"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

Thu Hoài Niệm

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi…Đó là câu mở đầu trong bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Bản nhạc này đã trở thành bất hủ trong lòng người cùng với tên tuổi của nhà nhạc sĩ (yểu mệnh) chỉ vì trong ý nhạc người nghe đã cảm nhận được những gì mà nhạc sĩ đã cảm nhận khi giọt mưa thu lất phất rơi xuống giữa đất trời nhuộm vàng cây cỏ gây nổi buồn mênh mang cho nhân thế; những người có người yêu thêm tha thiết nhớ, những kẻ cô độc càng thấy cô đơn, những ai bị phụ tình càng thêm u hoài, và cả vạn vật cũng nhuốm màu ủ rũ.
Thu là một nhân cách hóa mà loài người tuỳ theo tâm trạng có thể diễn dịch ra thành nhiều tính cách; là u sầu buồn bả khi nhìn mưa thu rơi tầm tả, võ vàng bệnh hoạn khi nhìn lá úa ngoài sân, chia ly chết chóc khi cây cối trơ cành, lãng mạn nên thơ khi ngắm vầng trăng tròn vành vạnh lơ lững giữa trời, yên tỉnh êm ả khi thời tiết ôn hòa mát mẻ, là vui vẻ khi học sinh tái ngộ bạn bè sau ba tháng hè xa cách. Thu là đề tài cho bao văn nhân thi sĩ có cảm hứng sáng tác vô vàn tuyệt phẩm. Riêng đối với Nàng, thu là hoài niệm của một sai lầm từ tuổi học trò gây cho Nàng một niềm ân hận mãi đến bây giờ vẫn chưa phai.
Năm ấy Nàng vừa 16 tuổi, cái tuổi trăng tròn đẹp như mộng xinh như mơ. Nàng đã biết yêu thầm nhớ trộm những gương mặt thông thái của các thầy giáo trong lớp hay dáng vẻ đẹp trai của những chàng sinh viên thoáng gặp trên đường, nhưng vẫn còn rất ngu ngơ, vẫn còn chưa biết vì sao mà đàn bà có bầu và đứa con từ đâu mà chui ra. Những lúc phải đi trên xe buýt đụng chạm với người khác phái, nàng cứ sợ sẽ bị mang bầu nên về nhà cố lấy tay ép bụng xuống để khỏi bị chửa hoang.
Vừa khi học hết lớp đệ tứ của trường Mai Khôi, một trường chỉ có học trò con gái do các Soeurs Dòng Phú Xuân mở ra bên Gia Hội, vì trường hết lớp nên Nàng phải vào lớp đệ tam của trường Bình Minh, một trường tư thục hỗn hợp nằm trên đường Lê Lợi. Ngược lên phía bắc của trường này, qua khỏi bệnh viện Toàn Khoa Huế là các trường Đồng Khánh, Quốc Học, Trường Luật, và Trường Pellerin, và nếu đi về hướng nam trước khi đến Đập Đá Vĩ Dạ (địa danh trong bài Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử,) gần cầu Trường Tiền là các trường Đại Học Sư Phạm và Văn Khoa. Địa thế của trường thật là thơ mộng, đứng trên lầu có thể nhìn thấy xa xa phía sau là đỉnh Ngự Bình với mây trắng vẩn vơ bay trong những ngày đẹp trời. Tiền diện nhìn ra Hương Giang, hai bên đường là những hàng cây phượng vỹ cổ thụ mà mỗi khi hè về đầy hoa đỏ rực dưới ánh nắng gay gắt bắt lũ ve sầu phải kêu vang. Song song với hàng phượng vỹ hai bên đường là bờ sông được trang trí bằng công viên, những bồn nước, vườn hoa, cây cảnh, tượng cẩm thạch, và những ghế đá để khách nhàn du có thể nghỉ chân ngắm cảnh và ngắm giòng sông nổi tiếng ngát hương hoa. Bên kia giòng sông Hương là cột cờ Phú Vân Lâu, Cửa Thượng Tứ, Thành Nội, song song với giòng sông là đường Trần Hưng Đạo, với cầu Trường Tìền nối lại hai bờ đưa ta đến phố xá và chợ Đông Ba của thành phố Huế mộng mơ. Và, thành phố Huế mộng mơ có Kinh Thành, cung đình Huế, nơi lưu giữ tinh hoa nghệ thuật và di tích đẹp đẽ của Nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng của nước Việt. Cũng vì Huế là Cố Đô nên dân Huế phần nhiều là hậu duệ gần xa của hoàng thất và công hầu khanh tướng, quen với lối kiểu cách đài các trong cách ăn uống, đi đứng và nói năng. Dân Huế chịu nhiều thiên tai bão lụt nên rất nghèo, nhưng đi ra ngoài ai cũng áo quần rất tươm tất, cả cô lái đò hay bà bán xôi chè hột vịt lộn dạo ngoài đường cũng mặc trên người chiếc áo dài cổ truyền tử tế.

Vì là con đường chung của nhiều trường học nên vào ngày tựu trường thì “ngựa xe như nước áo quần như nêm.” Đó là dịp cho con gái diện vào người những bộ đồ lượt là trắng tinh mới mẻ, đôi guốc gỗ cao gót kiểu cách, những chiếc nón bài thơ có ép những danh thi thắng cảnh rất mỹ thuật. Cũng như mọi nữ sinh khác, Nàng cũng đội nghiêng trên mái tóc óng ả dày như mây một chiếc nón bài thơ mà nghe đâu mẹ đã đặt làm ở Nam Phổ* Bọn nam sinh nhân dịp này cũng ăn mặc rất tươm tất. Thời đó không còn là thời đại “xe ngựa” nên nam thanh nữ tú người thì cỡi xe đạp kẻ thì đi bộ, nườm nượp đổ đến từ các ngã Nam Giao, Kim Long, Nguyệt Biều, An Cựu, Vỹ Dạ, Đập Đá, Thành Nội, Đông Ba, Gia Hội. Cầu Trường Tiền Sáu Vài 12 nhịp Em Qua Không Kịp* nên các học sinh sinh viên từ bên Thành Nội hay Cửa Thượng Tứ phải lên chuyến đò ngang từ Bến Văn Lâu qua sông để đến trường. Hàng ngàn người đẹp áo trắng có mái tóc huyền mượt mà thướt tha uyển chuyển trên các ngã đường! Trông chẳng khác nào hàng ngàn tiên nữ trong đôi cánh trắng đang múa khúc Nghê Thường giữa hội hoa, thướt tha bên dòng nước Hương Giang mờ mờ làn sương mai dưới ánh nắng vàng dịu của trời thu êm ả nơi hạ giới. Trên cao thì chim chóc chuyền cành ca hát véo von và trên cao nữa có những đám mây xanh, xám, trắng lững lơ bay. Cả đất trời đều xôn xao như Thần Kinh đang mở hội.
Đã quen với sự nề nếp của các trường nữ do các Soeurs cai quản nên lúc đầu Nàng cảm thấy rất bỡ ngỡ khi phải hằng ngày chung đụng với bạn học con trai ồn ào ngổ ngáo, tuy nhiên nhờ các lớp học của trường này được phân chia nam nữ ngồi riêng hai bên nên dần dà Nàng cũng quen với hoàn cảnh mới. Có thêm bạn mới cũng là một điều nàng cảm thấy rất vui.

Một ngày không lâu sau bữa tựu trường, khi Nàng vừa bước vào lớp thì bỗng nghe thấy tiếng con trai phía bên kia xướng lên: "Hoa Huệ trồng ở vườn hoa đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế...". Bắt đầu chỉ một tiếng, sau đó nhiều đứa hùa theo, ồn ào đến nổi thầy giáo phải la át đi: "Yêu cầu các em giữ trật tự trong lớp!" Nàng sượng trân cả người, may mà chỗ ngồi bàn đầu rất gần nên đành phóng mình vào ngồi phịch xuống ghế. Nếu có thể bỏ học thì Nàng đã bỏ ngay lớp ấy mà đi rồi, nhưng tiếc thay ngoài trường này ra thì chẳng còn trường trung học đệ nhị cấp nào nữa để đi học! Muốn vào Đồng Khánh thì phải thi vào từ lớp đệ thất, nhưng ba mẹ khi đó muốn Nàng học trường các Soeurs nên đến lúc này đành chịu. Thật ra, chẳng hiểu sao đến tuổi ấy hễ thấy con trai là Nàng mắc cở. Trước kia, khi còn học tiểu học, những năm không ở nội trú, Nàng đâu có phân biệt con trai con gái gì đâu. Con trai rủ đánh "căn cù u trán" thì Nàng nhào vô đánh căn, con gái rủ nhảy dây thì Nàng nhập bọn nhảy dây. Thành tích là một cái sẹo tròn rất sâu ở trên má phải do bị cái căn gỗ đánh vào và một cái sẹo dài nơi cổ chân trái vì nhảy dây bị thương nặng đến giờ vẫn còn đây.
Hàng ngày khi đi học Nàng không hề nhìn ngang nhìn ngữa, chỉ thẳng một đường đến trường rồi khi tan học thì lên xe về nhà, không hề biết là hàng ngày vẫn có người đạp xe theo sau mình... Dĩ nhiên nhà Nàng đúng là ở đường Nguyễn Huệ, từ trường học chỉ mất khoảng 10 phút đi trên đường Lê Lợi, quẹo qua đường Trần Thúc Nhẫn Lê Lợi là đến nhà. Đường Nguyễn Huệ là một đại lộ chạy dài từ An Cựu song song với đường Lê Lợi và khúc cuối bị cắt ngang bởi con đường dẫn đến trường Bình Linh (Pellerin). Hai bên đường cũng trồng đầy những cây phượng vĩ cổ thụ. Cây cao và to nên dù bấy giờ đã hết hè mới chớm thu nên ngoài những bông hoa nở muộn và những chùm trái non lủng lẳng cũng còn nhiều cành lá, bóng rợp đủ che mát hai bên đường lớn ban ngày và làm nơi gặp gỡ lý tưởng cho các cặp tình nhân tình tự ban đêm. Từ ngoài cổng đi vào nhà cũng mất chừng hai chục mét và lại có tường cao che kín, trong ngoài khó nhìn thấy nhau, thế nên Nàng không thể biết được có người con trai si tình hàng đêm vẫn đứng dưới gốc phượng ngóng trông Nàng.
Một đêm kia khi gia đình đang ăn tối, em trai Nàng từ bên ngoài chạy vào phòng ăn giao cho Nàng hai tập sách trình bày rất mỹ thuật. Nhìn qua thấy tên sách là Bài Ca Si Tình I và Bài Ca Si Tình 2, đề tặng Hoa Trắng Mây Rừng, và tên tác giả là Ái Đình. Nàng hỏi em trai: "Những sách này em lấy ở mô rứa?" Em trai vừa chỉ tay ra ngoài vừa đáp: "Cái anh tê nhờ em đem vô cho chị đó." Trong khuôn viên nhà Nàng có 2 người con gái láng giềng nổi tiếng đẹp, Hương, nữ sinh Đồng Khánh và Thương, nữ sinh Bán Công. Nàng hỏi em: "Có phải người ta đưa lộn nhà mình không?" Nàng chẳng biết ai có cái tên quá ngộ là Hoa Trắng Mây Rừng. Nàng cũng chẳng biết ai tên là Ái Đình, chỉ có anh của Hương, là tên Đỉnh mà thôi. Nàng chưa hề quen biết một đứa con trai nào, nói gì đến thi sĩ. Vì tính hay mắc cỡ nên dù ở cạnh nhà nhau Nàng và anh Đỉnh ấy chỉ chào hỏi qua loa khi gặp gỡ, không biết gì về anh ấy hơn ngoài cái tên Đỉnh, anh của Hương đang học luật. “Chắc là anh Ðỉnh ấy cũng hay mắc cỡ như mình nên nhờ người mô đó ở bên ngoài đưa vô cho mình để làm quen!!!” Nàng nhủ thầm. Thế rồi Nàng cứ đinh ninh Ái Đình là anh Đỉnh. “Chắc anh Đỉnh lấy biệt hiệu là Đình,để dấu lộn chút xíu cho hay. Anh Đỉnh người Bắc, đẹp trai, ít nói, có vẻ dễ thương, mình cũng nên viết ít hàng hồi âm anh ấy. Nhưng khi người ta là thi sĩ, làm hơn 100 bài thơ tặng người yêu đem khoe với mình, còn mình thì từ trước đến chừ chỉ có vỏ vẻ vài ba bài làm cho báo nhà trường lúc còn đi học đệ thất, đệ lục, làm răng làm nổi thơ cho ai? Thôi cứ viết văn xuôi quách!” Nàng luôn mặc cảm mình là đứa con gái tầm thường đủ mọi mặt, nên có bao giờ dám tưởng có người đã yêu mình đến nổi cảm tác thành hàng trăm bài thơ. Lúc đó nếu có ai khen nàng đẹp thì Nàng chắc chắn sẽ nghi người ta bị cận thị nặng hay lé mắt chứ không khỏi. Thế là nàng kêu em trai mang giao cho anh ấy một lá thư viết theo giọng Bắc đại ý như sau:

Anh Đỉnh thân mến,
Em rất xúc động khi nhận được hai tập thơ anh gửi. Những bài thơ đầy cảm xúc trong hai tập thơ cho em thấy tình yêu của nhà thơ đối với người con gái kia thiết tha sâu đậm biết là chừng nào! Em cũng muốn gửi lại cho anh ít bài thơ để cám ơn, nhưng rất tiếc là một bài bây giờ em cũng không làm nổi, có cố gắng cũng chỉ làm trò cười cho anh thôi. Vậy xin anh nhận những giòng văn xuôi này nhé!
Có phải anh là tác giả của hai tập thơ này không? Người con gái trong hai tập thơ là ai thế? Người con gái đó chắc là đẹp lắm, hiền lành, trong trắng, và đài các lắm mới có thể làm cho họ (hay anh?) trở thành thi nhân và sáng tác ra nhiều bài thơ như thế nhỉ? Em thích nhất là bài này:

Hoa Trắng Mây Rừng

Hỡi em gái mang tên loài Hoa Trắng!
Thoạt nhìn em anh cứ tưởng mình mơ.
Bước chân em nhẹ êm như tiếng tơ,
Mà gỏ xuống tim anh nhiều xao động.

Ðôi mắt em là trời sao sông thẳm,
Tóc Mây Rừng như cột mối tơ vương.
Ðường em đi là lối nhớ đường thương,
Ðưa anh đến cổng trường em đi học.

Anh làm bóng để em đừng bắt gặp,
Gã con trai đang say đắm yêu em.
Hễ mỗi lần liếc mắt thấy em nhìn,
Là anh thấy tim mình như ngừng đập.

Hỡi em gái mang tên loài Hoa Trắng!
Thời gian ngừng, mãi ngắm bước em qua.
Tà áo em sáng rực cả hiên nhà
Cả lớp học tưng bừng khi em đến.

Trong mắt em, một cõi trời huyền diệu,
Từ dáng em thấy vạn nét kiêu sa.
Ðường em đi trải nhung lụa mượt mà,
Cho anh bước vào khung trời hoa mộng.

Từ gặp em anh như cơn gió lộng,
Quyện chân em theo từng bước vấn vương.
Vì yêu em thao thức suốt canh trường,
Mong ngày đến nhìn em cho đỡ nhớ.

Anh lặng lẽ theo em vào trong lớp,
Mải mê nhìn từng dáng nét ngây thơ.
Sao hôm nay lòng anh bỗng thẩn thờ,
Khi em nói, em cười cùng người khác.

Rời lớp học lòng anh buồn man mác,
Vòng xe quay đã lạc mất đường về.
Mắt mở to mà hồn chẳng thấy gì,
Chỉ Hoa Trắng, Mây Rừng vương ngập lối.

Anh thấy em học thơ nhanh chưa? Em học thuộc lòng rồi ghi lại đó. Anh đọc lại xem có đúng không nghe! Một lần nữa xin cám ơn anh, anh Đỉnh thân mến.
Ngọc Huệ

Ngay sau khi em trai vừa đưa thư qua thì Hương chạy qua để thanh minh với Nàng liền. Hương vừa cười vừa bảo rằng: “Anh Đỉnh chưa từng làm thơ thì lấy đâu ra thơ mà gửi cho bồ?” Nhìn mặt cô ta lúc đó, Nàng thấy có vẻ cười nhạo, như thể muốn bảo rằng: “Sức mấy mà anh tôi để mắt đến bồ! Bồ không xứng đâu.” Sẵn có mặc cảm mình là quê mùa xấu xí, Nàng ngượng chín người khi bị ‘bé cái nhầm”! “Mình, con gái mà khi không đi gửi thư cho con trai. Có khác gì mình đi “cua” anh ta đâu? Bây giờ bị khinh, bẻ mặ thật!” Ðể bớt mắc cở nàng đành đưa cho Hương xem hai tập thơ ấy. Thú thật là từ sau khi đinh ninh rằng anh Đỉnh là người tặng mình thơ thì Nàng đã để cho lòng rung động theo thơ, lỡ cảm phục ai kia mất rồi! Khi biết ra đó chỉ là một sự hiểu lầm, nhất là vì vậy mà tự ái bị tổn thương thì Nàng đâm ra băn khoăn ray rứt tức giận vô lý, không chịu tự trách mình đã không chịu tìm hiểu trước mà lại trách kẻ đã gửi hai tập thơ là vô duyên. Lúc đó Nàng đâu ngờ chính mình là đối tượng. >br /> Bị gia đình bắt vào ở nội trú liên tục trong những trường công giáo, hết trường Jeanne D’Arc đến trường Mai Khôi nên đến từng này tuổi ngoại trừ những lúc thương mây khóc gió Nàng chưa biết gì về chuyện đời, chưa từng trải những oái oăm về tâm lý, chưa hề có kinh nghiệm yêu đương. Bao năm ăn học ở các trường Công Giáo, Nàng chẳng thành Em Hiền Như Ma Soeur* được mà chỉ ngây thơ ngu ngơ chuyện đời như họ. Thế nên tên thi sĩ này vô tình vô phước đã trở thành nạn nhân của một đối tượng ngu ngơ nhất trần đời. Lúc đó, Nàng chỉ như một đứa con nít khi giận dỗi, chỉ muốn túm lấy người làm mình giận mà đấm cho đã tức hay chửi cho hả giận.

Trong nỗi ấm ức Nàng nhất quyết muốn tìm ra thủ phạm. Nàng để ý thấy rằng những lúc đi học, hay khi đi nhà thờ cùng với ba mẹ luôn luôn có một đứa con trai âm thầm theo sau nàng xa xa. Hình như anh ta đã đi theo Nàng như thế từ lâu chứ không phải chỉ vừa mới đây. Thỉnh thoảng khi phải đi ra ngoài về tối, nàng còn thấy anh ta đứng dưới gốc phượng ngoài đường nhìn chăm vào nhà. Một chiều kia Nàng ngẩu nhiên thấy anh ta đang ngồi cùng lớp học, đang nhìn mình đăm đăm . Con gái khác chẳng biết sao, riêng mình Nàng khi nào thấy gã con trai nào nhìn mình với vẻ si mê thì sợ hãi lắm, có cảm giác ghê ghê. Chẳng biết có phải là bệnh hay không, nhưng tâm trạng của Nàng lúc đó là như thế. Nàng "bị" theo đuôi, lại "bị tống tình" để đến nổi phải hiểu lầm và mang xấu với hàng xóm đều do cái tên này đây, thế nên anh chàng này thật là đáng ghét!
Nhờ có ba cô bạn cùng lớp chống lưng, sắp xếp nên cuối cùng nàng cũng mặt đối mặt với anh ta ngay ngoài lớp học. Vì vẫn chưa chắc có phải y không nên nàng hỏi dò: "Xin lỗi! Anh có phải là Ái Đình không?" Với một chút lúng túng vì hơi bất ngờ, nhưng ánh mắt sáng lên niềm vui (chắc vì tưởng được Nàng làm quen.) Ngửng đầu lên, đưa đôi mắt si tình nhìn Nàng, anh ta đáp nho nhỏ: “Phải.” Xung quanh có những tiếng la ó “Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo, Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi.” Một tên khác khuyến khích anh ta: “Ê anh Đình, ráng hái cho được hoa Huệ ở đường Nguyễn Huệ đó!” Rõ ràng chính tên ni đã la lớn trong lớp bữa đó chứ còn ai!… Cơn giận không biết từ đâu kéo tới làm tính hay e lệ mắc cở thường ngày biến mất, và như bị một tên phù thủy ở trong người thôi thúc, nàng thét lên: “Ai cho phép anh đi theo tui hoài làm cho người ta cười tui? Tại anh gởi thơ cho tui mà người ta hiểu lầm tui làm tui xấu hổ muốn chết. Từ nay anh không được đi theo tui nữa nghe không?” Nếu tìm được thêm bất cứ tội danh gì thì có lẽ Nàng cũng đổ luôn lên đầu anh ta nữa. Nghe tiếng thét nét vui vẻ trên mặt anh ta biến mất, anh ta nhìn vào mặt Nàng với một cái nhìn kỳ lạ khó tả (có thể là vở mộng vì nhận ra có con mẹ phù thủy ẩn trong người Nàng), cúi đầu nhìn xuống như kẻ tội đồ nhận tội, rồi quay người lầm lũi bước đi giữa sự cợt đùa của bao nhiêu học sinh cũng vô tình vô ý thức như Nàng đang đứng xung quanh. Có thể nói tính tình Nàng lúc đó chẳng khác gì mấy so với những năm còn học tiểu học, miệng rất muốn mắng người ta là “Đồ mất dạy!” như những khi không may bị bọn con nít cùng trang lứa đánh căn trúng người chảy máu u đầu.
Kể từ ngày ấy Nàng không còn thấy người ấy theo vào lớp hay làm cái đuôi đi theo mình mỗi khi đi lễ nữa. Nàng học tiếp ở trường Bình Minh suốt hai năm liền cho đến khi đậu tú tài I. Vì Đồng Khánh năm đó không có chỗ cho học sinh mới nên học sinh từ trường ngoài phải vào trường nam Quốc học để học lớp đệ nhất. Nàng có bạn gái ở Đà Nẳng rủ rê nên xin vào học Phan Chu Trinh thay vì Quốc Học. Trở về Huế thi xong Tú Tài II và lên Đại Học, rồi trở lại Đà Nẵng đi làm hè cho Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ, gặp ý trung nhân rồi lấy chồng. Qua 5 năm ròng rã nàng chẳng một lần nhớ đến gã con trai đã từng bị nàng sỉ nhục mùa thu năm ấy. Mãi đến một ngày, khi nàng đang mang thai đứa con đầu lòng được vài ba tháng, lúc đang lựa mua trái cây trong Chợ Vườn Hoa ở Ðà Nẵng, tự nhiên có cảm giác như có ai nhìn ở sau, Nàng nhìn lui và thoáng thấy ai như người ấy trong bộ đồ nhà binh vừa ẩn mình sau một cây cột xa xa. Năm tháng đã giúp nàng khôn lớn, biết suy nghĩ biết phân biệt phải trái hơn, và sự gặp gỡ người xưa dù thoáng qua đã nhắc nhở nàng về hành vi nông nổi lúc trước…Từ đó nàng cảm thấy xấu hổ và ân hận lạ kỳ. Người ấy từ bấy đến giờ chắc hẳn vẫn dõi theo Nàng từng lúc và chắc hẳn đã rất đau lòng khi nhìn thấy Nàng đi lấy chồng. Từ trong radio tiệm ăn nào đó văng vẳng có tiếng ai hát bản nhạc Tà Áo Cưới của Hoàng Thi Thơ, “Tôi đi trong nắng thu vàng úa… Gió hỡi làm sao bớt lạnh lùng?.... Ôi buồn làm sao em có nhớ thu nào?... Nắng để lòng tôi với quạnh hiu.” Giọng ca nam trầm trầm, điệu nhạc Bolero thiết tha và lời thơ hàm chứa bao cay chua cam chịu của một người nhìn người mình yêu tha thiết đi về nhà người trên con đường hoa đầy xác pháo đỏ như màu máu của con tim khi tình yêu bị tan vỡ làm Nàng liên tưởng đến chuyện xưa mà nước mắt rưng rưng.
Bẵng đi một thời gian, một đêm kia bổng nhiên chồng nàng bắt đầu có những cử chỉ thật quái đản; ông ấy đột ngột thức dậy đi tìm dao kéo và chạy quanh nhà để tìm “ma”. Ông ấy bảo rằng trong nhà có một con ma cứ rình rập và nhòm ngó ông ấy. Ông ấy hỏi Nàng có từng gây thù chuốc oán với một quân nhân nào không, trước kia có người yêu là lính không…Làm như là vì ghen tức mà hồn ma nào đó đi theo phá phách ông ấy vậy. Nhìn thấy chồng như vậy, nghe chồng hỏi như vậy, Nàng sực nhớ đến hình ảnh của người con trai mặc quân phục mà nàng bắt gặp hôm ấy, người con trai si tình mà nàng đã từng mắng mỏ độ nào… Chẳng lẽ người ấy đã vì bị tổn thương quá nặng nên đăng lính và đã gặp chuyện không may rồi sao? Nàng tự hỏi, cảm thấy sợ hãi, và rồi từ đó tâm trí cứ bị ý nghĩ đó ám ảnh hoài. Nổi ám ảnh và ân hận càng nặng nề hơn khi Nàng lục tìm khắp chốn vẫn không tìm ra hai tập thơ mà Nàng vẫn từng cất kỹ. Hình như người ấy đã lấy chúng đi theo mất rồi!
Chồng nàng nhiều khi trở thành như kẻ điên khùng, hành hạ Nàng đến thất điên bát đảo. Ðến lúc này Nàng càng tin rằng mình đã bị Trời trừng phạt vì tội đã đối xử quá tàn nhẫn với kẻ khác. Những khổ đau vì tình yêu trong mấy năm qua đã cho Nàng kinh nghiệm để hiểu nỗi khổ to lớn như thế nào khi yêu một người mà bị người chối bỏ, hoặc bị người yêu chửi mắng phũ phàng. Bao nhiêu người đã vì thất tình mà quyên sinh!. Chợt nhớ đến những câu thơ khác trong hai tập thơ Bài Ca Si Tình như “Vì yêu em, Vì yêu em thê thiết, Nên bây chừ tôi đến công viên, Nghe tơ lòng thổn thức….” Ý tứ và lời thơ trong những câu này bày tỏ một mối tình tha thiết sâu đậm đáng tôn trọng biết bao, thế mà Nàng đã đang tâm sỉ nhục người thơ.
Với muôn vàn ân hận, Nàng mong người ấy vẫn còn ở trên đời, ở đâu đó để Nàng được ngỏ lời xin lỗi. Nàng rất mong người ấy hiểu bao nhiêu năm qua nàng đã ăn năn sám hối từng ngày! Nàng biết một câu xin lỗi không đủ xóa tan nỗi ân hận trong lòng mình, không thể đền bù được những đau khổ mình đã gây ra cho người.

Nàng đã đọc được đâu đó câu này:

Nguyện thiên hạ hữu tình nhân đô thành quyến thuộc
Thị tiền sinh chủ định sư mạc thác quá nhân duyên.

Nàng muốn mượn câu này để cầu chúc rằng con tim của những người yêu nhau sẽ cùng chung nhịp điệu khi gặp nhau, đừng có chuyện yêu đơn phương. Nếu không may, không thể kết thành quyến thuộc thì cũng không nên đau lòng, vì kiếp này không duyên nợ. Riêng phần con gái, sẽ hiểu và thông cảm “Làm hoa cho kẻ yêu hoa hái, làm gái cho người quân tử theo”, đừng quá tàn nhẫn khi từ chối tình yêu của người khác, để đừng bị mang nặng ân hận về sau như Nàng. Nếu mà người ấy lúc trước cứ kiên nhẫn theo Nàng, đừng có âm thầm bỏ đi thì biết đâu…
Ngoài hiên những giọt mưa thu vẫn đang thánh thót rơi để nhuộm vàng cây cỏ và làm úa không gian. Chẳng bao lâu nữa lá của nhiều loại cây phong, Mullberry, cây Diệp, cây Hồng ở San Diego sẽ theo Thu Già trỗ vàng trỗ đỏ phô trương những màu sắc rực rỡ trước khi rời cành để cùng bao nhiêu cây cối khác trở thành trơ trụi, nhưng trời thu hiu hắt trong buổi chớm thu hôm nay như đang làm sống lại trong ký ức Nàng hồn thu của năm nào trong những đôi cánh trắng trắng cả một trời, e ấp trên khắp các nẻo đường trên đất Thần Kinh, cùng những đàn bướm đủ màu thi nhau ve vãn các nàng hoa xinh đẹp mỹ miều bên bờ Hương Giang mùa thu dạo nọ…

Ái Hoa
(Thu 2008)

*Chiếc nón bài thơ của Nàng năm đó không có thơ mà chỉ có bài ca dao ru em như thế này: “Ru em cho théc cho muồi, cho chị đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua trầu Chợ Quán Chợ Cầu, mua cau Nam Phổ mua trầu Chợ Dinh. Chợ Dinh bán áo con trai, Triều Sơn bán nón, Mẩu Trài bán kim….” Nàng hỏi mẹ tại sao nón của Nàng lại có bài ru em này thì được cho biết có lẽ tại vì câu ru em này có tên địa phương Nam Phổ, cũng có lẽ vì người làm nón không biết văn thơ nên phải dùng ca dao ca trù, và cũng có lẽ… Mỗi ngày phải đội cái nón với những câu ru em ấy mà bao phen Nàng phải khổ sở chống chỏi với những cơn buồn ngủ kinh hồn ở lớp học.

*Trong bài ca dao:
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Anh qua không kịp tội lắm em ơi.
Chẳng thà không biết thì thôi,
Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn…

*Em Hiền Như Ma Soeurs của Nguyễn Tất Nhiên. (Ý kiến riêng: Không phải soeur nào cũng hiền đâu.)