"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Duyên

 

Hoàng đứng trước gương, cứ vuốt vuốt mái tóc vốn dĩ đã thẳng nếp cho được thẳng nếp hơn rồi đưa cả hai tay lên trịnh trọng chỉnh đốn cái nơ cánh bướm màu đỏ tươi điểm những chấm vàng nơi cổ áo. Nó xoay qua xoay lại không ngừng để ngắm nghía phía trước phía sau, bên nầy bên kia khiến tôi nhìn mà bắt chóng mặt. Bộ âu phục kiểu Anh trăm phần trăm và chiếc sơ mi trắng muốt phẳng phiu hôm nay tạo cho nó cái vẻ “người lớn” hơn.

Sao tôi lại viết chữ “người lớn” trong ngoặc kép nhỉ tuy Hoàng đã ba mươi mốt tuổi bốn tháng cộng đôi ba ngày gì rồi !? Nó vừa đình đám mừng sinh nhật mới đây mà ! Hay là vì nó chưa vợ ? Chắc thế. Thế thì bảo đảm nghìn phần trăm rằng trong mắt nó tôi cũng là thằng lõi con nhóc tì vì còn kém nó vài tuổi và vì cũng chưa có vợ. Có lẽ, ngoài số tuổi ra  thì chúng tôi – là cả thằng Tùng nữa và ngoại trừ thằng Phong hôm nay – đều “non người trẻ dạ” từ nét mặt đến cách ăn vận, từ cử chỉ đến dáng dấp, từ giọng nói đến tiếng cười… Thời gian chỉ hằn sâu và thầm kín trong tâm tư, tuốt ở trong. Cũng không hiểu vì sao.

Hoàng hát luôn mồm và vẫn còn đứng trước gương : « OUI ! Devant Dieu, devant les hommes…(Vâng ! Trước Thượng Đế, trước mặt quan khách…) »

Tôi sốt ruột : « Thôi, đẹp lắm rồi. Cứ ngắm mãi ! »

Hoàng cười, nụ cười rất tươi và cũng rất hiếm hoi nơi nó. « Coi bộ mã tao cũnglehá ! » Nói rồi nó lại xoay tới xoay lui…

Tôi buồn cười : « Đám cưới thằng Phong mà mày làm tao có cảm giác như của mày vậy. » Ngã người trên lưng ghế dài, tôi phà hơi thuốc nồng ấm cho khói toả đầy trời. Hôm nay tôi cũng cảm thấy sảng khoái lắm. « Ê, Cu ! – Tôi vẫn gọi thằng Hoàng như thế – hôm nào thì trả nợ phở đây ? »

Hoàng cười hì hì, gương mặt nó nhăn nhúm như thằng hề với đôi mắt như hai đoạn chỉ vắt ngang dưới đôi chân mầy rậm : « Từ từ chớ. Mai mốt gì đó. Tao không thèm giựt nợ đâu mà mày sợ. Wuân tử nhứt ngôn ! » Nó xoa xoa hai tay vào nhau vẻ khoái trá : « Thằng Phong phải chi phân nửa với tao. Tại nó mà tao thua độ. Hì hì…, mà tao cũng mong được thua độ ! »

« Nó thì xon grồi đó. Còn mày thì chừng nào, Hoàng ? », tôi hỏi.

Mắt thằng Hoàng bỗng sáng rực lên. Nó buông cái nhìn ra xa, đến tận khung trời mộng mị : « Trước mày là cái chắc ! Không chừng Thiên Tình Sử của tao sẽ bắt đầu từ… chiều nay. Duyên nói phù dâu, Hoa của tao, dễ thương lắm. – Nó lại săm soi cái bóng trong gương – Lần đầu tiên tao làm phù rễ đó mày. Có gì giúp tao… một miệng nghe. »

Tôi chợt nghĩ đến Huyên, mai mốt đây con bé sẽ mặc chiếc áo cưới trắng đẹp lộng lẫy, hai tay cầm bó hoa cũng màu trắng, thẹn thùng nép người bên tôi mà bỗng thấy lòng lâng lâng, lâng lâng như đang ở trên thiên đàng. Mà thiên đàng thì có ra gì nếu vắng Huyên của tôi. Tên nhà thơ nào đó đã phun ra một câu mà tôi thấy chí lí vô cùng, là :

“Đã mơ một bước lên trời

Bước thêm bước nữa lại rơi xuống trần…”

Ngày mà Huyên và tôi đắm đuối nhìn nhau rồi nói “Oui !” trước mặt ông thị trưởng, rồi trước mặt cha xứ thì sung sướng biết mấy, sung sướng như thằng Phong hôm nay, chốc nữa…

Hoàng đứng tựa lưng vào tường, hai bàn tay cho cả vào túi và một chân bắt chéo qua chân kia. Nó không ngồi có lẽ vì – tôi nghĩ – sợ nhầu bộ đồ vía mà mỗi năm chỉ đóng độ đôi ba bận để… dự tiệc cưới thiên hạ.

« Thiệt, tao không ngờ thằng Phong-Cù-Lần vậy mà làm sớm hơn thằng Tùng-Lãng-Tử ; nhưng lại là điều tao mong. Nhờ công của mày lớn lắm đó nghe. »

Hoàng vừa nói vừa cười. Tôi cũng cười theo. Tại sao thằng Phong cưới được vợ mà nhờ công lớn của tôi ấy à ?… Chuyện xảy ra như thế nầy :

Chúng tôi gồm bốn anh chàng độc thân sống chung trong cái ba-phòng của toà cao ốc khu dân sinh nầy đã mấy năm. Lâu quá rồi nên tôi không còn nhớ rõ nguyên do nào thúc đẩy chúng tôi về quây quần với nhau. Sợ cô độc, cho có bạn, để tiết kiệm… ; hình như. Chúng tôi thân và quý mến nhau lắm tuy mỗi đứa là một vũ trụ cá biệt vì tính tình gần như đối nghịch ; chỉ hoàn cảnh là có nhiều phần giống nhau, nhất là đều cô độc. Tùng nghệ sĩ bao nhiêu thì Phong cù lần bấy nhiêu, Hoàng nói nhiều bao nhiêu thì tôi môi khép bấy nhiêu ; Hoàng Nam Kì bao nhiêu thì tôi Bắc Kì bấy nhiêu, cũng như Tùng đào hoa bao nhiêu thì Phong lại ế ẩm, đìu hiu bấy nhiêu. Chính vì chuyện đào hoa của đứa nầy và đìu hiu của đứa nọ mà sanh ra chuyện đánh cuộc giữa Hoàng và tôi.

Tùng người Trung gốc Quảng nhưng lại chào đời ở Sài Gòn. Theo lời nó kể thì gia đình nó gốc gác mấy đời làm quan, là khoa bảng đầy mình và vàng phơi đầy sân như lá đấy ; đến đời bố nó cưới mẹ nó rồi di cư vào Nam thì thôi làm quan nhưng đất lành làm ăn khấm khá thì ngày càng hơn và thế là nó hello đời trong nhung lụa rồi lớn lên trên gấm vóc, cho đến ngày mất nước, vượt biên qua Tây sống đời côi cút như và với chúng tôi, đến phiên thì cũng phải thổi cơm rửa bát vậy.

Thổi cơm thì thằng Tùng tồi lắm, chỉ biết chiên trứng với lại kho thịt ; nhưng về khoa văn nghệ văn gừng, nhất là khoa bẻm mép thì nó dứt ba đứa chúng tôi đứt đuôi con nòng nọc.

Khoa bẻm mép của thằng Tùng thì tôi nghĩ đến con kiến ở trong ổ mà có nghe nó dụ khị thì cũng phải lồm cồm bò ra. Bằng chứng là thằng Phong lắm hôm phải thổi cơm thay nó vì đã mủi lòng khi nghe nó tỉ tê rằng thì là nó thổi cơm tệ quá, anh em nhá không vào, lắm hôm lại còn đau bụng quằn quại cả đêm ; trông tội và đau lòng nó lắm (!) Cái bẻm mép nầy mà để dành tán các cô thì nhất. Chúng tôi cứ phải phục lăn. Có lần tôi được mục kích nó tán cái cô be bé xinh xinh trong một dạ tiệc mà mê luôn, và ước ao sao chỉ nói tài được bằng một phần mười của nó thôi thì cũng mãn nguyện lắm rồi.

Như thế nầy : trong buổi tiệc mừng sinh nhật, sau ba lần mời cô bạn không mấy gì là đẹp của cô be bé rất đẹp đi lả lướt các vũ khúc valse, cha-cha-cha tango, rồi dìu nàng về bàn vốn ngồi cạnh cô be bé thì đúng lúc điệu slow êm đềm trổi lên… Tôi nghĩ, với dáng dấp thanh tú, khuôn mặt dễ nhìn với ánh mắt mộng mị nấp sau mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ của thằng Tùng thì chắc hẳn cô be bé cũng muốn được gợi chuyện, hay ít ra là bước một vũ khúc duyên dáng – bề ngoài thì cô be bé tỏ vẻ hững hờ lắm. Và tôi cũng vô cùng thắc mắc vì sao thằng Tùng chỉ mời cô bạn  trông rất bình thường của cô bé. Thì ra là hắn đánh đòn tâm lí đấy. Ngoài mặt cô be bé càng tỏ rax em như phan hững chuyện lẩm cẩm tuy… khác thường, thì trong lòng lại càng ấm ức, ganh với cô bạn và giận cả anh chàng. Con người ta cũng lạ, hễ cứ oán ghét nhau nhiều thì lại càng lưu tâm đến nhau bấy nhiêu. Thằng Tùng chỉ cần có thế ở bước đầu vạn nan. Lúc ấy thằng Tùng mới ngoắc tôi đang xớ rớ gần đấy, chờ tôi đến mới mỉm cười lãng tử : « Đây là Vũ, bạn ; tôi tên Tùng, Thanh Tùng ». Cô bạn láu táu : « Em là Trang – hướng bàn tay về phía cô be bé – còn đây là bạn Trang, nhỏ Thuỷ »…

Sau nầy tôi mới biết dụng ý của thằng Tùng khi gọi tôi đến chẳng qua là để tiếp giùm cô bạn không mấy gì đẹp cho nó rảnh tay mà tán tỉnh cái cô be bé xinh xinh. Tôi không nhớ rõ câu chuyện đã tiếp diễn thế nào nhưng sau đó thì Tùng và cô be bé quấn lấy nhau cứ như sợ mùa đông lạnh.

Có một lúc thằng Tùng hỏi : « Thuỷ qua Pháp lâu chưa ? »

« Chín năm ».

«  Hay quá. Thuỷ qua Pháp chín năm rồi mà còn nói tiếng Việt giỏi ghê. Thuỷ qua lúc mấy tuổi ? »

« Lúc đó Thuỷ vừa đúng mười tuổi ».

Thằng Tùng gật đầu cười cười. Tôi chỉ để ý chút đỉnh thôi vào những câu chuyện trao đổi nơi bàn tiệc của hai người, vì mải ngắm cô be bé xinh xinh – đã nói là gương mặt bắt mắt mà – tuy người ta chỉ nói chuyện… với thằng Tùng. Khi ấy tôi chỉ ước ao được ở vị trí  của nó. Được nói chuyện với, là đã vui lắm rồi. Nhưng, bỗng cô bé đỏ mặt, cúi đầu, vân vê vạt… khăn bàn.

« Anh khôn ghê ! Biết tuổi Thuỷ rồi đó. »

Tùng cười với ánh mắt tình tứ, si mê : « Trông Thuỷ “người lớn” hơn và… xinh quá ! »

À ! Thì ra thằng Tùng hỏi số năm sang Pháp rồi sau đó là số tuổi khi mới sang để cộng lại thì biết tuổi con bé một cách tế nhị. Thằng Tùng lấy lòng các cô thế đấy.

Trời không những phú cho thằng Tùng gương mặt điển trai, nụ cười quyến rũ, giọng nói ấm áp với lại nồng nàn không chỉ để nói mà còn để hát nữa. Nó mà hát bài Lá Thư của Đoàn Chuẩn - Từ Linh thì tuyệt. Nhất là đoạn“Ái ân theo tháng… năm tàn…, lá thư… theo tháng năm vàng… Tình người nghệ sĩ… phai… rồi…”Giọng nó trũng xuống ở chữ “vàng” chẳng khác gì Sĩ Phú và chữ “phai” thì nó láy nhẹ như thể chiếc lá rơi xuống mặt hồ chỉ vừa đủ giao động những hình ảnh êm đềm xưa hiện về trong lòng người in lên mặt nước nhoà hơi sương. Dáng nó gầy gầy ngồi chân co chân duỗi, tựa lưng vào tường với màu áo trắng nổi bật sau màu nâu cũ của chiếc ghi ta. Những lúc đó ánh mắt nó mơ màng xa vắng và mái tóc bồng bềnh phủ chụp xuống nét mặt buồn mông lung… Có lẽ Trời sanh nó ra chỉ để làm nghệ sĩ.

Tùng là… thợ điện. Một cái nghề không hợp với nó chút nào cả. Mà hình như đối với nó thì đó không là “nghề”, chẳng qua là kế sinh nhai với đồng lương còm cõi. Điều nầy có làm nó bận tâm chút nào đâu vì chẳng hề nghe nó than thở lấy một lời hay hoạch định một chương trình gì tương đối dài hạn cho tương lai. Chỉ thấy nó ngồi mơ mộng luôn và phiêu du với những mối tình sớm nở và cũng chóng tàn. Ngay cả những mối tình tan vỡ của nó hình như cũng chẳng khiến nó lưu tâm vì khi nào nó cũng buồn buồn như thế. Có lẽ, phải nói rằng : cuộc sống thật của thằng Tùng nằm ở trong những giấc mơ đắm chìm tâm hồn. Những lúc thả hồn, thằng Tùng chỉ một mình và một xó tối nào đó. Tôi cũng chả muốn làm phiền nó hơn.

Thằng Phong thì hoàn toàn trái ngược. Nếu thằng Tùng thích ôm đàn ngồi một mình trong xó tối thì thằng Phong lại luôn luôn cần một người, ít nhất là một người, để tâm sự. Trong nhà, tôi là người sẵn lòng chịu khó ngồi nghe nó tâm sự từ giờ nầy qua giờ khác. Và phải cho nó ý kiến nữa thì nó mới chịu.

Phong người Nam gốc Miền Tây nên ruột để ngoài da, có gì thưa nấy, nghĩ sao nói vậy, không giấu giếm, chẳng khúc mắc, trong tất cả mọi chuyện, ngay cả chuyện… đã hai mươi bảy tuổi rồi mà vẫn… chưa vợ.

Điều nầy khiến nó lo buồn khôn nguôi. Vả lại bố mẹ nó bên nhà cứ hễ thư sang là đến hết nửa lá thư nhắc nhở nó chuyện… cưới vợ, như thể sợ… nó quên vậy (!) Và như thể bên nầy muốn có vợ là được ngay vậy.

Thằng Phong không quên đâu, nó nhớ lắm chứ ! Chẳng qua là cơ may chưa đến mà thôi. Nó bảo với tôi luôn : « Cần phải nhìn về tương lai. Cuộc sống khó khăn mà hơn nữa mình là người ngoại quốc, bây giờ sống đời độc thân thì còn đỡ, mai mốt phải bảo đảm đời sống của vợ con mình chứ…», « Tao không muốn vợ tao phải đi làm cực khổ như mấy con đầm. Tụi nó bự con,trâu bò ; người mình nhỏ xíu, yếu đuối, con gái còn khổ hơn nữa, sức nào chịu cho nổi. Tao không muốn vợ tao phải đi làm ! » Nó làm như nó thương vợ nó lắm vậy. Và nó chưa có vợ. Thế mà mỗi tháng nó cạy cục chắt mót cũng được đôi ba nghìn gửi ngân hàng. Chẳng mấy chốc mà ngân quỹ của nó đã đầy những số là số. Thằng Phong cũng chính là chủ nợ dễ dãi không lấy lời của ba thằng chúng tôi còn lại trong căn nhà nầy. Thằng Tùng nợ nó nhiều nhất. Thằng Phong còn nói với tôi : « Bộ mày tưởng cưới vợ không tốn tiền à ? Tiền mướn nhà hàng, tiền quần áo, nhẫn… Còn phải mướn nhà rồi sau đó còn mua sắm đồ đạc gia dụng như bàn, ghế, tủ, giường… » Thấy chưa, nó đâu có quên đâu.

Nhưng khốn nỗi, kiếm vợ, mà là các cô mình cơ, ở Paris nầy đâu phải chuyện dễ dàng như… tìm chỗ đậu xe.

Có lần tôi đọc một bài báo (tiếng Việt) có thống kê như sau : ở Pháp, người mình, cứ hễ có 130 cụ ông thì mới hiện diện 100 cụ bà. Bản thống kê nầy tuy hơi cũ rồi nhưng cũng đã nói lên phần nào cái vấn nạn, cái thảm trạng ế ẩm vô thời hạn của, không riêng gì thằng Phong, mà là của cả bốn thằng chúng tôi, và của nhiều những “chúng tôi” khác nữa. Các cô hiếm hoi thành quý báu nên các cô lên mặt lắm. Có lần, ức quá, thằng Hoàng đã phát ngôn bừa bãi như thế nầy sau khi đeo đuổi Nàng ròng rã sáu tháng trường mà không nên cơm cháo gì : « Bọn con gái đẹp – ám chỉ các cô mình đấy nhá – ở Paris nầy đều… thúi chân hết ! » Một câu xanh rờn. Hỏi tại sao thì nó nói, rằng : « Các cô đèm đẹp, không hẳn, chỉ cần “xà và rán” thôi (theo tiếng Tây, ở kiểu nói nào đó thì“ça va”có nghĩa là “tạm được”, phiên âm thành “xà và”, thêm chữ “rán” thành nghĩa : rán một chút thì được điểm  “xà và”, là điểm 3 hoặc 4/10 ấy mà), các cô hễ ra đường là ngửa mặt lên trời. Mà tụi mày biết không, nội trong Paris thôi, không tính các vùng ngoại ô, Tây trắng Tây đen luôn Tây vàng nuôi tổng cộng 500 000 con chó và 800 000 con mèo. Mèo làm bậy thì giấu kĩ, còn chó thì cứ ngang nhiên bệ vệ rải trên mặt đường. Cứ hất mặt lên, không ngó đường mà bước, không thúi chân sao được !

Phong bênh vực phe yếu đuối và, hơn nữa, hiếm hoi, mắng át thằng Hoàng bằng cái giọng Bắc Kì nhặt của tôi : « Mày thì chỉ được nước thối mồm ! »

Ở điểm nào đó thì thằng Hoàng có lí ấy chứ.

Còn về vụ việc “trai thừa gái thiếu” thì, tôi nghĩ, là chuyện ngày xưa rồi. Bây giờ không hẳn thế. Hoặc ít ra cũng không đến nỗi bi thương như lời than vãn của những đấng mầy râu rậm rạp. Vì, rằng thì là :

Cứ nghĩ xem, ở Hoà Lan chẳng hạn, cứ bốn chàng mới có một nàng thì thật thảm quá ! Ở Paris đỡ hơn nhiều, cứ một trăm nàng lấy chồng thì chỉ ba mươi chàng phải hi sinh lấy vợ đầm cho đỡ nỗi quạnh hiu ; đó là chuyện trước kia, chuyện của thủa dân tị nạn ào ạt sang Tây. Bây giờ phải khác chứ. Vì vượt biển gian nan nên các chàng ra khơi nhiều, còn các nàng thì phải dè dặt chứ. Con nít thì lại không cần dè dặt. Bọn con trai độc thân vượt biển đâu nhiều bằng những gia đình với đầy đủ bầu đoàn thê tử dài lòng thòng lượt thượt.

Năm 1979 là năm cao điểm của tị nạn vượt Biển Đông, cách nay cũng đã khá lâu rồi. Các em bé nhi đồng vượt biển với bố mẹ, hôm nào nhỏ xíu thì giờ nay đã hoá thân thành những thiếu nữ mười tám đôi mươi yểu điệu thướt tha, yêu kiều lả lướt… Vả chăng cổ nhân có nói chồng già vợ trẻ là tiên mà lại ! Thời đại hoả tiễn lên cung trăng, à không, lên tới Hoả Tinh luôn, thì các thiếu-thiếu-thiếu nữ mới mười bốn, mười lăm thời nầy đã biết yêu thương ra gì rồi thì còn lo lắng chi cái chuyện ế ẩm của đấng mầy râu. Hơn nữa, các cô bé bé xinh xinh xơi nhiều bơ sữa Tây nên mượt mà hơn các chị nhiều ; lại còn được điểm là thẳng thắn : yêu thì nói yêu, không yêu bảo không yêu ! Chứ không õng ẹo “để xem” như các chị đã khiến các anh trầy trụa mãi. Các chị nào đã giỏi làm phách hất mặt lên trời thì giờ đây chỉ còn nước dở khóc dở cười. Cổ nhân cũng có nói sông có khúc người có lúc mà lại ! Nhưng thôi.

Bảo thôi cũng khó vì đấy là đề tài thảo luận và tâm sự thường xuyên vào bậc nhất của những thằng độc thân chúng tôi. Cứ khoảng độ hai ba hôm là thằng Phong lại bảo với tôi yêu cô nầy quá mà chẳng biết làm sao, hoặc mến cô nọ lắm mà không biết nói gì…

Phong vốn vụng lời. Nhưng làm thơ thì hay không tả nổi. Đôi khi tôi cũng thắc mắc : cái thằng tướng tá cục mịch, trông cứ như con nhà chăn trâu. Vai rộng một thước, mà chiều cao tính cả giày thì nhiều lắm cũng chỉ… gần một thước ; bụng to như bụng voi, tóc húi cua ngắn như lính, mà buồn cười nhất là cặp kính cận gọng vàng của nó cứ như chưởi bố khuôn mặt bèn bẹt của nó… Thế mà nó làm thơ hay. Hay đến nỗi thằng Hoàng đã có lần phát biểu : « Tao mà là con gái thì tao mê thằng Phong chứ không khùng mà đi mê thằng Tùng ! »

Nhưng khốn nỗi thằng Hoàng không là con gái. Và con gái không như thằng Hoàng. Thế nên thằng Phong cứ mãi ế ẩm cho đến tận ngày hôm nay – ngày hôm nay là ngày nó trèo lên xe hoa về nhà vợ.

Người ta nói cái nết đánh chết cái đẹp. Thằng Phong không điển trai chút nào nhưng được cái nết cần cù, “chịu thương chịu khó” và biết dành dụm lo cho tương lai dù tương lai thì mơ hồ như thể mây tím trên trời và xa lắc đến không thấy bóng dáng là đâu. Ai mà chẳng có ưu, khuyết điểm. Nhưng khốn là khuyết điểm của thằng Phong lại hiện rành rành trên gương mặt và còn thêm vụng lời, nên đã chẳng những không khoả lấp mà còn làm tăng thêm cái vẻ ngớ ngẩn cục mịch không làm rung động lòng con gái.

Tội nghiệp nó, cứ hễ đứng trước mặt con gái là y như rằng, mười lần như một, mà trăm lần cũng như một, nó bấn lên rồi đâm ra lúng ta lúng túng, ngọng líu ngọng lo, cà lăm cà lưỡi… Tâm hồn nó thì không như thế, lãng mạn ra phết và uyên bác, lưu loát không ai bằng… trong văn chương. Chỉ trong văn chương thôi nhé. Nó có thể thốt trăm câu thơ tình tứ để yêu Nàng mà không cần bảo yêu Nàng nhưng Nàng vẫn hiểu nó yêu Nàng, tha thiết. Cái vẻ của nó trước mặt Nàng cũng làm Nàng hiểu nó yêu Nàng nhưng Nàng sẽ không yêu nó mà lại… mắc cười. Thế là thằng Phong mãi mãi, à không, dài dài chưa có người yêu cho đến sau nầy, cho đến ngày hôm nay.

Có lần nó làm câu thơ như thế nầy :

“Nệm chăn thơm ngát tên người ấy

Thế, nửa đêm về với nửa đêm…”

Tâm hồn của thằng Hoàng là cái thằng không một chút thơ mộng nên đã phì cười, giễu : « Ấy, Chàng quá rồi đấy. Tao chịu thằng Phong ở điểm thực tiễn. Đời sống bây giờ mà, nhất là ở bên đây nữa… »

Thằng Hoàng-thực-dụng làm sao có thể hiểu nổi cái tâm cao cả, cái nét thầm kín, cái vẻ cao thượng của Thi Sĩ (thằng Phong). Thú thật, tôi cũng không hiểu nốt ! Nhưng nhờ kín mồm kín miệng, không hay phát ngôn bừa bãi bất trật tự nên thằng Phong chỉ thích tâm sự với riêng tôi. Tôi lại còn lớn hơn nó những… hai tuổi, có nghĩa là trải đời hơn hai năm thành thử thất tình ít ra cũng nhiều hơn chục bận ; nên nghiễm nhiên trở thành một thứ “quân sư tình ái” của nó.

Quân sư quạt mo tôi đã giúp nó nhiều phen như xúi nó đội mưa tuyết đứng dưới mái hiên nhà nàng ngóng lên cả buổi, nào là cứ tà tà theo nàng xa xa cả tháng trời, nào là đến quán phở của song thân nàng ăn dài hạn đến đôi ba tuần cho nhẵn túi, hay là cứ nhìn nàng trừng trừng, rồi cười duyên ý nhị, rồi nhào đại vào… nắm tay,… Nhưng, đã nói rồi, nó xí trai quá nên trăm mưu nghìn kế mãi vẫn chẳng thành công, chả được gì, chỉ tổ làm trò hề cho bọn con gái. Đúng là tiền mất tật mang. May là nó không hận tôi. Nó chỉ buồn.

Thấy nó cứ buồn mãi thì tôi cũng buồn lắm. Nhân một hôm tình cờ nhặt được mẩu tinTìm Bạn Bốn Phương nơi trang chót một tờ báo Việt ngữ – đúng ra là phải đặt nơi trang đầu, sau cái bìa thường có hình con gái đẹp, vì có phải là “xa xỉ phẩm” đâu, là “nhu yếu phẩm” đấy chứ – và nghĩ đến cái tài viết lách ưu hạng của bạn, thế là tôi nảy ra sáng kiến – đến tôi cũng phải phục lăn cái tài quân sư hiến kế – là bảo thằng Phong chỉ việc viết thư làm quen. Mỗi lá thư thì kèm một bài thơ. Thơ nó có cả khối !

Sáng kiến nầy đẹp lòng thằng Phong, và nó đã vùi đầu ngày đêm dùi mài kinh sử để sau đó viết ra những lá thư lâm li có, mặn mà có, duyên dáng có, hiểm hóc cũng có ; có đủ. Báo hại cho cả lũ là nó không còn thì giờ thổi cơm hộ thằng Tùng mỗi khi đến phiên thằng Tùng nữa. Đành phải bày ra trò ăn cơm tiệm mỗi chiều thứ tư vậy. Cũng chính vì nguyên do hao tốn nầy mà thằng Hoàng uất quá bèn phản đối cái vụ Người Tình Không Chân Dung. Nó bảo : chỉ có những con xấu như ma lem mới phải cất công tìm bạn bốn phương ; chứ mấy con đẹp đâu có thèm, bạn xếp hàng ba hàng tư trước cổng đếm còn không xuể nữa là…

Tôi phải lên tiếng bênh vực cho sáng kiến của mình chứ. Rằng : không hẳn chỉ có ma lem mới đăng báo tìm bạn ; chuyện nầy gần như hoàn toàn đúng khi còn ở bên quê nhà, sống trong môi trường đồng bào cơ. Ở bên nầy khác. Ví như mình sang đây, được đưa đi định cư ở hóc bà tó nào đó mà chung quanh chỉ toàn Tây là Tây thì dù có bảnh bao cách mấy thì cũng chẳng có ma nào đeo vì làm gì có ma nào. Cứ cho rằng chung quanh có đôi ba mạng đi, nhưng toàn loại sứt tai gãy gọng hay đọc chữ không chạy hoặc cứ hễ thấy con gái là tươm tướp tươm tướp thì yêu cái khổ gì cho nổi ; chứ có phải có được người văn tài óng ả như thằng Phong nhà mình. Thế thì chuyện đăng báo tìm bạn có gì lạ đâu. Điển trai như thằng Tùng mà đưa lên núi thì cũng chỉ còn có nướcTìm Bạn Bốn Phương chứ không hơn – Thằng Tùng cũng đồng ý điều nầy.

Tìm Bạn Bốn Phương cũng không dễ đâu nhá. Trước hết là vấn đề lọc lựa những mẩu tin. Cả bọn chúi mũi vào nghiên cứu rồi phát biểu ầm ĩ cả lên. Nhộn lắm. Có những mẩu đã làm thiên hạ sững sờ…, hốt hoảng…, như sau : “Thiếu nữ duyên dáng, mặn mà, con nhà Nho, vượt biển bằng đường bộ…”

Tôi đã phải phì cười : « Gặp nàng tiên cá, tụi mày ạ ! Nếu không làm sao “vượt biển” mà bằng “đường bộ” được. »

Thằng Phong vẫn chân chất như mọi khi thì bỗng tỏ ra thông thái : « Chắc bọn nhà báo chết tiệt thêm dấu hỏi chữ “biên” đây. Có lần tao thấy cái quảng cáo “muốn làm đẹp” thiếu dấu thành “muốn làm… dẹp” của thẩm mĩ viện nữa đó.»

Chuyện dư dấu câu nầy, thiếu dấu chữ kia thì xảy ra như cơm bữa, như : “Thắm, con nhà gia giáo, 25 tuổi, hiền hậu, ưa nhìn cao…” – thiếu dấu phẩy giữa “nhìn” và “cao” – Thằng Hoàng bảo với thằng Phong : « Nàng “ưa nhìn cao” là bảo đảm không nhìn thấy thằng lùn như mày đâu. Đừng nha, tốn tiền tem ! » Cái thằng khốn nạn, chỉ chực dịp để hoạnh hoẹ đùa cợt trên sự thống khổ của người khác.

Thằng Tùng không mấy gì cổ động cho phong trào tìm bạn nầy nên nó thường bàn ra : « Cứ đọc những mẩu quảng cáo thân thế cùng sự nghiệp của các anh nầy thì thằng Phong chỉ có nước… húp cháo. Xem, anh nào cũng kĩ sư, đẹp trai, cao ráo, ưa nhảy đầm… » Nó thêm : « Nhiều khi các ông nhà báo, các ông ấy túng quá, rặn bừa ra đôi ba cái tưởng tượng để đăng nữa. Loại“nhờ toà soạn chuyển thư” là kể như 99 % khoa học giả tưởng. Đó là chưa nói đến những trường hợp bịp tin vi, quy mô, quý phái như“kèm theo ảnh và 1 $ phí tem hồi âm” ; các anh dính cựa gà mái mỗi người gửi 1 $, mỗi ngày vài mươi lá thư kiểu đó thì cần chó gì đi làm. »

Không hẳn là vô lí.

Và làm thằng Phong nản chí.

Nhưng tôi quả quyết với nó là thế nào cũngchạy. Vả lại, chẳng còn cách nào khả thi hơn. Và thằng Phong vẫn tiếp tục đều đều mua báo, nghiên cứu mục Tìm Bạn Bốn Phương.

Chung chung thì cũng có mẩu tìm bạn có nội dung dễ thương chứ không phải không. Điểm khiến chúng tôi chú ý là hầu như mẩu tin đăng nào cũngphangvào câu nầy :“Xấu đẹp tùy người đối diện”. Làm cả bọn đoán mò lung tung, không còn ra cái thể thống gì nữa cả.

Kết quả sau đôi ba tháng : thằng Phong nhặt nhạnh được một nhúm thư từ gọi là hồi âm.

Thư thì có lá màu xanh mang nét chữ bay lượn đẹp mắt, có loại chữ bò lổn ngổn vô trật tự ; văn thì có kiểu tình tứ lả lơi, có kiểu tinh nghịch nhí nhảnh, và có cả thứ văn nửa Tây nửa Tàu pha Ăng-Lê cứ loạn cả lên – bốn phương trời mà lại.

Sau đôi ba tháng nữa thì thằng Phong bắt đầu gặt hái được một số kết quả khả quan là “gặp nhau lần đầu”, và sẽ là “thủa ban đầu”, cái thủa nghìn sau lưu luyến…

Tôi không bao giờ quên nổi cái ngày đẹp trời hôm ấy, cái ngày mùa ấm nắng trong và hoa đã nở bên thềm và những chú bướm nhởn nhơ bay lượn và gió đùa cợt với mây trên trời… Hình như tôi nhầm rồi. Ngày đó là cái ngày lạnh buốt giữa đông, gió lồng lộng cuốn tuyết trắng rải mênh mông đến không còn cả lối đi…, cái ngày mà thằng Phong dậy rất sớm sau… cả đêm không ngủ. Nó tự trang trí bằng bộ âu phục loại đắt tiền màu xám tro, thắt cà vạt hoa và đi giày da bóng. Trông vẻ mặt nó hí hửng mà cũng hồi hộp lắm. Cả bọn chúng tôi cũng hồi hộp không kém cho cái số phận của nó. Ngoài đường trời lạnh đóng băng. Từ hôm ấy tôi đánh cuộc với thằng Hoàng rằng : nếu thằng Phong cưới vợ trước thằng Tùng thì nó phải chịu tôi một chầu phở Tố Lan. Thằng Tùng thì không nói gì, chỉ ôm đàn tựa lưng vào tường mà ngân khẽ điệu “Tương Tư 4” của Mặc Thế Nhân :

“Phải chi em đừng có chồng… Và anh không là riêng ai… … Thì giờ đây… duyên đôi mình… đâu bẽ bàng…  đâu ngăn cách… đâu em… …”

Thằng Hoàng cáu lắm, gắt ầm lên : « Mày chỉ giỏi trù ẻo thằng Phong không hà ! Bộ mày cầu mong nó ế vợ trọn đời hay sao đây ?… Tao cá với thằng Vũ nhưng chỉ ước thua thôi, vì… mày muốn có vợ thì dễ quá mà…, chứ không như thằng Phong… »

Thằng Hoàng phải cái hay trêu chọc người khác, chứ được cái là thương bạn, hết lòng với bạn. Tôi thì tôi hiểu nỗi lòng của thằng Tùng lúc nầy vì hôm qua nó đi chơi khuya với Diễm Trang, hoa khôi vùng Cergy-Pontoise, ngoại ô Paris – hôm trước nó đi với Mỹ Hạnh – rồi về với bộ dạng bơ phờ, thểu nảo của những lần hỏng tình mà tôi đã quen. Điển trai như nó, tài hoa như nó… Các cụ hay nói “lắm mối tối nằm không”, đem áp dụng cho thằng Tùng thì không sai một li… ông cụ. Nửa đêm giật mình thức giấc, thấy đèn còn sáng, tôi bước sang phòng khách thì thấy Tùng ngồi ủ rũ với tách cà phê đặc quánh và khói thuốc mù trời. Mắt nó đỏ au, không rõ vì khói thuốc hay vì nước mắt sắp trào ra. Tôi thương chúng nó lắm, những thằng hỏng tình, và tôi cũng thương tôi, đã hỏng tình bao phen…

Đến chiều, trở về từ điểm hẹn là Gare de Lyon của đèn vàng diễm ảo, thằng Phong chạy cái ào vào nhà như cơn lốc rồi lao vào phòng đóng sầm cánh cửa lại. cả toà nhà như rung chuyển trong cơn bão nổi.

Mấy đứa cứ thập thò trước cửa phòng mà thầm thì bàn tán.

Thằng Hoàng : « Chắc anh chàng lại bị nàng khen tốt tướng nữa rồi !… ??? »

« Hừm…, nói nó chỉ tao con lủng nào đi ; tao sẽ tặng miễn phí bài học để đời con gái !!! », thằng Tùng cao giọng tuyên bố.

Tôi lo lắng, gõ cửa nhè nhẹ gọi : « Phong à, có chuyện gì thì từ từ mà nói… » Tôi lại tự oán trách đã đầu têu cho nó làm trò hề quanh năm trước mặt bọn con gái độc ác. Khổ thân nó. « … Thất bại là mẹ thành công mà. Thằngđếchnào trong cả cuộc đời lại chẳng một lần thất tình ! Phong à ! »

« Nhưng mà nó thất tình hơi nhiều ! », thằng Hoàng thầm thì.

Nói mãi mà nó vẫn chẳng ra, chúng tôi đành kéo nhau ra phòng khách ngồi xem truyền hình. Xem truyền hình chán rồi thì nghe thằng Tùng than thở thở than âm điệu Vũ Thành An :“Thân anh rồi hoang phế… lê theo thời gian dông gió… Thôi… cũng đành…”Không gian tịch mịch, lặng lờ. Tự nhiên thời tiết mới nắng một chút đã lạnh đầy, rồi mây xám dâng kín trời, xà xuống thấp, là đà như chỉ cần một với tay nắm bắt. Có những cơn gió lùa vào vô định. Là một buổi chiều thứ bảy. Buổi chiều thứ bảy… cuối tháng túng tiền và chúng tôi không biết đi đâu, làm gì. Vì có thiết đi đâu và làm gì đâu.

« Ê, tụi bây, phụ tao một tay dọn bàn ăn cơm ! » Tiếng thằng Phong oang oang phá tan lặng lẽ.

Cả bọn ngẩng đầu nhìn lên, ngơ ngác. Thằng Phong đứng đấy, vẫn mái tóc ngắn lũn chũn, vẫn gương mặt bình thản với cặp kính cận gọng vàng, và vẫn một nụ nửa cười ở môi.

Thế là cả bọn ồn ào dọn cơm. Đứa ôm bát, đứa bê đĩa đi lên đi xuống náo nhiệt tưng bừng và vài phút sau đó chúng tôi đã chễm chệ quây quần bên bàn ăn – không khí thường ngày – và trước mặt là những món ăn bốc khói thơm lừng mà thằng Phong vừa mới nấu xong. Khi nẫy, khi mỗi đứa ngồi yên một góc thả hồn theo những suy nghĩ riêng tư thì không hay biết thằng Phong đã thay đồ và rời phòng xuống bếp nấu ăn.

Phong gắp miếng thịt bò xào tái bỏ vào mồm nhai nhóp nhép, ngon lành. Nó kể : « tao đến điểm hẹn đúng mười giờ. Túi áo ngoài giắt hờ cái khăn tay đỏ để làm hiệu như đã dặn nhau. Đúng ra cũng không cần vì trong quán nước chỉ có mình tao là đứa da vàng mũi tẹt, lộn làm sao được… Phải nói là chưa bao giờ tao hồi hộp như vậy. Tay tao run lên bần bật khi nghĩ đến nàng, đến nỗi tao phải dúi xuống gầm bàn cho đỡ quê, tưởng như nàng đang đứng trước mặt và đang thấy sự xúc động quá sức của tao… Đợi cũng khá lâu. Ừ, tao đợi một bóng hình mộng mơ – chúng tôi ba đứa kia thở nhè nhẹ, không ngắt lời, im lặng lắng nghe – Tao tưởng như thấy được nàng lúc đó với đuôi mắt dài ươn ướt như những hàng chữ xuôi dòng hiền hoà trên mặt giấy trắng… Thời gian tưởng chừng hết nhúc nhích… » 

Thằng Phong lại gắp thêm miếng thịt nữa cho vào mồm trong khi chúng tôi tròn mắt đợi chờ một kết cuộc ngoạn mục như trong một tiểu thuyết trinh thám ăn khách. Vẫn không đứa nào dám thở mạnh trong khi thằng Phong thì ngược lại, có vẻ thản nhiên, như chưa bao giờ thản nhiên thế.

« Tuy trễ nhưng con nhỏ không sai hẹn. Một con nhỏ tóc đen, dài, với dáng người thon thon và cái cặp da đen trên tay đang chậm rãi bước ngang quán nước, mắt nhìn dáo dác như tìm kiếm ai đó… Tao ngồi chết trân trên ghế. Khuôn mặt trái soan thật dễ thương với làn da trắng. Tụi mày có bao giờ thấy một gương mặt vừa dìu dịu vừa nhí nhảnh chưa ? Tao gặp rồi đó. Lúc đó tao chỉ muốn đứng dậy và phát ra một cử chỉ nào đó để được trông thấy. Nhưng tao như bị dán dính xuống cái ghế mắc dịch, tay chân không còn là của tao. Tao muốn kêu lên tên nàng : Ngân Trân, Tôn Nữ Ngân Trân ! Cái tên mộng mị mà tao ấp ủ hằng đêm. Nhưng chỉ có những tiếng ư ử nghèn nghẹn nửa bám trên môi nửa trèo cổ họng… Tao nghẹt thở… Nàng lướt con mắt đến chỗ tao. Tao nghe tim đập ở cổ tay, máu ngừng chảy – chúng tôi nín thở, không vì không muốn thở mà là thở hết nổi – Rõ ràng là con nhỏ thấy tao chớ, nhưng lại quay lưng rồi ra đi… Tao vẫn bị sự xúc động điểm huyệt… Cũng vừa lúc đó có một con nhỏ kiểuđợt sóng mớivới mái tóc lởm chởm màu đỏ màu xanh, mặc cái quần jean rách và cái áo thun của ông ngoại rộng thùng thình mà lại ngắn cỡ hơn gang tay, bước vào quán nước, tiến về phía tao. Con nhỏ đó vừa thấy tao là mở miệng cười toe toét. Tao có cảm giác như ai đó chơi ác giội một gáo nước lạnh lên đầu ! »

« Bộ con nhỏ đó xấu khủng khiếp lắm hả ? » Thằng Hoàng láu táu cắt lời.

« Không, không xấu đâu ! Khá đẹp là đằng khác. Mày muốn, tao giới thiệu cho ? »

« Cho con xin. Loại tóc xanh xanh đỏ đỏ đó tao sợ lắm ! Rồi sao ? Kể tiếp đi ! »

Thằng Phong chiêu một ngụm nước lạnh trong cái li thuỷ tinh trong vắt. Lạ là giọng nó hôm nay từ tốn, thong thả lắm.

« Thì chính con nhỏ tóc xanh xanh đỏ đỏ đó là Tôn Nữ Ngân Trân mới chết người đó chớ ! Thất vọng quá, tao chỉ muốn đâm đầu xuống sông chết cha cho rồi. nhưng, lúc đó, một tia hi vọng loé lên trong tao, sáng ngời như pháo bông ngày cưới. Tao nghĩ tao sẽ cảm hoá được con nhỏ. Nhìn cũng dễ thương lắm chớ nếu tóc lại đen, nếu con nhỏ đó mặc một cái gì khác cái bộ đồ quái đản đang đeo trên người, nếu…

« Con nhỏ nhìn tao, vẫn toét miệng cười, nó nói : « Salut(chào). Đợi moa có lâu hông ? » Tao nghe như sấm chớp liên hồi, như súng nổ Tết Mậu Thân, nên hỏi lại : « Cô nói cái gì ? » « Moa hỏi toa đợi moa có lâu hông ?… Xin lỗi nghen. Tại bà già biểu làm công chuyện hơi nhiều nên chuồn trễ đó mà. » Tao than trong bụng : Chúa, Phật ơi, chết con rồi !

« Chỉ qua lại mấy lời thôi rồi con nhỏ đó hỏi : « Toa đi bằng xế hộp phải hông ? Uống nước xong rồi mình đi nhót nghe ». Tai tao lùng bùng. Lúc đó là tao đã nản lắm rồi nhưng cũng rán trả lời cho xong chuyện : « Không. T…u…i… đi xe điện ». Con nhỏ mở to mắt nhìn tao như nhìn quái vật thời đại. Cặp mắt to tròn cũng đẹp lắm chớ nhưng bị cái đánh chì hơi đậm. « Toa hổng có xe hả ?!! Uống nước xong là moa phải đi liền, chứ hông mấy đứa bạn tụi nó đợi, tại có hẹn trước… »

Cả bọn thở dài ngao ngán cho cái mùa đông lạnh lẽo của Paris. Đã hưởng hơn mười cái mùa đông xứ nầy mà phải nói chưa bao giờ tôi cảm thấy lạnh như mùa đông nầy, hôm nay. Bên ngoài trời xẫm xịt rồi mà mưa hay tuyết vẫn chưa chịu đổ cho, để tuyết cũ bây giờ lầy lội dưới chân người ngoài phố thành cái nỗi nhớp nhúa bắt ngán. Gió va rào rạt vào mặt kính cửa sổ. Một cánh chim vụt qua, nó chạy trốn cái buổi xấu trời, chạy bạt mạng. Và chuyện tình không chân dung trở thành nhiều màu sắc của thằng Phong chấm hết ở đây. Nó không buồn, không vui ; chỉ thấy nó, có lần, lấy chồng thư xanh ra, bật lửa…, rồi không hiểu sao lại loay hoay cất vào, khoá kín. Chắc nó muốn nhốt một lúc cả hai con nhỏ hôm nào vào tâm tư cả đời nó : những nét chữ và một hình ảnh. Tội nghiệp thằng Phong.

Thua keo nầy ta bày keo khác, lo gì. Nhưng thấy thằng Phong buồn quá, tôi cũng chẳng muốn “hại” nó hơn. Nhưng rồi, sau cùng lại lấy quyết định là thêm một lần nữa. Một lần nữa thôi.

Tôi thủ thỉ : « Tài văn chương siêu đẳng của mày cộng với đức tính luôn muốn làm đẹp cho đời, hơn nữa là có thiếu tay thiếu chân cái nào đâu, hay là… mày gia nhập quách một đoàn thể nào đó làm những việc thiện nguyện xã hội, văn hoá, chính trị, tôn giáo gì gì đi. Không chừng lại bắt gặp niềm vui mà còn phục vụ được lí tưởng mày ấp ủ. Có phải tụi mình, thằng nào cũng mong chóng được về nước không ?! »

« Vậy sao mày không gia nhập hội đoàn nào hết ? Mày cũng yêu nước lắm mà – thằng Phong bỗng sôi nổi – Lâu lâu mình cũng tháp tùng xuống đường biểu tình hò hét với bà con, bấy nhiêu đó đâu đủ để xô tụi Cộng Sản hay để gầy dựng cộng đồng tị nạn, đúng không, Vũ ?! »

Thế là vài hôm sau đó thằng Phong và tôi gia nhập một đoàn thể thanh niên. Thằng Hoàng với thằng Tùng biết việc nầy cứ nhìn hai thằng chúng tôi cười cười rồi lại nhìn nhau cười cười. Mấy hôm nay trời đã đổ thêm tuyết trắng xoá những phố phường. Người ta nói những khi trời đổ tuyết thì lại đỡ lạnh hơn. Điều nầy đúng !

Thằng Phong nhờ văn hay chữ tốt nên sau đó được giao phó công tác dạy Việt ngữ cho các em thiếu nhi một lần mỗi tuần vào ngày thứ bảy vì thế nên sinh hoạt thường xuyên, rồi còn soạn bài, chấm điểm bài nên thì giờ rảnh rỗi của nó còn lại rất ít. Càng tốt. Đỡ phải suy nghĩ lẩn thẩn và cũng sẽ quên đi “người tình nhiều màu” của một thời lãng mạn.

Tôi thì vì không tài cán gì đặc biệt, vả lại công việc làm của tôi đòi hỏi rất nhiều thì giờ nên tôi chỉ làm việc chăm trẻ em những độ nắng về, mỗi năm một hai tuần mùa hè, và cứ mỗi đầu tháng lết đến trụ sở một lần để hội họp và đóng nguyệt liễm.

Thấm thoát mà hơn một năm rồi đã lửng thửng qua. Chuyện ế vợ của thằng Phong đã dần vào quên lãng. Cho đến một ngày…

« Chiều mai tao sẽ giới thiệu tụi mày một người bạn mới. Nhưng, với điều kiện là tụi mày phải dậy sớm phụ tao quét dọn nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ. OK. » Thằng Phong nhìn chúng tôi với ánh mắt môi cười hóm hỉnh.

Hoàng ngập ngừng : « Con gái ?… »

« Chứ không lẽ con trai mà phải dọn dẹp nhà cửa à ? Mày ăn cái gì mà ngu vậy ?! » Tôi mắng át thằng Hoàng nhưng đồng thời cũng kinh ngạc không kém. Thằng Phong mà có bạn gái ư ? Quen ở đâu ? Hồi nào ? Rõ ràng là trong hội thanh niên thiện nguyện chỉ dăm ba đứa con gái, mà có bao giờ thấy thằng Phong la cà gợi chuyện đâu, lúc nào cũng thấy nó đối xử với mọi người y hệt như nhau mà. Hay là con nhỏ Thi dạy lớp cạnh bên ? Tôibắt mạch : « Con Thi phải không ? Khai mau. Thằng nầy tẫm ngẫm tầm ngầm mà kinh nhé ! »

Phong cười cười lắc đầu. Tôi khựng lại, nhưng rồi vẫn theo đà : « Trong hội thanh niên vậy ? »

Phong vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Nó chỉ bảo : « Mai thì biết. Tụi mày làm gì coi khủng khiếp vậy. Làm như trời sập hay thế chiến thứ ba không bằng. »

Chúng tôi ba đứa nhìn nhau ngơ ngác. Tối hôm đó thằng Tùng, vốn bê bối bừa bãi nhất bọn, thủ thỉ với tôi : « Tại nó thấy nhà cửa bẩn thỉu quá nên lập mưu để tụi mình dọn đó, chứ gì nữa ?! »

Điều thằng Tùng nói không hẳn là đúng vì sáng hôm sau chúng tôi phân công : thằng Tùng và tôi quét dọn nhà cửa, lau chùi… ; còn thằng Phong, thằng Hoàng lãnh phần đi chợ, nấu ăn. Phong và Hoàng đi chợ về với ê hề thực phẩm, chất đầy xe, đến nỗi cả bọn hì hục leo thang xuống thang mất đến cả mười phút mới xong. Hình như là đến chiều sẽ có khách thật vì cả tháng nữa mới là ngày tết.

Và điều thằng Tùng nói trở thành sai hoàn toàn khi chiều lơi nắng, khi thằng Phong loay hoay cả buổi để làm những món ngon vật lạ, những cao lương mĩ vị với nét mặt hí hửng và nụ cười định cư trên môi. Nó lẩm nhẩm mãi bài“Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa”bằng điệu slow-giật. Nó còn yêu cầu chúng tôi phải ăn vận cho tươm tất. Không cần… đẹp, chỉ cần tươm tất.

Thằng Tùng cũng nhào vào bếp phụ một tay và nhân tiện cũng để… dò xét thực hư. Mỗi khi chạm mặt tôi là thằng Hoàng lại thì thầm : « Lạy Trời cho có thật ».

« Thật là mày mất tao một chầu phở đấy, Cu ạ ! »

« Một chầu phở thì nhằm nhò gì ! », thằng Hoàng khẳng khái.

Tôi thấy thương cái tình cảm chân thật của bạn tôi. Chỉ có những hoàn cảnh lâm li, những trạng huống bi đát mới dễ nối liền con người với con người. Khi cùng một thứ bệnh thì người ta hiểu nhau hơn, đúng là đồng bệnh tương lân. Còn bệnh nầy là thứ bệnh nan y, như những câu thơ bất hủ của Nguyễn Bính đã đi nhẹ vào lòng người đến mãi những ngày sau :

“Nắng mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…”

Khi tôi còn đang bò nghiêng bò ngửa lau cái bàn kính thì tiếng chuông cửa reo vang. Lúc đó là bốn giờ kém mười.

Đứng trước mặt tôi là một đứa con gái : mái tóc đen ngắn, không phải kiểu demi garçon (nửa con trai) mà hẳn hòi kiểugarçon(con trai) vì hai bên thái dương hớt thật cao, đường ngôi lệch cho vạt tóc rơi qua một bên và vài sợi loà xoà làm duyên nơi cái trán cao, thẳng ; không hoa tai, chỉ một chút phấn hồng, hồng hơn một chút là màu son môi trên khuôn mặt nhỏ nhắn, đều đặn ; sợi dây chuyền mang thánh giá đơn sơ nổi bật trên nền đen chiếc áo, cùng màu với cái váy ngắn. Còn nữa, đôi giày ống màu da bò, gót không cao lắm, vừa phải…

Đứa con gái có đôi mắt mở to tròn vo. Đây là điểm dễ yêu nhất. Nhìn chung thì không đẹp không xấu – tùy người đối diện – nhưng dễ gây thiện cảm. Cô nhỏ ấp úng khi thấy tôi mở cửa, đầu hơi cúi xuống một tí, chỉ một tí thôi : « Dạ, thưa anh Phong có nhà không ạ ? »

Tôi nghe như không phải cung nhạc Vũ Thành An tối thăm thẳm vừa lướt qua tai, mà là cung nhạc réo rắt của Dân Ca, thứ nhạc đầy tình tự quê hương, và yêu đời,… yêu người.

Có lẽ tôi ngớ ngẩn lắm khi hỏi : « Cô,… cô là… bạn của thằng Phong thật ấy à ? », khiến cô nhỏ tròn xoe mắt hơn nữa rồi khúc khích cười : « Dạ ! »

Trời ơi ! Tôi chưa nghe ai dạ bằng cái giọng thánh thót dễ thương đến chừng nầy, từ thủa cha sanh mẹ đẻ cho đến ngày sau nầy tôi gặp Huyên của tôi. Tôi luống cuống : « Mời… cô vào. Tôi…, tôi gọi… Phong ngay đây ». Tiếng “thằng” vừa tới chót lưỡi, may là tôi nuốt vào kịp, nghe cái ực.

Thằng Hoàng cũng vừa từ dưới bếp bước lên, miệng huýt sáo ầm ĩ. Dợm trông “người khách lạ”, nó khựng lại, ngơ ngác… Tôi vội vàng giới thiệu : « Đây là… »

« Dạ, là Duyên ạ », cô nhỏ đỡ lời.

Thằng Hoàng vẫn còn ngơ ngác nhìn tôi : « Bạn… của Phong ? » Cũng may quá, không có chữ “thằng”. Tôi gật, con nhỏ cũng gật, nhưng khẽ thôi.

Thằng Hoàng đặt vội cái bình hoa ôm trên tay – không biết hoa gì – xuống mặt bàn, cuống quýt : « Để gọi Phong liền. Nó… mừng lắm ! »

Nói xong thì thằng Hoàng chạy vội xuống bếp, và không cần phải đợi, thằng Phong rồi thằng Hoàng và thằng Tùng tất tả có mặt ngay. Thằng Phong mỉm cười, bước đến hôn nhẹ biểu diễn lên tóc Duyên – chắc hẳn thơm lắm – rồi nhỏ nhẹ : « Sao bé tới sớm vậy ? Anh mời sáu giờ lận mà… » Trông thằng Hoàng khi nầy tôi thấy nó đầy vẻ… hào hiệp, lắm nét phong nhã, cứ như Roger Moore trong vai điệp viên đào hoa đa tình 007, thần tượng của lũ chúng tôi.

« Tại anh đó. Anh mời đến dùng cơm chiều mà nghe anh kể nhà anh toàn đàn ông, con trai không hà ; nên đến sớm phụ nấu ăn. »

Với tôi, có một điều chắc chắn và mãi mãi không bao giờ đổi thay trong cõi đời đáng thất vọng nầy, là : đàn ông Việt Nam là những người được hưởng nhiều diễm phúc nhất, được Chúa ưu ái nhất, hơn cả đàn ông Do Thái. Phụ nữ Việt Nam vạn tuế ! Vạn vạn tuế !…

Sau nầy chúng tôi được biết Duyên là hội viên của một hội sinh viên, hội nầy kết hợp với hội thanh niên – hội có thằng Phong – để sinh hoạt chung một số chương trình, trong đó có dạy Việt ngữ cho nhi đồng và Duyên cũng phụ trách phần nầy nên hai đứa tụi nó có dịp quen nhau. Có ai ngờ đâu nhỉ. Phải chi tôi cũng hay chữ để nhận nhiệm vụ gõ đầu trẻ. Tôi cũng thương con nít lắm !

Một hôm thằng Tùng bảo với tôi, khe khẽ thôi : « Vũ nầy, ví dụ như… tao muốn… gia nhập hội đoàn… Mà tao chỉ biết đàn hát thôi thì có góp phần gì được không trong…hội của mày »

« Đàn giỏi hát hay như mày mà vào hội thì tuyệt quá đi chứ. Hỏi thật nha : bộ mày cũng… muốn vợ à ? »

« … Không hẳn. Chỉ muốn sinh hoạt chút ít lúc rảnh. Yêu quê hương cũng có ! Và được quen biết thêm, nhiều bạn hơn cũng hay… Dám có ngày tao cũng gặp được người cùng chí hướng lắm chớ. Kết cuộc ai muốn nghĩ sao thì nghĩ ; riêng tao, kiếm được vợ hiền và song song đó làm được những việc hữu ích là tốt rồi. Có chết thằng Tây nào đâu. Hơn nữa, hơi sức đâu mà để ý đến con mắt, cái lưỡi của người đời.Xấu đẹp tùy người đối diện.

Tôi ngã người thoải mái trên lưng ghế dài. Chưa đủ,chơiluôn hai cái chân lên mặt bàn. Thả khói thuốc bay bổng lâng lâng. Mỗi lần tôi nhớ đến cái buổi chiều lịch sử là lại buồn cười và nghe ấm lòng. Cả bốn thằng cứ cuống lên, lăng xăng mời bánh, mời kẹo, mời nước, mời trà – thằng Phong ân cần gắp thức ăn hộ Duyên nữa – thăm hỏi, nói cười… Hôm đó thằng nào pha trò cũng duyên dáng tệ. Đó là điều lạ. Là điềm lành.

Không điều lạ sao được, vì có lần tôi đã thắc mắc : vì sao Duyên yêu nổi thằng Phong, cái anh thi sĩ cù lần ? Duyên chỉ cười :

« Ảnh có tấm lòng ».

Không điềm lành sao được vì hôm nay là ngày cưới của Duyên và (thằng) Phong.

Cả tuần nay cả bọn chộn rộn mua sắm, góp ý… cho tiệc cưới, rồi phát thiệp mời… Toàn thể thanh niên của hai hội cũng nhào vào giúp một tay. Cũng hay là tiệc cưới của chúng nó không tổ chức trong nhà hàng sang trọng như hằng tưởng mà, dễ thương hơn nhiều, được tổ chức trong một toà đại sảnh mượn của quận chúng tôi cư ngụ, và do chính tay các anh chị em bạn trong hội đứng ra làm… đầu bếp, bồi bàn, tiếp tân… Không khí hẳn phải náo nhiệt không kém, lại thân mật hơn nhiều. Vào hội còn có nhiều cái “lợi” ngoài sức tưởng tượng ấy nữa. Thích nhỉ !

Thế là một đứa đã xong. Thằng Tùng thì không phải lo lắng gì vì nó có số đào hoa : sanh nhằm cung Bay Bướm, và có sao Bướm Bay làm bổn mệnh. Thằng Hoàng thì không chừng, như nó nói : thiên tình sử của nó sẽ bắt đầu từ chiều nay…

Còn tôi. Tôi chợt thấy ánh mắt của Huyên dịu đi và nói : « Em muốn được làm vợ anh đó mà ! » Tôi yêu quá đi mất cái đồng tiền nhỏ xíu nơi má trái gần khoé môi mỗi khi Huyên cười.

 

Vũ Hạ