"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 


Cha Và Con

Những ngày đầu tiên khi vừa đến Mỹ,
Cha và con vất vả một đoạn đời,
Trong nỗi đau lạc loài không có mẹ,
Tình của cha, con đã nhận gấp đôi.

Hình ảnh đầu tiên của nước Mỹ đến với tôi vào một buổi tối đầu Đông, trời lạnh đầy tại một phi trường nhỏ bé hiu quạnh của thành phố Liberal tiểu bang Kansas.

Từ một chiếc máy bay nhỏ chở được 12 hành khách nhưng về tới Liberal chỉ còn 3 bố con tôi.

Khi chúng tôi bước ra khỏi máy bay gió lạnh thổi vào mặt, vào người, cô nhân viên vừa hướng dẫn cho máy bay hạ cánh cũng chính là người dẫn chúng tôi vào phòng tiếp đón. Tất cả những hình ảnh ấy đơn điệu và tẻ nhạt không như tôi tưởng tượng khi đang ở đảo Mã Lai rộn ràng náo nức đợi chờ ngày đến Mỹ.

Tôi chỉ là một con bé 13 tuổi nỗi đau mất mẹ chưa xa, đến Mỹ trong khung cảnh này làm sao tôi không thấy mủi lòng! Bố tôi hai tay xách hành lý, tôi dắt em Sơn bước ra khỏi cánh cửa phòng đợi là thấy một đám khoảng chục người Việt Nam xa lạ đang chờ đón chúng tôi, họ là những người đến trước làm công việc đón tiếp kẻ đến sau.

Đêm ấy chúng tôi về một căn apartment nghèo nàn xấu xí mà họ đã thuê sẵn, có một ít đồ đạc do hội từ thiện cung cấp. Họ chiêu đãi chúng tôi một nồi cháo gà nóng hổi và thơm phức, đây là bữa ăn đầu tiên trên nước Mỹ, có lẽ vì suốt những chuyến bay từ Mã Lai cho đến Mỹ, chúng tôi phải ăn những món ăn xa lạ, có lẽ vì chúng tôi đến đây vào một đêm Đông lạnh lẽo nên nồi cháo gà đầy hương vị Việt Nam đã làm chúng tôi thú vị và tỉnh cả người.

Những ngày sau đó chú Thắng, một người chuyên thông dịch và hướng dẫn những thủ tục cần thiết cho những người tị nạn mới đến Mỹ đưa chúng tôi đi làm giấy tờ, rồi ba bố con cùng đến trường, dĩ nhiên bố tôi chỉ học ESL, tiền trợ cấp và foodstamp đã cho chúng tôi một cuộc sống đầy đủ dưới mắt tôi ngày đó.

Hình ảnh nước Mỹ đổi mới dần xung quanh tôi, tôi đã thấy những phố xá, xe cộ, những tiện nghi trong đời sống thường ngày, tôi vui hưởng những thứ đổi thay đó, còn bố tôi vẫn chưa vui trọn vẹn, cả nhà vượt biên đến Mã Lai, vượt qua được những ngày khó khăn trên biển, những sóng gió hiểm nguy vậy mà khi bình yên trên đảo, chờ ngày đi định cư thì mẹ tôi qua đời chỉ giản dị sau vài ngày bị cảm thấy khó ở trong người.

Đã mấy lần bố nói giá mà có mẹ nhỉ! Những lúc ấy tôi đọc thấy trong mắt bố một nỗi buồn sót xa, thương tiếc.Thiếu vắng một người vợ, một người mẹ, mái gia đình chông chênh làm sao!

Nhưng những cây cỏ dại, những loài hoa dại vẫn vươn lên dưới ánh mặt trời thì chúng tôi dù nỗi đau chưa nguôi vẫn phải vươn lên trong cuộc sống, bố tôi đã đóng hai vai trò trên sân khấu cuộc đời, vừa làm cha vừa làm mẹ để nuôi hai chị em tôi.

Bố xin việc làm tại hãng xản xuất thịt bò, một cái hãng đồ sộ so với thành phố bé nhỏ này, nơi mà có thể nói tất cả người Việt Nam định cư tại đây đều làm việc cho hãng, công việc vất vả nhưng đồng lương cao và bền vững nên nhiều người Việt Nam kéo nhau về đây mưu sinh.

Bố làm ca tối từ 4 giờ chiều đến 12 giờ 30, sáng bố dậy cho chúng tôi ăn điểm tâm đi học, xong bố ở nhà nấu cơm rồi đi làm, những món bố nấu không giống ai cả, thịt gà rẻ,nên bất cứ món canh hay mặn đều có thịt gà làm tiêu chuẩn, thịt gà nấu canh bắp cải, cà rốt, cà chua, thịt gà luộc, thịt gà kho, đến nỗi đầu óc ngây thơ của tôi đã tự hỏi liệu người ta có sản xuất kịp thịt gà cho bố nấu nướng không?

Chiều chị em tôi về đã có sẵn cơm để ăn.

Bố ra kỷ luật cho chị em tôi là buổi chiều ở nhà không được mở cửa cho ai vào và không được ra ngoài chơi, bố để sẵn mấy số điện thoại của vài người bạn sống gần nhà nếu có gì cần giúp đỡ thì gọi họ và để cho chắc ăn mỗi lần nghỉ break bố lại gọi phone về cho chúng tôi.

Những ngày đầu bố đi làm chị em tôi sợ lắm, mọi cửa đều đóng cài kỹ càng và đèn bật sáng choang cho đến khi bố về, hãng bò cách nhà không xa, vì thành phố Liberal nhỏ bé quá, đường kính chỉ 2 miles nên bao giờ bố cũng về nhà trước 1 giờ đêm, có khi tôi ngủ say không biết gì, có khi mơ hồ trong giấc ngủ tôi cảm thấy bố đang đắp lại cho tôi tấm chăn, kê lại cái gối và chắc bố cũng làm cho em Sơn như thế trước khi bố đi tìm giấc ngủ cho chính mình sau 8 tiếng làm việc mệt nhọc trong phòng lạnh.

Nhưng có một đêm bố về rất muộn, đêm ấy cả hai chị em tôi đều thức vì thời tiết thay đổi lạ quá, suốt buổi chiều tuyết rơi nhanh, những bông tuyết to đổ xuống như mưa chẳng mấy chốc mà đã phủ trắng cả thảm cỏ trước sân, bố gọi phone về nói hôm nay có bão tuyết hai con đừng sợ, chỉ lạnh thêm một tí thôi mà, tuy bố đã dặn thế nhưng hai chị em tôi vẫn thấp thỏm lo âu, chỉ sợ bão tuyết làm… xập nhà thì chúng tôi không biết chạy đường nào.

Tôi cầu mong mau đến giờ bố về, tôi đợi chờ tiếng giầy ủng của bồ dẫm trước thềm cửa, tiếng chìa khoá khua leng keng trong đêm tối, để tôi thấy bố, biết mình được che chở, được bình yên khi ngoài kia bão tuyết ngập đầy.

Gần 2 giờ đêm mà bố vẫn chưa về làm tôi hãi hùng thật sự, từng phút trôi qua nỗi hãi hùng càng tăng thêm, nhìn thằng em cũng đang tái mặt sợ hãi làm tôi oà khóc, đúng lúc ấy thì bố về, tôi nghe thấy tiếng giày ủng của bố trên thềm cửa, bố dậm dậm chân nhiều lần chắc để rũ những hạt tuyết bám trên giày trước khi vào nhà.

Chưa kịp cởi quần áo còn ẩm ướt hơi lạnh và dính đầy bụi tuyết, bố ôm hai chị em tôi vào lòng y như một người có tội đang bộc lộ tình cảm để chuộc lại lỗi lầm, đôi mắt rưng rưng bố thì thầm tội nghiệp hai con tôi giá mà còn mẹ ở bên cạnh!

Bố kể cho chúng tôi đây là trận bão tuyết lớn nhất tại Kansas trong vòng 20 năm qua, gió thổi rất mạnh, tuyết rơi rất nhanh, khi bố ra khỏi hãng những bông tuyết bay vèo vèo trong gió, trên trời dưới đất chỉ thấy một màn tuyết trắng xoá, gió như cuốn trôi cả con người, mọi người phải vịn vào tay nhau cho khỏi ngã để ra bãi đậu xe, mà các xe đã phủ đầy tuyết, mỗi chiếc xe trông như một nấm mồ màu trắng lạnh lẽo và bãi đậu xe là một nghĩa địa hoang vu không bia mộ, không có dấu chân người.

Khó khăn lắm bố mới tìm được xe của mình, lại phải cào tuyết và lái bình an về đến nhà là một điều không thể tưởng.

Mùa Đông khắc nghiệt với cơn bão tuyết làm cho đường phố ngủ vùi trong lạnh lẽo suốt cả tuần lễ rồi cũng qua đi, những cánh đồng ngoài thành phố đã chuẩn bị cày xới cho vụ mùa bắp và lúa mì . Mùa Xuân mát mẻ xinh tươi về nơi thành phố nhỏ, tôi yêu những bông hoa Tulip màu đỏ, màu vàng nở trên các sân nhà, tôi yêu những chùm lá xanh non rung rinh trong gió nhẹ.

Có những buổi chiều hai chị em liều mình cãi lời bố, mở cửa ra sân chơi nhìn về phía hãng bò khói bốc lên từ xa, chắc trong hãng người ta đang bận rộn làm việc? trong đó có bố của tôi, không biết bố đang làm gì nhỉ?

Tôi đang thả hồn theo làn khói đó thì em Sơn hít hà mùi bò nói với tôi:

- Chị ơi em muốn mai mốt lớn hai chị em mình đi làm hãng thịt bò.

Trong làn gió thốc về mùi bò, những con bò còn sống trong chuồng và đợi ngày đến lượt vào nhà máy biến thành những tảng thịt bò đủ loại đem phân phối đi các chợ, tôi cũng lâng lâng vui thích nói với em Sơn:

- Ừ chị cũng mong thế, nhà mình sẽ có 3 người đi làm hãng bò, sẽ có nhiều tiền.

Ước mơ ấy theo tôi vào giấc ngủ mấy đêm liền, vì từ ngày bố đi làm hãng bò nhà tôi “giàu có” hơn hẳn thời hưởng tiền trợ cấp và foodstamp, bố mua sắm cho chúng tôi một ít quần áo mới và giày dép tại chợ Wal-mart, bố còn có tiền gởi nhà băng.

Nhưng khi em Sơn khoe với bố ước mơ ấy bố âu yếm mắng cả hai chị em:

- Bố sang đây không biết tiếng Anh, không có cơ hội để học hành, đành chịu cực làm hãng bò để lo cho hai con được ăn học thành tài, các con phải hơn bố chứ.

Thời kỳ chị em tôi nghỉ Hè thì bố bận rộn thêm, những buổi sáng bố dẫn chúng tôi đến thư viện để chúng tôi tha hồ đọc sách và mượn sách mang về nhà, bố kiên nhẫn lấy mấy cuốn sách ra đọc để đợi chúng tôi mãi đến tận trưa. Chúng tôi đến thư viện đều đặn đến nỗi cô thư ký quen mặt và nhớ tên, chắc cô cũng ngạc nhiên khi có một người cha kiên nhẫn đến đây mỗi ngày vì con mà không hề biết chán! Sau này tôi mới hiểu rằng vì bố thương chúng tôi, những gì có lợi ích cho con bố đều yêu thích được làm...

Một năm trôi qua nỗi đau mất mẹ phai mờ dần trong tôi, con bé 14 tuổi có nhiều điều để yêu thích, để vui chơi, mái gia đình chông chênh ngày nào dường như đã vững vàng dù chỉ có 3 bố con, vậy mà người thứ 4 đã xuất hiện, đó là một người đàn bà trẻ cùng làm hãng bò với bố.

Cô Thu đến nhà thăm hai chị em tôi và nói chuyện vui vẻ với bố làm tôi khó chịu, cuối tuần bố dẫn chúng tôi đến nhà cô Thu ăn phở do chính tay cô nấu, phở cô Thu nấu ngon hơn phở bố nấu rất nhiều, tôi thích lắm nhưng tôi vẫn không thể nào thích cô Thu, cô nói mỗi tuần cô sẽ nấu phở mời 3 cha con đến ăn, em Sơn thích ra mặt còn tôi thì không, tôi cảm thấy có điều gì khác ngoài sự tử tế ấy, tôi đã vênh mặt từ chối:

- Cháu không đến nhà cô đâu, cô chỉ cháu cách nấu phở đi.

Cô Thu cười chế nhạo:

- Để đổ cả nồi phở vào người cháu à? Này nhé phải luộc sơ xương bò và đổ nước đi rồi mới thật sự hầm xương và nhiều thứ lách cách nữa, cháu làm nổi không?

Tôi hậm hực đành chịu thua vì thấy nấu nồi phở khó khăn quá,và quả thật tôi không biết tên những gia vị để nấu phở nữa.

Thành phố Liberal không có nhà hàng Việt Nam, chỉ có một chợ bán đồ Việt nam duy nhất nhưng do một người Lào làm chủ, hàng hóa thì ít mà giá cả lại đắt nên mỗi cuối tuần những người Việt Nam làm hãng bò lại rủ nhau đi chợ xa, mãi Garden City, cách 1 tiếng lái xe, có chợ Việt nam to hơn, nhiều hàng hóa hơn, rẻ hơn, và nhất là thành phố Garden City lớn hơn Libera một chút, nhờ có vài cửa hàng của người Việt nam, trong đó có một tiệm phở... Sau khi mua sắm chợ búa xong ghé vào ăn một tô phở rồi lái xe về nhà đã là niềm vui của những cư dân phố nhỏ thiếu thốn mọi bề.

Nhà người ta đông người hay có đủ vợ đủ chồng cũng đáng một chuyến đi xa vất vả mua sắm, bố tôi gà trống nuôi con cũng mang chúng tôi đi cho giống người ta, bố muốn chúng tôi có dịp đi xa biết đó biết đây cho vui, còn tôi thì muốn đi để được ăn phở nhà hàng, khỏi phải đến ăn nhà cô Thu... Sang hơn nữa thỉnh thoảng người ta rủ nhau lái xe đến thành phố Wichita, một thành phố lớn và đông dân hơn hẳn thành phố Liberal và Garden City, có nhà cao tầng, phố xá thênh thang, Wichita có phi trường lớn so với cái phi trường nhỏ bé mà gia đình tôi đã đặt chân xuống ở Liberal, tôi lại mơ một ngày nào đó được đặt chân đến phi trường ở Wichita, là một giấc mơ vĩ đại với tôi thuở đó.

Cô Thu đến nhà tôi thường xuyên vào mỗi Weekend, cô tự nhiên như nhà mình, xăng xái thu xếp lại đồ trong tủ lạnh, dọn dẹp bếp núc và bày ra nấu món nọ món kia nữa, ngon gấp mấy chục lần những món ăn do bố nấu, vậy mà sao tôi vẫn không vui! Các người bạn của bố đến nhà chơi hay nói với tôi nay mai bố cháu có vợ, có người lo cơm nước, bố con đỡ cực nhé, cháu chịu không? Tôi sa sầm mặt đáp:

- Bố cháu nấu cơm được mà, rồi cháu sẽ lớn nấu cơm cho bố.

Các bác cười ròn rã còn bố hình như chỉ là cười gượng!

Một hôm tôi tình cờ nghe bố nói chuyện điện thoại, tôi tò mò dừng chân lắng nghe “Em hãy đợi chờ anh thêm một thời gian nữa, khi các con hiểu cho anh thì sẽ thích hợp hơn…” Thì ra tình cảm giữa bố và cô Thu sâu đậm, họ đang tình chuyện sống gần nhau.

Một năm nữa trôi qua, cô Thu vẫn thỉnh thoảng đến nhà, chăm sóc bố con tôi, nhưng tình cảm của tôi đối với cô vẫn không hề thay đổi, một hôm bố đã nghiêm trang nói với tôi và em Sơn bố và cô Thu thương nhau, cô Thu rất quý hai con, cô không muốn chờ đợi lâu thêm nữa, cô sẽ về ở với chúng ta nhé!

Em Sơn gật đầu tán thành ngay, còn tôi buồn lặng người, cảm thấy như sắp bị mất bố. Nhưng khi bố nói là bố đã quyết định rồi.

Thế là cô Thu về ở với chúng tôi, quả thực cô chiều chị em tôi lắm, cô đi làm cùng ca với bố, về đến nhà cô làm đủ mọi thứ mà ngày xưa bố từng làm tôi thấy bố vui vẻ hẳn ra.

Ở tuổi 15 tôi đã có nhiều bạn bè và sách vở để bận rộn nhưng những lúc rỗi rảnh tôi vẫn cảm thấy cô đơn và giận hờn bố giận hờn cô Thu đã gần gũi, kề cận bên bố hơn cả chúng tôi.

Năm 18 tuổi tôi lên Đại học tôi có thể học hệ 2 năm college taị Liberal rồi chuyển lên Đại học, nhưng tôi muốn học tại trường Đại học ở Wichita, thành phố ước mơ của tôi hồi nhỏ.

Nhà tôi lúc này đông người quá, cô Thu đã sanh cho bố 2 đứa con trai, bố bận bịu với 2 đứa con mới nên tôi hờn dỗi muốn đi xa dù bố và cô Thu đã mua một căn nhà rộng 4 phòng nếu khéo thu xếp chúng tôi vẫn ở vừa đủ.

Bố buồn khi tôi quyết định thế, tôi hứa với bố sẽ thường xuyên về thăm nhà vì từ thành phố Liberal đến Wichita chỉ 4 tiếng lái xe.

Bố mua cho tôi một cái xe để xử dụng tại Wichita, chỉ khi nhận được tin bố bị tai nạn tại hãng bò, người ta lái xe forklift đụng vào một combo thịt và làm bố ngã gãy xương tay tôi mới thật sự thương mến cô Thu, cô đã tất tưởi lo cho chồng cho con, cô nâng niu chăm sóc bố từng viên thuốc, từng miếng cơm, cô xót xa khi bố kêu đau, cô lo âu mỗi khi bố trở mình khó khăn. Còn tôi, không thể ở bên bố để lo cho bố được, dù tôi yêu thương bố biết bao nhiêu.

Khi giã từ bố để trở về Wichita tôi đã nhìn cô Thu bằng đôi mắt biết ơn và lần đầu tiên kể từ khi cô Thu về chung sống với bố tôi đã ôm cô trìu mến với cả tấm lòng:

- Cô Thu ơi, con cám ơn cô lắm.

Chỉ một cái ôm và một câu nói ấy cô Thu đã hiểu hết tấm lòng tôi.

Nhờ có cô Thu bên bố suốt 4 năm Đại học tôi đã yên tâm lo chuyện học hành và ra trường điểm cao, lần lượt em Sơn cũng thế.

Chúng tôi theo công việc rời xa thành phố Liberal, hai chị em tôi như hai cánh chim trưởng thành bay tự do vào cuộc sống, trong khi gia đình bố vẫn ở lại Liberal.

Có vài lần tôi gợi ý bố dọn về ở gần tôi hay em Sơn, nhưng bố thật sự yêu thích thành phố Liberal, công việc ở hãng bò tuy vẫn vất vả như từ hồi nào đến giờ nhưng bố đã quen việc, quen người và đã làm việc lâu năm ở đây nên bố muốn giữ thâm niên cho đến khi retire.

Tôi hiểu bố và tôi tin bố đang là người hạnh phúc, bố hài lòng với những gì mình đang có, tôi yên tâm vì bố đang có một mái gia đình êm ấm.

Tôi yêu thương bố bao nhiêu thì tôi cũng yêu thương cô Thu bấy nhiêu và yêu thương cả thành phố Liberal bé nhỏ nơi có gia đình bố tôi đang sống, nơi mà ngày xưa tôi là con bé 13 tuổi đã ngơ ngác đặt chân xuống phi trường trong một đêm đầu Đông lạnh lẽo, đã trải qua cuộc sống 3 bố con với bao ngỡ ngàng và vất vả.

Mùa Đông năm đó đã là một kỷ niệm đẹp lạ lùng, ấm cúng lạ lùng trong tâm hồn tôi. Liberal đã là Hometown của tôi và em Sơn, để mỗi dịp lễ hay vacation chúng tôi lại có dịp quay về thăm gia đình bố, tìm lại những tình cảm cha con như một thời thơ trẻ.

Nguyễn Thị Thanh Dương