"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

Mẹ

Chúng tôi theo chị Hồng Thủy vào “nursing home” thăm mẹ chị. Chỉ còn thiếu hai năm là cụ được trăm tuổi, bách niên giai lão. Trên đường đi, chị kể sơ cho chúng tôi nghe về cụ với một giọng nói vô cùng ưu ái:
- Mẹ mình lấy chồng năm 22 tuổi, sinh được anh mình và mình. Anh mình cũng làm thơ, văn. Thơ và văn của anh hay hơn mình nhưng ít người biết. Sau bốn năm chung sống thì ba mình mất, mình còn nhỏ lắm, mẹ đem chúng mình về ở với ông bà ngoại. Ngày đó mẹ mình còn trẻ và đẹp nên có nhiều ông mong được gá nghĩa, tuy vậy bà ngoại mình lúc nào cũng rỉ rả bên tai mẹ mình: con đâu cần lấy ai nữa, cái gì con cũng có rồi, danh thì con đã là bà Tham, con cái thì con đã có đủ trai, đủ gái, tiền thì con muốn bao nhiêu mẹ cũng cho… Thôi con ạ, đừng lấy chồng, tội cho mấy đứa con của con, sau này chịu cảnh con tôi- con anh- con chúng ta, khổ cho chúng nó. Con ơi, con nghe mẹ đi, ba mẹ con con cứ ở với bố mẹ, mẹ lo cho con và các cháu… Con nghe lời mẹ nhe con… Thế rồi tuổi xuân của mẹ mình trôi qua chỉ vì chữ Tiết hạnh khả phong. Mình thương mẹ mình quá.
- Thế sau khi chị lập gia đình thì bác sống với chị à?
- Sau khi sang Mỹ thì mẹ con mình mới chung sống với nhau, về già cụ bị chứng Alzheimer, mấy năm sau còn hay bị té ngã, nhiều khi quên bếp, quên cửa. Mình sợ nguy hiểm nên đành xin cho cụ vào “nursing home” từ bốn năm nay. Không giữ được mẹ bên cạnh, mình cũng buồn nhưng cụ ở trong đó có người trông nom và dù sao cũng an toàn cho mọi người, cho cụ và cho mình.
Từ ngày mẹ vào nursing home, ngày nào chị cũng vào thăm mẹ và cho ăn chiều, không bỏ ngày nào trừ phi đi xa. Ngay cả những ngày vô cùng bận như những ngày hôm nay chị cũng vào, không sót ngày nào, dù đôi khi phải vào trễ, nhưng vẫn vào, sợ mẹ trông, mà chắc gì mẹ chị còn biết hay còn nhớ mà trông mong…
Là phó Chủ Tịch của Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, chị lo mọi chuyện tổ chức từ bán vé, in sách, nhận sách, xếp bàn… cứ y như lo cho đám cưới của con cái mà chị còn “mời” hai đứa chúng tôi về ở, đúng là hai tay ba bếp (tổ chức họp mặt cho Văn Bút, lo cho mẹ, lo cho chồng) còn chòi gạch cua (tiếp khách là hai đứa chúng tôi).
Nursing home nằm trong khu đất thật đẹp. Chúng tôi lên lầu. Chị đã pha cà phê sữa, mua bánh ngọt và không quên mang vào mỗi ngày một quả cam.
Mẹ chị không có trong phòng dù trời đã tối. Cụ vẫn còn ngồi nơi bàn ăn cùng với hai, ba cụ khác. Cụ xoay lưng lại phía chúng tôi. Trước mặt cụ là ly sữa nằm kềnh và hai mẩu bánh mì ướt: ly sữa đổ loang trên bàn làm ướt hai mẩu bánh mì nhưng cụ vẫn bốc cho vào miệng vì cụ bị Alzheimer nhẹ. Building này dành cho những người bị Alzheimer. Cụ còn nhẹ nên ở lầu dưới, những người nặng thì bị nhốt trên cao, cửa có khóa, thân nhân ra vào phải có code để bấm cho thang máy di chuyển.
Xót mẹ, chị cự nự với ông khán hộ da mầu, ông này đang tán gẫu với cô bạn. Thay vì xin lỗi như vì chưa kịp nhìn thấy nên chưa kịp lau nên để cụ bốc bánh bị ướt trên bàn mà ăn, ông ta còn phân trần phải trái đã rồi mới lau.
Chị đẩy xe lăn đưa mẹ vào phòng, khi đi ngang phòng quản lý, chị khiếu nại với manager, nhưng phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, không ai chịu nhận lỗi:
- Tôi đã cho mẹ bà uống một nửa lon sữa rồi, cụ không chịu uống tiếp nên tôi để đó cho cụ tự uống rồi cụ mới làm đổ, chúng tôi chưa trông thấy thì bà vào.
Tôi thấy chị cằn nhằn nhân viên thì “lo” cho cụ: khi con cháu về, họ sẽ lôi cụ ra… trả thù: bỏ đói, bỏ khát, bỏ cho dơ, không chịu thay tã vì các cụ đâu còn nhớ gì mà mách hay khiếu nại nên tôi giả lả, giả bộ vuốt ve cho họ bỏ qua. Tiếc là tôi đã quên không chụp một tấm hình với sữa đổ và bánh ướt làm bằng cớ. Tôi đọc trên mạng, có gia đình Mỹ cũng khá giả, gửi mẹ vào nursing home tư đắt tiền, nhưng lần nào vào thăm người con cũng thấy mẹ mình lộ vẻ đau đớn, mà hỏi thì mẹ chẳng biết gì. Người con bèn tìm cách dấu camera trong phòng thì khám phá ra khi đêm đến, một ông gác đêm đã vào làm hỗn với mẹ mình do mẹ ở một mình một phòng. Trời đất, ngay cả một cụ già, lẫn mà họ cũng không tha!
Nói chuyện quay phim, tôi lại có một kinh nghiệm khác là ngày chúng tôi đi Peru. Ở Peru, khách du lịch được miễn thuế phòng khách sạn, việc này đã được xác nhận bởi người quản lý làm việc ngày hôm trước, nhưng ba bà nhân viên làm việc hôm sau cãi chày cãi cối bắt chúng tôi trả thuế khiến cô con dâu rất ít nói, hiền lành của tôi phải nổi giận sau hơn ba mươi phút giải thích. Sau cùng, gần giờ ra phi trường tôi bảo con trai:
- Con quay phim, chụp hình các nhân viên này và đưa hết lên mạng cho khách du lịch biết, sau đó mình khiếu nại với chính quyền và chủ khách sạn…
Khi nghe câu này thì nhân viên khách sạn mới chịu nhượng bộ. Đây là một khách sạn lớn, vốn là cung điện của một cô công chúa ngày xưa, khá đẹp gần trung tâm thành phố, ngay khu buôn bán sầm uất. Điều khó hiểu là chúng tôi đâu có trả tiền mặt mà họ cũng ăn gian? …Tóm lại thời buổi internet, cứ doạ cho lên “net” là họ ngại.
Chúng tôi theo chị đưa mẹ chị vào phòng. Phòng hai người, khá rộng rãi, sạch sẽ mà nhà nước phải chi 300 US cho một người mỗi ngày. Cỡ dở dở ương ương như chúng tôi thì không mong được nhà nước nuôi, mà trả 300 mỗi ngày thì chúng tôi không đủ khả năng trả số tiền cao như thế. Thú thật, ở tuổi cổ lai hy tôi cũng sợ cảnh vào nhà già lắm nên cứ cầu cho sống khoẻ, chết lẹ, khỏi phiền ai mà không cần sống dai. Đa thọ là đa khổ mà thôi… trông người mà ngẫm đến ta…
Tôi bóp chân cho cụ, cụ có vẻ thích và ra dấu bóp xuôi xuống. Chị bạn tôi, Thanh, bóp chân bên kia. Chúng tôi ngồi trên giường và cụ ngồi trên xe lăn.
Cụ chợt lên tiếng, rất tỉnh táo:
-Tôi cảm ơn hai chị nhé.
Chị Hồng Thủy đút bánh ngọt cho mẹ nhưng cụ quaymặt đi và chỉ tôi: hoá ra cụ muốn tôi đút cho cụ, vậy là chị và tôi cùng đút. Cụ ăn ngon lành cả bánh, cam, cà phê sữa mà chị mang vào. Khi không muốn ăn nữa thì cụ đẩy ra. Nếu chị không vào, e mẹ chị bị đói mất!
- Em thích cái vòng này - cụ chỉ vào vòng ngọc thạch tôi đang đeo ở cổ tay.
Cụ đột nhiên xưng em và sau đó chỉ xưng là em!
Tôi lột ra tính đeo cho cụ nhưng chị Hồng Thủy cản vì nhà già không cho đeo nữ trang.
Tôi đưa xâu chuỗi nằm trên bàn để lần hạt, cũng màu xanh cho cụ:
- Em không thích vòng này, không có vân...
Sau đó thì ký ức lôi cụ tuốt luốt về ngày còn trẻ. Cụ nói nhiều, nhưng toàn là chuyện ngày xưa liên hệ với ai đó có lẽ là bạn thời mới lớn:
- Thế mình là chị em với nhau thì đừng giận nhau nhé!
- Đừng chấp chúng nó, chúng nó là liền em ấy mà!
- Vâng, mình liền chị thì không chấp, mình bỏ qua cụ ạ - Tôi phụ hoạ theo
- Nếu ai cũng nói như chị thì còn gì bằng…
- Mai em đi chợ, em mua cái bàn mới…
Những mẩu chuyện không đầu không đuôi trao nhau, thật là buồn cười…
- Thế ai đây nào? chị Hồng Thủy ghé sát tai cụ hỏi
Hỏi đi hỏi lại mấy lần cụ mới trả lời:
- C’est ma sœur.
- Không phải ma sœur mà là ma fille Hồng Thủy.
- Oh! cụ biết nói tiếng Pháp nữa à chị, Thanh hỏi.
- Ngày xưa mẹ mình học tới brevet mà. Có một ngày cụ nói tiếng Pháp với các nhân viên, họ nói lại cho mình biết, mình ngạc nhiên quá vì từ ngày lớn lên mình có nghe cụ nói tiếng Pháp bao giờ đâu. Bây giờ bỗng dưng nghe mấy người làm ở đây nói tiếng Pháp với nhau cụ lại bật ra nói tiếng Pháp. Hôm nay có các bạn đến đông vui cụ nói nhiều đấy… Có mùi! chắc cụ bĩnh ra rồi. Mấy nàng ra ngoài để mình lau cho cụ.Thật ra mình rất happy khi mình vào đúng dịp cụ bĩnh, vì như vậy mình lau cho cụ được sạch hơn. Họ làm qua loa lắm, nhiều hôm lau lại vẫn thấy có vệt vàng (phân) ở chỗ kín. Có nói thì họ bảo không dám lau kỹ vào bên trong vì sợ bị thưa là sờ mó!
Đúng là lý sự của người lười.
- Còn chị, thay tã dơ, hôi thấy mồ mà kêu là happy, bộ chị không thấy ghê hay sao?
Chị cười:
-Lúc đầu cũng ghê thấy mồ đi chứ, nhưng hồi cụ còn ở nhà, mình vẫn phải làm cho mẹ nên quen rồi, bây giờ không thấy ngại nữa mà còn thích làm, vì mình làm thì mẹ mình sẽ được sạch sẽ hơn nhiều.
Rất thiện nghệ, chị đỡ cho mẹ nằm lên giường:
- Chị có học qua khóa săn sóc người già hả chị?
- Học khỉ gì, mình quan sát họ làm rồi bắt chước đấy chứ.
Chị kéo màn, vào nhà tắm nhúng ướt khăn, lấy khăn giấy và bắt đầu cởi tã… Nhìn cái tã tùm lum, chúng tôi biết cụ đã bĩnh ra khá lâu rồi.
Chúng tôi rút lui ra cửa. Chị nhờ tôi gọi người quản lý vì chị muốn chỉ cho họ thấy, họ đã không thay cho cụ kịp thời, để cụ phải ngồi với tã dơ khá lâu như vậy. Bà này vào phòng, nhưng cứ đứng trơ ra nhìn chị lau chùi cho cụ, chứ không hề đụng tay phụ chị chút nào, chắc bà ta là Xếp nên không làm chuyện này.
- Thú thật với Thanh là mình không làm nổi chuyện lau chùi này. Có con, lo cho con khi chúng còn nhỏ thì... ừ ừ không sao, chứ mỗi lần ngửi, nhìn thấy phân là Sao Khuê đã nôn oẹ tùm lum. Hồi mới di cư vào Nam, nhà Sao Khuê nghèo lắm, bố đi làm xa, mẹ đi làm cả ngày nên hàng ngày Sao Khuê phải hốt phân cho cậu em 4 tuổi sau khi đi học về. Nó còn nhỏ nên cứ ị đại ngoài hiên, sau đó bà ngoại Sao Khuê đậy lại bằng mảnh báo, lấy củi tạ đè lên. Sau khi hốt và đem dục ở cầu tiêu công cộng, Sao Khuê còn phải múc nước giếng và lấy chổi chà cọ cho sạch, eo ôi là ói và còn sợ tới bây gi… Nghĩ lại còn rùng mình! …
- Hồi đầu mình cũng ói chứ, sau thì quen dần. Chị nói vọng ra.
- Thời gian đầu qua Mỹ, Thanh cũng học nghề này. Thực ra chỉ có di dân mới tới hay người da mầu mới chấp nhận việc săn sóc người già và bệnh chứ người Mỹ trắng, ít người chịu làm việc này.
- Nhiều ngày vào thấy tã cụ ẩm là mình thay rồi lau chùi lại cho sạch sẽ, chứ họ lau cũng qua loa lắm, chỗ kín còn màu vàng, mình cứ sợ cụ bị nhiễm trùng nên phải lau chùi hoài.
Chị kéo màn ra. Việc lau chùi đã xong. Tôi phụ chị thay áo ngủ cho cụ. Gần trăm tuổi mà cụ còn đẹp, da dẻ trắng phau phau không có nhăn nheo mấy.
- Cụ đẹp lắm, trắng như bông bưởi.
- Em đen đấy!... cụ trả lời…
Ông khán hộ đẩy xe lăn đưa bà hàng xóm của cụ vào. Bà này mới ngoài 80 tuổi, nét mặt vui vẻ và khe khẽ hát.
- Bà ấy trước là dược sĩ, cùng nghề với Sao Khuê đấy.
- Were you pharmacist ? Tôi hỏi bà.
- Yes! Bà vui vẻ trả lời và vẫn tiếp tục khe khẽ hát. Ông khán hộ đỡ bà lên giường nằm và thay quần áo cho bà. Phản ứng tự nhiên của bà là cố giữ lại không cho cởi ra, bà mắc cở khi bị người lạ lột đồ. Có lẽ đó là lý do mà đôi lúc khán hộ đánh hay tát người bệnh vì họ làm cản trở công việc, chưa kể đôi khi người bệnh còn phản ứng dữ dội hơn như cào cấu khán hộ vì người lãng trí đâu còn phân biệt ai là người giúp, ai là người hại họ!
Chúng tôi tiếp tục nói chuyện không đâu vào đâu với cụ. Bỗng cụ chỉ chị Hồng Thủy và nói với chúng tôi:
- Tốt lắm đấy nhé!
Một lời phẩm bình của người mắc bệnh Alzheimer, là phát ra từ tiềm thức qua nhiều lần nhận xét vô tư chí công, dĩ nhiên là đúng một trăm phần trăm.
Từ giã cụ ra về, trong thang máy chúng tôi gặp một ông Mỹ trắng mà chị Hồng Thủy cho biết là ông này cũng hàng ngày vào thăm mẹ như chị vậy.
- Are you coming to see your mother?
- No, my mother in law!
Cả ba người chúng tôi cùng “Oh!” với vẻ vô cùng ngưỡng mộ. Chị Hồng Thủy đùa:
- Không biết bà này có di chúc để của cho anh con rể không. Ông ấy thì hầu như ngày nào cũng vào, còn bà vợ, con ruột nhưng lâu lắm mới thấy mặt một lần.
Không biết chúng mình thì sẽ ra sao? Tôi tự hỏi nhưng không muốn nói ra. Xem ra lúc sống và ngay cả lúc chết con người đều bị chi phối bởi điều gì rất huyền bí là số phận, là nghiệp, giải thích bằng nhân quả, dù chẳng ai giống ai khi sống hay khi ra đi. Tôi mong rằng các cụ già đều được con hay khán hộ săn sóc tử tế vì một ngày kia họ cũng sẽ già cũng sẽ bất lực… Riêng tôi, tôi vô cùng ngưỡng mộ chị Hồng Thủy và ông con rể đã gặp trong thang máy.

Sao Khuê
Mùa xuân tháng 4 năm 2016