"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

Nuôi con ở Mỹ: Phụ huynh thế hệ lỡ nhịp, nuôi con từ xa và phụ huynh trực thăng

(Skipped generation families, teleparenting and helicopter parents in Vietnamese Americans).

 

Trước 1975, trong hoàn cảnh chiến tranh, không ít người trong chúng ta sống trong một gia đình vắng mặt cả cha lẫn mẹ. Có thể là người cha đi lính, mẹ buôn bán tảo tần hoặc đôi khi làm một việc nào đó nơi xa để nuôi gia đình. Có những trường hợp người cha chết trận, mẹ lấy chồng khác để con thơ lại cho ông bà nuôi. Những đứa trẻ không phải là mồ côi nhưng phải sống với những người bà con khác thế cha mẹ mình, thường là ông bà nội ngoại. Thế hệ ông bà, những người bốn mươi trở lên, sau khi đã nuôi nấng con cái trưởng thành, tưởng sẽ được nghỉ ngơi tuổi trung niên hay tuổi già, lại thêm một lần nữa lãnh nhiệm vụ nuôi trẻ con.  Thế là những người cha mẹ trẻ tuổi đã vì một lý do nào đó , vắng bóng trong dây chuyền các thế hệ đi từ ông bà, tới cha mẹ, tới con, tới cháu. Thế hệ này, ở Mỹ hiện nay gọi là skipped generation, thế hệ bị nhảy băng qua trong gia đình, lỡ nhịp (giống như trái tịm đang đập đều đặng bỗng bỏ lỡ đi một nhịp, các bác sĩ gọi là skipped beat.). Các gia đình (hộ) này gọi là skipped generation household (hoặc skip generation household).

Theo một bài báo mới đây đăng trong The New York Times, hiện tượng này tăng nhanh trong những năm gần đây, nhất là trong giới Da Đen ở các đô thị lớn như Washington DC . Năm 1990 có 1,3 triệu gia đình loại này ở Mỹ, thì nay có khoảng 2,5 triệu hộ loại này. Trong các gia đình này, người đàn ông hoặc chết, hoặc bị bịnh AIDS, ghiền xì ke ma túy, hoặc bị ở tù, và người mẹ, vì một lý do nào đó như vị thành niên, mắc bịnh tâm thần nên đứa trẻ không có người giám hộ hợp pháp chăm sóc. Hệ thống foster care (cha mẹ nuôi tạm thời) hiện phụ trách cho chừng 500.000  trẻ con tại Mỹ. Tuy nhiên foster care đắt tiền (80.000 dollar một năm cho mỗi trường hợp). Hơn nữa theo luật định, trẻ không được ở với foster parents  quá 15 tháng  (trên thực tế trung bình 30 tháng) và sau đó phải trả về gia đình của nó hoặc giao cho cha mẹ nuôi thực thụ (adopted parents). Trước đây chính phủ không biết giao những đứa trẻ này cho ai, một phần vì nếu bà con ông bà lo cho chúng nó thì chính phủ không chịu trợ giúp. Một chiều hướng gần đây bắt đầu thịnh hành là chính phủ chính thức  giao đứa trẻ cho những người thân thuộc của nó nuôi, thường là ông bà của đứa trẻ, hoặc cô, chú.. của nó… Những người này được quyền giám hộ hợp pháp  (legal guardmanship to replace foster care, trước đây gọi là kinship care program) và được nhà nước tài trợ.

Có những  trẻ con Việt nam ở Mỹ cũng rơi và những trường hợp gia đình “nhảy một thế hệ” tương tự. Một số trẻ bị cha vào tù, mẹ mắc bịnh tâm thần, ở với ông bà của mình. Tuy nhiên những người Việt  lớn tuổi ở Mỹ thường không có đủ khả năng về vật chất (sống nhờ trợ cấp (welfare), hay lương thấp, nhà trọ chật chội) và thiếu kỹ năng cần thiết để chăm sóc dạy dỗ trẻ em (như không biết tiếng Anh, không biết khai thác các dịch vụ xã hội). Một số trẻ, sau nhiều lần bị bỏ bê (child neglect) và được dịch vụ bảo vệ trẻ em (child protective service) để ý tới, cuối cùng phải giao cho foster parents, và lần hồi được những người Mỹ nhận làm con nuôi chính thức. Những trẻ này phần lớn sẽ dần dần quên hết quá khứ Việt nam của mình và “hội nhập” hoàn toàn vào gia đình cha mẹ nuôi, và đây cũng là một điều đáng mừng cho các cháu (nếu chúng ta tạm thời khoan nghĩ đến những thiếu thốn về tình cảm và những nuối tiếc về nguồn gốc và bản sắc [identity] có thể có lúc em lớn lên.)

Tuy nhiên, điều mà chúng ta nên để ý nhiều hơn là một hiện tượng khác có vẻ như càng ngày càng phổ biến ở Mỹ. Có những gia đình mà người cha và người mẹ hầu như luôn luôn vắng mặt trong nhà. Người cha cũng như mẹ thường đi làm việc từ sáng sớm đến tối mới về. Một số cha mẹ người Mỹ cũng vậy, chỉ khác người Mỹ thường không có ông bà đứa trẻ sẵn lòng ở nhà coi chừng nó, nên người  Mỹ nếu muốn để con ở nhà phải mướn người giữ trẻ khá tốn kém (như mướn các cô gái trẻ au-pair từ Châu Âu sang, hoặc các nannies từ Philippines sang), hoặc phải gởi chúng đi nhà trẻ khá đắt tiền và nhất là có giới hạn giờ giấc. Hình như chỉ có các cặp vợ chồng trẻ Việt nam chúng ta là được cái xa xỉ giao con cái cho ông bà chúng (thường là từ Việt nam mới qua), nhiều khi cả tuần không thấy mặt con. Sáng sớm đi làm thì con chưa dậy, khi về thì con đã ngủ rồi. Cho nên, tuy nhìn qua, thấy vẫn ông bà cha mẹ con cái đề huề một nhà, trên thực tế, lắm gia đình của chúng ta cũng là skipped generation household.

Một trào lưu khác đang nẩy nở trong lối nuôi con của người Việt hải ngoại chúng ta là gởi con về Việt nam cho ông bà, cô dì của chúng nuôi dùm, vài tháng, có khi vài năm. Trong lúc cha mẹ chúng ở Mỹ ráng làm tiền thật nhiều, gởi về trả người nuôi bé, trang bị nhà ở Việt nam đủ mọi thứ tiện nghi như máy lạnh, TV video, và cho cháu học trường tư, dạy tiếng Anh, đi bác sĩ ngoại quốc. Nếu gọi những gia đình này là skipped generation thì cũng không sai. Làm cha mẹ theo lối này chúng ta có thể tạo nên một từ mới và gọi là “teleparenting” cũng được, giống như hiện nay một số người khỏi cần lái xe đến sở làm (commute), mà chỉ cần ngồi nhà trước computer nối liền với nơi làm việc bằng internet và điện thoại. Những trẻ được nuôi nấng từ xa này sẽ thiếu vắng người cha và người mẹ trong những năm tháng mà tình cảm gắn bó cha con mẹ con nẩy nở mãnh liệt nhất. Chắc rằng  sự vắng bóng của cha mẹ chúng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về sau này của các em (về khả năng hiểu biết, về ý thức kỷ luật, về tình cảm , cách đối xử với người chung quanh) , mặc dù có thể có những điểm lợi cũng đáng kể trước mắt ( trẻ sống ở Việt nam được chiều chuộng, săn sóc hơn vì nhân công ở Việt nam rẻ, những dịch vụ như giải trí, khám bịnh, thầy giáo dạy kèm có thể rẻ tiền hơn và dễ kiếm hơn).

Người cha mẹ lúc đầu có thể lo lắng, nhớ con, hơi có mặc cảm "tội lỗi” vì mình không gắn bó với đứa con trong những năm tháng với những  mốc phát triển (developmental milestones) của nó, như lúc cháu biết ngồi, cháu biết kêu “ba” , cháu chập chững biết đi…. Nhưng nuôi con qua điện thoại dần dần rồi cũng quen, nhất là đối với những người bận rộn, “lu bu” trong công việc. Vắng mặt đứa con là sợi dây nối liền giữa hai vợ chồng, đôi khi tương quan giữa cha mẹ của bé cũng như muốn tan rã. Tuy nhiên, đứa trẻ được ông bà của nó là những người trung niên hoặc già dặn tuổi đời và nhiều kinh nghiệm sống hơn cha mẹ chúng; đấy có thể là những điểm tốt cho sự nuôi dưỡng và giáo dục chúng và trường hợp này khác một số những gia đình ở Mỹ. Trong số lớn những gia đình skipped generation trên đất Mỹ, thế hệ ông bà bì thất học, nghiện ngập hoặc phạm pháp, đã từng thất bại trong sự giáo dục con cái của chính họ, thì nay đến lúc họ phải phụ trách nuôi nấng thêm một thế hệ nữa, khả năng để thoát ra khỏi vòng lẫn quẩn thật ít ỏi.

 

Đối nghịch với hoàn cảnh trên là một hoàn cảnh gia đình khác cũng đang làm các nhà giáo dục Mỹ cũng như những bác sĩ nhi khoa phải nhức đầu. Thay vì người cha mẹ vắng mặt  trong gia đình như trong thế hệ lỡ nhịp thì ta lại có những phụ huynh mà ở đâu cũng có mặt: trong lớp học để canh thầy giáo có lơ là con mình hay không, trong phòng họp với thầy và hiệu trưởng để kỳ kèo thêm từng điểm, trong phòng khám bịnh để sửa sai từng câu nói con mình khai bịnh, cha mẹ giành viết bài luận văn (essay) của con trong lúc con xin vô đại học, ngay cả lúc con xin interview xin việc cũng đi theo thăm dò luôn. Người Việt chúng ta dễ thông cảm những thái độ “quá kỹ” kiểu này và nếu không bị giới hạn bởi khả năng Anh ngữ và văn hóa, có lẽ chúng ta cũng sẽ rất sẵn sang “nhào vô” lo giùm con cái. Tuy nhiên người Mỹ đặt nặng tính tự lập của mỗi con người đang trưởng thành. Họ khuyến khích cha mẹ nhận lãnh trách nhiệm trong giáo dục con cái mình nhưng không can thiệp tới mức làm cho đứa trẻ thấy nó mất vai trò quyết định chủ động, mất đi tính xông xáo, tự tin và khả năng hành xử một cách độc lập căn cứ trên phán đoán của mình. Những cha mẹ ở đâu cũng có mặt đó người Mỹ gọi là helicopter parents, tựa như trực thăng bay luôn luôn lởn vởn trên đầu theo dõi đám đông biểu tình.

Người Việt chúng ta có câu: “Nhà giàu đứt tay bắng ăn mày đổ ruột”. Cái ý mỉa mai của câu nói nhiều khi làm người ta quên rằng, đôi khi người ta có thể chết vì biến chứng của một vết thương nhỏ như ngón tay bị đứt. Vết thương đổ ruột có thể dễ hồi phục , ít có biến chứng hơn ở những người gọi là nghèo, vì những người này do cuộc sống dãi dầu, có thể có đề kháng tốt hơn, có sức chịu đựng tốt hơn, không bị những bịnh như tiểu đường (diabetes), mập phì (obesity) làm vết thương khó lành . Cho nên nói gì thì nói, người có tiền có của, kiến thức càng nhiều, phương tiện càng nhiều  thì càng lo lắng  cho con cái họ nhiều hơn, và muốn ‘bao dàn’ về mọi mặt cho cuộc sống của chúng nó. Vì cha mẹ của chúng muốn đứa con trở thành “đại tác phẩm” (masterpiece) để đời của mình,  do đó cố gắng quản lý mọi mặt đời sống của con mình, thay thế chúng lo mọi việc , nói theo kiểu Mỹ là “đút ăn tới miệng bằng muỗng bạc”. Đứa trẻ có thể trở thành một con người cái gì cũng biết qua (như học trường đắt tiền, chơi các môn thể thao “quí phái” và tốn kém), trải nghiệm (experience) đủ mọi thứ hiếm hoi trong đời như đi du lịch châu Phi, Alaska vân vân. Nói một cách khác, người con trai hay gái sẽ có một cái resumé rất “ấn tượng”, đủ để ban xét đơn nhập học (admission committee) trường đại học nổi tiếng  nào mà cháu nộp đơn xin học cũng sẽ thán phục. Những vùng giàu có ở Mỹ như vùng Bắc Virginia này là những nơi loại “dịch” này rất phổ biến. Những đứa trẻ này sống trong sự gò ép liên tục, luôn luôn bị stress và cuộc sống luôn luôn bận rộn, ngày sinh hoạt của chúng không khác gì thời khóa biểu của một giám đốc công ty lớn. Sau bề ngoài thành công, chúng có thể rất khổ sở và bị nhiều triệu chứng trầm uất (depression), lo âu (anxiety) và lạm dụng thuốc (drug abuse).

Gần đây  báo Washington Post phỏng vấn   Madeline Levin, một tâm lý gia ở California từng nghiên cứu về những trẻ con của các  gia đình lợi tức rất cao, từ 120.000 đến 160.000  đô la /năm ở Mỹ. Bà công bố về những trường hợp này trong cuốn “The Price of Privilege’ (Cái Giá Của Sự Ưu Đãi) (Harper Collins xuất bản) trong đó bà nhận xét rằng các phụ huynh vì can thiệp vào cuộc sống con cái mình nhiều quá (over-involved parents) và áp lực chúng để chúng trở thành những ngôi sao (stars), đã tạo nên một thế hệ ‘cực kỳ thiếu hạnh phúc, tách rời với cuộc sống (disconnected) và thụ động. Những trẻ giàu có này thường không được gia đình đem đi bác sĩ tâm lý chữa trị vì như thế sẽ mất cái bề ngoài hoàn hão và sẽ có thể làm gia đình tai tiếng. Đặc biệt, con gái những nhà giàu có (upper middle class) dễ bị depression hơn gấp ba lần các cô gái khác cùng tuổi. Theo Levin, đây là một loại văn hoá của sự trù phú (culture of affluence), nặng về chủ nghĩa vật chất (materialism), chú trọng về cạnh tranh (competition) hơn là sự cộng tác (cooperation) giữa người trẻ. Phụ huynh vì sợ con mình không thành công theo ý muốn, điều khiển và quản lý mọi khía cạnh của cuộc sống của đứa trẻ nên làm cho đứa trẻ không có cơ hội để tự tìm hiểu về chính nó và về cuộc đời qua những kinh nghiệm bản thân và từ những thất bại của nó dùng chúng như những bài học để đối phó với những thử thách mới. (“Kids aren’t having the experiences that are mandatory for the healthy child development-and that’s a period of time to be left alone, to figure out who you are, to experiment with different things, to fail, and to develop a repertoire of responses to challenges’). 

Đại đa số cha mẹ đều đặt quyền lợi của con mìnnh trên hết mọi thứ, kể cả hạnh phúc cá nhân của mình. Người tị nạn chúng ta phải củng cố địa vị trong xã hội mới bằng mọi cách. Thế hệ đầu tiên tị nạn dễ rơi vào hoàn cảnh skipped generation household vì một số thực tế xã hội và kinh tế. Truyền thống Việt nam chúng ta lại đặt nặng vai trò giáo dục trong mục tiêu thành công vật chất cũng như địa vị  trong xã hội Sau khi an cư lạc nghiệp, làm ăn khá giả, quen thuộc văn hóa Mỹ và khả năng tiếng Anh khá rồi, chúng ta dễ rơi vào thái cực bên kia, quá hăng say và trở thành “phụ huynh trực thăng”. Người xưa nói làm người khó thay, thì trong xã hội Mỹ   thế kỷ thứ 21 dạy con nên người lại càng khó hơn nữa.

Chúng tôi xin nêu một số hoàn cảnh đáng chú ý để mỗi phụ huynh trong chúng ta suy gẫm, để ý thức nhiều hơn về vai trò của mình trong đời sống con cái chúng ta.

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Falls Church ngày 28 tháng 8 năm 2006.