"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Lễ Tạ Ơn Của Bà Tư

 - Má nói gì con chưa hiểu rõ?
  - Lễ “Gà Tây” năm nay má sẽ đích thân nấu nướng, chiêu đãi các con. Má cũng mới thông báo với vợ chồng chị Hai con rồi, tụi con khỏi phải làm gì hết nghe.
    Chị Bông vẫn chưa tin:
  - Má không nói đùa hả má? Nhưng má định làm món gì? Nhiều người Việt Nam mình, lễ Thanksgiving của Mỹ mà ăn bằng các món Việt Nam như phở, bún thịt nướng, chả giò v..v..không có đúng kiểu đâu má ơi.
  - Lễ Gà Tây thì má sẽ làm món gà tây, con khỏi lo.
  - Nhưng con gà tây nặng 10 pound trở lên, má bê vô lò nổi không? Cực thân má!
  - Má baby sit đàn cháu nội, ngoại, đứa nào cũng mập ú trên 10 pound, má ẵm bồng còn được nữa là. Thôi, má chuẩn bị đi chợ mua gà tây đây.
    Bà Tư cúp phôn, dứt điểm, không để cho cô con dâu thắc mắc thêm nữa.
   Đây quả là một chuyện bất ngờ chưa từng có, từ ngày làm con dâu nhà này, mỗi dịp lễ Thanksgiving, hoặc gia đình chị Bông hoặc gia đình chị Hai luân phiên nhau làm tiệc, để hai gia đình, cùng ba má vui hưởng ngày lễ lớn này, chứ bà Tư có bao giờ đoái hoài tới.
    Chị Bông có nhiều công thức để nấu, để nướng món gà Tây, mà các con chị, cũng như con chị Hai đều rất thích. Mùa lễ nào ra mùa lễ đó, ngày Halloween thì chị cũng vác về mấy trái bí đỏ để trước cửa, dẫn hai con đi sắm quần áo, mặt nạ, quần áo hoá trang, mỗi năm mỗi kiểu. Lễ Easter thì mua kẹo bánh hình quả trứng và dẫn các con đến các địa điểm vui chơi để lượm trứng. Lễ Giáng Sinh thì chị cũng chưng một cây thông xanh bên cạnh lò sưởi, giăng hoa kết đèn, dù nhà chị không theo đạo Thiên Chúa.
    Bà Tư đã nhiều lần phàn nàn:
  - Ba cái ngày lễ ở Mỹ đâu có nghĩa lý gì với người Việt Nam mình mà con bầy ra cho tốn công, tốn tiền, “Lễ Gà Tây” mình không ăn được gà tây, sao con không nấu gà ta? “Lễ Bí Đỏ” có một ngày mà con cũng mua sắm, sao không cho tụi nhỏ dùng đồ năm trước? Còn cái màn lượm trứng mùa lễ phục sinh mới là vô duyên, người ta mất công đem trứng rải ra trên cỏ rồi cho con nít đi lượm. Có ăn gì được mấy trái trứng đó đâu?
    Chị Bông phải mỏi miệng giải thích:
  - Sống ở đâu phải theo phong tục đó má ơi! Cả nước Mỹ làm sao con làm vậy.
    Bà Tư đành chịu thua con dâu và con gái. Thôi thì mặc tình cho tụi nó, còn hai ông bà sống riêng, mọi việc lớn nhỏ đều theo kiểu Việt Nam, máy giặt, máy sấy có đủ trong nhà, bà vẫn ngâm đồ dơ trong chậu, và giặt giũ, đem phơi đằng sau vườn, có nắng, có gió quần áo thơm tho, chỉ khi nào vào mùa Đông lạnh lẽo hay trời mưa gió thì may ra hai cái máy giặt, sấy đó mới được bà đụng tới.
    Khi tắm thì ông bà hứng nước ra một cái thùng kê dưới vòi nước và múc từng chậu nhỏ dội lên người, khỏi cần dùng vòi hoa sen chi hết, nước giăng tùm lum. Còn cái máy rửa chén trong nhà coi như… vô dụng, suốt nhiều năm qua vẫn mới tinh, bà để úp bát đĩa, chứ chưa bao giờ xử dụng, vừa hao nước, hao điện, vừa chờ lâu.Thà bà đứng rửa bằng tay, chỗ nào dơ thấy liền, kỳ cọ loáng một cái là xong, bảo đảm sạch sẽ hơn máy.
    Bà rất ghét nhà trải thảm vì bà không tin rằng máy hút bụi có thể làm hết bụi được, nên nhà bà đã lót gạch, dễ quét dọn và lau chùi sạch sẽ tinh tươm.
    Thỉnh thoảng các con đi nhà bank chở bà theo, thấy chúng ngồi ngoài xe mà rút tiền hay gởi tiền đều mau lẹ, chỉ nói vài câu vào máy, rồi viết vài chữ, bỏ tờ giấy trong cái hộp, đợi nó chạy lên vào nhà bank và chạy xuống là xong. Đối với bà, điều ấy thật “nguy hiểm” nếu trục trặc, sai trái điều gì thì thấy ai đâu mà khiếu nại? Nên ông bà cứ vô thẳng trong quầy, tiếp xúc trực tiếp với nhân viên, “ba mặt một lời” và diễn tả thêm bằng… hai tay là chắc ăn nhất.
    Những ngày lễ của Mỹ, bà gọi theo cách riêng của bà cho dễ nhớ, Easter là “Lễ Trứng” ngày Halloween bà thấy chợ bày bán nhiều bí đỏ, thì gọi là “Lễ Bí Đỏ” và Thanksgiving là “Lễ Gà Tây”.
Hai ông bà đều không thích ăn gà tây, mỗi năm các con mời đến dự tiệc thì ông bà chỉ nếm thử một hai miếng cho vui với con với cháu, rồi chủ yếu là ăn đồ Việt Nam kèm theo.

*** *** ****

   Ông Tư đang cằn nhằn bà Tư:
  - Người ta nói đàn bà lên cơn như thời tiết, lúc nắng lúc mưa, không sai tí nào! Xưa nay bà có thiết tha gì tới ngày lễ Tạ Ơn đâu, bà có ăn nổi món gà tây đâu? sao lần này bà nhảy ra dành làm với tụi nó? Nãy chở bà đi chợ, tôi vác con gà tây ra xe, nặng ê cả tay.
  - Thì ông không từng nói vợ chồng chia sẻ buồn vui, khổ cực đó sao? Tôi dư sức bưng con gà tây, nhưng muốn tạo cơ hội cho ông có dịp ga lăng với tôi như ngày xưa thôi.
    Bà mỉm cười và liếc mắt nhìn ông, thì làm sao ông có thể cằn nhằn thêm được nữa:
  - Thôi, bà dẹp cái nụ cười nhí nhảnh ngày xưa của bà đi, tôi biết thừa cái “mỹ nhân kế” của bà rồi, muốn sai tôi làm gì là bà mang ra xài…
  - Vậy ngày mai ông lại giúp tôi bỏ con gà tây này vào lò nướng và khi chín thì mang ra ngoài nhé?
  - Biết rồi, mà bà hãy trả lời tôi tại sao bà lại rước mệt nhọc vào thân cho hai vợ chồng già chúng mình?
  - Để chiều mai bữa tiệc có đông đủ con cháu, tôi nói luôn cho long trọng. Với lại năm nào các con cũng đãi mình, năm nay mình phải đãi lại tụi nó một bữa cho bất ngờ.
  - Bà lúc nào cũng cho tôi sự bất ngờ. Hồi tôi còn trẻ, yêu bà muốn cưới bà, nhà bà giàu nhà tôi nghèo, chỉ lo sợ bà đòi hỏi nọ kia, ai dè bà đã đồng ý lấy tôi với một đòi hỏi thật dễ dàng, làm tôi bất ngờ muốn té ngửa, là phải hứa sẽ dẫn bà đến một cánh đồng mênh mông gió và hoa thơm cỏ dại. Tưởng hứa dẫn bà lên mặt trăng, mặt trời, thì tôi không dám, chứ dẫn bà ra cánh đồng cỏ, quê tôi thiếu cha gì. Thú thiệt, mới nghe tôi tưởng bà “mát” hiểu ra càng thấy thương bà, thế là lấy nhau xong tôi chở bà về quê tôi cho bà tha hồ ngắm cánh đồng cỏ, cánh đồng lúa đến phát ngán, bà phải tự nguyện rút lui, và không chịu về quê nữa.
  - Khi người ta còn trẻ ai mà chẳng lãng mạn. Thuở đó tôi chỉ ao ước được sống nơi miền quê thôn dã…
  - Thử cho bà cuốc đất trồng khoai, đêm tối không có điện, muỗi đốt tùm lum xem bà còn thích đồng quê nữa không? Mấy cô tiểu thư thành phố như bà cao lắm chỉ ở được 3 ngày.
  - Cho tới bây giờ, tôi vẫn thích những cánh đồng mênh mông gío trên đất Mỹ và thích những vườn cây trái. Ước gì tôi trẻ lại, để đi làm công việc hái nho, hái táo trên cành hay hái những trái dâu chín đỏ dấu mình trong đám lá bên bờ ruộng. Chắc là vui thú lắm!
    Ông Tư kêu lên:
  - Thì ra bà vẫn chưa hết mộng mơ lãng mạn, vẫn y như mấy chục năm về trước. Nhìn chùm nho, trái táo chín trên cây thì đẹp đấy, nhưng cái nghề lao động hái trái này cực khổ trăm bề chẳng ai muốn làm, vậy mà bà ao ước làm… cho vui.
Ông nói đúng quá, bà mỉm cười không cãi, lo ướp con gà xong đậy kín để vô tủ lạnh, rồi bà đi ướp con cá để ngày mai làm món cá nướng, còn bánh cake bà đã đặt ngoài tiệm, mai mới lấy về. Thế là sẽ có một bữa tiệc Tạ Ơn ngon lành, vừa Mỹ vừa Việt.

*** *** ***

   Gia đình con gái và con trai bà Tư đã đến đông đủ, họ ăn mặc chỉnh tề đẹp đẽ, năm đứa cháu nội ngoại xúm lại coi con gà tây của bà Tư vừa nướng xong bày ra bàn, chắc chúng đang tò mò so sánh có bằng mẹ chúng đã từng làm không?
    Chị Bông cũng hết nhìn con gà tây nằm ngay ngắn trong cái đĩa to, bên cạnh đĩa cá nướng vàng thơm phức xung quanh có đĩa bún trắng và rau thơm xanh, với chén nước mắm tỏi ớt sóng sánh như gọi mời.
    Mọi người ngồi vào bàn, anh Hai lên tiếng trước:
  - Con đại diện hai gia đình cám ơn ba má bữa tiệc Tạ Ơn hôm nay, và nhất là cám ơn ba má bấy lâu đã baby sit cho đám cháu nội, ngoại, để tụi con được an tâm đi làm, và tiết kiệm được tiền bạc.
    Ông Tư giục:
  - Bây giờ đến phiên bà tuyên bố lý do bữa tiệc gà tây này cho con cháu nó nghe, mà tôi cũng đang muốn nghe đây.
    Bà Tư mỉm cười nhìn chồng và nhìn các con, chậm rãi nói:
  - Đơn giản, lễ Gà Tây là lễ cám ơn chứ gì? Câu chuyện nước Mỹ tạ ơn gì đó, má không rành lắm, nhưng mình cứ lấy đó làm ngày tạ ơn nhau trong cuộc đời này đi. Những năm trước má không để ý đến ý nghĩa sâu xa của nó, dần dần má mới hiểu như Bông, con dâu má đã giải thích, sống ở Mỹ phải theo phong tục của họ, huống gì đây là một phong tục tốt đẹp. Má nhận ra rằng cuộc đời và nước Mỹ này đã cho má nhiều thứ quá, má có dâu hiền, rể thảo, có đàn cháu xinh, và chúng ta đều có cuộc sống an lành đầy đủ. Nên má làm tiệc Gà Tây này để nói lên lời cám ơn cuộc đời, cám ơn các con các cháu đã cho má niềm vui gia đình khi tuổi về già.
    Rồi bà quay qua ông, dịu dàng:
  - Tôi cũng cám ơn ông luôn ở bên cạnh tôi.
    Ông gật gù:
  - Biết rồi, luôn ở bên cạnh bà để cho bà sai bảo chứ gì! Trời, hôm nay bà lại làm tôi bất ngờ quá!
    Bà Tư bày tỏ nỗi niềm:
  - Má cũng muốn tâm sự với các con. Trước khi toàn bộ gia đình mình ở Mỹ, đã trải qua bao gian nan, lo lắng. Không bao giờ má quên được ngày thằng Bông đi vượt biên, má như ngồi trên đống lửa, trông chờ từng ngày.
    Anh Bông reo lên:
  - Con nhớ chuyện ngày ấy mà bây giờ còn tức cười đó má. Khi má sửa soạn quần áo cho con lên đường vượt biên, má cứ luôn âu yếm dặn dò: “ Quần áo này thay xong con nhớ đem giặt và phơi trên boong tàu cho mau khô nghe con.”
    Đi vượt biên, trốn chui trốn nhủi, nằm bẹp dí trong khoang tàu như cá hộp mà má cứ làm như đi du lịch trên tàu Titanic vậy đó.
    Ông Tư phụ hoạ:
  - Má con là thế đó, bà thương chồng, thương con đến khờ người luôn. Đi vượt biên chưa lo tới cái chết mà chỉ lo con không thoải mái, không có quần áo sạch mà mặc.
    Bà Tư cãi:
  - Tôi tin sống chết là số mệnh nên chỉ biết cầu nguyện thôi, còn cái gì lo được thì cứ lo. Thế rồi ước nguyện đã thành, thằng Bông định cư ở Mỹ, lần lượt bảo lãnh ba má và chị Hai. Cả nhà đoàn tụ, có giấc mơ nào đẹp bằng giấc mơ này của má đâu?
Bà Tư nói tới đây cảm động quá, nước mắt rưng rưng. Vợ chồng chị Hai và vợ chồng Bông cùng vỗ tay tán thưởng:
 - Vậy là chúng con đã hiểu mục đích bữa tiệc gà tây của má ngày hôm nay rồi.
  - Chưa hết, còn một điều này nữa cũng quan trọng không kém. Má muốn nói một điều chân tình, không chính trị chính em gì hết nghe, ba má sang đây, đi làm đâu có là bao, không đủ tiêu chuẩn để lãnh tiền hưu, thì nhận được trợ cấp tiền già của chính phủ Mỹ, mỗi tháng đều đặn gởi tới nhà, không bao giờ sai sót, ba má tiêu xài còn dành dụm chút đỉnh thỉnh thoảng gởi về Việt Nam giúp đỡ bà con xa gần.
    Ông Tư gật gù:
  - Điều này bà nói đúng ý tôi đấy, ở Việt Nam, người già sống lệ thuộc vào con cháu. Ở Mỹ, người già vẫn có “lương” cho tới chết thì thôi.
    Anh Bông nâng ly bia lên cao:
  - Vậy thì chúng ta phải cám ơn đất nước tự do dân chủ này!!!
    Ông Tư hào hứng:
  - Cách đây vài tuần Ba có đọc một bài báo, nước Mỹ đã tìm được tàn tích của một người lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1971. Họ làm lễ tưởng niệm và an táng hài cốt người lính này. Người vợ góa năm xưa được trao tặng một lá cờ danh dự. Đó cũng là một cách trân trọng tạ ơn của người Mỹ cho người lính của họ đã chiến đấu, hi sinh, vì tự do dân chủ và hoà bình trên thế giới.
    Bà Tư chép miệng:
  - Họ tưởng niệm vậy là đúng rồi, nhưng bà vợ goá đó chắc cũng mấy lần lấy chồng, hay bao lần hẹn hò bồ bịch, đâu có xứng đáng nhận cái vinh dự này?
  - Bà nhận xét thật là ích kỷ, chiến tranh đã cướp đi người chồng khi bà ta còn trẻ, hạnh phúc dở dang, thì còn ai xứng đáng hơn để nhận cái danh dự này? Còn chuyện bà vợ góa ấy có đi thêm mấy bước nữa cũng chẳng nhằm nhò gì, người chết là hết, người sống vẫn phải tiếp tục cuộc đời của họ.
    Ông Tư nói tiếp cho hết ý:
  - Mà tìm kiếm tàn tích một người lính Mỹ mất tích ở Việt Nam đâu phải rẻ, dưới thời ông Tổng Thống Bill Clinton, tôi đọc báo đã nói tốn hơn một triệu đô la cho một người rồi. Suốt mấy chục năm qua chính phủ vẫn mỏi mòn tìm kiếm hơn một ngàn người lính Mỹ mất tích ấy.
  - Làm gì mà tìm kiếm lâu giữ vậy cho hao tiền hao sức? bà Tư thắc mắc hỏi.
  - Thì phía Việt Nam luôn làm khó dễ, đòi hỏi điều kiện nọ kia, câu giờ để “hành” anh nhà giàu Mỹ quốc.
  Chị Hai đang lấy dao cắt ra từng lát gà tây. Bà Tư trở về với hiện tại:
  - Thôi nào! chúng ta ăn gà tây trước đi, khi ngán thì ăn tới món súp măng cua và cá nướng với bún, rau sống.
    Chị Bông ăn thử một miếng gà tây và rối rít:
  - Má ướp gì mà ngon đậm đà vậy?
  - Má đọc mục nấu ăn trong báo Việt Nam, thì ra làm món gà tây nướng lò đâu có khó khăn gì! Má làm cái một.
    Ông Tư phân bua:
  - Nhưng không có công của tôi thì không xong đâu nhé. Má con chỉ ướp gà thôi, còn ba là người phải đút gà vô lò, canh chừng tới giờ để mang gà ra ngoài. Nếu sơ xuất không để ý làm cháy khét là chết với má con đó.
  - Hoan hô ba má.
  - Cám ơn ba má.
    Cả nhà cùng cười vui vẻ. Bữa tiệc Tạ Ơn của bà Tư càng thêm ấm cúng và ngon miệng.

Nguyễn Thị Thanh Dương