"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

  

SỰ GẶP GỠ GIỮA THIỀN, HỘI HOẠ VÀ VĂN THƠ QUA CON NGƯỜI VÕ ĐÌNH MAI

 

“Hội họa: một ngôn ngữ của thân tâm.” - Võ Đình 

Nhân ngày giỗ kỷ niệm 4 năm của Hoạ sỹ, nhà văn Võ Đình Mai, chúng tôi mạn phép nói về đề tài này. Vậy, hội họa là gì? Theo hoạ sỹ Võ Đình, "Hội họa là gì nếu không là một phương cách biểu hiện của con người trước thực tại. Và thực tại thì luôn luôn chuyển động, luôn luôn biến hóa, thực tại là thường trong cõi vô thường.” (Mây Chó, 2004). Hội hoạ, có thể nói, là một phương pháp thực hành để đưa ta đến thực tại Chân như, Chân-Thiện-Mỹ, Giải thoát, Niết bàn, Giác ngộ v.v... À thì ra tất cả chỉ là phương tiện, là ngón tay chỉ mặt trăng. Trong chương “Thanh Tịnh Tuệ” của Kinh Viên Giác, Hoà Thượng Thích Trí Quang có dạy rằng "Biết kinh pháp cũng chỉ như ngón tay chỉ mặt trăng, hãy nhìn mặt trăng và biết ngón tay không bao giờ là mặt trăng cả; biết mọi ngôn ngữ của Như lai chỉ dạy cho Bồ Tát toàn là như vậy. Đó là sự thích ứng viên giác của Bồ tát bước đã tới thập địa.” Vậy, có thể nói, tất cả những ngôn ngữ, điêu hoạ và tri kiến của hành giả có thể là những trở ngại, nếu chúng ta quên mất mục tiêu của đời mình. Hay nói một cách khác, chúng ta phải là người thực hành pháp môn đã chọn trong cuộc đời của mình. Đó mới là cứu cánh.

           Trong hội hoạ, như cụ Võ Đình dạy cho học trò ruột Eddie của mình, “Vẽ là một cách luyện tập trong chánh niệm. Không cần phải là một họa sĩ. Khi bước đi, hãy nhìn xuống. Thấy màu sắc nho nhỏ ẩn hiện trong ngọn cỏ, lá cây, và cát bụi. Thấy hình tượng trong mọi sự vật. Sắc màu thiên nhiên chan hòa trong nhau”. Người còn chia sẻ thêm: “Hãy nhớ rằng hội họa hài hòa giữa ‘hai thái cực’: tự do/kỷ luật; liều lĩnh/chính xác; uy dũng/dịu dàng”. Câu này được dịch trong cuốn Mai VoDinh - Thoughts and Paintings như thế này, "Remember that good art is a harmony between opposites: Freedom/Discipline; Boldness/Accuracy; Power/Gentleness." 

Trong hội hoạ của Võ Đình ta thấy bàng bạc thuyết bất nhị (không hai) trong cõi Thiền. Đó là một triết lý sống phủ nhận sự tồn tại độc lập vĩnh cữu của hai thực thể: có và không, trắng và đen, vật chất và tinh thần v.v... Một sự chan hoà tuyệt hảo giữa màu sắc và thẫm mỹ hay "cách vẽ/viết và quan niệm vẽ/viết". Ngoài ra, trong cõi hội hoạ của Võ Đình, chúng ta thấy cả văn chương. Vì theo ông, hội hoạ và văn chương: hai cũng như một, theo tinh thần Pháp hoa - một là tất cả, tất cả là một. Trong những tác phẩm Mây Chó (2004), Huyệt Tuyết: 10 Truyện - 10 Chuyện (Văn Nghệ, 2002), Một Cành Mai (An-Tiêm, 2005), Võ Đình Tuyển Tập (Văn Mới, 2007), Trời và Đất - 10 Truyện, 10 Chuyện (NXB Miền Đông, 2009)v.v..., chúng ta thấy cái tài, trí và cõi từ bi của ông. Ở những năm đầu vào sự nghiệp viết lách, ông viết bài: Tống Biệt vào năm 1945 như sau:

 

Nắng choàng ngang mái ngói

Rêu đọng màu cố tri

Hương vương đời tĩnh mịch

Nức nở tình chia ly

Lá vàng bay mấy lá

Ngõ rụng búp ấu thì

Tóc xanh không còn nữa

Đậm sương như lời thi

Nẻo buồn ngưng trắng lệ

Ra đi chẳng biết về

Mơ xưa chiều não nuột

Nắng vờn trên đồi quê.

 

Đây là bài thơ hay của một người tuổi còn trẻ, rất lãng mạn nhiều sắc thái và phong cách rất riêng, nhưng hơn hết đây là một bức hoạ tài tình của Võ Đình. Ở cái tuổi chưa đến "tam thập nhi lập", mà ông cũng nghiệm được thuyết vô thường của nhà Phật. Trong bài, “Nàng Thu Phong”, ta lại thấy cái không gian trầm mặc, tĩnh lặng, giữa vô thường lá rụng, giữa vô ngã lá bay. Bốn đoạn đầu như sau:

 

“Từ miền xa ta đến chốn này

rừng phong xơ xác lá vàng bay

ngồi coi mây trắng bay qua núi

cười cuộc ba sinh luống tháng ngày..."

 

Nhưng có lẽ đầm tĩnh và sâu sắc hơn là bài thơ một mình do nhạc sĩ tài ba Lam Phương phổ nhạc. Lời thơ nhẹ nhàng sâu sắc, cuộc sống mong manh vô thường như nắng xuyên qua lá, như sương đọng trên cành. Bài thơ được phổ nhạc này là một trong những bài hát mà chúng tôi rất thích từ ngưỡng cửa đại học.

 

Sớm mai thức giấc

nhìn quanh một mình

Ngoài hiên nắng lóe

đàn chim giật mình

Biết lời tỏ tình

đã có người nghe

 

Nắng xuyên qua lá

hạt sương lìa cành

Đời mong manh quá

kể chi chuyện mình

Nắng buồn cuộc tình

bỗng tắt bình minh

 

Đường xưa quen lối

tình dối người mang

Tình duyên trăm mối,

một kiếp đa đoan

Cố tìm cuộc tình

chồng chất ngổn ngang

 

Còn bao lâu nữa

khi ta bạc đầu

Tình cờ gặp nhau

ngỡ ngàng nhìn nhau

Để rồi có còn

gì nữa cho nhau

 

Sáng trưa khuya tối

nhìn quanh một mình

Đường quen không tới

tìm nhau ngại ngùng

Chỉ vì đời mình,

chưa có bình minh ....

..........

 

Sớm mai thức sớm

Nhìn quanh một mình

Đời mong manh qúa

kể chi chuyện mình

biết lời tỏ tình

đã có người nghe

 

Sớm mai thức sớm

nhìn quanh một mình

Ngoài hiên nắng lóe

Đàn chim giật mình…” (Hương Xưa, 2013)

 

Đây là một sự nhắc nhở về cuộc sống hằng ngày để chúng ta yêu thương và trân quý thêm. Thật tuyệt vời, không nói nên lời, không viết thành văn, không vẽ ra tranh, tất cả những âm thanh, vàng loang những ánh sáng, là cõi Võ Đình Mai.

 

Cuối cùng, như chúng ta đã biết cuộc đời Võ Đình thật da dạng giữa nghệ thuật hội hoạ và văn chương. Cái chan hòa màu sắc đầy tình tự và nghệ thuật rất riêng của Võ Đình đã đưa ông đến nhiều ngã để ông nhận chân được cái vô ngã của cuộc đời và của chính ông. Vì thế ông đã thong dong tự tại về cõi vĩnh hằng như mây hồng lướt qua bầu trời xanh thẳm vào ngày 31 tháng 5, 2009.

 

Nhân ngày mất 4 năm của cụ Võ Đình và qua tình tỷ-đệ với chị Lai Hồng, cũng là một nhà văn và hoạ sỹ, em viết để chia sẻ nỗi mất mát chưa nguôi của chị. Yết đế yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha.

 

Tham Khảo.

1. Trần thị LaiHồng; Thầy Trò, http://litviet.com, Diễn đàn tháng 7, 2009, số 304 Bộ Mới, trang 14. Tải xuống từ

http://litviet.com/2009/06/20/tr%E1%BA%A7n-th%E1%BB%8B-laih%E1%BB%93ng-th%E1%BA%A7y-tro/

vào ngày 27 tháng 5, 2013

 

2. Nguyễn Mạnh Trinh, Nghĩ về một nghệ sĩ vừa ra đi: Võ Đình. Tải xuống từ

http://www.canh-en.de/vn-hc-ngh-thut-th-thao/25-vanhoc/663-ngh-v-mt-ngh-s-va-ra-i-vo-inh.html

vào ngày 27 tháng 5, 2013.

 

3. Trần thị LaiHồng, Võ Đình - VẼ và VIẾT. Tải xuống từ http://www.gio-o.com/TranThiLaiHongVoDinhVeVaViet.htm vào ngày 27 tháng 5, 2013.

 

4. Hương Xưa, Admin, Quy Nhơn, Việt Nam. Tải xuống từ http://huongxua.org/index.php?option=com_content&;view=article&id=4317%3Amt-minh&catid=1%3Aabout&lang=vi#addcomments

vào ngày 01 tháng 6, 2013.

5. Võ Đình, Võ Đình Tuyển Tập, Văn Mới California, 2007.

6. Hoà Thượng Thích Trí Quang, Kinh Viên Giác. Tải xuống từ http://quangduc.com/file_chinh/content-359-kinh_hantang.html vào ngày 01 tháng 6, 2013.

 

Bạch Xuân Phẻ