"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 Đọc và Giới thiệu

 Dự Báo Bùng Nổ Thơ Ca
của TS Nguyễn Phan Cảnh 

 

Đầu tiên là tiếng nói. Nhờ tiếng nói bên ngoài đó, con người cùng xây nên đời. Có thật, nhưng vô thường. Và nỗi vô thường của cuộc đời đã ngăn cấm ta nghe tiếng nói bên trong của chính mình. Tiếng nói sâu thẳm nhất. Nên cũng câm lặng nhất. Không đánh thức, tiếng nói bên trong sẽ từ chỗ câm lặng trước mỗi ánh mắt, mà dễ thờ ơ trước mỗi giọt nước mắt. Đến nhẫn tâm trước mỗi số phận, trước hết là số phận mình, chỉ là một bước. 
        Bằng lay gọi thường tình, ta đánh thức được con người, ra với đời. Vì đánh thức con người trong cơn mơ. Nhưng đánh thức tiếng nói bên trong là đánh thức con người đang trong cuộc tỉnh. Phải là một lay gọi mà đời thường chưa hề biết tới: đánh thức là đưa vào một cơn mơ mới. Để từ trong cơn mơ mới đó, mới thực sự tỉnh. Mà nghe thấy tiếng nói bên trong của chính mình.
     T
h ơ  r a  đ ờ i. 
        Chỉ giản dị, Thơ là tiếng lòng. Vì chỉ tiếng lòng mới lay gọi được tiếng lòng—cái tiếng nói bên trong, câm lặng trong Cõi Người Ta, để chờ đánh thức trong cơn mơ mới, Cõi Thơ.
                                                                            *
 

Đó là Tựa tập Dự Báo Bùng Nổ Thơ Ca của Tiến sĩ Nguyễn Phan Cảnh. 

Một tập hợp kỹ thuật chuyển hóa ngôn ngữ tân kỳ, dùng nhiều fonts chữ viết QR code hỗ trợ dấu Việt NeoReader, 1QR-free QR Code Scanner, QRcode Scanner; Barecode Generator, với ghi chú của tác giả: sách viết trong/cho thế hệ a còng @ và hậu-a còng @. Mời nhìn ngắm một trang của Dự Báo, dành cho Bùng Nổ Thơ Ca thế hệ cháu chắt:

 

du bao bung no tho van - 1b   

Đặc biệt của Dự Báo Bùng Nổ Thơ Ca: mỗi cuốn là duy nhất & có thể đa dạng chút xíu về sắc màu cùng dáng dấp (trang không số thứ 9 trong cuốn đề tặng). Tất cả đều do tác giả tự đảm nhiệm, từ kỹ thuật tân kỳ, từ viết—cố nhiên—đến đánh máy với nhiều fonts chữ, lay out, in ấn, đóng tập… tại nhà xuất bản La Giang Publishing, Canada, lưu chiểu số 1105622 tại Thư viện & Lưu trữ Canada 2011. 

Hình thức trình bày khác lạ là một thích thú khám phá chữ nghĩa, trân trọng và trang trọng, chữ Việt, chữ Nôm, chữ Hán, chữ Anh, chữ Pháp, chữ Đức, chữ Nga, chữ Tiệp… kèm nhiều trình bày tôi không thể diễn tả được trong bài này, mà phải cầm cuốn sách trong tay mới thấy hết mức phong cách tác giả trân quý ngôn ngữ loài người—và ngôn ngữ người Việt—đến mức độ nào! 

        Và nội dung, chỉ trong 564 trang, tác giả đã đề cao thơ lục bát Việt, thể thơ rất Việt, qua Kiều/Đoạn trường Tân thanh, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… cho đến Long Thành Cầm giả ca, Tiểu Thanh ký, Cổ phong, Biên từ, Tỳ bà hành… cho đến những tác phẩm của Tản Đà, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Bùi Giáng, Ngân Giang, Hồ Dzếnh, Huy Cận, Nguyễn Nhược Pháp… Tiến sĩ Nguyễn Phan Cảnh đã nhấn mạnh khả năng linh động thơ ca Việt diễn đạt từ ngũ ngôn, lục bát, thơ bảy chữ, tám chữ, thơ tự do… với  phong phú đa dạng qua ngôn ngữ ăm ắp thanh điệu của tiếng Việt. 

        Một cuốn sách không để giá, vì… vô giá, từ giá trị của chính cuốn sách.

 

 du bao bung no 2

Trong dịp xuống Houston giúp mấy tiết mục cho một bạn nghệ sĩ, cần một gánh lúa cho hoạt nhạc kịch Hò Giã Gạo miền Trung, hai chúng tôi đã ra ruộng… cỏ lác, cắt... lúa lác. Bản tính nghịch ngợm, tôi nhại hai câu của Ỷ Lan:

      Tay cầm bán nguyệt xênh xang

Một trăm bụi cỏ lác lai hàng tay ta…

       Ruộng có lác lẫn nhiều bụi dã quỳ/hướng dương dại gợi nhớ màu sắc Vincent van Gogh vàng rực Sunflowers, tôi cao hứng cắt luôn mấy cành, sẽ buộc vào hai bó lúa lác. Gánh vác lúa lác kèm thêm một chút màu sắc van Gogh, thú vị biết chừng nào!!!!

       Nắng tháng sáu Houston lên trên 100 độ F giữa trưa, mồ hôi nhỏ giọt, thánh thót… Phương Nga buột miệng tếu:

       – Cắt cỏ lác giữa buổi ban trưa

       Hai chị em tui mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày…

       Tôi nhìn bạn:

       – Ấy, trước kia tui cũng tưởng đó là ca dao mình, mô có ngờ rằng mấy câu đó dịch từ một bài Cổ phong của Lý Thân đời Đường.  

Khi mang cỏ lác về nhà, để minh chứng, tôi đưa Phương Nga đọc trang 266 và 267 trong Dự Báo Bùng Nổ Thơ Ca của TS Nguyễn Phan Cảnh: 

 

 du bao bung no - 3

 

 

vu an bung no 4

 

 

 

CỔ PHONG

Khuyết danh dịch

 

            Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi, bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

 

       Ôi Thơ Ca! Ôi thiên nhiên! Ôi chữ nghĩa! Ôi quê hương thân thương với ngôn ngữ Việt! Tất cả ăm ắp cuộc sống sinh động, mà chữ nghĩa truyền đạt, từ ngàn xưa cho đến bây giờ, và còn tiếp nối ngàn sau với tất cả đam mê gìn vàng giữ ngọc.

       Đa tạ tác giả Dự Báo Bùng Nổ Thơ Ca.

 

Trần Thị LaiHồng

Tiểu bang Bluebonnet, 1 tháng 7, 2013