"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

"Khuyết Điểm Ba Tư"

 O

 

17Ahvhien --- kdb1

 

Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc,

(Biết đủ thì đủ, đợi đủ thì bao giờ đủ)

Lão tử

 

Đọc báo mấy chục năm trước, tình cờ tôi gặp một câu chuyện nói về "Khuyết điểm Ba tư", hay "Persian flaw". Khái niệm này thoạt nghe khá ngộ nghĩnh, hay hay. Suy nghĩ kỹ thì lại thấy nó không xa lạ với những quan niệm cố hữu của người Việt chúng ta. Nay mới có dịp "tản mạn", tuỳ bút xa gần về đề tài này.

Chuyện đại khái như sau. Một anh chàng nhà nghèo Ba Tư mê thầm nhớ trộm một cô gái đẹp nhà giàu mà không bao giờ có dịp gặp. Một hôm, trời mưa lớn, anh ta chạy vào trú trước một cửa hàng lớn kia. May mắn thay, lại đúng ngay cửa hàng của người đẹp, được đối mặt chiêm ngưỡng nhan sắc và lại còn được người đẹp hỏi thăm. Nhìn lên vách có treo một cây đàn benju, đàn dây Ba Tư giống như đàn tranh, anh hỏi thăm vì anh mê và chơi đàn này rất giỏi. Cô gái nghe vậy lấy làm thích thú lắm, mời anh vào nhà để thử cây đàn. Cơ hội bằng vàng....Nhưng chàng trai, cảm thấy mình được may mắn như vậy đã quá nhiều cho một ngày, tìm cách cáo từ, lúc đó mưa đã tạnh…

Tương tự như trong  thơ của Hồ Dzếnh:

…”Tình mất vui khi đã vẹn câu thề

Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở

Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ

Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa.”

Người dân Ba Tư là sắc dân đa số của nước Iran ngày nay, và lai lịch của họ đi ngược thời gian đến thế kỷ thứ 9 trước tây lịch. Thảm của họ nổi tiếng khắp thế giới, và tấm thảm xưa nhất hiện nay có từ thế kỷ thứ 4 trước Thiên Chúa. Theo truyền thuyết, các thành viên trong những  bộ lạc Ba Tư cọng tác với nhau để dệt một tấm thảm chung kể lại các phấn đâu và gian nan trong lịch sử của họ, và mất hàng năm mới hoàn tất tác phẩm tập thể này. Tuy nhiên, họ không muốn tấm thảm hoàn hảo, vì họ tin rằng mọi điều thuộc về con người đều không thể và không nên hoàn hảo, thế gian của chúng ta không có chỗ đứng cho sự hoàn hảo. Chỉ có Thượng Đế hay thế giới cao hơn mới hoàn hảo. Do đó, người thợ dệt luôn luôn cố tình để lại một vết cắt, hay dấu nối, hay lỗi  kín đáo nào đó trong tác phẩm của họ.

Chuyện này nhắc tôi nhớ đến ngày xưa ở Huế, trong nhà trưng bày nhiều đồ xưa. và mỗi món đều bị nứt hay sứt mẻ ở một nơi nào đó, thường là nơi kín đáo, ví dụ phải mở nắp đậy ra mới thấy trên miệng bình có vết nứt. Có nghĩa là do ai đó cố tình làm hư hỏng. Tôi còn nhớ thân phụ giải thích là những cổ vật này do những người Thượng  bán lại cho người kinh. Đấy là những món đem về từ nghĩa địa. Khi người chủ nhân món đồ chết thì con cái  đem món đồ ra trưng bày ở mộ phần của họ, con cái không được lấy dùng hoặc đem bán. Tuy nhiên, họ có thể cố tình làm hư hỏng chút ít,  gõ nhẹ để làm sứt mẻ chỗ kín đáo, rồi lấy cớ món đồ không còn hoàn hảo nữa, cần thay thế, họ đem một bình, chậu mới rẻ tiền nhưng nguyên vẹn đặt vào mộ phần để thay thế, và đem món đồ xưa đi bán.

Hai hoàn cảnh cùng chung  ý niệm cho rằng sự toàn hảo chỉ thuộc về  cõi trên và không thể, hoặc không được, hiện diện trên trần thế. Có lẽ vì thế mà ông bà chúng ta luôn "chê"  mà không muốn khen một em bé là quá xinh quá đẹp, sợ nó không ở lâu với mình, sợ "ma quỷ  dòm ngó", hay "trời ghen", theo kiểu "Trời xanh quen thói má hổng đánh ghen" của Nguyễn Du lúc nói về người đẹp tài sắc vẹn toàn.

Người Pháp cũng dè dặt: "Cố gắng làm tốt hơn là kẻ thù của cái tốt" (Le mieux est l’ennemi du bien). Câu nói này có từ tận thế kỷ thứ 16, của người Ý, nhưng nhờ văn sĩ, triết gia Pháp Voltaire thế kỷ thứ 18 nhắc lại. Đành rằng chúng ta có thể hiểu theo nghĩa khác: nếu cứ mong cho hoàn hảo thì không bao giờ xong việc; hay nếu không bằng lòng với mức rất tốt đẹp mà cứ mong cải thiện hoài thì có cơ mình sẽ làm hư hỏng công trình, làm cho nó xấu hơn. Như trường hợp ca sĩ Michael Jackson hay các bà sửa sắc đẹp không ngừng cho đến lúc mặt mày bị hỏng luôn. Những người mê giải phẫu thẩm mỹ này bị "Hội chứng Hình dạng Thân thể Méo mó”  hay BDS: Body Dysmorphic Syndrome; họ bị ám ảnh rằng một phần hay toàn bộ cơ thể mình bị khuyết điểm cần sửa chữa bằng mọi giá, hướng đến một hình ảnh lý tưởng hầu như không bao giờ đạt được.

Achilles trong thần thoại Hy Lạp là con của vua Peleus và nữ thần biển (nymph) Thetis. Thetis cầm gót chân con trai và nhúng mình con vào sông Styx của cõi âm để con mình trở thành bất tử, nhưng chẳng may nơi gót chân đứa bé, nước sông Styx không chạm tới và điểm này sẽ là điểm yếu của Achilles sau này. Paris, hoàng tử thành Troy, sẽ được vị thần Apollo giúp bắn mũi tên định mệnh vào gót chân Achilles và giết người anh hùng bách chiến bách thắng này. Achilles vẫn là người của thế gian nên vẫn còn nhược điểm ở gót chân (Achilles heel), không thể bất tử như các vị thần trên trời được.

Trong tử vi, số của ai đó tốt đến mấy cũng phải chứa bao nhiêu sao, sao tốt cũng như sao xấu, chỉ khác nhau ở vị trí và tương quan giữa các vì sao này mà thôi. Bên này kém, thì bên kia khá hơn, hay ngược lại. Bỉ sắc tư phong. Không có lá số nào là hoàn toàn tốt, trong đó mọi cung từ thân, mệnh, phụ mẫu, tử tức, phu thê, di đều tốt cả. Trong kinh Dịch chỉ có quẻ Thuần Càn là quẻ số một, gồm 6 gạch ngang, nội quái và ngoại quái đều là Càn, nghĩa là của Trời. Nhân vô thập toàn. Triết lý Á Đông không "cầu toàn" mà đặt nặng tìm kiếm điểm quân bình, trung dung. Như lời Lão Tử được Nguyễn Công Trứ nhắc lại trong thơ :"Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc" (Biết đủ [thì đủ], đợi đủ thì bao giờ đủ ?)

Như vậy, có phải là sự tuyệt hảo chỉ có ở trên Trời, và hạnh phúc con người là chấp nhận những khuyết điểm của trần thế chăng? Mà dù chúng ta có tham lam mong muốn sự toàn hảo đi nữa, chưa chắc điều ta muốn lại không  làm ta thất vọng! Như người Mỹ thường nói: "Hãy coi chừng những gì mình mơ ước, nó có thể thành sự thật đấy!..". Cũng có thể là người Tàu nói trước, nhưng tiếng Anh như sau: Be careful what you wish for, lest it come true!

Nước Mỹ là một tập thể 50 quốc gia đa dạng, họ có thể muôn hình vạn trạng. Nhìn bên ngoài xuề xoà, có lúc hỗn độn, hầu như "cóc cần đời", bất chấp luật lệ. Xem vậy thôi, chứ tuỳ nơi, tuỳ lúc, ít xã hội nào cạnh tranh và cầu toàn (perfectionist) như xã hội Mỹ. Hàn quốc mới đây và Nhật Bản trước đây cũng nhờ học cái thói bon chen của Tây Phương mà có được địa vị cao trên thế giới ngày nay. Tuy vậy, họ hình như chưa học được tính dẽo dai ("plasticity", vừa cứng vừa mềm của Mỹ, dân số của họ bị lão hoá nhanh chóng và xã hội họ cũng bắt đầu mõi mệt,  giới trẻ không còn muốn sanh con đẻ cái nữa. Iran, quê hương của "khuyết điểm Ba Tư", Trung Quốc, quê hương của đạo trung dung lại đi từ cực đoan này đến cực đoan khác trong lúc Châu Âu như Pháp, Ý , Tây Ban Nha (Spain), Hy Lạp (Greece) thì lại hiểu chữ "nhàn" quá kỹ, cho nên được tiên đoán là sẽ  sẽ lẹt đẹt trong trật tự toàn cầu những năm tới.

Theo Pricewaterhouse Coopers (1), năm 2030, kinh tế Việt nam sẽ đứng thứ 29 thế giới với GDP  (theo sức mua PPP) 1303 tỷ đô la, và đến năm 2050 sẽ đứng hạng 20. Trong khi đó, Pháp, Ý, Nam Hàn (South Korea) sẽ không còn trong 10 nước có GDP lớn nhất.(2)

Không biết Việt Nam chúng ta, thừa hưởng túi khôn Đông Tây , kim cổ, sẽ vận dụng trí thông minh được xem là không thua kém ai  cùng với triết lý tri túc, tri nhàn của chúng ta đến mức nào trong tương lai sắp tới?

 

References:

  1. The World in 2050

“The top ten fastest growing economies are all developing countries: seven are from South and Southeast Asia and three are from Africa;  Our model projects that Nigeria and Vietnam could have the highest average real GDP growth per annum during the whole period to 2050: ...  Our model projects that Vietnam could grow at an average annual rate of 5.3%. However, in order to realize this, Vietnam needs stronger macroeconomic policy frameworks to realize this potential.”

file:///home/chronos/u-3fee2d9ab467bae399e32c89ba7453bef0d1b97f/Downloads/world-in-2050-february-2015.pdf

(2) http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/pwc-gdp-viet-nam-dung-thu-20-the-gioi-vao-nam-2050-3537302.html

Hồ Văn Hiền

Ngày 24  tháng 2 năm 2017