"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

 

Tim Vỡ Lại Lành

   Tôi chạy ùa vào nhà như cơn gió lốc. Quẳng nhẹ chiếc xách tay lên bàn, mở tủ lạnh, vừa cầm chai nước, vừa lắc lư người theo điệu hát vang lên nho nhỏ từ trong cổ họng. Thịnh quay sang nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, như đang thầm hỏi “chuyện gì mà vui quá vậy?”. Tôi xà vào chiếc ghế bên cạnh Thịnh, hí hửng:
 -Anh biết không… em mới gặp anh Tần ngoài chợ. Lúc này trông anh chàng đẹp trai ra phết, lại còn đi chiếc xe Lexus mới toanh, anh biết không…?
 -!!!!
   Im lặng và im lặng. Không nghe tiếng Thịnh, tôi dừng lại và chợt cụt hứng khi thấy cái nhíu mày và ánh mắt nghiêm khắc của Thịnh. Vừa “quê”, vừa khó chịu, tôi bất mãn đứng lên, sau khi liếc xéo Thịnh một cái. Suốt buổi, Thịnh không thèm nói với tôi một câu. Tôi cũng chẳng vừa, lấy xe đi “shopping“ cả buổi trưa, ghé qua tiệm ăn, lót dạ bằng cái một cái hambuger rồi ung dung về nhà.
   Vừa vào cửa đã chạm mặt với mẹ chồng. Bà đang loay hoay nấu cơm chiều cho Thịnh. Tôi bối rối, gượng cười trước cái nhìn soi bói và giọng nói ngọt sớt của bà:
 -Bữa nay Chuá nhật mà con cũng đi làm hả? Thằng Thịnh xót ruột vợ con cực khổ, nên cũng nhịn đói luôn chẳng ăn uống gì.
   Tôi ngập ngừng:
 -Dạ không… con đi chợ mua một ít đồ cần dùng.
   Thịnh ngồi gần đó, nhìn chăm chăm vào màn ảnh TV. Tôi vào phòng thay quần áo, khi trở ra đã thấy mẹ chồng bày thức ăn ra bàn. Nhìn vẻ mặt lạnh lùng đáng ghét của Thịnh, tôi không thể lịch sự được, nên thẳng thừng đáp “con ăn rồi” khi nghe bà cụ lên tiếng gọi “hai đứa ăn cơm đi”. Mẹ chồng nhìn sửng tôi, còn Thịnh thì mím môi giận dữ. Anh đứng lên, đi một mạch vào phòng đóng cửa rầm một cái. Vậy là tôi đành ngồi chịu trận cho mẹ chồng nói mặn, nói nhạt, mỉa mai, mai mỉa hàng giờ. Câu nào cũng ngọt ngào, mà câu nào cũng đâm thấu lồng ngực. Tôi tức lắm, nhưng không thể phân trần được gì, chỉ mong bà đứng dậy ra về để lôi Thịnh ra mà “giận cá chém thớt”. Và chiến tranh đã bùng nổ khi em gái Thịnh đến đón bà cụ. Thịnh cho là tôi coi anh không ra gì khi công khai hẹn hò với tình nhân. Tôi đỏ mặt tía tai, mắng Thịnh nhỏ mọn, ích kỷ, ghen vô căn cứ. Hai bên tranh nhau nói, tranh nhau hét, không ai chịu nghe ai…
   Đồng hồ gõ tám tiếng. Chẳng thèm nhắc Thịnh như mọi khi, tôi ra “garage” lấy xe sang nhà chị Thục rước con và cũng để trút nỗi bực tức. Đã chẳng bênh vực tôi, chị Thục còn lên lớp một tăng:
 -Em thật là vô ý, vô tứ. Tự dựng, mang chuyện gặp bồ cũ kể cho chồng nghe, lại còn ca tụng anh chàng kia hết lời, làm sao nó không nổi điên.
   Tôi vẫn bướng bỉnh:
 -Lòng dạ em ngay thẳng, không có ý bất chính nên mới thành thật nói ra. Đáng lẽ, Thịnh phải hiểu ý em, có đâu lại hẹp hòi như thế?
 -Em ngay thẳng quá cũng không phải là điều tốt. Em có nghĩ rằng, những câu nói của em đã chạm vào vết thương của chồng em không? Nó đang thất nghiệp, tìm việc làm không có mà em khoe bồ cũ của em đi xe Lexus mới toanh thì làm sao nó quảng đại với em được.
   Tôi ú ớ một lúc rồi im lặng. Chị Thục dịu giọng:
 -Trâm à! chị thấy Thịnh là người sống nội tâm nên em phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói, kẻo làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng. Như tuần trước ở nhà bác Tám, chị thấy em đem chuyện làm ăn thất bại của Thịnh ra nói trước mặt mọi người là không nên. Không một người đàn ông nào muốn người khác nghĩ mình bất tài, nhất là vợ mình. Đáng lẽ trong cơn hoạn nạn của Thịnh, em phải an ủi, thông cảm và luôn đứng sau lưng để hỗ trợ tinh thần để Thịnh có can đảm bước tới, thì em lại làm cho Thịnh cảm thấy chán nản và nhục chí. Trong giai đoạn này, tốt nhất đừng bao giờ dùng câu nói mà chị đã nghe em nói ngày hôm qua khi quyết định mua cái bàn trang điểm “em thích mua thì mua, tiền của em chứ có phải là tiền của anh đâu”. Em đã làm tổn thương tự ái của Thịnh. Bình thường không nói gì, nhưng đang lúc Thịnh không làm ra tiền mà em cố ý phân biệt tiền anh, tiền em thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng.
   Tôi ỉu xìu:
 -Em đâu có ý như vậy.
   Chị Thục nhỏ nhẹ tiếp lời:
 -Gia đình nào cũng có lúc sóng gió. Em nên suy nghĩ lại và nếu cảm thấy lời chị nói là đúng thì liệu cách mà làm hòa với chồng đi.
   Tôi cúi đầu ngẫm nghĩ những lời khuyên của chị Thục rồi tự phán tội, ừ! Thì… mình cũng “cà chớn” thiệt. Nhưng mặt mũi nào mà xin lỗi đây, mới hồi chiều còn ong óng cái miệng “được thì ở, không được thì ly dị, con này chẳng cần ai”. Tôi ngã đầu vào sofa, chưa kịp nhắm mắt lại để giảm bớt sự căng thẳng thì có tiếng giày kêu te te từ cầu thang bước xuống cùng tiếng gọi mừng rỡ của Ku Vịt.
 -Thưa mẹ.
   Tôi đón con bằng vòng tay xiết chặt và nụ hôn ngọt trên bờ má thơm tho. Thằng bé xoay đầu sang bên trái, rồi bên phải, nhón gót chân nhìn ra ngoài trước, chu mỏ hỏi:
 -Ba đâu! ba đâu hả mẹ?
   Tôi cười nhẹ:
 -Một mình mẹ đi đón Vịt được rồi.
   Ku Vịt lùi ra sau, mím môi, lừ mắt nhìn tôi:
 -Ba mẹ cãi nhau… phải không?
   Đã dạy con không được nói dối, nên tôi không thể lắc đầu. Mà xác nhận có cãi nhau thì tôi cảm thấy ngượng ngùng nên đứng dậy đánh trống lảng:
 -Mình đi về. Đến nhà sẽ gặp ba ngay.
   Ku Vịt lườm tôi thêm một phát, rồi chạy huỳnh huỵch lên cầu thang. Một phút sau, nó trở lại với giấy bút trên tay. Không nói, không rằng, nó ngồi bệt xuống đất, giang rộng hai chân, trải tờ giấy trắng xuống nền gạch, lấy cây bút đỏ, vẽ hình trái tim với mũi tên xuyên qua. Nghiêm nghị nhìn tôi và chị Thục, bằng giọng vừa giận, vừa buồn, Ku Vịt nói:
 -Broken heart. Trái tim tan vỡ rồi!!!
   Nói xong, nó đứng dậy đi thẳng một mạch ra cửa. Tôi gãi đầu nhìn chị Thục đang cố nín cười. Chị kề tai tôi nói nhỏ:
 -Trời! Vịt trở thành ông cụ non hồi nào vậy?
   Rồi chị đổi giọng nghiêm trang:
 -Thằng bé này quá nhạy cảm, nên sẽ dễ bị sốc trước những bất hòa của cha mẹ. Vợ chồng em phải cẩn thận. Cứ đấu khẩu nhau trước mặt nó là có ngày… không xong!!!

***

   Khoảng một tháng nay, cứ ăn cơm xong là Thịnh rút vào phòng làm việc và ngồi trước máy computer cho đến nửa khuya. Mới đầu tôi không để ý, vì bận kèm Ku Vịt làm bài tập, sau đó là xem phim Hàn quốc đang hồi gay cấn. Nhưng ngày hôm qua, nghe Hằng -cô bạn đồng nghiệp- kể chuyện anh rể của Hằng đang trở chứng đòi ly dị vợ sau khi gặp mặt “người tình ảo” mà anh đã “chat” trên mạng nửa năm nay, tôi mới giật mình. Gần đây, phong trào các ông kết bạn bốn phương trên mạng hoặc đổ xô về Việt Nam tìm “của lạ” đã trở nên thông dụng, biết đâu Thịnh cũng đang trở chứng. Nghĩ vậy nên tôi bắt đầu theo dõi.
   Một sáng thứ bảy, trời còn tờ mờ sáng Thịnh đã theo người bạn đồng nghiệp đi câu cá. Thịnh vừa ra khỏi cửa, tôi chạy vội sang phòng anh lục lọi các hộc tủ và mò mẫm trên computer tìm kiếm (tôi và Thịnh, mỗi người mỗi phòng từ khi có thằng Ku, vì thằng bé hay khóc đêm mà Thịnh thì phải dậy từ năm giờ sáng để chuẩn bị đi làm). Nói nghe cho oai chứ tôi đâu có rành rọt thứ máy móc mà tôi chẳng thấy thú vị gì để tìm tòi, học hỏi. Không có vết tích nào ngoài quyển vở trên bàn. Tôi lật tới, lật lui vài ba trang giấy rồi quẳng xuống.

***

 -Chẳng có gì ngoài chữ ký tên nghuệch ngoạc của Thịnh và những hình vẽ vô nghĩa.
   “Báo cáo” của tôi đơn giản thế đó, nhưng Hằng lại vô cùng “khẩn trương”:
 -À! đã có nghi vấn rồi!
 -Nghi vấn gì?
   Hằng xuống giọng phân tích cặn kẽ:
 -Chứng tỏ một sự giao động. Bà nghĩ lại xem… khi nào có chuyện gì bối rối, xúc động, người ta thường làm những động tác vô thức… thí dụ như cứ xoắn hai bàn tay lại, hay gõ cùm cụp xuống bàn. Nếu chụp được cây viết thì cứ viết, cứ vẽ chẳng ra hình thể gì. Tất cả những thứ đó là để kềm chế tâm trạng thiếu bình tĩnh…
Hằng cứ dài dòng giải thích làm tôi phát sốt ruột:
 -Ý bà là sao? Ông Thịnh bị giao động hả? Giao động chuyện gì mới được, bà…
   Hằng cắt ngang lời tôi:
 -Trời ơi! sao đầu óc bà tối mù như đêm ba mươi vậy. Những cái gì bà nhìn thấy trên tờ giấy đã tố cáo ông chồng của bà đang nói chuyện điện thoại hay đang “chat” trên mạng với người đẹp nào đó trong tâm trạng vừa hồi hộp, vừa hào hứng.
   Tôi ngớ người, lẩm bẩm:
 -À há! hèn chi đêm nào ổng cũng ngồi chết dí trong phòng, chứ không ra ngoài xem TV với tôi như hồi trước. Tôi có gọi thì ổng cứ ừ à mà chẳng thấy ló mặt ra… tại sao tôi lại không để ý đến điều bất thường này ta?
   Hằng xuống giọng thì thầm, cứ như là Thịnh đang ở gần đâu đó.
 -Bà mở computer xem email của ổng có gì lạ không… nhiều khi anh chàng hí hửng quá lại quên tắt.
 -Tôi có rành computer đâu mà mở với tắt.
 -Thiệt tình… chán cái bà nhà quê này quá!!! ủa, ông Thịnh đâu mà bà gọi tôi sớm vậy?
   Tôi dài giọng chán chường:
 -Đi câu cá rồi!!!
   Hằng reo lên:
 -Vậy à! tôi chạy qua nhà bà nha. Bảo đảm, tôi sẽ bật mí cái bí mật mà ông Thịnh đang giấu giếm bà.
   Tôi hí hửng chạy ra bếp, định pha ly cà phê uống cho tỉnh táo thì nghe có tiếng lách cách mở cửa. Thịnh bước vào giữa sự ngạc nhiên lẫn bối rối của tôi:
 -Ủa! sao anh trở về?
   Thịnh cúi xuống mở giày:
 -Trời mưa rồi, anh với thằng Hiệu…
   Không chờ nghe Thịnh nói hết câu tôi chạy vào phòng, cầm điện thoại lên bấm số.
 -Ê! đừng tới nghe… ông Thịnh về rồi.

***

   Hai ngày thứ bảy liên tiếp trời cứ đổ mưa, nên Thịnh ở nhà không đi câu và tôi cũng không thể thực hiện được ý định nhờ Hằng vào computer để giải đáp cái “ẩn số” đang làm tôi sốt ruột. Trong lòng đã có sự nghi ngờ, lại thêm Hằng cứ bàn ra, tán vào, rồi đưa ra hàng chục giả thuyết, mà giả thuyết nào cũng đầy sự lừa dối, phản bội làm cho tâm trạng tôi hoang mang, đầu óc tôi căng thẳng. Cũng vì thế mà tốc độ cãi vã càng gia tăng, vì sự cáu kỉnh vô lý của tôi. Mỗi lần tôi và Thịnh cãi nhau, Ku Vịt lại chạy vào góc tủ áo, ngồi co rúm trong đó, nước mắt đầm đìa. Nhớ lại câu nói của chị Thục “thằng bé này quá nhạy cảm nên sẽ dễ bị sốc trước những bất hòa của cha mẹ. Vợ chồng em phải cẩn thận. Cứ đấu khẩu nhau trước mặt nó là có ngày không xong!!!”, tôi cảm thấy hối hận, nhưng rồi đâu lại vào đấy.
   Có lần đón Ku Vịt từ xe bus, nhìn thấy vẻ mặt buồn hiu của nó tôi thắc mắc:
 -Chuyện gì hả con? đứa nào ăn hiếp Vịt hả?
   Nó lắc đầu, buông cái backpack xuống, nước mắt rưng rưng hỏi tôi:
 -Ba mẹ có muốn ly dị không?
   Tôi sững sờ:
 -Sao con lại nói vậy?
   Nó rơm rớm nước mắt:
 -Ba mẹ con Kathy ly dị rồi. Bữa nay vào lớp nó khóc hoài.
   Tôi xót xa, ôm con vào lòng:
 -Không bao giờ có chuyện này đâu con.
 -Vậy sao ba mẹ cứ cãi nhau hoài vậy!!!
 -…
 -Không thương nhau thì mới cãi nhau. Con Kathy nói với con vậy đó!
   Tôi dúi đầu vào mái tóc mềm mại của Ku Vịt, khẽ khàng:
 -Mẹ xin lỗi con.
   Ku Vịt vụt lùi ra sau, nhìn thẳng vào mắt tôi:
 -Mẹ hứa là không cãi với nhau ba nữa nhe!
   Tôi ngập ngừng gật đầu. Ku Vịt hối thúc:
 -Mẹ nói đi.
 -Mẹ sẽ cố gắng.
   Câu trả lời của tôi làm Ku Vịt không vừa ý, thằng bé kéo lê cái backpack vào phòng, sau câu nói rõ ràng từng chữ:
 -Ba mẹ cãi nhau hoài là con bỏ nhà đi đó!
   Tôi suýt bật cười vì thái độ “ông cụ non” của thằng bé. Cha mày! sao không tìm ông già của mày mà ra điều kiện.

***

   Sau cả tiếng đồng hồ loay hoay với cái máy computer vẫn không tìm ra manh mối nào. Hằng nhíu mày nghĩ ngợi:
 -Công nhận thằng cha này quá siêu… ém kỹ thiệt, không để lại một dấu vết nào.
   Tôi thở phào nhẹ nhõm:
 -Chắc là… ổng không có “chát chiết” gì với ai đâu!
 -Chắc không? Bây giờ mà mở được email của ổng thì biết liền.
 -Sao bà không mở thử xem?
   Hằng lườm tôi:
 -Không biết password lấy gì mà mở.
 -Ừ há!
   Dù đã hài lòng với cái kết quả “trong sáng” này, nhưng để vui lòng Hằng tôi vẫn kéo hộc bàn tìm kiếm. Thấy tấm ảnh của tôi nằm lẫn lộn giữa những tờ giấy có dòng chữ viết tháo của Thịnh, tôi đưa lên với niềm vui hớn hở:
 -Trời! hổm rày tôi tìm tấm ảnh này mà không thấy… ai ngờ ông Thịnh đem vào cất trong này.
   Hằng chụp lấy tấm ảnh, lật mặt trước, mặt sau, săm soi kỹ lưỡng:
 -Bà đoán xem ổng Thịnh đem hình bà ra đây để làm gì!!!
 -Thì… chắc là... để đêm nào nhớ tôi ổng lấy ra xem.
   Hằng nghiêm mặt:
 -Chuyện quan trọng không phải giỡn đâu.
   Nhìn nét mặt “hình sự” của Hằng tôi hơi lo:
 -Sao vậy?
 -Hồi ông anh rể tui cặp với “con đó”, chị Nga cứ bị nhức đầu. Nhức lạ lùng lắm, uống thuốc cũng không bớt, rồi thì tính tình của chỉ nóng nảy, gặp ai cũng gây. Cuối cùng, má tôi đi coi thầy thì mới biết chị Nga bị “con đó” ếm.
   Nhớ đến những cơn nóng nảy bất thường của mình tôi chợt nao núng:
 -Làm sao nó ếm được?
 -Thì nó ếm trên hình của chị Nga.
   Tôi còn đang hoang mang thì Hằng tiếp lời:
 -Tỉnh táo một chút đi bà, ở với nhau cả chục năm rồi, bộ bà tưởng ông Thịnh còn đủ lãng mạng để đem hình bà theo mà ngắm à!
 -Vậy chứ để làm gì?
 -Thì scan hình bà ra rồi gửi email cho ai đó!!!
 -Hả? chắc… không có đâu!
   Hằng nhún vai:
 -Chuyện đời đâu biết được. Có ai lấy thước mà đo lòng người… ông bà mình nói hoài bà không nghe sao?
   Tôi dựa vào thành ghế với biết bao ý nghĩ xáo trộn trong đầu óc, không còn tâm trí để nghe những lời nói của Hằng, cho đến khi cửa phòng bật mở và Thịnh bước vào với nét mặt cau có:
 -Em… làm gì ở đây?
 -Ơ!… ơ!….
   Hằng ngượng ngùng đứng dậy, gật đầu chào Thịnh rồi hấp tấp cáo từ. Tôi cũng nhanh chân đi ra bếp sửa soạn cơm trưa trong sự bối rối. Hồi sáng trời nắng ráo, sáng sủa, Thịnh nói với tôi, anh sẽ đi đến chiều tối, sao giờ này lại đột ngột trở về. Nếu bình thường là tôi đã thắc mắc đủ điều, nhưng hôm nay thì im thin thít không dám mở miệng hỏi một lời. Đã thế, còn phải suy nghĩ để trả lời sao về sự có mặt của Hằng trong phòng riêng của Thịnh. Còn đang loay hoay chưa tìm được cửa thoát hiểm thì Thịnh đã bước ra gằn giọng:
 -Ai cho phép bạn em sử dụng máy của anh?
 -Ơ! ơ… thì máy nó hư, nó cần nên em cho mượn.
 -Em biết anh đang làm gì không mà dám để nó vào máy quậy lung tung trong đó. Sao em không hỏi anh trước mà tự tiện cho nó mượn?
   Máu nóng bốc lên tận đỉnh đầu, tôi quay phắt lại:
 -Ủa! cái gì là của anh, cái gì là của em. Bộ trong căn nhà này, chỉ anh mới có quyền sao?
 -Em đừng xỉa xói kiếm chuyện. Máy của anh có bao nhiêu thứ trong đó. Hình ảnh anh đang làm tốn biết bao thời gian… mất rồi phải làm sao hả?
   Hình ảnh của ai mà Thịnh sợ mất đến nỗi phải hùng hỗ như thế? Tôi không dằn được cơn tức giận dù Ku Vịt đang vừa khóc, vừa gào:
 -Ba mẹ đừng cãi nhau nữa.. con sợ lắm!!!
 -Hừ! hình ảnh của ai mà anh quý trọng vậy chứ? Đừng chọc giận tôi. Cả tháng nay, ngày nào anh cũng đóng cửa, miệt mài trong phòng, không thèm dòm ngó gì đến vợ con để làm chuyện mờ ám.
 -Tôi làm gì mà em nói là mờ ám?
 -Làm gì thì tự anh biết. Tôi lạ gì cái thói đèo bồng của đàn ông.
   Thịnh bước tới, nhìn thẳng vào mắt tôi.
 -Em nghe ai nói gì rồi suy diễn bậy bạ phải không?
 -Cần gì suy diễn.. chuyện xảy ra mỗi ngày đủ thấy anh là người thế nào. Chẳng bao giờ anh mó tay vào chuyện nhà để phụ vợ. Việc học hành của thằng Vịt anh cũng chẳng để mắt đến. Cuối tuần, người ta đưa vợ con đi đây, đi đó, còn anh chỉ biết tìm thú vui cho riêng anh. Mỗi lần đi câu cá là đi cả ngày. Ai biết được anh đi đâu, làm chuyện gì…..
   Bao nhiêu tội tình của Thịnh tôi kể ra vanh vách. Thịnh cũng chẳng chịu thua, anh tố khổ tôi, tối ngày chỉ đua đòi với bạn bè, lo mua sắm, ăn diện chẳng biết tiết kiệm, dành dụm. Trận chiến càng lúc càng tệ hại khi Thịnh vung tay đập nát cái màn ảnh TV, vì tôi so sánh anh với Tần, người yêu cũ của tôi.
   Không thể nào tiếp tục sống với nhau nữa. Tôi nghĩ thế và sồng sộc vào phòng, kéo vali, ném quần áo của tôi và Ku Vịt vào đó rồi gọi con để ra đi. Gọi mãi không thấy Ku Vịt trả lời, tôi chạy vào phòng, lục lọi các tủ áo trong nhà, ra vườn sau cũng không thấy Ku Vịt. Chân tay tôi run lẩy bẩy khi nhớ lại câu nói của con “Ba mẹ cãi nhau hoài là con bỏ nhà đi đó!”. Tôi chạy ra phía trước, đi hết con đường dẫn ra lộ chính vẫn không thấy bóng dáng Ku Vịt. Trở vào nhà, tôi chụp lấy điện thoại để hỏi xem Ku Vịt có gọi chị Thục sang đón nó không? Không ai trả lời, tôi cảm thấy nỗi lo âu như lắng xuống. Chắc chị Thục đã đón Ku Vịt lúc tôi và Thịnh đang mải miết cãi nhau, giờ thấy tên tôi trên điện thoại, chị giận không thèm trả lời để trừng phạt cái tội tôi không nghe lời chị khuyên nhủ như từ trước đến nay chị vẫn làm. Còn đang giận, nên Thịnh không hỏi han câu nào, nhưng anh vẫn ngồi đó theo dõi từng cử chỉ của tôi.
   Tôi mở tủ lấy ly nước. Ngụm nước lạnh buốt trôi từ cổ họng xuống khiến tôi tỉnh táo hơn. Tựa cửa, nhìn những dãy hoa leo màu tím nhạt lung lay trong gió lòng tôi như dịu lại. Tôi nhớ đến Ku Vịt và thầm hổ thẹn, sao chỉ một lời hứa “không cãi nhau với ba nữa” mà tôi không làm được. Chỉ vì tự ái, nóng nảy mà tôi đã vẽ lên bức tranh tuổi thơ của con mình những áng mây u ám. Tôi cảm thấy có lỗi với con. Ku Vịt ơi! về với mẹ nhanh đi con. Mẹ muốn ôm con vào lòng, mẹ muốn lau nước mắt cho con, nhưng sẽ không bao giờ mẹ dám nói lời xin lỗi với con. Vì đã biết bao lần mẹ thì thầm câu nói ấy, nhưng rồi mẹ vẫn tái phạm. Con đừng giận mẹ, sau này lớn lên con sẽ hiểu, mọi chuyện đều do hai phía chứ đâu phải chỉ riêng mẹ làm nên cớ sự.
   Có tiếng chuông điện thoại, Thịnh nhanh chân chạy đến nhấc máy:
 -Có Ku Vịt bên nhà chị không?
 -…
 -Không có hả chị… Dạ.. tại vì…
 -…
 -Dạ… tụi em
   Tôi giằng lấy chiếc điện thoại trong tay Thịnh, có tiếng chị Thục vang lên chan chát:
 -…. Đã nói bao nhiêu lần mà không đứa nào chịu nghe…
   Tôi vừa khóc vừa nói:
 -Chị Thục ơi! bây giờ phải làm sao?…
 -Tìm kỹ trong nhà xem nó có trốn ở đâu không? Hỏi thằng bạn của nó ở cạnh nhà xem nó có sang đó không? Nếu vẫn không có thì chạy ra cái “Park” ở cuối đường. Khoảng một tiếng nữa chị mới qua được vì anh Vĩnh đang thay vỏ xe.
   Sau nửa tiếng đồng hồ tìm kiếm ở những nơi chị Thục dặn dò, tôi và Thịnh trở về nhà trong nỗi tuyệt vọng. Đang mùa đông mà mồ hôi của tôi tươm ra ướt đẫm hai bên thái dương. Tôi đưa tay giật chiếc quạt trần. Cánh quạt quay mạnh. Gió thổi tung những trang báo trên lò sưởi. Một tờ giấy trắng mỏng bị cuốn lên, lượn vòng rồi bay xuống sàn nhà. Thịnh cúi xuống nhặt lấy, nhìn thẫn thờ vào tờ giấy rồi đưa cho tôi. Cũng là hình trái tim với mũi tên xuyên qua -không biết Ku Vịt đã học từ đâu hình ảnh này- tôi gục xuống bàn nghe tim mình đau nhói. Thịnh đỡ tôi dậy, giọng ân hận:
 -Lỗi tại anh. Chuyện có đáng gì đâu mà anh lại làm ầm ĩ.
   Tôi ngã vào ngực Thịnh, khóc nức nở:
 -Là em. Em quá bướng bỉnh. Em sai rồi.
   Thịnh ôm xiết lấy tôi. Hai đứa cùng nói tiếng xin lỗi trong nước mắt.
   Khoảng mười phút sau có tiếng bấm chuông. Chị Thục tất tả chạy vào hỏi liền miệng:
 -Không có tin gì à? Có tìm hết mọi nơi không? Tìm lại một lần nữa đi, nhiều khi nó mệt rồi ngủ say nên không nghe gọi.
 -Em đã tìm khắp nơi rồi. Chắc phải báo cảnh sát chị ạ!
   Chị Thục xua tay:
 -Khoan đã, phải chờ hơn hai mươi bốn tiếng rồi mới báo… à! có tìm ngoài garage chưa?
   Tôi sực nhớ Ku Vịt hay chui vào cái nhà gỗ nhỏ để chơi trò trốn tìm, nên vội vã mở cửa với niềm hy vọng tràn trề. Len giữa hai chiếc xe và những chiếc thùng giấy chặn ngang lối vào góc trong giữa cái lạnh tê buốt chân tay, tôi gọi to:
 -Vịt ơi! Vịt ơi!
   Có tiếng khóc thút thít và tiếng kêu nghèn nghẹn:
 -Mẹ! mẹ ơi! con sợ quá.
   Tôi quỳ xuống để thấy đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình nằm khoanh tròn, run rẩy trên tấm gỗ mỏng với khuôn mặt tái xanh. Ku Vịt vừa bò ra, vừa mếu máo:
 -Ba mẹ đừng cãi nhau nữa… con sợ lắm!!!
   Tôi ôm xiết con trong tay, nói trong tiếng khóc:
 -Mẹ xin lỗi con. Không bao giờ ba mẹ cãi nhau nữa.
   Thịnh đến sau lưng tôi, vòng tay ôm lấy hai mẹ con:
 -Ku Vịt đừng sợ nữa, ba mẹ hứa từ nay sẽ không bao giờ cãi nhau nữa.

***

   Vừa bước vào phòng khách, tôi đã thấy tấm ảnh của mình treo trang trọng trên bức tường bên phải. Thịnh từ bếp bước ra tươi cười:
 -Em thích không?
   Tôi lùi lại, nhìn bức ảnh rồi cố nhớ xem đã chụp tấm ảnh này ở đâu. Cảnh vật trong ảnh thật lạ và thật đẹp làm tôi miên man suy nghĩ. Thịnh cười thích thú:
 -Lạ lắm phải không? Thôi đừng nghĩ ngợi nữa. Đây là tấm ảnh cũ của em đó.
 -Tấm ảnh ở trong hộc bàn viết của anh phải không?
 -Ừ! ảnh này em chụp trong tiệc cưới của thằng Âu đó. Em cứ nói, lâu lâu mới có được tấm ảnh đẹp mà lại dính ông bồi bàn vào, rồi trên bàn thì chén dĩa tùm lum. Biết em thích, nên anh đã tìm tòi học photoshop để cắt những cái em không thích bỏ ra, rồi thay vào chỗ đó là một bình hoa và và ghép chung với một cảnh đẹp lấy trên internet. Anh miệt mài cả tháng trong phòng, mà phải đóng kín cửa vì sợ em bắt gặp thì còn gì là “surprise”. Vậy mà em nỡ nghi ngờ anh.
   Tôi xấu hổ, tựa đầu vào vai Thịnh lí nhí:
 -Em xin lỗi anh!
   Thịnh vỗ nhẹ bàn tay tôi:
 -Không có gì là lỗi phải. Nhưng mỗi khi nhớ đến chuyện hôm đó anh thật hãi hùng. Nếu như thằng Ku Vịt đi ra đường, rồi tai nạn xảy ra cho nó thì mình có hối hận cả đời cũng không sao xóa hết tội lỗi, nên anh chỉ muốn nhắc nhở em, cũng như nhắc nhở với chính anh rằng, tương lai của con có tốt đẹp hay không cũng bắt nguồn từ mái gia đình có hạnh phúc hay không? Ngoài lòng thương con, mình phải có thêm lòng hy sinh. Hy sinh tự ái, hy sinh cái tôi đáng ghét, hy sinh những thú vui cá nhân nữa. Em đồng ý không?
   Tôi vòng tay ôm ngang bụng Thịnh:
 -Em mà dám không đồng ý hả?
   Có tiếng Ku vịt cười khúc khích với chiếc máy ảnh nhỏ xíu trên tay:
 -Ba mẹ cười đi!

Ngân Bình