"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Người Đàn Bà Xấu Xí

Nếu có ai hỏi tôi thích bộ phim nào nhất thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời, đó là bộ phim "Cô Gái Xấu Xí". Tôi đã thương nhân vật Huyền Diệu như thương chính bản thân mình, bởi cô gái đó đã nói dùm tôi nhiều điều mà tôi chưa bao giờ nói được, dù nó đã ẩn kín trong tâm hồn tôi suốt mấy mươi năm. "Cô Gái Xấu Xí" có một kết cuộc có hậu, nhân vật nữ đã trở nên xinh đẹp và tìm được một tình yêu chân thật.
Nhưng tôi thì sao...
Nước mắt của tôi chắc cũng đã thành suối, thành sông kể từ ngày tôi nhìn vào gương để nhận biết mình xấu hơn tất cả những bạn bè trong lớp học, trong con hẽm nhỏ có căn nhà tôi trên đó, để mặc cảm nhan sắc mãi theo tôi từ tuổi ấu thơ. Năm tôi lên sáu tuổi, con bé Tiểu Ly, bạn thân nhất của tôi trong lớp một, đã hất món đồ chơi mà tôi mang tặng cho nó "tao không chơi với mày nữa, mẹ tao nói mày xấu lắm, xấu đau xấu đớn". Mới sáu tuổi, con nhỏ bạn tôi đã phun ra những lời nói ác độc từ đôi môi hồng xinh xắn. Mới sáu tuổi, tôi đã ôm lấy nỗi đau, chạy vào trong phòng tắm khóc một mình. Rồi từ đó, câu phê bình tàn nhẫn nhưng có lẽ cũng chính xác nhất đã bám lấy tôi từng ngày, từng tháng, trong từng giấc ngủ, để tôi cứ nằm mơ thấy mình gặp được bà tiên cho tôi một điều ước duy nhất và tôi ước mình trở thành cô gái xinh đẹp. Nhưng rồi... khi tỉnh giấc, hình ảnh cô gái xấu xí trong chiếc gương trước mặt tôi vẫn không thay đổi.
Từ sau câu nói của cô bạn bé bỏng, tôi không có thêm một người bạn gái nào nữa. Người bạn duy nhất mà tôi có được là Lạc, con trai của bác Năm hàng xóm. Với Lạc, tôi cảm thấy rất thoải mái. Chẳng bao giờ nó để ý mặt mũi tóc tai, quần áo tôi ra sao? Không có bạn, dĩ nhiên tôi rất cô độc, nên thường đi theo Lạc nhập bọn với đám con trai cùng trang lứa. Tôi không tham gia những trò chơi mạnh bạo, nhưng tôi có thể thả nỗi buồn của tôi trôi theo những tiếng hò hét, cười đùa và đôi khi chửi bới nhau một cách rất hung hăng của bọn họ.
Năm mười ba tuổi, mẹ không cho tôi theo chơi với "lũ con trai vô tích sự" ấy nữa (chữ mẹ tôi thường dùng) mà phải ở nhà theo mẹ "trau dồi" công ngôn dung hạnh (chắc là để bù đắp khuyết điểm quá to lớn của tôi, vì mẹ thường nói "cái nết đánh chết cái đẹp" (nhưng mẹ không biết rằng, phải đến gần thì người ta mới biết được cái nết, mà muốn được người ta đến gần thì điều kiện đầu tiên là phải đẹp). Từ đó, thỉnh thoảng Lạc ghé qua nhà tặng tôi trái ổi vừa hái trộm hay ly nước mía là món tôi ưa. Mẹ tôi rất thích Lạc. Có thể trong ý nghĩ mẹ cũng thầm ao ước sẽ có một tình cảm nẩy nở giữa đứa con gái xấu xí của mẹ và đứa con trai của bà hàng xóm -cái bà hàng xóm mà mẹ không có chút cảm tình vì cái tội lắm mồm của bà- để con gái của mẹ sẽ quên đi cái mặc cảm xấu xí làm đau lòng ba, xót xa lòng mẹ, những người đã từng nghĩ rằng mình có góp phần làm nên sự bất hạnh cho đứa con gái thương yêu.
Tôi và Lạc thường có những buổi tối ngồi cạnh nhau dưới gốc cây trứng cá phía trước nhà tôi. Vài người hàng xóm đi ngang qua nhìn chúng tôi bằng cặp mắt tò mò. Vài đứa con gái nhìn tôi cười mỉm -nụ cười mang ý nghĩa mỉa mai "xấu như ma cũng bày đặt có bồ". Nhưng nếu ai có đủ can đảm để nấp phía sau lưng chúng tôi thì sẽ biết đôi trai gái này đang tâm sự hoặc tình tứ ra sao?
-Trái ổi Lạc cho tui hồi chiều chát ngắt hà!
-Con nhỏ cà chớn, mày có biết vì trái ổi đó mà hồi chiều tao bị chó rượt, chạy muốn sút quần không?
-Ai biểu? Tui có khiến ông đi ăn cắp đâu mà nói!
-Hừ! tại tao muốn... chứ cỡ mày mà khiến được tao hả? Cứ tưởng mình là người đẹp trong tranh à?
Lạc không nói tôi xấu mà cứ như chê tạt vào mặt tôi. Nhưng tôi không giận, vì biết Lạc không có ý châm biếm. Bởi vì, Lạc nói thì không sao, nhưng nếu ai chê tôi xấu xí mà Lạc nghe được là sẽ phải ăn đòn.
Cứ thế tình bạn của chúng tôi ngày càng thêm thân thiết. Đến năm tôi mười bảy tuổi, gia đình chúng tôi may mắn được cơ hội đi Mỹ theo diện HO của ba. Khoảng hai tháng trước ngày đi, một buổi chiều, tôi đang đọc quyển truyện Lạc vừa cho mượn ngày hôm qua thì Phi Tâm -em gái tôi - từ ngoài sân hồng hộc chạy vào nhà, kéo tay tôi, khuôn mặt đỏ rần vì tức giận:
-Hai! Hai có nghe má anh Lạc nói gì với hàng xóm không?
-Nói gì?
-Bả nói bả hỏi cưới Hai cho anh Lạc là tại vì muốn đưa anh Lạc qua Mỹ, chứ xấu xí như Hai đâu có xứng với con trai của bả.
Quyển sách trên tay tôi rơi xuống. Hai tai tôi lùng bùng những âm thanh kỳ quái. Tôi chạy xuống bếp tìm mẹ, vừa khóc vừa hỏi:
-Tại sao lại có chuyện này hở mẹ?
Mẹ luống cuống suýt đổ cả tô canh đang cầm trên tay. Ba tôi ở trên gác, nghe thấy tiếng lao xao dưới nhà chạy xuống ngơ ngác hỏi:
-Chuyện gì? tại sao Phi Linh khóc?
Phi Tâm một lần nữa nhắc lại câu nói tàn nhẫn đó. Tôi xô cửa chạy ra sau vườn. Có tiếng ba la hét trong nhà. Tôi gục đầu xuống giữa hai đầu gối, nước mắt nhòe nhẹt trong nỗi đau xé lòng. Một nỗi đau đã dồn nén bao nhiêu năm chợt bùng lên làm tê buốt mọi cảm giác trong người tôi. Niềm an ủi duy nhất mang tên Lạc của tôi đã đánh ngã tôi một cách độc ác. Tôi oán ba mẹ đã tạo ra tôi với một hình hài xấu xí. Tất cả những gì đẹp đẽ của ba mẹ, chiếc mũi cao, đôi mắt to tròn đen láy, nước da trắng nõn, dáng dấp cao ráo, thon thả đã được Phi Khanh và Phi Tâm chia nhau mà hưởng, còn lại tôi là màu da đen xạm, chiếc mũi gãy, đôi mắt ti hí và cái vóc dáng tròn trĩnh như hạt mít. Sao ông trời lại bất công với tôi như thế. Cả ba mẹ nữa, khi sinh con ra, thấy con xấu xí sao ba mẹ không vất vào sọt rác để con khỏi phải cả đời mang lấy sự bất hạnh, buồn tủi. Tôi khóc nức nở. Khóc đến khan cả cổ họng, sưng cả mắt.
Từ hôm đó tôi thu mình trên căn gác hẹp nóng như thiêu đốt, mặc những lời nài nỉ của ba, lời xin lỗi của mẹ "vì mẹ nghĩ là con và thằng Lạc thương nhau nên khi má thằng Lạc đề nghị là mẹ đồng ý... và hứa là sẽ bàn lại với con. Nhưng đâu ngờ má của nó miệng mồm ác độc". Tôi tránh mặt Lạc cho đến ngày cùng gia đình lên đường sang Mỹ. Lúc vào phi trường, Phi Tâm đưa cho tôi mảnh giấy có những dòng chữ của Lạc.

Phi Linh,

Tao muốn nói với mày "thằng Lạc này là thằng phá làng phá xóm nhưng chưa nói bậy bao giờ". Tao với mày là bạn từ hồi năm tuổi. Bây giờ, mười hai năm sau cũng vậy. Tao rất quý tình bạn giữa tao và mày. Tao không bao giờ muốn mất đi. Bị mày hiểu lầm tao đau lắm.
Tao nói rõ ràng, tao thương mày chứ không yêu mày và tao biết mày cũng không bao giờ yêu tao. Chỉ tại hai bà già không hiểu chuyện nên tự nhiên tao trở thành "kẻ thù" của mày. Rất tiếc, người chê mày xấu là má tao, chứ nếu là người khác... chắc mày biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Cuối cùng, dù ai chê mày xấu cỡ nào, trong mắt tao mày vẫn là đứa bạn đẹp nhất và dễ thương nhất của tao...

Tôi tin Lạc, vì hơn mười năm làm bạn với nhau chưa bao giờ Lạc nói dối với tôi. Lòng tôi chợt nhẹ hẫng trong nỗi vui bất chợt. Tôi xếp giấy lại mỉm cười vu vơ. Phi Tâm nhìn tôi rất lâu. Chắc trong lòng nó đang thắc mắc, có thật là giữa tôi và Lạc không có gì? Nhưng nếu đọc được lá thư này -lá thư của người con trai mười tám tuổi, gửi cho cô bạn gái mười bảy tuổi trong giờ phút ly biệt với danh xưng mày, tao thì nó sẽ nghĩ gì? Điều đó tôi thật tình không biết. Nhưng có điều tôi biết rõ, nếu tôi là một cô bé xinh đẹp thì hàng chữ mở đầu trong lá thư sẽ là "Phi Linh yêu dấu của anh"....

***

Sang đến Mỹ....
Tôi và Tiền quen nhau khi hai đứa cùng tham gia công tác thiện nguyện trong nhóm thanh niên phật tử. Tiền dành cho tôi nhiều cảm tình và đối với tôi rất tốt. Tôi cũng mến Tiền qua tính tình vui vẻ, cởi mở và lòng nhiệt thành trong mọi công việc. Chúng tôi cùng nhóm nên thường đi chung trong những chuyến công tác.Tôi đối xử với Tiền tự nhiên, thoải mái như những bạn bè khác, nhưng rất nhiều lần tôi bắt gặp cái nhìn lạ lẫm của Tiền. Cái nhìn đã đôi lúc làm xao động giấc ngủ bình an của tôi. Nhưng sau vết thương từ câu chuyện của Lạc, tôi luôn tự nhắc mình phải đóng khung tình cảm trong lằn ranh đã vạch sẵn. Tôi không thể để mình bị tổn thương một lần nữa. Ngày trước, may mắn là tôi không yêu Lạc, nên nỗi buồn chóng rơi vào quên lãng. Mai này, biết tôi có còn cái may mắn đó nữa không?
Khi Tiền nói lời tỏ tình, tôi bị choáng váng bất ngờ. Tôi bỏ ra về ngay khi vừa đến địa điểm công tác. Tiền gọi điện thoại nhắn lời xin lỗi. Anh bảo tôi hãy xem như anh chưa từng nói gì và mong mỏi tôi hãy trở lại. Nhưng làm sao có thể "xem như anh chưa từng nói gì" khi trái tim tôi cũng rộn ràng rung động. Hình như tôi đã quên bẵng điều mà bấy lâu tôi đã tự cảnh giác "mình là một cô gái xấu xí, sẽ không có ai yêu thương mình thật lòng".
...Cuối cùng thì sự kiên nhẫn và tấm lòng tha thiết chân thành của Tiền đã đánh ngã cái thành trì kiên cố mà tôi đã dựng lên chung quanh mình. Tôi hỏi Tiền:
-Tại sao anh có thể yêu thương một người con gái xấu xí như Linh?
Tiền trả lời bằng ánh mắt nồng nàn:
-Anh yêu Linh... không cần cái vóc dáng bên ngoài. Bởi hơn ai hết anh là người thấu suốt tâm hồn của Linh qua những năm dài anh và Linh làm việc sát cánh bên nhau. Tấm lòng nhân hậu, khoan dung của Linh đã lấn át mọi thứ khác nơi con người của Linh.
Tôi che miệng cười ngặt nghẽo để che dấu nỗi xúc động:
-Tiền nói chuyện giống mấy anh kép cải lương sắp xuống vọng cổ quá!
Tiền nghiêm mặt:
-Linh đừng chế nhạo anh. Tình yêu anh dành cho Linh là thật.
-... Nhưng... gia đình anh sẽ chống đối, bởi có người mẹ nào lại không muốn có một cô dâu xinh đẹp? -Mẹ anh thường nói "cái nết đánh chết cái đẹp". Anh tin rằng... mẹ anh có thể không đẹp mắt nhưng sẽ rất đẹp lòng. Em hãy tin anh và nhận lấy tình yêu của anh. Đây là những lời cầu hôn chân thật nhất của anh.
Có nằm mơ tôi cũng không tin rằng sẽ có một ngày mình được mặc áo cô dâu đi bên cạnh chú rể cao lớn và tuấn tú như Tiền.

***

Rồi chúng tôi cưới nhau và cùng nhau sống một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Nhưng chẳng được bao lâu thì tình hình kinh tế khó khăn, chúng tôi cũng không thoát khỏi vòng xoáy ấy.Tiền bị thất nghiệp, lặn lội tìm việc nhưng mãi vẫn không có nên theo lời rủ rê của bạn bè, anh đi về miền biển theo tàu đánh cá. Tiền bạc anh kiếm được khá nhiều nhưng hạnh phúc gia đình lại bắt đầu rạn nứt theo những lời dèm xỉm của bạn bè -những người bạn không hề biết đến hai chữ tế nhị trong lời nói. Anh bắt đầu uống rượu và hay nổi nóng với tôi vì những chuyện không đâu.
Một lần anh về nhà kéo theo vài người bạn. Tôi nhanh nhẫu chạy ra mở cửa, vồn vã chào đón mọi người. Nhưng vừa bước vào bếp tôi đã nghe có tiếng xì xào:
-Ê! Tiền, bà xã mày họ Chung hả?
Tiền thật thà:
-Bả họ Trương chứ họ Chung hồi nào!
-Vậy mà tao tưởng bả có họ hàng với bà Chung Vô Diệm.
Cả đám cười ha hả. Chiếc ly đang cầm trên tay tôi rơi xuống đất. Tiền im lặng. Những tiếng cười tắt ngang. Khi bạn bè ra về, tôi nghĩ Tiền sẽ nói vài lời an ủi tôi, vì anh thừa thông minh để hiểu rằng người bạn nào đó đã chạm vào nỗi đau của tôi. Nhưng không, anh trở giọng gắt gỏng:
-Mai mốt có bạn tôi đến... làm ơn vào phòng… ở trong đó dùm tôi.
Tôi nhìn Tiền như muốn nổ tung tròng mắt. Chồng tôi đây sao? anh đã trở thành một con người vô tâm từ bao giờ vậy? Tôi cố đè nén mà nước mắt vẫn rơi ướt cả ngực áo.
Một lần khác Tiền bảo tôi sắp xếp để cuối tuần đi dự đám cưới của bạn anh. Tôi biết Tiền dạo này bắt đầu để ý đến sắc vóc của tôi, nên đã bỏ thì giờ đi mua sắm quần áo và tập tành thoa son, đánh phấn. Khi tôi bước ra xe, Tiền nhìn tôi có vẻ hài lòng. Hai vợ chồng trò chuyện rất vui vẻ trên đường đi. Nhưng khi trở về thì mặt anh hầm hầm:
-Từ rày sắp tới đừng bày đặt son phấn làm trò hề cho thiên hạ cười.
Tôi sững sờ nói không ra lời:
-Ơ... ơ…!!!
-Ơ... ơ cái gì... xài son phấn mà cứ như quét nước vôi lên tường, thật xấu hổ.
Làm sao Tiền biết những chuyện vặt vãnh này nếu như những lời phê phán đầy ác ý của ai đó không lọt vào tai anh. Tiền không cố ý nhưng anh lại dễ bị chao đảo vì những lời bình phẩm của người khác. Và khi cảm thấy bị bẻ mặt thì anh quay lại, buông ra những câu nói như xát muối vào lòng tôi. Ngày xưa Tiền đã nói "anh cần đẹp lòng chứ không cần đẹp mắt" nhưng bây giờ, tôi đối với anh... hình như... mắt chẳng đẹp mà lòng cũng chẳng ưng.
Tôi đã từng nghĩ đến chuyện sửa sắc đẹp. Nhưng với tôi, mổ xẻ là chuyện kinh khủng nhất. Từ bé đến lớn, cứ mỗi lần đến phòng răng, nha sĩ chưa chạm đến chiếc răng đau là tôi đã khóc thét lên vì sợ hãi. Đã vậy, hình ảnh chị Nhã, người bạn đồng nghiệp của tôi với chiếc mũi độn cao hơi lệch về một phía làm cho khuôn mặt chị như bị méo đi khiến tôi càng nhất quyết gạt bỏ ý định này. Cuối cùng, điều tôi nghĩ đến là câu nói của chị Hải -vợ người bạn thân của Tiền- tuy gặp nhau chỉ có hai lần nhưng chị đã dành cho tôi một cảm tình rất đặc biệt:
-Em nên thu xếp lại chứ vợ chồng mà sống xa nhau hoài không tốt đâu. Với lại, cũng nên có một đứa con để giữ hạnh phúc gia đình. Coi vậy chứ đứa bé giữ chân cha nó chắc ăn hơn mình nữa đó em.
Tôi đề nghị Tiền nên trở về tìm việc làm ở đây để vợ chồng hôm sớm có nhau, nhưng Tiền không đồng ý. Anh nói, về đây, dù có việc làm đi nữa đồng lương cũng chẳng bao nhiêu so với số tiền anh kiếm được với công việc hiện tại. Biết khó lay chuyển quyết định của Tiền nên tôi ngỏ ý muốn dọn theo anh, nhưng Tiền cũng quyết liệt từ chối với lý do tôi không thích hợp nơi đó. Tôi ngạc nhiên hỏi Tiền:
-Bộ anh tưởng em là tiểu thư đài các hay sao?
Tiền im lặng cúi đầu. Cái cúi đầu mất tự nhiên của Tiền khiến tôi chột dạ. Nửa đùa, nửa thật, tôi vừa cười, vừa hỏi Tiền:
-Hay anh sợ người khác biết anh đã có vợ?
-Đừng vớ vẩn nữa, mệt quá đi!
Tiền nói nhưng tránh ánh mắt của tôi bằng cách đứng lên đi vào phòng. Tôi không phải là người có tính đa nghi nhưng nếu nói tôi không nghĩ ngợi gì về thái độ của Tiền là tôi đã không nói thật lòng mình.
Đến mùa hè, thời gian hãng cho tôi nghỉ phép cũng là thời gian Tiền bận rộn túi bụi với công việc. Tôi đã âm thầm xuống thăm Tiền không báo tin trước. Nơi Tiền ở là một dãy phòng nhỏ nằm trong khu đất rộng thênh thang có căn nhà to lớn, tuy cổ kính nhưng khá khang trang của người chủ tàu. Khi tôi đến, Tiền đi biển chưa về. Chị Hải mừng rỡ chạy ra đón tôi rồi đưa sang nhà chị và cho biết phải chờ đến chiều mai tàu mới về. Đêm đó, hai chị em ngồi trò chuyện đến khuya. Trong câu chuyện, tôi cảm nhận hình như chị muốn nói một điều gì đó rồi lại thôi và nhiều lần như thế. Nhưng tôi vốn rất dè dặt và cẩn tính nên không tò mò, han hỏi dù trong lòng có chút thắc mắc.
Buổi sáng, khi tôi thức giấc, chị Hải vẫn còn ngủ say vì đứa con nhỏ đêm qua khóc quấy đến gần sáng. Tôi rón rén bước ra ngoài, đi dọc theo hàng rào, ngắm những chậu rau thơm xanh rờn và cả một rừng hoa tươi thắm, rực rỡ trong những chầu sành đủ màu đẹp mắt. Có tiếng người từ phía sau tôi:
-Chị là vợ anh Tiền?
Tôi quay lại nhìn cô gái đang đứng trước mặt tôi trong bộ quần áo thể dục bó sát người. Cô không đẹp lắm nhưng màu da nâu, đôi mắt long lanh và hai đồng tiền nhỏ xíu làm tăng nét duyên dáng trên khuôn mặt. Câu hỏi của cô và ánh mắt soi mói làm tôi hơi khó chịu, nên chỉ gật đầu chứ không trả lời.
-Nghe mấy anh làm ở đây "bàn tán" về chị hoài, bữa nay... mới biết!!!
Có thể xem đây là một lời khiêu khích chăng khi tôi và cô ta chưa từng biết nhau? Tôi định hỏi "cô biết gì?" thì chị Hải đã ra đến, vui vẻ chào hỏi:
-Chào “cô chủ nhỏ”. Hai người nói chuyện gì đó?
Cô ta liếc nhẹ chị Hải rồi bỏ đi. Tôi nhìn theo. Có cái gì không ổn trong đôi mắt của cô ta, nụ cười gượng gạo của chị Hải và nỗi hồi hộp bất chợt trong lòng tôi.
Khi Tiền trở về, câu hỏi đầu tiên của anh như muốn đuổi tôi quay trở lại nhà:
-Xuống đây chi vậy?
Nụ cười mừng vui chưa nở tròn trên môi tôi đã chợt tắt. Chị Hải lên tiếng như để phá tan bầu không khí ngột ngạt:
-Ông Tiền này... bộ mệt quá rồi sảng hay sao mà hỏi câu lảng nhách vậy?
Tiền không đáp, cúi đầu đi thẳng ra phía sau.
Buổi chiều, khi ông chủ tàu mời tất cả mọi người ăn bữa cơm chiều, tôi gặp lại cô gái. Trước mặt tôi, cô săn sóc đặc biệt cho Tiền như một sự cố tình để trêu chọc tôi. Tiền vẫn giữ thái độ im lặng. Còn tôi, tôi đã đóng trọn vẹn vai trò người vợ khéo léo, vui vẻ với mọi người để trả lời từng câu hỏi của ông chủ và những bạn đồng nghiệp của Tiền mà tôi chưa từng gặp mặt một cách nhỏ nhẹ, dịu dàng. Tôi không biết những người chung quanh nghĩ gì, nhưng trong đôi mắt trìu mến của chị Hải, tôi đọc được sự thương hại và an ủi rất thầm. Bây giờ thì tôi hiểu những câu nói úp mở, quanh co của chị Hải vào buổi sáng và thái độ của "cô chủ nhỏ". Tôi biết, mình sẽ phải đối đầu với một tình địch bản lãnh và ngang ngược qua cái nhìn kiêu hãnh và đầy thách thức của “cô chủ nhỏ” -con gái ông chủ tàu.
Những ngày sau đóTiền đối với tôi bằng thái độ im ỉm có phần lạnh nhạt. Bây giờ tôi biết mình đã sai khi không nghe lời khuyên nhủ của mẹ "Vợ chồng mà cứ sống mỗi đứa một nơi thì cũng có ngày sinh chuyện". Buổi tối cuối cùng bên nhau để sáng hôm sau tôi trở về nhà bắt đầu đi làm trở lại, tôi nói với Tiền:
-Em nghĩ, tốt nhất anh nên trở về với em tìm việc làm khác. Em thấy công việc này quá vất vả với anh. Vã lại, mình cưới nhau cũng lâu rồi, đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện con cái.
Tiền xoay lưng về phía tôi, gạt ngang:
-Thôi ngủ đi... chuyện gì tính sau.
Tôi nằm cạnh bên Tiền mà như xa nhau nghìn trùng. Cái khoảng cách giữa hai đứa chỉ vừa một gang tay mà tôi với không tới để vuốt nhẹ chiếc lưng trần của Tiền như tôi đã từng làm như thế.
Khi về nhà, tôi gọi điện thoại cho chị Hải để xin chị cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra giữa Tiền và “cô chủ nhỏ”. Không giấu giếm nữa, chị Hải đã kể tất cả cho tôi nghe. Qua câu chuyện tôi được biết, “cô chủ nhỏ” đã từng bỏ nhà đi với bạn trai từ năm mười tám tuổi. Cô cũng đã từng hút xách, từng phá thai. Khi chán nếp sống bụi đời vì không có tiền ăn xài, cô trở về sống với cha mẹ. Lần đầu tiên gặp Tiền, cô đã tỏ vẻ yêu thích anh ngay nên không ngần ngại tấn công Tiền một cách lộ liểu. Người đã nhiều lần chê bai tôi và nói với Tiền "vợ ông không xứng với ông chút nào" là anh trai của cô ta. Thấy Tiền đẹp trai lại thật thà, anh muốn gán ghép cô em đã hư hỏng của mình cho "chú nai tơ", bất chấp việc Tiền đã có gia đình. Còn Tiền, tuy hiền lành tốt bụng nhưng lại sốc nổi, tự ái, thường bị ảnh hưởng của bạn bè và sẵn sàng làm theo lời thách thức của họ bất chấp hậu quả.
Trước khi chấm dứt câu chuyện, một lần nữa chị Hải khuyên tôi nên có con để Tiền có trách nhiệm với gia đình hơn. Lời khuyên rất hợp lý của chị Hải đã bị Tiền phản bác bằng câu nói phũ phàng:
-Có con làm gì, một người xấu xí chưa đủ sao? Nếu em chắc rằng đứa con em sinh ra sẽ xinh đẹp như con người ta thì anh bằng lòng?
Ngàn mũi tên bắn trúng trái tim tôi chắc cũng không đau đớn bằng lời nói cay nghiệt của người chồng tôi hết dạ thương yêu.
-Sao anh có thể nói như vậy? Trước khi lấy nhau anh đã nhìn thấy em và biết rõ ràng em không phải là cô gái xinh đẹp. Nếu anh không thể chấp nhận hay xấu hổ vì có một người vợ xấu xí thì anh cưới em làm gì?
Tiền hét lên:
-Im đi... đủ rồi, đừng lải nhải nữa.
Tôi biết mình có tiếp tục hòa nhã, ngọt ngào bao nhiêu nữa cũng không thể làm cho Tiền nhận ra sự nhẫn nhịn chịu đựng của tôi, nên sẵng giọng:
-Anh đừng tưởng em không biết chuyện gì đã xảy ra nơi đó. Sao anh không nói thẳng với em rằng, anh thấy em xấu vì anh đã có người đàn bà khác xinh đẹp hơn em.
-Cô đừng vu oan cho tôi.
-Anh hãy chứng tỏ mình là một người đàn ông đi. Hãy can đảm nói thẳng nói em rằng...
Tôi nghẹn lời và bật khóc. Bên kia đầu dây có tiếng xì xào như thúc hối, như giành giựt. Vài giây sau, giọng nói chanh chua của “cô chủ nhỏ” vang lên:
-Tôi là Lam... tôi xin thay mặt anh Tiền để nói cho chị biết là những gì chị đã nghe chị Hải thóc mách là đúng. Tôi và anh Tiền yêu nhau. Anh Tiền muốn ly dị chị để cưới tôi. Nếu tôi là chị, tôi sẽ biết thân phận mình mà rút lui cho êm đẹp. Chị nghĩ lại xem, một người đẹp trai như anh Tiền mà đi bên cạnh người vợ xấu xí như chị thì tội nghiệp anh ấy biết chừng nào. Anh Tiền nhờ tôi nói với chị... làm ơn tha cho ảnh đi...
Tôi buông máy xuống, cả vũ trụ như sụp đổ trước mắt.
Những ngày tiếp theo đó, hằng đêm tôi đã khóc cạn nước mắt trên chiếc giường trống trải, mòn mỏi chờ đợi Tiền trở về hoặc gọi điện thoại để nói với tôi rằng, đó chỉ là những lời bịa đặt của cô gái quá quắc ấy. Nhưng không... bóng Tiền vẫn biền biệt trong sự chờ đợi vô vọng của tôi. Chị Hải khuyên tôi nên gọi Tiền và mở choTiền một con đường để anh trở về, vì Tiền không phải là người vô lương tâm mà chỉ mê muội nhất thời.
Nhưng...
Tôi là một người đàn bà thiếu nhan sắc nhưng có thừa lòng tự trọng. Tôi nhất quyết không gọi Tiền để nài nỉ, van xin, vì tôi không phạm một lỗi lầm nào khi làm vợ của Tiền. Nếu có chăng thì chỉ là cái lỗi quá xấu xí để chồng phải mất mặt với mọi người. Và đau đớn thay, đó là một lỗi lần mà cho đến hết cuộc đời tôi không thể nào sửa chữa được.
Tôi cam lòng ôm lấy nỗi đau một mình cho đến khi được tin ba đột ngột qua đời. Tôi tưởng mình có thể chết đi được trong những cơn sóng đời dồn dập không chút nương tay. Nhưng khi nghe tiếng khóc than thê thiết của mẹ, tôi như sực tỉnh và chợt nghĩ , mình có thể về với mẹ và ở bên cạnh mẹ hết quãng đời còn lại mà không bị vướng bận vì một người nào. Đó chẳng phải là một cơ hội để tôi có thể đền đáp tấm lòng yêu thương mà ba mẹ đã dành cho tôi mấy mươi năm nay sao? Có thể đó là lời tự an ủi gượng gạo, nhưng ít ra, tôi biết sự có mặt của tôi -người đàn bà xấu xí- sẽ mang đến cho mẹ những ngày tháng ấm cúng và có ý nghĩa trong tuổi xế chiều.
Dù tôi đã dặn dò mình phải quên hết những đau buồn ngày cũ để có thể sống một cuộc sống vui vẻ, nhưng trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, tôi vẫn ngậm ngùi cay đắng khi nghĩ rằng...
Với tình bạn, Lạc đã bảo vệ tôi cho đến cùng nếu có ai chạm vào nỗi đau của tôi.
Với tình vợ chồng, Tiền đã khoét sâu hơn vào vết thương mà người khác đã để lại cho tôi.
Tôi bỗng ao ước được gặp lại Lạc. Lạc ơi! bây giờ Lạc đang ở đâu?

Ngân Bình