"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

ongbavacnchau -1

Ông Bà và Con Cháu

Nhân đọc cuốn "Another Country" (Một Xứ Khác) nói về thế giới riêng rẽ của người già trong xã hội Mỹ, tôi gặp bài thơ "Grandmother" của thi sĩ người Mỹ Marilyn Krysl. Bài thơ nói về tình cảm của tác giả vắng mặt lúc Bà của cô qua đời, lúc cha mẹ mình cũng tròn bổn phận làm con nhưng vẫn có một chút hững hờ, lạnh lùng vì mệt mõi với công việc, sinh kế.

Theo tác giả cuốn sách, Tiến sĩ Mary Pipher: "Cha mẹ và Ông Bà có vai trò khác nhau. Cha mẹ có nhiệm vụ tập cho trẻ thích ứng và hội nhập vào xã hội, và nuôi dưỡng chúng trở nên mạnh mẽ về tình cảm, có trách nhiệm và tự lập. Phần lớn công việc của Ông Bà là yêu thương đứa trẻ trong hiện tại, chúng ra sao thì chấp nhận như vậy."

" Ông Bà lắm khi cư xử với cháu khác hẳn cách mình đối xử con mình hồi trước lúc mình đóng vai làm cha mẹ. Khi đã có cháu, người ta không còn nhiều trách nhiệm như trước, và cũng không cần khẳng định vai trò của mình nhiều như trước (" having less to prove"). Những ưu tiên của họ cũng khác những ưu tiên lúc họ còn trẻ. Bố mẹ các cháu nhiều khi ngạc nhiên thấy sao cha mẹ già của mình nay lại trở nên kiên nhẫn đến thế lúc họ làm ông làm bà. Sự cải thiện này liên hệ đến các giai đoạn khác nhau trong sự phát triển con người".

“Tương quan giữa Ông Bà và cháu hầu như bị các truyền thông đại chúng lờ đi. Hiếm khi thấy mối liên hệ này làm đề tài chính cho phim ảnh, bài hát hoặc chương trình TV. Lần chót bạn nghe một bài hát thịnh hành nào về Ông bà ? Mà có thật có bài nào không? Hiện nay người ta làm phim về người Hoả tinh hay về các tay giết người hàng loạt nhiều hơn là phim với đề tài Ông Bà của chúng ta."

Trong quá khứ gần đây thôi, người Việt chúng ta vẫn còn những cảm tình như vậy đối với Ông Bà. Căn cứ vào báo chí, sách vở, tin tức trên mạng hiện nay từ trong nước cũng như hải ngoại, chúng ta có vẻ càng ngày càng đi xa quá khứ "thơ mộng" đó và tới gần với thực tế của xã hội toàn cầu hoá mà chúng ta bị thu hút vào. Một cuộc sống ngăn nắp, thực dụng, quá bận rộn và duy lý, và đôi khi quá bình đẳng giữa các thế hệ, để tình giữa con cháu và ông bà còn có cơ hội nẫy nở và có chỗ đứng đáng kể trong cuộc sống chúng ta.

BS Hồ Văn Hiền

Ngày 3 tháng 3 năm 2014

Cháu không có ở đó lúc thân bà, ra dấu, thức bà dậy,

Khi bà ngồi, nhích lại bờ giường rồi đứng dậy

Và biết tháng bảy vì trời nóng và hỏi lúc đó mấy giờ

Và đổi thế cho vững, ngồi xuống, rồi gọi mẹ cháu.

Khi mẹ đến, vẻ sổt ruột nhìn thấy trong bầu khí bao quanh

Vì trời nóng, và đang phải quậy nồi trên bếp lữa

Khi mẹ giúp bà mặc váy lót đã sờn với tánh chịu đựng của bà

Khi mẹ hỏi bà muốn mặc áo nào

Và khi bà tự tay kéo vớ lên, và dây kéo vớ

Và xỏ chân vào giày và nhìn xuống và biết

Và không nói cho mẹ biết là Bà biết

Khi Bà hỏi mẹ làm ơn chải tóc cho Bà

Lúc Bà ngồi vào bàn ăn với mẹ cháu và ba cháu

Và ba cháu hỏi bà muốn món này hoặc món kia

Khi Bà nâng ly lên và nhìn qua lăng kính nước

Khi Bà nuốt, từng ngụm, từng ngụm hết ly nước đó

Khi Bà mở khăn lau miệng, nhưng không cầm nĩa,

Khi Bà xếp khăn lại, và đẩy dĩa ăn ra,

Đẩy ghế ra sau và đứng dậy không cần ai giúp đỡ

và quay đi không một lời và ra khỏi phòng.

Khi ba mẹ gọi Bà Khi Bà không trả lời

Khi Bà đóng cửa phòng và nhìn mặt mình trong gương

Khuôn mặt của bà khuôn mặt đó tự thời nào, người em gái đáng tin cậy

Khi Bà ép mặt vào tay để nói lời tiễn biệt

Và khi Bà nói với họ tới lúc Bà muốn nằm xuống

Và họ để Bà nằm xuống và phủ lên tấm khăn giường

Và Bà nói các con đi đi, ăn đi, và họ đi ra ăn

Vì họ đã làm việc cả ngày, họ đói và chuyện đã từng xảy ra trước đây như thế

Khi Bà nằm xuống trong nó và để nó đem Bà đi

Biết điều bấy lâu mình kiên nhẫn và sốt ruột chờ đợi

Điều mình mong ước hy vọng từ lâu và không còn mong ước hy vọng

Và cầu nguyện mà không được thì nay cuối cùng đã đến

Khi Bà nằm xuống trong nó và để nó đem Bà đi

Khi Bà nghe lần cuối tiếng muỗng nĩa bạc khua leng keng

Và đẩy tấm khăn giường, bỏ ánh sáng thế gian

Khi hơi thở của Bà không còn thuộc về Bà nữa

Không có mặt cháu ở đó

Xin Bà tha lỗi cho cháu

Không có mặt cháu ở đó.

Marilyn Krysl

("Grandmother")

Marilyn Krysl (sinh năm 1942) là một thi sĩ và văn sĩ người Mỹ chuyên viết truyện ngắn. Bà từng được giải văn chương Richard Sullivan Prize với tập truyện ngắn "Dinner with Osama" (Ăn cơm tối với Osama) châm biếm xã hội Mỹ về mặt chính trị và xã hội sau biến cố 9-11. Bà đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện quốc tế ở Tích Lan, Calcutta (Ấn độ, cùng với Mẹ Teresa) và hiện đang tình nguyện làm việc ở Sudan (Phi Châu).

Hồ văn Hiền

Ngày 3 tháng 3 năm 2014