"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

 

Chiều Huế Thương

Dòng Hương Giang giữa hoàng hôn soi dáng
Cầu Tràng Tiền đếm nhịp dưới nắng reo
Thôn Vĩ Dạ ấp e sau cành trúc
Khói bếp chiều làm hồn nhạn bay theo...

Chùa Thiên Mụ gõ hồi chuông ngân nhẹ
Dư âm về bên tiếng hát yêu thương
Bức tranh quê vẽ đẹp bờ dĩ vãng
Chiếc thuyền trôi theo làn nước vấn vương...

Đầm Lập An, chiều nay nhìn say đắm
Mắt môi buồn cũng dịu xuống màu xanh
Tuổi ngây thơ hôm nào còn xanh thẳm
Dệt thêu đời bên đèo núi Hải Vân...

Huế yêu thương trên câu hò ru mộng
Nét trầm buồn làm thơ lặng lẽ trao
Khép nhẹ vào áo tím bay theo gió
Ai tơ tình để chữ nhớ xôn xao...

Chiều Đại Nội khoe sắc màu cổ kính
Dưới nắng vàng, trải thảm nhớ êm đềm
Bao dấu tích ngàn xưa bên chiếc bóng
Thuở hôm nào còn đẹp nét uy nghiêm...

Vịnh Lăng Cô, biển trời mênh mông nước
Người đi xa có nhớ hoa Phượng Vàng
Phá Tam Giang chờ mong ai ghé lại
Xứ Thơ buồn theo dòng chảy mênh mang...

Trường Đinh
UK, sương mù già 2017
- viết ngày 9 tháng 7 năm 2017

Chú thích:

+ Sông Hương: Còn gọi là Hương Giang, một con sông đẹp chảy qua thành phố Huế, là một trong những biểu tượng nổi bật của xứ Huế. Những biểu tượng khác của Huế là núi Ngự Bình, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba và chùa Thiên Mụ.

+ Cầu Tràng Tiền: Còn gọi là cầu Trường Tiền, bắc qua sông Hương, dài trên 402 m, có 6 vài 12 nhịp hình bán nguyệt, nằm ở ngay giữa thành phố Huế. Trước thời Pháp thuộc, dân địa phương quen gọi là cầu Mống.

+ Thôn Vỹ Dạ: Còn gọi là Vĩ Dã, là một thôn phường nhỏ thuộc thành phố Huế, nổi tiếng với bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, đã được nhiều nhạc sĩ đưa vào nhạc khúc.

+ Chùa Thiên Mụ: Còn gọi là chùa Linh Mụ (Bà mụ linh thiêng), một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê thuộc phần tả ngạn sông Hương. Người dân địa phương thường gọi là chùa Tiên Mụ (Bà mụ thần tiên).

+ Đầm Lập An: Một vùng nước thơ mộng nằm bên chân đèo Hải Vân, cách Huế khoảng 70 km. Nơi đây đẹp tuyệt vời lãng mạn vào những buổi chiều tà, với dòng mây trắng xanh lững lờ, với sóng nước dịu êm tình tứ, với ngọn gió u hoài gợi cảm... Đặc sản của Lập An là hàu tươi, còn được mệnh danh là "viên ngọc của trời".

+ Đại Nội Huế: Khu vực hoàng thành rộng lớn nằm bên trong kinh thành Huế, là địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên, với nét uy nghi phong kiến còn sót lại của những triều đại vua chúa thuở xa xưa.

+ Vịnh Lăng Cô: Một khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, với bãi biển cát trắng mịn dài hơn 10 km bên dòng nước xanh mát êm đềm. Được bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất trên thế giới. Nơi đây có khu du lịch Lăng Cô nằm ven bờ biển, cảnh sắc yên bình thơ mộng, với những cánh rừng nhiệt đới và các dãy núi hoang nhiên hùng vĩ.

+ Đèo Hải Vân: Còn gọi là đèo Ải Vân, hay đèo Mây. Là ngọn đèo hùng vĩ nhất của xứ Huế, cao khoảng 500 m và dài khoảng 20 km. Ngọn đèo nằm ở giữa địa giới của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, với những con đường quanh co đẹp mắt giữa núi cao hiểm trở và biển trời xanh mát thơ mộng. Nói về đèo Hải Vân, ca dao miền Trung Việt Nam có câu "chiều chiều mây phủ Ải Vân, chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn".

+ Xứ Thơ: Cũng là một tên gọi cho vùng đất Thần Kinh Huế vì nét đẹp lãng mạn và mộng mơ của miền đất Trung Bộ. Từ năm 1802, kinh đô Huế là thủ đô của Việt Nam sau khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, và kết thúc triều đại phong kiến vào năm 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị. Vì vậy, kinh đô Huế ngày nay còn được biết đến là Cố Đô Huế.

+ Hoa Phượng Vàng: Những hàng cây hoa Phượng nở vàng trên thành phố Huế, đặc biệt cây Phượng Vàng được trồng rất nhiều ở các đường phố Phan Bội Châu (gần chùa Từ Đàm Huế), Lê lợi (gần ga xe lửa Huế) và Ngô Quyền (gần Trung Tâm Truyền Hình Huế).

+ Phá Tam Giang: Một đầm phá có diện tích khoảng 52 km² và trải dài 24 km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào thập niên 1970, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có phổ nhạc bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang của nhà thơ Tô Thùy Yên, và nhạc bản đã được phổ biến rất rộng qua nhiều tiếng hát nổi tiếng trong và ngoài nước.