"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

 

Thân Nhân

(Chuyện lan man với một người bạn)

“ Tôi đang chạy lui chạy tới từ nhà bếp lên phòng ăn xem mấy bàn tiệc còn thiếu gì không thì từ một nơi nào đó rất mông lung mẹ chồng tôi xuất hiện. Với giọng Huế nhỏ nhẹ bà cụ cật vấn tôi:
- Hồi tháng trước, mi làm 100 ngày cho mẹ mi lớn rứa mà răng chừ làm giỗ cho chồng mi lại sơ sài rứa?
Chẳng nhớ được tại sao tôi không thấy rõ mình, nhưng biết mình đang cố giữ lể phép và bình tĩnh trả lời bà:
-Thưa má! Cũng vì con mệt quá rồi nên khó làm khác hơn được.

Mẹ chồng tôi háy nguýt tôi một cái rồi bảo:
-Làm cho mẹ thì không mệt mà làm cho chồng thì than mệt hả? Khi làm 100 ngày cho mẹ mi, mi đã đặt nào là heo quay, gà nướng, vịt hấp, xôi chè đủ cả, cả trăm người ăn không hết, rứa mà làm giỗ cho chồng thì mi chỉ nấu một nồi bún riêu, một mâm bột lọc, một dĩa xôi vò, một giò chả gói, một thồi bánh bèo thôi. Mẹ mi mới biết ăn còn chồng mi không biết chắc? Mi cúng chi mà ngẵng rứa, những món hắn thích ăn mi cúng cho mẹ mi, còn những món mẹ mi thích ăn thì lại cúng cho hắn là nghĩa lý chi?
Thôi chết rồi! Sao tôi lại không nghĩ đến điều này nhỉ? Trật lất hết trơn thật! Mặc dù mẹ chồng tôi người Huế nhưng chồng tôi lại là người Bắc và sinh thời ông rất thích ăn những món mà tôi đã cúng cho mẹ tôi và ngược lại, mẹ tôi là người Huế nên ưa chuộng những món mà tôi đã cúng cho chồng tôi thật. Hối hận thì cũng đã muộn rồi!
Tôi cố chống chế:
-Thưa má! Còn nhớ lần giỗ đầu của chồng con không má? Con đã tổ chức lình đình thịnh soạn quá trời, gấp 10 lần làm 100 ngày cho mẹ con nữa. Nếu năm nào cũng phải làm to như thế cho mọi người thì con không đủ sức má ơi!
Có lẻ câu này làm bà cụ nhớ lại hoặc vì nghe giọng tôi có vẻ như muốn khóc khi nói lên câu cuối nên bà cụ thở dài:
-Thôi. Nói mấy thì chừ mi cũng chẳng cần nhớ đến hắn chi nữa! Mi còn ở rứa chớ chưa tái giá thì cũng còn tốt với hắn lắm rồi. (Tôi rất mừng khi bà chẳng nói gì đến việc tôi đã có một người yêu sau 3 năm thủ tiết với con trai bà!)
Chưa kịp mừng vì được mẹ chồng buông tha thì nào chị nào anh nào em đã ùa lại vây quanh tôi nỉ non. Chị tôi (đã mất vì ung thư tử cung, để lại chồng và một bầy con 9 đứa), vẫn hàm hồ như bao giờ đang lên giọng nửa Huế nửa Sài Gòn đay nghiến tôi:
-Mầy thật là tệ! Khi tao bệnh mầy chẳng thuốc thang chẳng thăm hỏi. Tao mất đi mầy chẳng giúp gì cho chồng con tao. Mầy quá ích kỷ, chỉ biết lo cho chồng con mầy, chẳng biết nghĩ đến ai!
Nhìn thấy hình dáng mông lung, dù không rõ nét nhưng tôi vẫn biết là chị, tôi nghẹn ngào:
-Chị ơi! Em rất áy náy không giúp đỡ gia đình chị được nhiều hơn. Chị cũng biết đó; gia đình mình đông anh chị em, ngoài anh chị em ra em còn phải lo cho mẹ mình nữa. Khi chị bệnh là lúc em chỉ mới chân ướt chân ráo trên đất Mỹ, liên lạc đã khó mà tài chánh cũng còn rất eo hẹp. Em đã nhịn ăn hàng, nhịn mua sắm, nhịn son phấn để có tiền gửi về giúp đỡ gia đình đó mà.
Ân hận vẫn có ân hận nhưng tôi không bao giờ quên được tính bốc đồng của bà chị này. Hể chị có 1000, chị tiêu cho hết 1000 rồi sau đó ra sao thì ra. Chị ăn diện, mua đồ, nấu ăn, chị biếu xén từ đầu làng tới cuối ngõ không chừa ai cho đến khi sạch tiền trắng tay. Chị lại ưa bài bạc nên khi sinh thời đã về nhà lấy biết bao nhiêu tiền bố mẹ nướng hết vào mấy sòng bạc lớn. Hư ơi là hư! Tôi vẫn thầm bất mãn, nghĩ rằng chính vì chị mà gia đình tôi từ sung túc trở thành thiếu thốn trong những năm trước 75 và cả những ngày tháng sau đó. Chẳng những thế, tôi còn oán hận chị vì chính bởi chị không chịu lên tàu thủy để vượt biển, rồi cản trở không cho tôi lên máy bay của bạn không quân lái máy bay trong biến cố 75 mà cả đại gia đình sau đó phải kẹt lại và khổ dài dài. Nhưng vì tính tôi không ưa đôi co nên không nhắc lại với chị những chuyện xấu này. Trong lúc chị đang la hét cái gì đó tôi nghe không rõ thì anh trai tôi ở đâu đó nói xen vào:
-Chị vừa vừa thôi chứ; chị nên trách mình và chồng chị thì hơn. Hai vợ chồng chẳng lo làm ăn gì lại đẻ con năm một, rồi chị bỏ đi mất bắt cả gia đình bây giờ phải gánh vác. Con Lan nó cũng đâu có giàu có gì mà đòi hỏi nó cho nhiều? Nhưng cái con này cũng tệ thật; từ khi còn ở Việt Nam cho đến khi qua Mỹ, nó chẳng hề thăm viếng cũng chẳng thư từ gì cho em cả. Mỗi lần về thăm thì cứ ở mãi ngoài Huế đợi mình đến thăm nó không thôi. Làm như nó là bà quan gì vậy không bằng!
Chưa kịp mừng vì được người bênh vực tôi bỗng lại ngớ ra vì bị anh trách móc. Lâu nay tôi đã về Việt Nam đến 3 lần nhưng lần nào cũng bị kẹt ở Huế vì mẹ tôi đã già yếu bệnh hoạn cần có tôi ở bên mình. Tôi luôn muốn đi vào Nam đến thăm từng anh chị tận nhà nhưng chưa bao giờ đi được. Ðiều này vẫn luôn làm tôi áy náy trong lòng. Nay bị anh trách cũng phải nên tôi làm thinh nghe. Nhưng còn chuyện không thư từ thì phải giải thích cho anh hiểu mới được…Chợt tôi hoảng hồn vì Hồng, em gái tôi đang cầm con nai bằng sắt có hai cái sừng với nhiều sừng nhỏ thật nhọn chỉa ngay trên trán tôi.
-Chị nhớ con nai này không? Chính chị đã thả nó lên trán em làm trán em bị lủng mấy lỗ chảy máu dầm dề bây giờ vẫn còn sẹo đó. Ðể em thả lại trên trán chị xem có đau hay không nghe!
Tôi xua tay lia lịa, giải thích với Hồng:
-Lúc đó chị chỉ định dọa em cho vui thôi, ai dè lỡ tay làm rơi xuống trán em. Chị thực không cố ý làm em đau đâu. Thề là chị nói thật đó.
-Thật hay giả thì em cũng bị chị làm đau rồi. Bây giờ đến phiên chị nên thử cho biết cảm giác thế nào khi con nai sắt nặng với mấy cái sừng nhọn như thế này rơi từ trên cao xuống đâm vào trán chị.
Tôi bỗng thấy mình trở thành đứa con gái nhỏ đang vừa chạy đi vừa la:
-Ba ơi ba! Con Hồng nó ăn hiếp con nè ba! Vừa chạy đi tôi vừa có cảm giác sợ hãi như những lúc mỗi lần tôi bị anh chị em hiếp đáp. Tôi rất khờ khạo, ngốc ngếch, ai nói gì cũng tin, ai dọa cũng sợ, sợ ngay cả các em của mình nữa. Tôi nhớ lại vì sao từ tên Ngọc Lan tôi chỉ còn tên Lan. Ai trong nhà cũng gọi tôi là Ngốc Lan, tên này đến tai các bạn học làm tôi mắc cỡ nên tôi đã khóc lóc năn nĩ ba tôi bỏ tên lót đi để chỉ còn tên Lan, Trần thị Lan để không ai còn chọc ghẹo tôi được nữa. (Nhưng tôi vẫn bị gọi Ngốc Lan cho đến rất nhiều năm sau đó. Than ôi!)
Chẳng thấy ba xuất hiện mà tôi chỉ thấy 3 đứa con tôi đang đứa nằm đứa ngồi trên một cái giường, giống như cái chỏng tre trong cái chuồng gà của cái nhà mà chúng tôi bắt buộc phải trọ trong một chuyến vượt biên (đâu chừng hơn 20 năm trước), đứa nào cũng còn nhỏ, đứa đang đòi ăn đòi uống, đứa đang than nóng nảy chật chội. Xót dạ vì con, tôi thành người lớn trở lại và ở trong tư thế sẵn sàng đối phó với bất cứ chuyện gì có thể gây nguy hiểm cho các con tôi. Nhưng lúc này chẳng còn thấy Hồng đâu cả. Trước mặt tôi lại là chồng tôi với chiếc áo sơ mi nền xanh sọc trắng vàng đỏ trông rất bắt mắt và chiếc quần đùi màu cà phê sữa trên người, rõ ràng đang say rượu và đang nằm trên một tấm phản gỗ lè nhè. Một người đàn bà mặc bộ đồ ngủ bằng lụa màu ngà trông giản dị nhưng quý phái đang ngồi trên một chiếc ghế cạnh đó nhìn anh ấy với vẻ lo âu. Hai người như là vợ chồng với nhau còn tôi, chỉ như một kẻ bàng quan ngẩu nhiên có mặt. Với sắc mặt vẫn còn đỏ gay và cặp mắt lờ đờ, tay thì cầm một tờ giấy hình như là hóa đơn, anh ấy bảo người đàn bà ấy:
-Bà tưởng tôi say ruợu hay sao? Tưởng là tôi khôngbiết tính toán hay sao? 2 với 2 là 10, 5 với 5 là 25.
Tôi bật cười nhưng hình như họ không nghe. Người đàn bà kia bảo:
-Ông xem lại bản cửu chương trong tay ông đi! Vậy mà bảo là không say à.
Lạ một điều là tôi chẳng hề thấy ghen khi thấy anh ấy đang là vợ chồng với một người đàn bà khác và cũng chẳng thắc mắc gì, chẳng hạn như anh ấy đã lấy bà kia từ hồi nào, trước khi mất hay sau khi mất. Anh ấy (lúc này là chồng bà ấy mới đúng) nở một nụ cười thật tươi làm hai má lõm thành hai đồng tiền thật lớn thật sâu trông rất hấp dẫn, thốt:
-Chỉ có bà là con nít mới đọc cửu chương chứ ai mà đọc? Thôi đi! Vợ ơi là vợ!
Ðúng lúc đó thì Lý, em gái kế của tôi lon ton chạy vào hỏi tôi:
-Chị có biết “ấp trứng voi” là gì không chị Lan?
Cô em này nguyên là đứa con gái rất liếng láu, chuyên nói lái và chơi chữ, nhiều khi ăn nói rất tục mà chẳng ai hiểu gì cả, phải suy nghĩ rất lâu mới hiểu ra. Cô ta từng kể chuyện “Nhờ người đái giùm.” Chuyện kể một đêm kia khi tối lữa tắt đèn có một khách Chệt tìm tới phòng mò cô con gái 15, 16 tuổi của chủ nhà. Khi cô ta hô hoán, ông ta bèn bụm miệng cô ta lại và bảo nhỏ cô “Ngộ mắc lái quá mà sợ ma không dám đi ra ngoài. Nị cho Ngộ gửi chút xíu, nhờ nị li lái giùm ngộ với.” Tôi đã từng bị các bạn hàng ở Chợ Cồn Đà Nẵng cười cho khi họ nói lái đùa cợt nhiều lần mà tôi chẳng hiểu gì cả. (Sau 75 vì bị kẹt lại ở Đà Nẵng tôi đã phải đi bán Chợ Trời ở ngay Chợ Cồn. Mấy bà bạn hàng bảo tôi: “Cô có muốn xin việc làm không? Ở số … đường Bạch Đằng bạn hàng đổ cau về nhiều lắm, họ cần người lặt cau mà trả tiền công cao lắm đó cô.” Trước 75 tôi chỉ ngồi làm việc trong văn phòng mát mẻ, lâu rồi cứ phải phơi nắng ngoài trời rất khổ, nên khi nghe vậy tôi cũng muốn đi thử. Mấy bà bán hàng ở đó ai cũng tình nguyện trông hàng giùm cho tôi nên tôi đi liền. Ai dè khi đến đúng địa chỉ đó xin việc, khi họ hỏi và được tôi cho hay tôi đến xin việc “lặt cau”, ai cũng bảo không có cau đâu mà lặt.) Buồn tình trở về chợ, thấy bộ mặt tiu nghĩu của tôi mấy bà liền bụm miệng cười. Một bà cười phá lên, bảo: “Cái cô này khờ quá là khờ! Ai đời chỉ có một chữ nói lái của người ta mà cũng không hiểu… Có kinh nghiệm rồi nên bây giờ tôi cố nghĩ mấy chữ này ngược lại, ấp trứng voi thành oi trứng vấp. Nhưng “oi trứng vấp” là gì nhỉ? Tôi đành hỏi Lý:
-Ấp trứng voi” là gì vậy? Oi trứng vấp là cái chi? Cô ta chưa kịp giải nghĩa mấy chữ ấy cho tôi thì bỗng nhiên trước mắt tôi hiện ra một biển nước mênh mông đầy sóng vỗ quanh mình như đang đe dọa nhận chìm mình xuống… Ðang lúc tận cùng hoang mang sợ hãi thì người yêu của tôi từ đâu đó như một cái phao xuất hiện bên cạnh tôi vớt tôi bơi ra khỏi biển nước. Nỗi sợ hãi đã làm tôi thức giấc. Thức giấc rồi dĩ nhiên rất mừng khi thấy đó chỉ là giấc mơ nhưng lại cũng thấy buồn khi không có anh ấy ở bên mình. Anh ấy ở xa, đi làm xa, chỉ thỉnh thoảng về thăm tôi thôi! Dù vậy, dư âm của cảm giác an tâm và êm ả khi có sự hiện diện của anh ấy bên cạnh mình trong cơn mơ cũng làm tôi cảm thấy rất an ủi.
Nhìn đồng hồ thấy mới 2 giờ sáng, hình như khoảng không gian mênh mông của biển trước khi tôi tỉnh giấc vừa rồi vẫn còn để lại ấn tượng nơi tôi, làm tôi tự nhiên cảm thấy chiếc giường tù túng, căn phòng chật hẹp nóng bức nên tôi chạy ra nằm ngoài phòng patio cho thoáng đãng hơn. Trằn trọc một lúc thì tôi lại đi vào giấc ngủ lúc nào không hay… Tôi thấy tôi đang lang thang trong một khu rừng đầy cây cổ thụ, tay đang cầm một cái bóp làm bằng da bò màu vàng đựng đầy tiền, bỗng nhiên gặp cướp. Đang sợ hãi cuống quýt thì bỗng gặp được cứu tinh. Người đó từ đâu không biết nhảy ra thí mạng nằm đè lên cái bóp màu da bò vàng vàng đó rồi lại đuổi được tên cướp đi. Tôi mừng quá vì không bị mất số tiền vốn là vốn liếng còn rất ít ỏi của tôi sau một chuyến đi buôn lỗ lả. Tôi càng vui khi thấy vị cứu tinh chính là người đàn ông mà tôi yêu thương. Ở trong rừng thâm u vắng vẻ, những cây thật cao thật to với những cành lá thật um tùm vẽ ra trăm ngàn hình thù ma quái làm cho quang cảnh càng đáng sợ. Một mình tôi chẳng biết vì lý do gì lại lạc vào đó. Ðang bị nạn, tim đập thình thịch vì sợ hãi, gặp được người yêu ra tay nghĩa hiệp thì quả là may mắn như chết đi sống lại.
Ra khỏi khu rừng, tôi lại thấy tôi lang thang cùng với một người (có lẻ là em gái tôi) trong một vùng giống như công viên. Thấy công viên hoa cỏ xanh tươi chim ca ríu rít chúng tôi bèn lần bước đi vào. Ai dè khi vào bên trong mới thấy bao nhiêu chuyện khó tưởng tượng… Những phòng nhục hình âm u ghê rợn, và ở nơi nửa sáng nửa tối đó tôi nhìn thấy biết bao nhiêu thây người máu thịt bầy nhầy (chắc vì bị khão đả) treo vắt lên dọc theo những vách gỗ, hoặc nằm lê lết khắp nơi trên đất ẩm. Tôi sợ quá muốn hét lên. Tôi muốn chạy trở ngược lại con đường cũ để thoát ra, nhưng những cánh cửa gỗ nâu thấy mong manh mà vững chắc lại đóng quá kỹ không mở ra được. Tôi đành phải theo ngã bên, một khoảng vách do ai đó cố tình để hở, để thoát ra, nhưng khi tôi đã ra khỏi đó thì lại đụng phải một cầu thang bằng bạc cao hun hút không biết cao đến đâu. Chẳng còn đường nào để chạy nên tôi nhảy đại lên cầu thang trong lúc tim đập rộn ràng. Ðược đâu chừng mươi, mười lăm nấc thì đùng một cái, một cô gái cao bồi phóng chiếc xe mô tô máy nỗ ầm ầm chận ngay lối đi. Trong lúc hoảng hốt tiến thối lưỡng nan thì may thay có em gái lý lắc cao bồi của tôi từ đâu đó nhảy ra. Cô ta dùng một cây đòn gánh ngáng vào ngay giữa bánh xe làm cô gái ngã chỏng gọng, giải cứu tôi kịp thời. Cô em gái này ở nhà ăn hiếp tôi một cây nhưng ra ngoài lúc nào cũng theo bảo vệ cho tôi những lúc tôi đi học trước kia khi hai chị em còn bé.
Tôi lại thấy tôi và cháu tôi đang ở trong một gian phòng (hình như là gian phòng nội trú vì có double bed). Chẳng biết anh từ đâu mà đến nhưng tôi chợt thấy anh. Anh bảo cháu tôi rằng mẹ cháu đang đi kiếm cháu bên ngoài. Nghe vậy cháu liền đi kiếm mẹ. Ngay sau khi cháu ra khỏi phòng anh ôm chầm lấy tôi và hôn tôi tới tấp lên môi lên má. Tôi bảo anh xạo thì anh cười. Trong chớp mắt tôi lại thấy anh trong một buổi sinh hoạt nào đó rất đông người. Lần này anh mặc áo dài cổ truyền VN màu xanh bịt khăn đóng giống như chú rể, đang đứng giữa những thân nhân của tôi. Họ đang khen anh đẹp trai dễ mến. Tôi cảm thấy êm ả và thoải mái giữa tiếng đàn êm ái mơ hồ từ đâu đang vọng lại. Chợt tiếng nhạc Dòng Sông Xanh câu kết đoạn đầu đang lên âm cao để chuyển vào điệp khúc vang lớn bên tai làm tôi giựt mình.
Thì ra tôi đã nằm mơ! Và đã thức giấc khi đang rất vui! Hết được thưởng thức cảm giác êm ái đó thật tiếc! Nhưng đó là âm điệu mà tôi đã nghe quen tai trong máy di động của tôi, bắt tôi phải xem ai gọi có chuyện gì. Tưởng là mình đang ở đâu xa phải nhanh chân chạy đi tìm điện thoại, hóa ra là mình đang nằm trên giường, và điện thoại thì nhấc tay một cái là với tới ngay. Con trai tôi một lần đã hỏi tôi thích bản nhạc nào nhất, tôi trả lời là tôi thích bản nhạc đó nhất, trong lòng vẫn thắc mắc sao nó hỏi như vậy. Vào hôm sinh nhật của tôi một ngày sau đó con tôi đã tặng cái máy di động này với tiếng đàn hòa thanh thú vị đó cho tôi. Tỉnh giấc rồi mới biết là mình đã nằm mơ 2 lần suốt đêm luôn đó chị.”
Bà Hà, bạn tôi đã từng thắc mắc hỏi tôi:
-Sao một đêm mà chị mơ được nhiều chuyện đến thế?
Tôi đáp:
- Tôi nào có biết. Có lẽ tại vì mệt quá chăng? Suốt mấy ngày phải lo nghĩ, chuẩn bị cho buổi giỗ của nhà tôi đã làm tôi rất mệt, đêm nào ngủ cũng nằm mê. Tôi đã phải đi mua sắm, lau chùi nhà cửa, chuẩn bị bàn ghế, còn phải nấu ăn đãi mấy chục khách, mệt phờ người chị ạ. Qua mấy hôm căng thẳng chăm lo từng chi tiết cho bữa giỗ làm tôi đêm đó vừa nằm xuống là ngủ mê man. Thế rồi mới có những tao ngộ như vậy đó chị. Nhưng tôi rất vui vì nhờ cơn mê mà tôi đã gặp lại được những thân nhân không may đã mất mà tôi hằng nhớ tưởng như cha mẹ, anh chị em, mẹ chồng, và chồng tôi. Thật quý không biết chừng nào!
Có dịp tôi sẽ kể chị nghe về những giấc mơ khác nhé! Giấc mơ quả đúng là kỳ diệu chị ơi! Nó không cần biết luân lý đạo đức, không phân biệt thời gian không gian, không kỳ thị màu da, tôn giáo, tuổi tác hay sang hèn, mà khi thức tỉnh loài người phải luôn bận tâm cảnh giác.
-Vâng. Cám ơn chị trước nhé chị Lan!
-Hình như khi mình mỏi mệt thì dễ nằm mơ hơn, và những gì mình mơ thường gay cấn hơn. Giâc mơ hình như còn tùy thuộc vào tính chất, tính tình của người nằm mơ nữa đó. Chẳng hạn một đứa con trai thích đánh nhau, ban ngày cứ nghĩ đến chuyện đánh nhau thì ban đêm trong vô thức cũng tay đấm chân đá. Một người tu hành nếu bị ẩn ức tình dục, thì ban đêm sẽ thấy những chuyện dâm ô, thay vì thấy Chúa thấy Phật như mình nghĩ. Những người đoán mộng giỏi có thể căn cứ vào giấc mơ để biết tính chất của người nằm mơ, cũng như những ước mơ thầm kín của họ, luôn cả những điều sẽ xảy ra về sau. Nhưng bản chất giấc mơ là không thực nên không là dễ đoán nguyên nhân và kết quả. Nguyên nhân có thể đoán mò, còn kết quả thì không có gì bảo đảm sẽ chính xác.
Về chuyện mình gặp lại người thân đã mất, sinh hoạt lẩn với người còn sống, thì giải thích có thể như thế nầy. Trong đời mỗi người chúng ta, nhất là những người của một xứ nhỏ chiến tranh triền miên như Việt Nam, ai mà không từng trải qua những mất mát đau thương? Được chứng kiến người thân ra đi cũng đã gây cho ta nhiều ân hận tiếc thương rồi, huống gì những thân nhân đã đột ngột ra đi hoặc mất tích không nhìn được một lần cuối! Những mất mát này nhiều ít đã để lại những vết hằn sâu đậm trong tiềm thức vốn đã mang nặng những ăn năn hối tiếc sâu kín về biết bao nhiêu điều của mọi người. Những thân nhân đã mất đi của tôi hầu hết cũng thỉnh thoảng đã tụ tập lại trong giấc ngủ cùng với những người vẫn còn sống xa gần để khi thì gặp gở sinh hoạt chung, khi thì an ủi, khi lại trách móc đó mà.
Thú thực với chị là mải đến khi đã có chồng con tôi mới tận mắt thấy một người hấp hối lần đầu tiên, đó là ba tôi. Vài chục năm sau, tôi mới chứng kiến cái chết của chồng tôi, và mới đây thì của mẹ tôi, rồi của mẹ chồng tôi.
Có thể nói trong suốt giấc mơ, hình ảnh của anh ấy vẫn ẩn hiện chập chờn đây đó trong phòng, trong vườn, những nơi tôi cảm thấy mình hiện diện, lẫn lộn với người nhà của tôi. Anh ấy là một hình bóng làm tôi cảm thấy yên tâm và ấm áp lạ thường, cho đến khi tỉnh dậy thì cảm giác đó vẫn còn y nguyên.”
-Tôi nghĩ hiện giờ người yêu của chị được chị chú ý đến nhiều nhất đó chị. Anh ấy đang là người chị yêu thương nhất, tôn sùng nhất, tin tưởng nhất đó chị. Các giấc mộng của chị cho thấy những gì ẩn chứa trong tiềm thức của chị, và tiềm thức của chị tiết lộ những gì sâu kín nhất trong tâm trí chị. Tình yêu, niềm tin, ước vọng, những lo nghĩ, buồn phiền bất mãn, những sợ hãi, chán ghét, thù hận…

Tôi đặt đề cho bài này là Thân Nhân vì trong câu chuyện bà Lan bạn tôi kể bà đã gặp toàn thân nhân của bà, kẻ đã chết lẫn người sống. Họ xuất hiện lẫn lộn trong giấc mơ của bà ấy. Tôi nghĩ đối với giấc mơ thời gian và không gian trở thành vô giá trị, cả ranh giới giữa người sống và kẻ chết cũng không còn. Giấc mơ đến từ trong tiềm thức, trong ký ức của con người một cách vô thức. Có thể nói là khi nằm mơ, hình như cái hồn của ta chia làm hai, một nữa dính liền với thể xác, một thể xác chịu ảnh hưởng của ký ức, dĩ vảng và của những chu kỳ sinh học cùng với môi trường nơi ta đang ngủ, nửa kia đi đóng phim do tiềm thức quay phim. Thế nằm chẳng hạn cũng ảnh hưởng đến cơn mơ. Tiềm thức vừa như một cuốn phim vừa như một đạo diễn quay phim theo một quy trình nào đó mà ta chưa biết được. Có điều người đóng phim phải tập dượt nhập vai của nhân vật trong truyện phim, còn người nằm mê thì không. Người nằm mê sống thật trong vai mình đóng. Họ có những phản ứng tâm lý và cảm giác vui buồn sướng khổ rất thật đối với mỗi cảnh ngộ trải qua trong cơn mê và đồng thời có ý thức như một cá nhân riêng biệt (như một người xem phim) đứng riêng. Tôi có kinh nghiệm là hàng ngày khi thức mà tôi bị ám ảnh vì một chuyện gì, hoặc nghĩ tưởng tới người nào nhiều thì đêm về trong giấc ngủ tôi thường mơ thấy những gì liên hệ đến điều ấy hay người ấy dù là với bối cảnh hay cảnh ngộ khác hẳn. Chẳng hạn như trong đêm ấy, giữa những cơn mơ về những thân nhân người kể chuyện thấy có phòng nhục hình ghê rợn xen lẫn vào, chắc hẳn chỉ vì trước đó bà ta đã xem thấy những màn tương tự trong một phim kiếm hiệp hoặc những phim SciFi hoặc những chuyện về TwiLight zone và đã bị ám ảnh nặng nề. Chính tôi cũng đã từng thấy những ác mộng kinh hoàng vì từng xem những hình ảnh ghê rợn về các cuộc tàn sát của Nazis, Đức Quốc Xã, Death Field thời Kmer Đỏ ở Campuchia, Đại Lộ Kinh Hoàng ở Viêt Nam. Thời gian và không gian không có phân biệt được và không có gía trị đối với những cơn mơ.

Cũng không có gì lạ khi một người trong một đêm có thể thấy rất nhiều chuyện như bạn tôi đã mơ thấy, vì theo nghiên cứu khoa học thì một đêm ngủ của một người có giấc ngủ dài trung bình 8 tiếng phải trải qua từ 5 đến 7 chu kỳ, có nghĩa là có thể nằm mơ từ 5 đến 7 lần. Mỗi chu kỳ có đến 5 giai đoạn, chỉ đến giai đoạn cuối khi mà ngủ thật say, mắt nhấp nháy liên hồi thì khi đó mình mới nằm mơ. Dĩ nhiên cũng có người ít khi nằm mơ, và không phải đêm nào mình nằm ngủ cũng phải nằm mơ từng ấy lần. Giấc ngủ rất cần thiết để cho cơ thể được nghỉ ngơi mà nằm mơ cũng cần thiết cho não bộ được giãi tỏa những ứ đọng, nhưng dĩ nhiên những cơn ác mộng sẽ làm cho thần kinh và cơ thể người nằm mơ mệt mỏi thêm, và những người tin về điềm báo mộng cũng sẽ âu lo thêm khi thức tỉnh. Tiềm thức và tâm linh có cách làm việc bí ẩn mà có lẽ tâm linh học, tâm lý học, triết học, hay cả khoa học khó mà giải thích được.

Dĩ nhiên trên đây chỉ là những cảm nghĩ của riêng tôi, một tôi vốn có rất ít kinh nghiệm và kiến thức về lãnh vực tâm linh cũng như khoa học. Tôi chỉ muốn chia xẻ với tất cả mọi người những gì tôi nghe và nghĩ và rất mong nhận được ý kiến của người khác.

Ái Hoa