"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

Viết Cho Lửa Việt

   Nghe trên TV tin việc chiếc cầu ở Minesota bị sập. Do có quen với một người bạn ở gần đó và biết hàng ngày họ thường đi lại qua cầu này nên tôi gọi điện thoại hỏi thăm. Câu chuyện tình cờ đưa đến một số người Việt Nam ở trong vùng mà tôi có thể quen biết.

   Khoảng độ một giờ sau tôi lại nhận được điện thoại, bắt lên và tự nhận diện, tôi nghe một tiếng vui mừng trong phone, “Anh K, chị D hả, em đây, út em đây, anh nhớ em không?...” Tôi nhớ ngay ra cô bé ngày xưa, gia đình em thật khó khăn do cha bị đi học tập cải tạo và chết trong trại, bà mẹ với một đàn con nheo nhóc ở nhà… Lúc đó, tôi đã có bé Na, đứa con đầu lòng và cũng đang “chạy cơm từng bữa” nhưng cũng là “lá rách đùm lá nát”. Vợ tôi – T.D – muốn cô bé thỉnh thoảng chạy qua để vo gạo, nấu cơm, hay giặt vài cái áo của con tôi…

   Cú phone bất ngờ cho tôi một niềm vui “tha hương ngộ cố tri” Câu chuyện vui vẻ, Út em hỏi tôi nhiều về bé Na và bỗng dưng nhắc đến chuyện cũ, em nói là em nhớ hoài và mong gặp lại anh chị và bé Na lắm. Tôi nghe giọng nói biết em vẫn còn nhiều xúc động khi kể lại câu chuyện cũ lúc em còn “hàn vi”…

   Hôm đó, tôi đi dạy học về, ghé qua nhà bà ngoại bé Na để chở Na và T.D về nhà, ban ngày tôi đi làm hay gởi bé Na bên bà ngoại, chỉ đến tối mới về cái phòng mà gia đình người bạn thương tình đã cho chúng tôi tá túc, như là “mái ấm gia đình” của chúng tôi.  Trước khi về, Bà ngoại Na nhắc T.D, “nói cho K biết nghe! ”. Tôi không để ý lắm bởi tôi vẫn biết bà ngoại luôn có chuyện mới để nói.

   Tuy nhiên tối hôm đó, T.D với vẻ “nghiêm trọng” nói với tôi, “con Út nó ăn cắp đồ”. Tôi vẫn thường thương Út do hoàn cảnh gia đình nhà em. Ngoài việc làm cho gia đình tôi qua lại ở nhà bà ngoại thường xuyên, Út cùng với các chị em còn đi bán thuốc lá và vé số. Có lần tôi thấy chỉ có một vài bao thuốc lá trong cái thùng bán rong của gia đình em, tôi hỏi em chỉ có chừng đó thì bán được gì? Út em nói, em chẳng có tiền mua thêm, tôi rút hết số tiền trong túi cho Út và nói em lấy đi về mua thêm, số tiền tôi đưa chắc cũng chỉ mua được thêm 2 bao thuốc nội địa, em ngần ngại… Tôi nói cứ lấy đi và em nhận lấy, tôi vẫn nhớ trong ánh mắt thơ ngây ấy em đã muốn nói gì…

   Việc T.D nói Út “ăn cắp” làm tôi hơi ngạc nhiên về em, em qua lại nhà bà ngoại như người nhà, nơi tất cả những đồ đạc gì của chúng tôi cũng ở bên đó và không bao giờ tôi để ý, coi chừng. Vốn tính tôi ít khi chỉ nghe mà không có bằng chứng rõ rệt, nhất là tôi không nghĩ Út là “đứa ăn cắp”. Tôi hỏi T.D: “Út nó lấy gì?”, T.D nói bà ngoại “bắt quả tang” Út lấy thuốc bổ của Má gởi về cho anh. Tôi hơi bàng hoàng, như vậy là có thực rồi. Thỉnh thoảng, ba Má tôi ở Úc vẫn gởi về các thùng quà để “cứu trợ” cho chúng tôi, Ba Má tôi nghĩ chúng tôi vì ăn uống thiếu thốn nên sẽ cần thuốc bổ.  Quả thực là vậy, nhưng phần lớn tôi đều bán hết để mua sữa hay các thứ cần thiết nuôi bé Na, và cố giữ lại một hộp nhưng lại cũng không uống thường xuyên vì tính tôi vẫn không thích uống thuốc... Út biết mọi thứ trong nhà vì toàn bộ tài sản chỉ “đếm trên đầu ngón tay”...

   Không hiểu sao sau khi nghe câu chuyện, đầu óc tôi lại liên tuởng đến một câu chuyện khác của Má tôi. Một câu chuyện thật xưa lúc bà còn trẻ, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi từ lúc đó. Má tôi kể rằng, bà ngoại tôi là người có chút ít ruộng đất và cứ mỗi năm đến mùa gặt là bà ngoại của tôi có nhiều người tá điền đến phụ giúp để đưa lúa vào trong các bồ chứa. Má tôi và các cậu, dì luôn luôn phải tham gia làm việc đồng áng và đồng thời “giám sát” quản lý những người đến phụ việc. Má tôi kể lại, một hôm Má tôi “bắt quả tang” một chị nông dân đã lén giấu thóc trong người để mang về nhà. Má tôi biết được nhưng nhìn cái vẻ nghèo nàn của chị bỗng động lòng thương và nói với chị “lần này chị cứ giữ đem về đi, nhưng chị phải cẩn thận nghe, nếu mẹ tôi mà biết được, thì chị sẽ không còn được làm việc nữa đâu !” Má tôi để người đó đi về với số thóc gạo “ăn cắp” của bà ngoại và giữ kín việc đó. Câu chuyện tôi nghe không biết lúc mấy tuổi nhưng vẫn còn nhớ như cái hạt giống về lòng nhân ái của Má đã gieo trong trái tim tôi.

   Nếu Tâm như có người giải thích ngắn gọn là sự tích lũy của chúng ta, và Tâm là cơ sở cho mọi hành động, thì Tâm của tôi đã được tích lũy và huân tập (xông ướp) từ rất nhiều việc làm tôi đã thấy từ Ba Má tôi, mà câu chuyện “ân cắp thóc” chỉ này là một tiêu biểu trong bao nhiêu chuyện khác.

   Tôi trở lại khi nghe T.D hỏi tôi, “Anh nghĩ sao?” Tôi biết T.D cũng thương Út em lắm . Tôi nói qua loa, “Để xem, có gì anh hỏi Út em”. Vài ngày sau khi đi làm về, gặp Út em tôi kêu lại và hỏi riêng: “Em có cần thuốc bổ không?” Em rưng rưng nước mắt ấp úng nói chị hay mẹ em bị đau gì đó mà không nói hết lời….. Hộp thuốc “ngoại” này cũng gần hết, tôi trút ra cho em phân nửa và giữ lại một nửa… Tôi chỉ biết là em “ăn cắp” vì thương chị hay mẹ đang đau, gia đình quá nghèo nên chắc em hy vọng mấy viên thuốc bổ ngoại quốc này sẽ làm cho mẹ hay chị em mau lành bệnh. Một lần nữa, tôi đã giải quyết công việc theo cái Tâm mà Má tôi đã huân tập. Sau đó, tôi nói với T.D và bà ngoại bé Na, tôi đã cho Út em thêm thuốc và cứ giữ Út lại làm việc, T.D đồng ý với tôi.  Út tiếp tục qua lại giúp đỡ gia đình tôi cho đến ngày chúng tôi được rời Việt Nam. Khi về Việt Nam cách đây 7 năm, tôi có ghé thăm gia đình em nhưng nghe hàng xóm nói gia đình được đi diện HO và họ nói gia đình nghe nói nay khá lắm, tôi thầm mừng cho gia đình em “sông có khúc, người có lúc...” và mãi đến nay mới được điện thoại của em từ Minessota nhờ quen biết qua người bạn cũ từ ngẫu nhiên của câu chuyện chiếc cầu gãy...

   Hôm nay, Út không còn như xưa và tôi tin rằng gia đình em sẽ còn thành công hơn như nhiều người khác đến với “thiên đường Mỹ quốc” qua diện HO vốn đã từng trải qua “con đường đau khổ”. Út nhắc lại chuyện cũ, cũng là một thời “hàn vi” của gia đình tôi, tôi vẫn nhớ em đã cùng với gia đình tôi sống qua những tháng ngày thiếu thốn, tuy nhiên chúng tôi đã không thiếu thốn tình người, lòng nhân hậu mà Ba Má tôi đã gieo những hạt giống từ khi chúng tôi còn rất nhỏ, cái đầy đủ có trong Tâm, không biết có phải đó cái tự tánh mà tôi đã từng được đọc đâu đó là : “Hà kỳ tự tánh bổn tự cự túc” (Nào ngờ tự tánh (cho ta) luôn luôn đầy đủ).

   Cũng là một qui luật của lẽ vô thường, tất cả những gì thân thương, quí giá nhất đối với mình rồi cũng thay đổi và sẽ chia tay. Tôi không còn may mắn còn được mãi sống gần Ba Má tôi, nhưng ở bất cứ nơi đâu, mạch nước trong tâm tôi cũng trở về nguồn yêu thương vô tận với những bài học về lòng Nhân Ái, một sự trở về vĩnh viễn như câu thơ của Tản Đà:

   “Non xanh đã biết hay chưa
   Nước đi ra bể lại mưa về nguồn…”

   Khi đi làm việc cộng đồng tôi đã cảm phục bao nhiêu bạn đã âm thầm làm việc với cái tâm Từ, tôi lại nhớ đến Má tôi, người luôn mong nuôi dưỡng được cái Tâm Từ cho tôi. Cái tâm đã mang lại cho tôi biết bao sự thanh thản, bình an và giúp tôi vượt qua nghịch cảnh. Tuy cố gắng tâm niệm việc giúp đỡ như chữ “Xả” để không thấy mình làm gì cả, tôi vẫn thường hay nhận được cách biểu lộ lòng cám ơn chân tình hoặc qua thư từ, ánh mắt, hay bằng lời như câu chuyện với Út em. Cứ mỗi khi như vậy, tôi thầm nghĩ chỉ cầu mong sao những hạt giống nhân ái lại sẽ còn tiếp tục gieo vào các con tôi, mà tôi biết sẽ đến một lúc nào đó, các con tôi cũng như tôi hôm nay, ngộ được không phải là tài sản, không phải địa vị, chẳng phải bằng cấp, sự tự hào mà là lòng nhân ái trong tim là suối nguồn hạnh phúc, và sự biết ơn là cho tất cả những ai đã chung sức khơi mạch cho giòng suối đó từ thuở ấu thơ.

   Một người bạn mà tôi vốn quí trọng trong nhóm Lửa Việt hỏi tôi có viết bài gì cho báo Xuân, tuy chưa bao giờ là một thành viên của Lửa Viêt, nhưng tôi hay theo dõi và luôn luôn cảm phục các chương trình của Lửa Việt, anh cùng với rất nhiều bạn trong nhóm đã âm thầm làm việc để cứu giúp cho những mảnh đời bất hạnh ở Việt Nam, lời yêu cầu này cũng là một dịp cho tôi viết lên vài dòng để nói lên cảm nghĩ của mình, với một vài chuyện riêng tư về bài học vỡ lòng căn bản, bàì học về tình người mà tôi đã học từ khi còn thơ, mà hiện nay Nhóm Lửa Việt đang hàng ngày hun đúc.

   Nếu biết bao nhiêu người mẹ đã cố gắng gieo hạt giống Tâm Từ vào những đứa con yêu thương của mình, thì Lửa Việt đã tiếp nối để tạo điều kiện cho các hạt giống đó trở thành những cây yêu thương để tỏa các bóng mát, chở che cho biết bao nhiêu cuộc đời bất hạnh. Những chương trình “Tình Thương” – Chén gạo tình thương, lớp học tình thương... là sự tiếp tục giáo dục và củng cố bài học cơ bản nhất của con người là Lòng Nhân Ái, cũng đồng thời cứu giúp cho bao người vượt qua nghịch cảnh, và để nhắc nhở, khơi dậy cái ngọn lửa của “tính bổn thiện chi sơ” trong mỗi chúng ta, vốn luôn bị cuộc sống tiện nghi và bận rộn vùi lấp.

   Rất mong Lửa Việt sẽ mãi là “ngọn lửa tình thương, nhân ái” để tiếp tục thắp sáng, xua tan phần nào cái bóng tối đau khổ triền miên của bao nhiêu người Việt Nam bất hạnh ở quê nhà.

Nguyễn Thanh Khiết, nguời bạn của Lửa Việt.