"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Qua Sông

     Sau nhiều ngày vất-vả, cuối cùng thầy trò Phương-Anh cũng đã tới được chân núi Cú.  Tiểu Ngọc mau-mắn đặt gánh hành-lý xuống đất.  Nó vươn vai thở một hơi dài khoan-khoái.  Phương-Anh ngồi tựa lưng vào một phiến đá gần đó.  Chàng lấy khăn lau những hạt mồ-hôi lấm-tấm trên trán.  Gió chiều mát rượi mang theo hương lúa từ những cánh đồng xa tới.  Sau một lúc nghỉ mệt, Phương-Anh đứng dậy giục:
   - Đi, thôi.
     Nghe lệnh, Tiểu Ngọc uể-oải quảy gánh hành-lý lên vai.  Đến lưng chừng núi, thấy ánh đèn le-lói trước mặt, nó mừng-rỡ reo lên:
   - Tới rồi, công-tử, ơi! Thiền-am đây rồi!
     Phương-Anh bình-thản:
   - Đâu? Ngươi chỉ ta xem.
     Nhìn theo ngón tay đứa tiểu-đồng, Phương-Anh nghiêm mặt bảo:
   - Tiểu Ngọc, trước khi kết-luận điều gì, phải trầm-tỉnh suy-nghĩ cho chín-chắn.  Chưa đến nơi, đã nói tới.  Chưa rõ là cái gì, đã bảo là thiền am.  Vội-vàng hấp-tấp làm ta nói-năng bậy-bạ.  Từ đó, dễ sinh ra vọng ngôn.  Ngươi biết không?
   - Nhưng thưa công-tử, đôi khi có điều mình không thể thấy, không thể hiểu, mà chỉ có thể cảm-nhận.
   - Ngươi muốn biện-bạch, ư?
   - Không.  Tiểu-tì nào dám.
   - Ta nói cho ngươi hay cảm-nhận là còn ở trong trạng-thái của ngờ-vực.  Nghĩa là còn chưa biết, chưa hiểu, chưa thấu được cội nguồn...  Ngươi muốn theo ta thì không nên nói-năng hấp-tấp, không được kết-luận vội-vàng.   Trước khi chấp-nhận một chân-lý nào, phải nghi-ngờ giá-trị đích-thực của chân-lý ấy.  Có thế, mới phân-biệt được đâu là thực, đâu là giả.  Có thế, mới không bị người khác mê-hoặc.  Hãy nhớ rằng chân-lý chỉ có thể ngộ chứ không thể cảm.
     Tiểu Ngọc đặt gánh hành-lý xuống đất, chấp tay xá dài:
   - Tiểu tì xin ghi tâm khắc dạ những lời dậy bảo vàng ngọc của công-tử.
     Phương-Anh lắc đầu:
   - Thế là người vẫn còn chưa hiểu.  Có gì bảo-đảm những lời ta nói với ngươi vừa rồi là đạo lý.  Mà giả như chúng có là đạo lý đi nữa, thì những đạo lý ấy cũng chỉ là phương-tiện.  Qua sông rồi, không cần phải mang theo đò.  Đã hiểu lời ta, còn ghi tâm khắc dạ làm gì.  Thôi, chúng ta hãy tiếp-tục.

     Chẳng mấy chốc thầy trò Phương-Anh đã tới nơi phát ra ánh đèn.  Đó là một căn nhà tranh thô-sơ nằm ẩn mình sau mấy bụi trúc ngà.  Cửa rộng mở như đang chờ khách đến.  Phương-Anh bảo:
   - Ngươi thấy chưa?  Nào có phải là thiền am.
     Tiểu Ngọc không đáp.  Nó còn bận len-lỏi giữa vườn hoa với gánh hành-lý trên vai.  Đến cửa, không đợi chủ ra lệnh, nó đã thò đầu vào nhà, lớn tiếng hỏi:
   - Thầy tôi lỡ đường.  Làm ơn cho thầy tôi tá-túc qua đêm.  
     Tiếng một người già trả lời:
   - Mời vào.
     Vào trong nhà, Phương-Anh thấy một ông lão râu tóc bạc phơ đang lúi-cúi khơi lại tim đèn.  Ông mời thầy trò Phương-Anh ngồi xuống tấm chiếu hoa trải sẵn ở giữa nhà.  Rồi cầm bình trà đang uống dở, định xuống bếp pha một bình mới mời khách, nhưng ông chưa kịp đi thì Tiểu Ngọc đã mau-mắn nói:
   - Xin lão trượng để việc này cho con.
     Ông lão lắc đầu:
   - Hai vị là khách.  Chẳng mấy khi khách tới nhà.  Xin để lão được làm trọn cái đạo của người chủ.
     Nói rồi ông quay lưng đi xuống bếp.  Khi trở lại, ông bưng theo một khay trà.  Hơi nước từ miệng bình thoát ra trông như một làn khói mỏng.  Hương trà thơm ngát.  Ông lão lấy nước nóng tráng ly rồi rót trà mời thầy trò Phương-Anh.
     Sau câu chuyện xã-giao, ông lão hỏi:
   - Chẳng hay thầy trò công-tử đi đâu mà lạc đến chốn này?
     Phương-Anh lễ-phép trả lời:
   - Chẳng giấu gì lão trượng, tiểu sinh nghe nói trên núi này có một vị cao tăng thuộc phái thiền tông, am-tường đạo pháp.  Tiểu sinh không quản đường xa, lặn-lội đến đây xin được thọ giáo.  Chẳng may lỡ đường, phải phiền đến lão trượng đêm nay.
     Ông lão xua tay:
   - Cửa nhà lão không đóng vốn là để đón khách thập phương.  Công-tử chớ nên nói thế.
     Nâng ly trà, Phương-Anh ngập-ngừng hỏi:
   - Lão trượng ở đây đã lâu hẳn rõ thiền am nơi nào.  Chẳng hay có thể chỉ đường cho tiểu sinh được chăng?
     Ông lão lim-dim đôi mắt, khẽ đáp:
   - Công-tử đã hỏi lẽ nào lão lại không nói.
     Phương-Anh mừng-rỡ:
   - Xin lão trượng dạy cho.
   - Thiền am cách nhà lão một con sông, đi khoảng nửa ngày đường.  Tuy vậy, hơn mười năm nay, chưa hề có một ai tới được thiền am này cả.
     Tiểu Ngọc hỏi:
   - Vì sao, thưa lão trượng? Chẳng lẽ con sông này...
     Không đợi Tiểu Ngọc nói hết câu, ông lão gật đầu:
   - Đúng thế.  Con sông này sóng to, gió lớn.  Không một thuyền bè nào có thể qua lại.  Nhiều người, cũng như thầy trò công-tử, lạc lối nhờ lão chỉ đường.  Có kẻ thấy sóng to, gió lớn sợ-hãi quay về.  Cũng có kẻ liều-lĩnh qua sông để bị sóng-gió cuốn đi.
     Ông thở dài nhìn Tiểu Ngọc:
   - Than ôi, mạng người là quý!  Cớ sao lại có lắm kẻ u-mê, liều-lĩnh như vậy!  
     Biết rằng ông lão gián-tiếp nói với mình, Phương-Anh vòng tay đáp:
   - Đa-tạ lời khuyến-cáo của lão trượng.  Tuy nhiên, tiểu sinh bỏ nệm ấm chăn êm, lầu vàng điện ngọc, lặn-lội đường xa tới đây chỉ để cầu học đạo.  Thế mà chưa rõ thực hư, chỉ mới nghe nguy-hiểm đã quay trở về, há chẳng phải làm trò cười cho thiên-hạ.  Vả lại, tiểu sinh đọc sách, thấy rằng cuộc hành-trình của thầy trò Tam Tạng ngày xưa còn hiểm-nguy hơn thế này gấp trăm ngàn lần.  Tiểu sinh không dám ví thầy trò mình với thầy trò Tam Tạng, nhưng cũng quyết đến được thiền am mới thôi.
     Ông lão lại thở dài:
   - Tìm Phật ở đâu mà chẳng được.  Cớ sao cứ phải đến Tây Phương?  Nhưng nếu công-tử đã quyết, lão không dám cản.  Thử xem duyên-nghiệp công-tử như thế nào.
     Rồi chỉ tay về phía sau nhà, ông tiếp:
   - Thiền am ở hướng này.  Công-tử đi theo con đường có nhiều cây mai vàng thì sẽ không sợ lạc lối.  Thôi, trời đã khuya, lão xin kiếu.  Ngày mai, công-tử dậy lúc nào, đi lúc nào tùy ý.  Không cần phải giã-từ lão.
     Nói rồi ông lão bỏ vào nhà trong.  Tiểu Ngọc sửa-soạn chỗ ngủ cho chủ.  Xong đâu đó, nó nằm lăn xuống đất, chẳng bao lâu đã cất tiếng thở đều.  Còn Phương-Anh nằm trằn-trọc.  Suốt đêm, chàng không chợp mắt, mãi suy-nghĩ về lời nói: Tìm Phật ở đâu mà chẳng được.  Cớ gì cứ phải đến Tây Phương.

***

     Trời chưa sáng hẳn.  Phương-Anh đã đánh thức Tiểu Ngọc dậy.  Chàng giục nó thu-xếp hành-lý lên đường.
     Ra khỏi nhà, Tiểu Ngọc thấy trong vườn có nhiều loại hoa đẹp mà đêm qua, phần vì tối trời, phần vì mệt-mỏi, nó không buồn chú-ý tới.  Bất chợt, nó nhớ lại một bài đồng dao mà ngày xưa thường hay hát.  Chẳng cần biết ông lão còn ngủ hay đã thức, nó cất tiếng hát vang:
   - Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió, làm thành vườn hoa muôn màu muôn sắc tươi xinh...(*)
   - Tiểu Ngọc.
     Không màng đến lời gọi của chủ, Tiểu Ngọc chạy nhảy giữa vườn hoa và tiếp-tục hát:
   - Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió, làm thành vườn hoa...(*)
   - Tiểu Ngọc.  Tiểu Ngọc.
     Lần này Phương-Anh gọi lớn hơn nhưng Tiểu Ngọc vẫn không trả lời.  Bất đắc dĩ chàng phải tự mình cúi xuống ngắt một bông hoa lạ mà chàng không biết tên.  Bông hoa thơm và đẹp.  Chàng định bụng khi tới thiền am sẽ dâng tặng vị cao tăng.  Ngắt hoa xong, Phương-Anh vòng ra sau nhà, đi theo con đường có nhiều cây mai vàng mà ông lão chỉ đêm qua.  Mãi một lát sau, không thấy chủ đâu, Tiểu Ngọc mới hốt-hoảng, lật-đật gánh hành-lý chạy theo.

     Nhờ sự hướng-dẫn của ông lão, thầy trò Phương-Anh tìm đến giòng sông ngăn cách thiền am và thế-giới bên ngoài không khó-khăn gì.  Bấy giờ, vào khoảng giữa trưa, bầu trời trong vắt và lặng gió.  Thế mà trên sông, thầy trò Phương-Anh thấy từng con sóng nổi lên, càng lúc càng nhiều, càng về sau càng hung-dữ.  Tiểu Ngọc nhìn Phương-Anh và lắc đầu, ý muốn quay trở lại:
   - Thưa công-tử...
   - Ngươi sợ, ư?
   - Không.  Tiểu tì không sợ.  Tuy nhiên, tiểu tì chợt nhớ đến lời nói của lão trượng đêm qua rằng:  Mạng người là quý, và tìm Phật ở đâu mà chẳng được.  Theo tiểu tì, lời nói này hàm chứa nhiều ý thiền.  Chi bằng chúng ta trở về, nhờ lão trượng giảng-giải giùm cho.  Tội tình gì phải vượt sóng gió để nguy đến tính mạng.  Vả lại, tiểu tì trộm nghĩ, chắc gì đã có thiền am ở bên kia bờ.
     Phương-Anh nghiêm mặt nói:
   - Tiểu Ngọc, ngươi có thể dối ta nhưng chẳng thể dối được chính ngươi.  Đừng ngụy-biện để che-giấu sự sợ-hãi trong lòng.  Ngồi xuống đây, đi.  Chúng ta chờ xem sóng gió có ngưng không nào.
     Thấy nét mặt trang-nghiêm của chủ, Tiểu Ngọc sợ-hãi vâng lời, không dám hó-hé thêm một câu nào mặc dầu trong đầu chỉ nghĩ đến việc quay về.

     Hai thầy trò chờ đến nửa đêm thì thấy sóng gió đang hùng-hổ, dữ-tợn bỗng dưng dừng hẳn lại.  Mặt nước phẳng-lặng.  Giòng sông trở nên êm-ả, và đẹp lạ-lùng.  Bên kia bờ, bóng thiền am như ẩn, như hiện trong khói sương mờ-ảo.  Phương-Anh nhìn Tiểu Ngọc hỏi:
   - Ngươi có hiểu vì lẽ gì mà lão trượng chỉ đường không nói cho chúng ta biết điều này?
     Tiểu Ngọc đáp:
   - Thưa công-tử, tiểu tì mê-muội, không đoán được vì sao.
     Phương-Anh nói:
   - Ngươi chưa suy-nghĩ đã trả lời không biết.  Như vậy làm sao có thể giúp đầu óc mình sáng-suốt được.
     Trách Tiểu Ngọc rồi Phương-Anh chắp tay sau lưng, vừa đi, vừa ngẫm-nghĩ.  Một lát sau, chàng nói:
   - Theo ta, giòng sông ban đêm là bến mê, là cạm-bẫy do ma-quỷ đặt ra để hại người.  Ngươi cứ nhìn vầng trăng ở dưới đáy nước thì hiểu lời ta.  Đẹp quá!  Quyến-rũ quá!  Lôi-cuốn quá!  Nó làm cho ta mất hết nghị-lực.  Lúc nãy nhìn nó, ta như bị mê-hoặc, chỉ muốn nhảy xuống cùng trăng tắm gội.  May mà ta nhớ lại, trên đường cầu kinh, thầy trò Tam Tạng thường bị ma-quỷ hoá thành gái đẹp hiện ra dụ-dỗ nên ta...
     Tiểu Ngọc cắt ngang:
   - Như vậy là không còn hy-vọng tới thiền am nữa.  Ban ngày thì sóng to gió lớn.  Ban đêm thì ma-quỷ cản đường.  Chi bằng chúng ta quay về là hơn.
   - Ai nói với ngươi là chúng ta không thể tới thiền am?  Sáng mai, ngươi dậy sớm, chặt cây làm bè và...
     Tiểu Ngọc hốt-hoảng:
   - Công-tử không sợ sóng gió, à?
   - Không phải không sợ.  Nhưng sóng gió trên sông này là do Thần-Thánh, Tiên-Phật làm ra để thử lòng người.  Những kẻ thiếu đức tin mới sợ-hãi quay về.  Ta...
     Tiểu Ngọc ấp-úng:
   - Thưa công-tử, tiểu tì có chuyện này muốn thưa cùng công-tử.
   - Ngươi hãy nói.
   - Sau khi đến thiền am rồi, xin công-tử cho tiểu tì được trở về.
     Phương-Anh bình-thản hỏi:
   - Ngươi không muốn theo ta học đạo, à?
   - Thưa công-tử, bản-chất tiểu-tì vốn mê-muội, có đến được thiền am, chưa chắc đã thành-tựu được gì mà còn làm vướng bận đến sự tu-hành của công-tử.
     Phương-Anh ngẫm-nghĩ một lúc, đoạn bảo:
   - Mấy đời nhà ngươi rất trung-thành với dòng họ ta.  Ta rất quý-mến và muốn lưu ngươi lại.  Nhưng thôi, nếu ngươi không thích thì ta chẳng giữ làm gì.  Một mai ta gởi mình ở cửa không, lẽ nào lúc đó còn bắt ngươi hầu-hạ.  Được rồi, sau khi qua sông, ta sẽ cho ngươi về.  Ngươi được tự-do.  Đi đâu thì đi.  Không cần phải trở lại nhà ta nữa.
   - Tiểu tì đội ơn công-tử.
   - Thôi, ngủ đi.  Ngày mai còn nhiều việc phải làm.
     Phương-Anh cười mãn-nguyện với quyết-định của mình.  Chàng nằm xuống, lấy chăn đắp ngang ngực và ngủ ngon lành.
     Tiểu Ngọc ngồi lặng yên nhìn sông.  Một lúc sau, nó lẩm-bẩm:
   - Thưa công-tử, tiểu tì ngu-muội.  Không biết đâu là mê, đâu là tỉnh.  Đâu là hư, đâu là thực.  Nhưng tiểu tì biết rằng qua sông ban đêm an-toàn hơn ban ngày.  Tiểu tì sợ nguy-hiểm, không dám liều mạng với sóng gió ngày mai.  Nếu lỡ bị cuốn đi, thì đó là mê chứ nào phải tỉnh.  Thôi thì trong lúc công-tử ngủ say, để tiểu tì đưa công-tử qua sông vậy.
     Nói rồi Tiểu Ngọc nhanh-nhẹn đứng dậy.  Dù có sẵn thanh dao bén và rừng nhiều tre, Tiểu Ngọc cũng phải vất-vả hì-hục khá lâu mới làm xong chiếc bè vừa đủ cho hai thầy trò.  Tiểu Ngọc đưa Phương-Anh qua sông trong khi Phương-Anh vẫn ngủ mê như chết.  Khi trở lại, nhìn vầng trăng dưới nước, bất chợt trên môi nó nở một nụ cười.

***

     ... Ông lão vừa chăm-sóc hoa trong vườn, vừa lắng nghe Tiểu Ngọc kể chuyện.  Nghe xong, ông nói:
   - Hai mươi năm trước, lão cũng như thầy con, nghe danh vị cao tăng nên quyết tâm tìm đến học đạo.  Nào ngờ, khi qua sông rồi, lão chẳng thấy bóng dáng vị cao tăng đó đâu, mà thiền am thì hoang-vắng, tiêu-điều.  Vào thiền phòng, thấy trống trơn, trừ một chữ hòa trên tường.  Lão suy-nghĩ mãi vẫn không hiểu được ẩn ý.  Rồi lão cũng quên khuấy đi.  Suốt ngày chỉ để tâm nghiên-cứu đạo pháp.  Một đêm kia, khi đang ngồi chiêm-nghiệm bên giòng sông, lão chợt thấy vẻ đẹp của trăng nước mà cảm được phần nào cái đạo hài-hòa của Đất Trời.  Thế rồi lão bỏ thiền am về đây làm bạn với muôn hoa.
     Ngưng một lát, ông lão tiếp:
   - Lão coi bộ thầy con đã bị mê-hoặc bởi hai chữ đạo pháp.  Dù con có quay trở lại đưa thầy con về, thầy con cũng nhất định không về.  Lão phải mất gần mười năm mới quên được những điều đã học.  Thầy con hẳn phải cần một thời-gian dài hơn thế.
     Đoạn ông lão chỉ từng cây hoa và hỏi Tiểu Ngọc hoa như thế nào.  Tiểu Ngọc trả lời:
   -Thưa lão trượng, con thấy hoa đẹp và thơm lắm.
   - Đẹp, thơm vốn là bản sắc của hoa.  Tuy nhiên, hoa sẽ không đẹp, không thơm, không được thành-tựu  như thế này nếu chúng không được chăm-sóc cẩn-thận. Con có đồng-ý với lão?
   - Lão trượng dạy rất phải.
     Ông lão trầm-ngâm:
   - Lão làm công việc này hơn mười năm qua không phải để tiêu-khiển, mà là để làm đẹp thêm những gì đã có sẵn của đất trời.  Này con...
   - Xin lão trượng cho lời vàng ngọc.
   - Con có muốn cùng lão chăm-sóc vườn hoa này, giúp cho hoa được viên-mãn hay không?
     Tiểu Ngọc như đã có sẵn câu trả lời:
   - Cám-ơn mỹ ý của lão trượng.  Nhưng thưa lão trượng, từ nhỏ con đã quen phận nô-tì, con muốn xuống núi tiếp-tục làm nô-tì để phục-vụ người.
   - Sao vậy?
   - Thưa...
     Ông lão vội xua tay:
   - Thôi, không cần, không cần phải nói.  Lão đã hiểu.  Con đi trước đi.  Lão thu-xếp một ít hành-lý rồi cũng sẽ lên đường.
     Tiểu Ngọc vái chào ông lão rồi đi thẳng.  Vừa đi, vừa hát.  Ông lão nhìn và lẩm-bẩm hát theo:
   - Mỗi người là một cành hoa...  Mỗi người là một cành hoa... (*)

Ngục-Thu-Yên

(*) Nhạc sinh-hoạt của Tiến-Lộc