"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Tạ Ơn Em!

   Đám cưới chú Năm của tôi tổ chức thật rềnh rang và cực kỳ vui vẻ kéo dài đến ba ngày. Này nhé, đón dâu từ dưới tỉnh, nơi cô dâu đang sống và làm việc theo hợp đồng như một kỹ thuật viên, tiệc mừng khoản đãi các bạn hữu, đồng nghiệp thân sơ đã mất một ngày, rước lên nhà ba má cô dâu làm lễ Vu Quy, tổ chức đì đùng một ngày nữa, rồi cuối cùng mới lên thành phố nơi có ông bà Nội tôi để làm lễ Tân Hôn, cúng kiếng chính thức ra mắt tổ tiên, ông bà và trăm họ.
    Có thể nói đám cưới chú Năm đúng là song hỷ long môn và là đám cưới to nhất trong các cô chú của tôi (chú là người học cao nhất, giỏi nhất trong họ) vừa vinh hạnh lấy đưọc vợ giầu, đẹp, có kiến thức cùng lúc tin vui thăng quan tiến chức đến một cách bất ngờ.
    Đám cưới chú vừa xong, một số họ hàng bà con, trong lúc vui vẻ, trà dư tiểu hậu, buột miệng hỏi bà Nội về tin vui kế tiếp còn phải chờ đợi bao lâu khi quay sang nhìn chú Út Nhỏ gần đó, đang bận rộn trông coi người làm dọn dẹp trong ngoài, với vẻ thăm dò:
  - Anh chị Cả có đám nào cho Út Nhỏ chưa? coi bộ cũng nên tính rồi đó!
    Bà nội tôi tặc lưỡi giả lả :
  - Cám ơn các cô chú thương cháu mà chú ý . Nhưng còn tùy theo số phận, lương duyên đưa đến, tụi tôi không làm sao dám nói trước.

   Tôi, đứa cháu nội gái lớn nhất, được ông bà nội tôi thưong yêu cưng chiều hơn hết thẩy, vì như bà tôi nói, tôi không những thông minh lanh lẹ, giỏi giắn hơn tuổi, lại khéo léo mềm mỏng trong cư xử với mọi người trên dưới, nên rất được lòng của cả hai bên họ hàng nội ngoại. Điều này giải thích tại sao tôi lúc nào cũng được ưu tiên hãnh diện theo sát ông bà để được giới thiệu và cho tham dự trong tất cả mọi tiệc tùng, những cuộc vui chơi, hội họp, hay đình đám bên ngoài.

   Câu chuyện trên môi qua lại giữa các bà cô, ông chú với Nội, không lọt khỏi tai tôi lúc ấy. Tôi lén nhìn bà nội, chao ơi! câu hỏi cắc cớ của mấy bà cô kia sao mà vô tình đến thế! có biết rằng khơi chạm vào vết thương đã từng cố gắng che đậy kỹ, bao lâu rồi nằm im kín đáo, nay bỗng dưng bị vén lên, đâm toạc, mở thêm cho toang hoác nhức nhối lắm hay không? Bà nội tôi bất giác như bị ai đụng vào nọc như thế, hẳn đau đến tận cùng tim gan, nuốt lệ mà gắng gượng trả lời, làm cho cánh trầu têm, trên đôi tay run rẩy, như bị cắt trúng, không biết màu máu hay mầu vôi nhão nhoẹt đỏ loét trộn thành một khối đau rát da, bỏng thịt đến thống khổ! Tôi đờ người khi nghe tiếng thở dài thườn thượt khẽ khàng dâng lên trong cái buồn mênh mang thấm thía kia! Xót xa cho nỗi thương tâm phút chốc hiện rõ trên khuôn mặt bà nội, nét sâu khắc khổ vuốt lên vầng trán vốn nhăn nheo, giờ thêm nhúm nhó. Ôi! câu hỏi thăm vô ý mà như ác độc vô cùng!

   Tôi hiểu tâm sự bà nội tôi hơn ai hết, nói to sợ chú Út Nhỏ mủi lòng, mặc cảm chứ ai mà không biết ông bà Nội thương yêu chiều đãi xiết bao đứa con trai út thiếu may, và các cô chú khác cũng đâu hề lơ là, bỏ mặc, chẳng quan tâm đến đứa em kém phúc phận của mình.
Trời ạ! số phận đầy đọa chú tôi, sinh ra đã chịu khuyết tật, một bàn tay không đầy đủ, lại mang thêm chứng cong cột sống làm dáng người co rút hẳn lại chỉ bằng chiều cao đứa bé lên 8 với chiếc đầu to gắn trên đôi vai rụt chúi về phía trước như vác một tảng đá nặng lắm sau lưng, khiến người ta không khỏi liên tưởng câu chuyện “Tên gù trong nhà thờ Đức Bà” thử hỏi sao không làm tan lòng nát dạ người mẹ như bà Nội tôi kia chứ!!!

   Nhưng ở đời thường có luật bù trừ, có lẽ Thượng Đế không nỡ vô tâm vô tình, nếu chú bị lắm thua thiệt về nhân dáng, bà Mụ thương tình khéo tay ban lên khuôn mặt đầy đặn của chú những nét vẽ đẹp đầy nam tính khiến người bình thường có chút đố kỵ. Vầng trán cao thông minh, đôi mày thanh trên căp mắt sáng tự tin, cánh mũi thẳng , nếu chẳng nhìn vào thân hình dị tật, khiếm khuyết, ngườì đối diện sẽ bị sức hút bởi nụ cưòì rất đỗi dịu dàng, lời nói ôn hòa phát ra từ tấm lòng bao dung và thân ái của chú.
    Nói như trên thì mọi người cũng đoán biết tính tình của chú, hiền lành vui vẻ và bình dị đến cỡ nào! Chú quả thật có tâm lành, chẳng mảy may làm buồn hay mích lòng ai, người làm trong nhà tôi hay ca tụng chú có tính Bụt vì đến ngay cả con kiến chú có nỡ đâu giẵm đạp.

   Chú tàn mà không phế, chú tâm nguyện lấy việc giúp đỡ người làm vui . Mỗi cuối tuần đi làm việc thiện thì không nói làm gì, ngay cả những ngày nghỉ lễ dài, bước chân không mỏi mệt của chú vẫn tích cực in dấu trên tận vùng sâu, chốn xa hầu để góp phần xoa dịu hay một sự an ủi nào đó trong khả năng sức lực mà chú có thể. Do đó, việc xa gia đình có khi hằng tuần không báo trước chẳng làm ông bà nội tôi ngạc nhiên, lo lắng hay trách cứ. Hơn thế nữa, riêng tôi, tôi không khỏi ngưỡng mộ và hãnh diện có người chú có tật nhưng lắm tài này. Ngoài sở hữu giọng ca thiên phú, chú còn có biệt tài văn thơ, đã từng làm cho ngườì nghe cứ bần thần ngẩn ngơ, cho nên những buổi gây quỹ từ thiện nào không hề thiếu mặt chú để đưa tiếng hát ngọt ngào, giọng ngâm sâu lắng tuyệt vời đến người thưởng thức nghệ thuật.

   Chú Út Nhỏ do sức khoẻ không cho phép, dầu học giỏi, ráng lắm đến bằng tú tài 1 rồi nghỉ hẳn. Sau đó được một người bạn của ông Nội đưa vào làm chân thư ký đặc biệc cho một văn phòng pháp lý của nhà nước, chuyên về những vấn đề thủ tục dân sự dành riêng cho những gia đình có hoàn cảnh neo đơn khó khăn hay thiếu thốn tài chính. Do tài ăn nói khéo léo, xã giao bặt thiệp tinh tế, trải nghiệm dày dạn, công việc vì thế diễn ra đầy thuận lợi, trôi chảy, chú vui vẻ hãnh tiến khi được lòng cấp trên, yêu mến của kẻ dưới.

   Cái tài, nói như vậy, vẫn không đủ che lấp được khiếm khuyết ngoại dạng của mình. Đến tuổi trên 30, hiếm có một cô gái nào, ngoài công việc đòi hỏi phải giao tế, nói chuyện thăm hỏi dài lâu với chú, nhãn quan khách sáo của họ chỉ dừng trên khuôn mặt điển trai, rồi sau đó lảng tránh rút lui êm, bỏ lại chú Út não nề thất vọng với thái độ lạnh nhạt hay cái lắc đầu cho sự thương hại, tội nghiêp.
    Biết mình, biết phận, chú Út Nhỏ không dám ngẩng cao, nhìn thấp, chỉ lùi lũi vùi đầu vào công việc, hết dám tư tưởng đến việc chung thân đại cuộc. Có ai nói đến việc đó, chú lại cười cười lánh xa, xem như câu nói đưa đẩy ấy không ăn nhập đến mình chỉ là đầu môi chót lưỡi của người rảnh việc bàn chuyện thiên hạ cho vui.
    Bà nội thưong con, ước mong chú bình yên gia thất như người ta… nhưng coi bộ khó khăn lắm! Thôi cũng đành xuôi thuận theo số Trời, buông cho định mệnh may rủi an bài vậy!

   Nói về chú Năm, sau khi lấy vợ ra riêng, căn phòng khá lớn từng được chú ở, bây giờ được dọn dẹp để cho chú Út Nhỏ dọn sang cho có chỗ rộng rãi, đủ không gian khoáng đạt mà dễ dàng bầy biện sách vở tham khảo cần thiết cho công việc, còn căn phòng ngủ cũ bé xíu của chú Út thì đưọc dùng làm phòng dự bị cho khách xa đến chơi nhỡ đêm muốn nghỉ lại.
    Bà Nội tin phong thủy, bà nói, căn phòng chú Năm có khí vượng tốt lắm bằng chứng là chú Năm học hành thật giỏi giang, đậu cao, chức lớn, hơn nữa lại lấy được vợ đẹp, tài giỏi… thì biết đâu những điều may mắn sẽ vận vào người chú Út Nhỏ khi được ở vào phòng đó.
    Tôi chỉ biết vâng dạ, và vun vào những điều tốt đẹp thật tâm ưóc của tôi khi nghe bà hỉ hả với một vẻ hết sức lạc quan tin tưởng ấy.
  - Rồi con xem, chú Út Nhỏ nhà mình sẽ sớm gặp ý trung nhân thật mau!

   Thời gian lặng lẽ trôi qua, tuổi đời chú Út càng tăng dần lên, thì nỗi mong mỏi, hy vọng chú sớm lấy vợ của Nội tôi càng mơ hồ xa tầm tay với. Cả hai ông bà Nội tôi sợ sức khoẻ mỗi lúc một kém, thân xác hư hao, chờ đợi duyên con chẳng biết được bao lâu?

   Đố ai đoán chú nghĩ gì nếu chỉ nhìn dáng vẻ lơ là, hờ hững của chú Út khi đề cập đến chuyện tình cảm.
    Người ta có biết đâu khối tâm sự u uất cứ chất kín, dồn sâu đè nén tận đáy lòng ấy cũng như mạch nước ngầm chứa đựng những tình cảm tràn đầy lai láng thiết tha vô cùng. Tôi hiểu được do có lần, chợt lời khơi động nào đó của tôi, chú động tâm thổ lộ ra hết một ngày dưói ánh trăng đêm, thế giới riêng của 2 chú cháu tôi. Có thể nói tôi là đứa cháu gái gần chú nhất (chú cháu chỉ đúng cách nhau một con giáp), hiểu thấu nỗi cô đơn, cảm nhận được tâm tư vơi đầy của chú. Thương cho vỏ bọc bề ngoài cố ra vẻ cứng cỏi thực chất bên trong vẫn chỉ là một trái tim mềm yếu, nhạy cảm dễ tan, dễ vỡ. Vâng! Con người trần tục mà! Ai mà không có những tâm tư thầm kín… thế nên chú của tôi, dẫu tật thể xác, nhưng hồn lành lặn vẫn nhạy cảm như những người khác đã từng, gởi mộng theo gió, ru lòng theo mây gởi mơ trong những giấc mộng bình thường.
    Mỗi khi chú buồn bã cô đơn quá, tôi cũng đành im bặt, lo lời tiếng của mình chưa đúng thời phải lúc, sẽ bất chợt đánh động, làm òa vỡ tan tành hết cả mọi ngôn từ xoa dịu. Tôi chỉ biết thành tâm cầu khẩn mong cho chú Út quên đi thực tế phũ phàng, dẫu thoáng chốc, để hồn yên tâm lắng và ước hoài sao ánh trăng hằng đêm soi rọi vào giấc mơ huyền diệu, một kỳ tích biến câu chuyện thần thoại đáng yêu “Ngưòi đẹp và dị thú”, mà chú hay kể tôi nghe thuở nhỏ, thành câu chuyện thực tế trên người chú Út thương mến của tôi! Vâng, tôi cứ đều đặn lập đi lập lại câu nguyện như thế mỗi đêm, hy vọng ngày mầu nhiệm ấy, dù không biết đến bao giờ, nhưng tâm thành hẳn sẽ thành sự thật, cho bà Nội tôi được mãn nguyện và chú Út tôi được hưởng hạnh phúc như mọi người!

   Không biết có phải lời cầu xin ao uớc của gia đình chúng tôi dành cho chú Út Nhỏ mỗi ngày được ơn Trên cho thỏa hay là do vượng khí của căn phòng chú Năm để lại, mà một ngày chú Út vui vẻ, hạnh phúc rạng ngời báo cho ông bà Nội tôi biết là chú đã gặp người trong mộng, một cô gái nề nếp, học thức, và khẩn thiết yêu cầu ông bà tôi nhờ mốí mai ngay cho việc cưới hỏi.

   Chẳng thể kể xiết nỗi vui mừng lớn lao của cả gia đình, họ hàng nhà tôi. Các bác, các cô chú hội họp lại bàn tán ồn ào. Ông bà tôi thoạt đầu sững người không tin vào đôi tai mình nghe là sự thật. Sao trên đời lại có một cô gái giỏi giang, đáng yêu đến thế mà nhẫn chịu lấy một người con trai khuyết tật?
    Nhưng rồi nỗi ưu tư lo lắng khác trỗi lên là không biết gia đình cô gái nghĩ gì và có chấp thuận mối tình này khi biết rõ nhân dạng chú Út tôi? Vì theo như chú Út tôi thưa với bà rằng chú chưa hề diện kiến bên nhà gái bao giờ, hẹn hò giữa chú và thím “ tương lai” vốn diễn ra rất âm thầm và bí mật, có nghĩa là sự gặp gỡ chỉ là hoàn toàn lén lút và giấu giếm. Thôi thì lỡ phóng lao thì phải theo lao, bà nội tôi đành bàn với các bậc trưởng thượng cũng như cô chú vai vế thấp hơn, kế hoạch nào đi hỏi vợ cho chú Út được chu toàn nhất, rồi sau đó tùy theo tình hình mà ứng phó.

   Chú Út tôi cũng lo đêm lo ngày không kém, chú sợ một tí xíu nào sơ xẩy thì sẽ hỏng đi hỷ sự ngàn năm một thuở này. Hết thẩy chúng tôi chỉ chờ may mắn như một phép lạ xảy đến vì bà nội tôi hay nói, mỗi người có số phận đã sắp định, lo hay không cũng vậy, chạy trời cũng không khỏi nắng mà!

   Để làm an lòng chú Út, Thím tương lai của tôi cũng vận dụng hết sức mình, tính toán, an bầy khéo léo để cho “vở kịch” định sẵn đưọc hoàn thiện như có thể, nhất thiết là làm sao không cần hiện diện chú rể ở buổi ra mắt ngày dạm hỏi. Một chuyện khó tin nhưng có thực, gia đình bên thím lúc nào cũng nghĩ rằng chú Út do bận rộn công tác xa xôi khó xin về phép, nên việc khẩn khoản với gia đình giản dị cho ngày cưới hỏi làm thành một lễ, dễ thông qua. Thím còn ráng nại thêm cái cớ hai ông bà nội tôi già yếu lắm, chỉ xin đơn cử hai vợ chồng chú Năm tôi (người có tài và địa vị xã hội cao nhất họ) làm đại diện đàng trai, gặp mặt với các bác bên thím tôi như một người có thẩm quyền chính thức tiếng nói bên đàng gái, bàn chuyện hôn sự, cho giản tiện. Cuộc đi sứ hỏi vợ thêm vào sức thuyết phục “cao tay” của chú Năm nữa, cuối cùng cũng được vui vẻ, suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió.

   Bà Nội tôi trân trọng làm vừa lòng đàng gái lắm khi phô bầy những khay trầu xanh lá mượt mà, những buồng cau vừa tới tròn trịa tươi tốt. Thật thích mắt khi ngắm những mâm trái cây quý hiếm vun cao thành ngọn đậm đà hương sắc. Lấp lánh xanh đỏ giấy bóng kính từ muôn hộp trà thơm gói khéo, bánh mứt phủ ngọt vuông đều tăm tắp. Nhất nhất hảo hạng trưng cầu là những chai rượu quý sâm nhung lâu đời thuộc hàng cực phẩm. Đặc biệt sính lễ, chẳng những gấm vóc lụa là óng ả dành cho cô dâu và phù dâu may mặc đủ đầy, món quà đắc ý là hộp nữ trang rất sang trọng quý báu, tôi chưa được nhìn thấy, nghe nói là một bộ trang sức gồm kiềng bẩy vòng cẩn ngọc trai, đôi bông tai nạm ngọc, lắc đeo bằng vàng ròng chạm trổ rồng phượng bằng tay tinh xảo, và cuối cùng là đôi nhẫn vàng trắng cẩn kim cương tôn quý. Tôi ngầm hiểu được tâm ý của bà Nội, không phải là mua chuộc ai, nhưng bà muốn phần nào tỏ thực lòng hết sức thương quý “cám ơn” cô dâu “chịu” thiệt thòi để về nâng khăn sửa túi cho chú Út, người “xấu xí” dưới con mắt của thế nhân, gạt mọi câu nệ, không so đo chấp nhất gì về sự thập toàn, vẹn mỹ.

   Chú Út tôi thời gian này quả là đang sống trong một thế giới hạnh phúc vô bờ. Cứ nhìn vào đôi mắt ngời lấp lánh tin yêu, nụ cưòi hết sức yêu đời rạng rỡ, khí chất mạnh mẽ đủ đầy, khiến cho mọi người chung quanh thêm phấn chấn, vui vẻ.
    Không khí tân hôn gần kề càng lúc càng rộn rã bao nhiêu thì lắm hồi hộp bấy nhiêu, vì hai bên họ đàng trai, nhất là họ đàng gái, có ai biết được rõ mặt mũi đối phương cô dâu hay ngược lại chú rể như thế nào?

   Lễ đón dâu sẽ tổ chức chính là tại nhà Ông Bà Nội, số người mời dự chỉ hạn chế trong vòng thân thuộc, vừa vặn cho không gian ấm cúng của hai họ trong khuôn sân nhà. Bữa tiệc ngoài trời này được trang trí mỹ thuật bởi các người trẻ tuổi, sao cho phù hợp với nét thơ mộng tự nhiên của hàng cây cao bóng mát phía trên và rực rỡ xinh tươi với đủ ngàn hoa khoe sắc bên dưới.

   Sáng sớm, bà con bên nội tôi đã tề tựu đầy đủ. Một số nam thanh nữ tú là những anh em họ xa gần, được chỉ định đứng sắp thành một hàng dài dàn chào nơi cổng. Các em bé trai gái, quần áo tươm tất chỉnh tề, hớn hở cầm sẵn những rổ bông giấy chuẩn bị cho đám rước thêm phần tưng bưng nhộn nhịp.

   Đến giờ mọi người đều có mặt đầy đủ. Cả hai họ đều nóng ruột, tất cả nôn nả muốn mau chóng được nhìn tận mặt tân lang và tân giai nhân.
    Tôi thoáng bắt gặp dáng bồn chồn của chú Út phớt ngang qua nhà dưới, hẳn là chú đang trông mong hơn ai hết, chờ đợi cuộc đón dâu, chắc là độc nhất vô nhị trên đời. Đúng vậy, chuyến xe hoa lạ lùng nhất… rước duy nhất cô dâu về nhà chồng mà không có… chú rể bên cạnh!

   Khi trên không trung rực rỡ muôn ngàn bông giấy li ti đủ mầu sặc sỡ được tung lên, tiếng huyên náo mọi người dừng hẳn lại để dõi mắt hướng về phía cổng chực chờ giây phút quan trọng. Tim tôi bấn loạn, nhịp đập lo lắng dồn dập gõ liên hồi khi chú rể và cô dâu khoác tay nhau vừa xuất hiện cổng chào Tân Hôn bằng khuôn tre kết hoa.

   Tôi chưa kịp thở phào nhẹ nhõm để đọc hết nét mặt lộ vẻ hân hoan của gia đình họ hàng chúng tôi thế nào khi tận mặt chứng kiến cô dâu xinh đẹp, ôn nhu, bước từng bước khoan thai trên lối sỏi dẫn vào, thì đã giật mình vì tiếng “ối” bật lên rất to phủ trùm, đánh tan cả bầu không khí đáng lẽ trang nghiêm như một sự kinh ngạc đến ngỡ ngàng, rúng động đến bất ngờ phát ra từ nơi đàng gái khi chú Út hiện hữu.
    Chao ôi! người ta không thất vọng sững sờ sao được! Một cặp đôi khập khiễng không tưởng, nàng tiên thanh cao dịu dàng thế kia mà nỡ nào có thể để sánh bước chung vai với một tên tật nguyền thiếu ni tấc! Mỗi lúc, mỗi tiếng nức nở thôi thúc dội vang, phút chốc quanh khắp vỡ oà thành những lời trách oán, bi lụy cả không gian vốn vừa mới ấm cúng!

 - Sao lạ vậy??? Hỡi trời ơi!!!

 - Tôi nghiệp cô dâu xinh đẹp, nghiệt ngã làm sao!!!

   Tôi hết nhìn bà nội tôi run rẩy cả người vì khoảng khắc chênh vênh giữa vui và khổ, rồi quay sang chú Út, tái cả người vì quá hụt hẫng, niềm tin sụp đổ. Chú Út tôi hẳn ngậm cay nuốt đắng với trái tim tan nát, tím hồn, lộ thò ra sắc mặt căng cứng xám nghoét, đôi chân tựa hồ dính chặt tại chỗ, thân hình bất động, trân mình đón hết mọi lời xúc xiểm, chì chiết, khinh chê.
    Các cô chú khác của tôi chẳng biết nói gì hơn là cúi đầu với vẻ cam chịu như một sự tạ lỗi muộn màng, hẳn là cái lỗi do nỗi bất hạnh trên thân thể chú Út tôi đây!!! Tôi không biết “tội” cho bên nào, chú Út xấu số tật nguyền hay thương cho bên nhà Thím tôi “lỡ” dại khờ nghe theo sự khuất dụ, thuyết phục quá khéo léo lúc dạm hỏi để có một ngày như hôm nay. Dường như tất cả mọi ngưòi cùng hứng chịu nỗi đau chung của giận dữ trút xuống, ngàn lời chỉ trích tàn nhẫn đổ dồn trên sự trách cứ lừa lọc… dối trá…

   Đám cưới phút chốc trở thành y như đám ma. Bà nội tôi nấc lên từng chập. Nước mắt của bà chẳng bớt đi cơn nộ khí xung thiên của mọi người. Sóng gió bão giông liên tục bủa vây không dứt. Nước mắt tôi tuôn như mưa, tay tôi bám chặt vào thành lưng bà nội nửa như trấn an, nửa như tự cố dằn cơn xúc động, nhưng vô dụng thôi, những hành động an ủi vô bổ bây giờ quả thật chẳng cứu vãn được tình thế, chỉ khiến thêm nỗi thưong tâm thả đầy nhức nhối xuống gò má nhăn nheo, phủi sạch mầu phấn son diện đẹp, mà bà tôi trước đó mong mãi một ngày vui trọn vẹn. Giọt cay, giọt đắng ấn chìm mãi vào nguồn tê dại thổn thức !!!

   Thím tôi cũng đau khổ không kém giữa cơn thê lương, tam bành giày xéo, thím bị đẩy dồn vào chốn đường cùng nên hình hài thảm não, tơi bời đến rũ rượi, nhòa nhạt cả thịt da. Gương mặt đẹp thiên thần phút chốc hoá trắng bệch nhợt nhạt. Nhưng tôi cảm động lắm! khi chợt nhìn thấy cánh tay áo voan trắng mềm mại của thím vẫn dũng cảm phủ êm trên bàn tay thiếu ngón của chú Út, hơn hẳn một lời an ủi, vượt hơn một câu vỗ về, rõ ràng đẩy lùi mọi cay độc, chắn gió che mưa đang tam bành xé nát lòng người . Thật là thảm kịch đời đang diễn, tôi không biết cầu xin hay oán trách đây, con tạo nỡ gây ra cảnh đọa đầy trớ trêu thế này ư!!!

   Hình ảnh thật thương tâm khi Chú Út và thím Út cùng cúi dập đầu trước song thân như một sự tạ tội, cầu xin tha thứ trước sự việc đã rồi, không làm thay đổi quyết định, đánh tan mọi định kiến, hay suy giảm sự giận dữ, dường như mọi người bên gia đình thím phải phản đối đến kỳ cùng mới thôi.
Không khí ngột ngạt, gay cấn chẳng còn cách gỡ nào khác, thì lạ chưa! phải là một kỳ tích hay là sự mầu nhiệm của chiếc đũa thần của bà tiên mới hóa phép cho thay đổi toàn cục diện.
Thím Út, cuối cùng, gạt nước mắt ràn rụa, ngẩng mặt mạnh dạn cầm tay chú Út đi bằng gối tiến sát hai ông bà. Đôi môi thương cảm run run nhưng rành rọt câu chuyện tưởng chừng như huyền thoại đến bất ngờ.
  - Con cúi lạy Ba Má! đến nước này con đành nói ra điều mà bấy lâu chúng con vốn cố tình giấu … trưóc đây, sợ nói ra ba má cũng không bằng lòng , cho rằng sự kiện này không thể xem như cho một hành động ơn đền nghĩa trả… nhưng thực là chúng con thực tâm yêu nhau… Anh Út đây chính là ân nhân, người hiến thận vô danh đã cứu ba trong một ca phẫu thuật thay thận cách đây vài năm…

   Sự việc bất thần nhưng tự nhiên đưa định cuộc ngỡ mãi oái oăm trở thành dịu hẳn lại như một nút thắt được tháo gỡ, như con sông đang tức nưóc được khơi nhánh thoát giải.
    Quả là duyên tiền định, mối hảo duyên tốt đẹp đã được ơn trên dành cho chú Út tôi như một món qùa trả ơn lòng từ tâm và tình nhân bản. Cả ngay chính bà nội tôi cũng không thể biết được đứa con trai èo uột thể chất, dị tật bẩm sinh, thân thể không toàn vẹn ấy lại có trái tim vĩ đại đến như vậy.
Trong một lần làm thiện nguyên ở một nhà thương, cảm thông trường hợp thuơng tâm một người bị suy thận trầm trọng, chờ đến phút cuối không còn cách nào cứu sống được, chú tôi (thuộc nhóm người có thể cho thận đến bất kỳ ai) đã vui lòng vô điều kiện hiến một trái thận mà không chút đắn đo suy nghĩ.
    Chú tôi đâu ngờ được món quà mình trao ra, không hề nghĩ nhận lại, khiến người con gái của bệnh nhân động lòng và nguyện tâm nghĩa trả ơn đền mối thâm tình.
Những buổi thiện nguyện, thím tôi với tư cách là một nữ y tá đi cùng đoàn với chú tôi, bí mật gây thân cận để mong tìm hiểu vị đại ân nhân, rồi từ cảm phục tính tình đến mến mộ khí khái , tình yêu nẩy nở tự nhiên không bao lâu…

   Người ta nói trong họa có phúc quả là không sai! Ngờ đâu máu huyết, cơ phận của chú tôi dâng hiến, gởi tặng cho tha nhân, đã là sợi dây vô hình ràng buộc, kết nối những người dưng chẳng ruột rà, máu mủ trở thành những con người có duyên phận với nhau. Muôn khó khăn trùng điệp vì đó mà mở ra mối cảm thông hết sức diệu kỳ.
    Càng cay đắng lắm, càng oan trái nhiều… đúng lắm! Thôi thì thương con , mở lòng yêu rể, nhất là rể có tấm lòng độ lượng. Câu chín bỏ làm mười, giận hờn thả xuống, chấp nhất buông rơi, là đây. Chú tôi tưởng là mất vợ trong gang tấc hoá ra… được trọn vẹn mơ ước.

   Hóa giải trắc trở thoáng nhanh tựa như một cơn chớp mắt! qua rồi mọi thử thách, chông gai. Giờ thì bão yên, sóng lặng, gió tan, bầu trời quang đãng sáng sủa trở lại. Luồng Nắng ấm áp từ đâu vừa kịp chở đến trong không gian những giải lụa vàng mềm mại óng ả, ngọt ngào cho niềm vui khởi xướng. Tưng bừng giữa tiếng tiếng vỗ tay đồng cảm cổ vũ vang dội của hai bên họ hàng thân bằng quyến thưộc sau giây phút xúc động, là tiếng hò hét của đám con nít rộn ràng như pháo nổ tung cả khuôn sân, góc phố.

   Chẳng cần phải nói, chú thím Út tôi, giờ sung sướng biết ngần nào, họ đang chơi vơi say sưa trong men nồng hạnh phúc tuyệt đỉnh. Ôi! tình yêu trao ra và nhận lại thật là huyền diệu đến không tưởng!
    Mắt trao mắt, tay đan tay, tha thiết ắp tim, thím tôi nhẹ nhàng khẽ cúi đầu sát mặt chú Út tôi, vòng tay ấm áp quàng quanh cổ cho môi kề môi dịu dàng nụ hôn âu yếm . Thật đẹp thay cho một bức hình cưới trọn vẹn, thước phim ngày vui đầy đủ ý nghĩa nhất!

   Trong thế giới riêng của hai người, đủ khoảng cách gần đôi uyên ương, long lanh khóe mắt, bổng trầm nhẹ nhàng hơi thở, tôi nghe chú Út tôi lời thầm thì rất khẽ như một cung nhạc nguyện cầu tựa hệt mong ước ngày nào trong đêm trăng sáng, nay đã được như ý. -Tạ ơn Trời, ơn Đời…Tạ ơn Em, người anh yêu quý, cũng là tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của anh!

   Lời người viết:
    Chú Thím Út của tôi sống rất hạnh phúc trong vòng mười năm. Nhưng sau đó,vì sức khoẻ yếu kém, chú tôi đã ra đi vĩnh viễn, để lại biết bao sự thương tiếc của thím và 2 đứa con, một trai và một gái .
    Hiện nay, thím tôi đã sống hưu vui vẻ bên cạnh người con trai đang là một bác sĩ về Tâm lý ở San Diego và thanh thản du lịch qua lại với cô con gái, một dược sĩ, đang hành nghề ở Ohio.

Hồng Thúy