"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

 

Vườn Khuya Bước Nhẹ

Mai sau dẫu có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

(Nguyễn Du)

 

      Khi người khách lạ vừa ra khỏi tiệm, tôi vội vàng đóng cửa vì mùa này chiều xuống nhanh, người khách hàng chỉ gọi một ly cà phê đắng nhưng ngồi nhâm nhi khá lâu làm tôi hơi sốt ruột. Trong góc tối nhất của tiệm, người khách xem chừng đã quan sát tôi hơi kỹ, tôi hơi khó chịu vì bị chiếu tướng qua rèm tóc "phương dung" che nửa mặt, tôi cũng đóng trò điệp viên theo dõi đối thủ. Trông hắn cũng quen quen mà chẳng ăn nhằm gì, vì mấy ông HO thường có một nét quen quen. Vì họ chung chung trong cách ăn mặc, đi ra ngoài sáng trưa chiều tối cũng chỉ khoác ngoài chiếc "áo gió" hay chiếc áo jean, đôi khi với đôi dép Nhật lép xẹp. Trong đầu họ như cứ mãi vấn vương điều gì, nên  mắt đôi khi đăm chiêu đôi khi thảnh thót vu vơ. Những ông HO, cho tôi được gọi như thế, họ thường đến quán tôi ngồi nhâm nhi cà phê một mình.., và mỗi người là một trời tâm sự. Tôi hiểu được nỗi đau của những tháng năm bi phẩn, quằn quại trong các trại tù cải tạo còn mãi âm hưởng trong hồn họ......

      Trên bàn ăn của người khách vừa mới đi ra, tôi chợt thấy dòng chữ, đúng hơn là hai câu thơ trên mảnh giấy napkin, tôi rú lên, tay chân tôi bủn rủn vì rành rành màu mực tím và nét chữ không thể là của một ai khác được......Còn hai câu thơ cũng để chỉ dành cho riêng tôi, và đã được cất giấu như một kho tàng vô giá trong đền đài kỷ niệm, một vùng không gian thiêng liêng mà mỗi khi có ai  đi vào, vẫn thuờng được dặn dò: " Xin hãy lặng im khi chiêm ngưỡng những đền đài kỷ niệm này. "

 Tôi hối hả lái xe về nhà, tay chân vẫn còn lẩy bẩy, nghĩ lại những câu nói của Trâm, cô gái phụ việc trong tiệm mà vẫn còn run: "Cô ơi , sao ly cà phê vẫn còn nguyên và tiền thối lại vẫn còn nguyên trên quầy hàng." Tôi vội chạy ra khỏi quán, tìm nhốn nhác người khách lạ giữa những người qua lại trên đường.  Người khách lạ đã biến đi ngã nào rồi ? Và tôi chỉ thấy vạt nắng xanh xao ở góc đường, và dường như có dấu chân ai lững thững như gần như xa. Rồi tôi hỏi Trâm: " Có thấy mảnh giấy trên bàn này không?" Trâm thản nhiên trả lời: "Có mảnh giấy nào đâu cô !"  Chỉ có mình tôi biết người khách là ai.

       Tôi vật vã trên tay lái. "Anh Tân ơi!  Anh còn sống hay hồn ma anh hiện về thăm em? "

        Những giòng chữ đó, màu mực tím đó là của anh chứ còn ai vào đây nữa!

        Anh ơi!  Nếu có linh thiêng thì xin anh phù hộ. Đừng làm em sợ mà tội nghiệp em. Tôi can đảm lái xe về nhà, chỉ vì muốn tìm lại lá thơ có hai câu thơ đó làm bằng chứng cho nỗi hoảng hốt của tôi chiều nay.

        Nhưng khi xe đậu trước nhà tôi khựng lại. Tôi ít khi trở về căn nhà xinh đẹp này và Tôi thường ngủ ở nhà má tôi với lý do giản dị:  "Con sợ ma. "

        Những đêm mà phải ngủ lại nơi căn nhà này tôi phải khóa kín cửa phòng, bật đèn sáng và bịt mắt lại để ngủ.  Chỉ một vài tiếng động vu vơ cũng làm tôi "teo". Tôi đọc Kinh lia lịa:

Yết đế yết đế ba la yết đế
       Ba la tăng yết đế bồ đề tát bà la.....

                                                                               (Tâm Kinh)

 .. Vậy mà vẫn thức chờ sáng. Và đêm nay liệu tôi có đủ can đảm để sống một mình trong căn nhà này hay không ?

          Nhưng mơ hồ, có một lực đồng bóng đẩy tôi đi mở cánh cửa. Tiếng "kẹt cửa" đâm thủng được bóng tối của căn phòng mênh mông. Tôi đi thẳng đến tủ sách tìm thùng giấy đã cất giữ những tư liệu mà tôi đã đánh dấu bên ngoài: "Kỷ niệm 75" trong đó có tờ Bách Khoa số Xuân có bài viết của thầy Nguyễn Mộng Giác, có tiểu thuyết "Phượng vĩ" của Duyên Anh, những thứ tình cờ nằm trong xách tay tỵ nạn và có cả chiếc hộp bisquit đựng những lá thư của Tân.           

         Trước năm 1975 trong tuổi 16, tôi tự thấy mình còn trẻ con, còn hồn nhiên sống giữa phố Qui Nhơn, có biển xanh, có gió lộng, có nắng thêu hoa trên những con đường nối nhau giữa những trường học. Tuổi học trò thần tiên đó đã được Tân ghi vào những trang thư: 

              " Em yêu, ...... mùa Hè về giữa phố Qui Nhơn cũng là mùa áo mới tựu trường, có cô bé thường quanh quẩn bên người lớn, bây giờ đã có một thế giới riêng. Hôm qua, trước mặt mọi người trong gia đình và có mặt của anh, em đã khoe chiếc áo dài mà em gọi là "kiểu người lớn ", rồi em hỏi mọi người có đẹp không ? Xong em cười một cách hồn nhiên. Riêng anh trong tiếng khen "Đẹp lắm" không còn tự nhiên như trước nữa,...vì....em đẹp thật, vì em đã hiển hiện trong dáng thanh tân vừa đến tuổi dậy thì...Từ đây những đường phố Qui Nhơn sẽ đẹp hơn và nắng chiều trên biển xanh sẽ xao xuyến hơn, gió thu Qui Nhơn sẽ man mác hơn, nắng hạ Qui Nhơn sẽ nở trên mái tóc em, và những cành hoa vàng lunh linh nơi những con đường có mùa đông mà em đã đi qua sẽ không còn lạnh lẽo vī mùa xuân có em và anh chỉ dành cho em thôi......"  

         Những tháng ngày thần tiên đó không bao giờ trở lại. Cửa Thiên đàng vừa hé mở đã vội khép kín khi tai ương sắp đổ ập xuống bên thành phố thân yêu. Và đời tôi, tâm hồn tôi đã tơi tả trong cơn lốc tỵ nạn.

         Giữa lúc bơ vơ lạc loài đi tìm Ba Me, chị em, thân nhân trên đảo Wake tôi gặp Phương, em của Tân.  Nổi vui mừng chưa kịp vỡ òa thì bị khựng lại khi Phương bảo: " Mình có đem theo hộp thư của anh Tân,và những trối trăn anh đã viết sẵn...Một mai khi có mệnh hệ gì thì chuyển những lá thư chưa được gửi này đến cho Xuân. Phương nói tiếp : "Hôm đám tang anh Tân, mình có thấy Xuân đến nhưng hôm ấy không còn hồn vía nào để nghĩ dến hộp thư, cho đến khi  đang vơ đại áo quần để chạy vào Sài Gòn thì hộp thư nằm ngay trước mặt, mình oà lên khóc vì mình suýt quên hộp thư này. Xuân ơi, có phải anh Tân của mình muốn nhắc nhở mình đừng quên hộp thư của anh phải không Xuân..?

 Anh linh thật, cái gì xui khiến lại gặp ngay Xuân ở nơi đây!"       

Đêm về phòng tôi chỉ đọc lóc cóc vài trang thư vì còn có không biết bao nhiêu là chuyện trong đầu, khi vừa thoát chết và đang đi tìm cho chính mình con đường sống. Từ đó thì hộp thư cũng lẽo đẽo theo tôi, trải qua không biết bao nhiêu lần dọn nhà trên đất Mỹ.

        Cuộc sống tỵ nạn chồng chất lo âu đến độ quên cả chính bản thân mình huống hồ chỉ là kỷ niệm. Và mỗi khi dọn dẹp nhà cửa, là hộp thư thế nào cũng được mở ra đọc vì sự cuốn hút khi đọc những lá thư có khi cũng đủ làm mất một phần ngày.

       Mỗi khi xếp lại những tờ thư ngạt ngào yêu thương, cũng đành trả lại hư vô trå lại cho người tình đã đứng bên kia đời....

       Mãi đến chiều nay khi Tân "hiện về " tại tiệm, chính tôi còn không  tin nổi vào giác quan thứ sáu của mình nữa. Riêng trường hợp của Tân tôi chưa nhận được một tín hiệu huyền bí nào về cái chết của Tân?       

        Nhớ lại ngày đám ma tại nhà Tân, nhìn trên bàn thờ, tấm ảnh Tân trong quân phục Mũ Đỏ, tôi không có cảm giác là Tân đã chết. Người nhà bảo rằng xác của Tân chưa mang về được vì không tìm thấy xác, chỉ tìm thấy tấm thẻ bài và một hộp thư !

         Ngày trước Tân là bạn của anh tôi, cùng trường cùng lớp. Hầu như ngày nào cũng có mặt tại nhà tôi, và tôi xem anh Tân cũng như ông anh tôi. Tôi thường quanh quẩn bên anh, và tham dự vào sinh hoạt của các ông anh của mình như cùng đi xi nê, cùng đi xem văn nghệ ở trường tổ chức, cùng đi tắm biển.  Ban đêm cùng đi ăn chè ở đường Tăng Bạt Hổ gần trường Bồ đề. Còn thứ bảy, chủ nhật thì lang thang đây đó.

      Chiều nay đọc lại những tờ thư, hồi tưởng về những ngày tháng cũ đượm hương vị ngọt ngào của tình yêu, có thơ ngây của tuổi học trò, có men nồng của những mối tình mới lớn, và điều cần thiết hơn cả là vẽ lại chân dung của người đã khuất.

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng rōi rōi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.

                                                                                           (Chinh Phụ Ngâm)

       Để vượt qua nổi sợ ma cố hūu của chính mình, tôi thắp một nén hương lên bàn thờ Phật, hái vài nhánh Hoàng Lan đang tỏa ngát trong khu vườn tỉnh lặng được để trên hộp thư. Tôi muốn chiêu hồn người quá cố. Trong tư thế Thiền, thật lâu, đến khi tất cả đều im tiếng trong hồn...

        Từ tấm bé, Ba tôi thường bảo rằng tôi có "đồng cốt ", nghĩa là có khả năng thiên phú giống ông, nào là có giác quan thứ sáu có thể có khả năng suy đoán trước những chuyện gì bằng trực giác suy tư của chính tôi. Và Ba tôi âm thầm khích lệ cố đẩy tôi xem tử vi, nhâm độn....,nhưng phức tạp quá, tôi lơ là và chú tâm học về Thiền.

        Rất nhiều lần, tôi đã "thấy" những chuyện sắp xảy ra chẳng hạn khi tôi nói với má tôi về một giấc mơ :" Con thấy thằng Việt nói rằng nó chết rồi, mình nó có vài vết máu". Đến trưa, dì Hoàng là em má tôi, dì khóc bù lu bù loa tới nhà tôi báo tin rằng :"Thằng Việt về khu Đập Đá thăm nội dẵm phải mìn ở gần chân cầu chết rồi !" Dì khóc nhờ Ba tôi tìm giúp xem một  månh cánh tay của thằng Việt bị văng ở đâu mà vẫn chưa tìm thấy.  Ngay lúc đó tôi buột miệng nói ngay không một chút suy nghĩ : "Trong bụi cây phía trái chân cầu." Thời gian sau tôi ít dùng khả năng cảm xạ này vì gây nhiều hệ lụy không hay.....

         Nhưng đêm nay, tôi muốn thử lại một lần trong chập chờn nửa tỉnh nửa mê khi tôi đọc lại những tờ thư. Tôi đã hóa thân thành cô gái học trò lang thang bên những con đường phố cũ bên những bước chân quen, những con đường móc nối, những cuộc tình từ Nữ Trung Hoc, sang Trinh Vương ,  Sư Phạm.... Con đường ven biển đã là khởi đầu của mối tình đơn phương của Tân.

           " Em yêu,..... biển đã đổi màu rồi đó em , từ xanh  ngọc  sẫ'm dần sang màu tím thẩm. Giờ tan học rồi em đã đến chưa? Ngồi bên bờ cát anh ngóng nhìn từ xa dáng em thanh tân dịu dàng trong bước đi hồn nhiên, tà áo em bay bay giữa nắng chiều rực rỡ. Chờ em đi qua, mang theo chút hương trong gió, và chừng đó cũng đã ấm mộng đêm nay. "

          Tình yêu đã chớm dậy từ thuở nào, Tân đã ghi vào trong thư: " Những dòng nhật ký đã chuyển hướng về em, khi em bỗng nhiên để lại bên giòng thời gian tuổi thơ xanh mướt và tuổi dậy thì hé nụ, rừng xanh đã thay áo mới khi em khoác lên người tà áo học trò dễ thương  làm sao. Mạch suối yêu thương trong hồn anh có vương chút gì tội lỗi khi ngắm nhìn em có đôi ngực thanh tân và thắt lưng ong đã bắt đầu rõ nét. Hồn anh không còn nhìn em như cô em nhỏ ngày xưa nữa rồi......"

             Đêm nay tôi đang ngồi thổn thức thả hồn về cái tuổi dậy thì của mình, êm đềm vô tư....Những xao động của tình yêu còn mơ hồ gợn sóng như biển xanh của Qui Nhơn của những chiều êm gió........Ước gì  có biển động trong những ngày tháng đó.....cho hồn tôi được như những đợt sóng tung trắng xóa bên bờ cát mênh mông. Nụ hoa dậy thì chưa kịp nở, vì hoàn cảnh nghiệt ngã từ đất trời! Và đời sống Qui Nhơn đang ở trong ngày biến động, bên những nỗi bất an của thành phố, nơi đã ghi vào trang thư của Tân.

            " Em ơi,...... anh đã thấy nỗi hốt hoảng hoang mang bên khuôn mặt thật xinh của em. Anh muốn đưa tay chấm lau giọt nước mắt bên rèm mi, bên đôi má mịn hồng. Khi đứng bên em chứng kiến sự tàn bạo của con người trong vụ nổ ở sân vận động và cô giáo  Yến thật dễ thương của trường Nữ đã tử vong, anh thấy chiến tranh đang tiến về thật gần nơi thành phố. Và em sẽ không còn nhū'ng ngày an vui.  Anh thật yêu thành phố này trong đó có em. Anh muốn em yêu đời để cho anh mãi mãi yêu em, và cho tà áo em mãi mãi bay trong hồn anh.

 Anh vẫn luôn luôn mong ước sự bình yên cho những con đường Gia Long,Võ Tánh, Nguyễn Huệ, Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Lê Lợi, Bạch Đằng,.. cho những mái trường Bồ Đề , Nhân Thảo, Cường Để , Trinh Vương, Tăng Bạt Hổ, Tây Sơn, Sùng Nhơn, Lasan,và Sư Phạm Qui Nhơn... Vì những nơi đó có em, có anh, có tất cả bạn bè của chúng mình...... có một thời hoa lá.       

       Xong Tú Tài 2, tiếp tục  Đại học sau đó anh vào Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Anh cũng ước mơ nhiều lắm chứ. Ước mơ khung trời đại hoc  con đường Duy Tân cây dài bóng mát, uống ly chanh đường, uống môi em ngọt. Và em ở đây chính thật là Em"

       Bây giờ tôi mới hiểu vì sao Tân đã đi sĩ quan Đà Lạt, và vào binh chủng Nhảy Dù để  rồi những lá thư có thêm mùi thuốc súng, có quan san, có biên ải. 

             "Em yêu, ......Nỗi nhớ về em cũng bồng bềnh nay đây mai đó. Chiều nay giữa màu xanh thẳm của núi đồi, anh mơ được về thành phố, vì ở phía xa kia có em, ở chân mây kia có nắng chiều nhung nhớ cố nhân, có nỗi nhớ về em khôn cùng. Màu xanh  lá tiệp với màu xanh của đại dương. Và anh  đã về từ biển khơi, như gió nhẹ nâng tà áo em lang thang một mình bên biển vắng. Em có biết không?"

      Trong một trang thư Tân viết để nhắc đến tôi về một đêm Giáng Sinh thần tiên tuyệt vời bên mộng ước..

      "Em yêu ơi,...... tiếng súng đã tạm ngưng.  Không lẽ cứ đánh nhau mãi sao. Thật sự tiếng súng trong hồn anh đã im bặt chiều nay, và riêng chiều nay, để  anh mong ước được nghe tiếng chuông nhà thờ từ nơi  xa vắng vọng về.. ngôi thánh đường lẩn khuất trong tàn me xanh ở cuối thành phố......Anh muốn về thăm em, rủ em đi nhà thờ, để chúng mình lắng nghe Thánh ca, để anh ngắm  nhìn khuôn mặt đẹp như Đức Mẹ"..

        Đọc những trang thư của Tân viết cho tôi, làm sống lại cả một bầu  trời ký ức xa xưa....Nhớ lại những lần Tân đến thăm anh tôi và gia đình tôi mỗi lần về phép. 

          "Em ơi ,..... nắng mùa hè và biển xanh đã làm anh tạm quên đời lính khi bên mình không mang quân phục.  Chỉ mặc quần áo tắm  đùa giỡn với bạn bên  sóng biển có Hòa  và có cả em. Trong áo tắm, em đã thật sự là một thiếu nữ rồi. Anh nhìn ngắm em ngấu nghiến để cho những chiều hành quân anh có một thiên thần trước mặt đang che chở anh.

         Em biết không? Những ngày hành quân quá dài và tháng năm quá rộng, anh thường thu mình sau những mô đất, những mỏm đá, những bờ kinh, để mơ về em.  Giấc mơ ngắn sau những lần thu dọn chiến trường đã làm cho hồn anh không còn tiếng súng, mang giấc mơ về những góc phố thanh bình, có em dịu dàng  bước đi thanh thản. Tà áo em bay trong nắng chiều, gió từ biển khơi xanh mát thổi vào hồn anh,  Đó là tại sao anh đã dũng mãnh tác chiến trong ngày hôm sau.. "

       Tôi lại khóc và thì thầm: " Anh Tân ơi ! Xin cám ơn anh và những người cầm súng.  Qui Nhơn của em , của anh, của tất cả mọi người, đã có những ngày thần tiên cho đến khi mất nước! Nhưng tại sao? tại sao anh lại bỏ cuộc? Và khi cuộc chiến vừa tàn thì anh lại ra đi. 

       Hồn anh vẫn còn lênh đênh trên đường, những con phố hẹn, khi hồn em vừa thắp lên những ngọn nến hồng.. 

      Và đây là những dòng cuối  cùng của Tân: 

        " Em yêu,......  anh đã ôm mặt khóc khi thấy những thành phố thân yêu rơi dần dần vào tay quân giặc. Những lính dù như bọn anh có bao giờ rơi nước mắt? Anh và những bạn bè của anh đã gầm lên như những con cọp dữ, đã lăn xả vào từ chiến trường này đến chiến trường khác, không nghĩ ngơi gần suốt cả tháng trời nay! Khi Đà Nẵng mất.. Nghĩ đến Qui Nhơn, anh đã gầm lên! Em có nghe được tiếng bi thống này không? Trước khi xung trận, anh đã hôn vào chiếc bùa hộ mạng "Em và thành phố đó. " Em và tà áo bay trên những con đường xưa thấp thoáng bước chân. 

        Chiều nay nơi lưng chừng đèo Khánh Dương, tiểu đoàn được lệnh "Đóng chốt", ngăn địch quân dâng tràn về Nha Trang..Anh biết chuyện không xong rồi ! Có bao giờ lính dù lại bị đem đi "Đóng chốt ", ngồi  chờ giặc đến .. ? Anh chợt nhớ em, nhớ đến bất tận em ơi ? Người con gái anh yêu thầm..Và anh thấy vùng tuổi xanh thoáng bay theo gió......Anh nói với đời mình sắp gãy gọn tựa như câu hát: " ô hay mình vẫn cô liêu !" 

       Em yêu ơi.....Hãy cho anh được mơ thêm một lần cuối và  thì thầm với em:  

                                                 Chiều phai góc phố quê nhà
                                      Hồn nghiêng cánh  mộng theo tà áo bay

                                                         (thơ Xuân Thi)   

         Chính là hai câu thơ, viết bằng mực tím trên mảnh giấy napkin để trên bàn ăn trong quán mà tôi đã cầm lên đọc và bủn rủn hết cả tay chân. Anh Tân oi! Có phải anh vẫn còn đi theo em không?  Có thật anh đã gục ngã trong trận chiến cuối cùng trên lưng chừng ngọn đèo hiu hắt " thoáng nghe gió lạnh "? Hãy cho em biết anh có còn ở bên đời này? Hay nếu thật anh đã ở bên kia thế giới thì xin cho em thấy lại một lần, dù chỉ một lần....Tôi nhắm mắt lại chờ ma lực huyền  bí chuyển  động trong hồn hy vọng có tìm gặp tín hiệu tâm linh nào không?                     

           Mấy tuần trước tôi nằm mơ  như thật, nửa khuya thức giấc nhìn ra cửa sổ  ở phòng ngủ trên lầu, tôi hé mắt nhìn thì toàn thân tôi co rúm lại, một bóng người lơ lững giữa  thinh không. Tôi chưa kịp hét lên, thì bóng người quay lưng lại chỉ thấy một khuôn mặt thịt phẳng lì không mắt  mũi miệng. Rồi bóng người tan biến  vào cành lá đong đưa...

          Và cũng mấy ngày trước đây tôi đã phải đóng kín phòng ngủ và chỉ dám ngủ trên ghế sô pha phòng khách, vì không biết từ đâu xuất hiện một con cắc kè màu xanh lục đang ngẩn đầu trừng trừng đôi mắt lồi nhìn tôi. Đôi mắt ma quái theo dõi tôi di động. Tôi dơ tay, dậm chân, nó vẫn nằm lì một chỗ, cái đầu nó còn gục lên gục xuống như chực vồ lấy tôi! Tôi vội vàng đóng cửa lại ,chạy bay xuống lầu gọi em tôi. Em tôi trấn an: "Để đó cho em nhằm nhò gì mà phải sợ một con cắc kè chứ ?" Đến chiều em tôi về ,mở cửa phòng xem xét, thì con cắc kè vẫn còn đó trên  giường của tôi. Em tôi cũng hoảng hốt đóng  sập vội cửa phòng lại thốt lên : "Eo ơi, chị ơi, đôi mắt con cắc kè dễ sợ quá! Nó nhìn thau láu đến rợn người ! " Cuối cùng em tôi cũng phải thu hết can đảm cầm vội cây chổi dài mở cửa đánh  túi bụi vào hư không. Nhưng chỉ một cái phóng người của con cắc kè là biến mất tiêu không còn thấy  ở một nơi xó xỉnh nào nữa trong phòng tôi.  Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa dám trở về phòng ngủ.                         

Thắp một nén hương dưới chân Phật. Tôi lẩm nhẩm khấn nguyện, bên những lá thư ngổn ngang xung quanh. Tôi thu hết can đảm trực diện với vong linh, để mong giải nghiệp, tháo gỡ hết những oan trái trần gian.  Cánh cửa sổ mở tung.  Tôi muốn đón một làn gió lạ, làn gió lạnh  lưng chừng đèo mang hết tuổi xanh của anh, làn gió lênh đênh cũng đã héo úa xuân thì của em.

         Với tâm thành tha thiết. Tôi mặc vào chiếc áo dài. Và đứng trong khung cửa tôi nói vào hư vô:

         "Tà áo em vẫn còn bay. Môi Em vẫn còn thơm" Anh về đi. Hãy về đi ...."

         Tôi nghe như có tiếng chân ai đang bước nhẹ, thật nhẹ..... từ vườn khuya trở về...              

          Xuân Thi

      xuanthi299@yahoo.com