"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó.  Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó"

** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

Nói Chuyện Hợp Âm

1. Quãng

Nhạc tây phương dùng những nốt nhạc được sắp theo những "quãng 8". Mỗi "quãng 8" có 8 nốt nhạc chính, gồm 7 nốt khác nhau và nốt thứ 8 lặp lại nốt đầu tiên, để bắt đầu cho một quãng 8 mới. Thí dụ lấy cung Do cho dễ hiểu, cung này bắt đầu bằng nốt Do, ghi là 1, nốt Ré ghi là 2, v.v... đến nốt Si ghi là 7, và nốt Do trên sẽ ghi là 8, và đồng thời cũng là 1 cho quãng tám tiếp theo.

Do Mi Fa Sol La Si Do Ré...
1 2 3 4 5 6 7 8(1) (2)

(Ký hiệu Do, Ré, Mi... là theo người dùng chữ gốc La-tinh, còn theo người Anh-Đức (anglo-saxon), ký hiệu là A, B, C, D, E, F và G, bắt đầu A là La, B là Si, v.v...)

Khoảng cách giữa nốt 1 và nốt 2 gọi là quãng 2
giữa 1 và 3 gọi là quãng 3
giữa 1 và 3 giáng xuống nửa tông gọi là quãng 3 thứ
giữa 1 và 4 gọi là quãng 4
giữa 1 và 5 gọi là quãng 5
giữa 1 và 6 gọi là quãng 6
giữa 1 và 8 gọi là quãng 8.

Nhưng giữa 1 và 7 gọi là quãng "Maj7", còn quãng 7 lại là giữa 1 và "7 giáng", thí dụ giữa Do và Sib. Tại sao? Chắc để cho nó rắc rối cuộc đời một chút!

2. Cung

Một bản nhạc "bình thường" viết theo một "cung" nhất định.

Muốn biết cung của bản nhạc, phải nhìn các dấu thăng hoặc giảm ở đầu bản nhạc và đầu dòng.

Dấu thăng # có tác động làm tăng nửa tông tất cả các nốt nằm đúng vị trí của dấu thăng. Thí dụ nếu ở đầu dòng có dấu thăng # nằm trên dòng của nốt Fa, thì trong tất cả dòng đó, các nốt Fa sẽ biến thành Fa#.

Dấu giảm b có tác động ngược lại, làm giảm nửa tông nốt nhạc tương ứng.

Đầu dòng có thể không có dấu # hoặc b, hoặc có dấu # (tối đa 7 cái #) hoặc dấu b (tối đa 7 cái b). Không khi nào trộn lẫn # và b ở đầu dòng.

Các dấu # theo thứ tự nằm trên các nốt Fa, Do, Sol, Ré, La, Mi, Si
Các dấu b theo thứ tự nằm trên các nốt Si, Mi, La, Ré, Sol, Do, Fa (ngược lại với thứ tự của dấu thăng)

- Không dấu # hoặc b : cung Do (C) hoặc La thứ (Am)
- 1 # : G hoặc Em
- 2 # : D hoặc Bm
- 3 # : A hoặc F#m
- 4 # : E hoặc C#m
- 5 # : B hoặc G#m
- 6 # : F# hoặc D#m
- 7 # : C# hoặc A#m
(chú ý là danh sách các cung trên đây cũng theo thứ tứ các nốt thăng: Fa, Do, Sol...)
- 1 b : F hoặc Dm
- 2 b : Bb hoặc Gm
- 3 b : Eb hoặc Cm
- 4 b : Ab hoặc Fm
- 5 b : Db hoặc Bbm
- 6 b : Gb hoặc Ebm
- 7 b : Cb hoặc Abm
(chú ý là danh sách các cung trên đây cũng theo thứ tứ các nốt giảm: Si, Mi, La...)

3. Hợp Âm

 Các nốt nhạc có thể kết hợp dưới dạng "hợp âm". Tên của hợp âm tuỳ thuộc vào các quãng giữa những nốt nhạc của hợp âm đó.

Hai hợp âm "nền" dùng làm căn bản là hợp âm trưởng và hợp âm thứ.

Hợp âm trưởng gồm 3 nốt 1, 3 và 5. Theo thí dụ trên thì Dotrưởng gốm có Do Mi Sol. Ký hiệu là Do, hay là C.

Hợp âm thứ gồm 3 nốt 1, 3 thứ (nhắc lại là 3 giáng xuống nửa tông) và 5. Theo thí dụ trên thì Dothứ gồm có Do Mib Sol. Ký hiệu là Dom, hay là Cm.

Hợp âm 7 gồm 4 nốt, 3 nốt của hợp âm nền, thêm nốt ở quãng 7. Thí dụ Do7 (hoặc C7) gồm Do Mi Sol Sib, Dom7 (hoặc Cm7) gồm Do Mib Sol Sib.

Hợp âm 6 gồm 4 nốt, 3 nốt của hợp âm nền, thêm nốt ở quãng 6. Thí dụ Do6 gồm Do Mi Sol La, Dom6 gồm Do Mib Sol La

Hợp âm 7sus4 là hợp âm 7, nhưng thay nốt ở quãng 3 bằng nốt ở quãng 4. Thí dụ Do7sus4 gồm Do Fa Sol Sib.

Hợp âm Maj7 là hợp âm 7, nhưng thay nốt ở quãng 7 bằng nốt ở quãng 7 thăng. Thí dụ DoMaj7 gồm Do Mi Sol Si.

Hợp âm 9 là hợp âm 7, thêm nốt ở quãng 9 (tức là trên quãng 8, và tương đương với quãng 2). Thí dụ Do9 gồm Do Mi Sol Sib Ré.

Hợp âm + hay Aug (do chữ Pháp Augmentée = tăng lên) là hợp âm trưởng với nốt ở quãng 5 được tăng lên nửa tông. Thí dụ DoAug gồm có Do Mi Sol#.

Hợp âm - hay Dim (do chữ Pháp Diminuée = giảm xuống) khá đặc biệt vì đó là một hợp âm 7 gồm bốn nốt, nhưng 3 nốt sau bị giảm nửa tông. Thí dụ DoDim gồm có 4 nốt Do Mib Solb La.
Hợp âm này còn đặc biệt hơn nữa vì đó là hợp âm duy nhất có tất cả các khoảng cách giữa các nốt đều là quãng 3 thứ. Vì vậy, các hợp âm DoDim, MibDim, SolbDim, LaDim, dù tên khác nhau, nhưng thành phần các nốt giống hệt nhau. Sự kiện này làm cho hợp âm Dim có một âm hưởng "lạ tai" khá đặc biệt.

Trên đây chỉ là một số hợp âm thông dụng. Còn vô số những hợp âm rắc rối khác, nhưng ít dùng trong các ca khúc.

4. Cách chuyển Hợp Âm Thông Thường Và Đơn Giản

Chuyển hợp âm là một nghệ thuật "thiên biến vạn hoá". Tuy nhiên cũng có vài điểm căn bản.

- Hai hợp âm "nền", hợp âm trưởng và hợp âm thứ là những hợp âm "êm tai", dùng làm nền cho một bản nhạc. Theo cách viết cổ điển thì bản nhạc luôn chấm dứt bằng hợp âm nền. Còn viết theo kiểu "không cổ điển" thì... ai muốn lảm gì thì làm!

- Hợp âm 7 là một hợp âm "không êm tai" chỉ dùng để chuyển qua hợp âm trưởng hoặc thứ.

- Bản nhạc viết theo một "cung" nào đó, thì cung đó chính là hợp âm nền. Bản nhạc viết theo cung trưởng, dùng hợp âm trưởng làm nền, và trong bản nhạc, thông thường nhất là sẽ có chỗ chuyển qua hợp âm trưởng của quãng 4, và hợp âm 7 của quảng 5. Thí dụ cung Do (C), hợp âm nền là C, sẽ chuyển qua hợp âm F (quãng 4) và hợp âm G7 (quãng 5). Hợp âm G7 thông thường là để chuẩn bị trở về hợp âm C, là hợp âm nền.

- Tương tự nếu bản nhạc viết theo "cung thứ". Hợp âm nền sẽ là thứ, hợp âm quãng 4 cũng là thứ, nhưng hợp âm quãng 5 vẫn là 7. Thí dụ Cm, chuyển qua Fm, và G7. Thí dụ khác là hợp âm nền La thứ, chuyển qua Dm và E7.

- Giữa cung trưởng và thứ có một liên hệ quan trọng. Khi hợp âm nền là trưởng thì hợp âm thứ của quãng 6 sẽ là « hợp âm thứ liên kết ». Thí dụ hợp âm nền Do (C) có hợp âm thứ liên kết là La thứ (Am), vì nốt La nằm ở quãng 6 của cung Do.

- Một bản nhạc cung trưởng có thể chuyển qua hợp âm thứ liên kết, dĩ nhiên phải tuỳ thuộc vào cách viết của tác giả. Thí dụ cung Do (C), chuyển qua F và G7 đã đành, cũng có thể chuyển qua Am, Dm và E7, nếu tác giả muốn.

- Và ngược lại. Thí dụ một bản nhạc viết theo cung La thứ (Am), chuyển qua Dm và E7 là bình thường, cũng có thể qua C, F và G7 nếu tác giả cố ý viết như thế.

5. Cách Chuyển Hợp Âm Rắc Rối Hơn

- Tất cả các hợp âm khác đều kể như "không êm tai" và chỉ dùng để chuyển qua một hợp âm êm tai. Chuyển như thế nào, đó là do cái tai của người chơi nhạc thôi, không có luật lệ gì rõ ràng cả.

Có nghĩa là do kinh nghiệm nghe nhạc, hoặc chơi nhạc, người ta sẽ tự tạo cho mình cách chuyển hợp âm theo ý thích.

Thí dụ trước khi qua B7 để về Em, có thể chuyển qua Am7, vì Am7 có nốt Sol, qua B7 có nốt Fa#, rồi về Em có nốt Mi, nghĩa là xuống từ từ. Nhưng khi chơi phải làm sao để cho nổi lên những nốt đó.

Thí dụ Am6 có nốt Fa#, có thể dùng xen kẽ với B7 cũng có Fa#.

Hợp âm Maj7 rất là "chói tai", nhưng rất được ưa chuộng để làm cho người nghe "giật mình" trước khi qua ngay sau đó một hơp âm êm tai thí dụ FMaj7 qua Do.

Tương tự với các hợp âm Aug, cũng chỉ dùng rất thoáng qua thôi.

Các hợp âm 7sus4 và 9 nghe có một chút âm hưởng ngũ cung, có thể dùng cho những ca khúc thích hợp với loại nhạc này.

Các hợp âm Dim, vì tính chất đặc biệt quãng 3 thứ của nó, có thể "nhét" vào nhiều chỗ khác nhau, vấn đề là phải thử xem nghe có được không, thế thôi!

Trên đây là kinh nghiệm đệm nhạc của một người thích chơi nhạc nhưng không chuyên nghiệp. Nên viết rất sơ sài và thiếu sót là lẽ dĩ nhiên.

Phạm Ngọc Lân