm người không đồng nhất cho lắm về yếu tố di truyền quyết định chiều cao cũng như sức nặng.

Nói chung chiều cao sức nặng tương lai tùy thuộc một phần vào tầm thước của người cha cũng như người mẹ và mặt khác cũng tùy thuộc vào dinh dưỡng, cách ăn uống và nếp sống, sức khỏe của đứa bé đó.

Về những khía cạnh khác như tướng đi, bụng lớn bụng nhỏ, ngực lép, ngực ức bồ câu nhô ra hay ngực lõm, phần lớn các trường hợp hiện nay chưa có những chữa trị đáng kể, phần đông không cần chữa trị gì cháu cũng khỏi vì đây chỉ là những thay đổi tự nhiên lúc cháu trưởng thành. Tuy nhiên cần có ý kiến của bác sĩ chuyên môn nếu có thắc mắc, để chữa trị những trường hợp nặng (ví dụ nếu lồng ngực lõm vào nhiều quá, có thể giải phẫu đẩy xương ức lồi ra) hoặc ít lắm cũng làm cha mẹ yên tâm hơn.

Qua được một hai năm đầu tiên, lúc cháu đã đi vững và nói khá là lúc bắt đầu cha mẹ phải đắn đo cân nhắc về các phương pháp áp dụng các biện pháp kỷ luật gia đình, hầu giữ con mình vào nề nếp. Theo phong tục, chúng ta trọng lễ nghĩa theo lề lối Á đông: "Tập ăn tập nói", "tiên học lễ hậu học văn", chú trọng về cách ăn nói thưa gởi. Cháu bé có thể quen cách cư xử học từ các bạn Mỹ, hoặc do ảnh hưởng của nếp sống Mỹ thể hiện trên ti vi và phim ảnh, có thể có cách ăn nói, lối đi đứng tự do và phóng khoáng hơn. Mặt khác cháu có thể gặp khó khăn nói tiếng Việt một cách lễ phép như ý cha mẹ mong muốn, mặc dầu chẳng muốn nổi loạn gì cả. Cha mẹ quyết tâm áp đặt ý chí muốn uốn nắn con của mình có thể trở nên quá cứng rắn, đôi lúc áp dụng trừng phạt thể xác quá mức xã hội Mỹ chấp nhận. Mặt khác một số cha mẹ vì như mất định hướng trước một xã hội hoàn toàn khác biệt, e ngại không dám truyền đạt cho con cái mình những giá trị tinh thần mà mình vẫn tin tưởng, sợ bị chê là hủ lậu, chậm tiến. Họ để mặc chúng tùy tiện lựa chọn lối sống của chúng theo ảnh hưởng của bạn bè hoặc của các truyền thông đại chúng như báo chí và phim ảnh. Kết quả là lắm khi đứa trẻ trở thành càng lúc càng xa lạ đối với gia đình và cha mẹ mình, đôi khi chối bỏ hoặc hổ thẹn về nguồn gốc chủng tộc văn hóa của gia đình mình. Khi những cha mẹ Việt Nam này tìm sự giúp đỡ từ giới y tế hoặc các chuyên gia xã hội, lắm khi họ lại gặp nhiều trở ngại: khó khăn tài chính, thiếu thì giờ vì phải dành cho sinh kế, và khó tìm ra người chuyên về bệnh tâm thần hoặc về vấn đề xã hội , thông hiểu     tiếng Việt và thông cảm với hoàn cảnh của người Việt.

Vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn là một trong những nơi có cuộc sống đắt đỏ nhất. Một phần lớn gia đình sống trong những vùng loại này có mức sống vật chất cao và do đó nhu cầu vật chất, tiền bạc để đài thọ cuộc sống đó cũng cao hơn các vùng khác, và nhất định là cao hơn các gia đình ở Việt Nam. Do đó đối với những gia đình Mỹ, hai vợ chồng cùng đi làm việc,thậm chí mỗi người hai "job", là chuyện thường gặp. Vợ chồng con cái do đó ít có thì giờ hàn huyên sinh hoạt với nhau. Ngay những lúc thật quý hóa lắm gặp được nhau thì thời giờ cũng dành cho những sinh hoạt có tính cách một chiều như coi ti vi (nhất là hiện nay mỗi người một cái iphone, ipad, laptop xem và nghe riêng), đi du lịch, mở party tiếp bạn bè, không thuận tiện mấy cho đối thoại hoặc trao đổi suy nghĩ, tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Thêm vào đó chúng ta có những khó khăn riêng của người tỵ nạn như một số người phải kiếm thêm tiền phụ trội, để gởi về Việt Nam, một số người phải kiếm thật nhiều tiền để tậu nhà cửa thực hiện một giấc mơ của hầu hết mọi người di cư muốn tạo gốc rễ mới nơi quê hương mới.

Về yếu tố con người cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Hầu hết các cha mẹ trung niên trước đây trưởng thành trong xã hội bảo thủ của Việt Nam, với ảnh hưởng nặng nề của tam giáo, nhất là đầu óc nặng về tôn ti trật tự của Khổng giáo. Xã hội Mỹ lại là một xã hội cổ võ và tuyên dương sự bình đẳng và sự tự do lựa chọn của cá nhân dù cá nhân đó là con nít hay người lớn. Một số nào đó trong giới phụ huynh Việt Nam trước đây cũng được hấp thụ quan điểm phóng túng của văn hóa phương Tây lúc họ lớn lên giữa thời thập niên 60 với những phong trào hippy, hiện sinh, vv... Ngay những người này nay cũng đã quá tuổi trung niên. Họ có thể quên những giấc mơ phóng khoáng của chính mình hồi còn trẻ và lại trở nên rất gắt gao bảo thủ trong việc giáo dục , cư xử đối với con cháu mình.

Nói chung, sau khi đặt được những nền móng căn bản cho cuộc sống vật chất như có việc làm, mua nhà tậu cửa, con cái lớn lên tai qua nạn khỏi, qua khỏi những năm đầu cứ phải bệnh vặt, hết đi khám bác sĩ liên miên, lúc này là lúc mà chúng ta phải đối phó với những quyết định tinh thần khó khăn nhất đối với việc nuôi nấng dạy dỗ con cái chúng ta. Những năm cuối của trường trung học, điểm GPA trong lớp cũng như điểm thi trắc nghiệm như SAT sẽ là những yếu tố quan trọng quyết định. Cháu vào được trường đại học nào (ivy league hay community college?), hướng vào những nghề nào? Sau bao nhiêu năm tháng hy sinh,chăm sóc, đưa đón,"gò" đứa con cưng, đây có thể là "giây phút sự thật". Phấn khởi,tự mãn cũng có, mà thất vọng, hụt hẫng cũng thường. Thôi thì, cũng đành, trách móc con cái quá đôi khi đem đến những thảm cảnh bi đát. Nên nhớ, nước Mỹ là nơi của các cơ hội thứ nhì, hay...thứ ba. Vả lại, đã qua rồi cái thời mà cha mẹ mong con mình thực hiện được giấc mơ dỡ dang của chính mình.

Từ việc sinh hoạt bạn bè của con cái, lúc nào cho chúng có bạn trai bạn gái, có nên cho chúng liên hệ tình cảm với người khác chủng tộc? Có nên ép buộc chúng học nghề mà chúng không thích nhưng có công ăn việc làm vững chắc khó bị "lay off" hay không? Có bắt chúng phải lấy vợ, chồng người Việt hay không? Thật rất nhiều vấn đề làm cho người cha mẹ Việt Nam phải bận tâm.

Trong khi đó thì giờ rảnh rỗi để suy nghĩ thì không được bao nhiêu sau khi đi làm hai "job", mà nhìn lại thế hệ trước để rút tỉa kinh nghiệm theo gương người xưa thì cũng khó vì hoàn cảnh xã hội văn hóa hoàn toàn khác. Chỉ còn nước học hỏi kinh nghiệm của các sắc dân Á châu khác như Nhật, Trung Hoa, Ðại Hàn từng định cư ở xứ này qua nhiều thế hệ hầu mong tránh vết xe đổ chăng? Nhưng những gương của các nhóm này xem ra không sáng sủa gì lắm cho cộng đồng chúng ta và như trên đã nói, thời thế thay đổi rất nhanh.

Nói tóm lại, càng mơ ước nhiều cho tương lai các cháu, chúng ta lại càng lo thêm. Lo vì chúng ta mong đợi quá nhiều ở khoa học, ở xã hội này với tất cả cơ hội mà nó có thể mang đến cũng như những thay đổi mà bắt buộc chúng ta phải trải qua dù muốn hay không muốn. Có những lúc chúng ta có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các người chuyên môn trong đủ mọi ngành khác nhau. Chúng ta có thể trông cậy người "babysitter" nuôi bé lúc ta đi làm, bác sĩ nhi khoa lo lắng, chạy chữa mỗi khi bé bệnh, thầy giáo dạy em nói, bác sĩ tâm thần an ủi em, hướng dẫn em lúc cháu bị khủng hoảng tinh thần hay chán nản, buồn khổ. Nhưng có một điều mà chúng ta không thể phó thác cho ai khác làm thế cho chúng ta được, đó là vai trò làm cha mẹ để sống với con cái lúc chúng cần sự hiện diện của mình và tạo cho chúng một vai trò gương mẫu (role model) để chúng có thể tìm được lẽ sống cho riêng mình và tìm thấy ý nghĩa của vai trò mình trong lòng tập thể gia đình và xã hội.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

13 th 5, 2013