"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Ba Thằng Cu Tí Ơi

Anh Bông lái xe vào trạm xăng và thắng lại ngay ngắn bên cạnh một cột xăng. Hai vợ chồng còn đang loay hoay tháo dây seat belt chưa kịp xuống xe thì một anh Mỹ trẻ từ trong cửa tiệm chạy bay ra, một tay cầm khăn một tay cầm bình nước clean. Như một cái máy đã được set up từ đời kiếp nào, anh mau chóng lấy khăn phủi bụi khắp xe trước khi bắt đầu xịt nước clean lên kính xe và lau chùi một cách tận tình.
Chồng nhìn vợ, vợ nhìn chồng ngạc nhiên đến lặng người, họ không dám bước xuống xe, sợ làm cản trở anh Mỹ đang hăng máu làm việc kia. Mãi sau chị Bông mới cất tiếng hỏi chồng:
- Sao khi không họ lại lau chùi xe giùm mình hả anh?
Anh ra vẻ hiểu biết, giải thích:
- Ở Mỹ người ta làm ăn, cạnh tranh và chiều khách như thế đấy, có đâu như ở Việt Nam phải có những khẩu hiệu treo trong tiệm, nào là “ Khách hàng là thượng đế” hay “Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” mà vẫn gian dối và chém túi tiền khách tối đa.
- Công nhận người Mỹ tử tế thật, lần sau mình cứ vô tiệm này đổ xăng nghe anh!
Anh mát lòng mát dạ mỗi khi hiếm hoi thấy chị vui như vậy. Ba tháng nay, từ ngày sang Mỹ định cư, chị lúc nào cũng buồn rầu lo âu, tiếc rẻ cuộc sống đang ổn định và thoải mái tại Việt Nam. Anh sốt sắng giục chị:
- Lát nữa em nhớ ghi dấu tiệm này để khỏi quên nghe.
Chị ngó dáo dác xung quanh qua cửa kính xe và xác nhận:
- Nhớ rồi, cửa tiệm sơn màu xanh, bên kia đường là chợ Mỹ “Sack’n Save”.
Anh Mỹ lau xong các cửa kính xe, lau đến thân xe. Thấy anh ta nhiệt tình quá, vợ chồng anh Bông vô cùng ái ngại, không biết làm sao để bày tỏ lòng biết ơn với anh ngay lúc này.Vợ chồng anh đành ngồi im chịu trận, anh Mỹ kết thúc công việc lau chùi lại còn bơm xăng vào bình xe cho anh nữa chứ, sự tử tế ngoài sức tưởng tượng của anh chị.
Khi anh Mỹ vào trong tiệm cất đồ nghề thì hai vợ chồng mới “thoát nạn”, chui ra khỏi xe. Anh chị vào trong tiệm, trước là nói lời cám ơn sau là trả tiền xăng, thì cả hai đều giật mình vì tiền xăng gấp đôi như thường lệ, tưởng chủ tiệm tính lộn, anh Bông vừa cố gắng mang hết vốn liếng tiếng Anh vừa khua chân múa tay “bổ xung” thêm, đôi bên mới tạm hiểu ý nhau. Thì ra họ tính cả tiền công lau chùi xe lúc nãy, anh thấy vô lý quá, còn chị thì nghi ngờ rót vào tai anh:
- Họ thấy mình ngu ngơ không biết tiếng Anh nên gài bẫy mình để chém tiền đó.
Chủ tiệm nói hoài thấy vợ chồng anh vẫn chưa tường tận, để cho xong việc, ông ta bèn dắt hai người ra ngoài và chỉ vào hai tấm bảng to treo trên mỗi lối vào đổ xăng, một bên là “Service” và một bên là “self service”. Anh đã đậu xe bên “ service” là đương nhiên anh muốn người ta phục vụ lau chùi xe và đổ xăng giùm anh rồi. Anh Bông đau xót móc tiền ra trả, trong khi chị sa sầm mặt, lẩm bẩm:
- Thằng Mỹ làm nghề lau xe, chắc từ sáng đến giờ không có khách, bỗng nhiên thấy xe mình lù lù đậu vào, nó mừng quýnh phóng ra lẹ như tên bay đạn chạy, và vội vàng lau chùi xe ngay, không cho mình kịp phản ứng. Chứ cái xe mình cũ rích, mua có 2,000 đồng, quý hoá gì mà phải thuê người lau chùi, nó biết thừa điều đó và đang cười thầm mình đó.
Anh an ủi:
- Thôi em, coi như thêm một bài học khi mình mới qua Mỹ.
Chị vẫn không chịu thôi:
- Anh đừng có ca ngợi nước Mỹ tử tế, tốt bụng nữa nhé, sự tử tế nào cũng có giá của nó đấy. Sống ở Mỹ khó khăn mọi bề, nay gặp chuyện này, mai gặp chuyện khác, mới tuần trước hai vợ chồng đi lạc, tuần này mất toi một món tiền.
Anh năn nỉ:
- Lỡ rồi mà, anh cũng tiếc tiền chứ bộ. Lần sau anh sẽ nhìn kỹ, vô đổ xăng bên “self service”.
Chị hậm hực nhìn thẳng vô cửa tiệm xăng và nói như đang đứng trước mặt ông chủ tiệm người Mỹ, dĩ nhiên bằng tiếng Việt Nam của chị:
- Này nhé, buôn bán gì mà “mập mờ” để ăn tiền của người ta như thế hả? Lần sau tôi sẽ đi tiệm khác. Biết chưa!
- Đâu có ai lừa bịp gì mình đâu em, họ ghi hai bảng hiệu rõ ràng, lỗi tại anh xớn xác không đọc chữ nên vô lộn thế thôi.
Anh không dám tranh cãi với chị thêm, chỉ lặng lẽ lái xe về nhà. Bây giờ thì chắc chắn anh không quên đường về nữa.
Tuần trước, hai vợ chồng đi học ESL tại một lớp dạy Anh Văn miễn phí cho những người mới định cư tại Mỹ. Khi về, cả giờ đồng hồ vẫn không tìm ra đường đến nhà mình, bụng đói, mắt mờ và tay run, anh vừa lái xe vừa nhìn hai bên đường cùng với sự “hợp tác”của chị, vậy mà bốn con mắt vẫn không nhớ nổi đường về. Cuối cùng anh phải dừng xe bên lề, vào một cửa tiệm hỏi thăm, thì người ta nhìn anh bằng ánh mắt thương cảm mà rằng: con đường anh đang tìm kiếm nằm lù lù trước mặt anh đó. Trời ơi, vậy mà anh lái xe đi qua đi lại cả chục lần vẫn không biết. Từ hôm ấy hai vợ chồng rút kinh nghiệm, lấy một cái gì đó làm dấu hiệu, thí dụ đến tiệm ăn “Jack in the Box” thì quẹo phải, chạy độ 10 căn nhà thấy hàng cây Oak to lù lù thì quẹo trái là tới con đường về nhà. Và từ đó bất cứ một nơi chốn nào anh chị cần đến, đều được ghi dấu như thế cả.
Hai vợ chồng về tới nhà thì Cu Tí đã về học rồi, trường học của nó đối diện với Apartment, chỉ việc băng qua đường, khỏi cần đưa đón. Nhìn gương mặt nó buồn thiu là anh biết lại “có chuyện” rồi:
- Chúng nó lại ăn hiếp con, phải không?
Cu Tí rơm rớm nước mắt:
- Tụi nó chọc quê con và kí vào đầu con.
- Sao con không nói cô giáo?
- Tụi nó doạ, nếu con mét cô giáo thì sẽ đánh con nữa.
Chị điên tiết lên, quay ra trút lên đầu anh:
- Thấy chưa? Sung sướng chưa? Đòi đi Mỹ cho bằng được, chỉ khổ vợ, khổ con. Tôi ra đường như người câm, người què. Cha mẹ bị thua thiệt ngoài đời, thằng con bị ăn hiếp trong trường học, nay đứa này chọc, mai đứa kia đánh.Tại ở Mỹ, không biết tiếng nên tôi đành lép vế, chứ ở Việt Nam coi, đứa nào mà đụng tới con tôi là chết bà nó với tôi. Tôi tới thẳng trường tóm cổ mấy thằng nhỏ con nhà mất dậy đó để dạy cho nó một bài học, rồi lôi về tận nhà mắng vốn cha mẹ, ông bà chúng rồi.
- Em làm gì mà dữ quá vậy? Để anh sẽ tính. Là học trò lại trẻ con, nên chúng chọc phá nhau là chuyện thường, hơn nữa vì cu Tí mới đến Mỹ, tiếng Anh nói chưa rành, nên chúng bạn càng có cớ chọc ghẹo, dần dần sẽ êm thôi mà
- Đợi tới lúc đó thì chúng nó đã đánh con anh bể mặt rồi! Chị cay đắng.
Vợ anh nói có lý lắm, vì đây không phải là lần đầu cu Tí bị lũ bạn “ hành hạ”, nhìn vẻ mặt ảm đạm của cu Tí mà anh thương quá, đau xót quá. Ngày xưa còn bé, anh cũng có tâm trạng như vậy khi anh mới vào trường, bị cảnh ma cũ ăn hiếp ma mới, mỗi lần đi học là mỗi lần khóc vì sợ hãi. Cha anh biết, ông đợi buổi tan trường, đón anh ở cổng và hùng hổ tóm cổ thằng thủ phạm hay hiếp đáp con ông, cho nó cái bạt tai nên thân, thế là từ đó nó không dám đến gần anh nữa chứ đừng nói tới chuyện ăn hiếp anh. Nghĩ lại, ngay giây phút này anh mới nhận ra cha anh đã thương anh biết bao! Anh nhớ rõ cả nét mặt cha tức giận phừng phừng khi tát tai con người ta để bảo vệ con mình, vậy mà cho đến khi lớn lên, chưa bao giờ anh bày tỏ với cha lòng cảm kích vì tình yêu ấy, mà còn gây ra nhiều chuyện làm cha buồn những khi trốn học, rồi bỏ học nửa chừng đòi ra đời đi làm dù cha mẹ anh đã hết lời năn nỉ và khóc lóc, cuối cùng cha anh cũng đành chiều theo ý con, và luôn nhắc nhở một câu rất nhàm chán đối với anh thuở đó: “Con đã không muốn học chữ thì phải học một nghề cho giỏi mà nuôi thân.” Mỗi lần nghe câu khuyên ấy, anh đã coi thường, không nghĩa lý gì, cho là ông già lẩm cẩm. Càng lớn tuổi anh càng thấm thía, phải chi cha anh còn sống tới ngày nay thì anh sẽ nói với cha một lời tạ lỗi, sẽ bày tỏ tình yêu mến cha. Đúng là khi có con mới hiểu lòng cha mẹ.
Tối lên giường chị không chịu ngủ ngay mà lải nhải trách anh về cái tội đã đưa vợ con đi Mỹ, chị đã dùng dằng không chịu đi, nhưng anh đã thuyết phục chị cho bằng được.
Gia đình đang ổn định, kinh tế vững vàng, nhà cửa có sẵn, anh làm thợ hàn lâu năm cho một cửa tiệm sản xuất đồ sắt, lương cao và được chủ ưu đãi. Còn chị, mỗi ngày bán một nồi cơm tấm to tổ bố, sáng sớm bán, đến mười giờ là hết nhẵn, tiền lời đếm mỏi tay. Chưa kể một nguồn lợi tức giá trị “tự nhiên mà có” khỏi phải lao động công sức, đó là tiền các anh chị chồng từ Mỹ gởi về hàng năm, cả nhà ở Mỹ, mình anh còn sót lại, nên thằng em út được anh chị tận tình giúp đỡ. Chị Bông không phải tay vừa, thỉnh thoảng chị lại sáng tác ra một “biến cố” để xin đột xuất thêm ngoài món tiền thông lệ, nào mới bị giựt hụi sạch vốn, nào anh Bông bị đau bụng nghi là đau bao tử, phải nằm bệnh viện chờ xét nghiệm, cần tiền đút lót cho bác sĩ mới được khám bệnh sớm, mới được đối xử tử tế, nào phải sửa sang căn bếp bị hư dột tùm lum… Chị dựng truyện hay hơn các nhà viết kịch và đạo diễn, chuyện nào cũng hợp lý và thành công nên gia đình chị có khối vốn liếng, chị đang nhởn nhơ vui hưởng cuộc đời như thế thì giấy tờ bảo lãnh từ hồi nào đến giờ đã có hiệu quả, phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp nhận cho gia đình chị qua Mỹ định cư, đi Mỹ thì le lói đấy, nhưng cuộc sống hiện tại quá thoải mái làm chị tiếc rẻ. Anh thì quyết định chọn con đường đi Mỹ để cuộc sống có tương lai hơn, nhất là cho thằng cu Tí.
Suốt ba tháng đầu tiên vừa qua, đối diện với bao nỗi ngỡ ngàng, vất vả của những ngày mới định cư ở xứ lạ đã làm chị nản lòng.
Kể lể một hồi, chị ngừng lại để khóc và kể tiếp:
- Anh mang vợ con sang Mỹ, sung sướng đâu chưa thấy, mà chỉ thấy buồn lo. Tôi phải từ bỏ cả cửa hàng cơm tấm, kẻ ăn người làm, khách khứa nườm nượp để theo anh sang đây.
Anh chép miệng:
- Có một nồi cơm tấm bán trước hiên nhà với mấy bộ bàn ghế cũ xiêu vẹo chứ cửa hàng cửa họ gì. Nghe em nói, người ta tưởng như em bỏ lại cả một công ty đang làm ăn phát đạt vậy đó.
- Cho dù bán một nồi cơm tấm, tôi cũng là bà chủ, thuê hai cô phụ việc, bưng cơm và rửa bát đĩa, không oai hơn ở đây sao? Mấy tháng nay nằm chèo queo ở nhà như một mụ vô công rỗi nghề, tôi chán quá rồi!
- Đằng nào em cũng đợi học tiếng Anh cho kha khá một chút mà, trước mắt có anh đi làm cũng tạm ổn rồi.
Chị vẫn hờn dỗi:
- Biết thế này tôi ở lại Việt Nam còn hơn, còn vụ thằng cu Tí, anh tính sao?
- Để mai anh sẽ tính.Thôi khuya rồi, ngủ đi em.
Sáng hôm sau anh theo cu Tí đến trường, hai cha con đứng ngoài cửa đợi hai thằng nhóc con kia đến, đó là một thằng Mễ và một thằng Mỹ đen, cả hai chắc cùng lứa tuổi Cu Tí, mà trông chúng to con hẳn, làm anh càng xót xa thương thằng con bé bỏng của mình.Khi chúng đi qua mặt hai cha con, anh đã nghiêm nghị nhìn chằm chằm vào mặt từng đứa một và không thèm nói gì, nhưng trong cái nhìn ấy đã làm hai đứa có tật giật mình và chột dạ, chúng cụp mắt lại, nhìn nơi khác và đi vội khỏi tầm mắt anh.Thế thôi, anh yên trí về nhà, phần còn lại là cu Tí. Ở Mỹ luật lệ rành rành, nếu không, anh cũng muốn hành động như ngày xưa cha anh đã làm.
Ba giờ chiều, anh đến đón cu Tí về, nó hớn hở khoe:
- Ba ơi con đã làm theo lời ba dặn, kể cho chúng nghe ngày xưa ông nội đã bênh vực ba, túm tóc, tát tai kẻ ăn hiếp ba.Nếu tụi mày còn tiếp tục ăn hiếp tao thì có ngày ba tao cũng hành động như thế, mà ba tao còn có võ nữa đấy. Hôm nay hai thằng đó đã không chọc con, không đánh con, mà còn sorry con nữa.

****

6 tháng nữa trôi qua, khoảng thời gian ngắn ngủi ấy cũng đủ thay đổi thêm trong gia đình anh Bông.Trình độ tiếng Anh của cu Tí tiến triển rất nhanh, trẻ con đầu óc còn trong sáng nên dễ tiếp thu ngôn ngữ, nó chuyện trò, giao lưu được với thầy cô, bè bạn nên tự tin hơn, không ru rú ngồi im một góc bàn như hồi mới nhập học nữa. Hai thằng bạn, từng hiếp đáp cu Tí, chẳng những đã bỏ hẳn thói xấu đó mà còn chơi với cu Tí nữa, vì cu Tí giỏi môn toán làm chúng nể phục.
Còn chị Bông, tiếng Anh ESL của chị cũng khá hơn một chút, chị lanh lợi nên đã nói và hiểu được vài câu thông dụng, vui nhất là chị đã thi đậu bằng lái xe. Nhớ hồi mới qua Mỹ, hai vợ chồng nhìn dòng xe cộ trên đường mà ngao ngán, chị sầu bi nói:
- Biết bao giờ mình mới lái xe được như người ta hả anh? Chắc mình phải mua một cái xe gắn máy hai bánh như ở Việt Nam để chở nhau đi làm, đi chợ thôi.
Lúc ấy anh biết trách nhiệm của anh lắm, bên cạnh vợ dại, con thơ, anh là con chim đầu đàn, phải giang cánh ra bao bọc, che chở cho họ, dù những khó khăn trong cuộc sống mới cũng làm anh va vấp, lo âu. Nhưng anh luôn tự tin vào ngày mai, lại vùng dậy, lại kiên trì,cố gắng, ngay tháng đầu tiên đến Mỹ, anh đã đậu bằng lái xe và xin được việc làm. Đúng như cha anh đã dạy phải có một nghề để nuôi thân, tay nghề thợ hàn của anh thuộc bậc cao ở Việt Nam , xin vô hãng Mỹ họ nhận ngay sau khi thử tay nghề. Bàn tay khéo léo của anh đã hàn nhanh lại đẹp nên các mặt hàng khách order đều đúng hẹn và không bị trả lại, công việc của anh có vẻ vững vàng.
Rút kinh nghiệm từ cuộc đời mình, anh Bông quyết chí lo cho thằng cu Tí, nó phải ăn học đàng hoàng, tới nơi tới chốn, đất Mỹ là cơ hội cho mọi người .Anh sung sướng khi thấy cu Tí học trong ngôi trường tiểu học to lớn đẹp đẽ, gấp mấy chục lần ngôi trường của anh khi xưa, mỗi khi anh đi lại trong thành phố, thấy những ngôi trường Trung học và Đại học, anh lại nôn nao nghĩ đến một ngày nào đó, cu Tí sẽ cặp sách bước vào.
Chị Bông đã được gọi đi làm, chị làm ở khâu đóng gói sản phẩm, công việc đơn giản, dễ làm. Sau 8 tiếng là về nhà, khoẻ re hơn nghề bán cơm tấm của chị ở Việt Nam nhiều, hồi đó chị đã phải dậy sớm nấu cơm, làm đồ ăn. Bán sạch nồi cơm lại lo đi chợ mua đồ để hôm sau làm tiếp.
Chỉ mấy cái check lương đầu tiên mà chị đã thấy sự chi tiêu trong nhà thoải mái hẳn ra, chị thôi không cằn nhằn, đay nghiến anh lúc nào mà không hay.
Hôm nay cu Tí đi học về, nó hí hửng đưa ra một món quà và réo ầm lên:
- Ba ơi, ba có biết món quà gì không?
Anh ngơ ngác chưa kịp đoán ra thì cu Tí tiếp:
- Cho ngày Father’s Day đó ba. Cô giáo ở trường chỉ con làm món quà này tặng ba. Con cám ơn ba đã nuôi con, đã thương yêu con.
Anh cảm động đến ngẩn ngơ, thằng con mới 8 tuổi của anh đã biết nói lên những điều mà cả đời anh chưa bao giờ và không bao giờ có dịp nói với cha anh.
Anh ôm cu Tí vào lòng:
- Ba thương con quá, như ngày xưa ông Nội đã thương ba vậy.
- Ba thằng cu Tí ơi!
Mỗi khi chị gọi anh bằng cái tên dài lòng thòng “Ba thằng cu Tí ơi” như thế, là chị bày tỏ lòng âu yếm, yêu thương anh. Tiếng chị dịu dàng tiếp theo:
- Nhân ngày Father’s Day đầu tiên trên xứ Mỹ, chẳng những cu Tí, mà em cũng cám ơn anh nữa, cho em xin lỗi những lần đã cằn nhằn, hành hạ anh. Đúng như anh nói, cuộc đời sẽ công bằng với chúng ta, khi chúng ta luôn cố gắng, kiên trì để vươn lên.
- Anh hỏi thật nhé, bây giờ em còn tiếc nồi cơm tấm nữa không?
Chị cười khì:
- Cực thấy bà! Ở Mỹ đi làm kiếm tiền đô khoẻ hơn, lẹ hơn, và điều quan trọng nhất là gia đình mình, thằng cu Tí nhà mình sẽ có một tương lai tươi sáng.

Nguyễn Thị Thanh Dương