"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Chuyện Gà Vịt Nhà Tôi

   Đinh đoong... Đinh đoong... Bé Hà đang ngồi đọc truyện vội vàng chạy ra mở cửa rồi reo lên:
  -Anh Khanh. Anh Khanh mẹ ơi. Anh Khanh mang cho tụi em cái gì vậy?
    Khanh, là cháu rể tôi, bước vô nhà, thận trọng đặt một thùng carton xuống sàn nhà:
  -Anh mang quà đến cho tụi em này. Rồi quay sang tôi miệng cười tươi:
  -Thưa dì cháu có việc gấp phải đi ngay. Thúy gửi lời thăm chú dì. Chúa Nhật tụi cháu sẽ xuống chơi lâu.
    Bé Hà quỳ xuống mở nắp thùng ra xem. Có tiếng kêu chíp chíp vọng ra. Con bé nhảy tưng tưng:
  -Ô, ba con vịt con. Rồi ba chân bốn cẳng chạy ra cửa réo vọng xuống sous-sol:
  -Anh Thiện, chị Ngà ơi, anh Khanh mang cho tụi mình ba con vịt con.
    Có tiếng chân chạy rầm rầm từ sous-sol lên. Tôi bỏ nồi gạo đang vo, bước tới nhìn vô thùng. Ba chú vịt bé xíu lông vàng óng như tơ đang há chiếc mỏ hồng hồng xinh xắn ra kêu chíp chíp. Trước những cặp mắt cú vọ đang chăm chăm nhìn, ba chú vịt con sợ hãi nép vào một góc thùng, miệng kêu không ngớt trông thật tội nghiệp. Tôi thở dài:
  -Lại sắp sửa gặp rắc rối nữa đây!
    Bé Hà nhìn mẹ, cặp mắt van xin:
  -Mẹ cho tụi con nuôi nghe mẹ. Mẹ xem kìa, mấy con vịt dễ thương quá mà.
    Tôi làm nghiêm:
  -Thôi. Tụi con không nhớ mấy con gà năm ngoái sao?
    Cu Thiện và bé Ngà nhao nhao:
  -Mẹ cho đi mẹ. Tụi con hứa lần này sẽ săn sóc mấy con vịt cẩn thận hơn.
    Nghe đến chữ "hứa" là tôi trợn mắt:
  -Tụi con còn nói! Lúc trước tụi con cũng hứa chăm sóc mấy con chuột bạch, rồi sau đó cũng hứa sẽ chăm sóc mấy con cá vàng... Nhưng cuối cùng "Ai" cho chuột ăn? "Ai" thay dăm bào dơ? "Ai" rửa hồ cá nếu không phải là Bố?! Thôi, thôi mẹ không tin nỗi lời hứa của tụi con. Rồi bố lại càm ràm!
    Nhưng trước vẻ phụng phịu của tụi nhỏ tôi đành đầu hàng:
  -Thôi được rồi. Nếu tụi con chắc chắn giữ lời hứa lần này thì mẹ cho. Nhưng không được làm phiền hàng xóm như năm ngoái.
    Lũ trẻ mừng rỡ bưng thùng vịt chạy ù ra sau hè. Tôi lắc đầu ngao ngán, nhớ tới ba con gà nuôi năm ngoái... cũng vào khoảng tháng này. Một sáng Chúa nhật, bà chị tôi đến chơi, khệ nệ bưng 1 thùng carton đựng ba chú gà con. Trước sự reo hò của lũ cháu, bà nói:
  -Mấy con gà này chú Thuận mua hôm lễ Pâques cho mấy đứa con của chú. Nhưng chú ấy ở Appartement thành ra bất tiện quá. Tụi nhỏ nhốt mấy con gà trong placard chết mất hai con. Chị đến chơi thấy chú thiếm ấy phàn nàn, chị nhớ nhà em có vườn rộng nên xin mấy con còn lại đem về tụi nhỏ nuôi cho vui.
    Nhà tôi ở ngoại ô thành phố nên có mảnh vườn khá rộng phía sau. Tôi vốn mê hoa nên trồng đủ thứ. Từ hoa Hồng đẹp kiêu sa cho đến hoa... Mõm Chó (Gueule de Loup). Ấy, nghe tên thì xấu nhưng hoa rất đẹp. Lại đủ màu, mà màu nào cũng tươi thắm. Cứ thấy có tí đất trống là tôi gieo hạt. Thành thử chung quanh nhà có đủ thứ hoa, đủ màu đủ sắc xanh đỏ tím vàng. Mẹ tôi nói với lũ trẻ là vườn hoa của mẹ chúng mày giống như một cái vườn hoang. Chẳng có thứ tự gì hết trơn! Nhưng tính tôi vốn thích cái gì hơi... tự do một tí. Giống như nhiều thi sĩ thích làm thơ tự do. Đâu cần phải theo vần, theo luật mà vẫn hay! Một bà bạn người Canadienne bảo rằng tôi có tâm hồn của một Bohémienne! Dưới mắt tôi, giữa những cụm Impatien hồng xen vài khóm Pensée tím trông cũng đẹp lắm chứ. Còn gì lộng lẫy hơn cảnh chung sống hòa bình của đám cúc vàng rực rỡ với lũ Pavot đỏ tươi hoặc hồng phớt dịu dàng? Tranh của đại họa sĩ Monet cũng không thể đẹp hơn!
    Tôi mê trồng hoa bao nhiêu thì mẹ tôi thích trồng rau bấy nhiêu. Vì thế vườn nhà tôi chia làm hai khu riêng biệt: vườn hoa và vườn rau. Vườn rau của mẹ tôi ai thấy cũng thích mê. Bà trồng không thiếu thứ gì: húng, ngò, quế, tía tô, dấp cá, rau diếp, cải xanh, đậu, bí ...vv...và vv...Mê nhất là đám rau mồng tơi. Lá nào cũng lớn cỡ bàn tay, dầy mụp, nõn nà, láng mướt như thoa mỡ. Kế đó là đám rau muống cũng xanh tươi không kém. Trong góc vườn là buội bạc hà với tàn lá xanh mướt giống như những cây dù đong đưa theo gió. Nhìn những cọng bạc hà no tròn ai cũng phải liên tưởng đến tô canh chua nóng hổi. Trên mặt lấm tấm rau ngò gai thơm phứt, cọng thêm vài lát ớt chín đỏ tươi. Hấp dẫn đến chảy nước miếng!
    Hôm nào trời nóng nực là nhà tôi có ngay nồi canh mồng tơi nấu với tôm tươi băm nhỏ. Một đĩa rau muống to tướng, hoặc xào thịt bò, hoặc luộc chấm tương. Nước rau muống được dầm vào vài quả cà chua. Hàng cà chua của mẹ tôi cao vượt khỏi hàng rào, quả nhiều không đếm xuể. Vắt thêm tí chanh là ngon tuyệt vời. Hôm nào nấu canh cá, hoặc ăn chả cá là có ngay thìa là của vườn nhà. Nói đến thìa là thật là khủng khiếp. Khi vào thu, hoặc đôi khi chỉ khoảng cuối hè, hạt thìa là chín vàng theo gió bay đi khắp vườn. Đến mùa xuân thì hỡi ơi, trong hoa, trong rau đều có thìa là mọc lên như nấm. Mẹ tôi chăm sóc vườn rau của bà như chăm con mọn. Hằng ngày lom khom nhặt cỏ, bón phân, tưới nước không ngừng nghỉ. Có lần ông Bonneau, người hàng xóm tò mò hỏi tôi:
  -Bà Phan ơi, bên vườn của bà trồng rau gì mà tôi thấy mẹ bà tưới một ngày tới hai lần vậy? Chắc loại này đặc biệt lắm phải không? Tôi gật đầu:
  -Đúng thế. Những thứ này mẹ tôi đem hột giống từ Việt Nam sang nên hơi khác. Chúng cần nước nhiều lắm.
    Ông già gật gù ra vẻ thông cảm. Cuối tuần các bà bạn già của mẹ tôi thường đến chơi. Các cụ ngắm vườn rau, trầm trồ khen ngợi và lần nào cũng thơ thới hân hoan ra về với một túi chiến lợi phẩm. Vì lần nào mẹ tôi cũng không quên cắt biếu các bà bạn một ít rau.

   Mấy con gà chú Thuận cho lớn nhanh như thổi. Ban ngày được thả tự do trong sân cỏ, tối đến phải cho vào thùng bưng vô nhà. Vài tuần sau lông cánh đã dài ra trông thấy. Mấy chiếc mào đi đỏ cũng bắt đầu ló dạng. Các chàng bây giờ ra dáng gà giò oai phong, nên cũng đâm ra bạo dạn hơn, tiến xa khỏi sân cỏ để tìm thức ăn. Một hôm tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê trong bếp thì nghe tiếng mẹ tôi la to, gọi cu Thiện rối rít. Tưởng cụ gặp tai nạn, tôi ba chân bốn cẳng chạy ra xem. Té ra Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ đang ung dung cào cào, bới bới lung tung trong đám rau của bà ngoại. Thôi rồi, đám rau dấp cá mà bà quý như vàng đang bật rễ tơi bời dưới những cú bới... tàn bạo của lũ gà ranh. Cu Thiện hoảng hồn nhẩy vào đám rau lùa lũ gà ra. Nhưng càng đuổi chúng càng chạy tứ tung. Sau khi túm cổ được lũ phá hoại thì chiến trường thật là tang thương: Ngoài đám dấp cá bị cào bật rễ tênh hênh, một đám cải cúc gẫy lặt lìa lặt lọi và một đám rau quế bị dẫm bẹp dí... dưới bàn chân thô bạo của cu Thiện!
    Sau đó bà cháu cùng quyết định lấy mấy vòng rào bằng gỗ tạp (dùng để rào mấy cây thông vào mùa đông) quây tròn thành một cái chuồng gà. Hòa bình trở lại được khoảng hai tuần thì cảnh đuổi bắt lại tiếp diễn. Chả là càng lớn, lông cánh càng dài, lũ phá hoại này có thể bay lên đứng trên mép chuồng, rồi tà tà nhảy xuống đất, tiến vào vườn rau cào bới như cũ. Mấy bà cháu lại cẩn thận dùng một tấm carton đậy nắp chuồng, nhưng thỉnh thoảng gió thổi mạnh, bay tấm carton xuống đất, lũ gà lại được dịp nhảy ra ngoài tìm tự do trước sự tức giận của mẹ tôi và sự reo hò đuổi bắt hào hứng của lũ trẻ.
    Một hôm đi làm về, vừa bước vào nhà thì bé Hà chạy ra nói, giọng buồn thiu:
  -Mẹ ơi, bà ngoại chặt cổ mấy con gà rồi.
    Tôi kinh ngạc:
  -Thiệt không? Ủa, mà sao bà ngoại lại chặt cổ?
    Con bé dẩu môi:
  -Thiệt mà. Một con ngoại nấu cháo, còn hai con kia rô ti. Không tin mẹ vào bếp xem.
    Tôi vội vàng đi vào bếp, quả nhiên thấy mẹ tôi đang trộn gỏi gà. Những lát gà trắng phau lẫn với bắp cải và rau răm thơm phức. Mẹ tôi kể rằng trưa nay bà đang lau chùi trong bếp thì có người bấm chuông. Tưởng ông phát thơ, bà vội vàng chạy ra mở cửa, hóa ra là bà hàng xóm tay đang cầm hai con gà ướt sủng. Bà bảo tìm thấy chúng trong hồ bơi nhà bà. Biết là gà của nhà tôi nuôi nên bà đem qua trả. Thật là xấu hổ quá chừng. Mẹ tôi xin lỗi bà hàng xóm rối rít. Bà nói nếu ở Việt Nam chắc đã bị mắng cho vuốt mặt không kịp. Giận quá, bà mang cả ba ra làm thịt cho thoát nợ, mặc cho lũ trẻ nhao nhao phản đối. Tụi nhóc nói bà ngoại giết mấy con gà ác quá và đứa nào cũng nói sẽ không ăn thịt gà chiều nay. Bà ngoại mắng "Chúng mày vớ vẩn. Bên Việt Nam, nhà nào dưới quê mà không nuôi gà, nuôi vịt? Nuôi là để ăn chứ để mà ngắm à?" Nhưng lũ trẻ vẫn giữ vững lập trường, lắc đầu quầy quậy! Bữa cơm chiều hôm đó đĩa gỏi gà được ông xã tôi chiếu cố tận tình. Vừa ăn vừa khen thịt gà nhà nuôi thơm và dai hơn thịt mua ở chợ.

   Tưởng đâu nghiệp chăn nuôi của nhà tôi đến đó là chấm dứt, có ngờ đâu bữa nay ông cháu rể lại đem cho ba con vịt con. Đúng là của nợ!
    Nghe lũ trẻ cười nói ồn ào phía sau nhà, tôi bước ra xem. Cu Thiện đem cái piscine bằng nhựa nhỏ xíu của bé Hà ngày xưa ra sân, đổ đầy nước rồi thả mấy chú vịt vào. Gặp nước, cả ba hớn hở bơi lội tung tăng. Chốc chốc cao hứng đứng thẳng lên, ưỡn ngực vỗ vỗ hai chiếc cánh ngắn ngủn, nhỏ xíu trông thật dễ thương. Cu Thiện dành con vịt lớn nhất. Con vừa vừa về phần bé Ngà và con bé nhất được chia cho bé Hà. Con bé đặt ngay cho chú tên Donald.
    Lội chán, tụi nhóc cho lũ vịt ra sân cỏ. Cả ba đứng ngơ ngác một hồi rồi tự động sắp hàng dài đi nghêng ngang. Con lớn nhất dẫn đầu, kế đó là con của bé Ngà và Donald lẹt đẹt đi sau cùng. Chúng vừa đi vừa nghiêng nghiêng chiếc đầu nhỏ xíu. Cặp mắt đen mun liếc bên nọ, liếc bên kia, chiếc đuôi ngắn ngủn ngoe nguẩy trông rất đáng yêu. Lũ nhóc cho chúng ăn suốt ngày. Tôi phải rầy, vì nếu tiếp tục cái đà này lũ vịt sẽ lăn cổ ra chết vì bội thực mất! Một buổi sáng, lũ vịt con vừa được thả ra sân cỏ, bé Hà chạy vào mếu máo:
  -Mẹ ơi, con Donald của con bị què một chân rồi. Chắc hôm qua anh Thiện làm nó té nên nó mới bị què. Con bắt đền anh Thiện... Rồi con bé chạy đi gọi ông Bố, đang ngồi uống cà phê xem báo, ra khám dùm, nhưng ông bố cũng đành bó tay! Hai con vịt lành lớn nhanh như thổi. Chỉ tội con Donald đột nhiên ngừng tăng trưởng, vẫn nhỏ xíu như cũ. Nhìn cảnh hai con kia đi đứng nhanh nhẹn, con Donald cố gắng chạy theo té lên té xuống, bé Hà cứ phải theo đỡ, ai cũng thương hại... Rồi một buổi sáng dở thùng ra thấy chú ta nằm chết chỏng gọng, bé Hà rơm rớm nước mắt. Cu Thiện bèn hùng dũng tuyên bố cho bé Hà con vịt của anh, con bé mới đỡ buồn. Lũ nhỏ đem con vịt xấu số chôn dưới gốc cây cerise trong góc vườn, hy vọng năm tới quả sẽ ngọt hơn!
    Hai con vịt còn lại lớn nhanh kinh khủng. Bộ lông tơ vàng óng ngày nào đã biến mất, thay vào đó là bộ lông trắng muốt cộng thêm chiếc mỏ màu vàng tươi rói. Các chàng cũng vỡ giọng, từ chíp chíp chuyển sang cạp cạp (trăm phần trăm giọng vịt đực!). Một hôm cu Thiện khám phá cả hai đang hùng hổ rỉa đám sà lách của bà ngoại thì hết hồn. Bà ngoại mà bắt gặp thì kể như tiêu tùng! Sau khi bàn tán, ba đứa nhờ bố đóng cho một cái chuồng, để trong góc vườn dưới cây táo bố mới trồng, để nhốt hai kẻ phá hoại!
    Chẳng hiểu sao mà loài vịt có thể ăn suốt ngày. Cơm thừa, gạo, rau cải... thứ gì đưa vào chuồng các chú cũng hân hoan chén sạch. Cứ thấy bóng người là cả hai kêu quàng quạc đòi ăn. Ăn hoài cũng không no, có lẽ vì các chàng "phẹt" cũng dữ. Bố nói cây táo sang năm chắc sai quả vì có phân bón của lũ vịt.
    Một hôm tôi đang đứng trong phòng ngủ nhìn ra ngoài vườn, bỗng nghe tiếng hai chú vịt kêu cạp cạp. Rồi có tiếng cạp cạp tiếp theo, nhưng lần này sao không giống tiếng "vịt cồ". Ngạc nhiên, tôi đưa mắt tìm thì thấy bà hàng xóm (bà vợ ông Bonneau) đang thò đầu qua hàng rào "nói chuyện" với mấy chú vịt của tôi. Hôm sau, tôi đang bón phân cho mấy buội hồng, bỗng thấy bà Bonneau xăm xăm đi vào, theo sau là một bà lạ mặt. Bà hàng xóm chào tôi rồi giới thiệu bà kia là em gái của bà và xin phép cho họ ngắm mấy con vịt. Rồi bà kể cách đây mấy năm bà cũng có nuôi một chú vịt. Nó đi theo bà tò tò như một con chó con. Lắm hôm thấy nó nhắm mắt ngủ, bà nhè nhẹ bước đi, tức thì cậu ta mở choàng mắt, lạch bạch chạy theo bà không rời một bước. Chú vịt rất khôn. Cảm nhận ông Bonneau không thích mình, nên chú không bao giờ chạy theo ông cả. Sau cùng vì nó lớn quá, lại kêu quàng quạc suốt ngày khiến ông Bonneau bực bội, bà đành phải đem nó vô một trang trại quen cho họ nuôi (hay ăn thịt bà cũng không biết!). Bây giờ thấy lũ vịt nhà tôi bà đâm ra nhớ chú vịt thân ái ngày xưa. Câu chuyện của bà khiến tôi nhớ mới đọc trong một tờ báo ngoại quốc, họ kể nhiều gia đình Mỹ có cái mốt nuôi heo mọi Việt Nam làm cảnh, chiều chiều dắt heo đi chơi như một chú cún chính cống! Mà giá một chú heo con không hề rẻ. Những hai ngàn đô la!
    Lũ vịt càng lớn càng ăn khoẻ. Mặt trời vừa ló dạng (khoảng 5,6 giờ sáng) cả nhà còn ngon giấc cứ giật mình thức dậy vì lũ vịt la om sòm đòi ăn. Ông xã tôi tức mình đòi làm thịt quách cho rồi, nhưng bà ngoại bảo vịt chưa đủ lớn, ăn "hôi lông" lắm.
    Độ hai tuần sau, thấy trời đẹp tôi rủ bé Hà tản bộ sang nhà bà chị chơi. Lúc về, còn cách nhà độ hai con đường nho nhỏ, tôi bỗng dừng lại, lắng nghe rồi quay sang hỏi con gái:
  -Con có nghe tiếng gì không bé Hà? Con bé nhe hàm răng sún ra cười:
  -Tiếng của hai con vịt nhà mình đó mẹ.
    Tôi giật mình. Đâu ngờ tiếng cạp cạp lại vang xa đến như vậy?! Đến giờ phút này chưa thấy người hàng xóm nào kêu ca gì cả. Họ tốt bụng thật, nhưng mình là người tự trọng, không thể để đến lúc họ phàn nàn mới dẹp thì còn gì là "thể diện quốc gia"! Dù gì đi nữa thì chúng tôi cũng là gia đình Việt Nam duy nhất ở trong khu này...
    Về đến nhà, tôi triệu tập ngay một buổi họp bất thường. Lũ trẻ đưa ra ý kiến là đem cho như bà Bonneau, chứ không nên "xử trảm" giống mấy con gà năm ngoái. Ghê quá! Tôi buồn cười trước phản ứng của lũ nhóc. Bên xứ mình, ở nhà quê thì nhà nào không nuôi một bầy gà, vài con vịt, đề phòng khi "khách đến nhà không gà thì vịt". Hoặc để biếu xén, cúng quảy... Cảnh anh gà giò buổi sáng còn nhởn nhơ trong sân, buổi chiều đã nhảy vào nằm gọn trong nồi là thường, chẳng làm ai xúc động cả. Tụi nhỏ sống bên này, chỉ ăn thịt gà thịt vịt làm sẵn bán trong siêu thị, thì làm sao chịu nổi cảnh đè ngửa con gà ra cắt cổ, hoặc túm đầu chú vịt cồ ra cắt tiết, mặc cho nạn nhân vùng vẩy kịch liệt!... Bà ngoại và ông xã tôi phản đối, bảo rằng tốn công nuôi bao nhiêu lâu nay đem cho uổng lắm! (Riêng bà ngoại cống hiến rất nhiều rau sà lách của bà trồng cho lũ vịt háu đói). Tôi ra quyết định, ngày mai Chúa nhật sẽ nhờ ông anh rể tôi (lúc còn ở quê nhà ổng làm tiết canh nổi tiếng là ngon) qua thanh toán hai con vịt dùm.
    Chiều hôm sau tất cả mọi thứ đã sẵn sàng: một chén nước mắm, đậu phọng rang giả nhỏ, húng quế xắt nhỏ, ớt...vv... Ông anh rể tôi chỉ việc xắn tay áo lên. Hai chú vịt được đem vào garage. Cửa garage được đóng kỹ kẻo hàng xóm thấy, dám gọi Cảnh sát hoặc SPCA thì phiền lắm. Tôi vẫn chưa quên chuyện một con chó bên Anh Quốc ra đường bị xe cán chết, cả phố xúm ra khóc lóc um sùm. Rồi mới đây chứ đâu, một bà già bên Mỹ, chết để gia tài bạc triệu cho lũ chó, mèo, heo... của bà. Ôi, ở xứ văn minh và giàu có, thú vật còn sướng hơn con người!
    Lũ nhỏ vào phòng đóng cửa lại, bé Hà còn rơm rớm nước mắt. Nó là đứa nhạy cảm nhất nhà... Bữa cơm hôm đó ông anh rể và ông xã tôi nhậu tiết canh và thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng ngon lành. Nồi cháo và đĩa thịt vịt kho gừng ế sưng vì bị lũ nhỏ tẩy chay, thà ăn bánh mỳ trứng chiên chứ nhất định không ăn thịt vịt!
    Riêng tôi thì quyết định chắc như đinh đóng cột, rằng thì là từ đây chấm dứt hoàn toàn. Không mèo, không chó, không gà, không vịt gì nữa cả. Thú thật, mỗi khi nhớ đến con chó Yorkshire nhỏ xíu, dễ thương vô cùng của tôi chết vì bệnh cách đây mấy tháng, lòng tôi vẫn còn nhói đau, thương đứt ruột!

Tiểu Thu