"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Vũ Thị Song Nhạn

 

...Đồn Khương Thượng nằm phía Tây Nam thành Thăng Long, gần Loa Sơn và làng Nhân Mục. Đại bản doanh của Sầm Nghi Đống đóng ngay trên Loa Sơn, chung quanh Khương Thượng là hai đồn nhỏ, Yên Quyết phía Tây và Nam Đồng phía Bắc. Làng Nhân Mục gồm năm thôn Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang (nay thuộc phường Khương Đình, Hà Nội). Từ khi quân Thanh đến lập đồn ở Khương Thượng, nhân dân làng Nhân Mục đã phải hứng chịu nhiều đau khổ và nhục nhã vì bị bọn lính Thanh vào làng cướp phá, bắt cóc đàn bà phụ nữ về trại hãm hiếp, giết chóc. Người dân trong làng rất thù ghét bọn lính Tàu nhưng vì bất lực nên đành câm nín ôm hận trong lòng.

Sáng mồng hai Tết, Thu Cúc trong lớp nam trang thong thả dạo chơi quanh khu vực Khương Thượng. Khi đến chợ Mọc, nàng thấy có nhiều tốp lính Thanh với nhiều sắc tộc khác nhau lang thang chọc phá dân chúng quanh chợ. Chợt có hai thiếu nữ tuổi chừng mười bảy, mười tám, rất xinh đẹp, lại giống nhau như hai giọt nước, có lẽ là hai chị em song sanh, một cô mặc áo trắng, cô thứ hai mặc áo hồng, cả hai đầu chít khăn tang từ chùa Bộc ra, đi ngang qua chợ. Một tên trong một tốp lính Thanh liền chạy ra dang tay chận hai cô gái lại, giọng lơ lớ của người Hoa trong các xưởng dân miền biên giới:

- Này hai cô em xinh đẹp kia ơi, ba bữa Tết mà sao đi có một mình dậy. Cho anh đi theo với cho vui nhé.

Cô gái áo trắng trừng mắt quát:

- Tránh ra. Ta đến tìm Lâm Tế Hanh đại quan đây. Ngươi vô phép ta sẽ nói đại quan treo cổ ngươi lên đấy.

Tên lính thấy cô gái nói đi tìm Lâm Tri huyện thì hơi sợ, hắn hỏi cô gái thứ hai:

- Còn cô em áo hồng này, em đi tìm đại quan hay là đi tìm qua?

Cô áo hồng cũng trừng mắt nạt lớn:

- Hỗn láo. Sầm Tri phủ hẹn ta đến gặp. Ngươi có muốn chết thì mở miệng nói bậy thêm câu nữa đi.

Mấy tốp lính Thanh khác thấy có chuyện vui nên đã bu lại chung quanh để xem. Thu Cúc cũng len vào bên trong vòng vây. Một tên có vẻ như chỉ huy của một tốp nghe cô gái áo hồng nói Sầm Tri phủ hẹn gặp thì cười lớn nói:

- Con bé An Nam này vừa xinh đẹp vừa nói láo rất tài. Sầm Tri phủ đã sang bến Tây Long bàn việc với Tôn Đại soái thì hẹn với cô em đến gặp sao được hở cô em xinh đẹp kia?

Cả bọn hàng trăm tên nghe nói thì cười ồ cả lên:

- Như vậy thì con bé xinh đẹp kia cũng chẳng phải đến gặp Lâm tri huyện gì ráo. Chúng nói láo anh em ơi. Đè hai con bé này ra xem cái gan nó lớn chừng nào mà dám lộng ngôn như vậy.

Cả bọn cùng rú lên cười như vỡ chợ. Hai tên trong bọn nhào vô giơ tay chụp hai cô gái. Bỗng "bốp" "bốp" hai tiếng vang lên. Hai tên vào trước đã lãnh đủ hai cú tát như trời giáng vào mặt. Thì ra hai cô gái trông nhỏ nhắn nhưng võ nghệ rất cao cường. Hai cú tát nhanh như chớp của cả hai đã khiến bọn lính Thanh hoa cả mắt. Một tên bị trúng đòn thẹn qúa gầm lên:

- A! Hai con nữ kê An Nam này giỏi thật. Dám tát cả ông mày thì tao sẽ lột hết áo quần tụi bay ra…

Hắn chưa nói dứt đã nghe thêm hai tiếng "bốp, bốp" nữa vang lên. Lần này cô chị đã ra tay mạnh hơn khiến tên nọ gãy luôn hai cái răng cửa, máu mồm trào ra, hắn ôm mặt rên lên vì đau đớn. Mấy tên lính Thanh thấy vậy la lên:

- Hai con nữ kê này có võ. Anh em, cùng nhau bắt nó lột trần truồng ra cho nó biết sợ.

Cả bọn nghe vậy liền ồ lên rồi nhào vô tấn công hai cô gái. Hai cô gái biết nguy nên ra tay rất quyết liệt. Chẳng mấy chốc đã có bốn năm tên lính Thanh té lăn ra đất rên la. Nhưng bọn chúng quá đông nên hai cô gái dần dần rơi vào tình trạng quả bất địch chúng, cô áo hồng đã bị trúng một đòn khá nặng vào bụng. Cô áo trắng la lớn:

- Rút lui thôi!

Nói xong, cả hai bèn tung hai cú đá tuyệt đẹp, tay phải rút nhanh hai ngọn trủy thủ dấu trong lớp áo ra tung liền hai sát chiêu. Hai tiếng rú vang lên, hai tên lính Thanh đã ôm bụng nhào lăn ra đất. Hai cô gái định tung mình thoát đi nhưng vòng vây lính Thanh dày đặc nên không tài nào ra khỏi. Bấy giờ bọn lính Thanh cũng đã rút vũ khí tấn công hai cô gái. Vì hai thanh trủy thủ quá ngắn nên việc chiến đấu rất bất tiện, hai cô gái tuy đâm được mấy tên lính Thanh nữa nhưng cả hai cũng đã trúng mấy nhát chém, nơi lưng và tay. Thu Cúc thấy nguy nên rút thanh nhuyễn kiếm quấn quanh mình, tung mình vào giữa vòng vây quét một vòng gạt phăng hết các thanh vũ khí trong tay bọn lính Thanh, miệng hét lớn:

- Dừng tay!

Đã có hàng ba bốn thanh kiếm của bọn lính bị đánh văng khỏi tay, bay ra đập vào đám đông sau cú quét mạnh kinh hồn của Thu Cúc, mấy tên bị đao kiếm bay trúng ôm vết thương rú lên đau đớn. Bọn lính Thanh thất kinh vội dừng tay trố mắt nhìn người thanh niên nhỏ nhắn vừa xuất hiện. Chúng thật không thể tin được con người nhỏ nhắn, mặt đẹp như ngọc kia lại có sức mạnh kinh hồn như vậy. Tên đội trưởng lúc nãy lên tiếng:

- Tên nhãi con kia, ngươi là ai mà dám can thiệp vào chuyện của bọn ta?

Thu Cúc thấy bọn chúng đông, không muốn làm náo động thêm nên rút trong người ra một tấm thẻ bài giơ ra, giọng nghiêm nghị nói:

- Các ngươi có nhận ra tấm thẻ bài nay không?

Tên đội trưởng nhận ra đó là tín phù của Tôn Sĩ Nghị cấp cho các thuộc hạ thân tín của ông thì giật mình chắp tay xá dài nói:

- Thì ra huynh đệ là người của Đại soái, hạ chức không biết nên mạo phạm, xin bỏ qua cho.

Thu Cúc nạt lớn:

- Tám điều quân lệnh Đại soái ban ra các người còn nhớ không, sao lại đi vào làng phá phách dân chúng sở tại? Các ngươi muốn ta xử thế nào đây?

Bọn lính Thanh nghe nhắc đến tám điều quân luật của Tôn đại soái đều tái mặt. Tên đội trưởng vội chắp tay xá dài nói:

- Ba bữa Tết bọn hạ chức vui chơi có quá tay một chút, xin quan lớn tha cho. Anh em chúng tôi xin đội ơn.

Thu Cúc nói:

- Lần này ta tha cho. Lần sau ta bắt gặp sẽ trị tội. Còn không mau ai về trại nấy đi.

Bọn lính Thanh tiu nghỉu ẵm xác hai tên đồng bọn và các tên bị thương rút êm. Bà con quanh chợ bấy giờ đã tụ tập đến xem chàng trai nhỏ nhắn xinh đẹp mà đầy quyền uy kia. Cô gái áo trắng lên tiếng, giọng lạnh lùng:

- Tạ ơn đã ra tay cứu giúp. Anh là đại quan của Thanh triều à?

Thu Cúc mỉm cười hỏi:

- Là đại quan Thanh triều thì sao?

Cô gái hừ một tiếng đáp:

- Thì xin cảm ơn. Cáo từ!

Rồi kéo tay cô áo hồng bỏ đi. Thu Cúc bước đến chận lại nói:

- Ơn cứu mạng cả hai người mà chỉ nhận được hai tiếng cảm ơn nhạt nhẽo vậy thôi sao?

- Anh bạn muốn gì?

- Ít nhất cũng phải cho biết tên họ cả hai để tôi còn nhớ chứ.

- Vũ Thị Song Nhạn. Chúng tôi đi được chưa?

- Chưa. Hai cô bị thương khá nặng, tôi phải băng bó cho cả hai đã rồi mới được đi.

Sắc mặt của cô áo hồng chợt ửng đỏ vì thẹn. Cô áo trắng nói nhanh:

- Không cần, chúng tôi tự lo liệu được. Tránh ra!

Rồi lách mình, kéo tay cô áo hồng bước đi thật nhanh. Thu Cúc rút trong túi ra một gói nhỏ nhét lẹ vào tay cô áo hồng nói nhanh:

- Thuốc cao trị thương đấy, đừng để mất máu nhiều không tốt.

Rồi né người nhường đường. Chờ hai cô gái khuất bóng, Thu Cúc hỏi một người đàn ông lớn tuổi:

- Hai cô gái này người ở đâu vậy, thưa Bác?

Ông lão đáp:

- Đó là chị em song sinh họ Vũ ở thôn Lý, làng Nhân Mục. Tội nghiệp, mươi bữa trước một nhà ba mạng gồm cha mẹ và đứa em nhỏ của họ chỉ vì cứng cỏi chống lại còn đánh chết hai tên lính Thanh khi chúng vào nhà vơ vét lương thực nên bị giết chết hết. Hai cô này vắng nhà hôm đó nên mới thoát nạn. Anh bạn trẻ là người Việt mà làm quan lớn nhà Thanh à?

Thu Cúc mỉm cười đáp:

- Không phải. Cháu không tiện nói ra. Chào bác.

Rồi băng mình chạy theo hướng hai cô gái họ Vũ. Đến bờ tre vào làng thì Thu Cúc đã đuổi kịp hai cô gái. Họ đang băng bó vết thương cho nhau. Cô áo trắng thấy Thu Cúc đến thì bực dọc hỏi:

- Anh bạn theo chúng tôi có gì dạy bảo thêm?

Thu Cúc mỉm cười ghẹo:

- Hai cô giết chết hai tên lính phu mỏ, tôi chỉ sợ đồng bọn của chúng đến báo thù nên theo bảo vệ mà thôi. Đã ra ơn thì làm cho trót, tôi phải đưa hai cô về đến nhà mới an dạ.

- Không cần. Chúng tôi có sợ gì bọn ăn cướp đó, anh bạn về đi.

- Tôi đã bảo là phải đưa hai cô về đến nhà mà.

Cô áo hồng dễ tính hơn, nói với cô áo trắng:

- Người ta có ơn với mình, chị hằn học quá cũng không phải.

Thu Cúc nhìn cô áo hồng gật đầu:

- Dễ thương như cô em này có phải hơn không, đanh đá quá sẽ "ống chề" đấy.

Cô chị bực mình "xì!" một tiếng rõ lớn rồi kéo tay cô em bỏ đi. Thu Cúc lẻo đẻo theo sau. Vào đến xóm, một số bà con nhìn thấy hai chị em bị thương định chạy ra hỏi chuyện nhưng thấy có một thanh niên theo sát sau lưng nên họ lại thôi, chỉ lấy mắt nhìn theo rồi xầm xì bàn tán. Nhà của hai cô gái ở tận cuối xóm Lý. Đến cổng nhà, cô chị quay lại hằn học:

- Đến nhà rồi. An tâm chưa? Mời anh về.

Thu Cúc nói:

- Tôi muốn xin miếng nước. Đánh nhau với bọn lính khát quá rồi.

Cô em thấy chàng trai nhỏ nhắn xinh đẹp này rõ ràng không có ác ý nên kéo tay chị:

- Người ta cứu mạng mình, cũng nên mời một chén nước. Mồng hai Tết mà chị.

Cô chị lườm Thu Cúc một cái rồi vào nhà. Ngôi nhà bày biện đơn sơ nhưng rất sạch sẽ và tươm tất. Trên bàn thờ đặt giữa vách phủ toàn khăn trắng, có ba khung hình họa hai người lớn và một bé trai, Thu Cúc nghĩ hẳn là cha mẹ và em trai của hai cô gái vừa bị giặc Thanh giết. Nét vẽ trên bức họa thật linh động, tài tình. Cô em nói nhỏ:

- Mời anh ngồi, tôi vào lấy nước.

Cô chị chỉ hừ nhẹ một tiếng rồi bỏ ra sau. Cô em vào trong một lát bưng ra một bát nước trà nguội, nói nhỏ:

- Anh uống tạm bát trà nguội này nhé, sợ anh khát nên không dám đun nóng. Trà cúng cha mẹ tôi hồi sáng.

Thu Cúc mỉm cười nói:

- Tôi có nghe nói về thảm họa của gia đình cô. Cho tôi thắp nén hương hai bác và em trai cô nhé.

Cô gái có chút ngạc nhiên nhưng cũng vội lên đèn, lấy nhang đốt rồi đưa cho Thu Cúc. Thắp hương xong, Thu Cúc hỏi:

- Ai họa những bức chân dung này vậy?

Cô gái e lệ đáp:

- Dạ.. là tôi. Anh bạn đừng cười nhé.

Thu Cúc nói nhanh:

- Sao lại cười. Tôi hỏi để khen đấy. Cô thật tài hoa. Nét bút này chỉ có những họa sĩ hữu danh mới vẽ được mà thôi. Thật là văn võ song toàn, đáng mặt anh thư. Xin bái phục.

Nàng nói xong trịnh trọng cúi đầu. Cô áo hồng sắc mặt chợt đỏ bừng, hoảng hốt xua tay:

- Trời ơi! Anh làm tôi chết vì thẹn...

Thu Cúc mỉm cười bước ra cửa nhìn quanh, ngôi nhà ở cuối thôn nên chẳng có ai quanh đó, nàng khép cửa quay vào rồi đưa tay mở chiếc khăn bịt đầu ra, mái tóc dài đen óng chảy xuống. Cô gái đứng trố mắt nhìn kinh ngạc một lát rồi la lên:

- Thì ra anh là… chị là gái giả trai ư?

Thu Cúc gật đầu:

- Vào mời chị em ra đây, ta nói chuyện cho vui.

Cô em vội vàng chạy ra sau kéo tay cô chị, nói như reo :

- Chị ra mà xem này.

Cô chị ra đến nhà trước cũng sựng lại vì ngạc nhiên:

- Anh… là. . . chị à?

Thu Cúc búi lại tóc, quấn khăn bịt đầu trở lại một thanh niên, bước đến mở cửa và nói:

- Là phận nữ nhi cả đấy. Giờ thì chúng ta ngồi lại nói chuyện với nhau được chưa?

Họ ngồi vào bàn, cô chị hỏi:

- Xin lỗi, nhưng chị thật sự là ai?

Thu Cúc đáp:

- Tôi tên Thu Cúc, là thám báo của Tây Sơn. Tôi đang làm công tác dò xét tình hình bố trí phòng thủ của đồn Khương Thượng. May mà gặp hai chị em.

- Là thám báo của Tây Sơn à? Sao chị lại có tín bài của Tôn Sĩ Nghị?

- Của chú tôi. Chúng tôi đang trá hàng để làm nội ứng.

Trông thấy ánh mắt của cô chị còn có vẻ nghi ngờ, Thu Cúc nói thêm:

- Tôi lừa hai cô chẳng có lợi gì cả. Sở dĩ tôi nói rõ thân phận của mình vì thấy hai cô có lòng báo thù cho cha mẹ, chúng ta có thể giúp đỡ nhau đễ sớm đánh đuổi kẻ thù chung ra khỏi cõi bờ. Tôi có thể biết tên hai người được chưa?

Cô chị đáp:

- Chúng tôi họ Vũ, tôi tên Bạch Nhạn, em tôi là Hồng Nhạn. Chúng tôi vừa mười chín.

Thu Cúc lập lại:

- Hợp lại là Vũ Thị Song Nhạn. Đẹp qúa! Tôi đã hai mươi lăm rồi. Chúng ta kết làm chị em được chứ?

Bạch Nhạn nhoẻn miệng cười thật xinh, giọng thân mật:

- Chị đừng trêu em nữa. Bọn em giúp gì được cho chị?

- Chị cần một bản đồ bố phòng của đồn Khương Thượng nhưng vì không muốn lộ thân phận sợ hại lây người chú…

Bạch Nhạn nhanh nhẩu nói:

- Việc này em giúp chị được. Viên quan địa phương đứng ra hướng dẫn thiết lập đồn Khương Thượng là chỗ quen biết của em. Em có thể nhờ anh ta.

Thu Cúc nheo mắt hỏi:

- Quen biết thế nào mà hỏi dễ dàng vậy?

Bạch Nhạn đỏ mặt:

- Bí mật. Chị hỏi làm gì?

- Chị đùa cho vui thôi. Tối mai chị trở lại được chứ? Nhưng trở lại gặp Hồng Nhạn thôi chứ không dám gặp Bạch Nhạn, sợ có người nổi ghen thì hỏng việc hết.

Ba cô gái nhìn nhau cười khúc khích.

...................

Trong khi mọi sự chú ý của quân Thanh đều đổ dồn về mặt trận Hà Hồi và Ngọc Hồi thì vào chạng vạng đêm mồng bốn Tết Kỷ Dậu, cánh quân bộ của Đô đốc Đặng Tiến Đông đã lặng lẽ vượt sông Nhuệ tiến vào làng Nhân Mục, áp sát đồn Khương Thượng và đồn Yên Quyết. Hai toán quân khinh kỵ của Đô đốc Lý Văn Bưu và tượng binh của Đô đốc Đặng Văn Long cũng chia ra nhiều ngả bao vây quanh đồn. Thu Cúc dẫn hai chị em cô gái họ Vũ đến bản doanh gặp Đô đốc Đông. Thu Cúc giới thiệu:

- Quân trưởng có tin cho biết Đô đốc sẽ đến đây nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tấm bản đồ này. Xin giao lại cho Đô đốc. Đây là công lao của hai chị em Vũ Thị Song Nhạn, Bạch Nhạn và Hồng Nhạn của làng Nhân Mục này đấy.

Đặng Tiến Đông mừng rỡ nói:

- Tôi có nghe Quân trưởng nói về Huỳnh sư trưởng , không ngờ hôm nay lại còn được thêm sự giúp đỡ của Song Nhạn nữa. Thật là may mắn cho chúng tôi.

Ông trải bản đồ ra bàn, Bạch Nhạn giải thích rõ mọi chi tiết trên bản đồ, sau đó hỏi:

- Đô đốc định lúc nào tấn công?

- Theo lệnh thì đúng khuya đêm nay.

- Vậy thì cháu phải hẹn với người quen của cháu trong đồn để phóng hỏa làm nội ứng. Đại quân ở Khương Thượng tuy đặt dưới quyền chỉ huy của Sầm Nghi Đống nhưng rất ô hợp với nhiều toán quân khác nhau, sự phòng thủ lỏng lẻo mà bọn lính tráng cũng chẳng phải là lính chính quy nên cháu tin việc phá đồn không khó khăn lắm.

Đô đốc Đông hỏi:

- Có cách nào để bắt một số quân Thanh lúc này không?

Bạch Nhạn đáp:

- Dạ có. Đô đốc muốn cho người giả dạng chúng để vào trong đồn phải không?

- Đúng vậy. Khi tấn công bên ngoài, bên trong phải phóng hỏa đốt một vài nơi, kho lương thực, kho vũ khí càng tốt, để gây hoang mang cho quân địch.

- Vậy thì cho người theo bọn cháu. Có một toán quân phu xưởng chừng mười tên dưới quyền Lâm Tế Hanh vẫn thường la cà nơi một quán rượu ở chợ Mọc. Chúng ta bắt gọn chúng, cháu và người bạn sẽ hướng dẫn vào những nơi cần nên phóng hỏa.

Đô đốc Đông chọn mười binh sĩ võ nghệ cao cường để thực hiện nhiệm vụ, ông nói với Song Nhạn:

- Hai cháu đưa họ vào bên trong rồi có trở ra được không?

Bạch Nhạn hỏi:

- Sao phải trở ra cơ ạ?

- Hai cháu ở trong đó lúc giao tranh hỗn loạn, sẽ nguy hiểm lắm.

Cô gái nở nụ cười tươi:

- Đô đốc không phải lo. Gia đình cháu đã bị bọn cướp nước giết hết, bọn cháu nhất định phải trả thù dẫu có hy sinh thì theo cùng với cha mẹ và em trai cho gia đình sum họp, có gì phải sợ.

Đô đốc Đông nghe cô gái trả lời một cách thản nhiên như vậy không khỏi thầm khâm phục trong lòng. Ông nói:

- Thôi được, các cháu đưa anh em đi đi, tôi phải cho người liên lạc với hai vị Đô đốc Bưu và Đô đốc Long để phối hợp công đồn.

Bạch Nhạn dặn:

- Nếu Đô đốc thấy mọi chuyện im lìm, tức bọn cháu đã vào được bên trong. Đúng giờ Sửu, đô đốc bắt đầu tấn công là vừa.

Thu Cúc nói:

- Nhiệm vụ của cháu xong rồi. Hẹn gặp đô đốc trong thành Thăng Long.

Song Nhạn liền rời quân doanh dẫn mười binh sĩ Tây Sơn ra đi. Đến quán rượu chợ Mọc, quả nhiên một bọn lính Thanh mười mấy tên còn đang nhậu nhẹt, nói chuyện om sòm ở đó, tên nào tên nấy say mèm. Mười người lính Tây Sơn vừa đến nơi đã nhanh chóng ập vào tung những đòn quyết liệt vào huyệt thái dương của địch, mười mấy tên lính Thanh nhào ra đất chết tức thì. Người chủ quán thoáng giật mình nhưng ông chợt hiểu ra. Hai chị em họ Vũ nhanh chóng đóng cửa lại, họ lột quần áo bọn lính Thanh mặc vào người. Viên đội trưởng nói với chủ quán:

- Chú muốn bọn cháu nhét đám ăn cướp này ở đâu?

Chủ quán nói:

- Các chiến sĩ hãy đi lo công việc của mình đi, để bọn này tôi lo.

- Cảm ơn chú.

Rồi cả bọn gỉa bộ say khệnh khạng rời quán trở về trại. Bạch Nhạn biết trước nên ôm theo mấy chai rượu, đến cổng đồn, nàng giả tiếng lè nhè rồi đưa mấy chai rượu cho toán gác cổng. Bọn gác cổng mừng rỡ, "hủ len…hủ len…tốt...tốt..." rối rít. Vào được bên trong, hai chị em họ Vũ chia nhau hướng dẫn anh em lính Tây Sơn đến những vị trí quan trọng trong đồn ẩn thân chờ đợi. Đúng quá khuya đêm mồng bốn, sáng mồng năm, hàng loạt súng đại bác trên lưng đoàn voi chiến bỗng từ bốn phía đồn Khương Thượng cùng lúc khai hỏa, bắn vào các vị trí trọng yếu bên trong đồn Khương Thượng. Tiếp theo sau là hàng vạn tiếng la ó của quân Tây Sơn vang lên khắp nới, những quả hỏa cầu được quân Tây Sơn châm ngòi rồi dùng súng bẩy bắn mạnh vào các vị trí dễ bắt lửa trong đồn. Những vòi lửa vút bay trong đêm tối trông giống như những con rồng từ bên ngoài đồn phun lửa vào bên trong khiến dân chúng các làng chung quanh nhìn thấy hết sức hân hoan và kinh ngạc. Cùng lúc, kho lương, kho vũ khí và nhà chứa cỏ trong đồn cũng tự nhiên bốc cháy dữ dội.

Tiếng đại bác nổ, tiếng quân reo, thêm lửa cháy khắp nơi khiến cho gần hai vạn quân Thanh trong đồn Khương Thượng kinh hãi đến rụng rời, chúng lại là đoàn quân ô hợp nên thiếu hẳn sực hợp đồng tác chiến, do đó mạnh ai nấy bỏ chạy thoát thân. Bộ binh Tây Sơn do Đặng Tiến Đông chỉ huy tràn vào như thác lũ, mặc tình chém giết. Lửa từ những cây hỏa hổ được ào ạt tung vào bọn lính Thanh, biến chúng thành hàng ngàn cây đuốc sống, vừa kêu la thảm thiết vừa chạy loạn bên trong đồn khiến hai vạn quân Thanh trở thành một đám loạn quân, chẳng còn thiết gì đến việc chiến đấu. Một ngàn quân khinh kỵ của Đô đốc Bưu như những mũi tên xẹt, rượt theo chém giết bọn lính Thanh chạy thoát ra ngoài. Số kỵ binh của quân Thanh từ trong thành vừa phóng ra ngoài chạy trốn, gặp số voi chiến của Đô đốc Long thì kinh sợ hí vang quay đầu lại chạy ngược trở vào. Ai thoát ra được liền gặp phải toán kỵ binh của Đô đốc Bưu đón giết.

Sầm Nghi Đống cùng Lâm Tế Hanh và vài bộ tướng dẫn quân tả xung hữu đột cố thoát vòng vây trùng điệp của quân Tây Sơn nhưng thất bại. Sau một canh giờ chiến đấu, Nghi Đống thấy Lâm Tế Hanh cùng các bộ hạ quanh mình chết hết chẳng còn ai, đại quân tan tác, bản thân lại bị chặt đứt một cánh tay trái, mình mang thêm mấy vết thương nặng nên ông đã chạy trở vào đài chỉ huy, tháo dây đai tự treo cổ mình trên Loa Sơn. Cuộc chém giết kéo dài đến mờ sáng, toàn thể quân Thanh ở Khương Thượng bị giết gần hết, xác người chất cao như núi, số trốn thoát được vào các làng bị dân chúng quanh vùng bắt giết trả mối hận bị ức hiếp trong thời gian qua. Hết đường trốn chạy, hàng ngàn tên lính Thanh bị quân Tây Sơn dồn lại trước miếu Bồ Đề bèn quẳng hết khí giới giơ tay đầu hàng. Với cách đánh dùng bộ binh và tượng binh công phá, kỵ binh truy sát của quân Tây Sơn, hai vạn quân Thanh ở Khương Thượng đã bị diệt gọn, quân Tây Sơn thiệt mất hơn ngàn người. Điều không may là cả hai chị em Vũ Thị Song Nhạn của thôn Lý làng Nhân Mục cũng bị chết trong đám loạn quân.

.........

Đô đốc Đặng Tiến Đông khi kiểm điểm cánh quân mình đã không còn thấy hai cô gái họ Vũ làng Nhân Mục liền ra lệnh truy tìm nhưng có người nói họ thấy hai cô gái đã hy sinh trong đám loạn quân. Tiến Đông thương tiếc vô cùng, đem sự việc báo lên, vua Quang Trung liền cho người đến làng Nhân Mục lập miếu thờ cho hai vị nữ anh thư, lại cấp công điền để dân làng dùng đó khói nhang, tế tự. Ngôi miếu được vua ban tên Trung Nữ miếu.

Nhơn ở gần làng còn có chùa Bồ Đề là nơi quân Thanh ở Khương Thượng đầu hàng cánh quân của Đặng Tiến Đông, dân làng Nhân Mục có đặt mấy câu ca dao để tưởng nhớ cuộc chiến oai hùng có sự tham gia của hai nàng trung nữ họ Vũ:

Đầu làng cây duối, cuối làng cây si

Bạch Nhạn bay đi, Hồng Nhạn bay về

Giặc đến Bồ Đề thì giặc phải tan.[1]

Mấy vạn quân Thanh bị giết ở Khương Thượng, dân chúng quanh vùng đã đem chôn nổi thành mười hai gò đất cạnh Loa sơn. Riêng Sầm Nghị Đống, vua Quang Trung sai chôn riêng một ngôi mộ để vinh danh hành động anh hùng của ông ta. Về sau trên khu gò mộ có nhiều cây đa mọc lên, dân làng gọi là gò Đống Đa.    

(Trích từ hồi thứ 28 - tập 4, tiểu thuyết lịch sử NHẤT THỐNG SƠN HÀ:

Trận Ngọc Hồi, vua Quang Trung đại phá quân Thanh

Chặt cầu phao, Tôn đại soái bỏ quân thoát hiểm.

 

Vũ Thanh

 


[1] Vì có liên quan đến triều Tây Sơn nên ngày nay ngôi miếu Trung Nữ thờ hai cô gái họ Vũ làng Nhân Mục không còn nữa nhưng những câu ca này vẫn mãi lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.