"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

  

     Ly Cafe Đắng
  

Nguyễn Hoàng Lâm Ni

 

 

Hôm nay chở nhà tôi đi mua đồ về làm giỗ (kỵ) đứa con đầu lòng đã mất cách đây hai mươi lăm năm, trong lúc nhà tôi vào chợ mua sắm, tôi không biết làm gì, thôi thì tìm chiếc quán vào ngồi nhâm nhi ly cafe buổi sáng và chờ đợi.

 

Tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế, gọi một tách cafe đen, lơ đễnh nhìn dòng người qua lại hối hả trên đường. Ở đây toàn người dân quê và dân lao động nghèo Thị Xã kiếm sống, chen lấn nhau tranh thủ để mua bán và dĩ nhiên không thiếu những âm thanh nặng nề, quê kệch, thiếu văn hóa của tầng lớp dưới. Nhưng mạch sống thật mãnh liệt, hối hả tranh thủ từng chút một, kiếm từng đồng một.

 

Trong chiếc quán bên đường gần chợ, tôi ngồi lim dim lắng nghe từng âm thanh của cuộc sống người dân nơi đây, trong quán chừng mươi lăm người khách thảnh thơi bên tách cafe buổi sáng trong đó có tôi. Bỗng có tiếng vang lên bên tai:

-Mời ông mua dùm vé số.

 

Tôi mở mắt ra thấy một bà lão tay chống gậy, phía trước ngực đeo một túi xách nhỏ, lưng còng chòm về phía tôi, trên tay cầm một xấp vé số đưa lên trước mặt.Tôi ngỡ ngàng, lật đật ngồi thẳng dậy tỉnh hẳn.Tôi chưa bao giờ mua vé số, vì tôi không có tiền dư, tiền lương tháng không đủ để chu cấp cho hai đứa con đang ăn học,tôi chắc chiu từng đồng, tiện tặng lo cho cái gia đình nho nhỏ đủ đắp đổi qua ngày tháng, với lại tôi không có giấc mơ làm giàu hão huyền bằng trúng số, nên chưa từng mua vé số.

 

Tôi nhìn bà cụ

-Thưa cụ: cụ bao nhiêu tuổi rồi ạ?

 

Bà cụ trả lời: tám tư.

 

Tôi nghe giọng nói bà cụ rất yếu.

-Thế con cháu cụ đâu mà để cụ già yếu thế này còn đi bán vé số?

Bà cụ trả lời:con có, cháu có nhưng chúng cũng khổ nên bà không nhờ gì được chúng nó, nên đi bán vé số để kiếm sống....

 

Tôi không dám hỏi gì thêm nữa, đưa tay cầm tập vé số của bà cụ đang đưa trước mặt, tôi lấy ba tờ không quan tâm số gì, tôi chỉ có thể mua ba tờ thôi, vì trong túi tôi chỉ có năm mươi ngàn đồng, ba tờ vé số đã ba mươi ngàn đồng, còn hai mươi ngàn để trả tiền cafe và thuốc lá.

 

Tôi đưa cụ tờ năm mươi ngàn đồng.

-Cụ hỏi tôi:tờ bao nhiêu?

-Dạ năm chục ngàn ạ.

 

Bà cụ mở túi xách trước ngực,đưa túi xách cho tôi bảo: chú lấy tiền thấu đi. Tôi ngạc nhiên nói:cụ thấu lại cho con hai chục ngàn thôi. Bà cụ nói: tôi không biết tờ nào hai chục ngàn, chú cứ lấy đi. Tôi hết ngạc nhiên đến sững sờ, tôi hỏi cụ:

-Thế cụ bán cho người khác, cụ cũng đưa túi cho người ta tự lấy tiền thấu sao?

Bà cụ:ừ.

-Thế cụ đã mất tiền bao giờ chưa?

Bà cụ: chưa con.

 

Bà cụ quay lưng, chống gậy sang bàn khác, tôi nhìn theo nghĩ có khi mất nhiều lần nhưng cụ không biết, có lẽ không muốn biết, vì có biết đời cụ cũng không khác đi được. Cụ còn biết trông cậy vào ai? Giờ có lẽ cụ chỉ còn trông cậy vào lòng trung thực, thật thà của con người mà thôi, cụ vin vào đó để tiếp tục sống trên chút sức tàn của tuổi tám tư.

 

Tôi đốt điếu thuốc hít một hơi dài, nhả từng lọn khói bay lên không trung rồi tan dần, đầu tôi rỗng tuếch, lòng tôi vừa có một nỗi buồn xâm chiếm.Tôi đưa ly cafe lên môi hớp một ngụm, tôi cảm thấy ly cafe sáng nay thật đắng, không còn ngon như mọi ngày. Có lẽ miệng tôi rất đắng....