"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 


 

Ngày Ra Mắt Sách

Cuốn thơ với tựa đề rất thơ, rất bay bổng lãng mạn là “Hồn vía em bay theo gió” của chị Bông đã sẵn sàng để đem in, nhưng vẫn nằm chờ vì chị chưa rảnh, chưa thu xếp được ngày ra mắt sách sợ in trước sẽ không biết để sách vào đâu.

Vậy mà chị Bông đã lo lắng trước, chị cứ thấp thỏm sợ ngày ấy ế khách, chỉ lèo tèo vài người bạn thân và anh chị em cùng con cháu trong nhà của hai họ nội ngoại thì quê lắm, vì anh Bông đã khẳng định:

- Thời buổi này ai rảnh mà đi dự ra mắt sách, ai rảnh mà đọc thơ? bộ tiền dễ kiếm lắm sao mà họ phí phạm mua thơ của bà…

Rồi anh Bông phê phán:

- Chẳng biết “kho tàng” thơ của bà có bao nhiêu bài, chỉ biết là đọc vài bài thơ tôi thấy… chán lắm, thơ bà đã giúp tôi đi vào giấc ngủ ngon lành.

- Anh không thích nhưng người khác thích, ai cũng như anh thì nguồn thơ của bao nhiêu thi sĩ đã chết yểu từ đời nào rồi. Ít ra thơ em đối với anh cũng... giá trị như những viên thuốc ngủ là em mừng rồi.

Anh Bông vô cùng thắc mắc:

- Không hiểu sao bà có thể ôm cái computer làm thơ trong khi húp tô mì gói vì lười nấu cơm hả?

Chị Bông khoe:

- Câu thơ có khi là… sinh mạng của em nữa đấy, có lần em mải nghĩ một câu thơ cho tròn vần tròn ý khi đang lái xe trên đường tí nữa thì vượt đèn đỏ khi dòng xe cộ phía kia đang lao tới như một đàn hổ đói đuổi theo con mồi.

- Sau đó thì sao? Bà chừa luôn không làm thơ trên đường nữa phải không?

- Không chừa, qua đến đèn xanh em lại nghĩ thơ tiếp, về đến nhà là có một câu thơ vừa ý. Lúc ấy em mới yên tâm làm chuyện khác không để hồn vía em bay theo gió nữa.

- “Tập thơ “Hồn vía em bay theo gió” thật không sai, nên bà chẳng còn tâm hồn nào ở nhà để nhìn vào thực tế, cái món mà nhà Việt Nam nào cũng luôn có sẵn là chai nước mắm thế mà nó thường xuyên…vắng mặt ở nhà mình, cho đến khi nấu nướng cần đến bà mới phát giác ra và sai tôi phóng xe đi chợ mua gấp để cho bà kịp nấu, có hôm tôi gặp một xe cứu hỏa đang phóng như bay trên đường, tôi chỉ… chạy thua xe cứu hỏa có một chút xíu mà thôi vì phải nhường đường cho nó.

Chị Bông cười trừ:

- Tiền trong băng em cũng không nhớ là bao nhiêu nữa đó, anh mà có… bồ nhí, anh rút tiền cho nó em cũng không hay.

Và chị đe dọa:

- Anh đừng vội mừng thầm đi tìm bồ nhí nhé, tuy hồn vía em luôn vắng nhà nhưng thỉnh thoảng như sở thuế em bất ngờ kiểm tra, em kiểm tra anh và tiền bạc, không qua mặt được em đâu.

- Tôi chẳng màng tới lời đe dọa của bà, vì thực tế trong băng nhà mình không bị lủng là may rồi, có dư thừa đồng nào đâu mà bà phải canh chừng, bà chỉ nói cho sướng miệng.

Thật ra chị Bông không hề có tư tưởng in thơ và ra mắt thơ, tất cả chỉ tại thằng con út của chị, nó sống ở xa. Một hôm thằng út gọi phone cho mẹ:

- Mẹ ơi, con sẽ có món qùa tặng mẹ nhân dịp sinh nhật này…

Chị Bông đã dãy nẩy lên:

- Thôi nhé, hết quần áo lại mỹ phẩm.

- Đấy, con biết ngay mà, tặng quần áo thì mẹ chê là không hợp không đúng ý mẹ, nào mình vải, nào màu sắc, nào kiểu cọ ...v...v... mỗi người một ý, không ai có thể tặng quần áo đúng ý người khác. Con tặng mỹ phẩm thì mẹ bảo mẹ có là diễn viên hát bội đâu mà bôi son trát phấn, mỗi năm mỗi tặng mẹ để mỹ phẩm cũ mốc theo thời gian, phí cả công mua sắm lẫn tiền bạc.

- Đúng thế, còn cái áo khoác, cái khăn quàng và mỹ phẩm con tặng mẹ chưa hề đụng tới kìa…

- Bởi thế năm nay con tặng mẹ một món quà khác rất đặc biệt là con sẽ… in cho mẹ một tập thơ và làm một buổi ra mắt sách thật vui cho mẹ ngay tại thành phố con đang sinh sống...

Chị Bông lại dãy nẩy lên phản đối với nhiều lý do:

- Đừng, đừng con ơi, thơ bán ai mua, và mẹ không dám ra mắt sách đâu, mẹ vừa già vừa xấu, nhìn mẹ người đọc thơ mẹ sẽ mất hứng thú, với lại mẹ sợ đám đông lắm.

Con út cương quyết:

- Con đã thu thập được một số bài thơ của mẹ rồi, mẹ mà không gởi thêm thì có bao nhiêu con in bấy nhiêu, tập thơ vừa mỏng vừa xấu… mẹ ráng chịu.

Chị Bông đành thua:

- Khoan… khoan… mẹ đồng ý.

- Vậy mẹ chọn thêm những bài thơ và đặt tựa đề cho cuốn thơ nhé. Tựa đề hay sẽ làm người ta thích thú…

Thế là chị Bông phải “hợp tác” với con, gởi những bài thơ cho nó đủ in một tập thơ như người ta, và sau mấy đêm mất ngủ chị đã chọn được tên cho tập thơ, vừa lạ vừa lãng mạn đúng với giòng thơ tình của chị “Hồn vía em bay theo gió” . Tập thơ mà mỏng quá lại “Hồn vía em bay theo gió” nữa thì tập thơ cũng bay theo hồn vía về tận phương nào.

Thấy chị Bông lo lắng ngày ra mắt sách vắng khách, vợ chồng con trai lớn ở tiểu bang khác đã gọi về, con trai trấn an mẹ:

- Mom ra mắt sách cho vui chứ có đi buôn đâu mà sợ ế hàng, có chúng con luôn ủng hộ mom…

Con trai ra kế hoạch rõ ràng:

- Mom ơi, vợ chồng con sẽ dẫn 3 đứa con về California dự ngày mom ra mắt sách, để hỗ trợ tinh thần và nhân lực cho mom. Bảo đảm ngày ra mắt sách sẽ đông vui vì đàn cháu nội sôi nổi ầm ĩ của mom.

Chị Bông hết hồn:

- Con ơi, nghe mẹ dặn này, lúc mẹ đang đứng nghiêm chỉnh trên sân khấu nghe người ta giới thiệu mẹ với những bài thơ tình lãng mạn, vợ chồng con đừng lùa đàn cháu nội lên sân khấu nhé.

Con dâu lên tiếng thay cho chồng nó:

- Vì sao hả mom?

- Mẹ đã hình dung ra ngay những hình ảnh lũ cháu kêu réo mẹ như những lần mẹ đến thăm và ở với cháu nội. Trước tiên thằng cháu đích tôn Holden sẽ chạy ra túm váy mẹ vừa nũng nịu vừa năn nỉ: “ Bà ơi, nướng cho cháu miếng bánh pizza nhưng bà đừng ăn ké bánh của cháu nhé”, con Betsy thì vùng vằng: ” Bà ơi, sao hôm nay bà hiền lành thế, trong khi ở nhà bà quát mắng cháu inh ỏi” và con Tabi thì sẽ sinh sự: “ Bà ơi, bà đừng nấu canh mặn và bắt cháu ăn nữa nhé, cháu chán ăn cơm khô canh mặn bà nấu lắm”.

Con dâu thắc mắc:

- Thế sao mom từng nói mom thích nghe những câu nói ngây thơ chân thật có sao nói vậy của mấy cháu nội?

- Nhưng không phải lúc mẹ đang vi vu trong ngày ra mắt cuốn thơ, con dâu hiểu chưa!

- Vâng, bây giờ thì con hiểu rồi, gia đình con 5 người sẽ ngồi làm khách để chụp hình, để mom khoe thành tích đông đảo khách đã tham dự ngày ra mắt sách của mom...

Chị Bông trách khéo:

Còn một lý do nữa con dâu ơi, mẹ chuyên về giòng thơ tình cảm lãng mạn trẻ trung nên không muốn độc giả biết mình quá già với đàn cháu nội là chứng minh cụ thể, mà sao con sinh đẻ sớm thế? nhiều thế? người ta đếm tuổi cháu nội là hình dung ra ngay bà nội già của chúng.

- Ô kìa mom, ngày mới cưới con về chính mom khuyên con nên sinh đẻ sớm khi tuổi còn trẻ để baby được thông minh khỏe mạnh. Vợ chồng con muốn vài ba năm nữa mới có con và chỉ có một đứa cho rảnh rang nhưng mom đã bảo phải đẻ nhiều, con cháu càng đông càng vui, trời sinh trời dưỡng.

Chị Bông giật mình thì ra là con dâu nói đúng, hồn vía chị lúc nào cũng bay theo gió theo thơ chẳng còn nhớ gì cả.

Con dâu tỉ tê than thở:

- Mỗi lần mom về Utah, mom lãng mạn làm thơ tình cảm ca ngợi phố núi nhưng ba đứa cháu nội của mom sinh ra và lớn lên ở phố núi đã trải qua những buổi sáng sớm mùa Đông gió lạnh cắt da, tuyết rơi lả chả khi con mang chúng đến day care và chiều con mới đến đón về... Trời sinh trời dưỡng đâu không thấy, chỉ thấy hai vợ chồng con làm việc đầu tắt mặt tối mom ơi…

- Ừ, mẹ biết rồi, tiếc rằng mẹ ở xa, nếu ở gần thì mẹ sẽ làm baby sit chúng nó...

Thằng út cũng có kế hoạch ủng hộ ngày ra mắt sách của mẹ. Hôm nay nó vừa gọi phone và giục giã chị:

- Mẹ ơi, mẹ đã có thời gian cho ngày ra mắt sách chưa? Mẹ bận gì mà lâu thế?

Chị Bông phân bua:

- Những tháng vừa rồi mẹ bận đủ thứ công chuyện không tên, còn bây giờ mẹ bận… diet, vì mẹ overweight nhiều quá, chẳng quần áo nào mặc vừa cả, con đợi mẹ… xuống cân 5 pounds rồi sẽ tính.

- Mẹ nhớ báo trước cả tháng nhé để con sẽ xem xét thời tiết chọn ngày đẹp trời ra mắt sách và nhất là xem có “đụng hàng” ra mắt sách của các nhà văn nhà thơ danh tiếng nào không kẻo mẹ lép vế, còn khách mời là tất cả bè bạn của con và…

Chị Bông ngắt lời con:

- Nghĩa là…

Con tranh dành nói tiếp:

- Mẹ để con nói hết ý, chúng ta ra mắt sách ở khu Bolsa California nơi có đông người Việt sinh sống, ngoài bạn bè của con, có mấy ông bà nội ngoại của bạn bè con ở hội người già, con sẽ nhờ họ rủ tất cả hội người già đi tham dự cho đông, cuối tuần con thấy các ông bà già thơ thẩn ở khu Phước Lộc Thọ nhiều lắm vì các ông bà không có việc gì làm, được một buổi để mua vui, để tiêu xài thời gian của họ mà còn được thêm tiếng có tâm hồn văn chương nghệ.thuật chắc ai cũng thích...

- Nghĩa là… mình cần số lượng không cần chất lượng hả con? vì các bác tuổi già sức yếu mấy ai tinh thần còn tỉnh táo để thích đọc thơ văn... Thế thì sách mẹ ai mua? ở Mỹ đâu có người mua “ve chai” để sau đó mình bán sách cân ký hả con?

Con út phải dỗ dành mẹ:

- Mẹ đừng vội bi thảm, mẹ không thấy thiên hạ ra mắt sách dài dài sao? Cho dù người ta nói vì lòng yêu mến văn học nghệ thuật nhưng có ai cứ in và biếu tặng miễn phí mãi đâu. Ngày ra mắt sách sẽ có một số bạn thân mua ủng hộ, của đáng một họ trả tiền gấp đôi gấp ba cũng gỡ được phần nào tiền in ấn rồi, còn lại bao nhiêu mẹ cứ gởi tặng lung tung cho mọi người, từ người thương đến kẻ ghét, từ người quen đến kẻ lạ, thể nào trong đám họ cũng có vài kẻ… mủi lòng gởi check cho mẹ cho dù họ vừa gởi vừa lẩm bẩm than thở vì tiếc tiền. Kinh nghiệm mấy người in sách kể cho con nghe thế đấy...

Chị Bông ngạc nhiên:

- Ủa, có chuyện ấy hả con? Bây giờ mẹ mới biết.và rút tiả kinh nghiệm.

Chị Bông rên rỉ:

- Nhưng mẹ không thích làm thế, nếu mẹ tặng sách cho ai là đúng nghĩa biếu tặng với tấm lòng.

Buổi tối chị Bông lên giường mà trằn trọc mãi không ngủ được làm anh Bông bực mình gắt gỏng:

- Bà có thao thức vì thơ thì bước ra ngoài nhà bếp im vắng thoải mái cho bà làm thơ tới sáng, đừng nằm đây lục đục làm tôi mất ngủ lây.

Chị Bông ngạc nhiên:

- Sao anh biết em làm thơ trong bếp?

- Thì mấy lần bà làm khét nồi khét chảo không vì mải để “Hồn vía em bay theo gió” ngoài khung cửa là gì?

Chị Bông thành thật thú nhận:

- Vâng, em từng làm cháy nồi cháy chảo khi vừa nấu cơm vừa làm thơ, cái smoke detector từng kêu lên báo động ầm ĩ, may mà xe cứu hỏa chưa tới... Không ngờ anh “nhỏ nhặt” ghê, chuyện gì anh cũng để ý, cũng biết. Nhưng tối nay em không trằn trọc vì thơ, hồn vía em đang nằm cạnh anh đây, em muốn nhắc nhở anh ngày mai trở đi… mua vé số giùm em, mua đủ loại vé số lớn nhỏ ở Texas như Mega, Powerball, Lotto Texas, Cash five v...v... và cả vé số cạo luôn, không trúng nhiều thì trúng ít. Tướng anh cao ráo trông có số giàu sang thì có ngày anh sẽ trúng số, còn tướng tá em lù khù như một người suốt đời túng quẩn, không giàu nổi đâu anh, không trúng số đâu anh...

Anh Bông chì chiết:

- Bà là người từng khuyên tôi không nên quẳng tiền vào hư vô mà, mua vé số là mũi tên phóng đi không bao giờ trở lại mà, cả đời cũng không dễ gì trúng số mà...

- Anh đừng mỉa mai em “ mà, mà...” lắm thế, bây giờ em thay đổi tư tưởng rồi. Đêm hôm qua em nằm mơ thấy mình trúng số bạc triệu, ngày ra mắt sách em mời cả ngàn người đến tham dự tại một nhà hàng lớn, khách ăn xong lại còn được em biếu tặng cuốn thơ mang về. Thế là cả khách và em đều vui vẻ tưng bừng...

Anh Bông chán nản trùm chăn lên tới đầu và kết thúc câu chuyện:

- Trời ơi, không phải là “Hồn vía em bay theo gió nữa”, mà là cuốn theo bão, theo cơn lốc xoáy tornado rồi, một năm nữa hay mười năm nữa bà mới ra mắt sách thì cũng chẳng có vận may trúng số nào đến với bà đâu. Thôi, bà ngủ đi, chúc bà…. gặp lại giấc mơ trúng số đêm qua.

*
***

Buổi sáng chị Bông thức dậy muộn vì đêm qua ngủ trễ, anh Bông đang uống cà phê nơi bàn ăn mặt tươi cười hớn hở:

- Tôi thông báo bà một tin vui, bà vừa… trúng số. Có phải bà mơ ước trúng số thì hôm ra mắt sách sẽ là ngày vui nhất đời bà không?

Chị Bông không tin:

- Nhưng làm gì mà có chuyện trúng số sớm thế hả anh?

- Tôi vừa ra ngoài sân thấy nhà hàng xóm bên cạnh nhà mình đang moving với cái xe U-Haul to tướng, tôi không tin vào mắt mình thì đúng lúc chị chủ nhà bước ra chị ta giơ tay vẫy chào tôi và nói lời tạm biệt cảm động lắm...

- Ôi, chuyện bình thường, liên quan gì đến trúng số? ở xứ Mỹ người ta dọn nhà thường xuyên. Em đọc thống kê thì trung bình người Mỹ dọn nhà 7 lần trong một đời người, họ cũng thống kê tuổi thọ trung bình của hôn nhân là 7 năm (hai vụ tình cờ đều là con số 7) tin này em đọc cách đây gần 10 năm mà vẫn chưa quên.

- Bà nhiều chuyện ghê, chuyện nhà không nhớ đi nhớ chuyện thống kê của 10 năm về trước.

Chị Bông vẫn hào hứng tiếp:

- Em thích báo Mỹ, chỉ để… đọc trang Obituary xem tiểu sử người chết để biết họ đã từng kết hôn mấy lần và có con chung hay con riêng trong mục cáo phó ấy... Thấy ai chết trẻ hay chết cô độc em thương. Còn đọc báo Việt Nam thì em thích nhất mục rao vặt, mục truyện cười và tìm bạn bốn phương.

Anh Bông rên rỉ:

- Trời, bà chỉ thích đọc những tin tào lao vô ích và thương vay khóc mướn giùm thiên hạ hèn gì mỗi khi bà coi băng của các trung tâm ca nhạc Việt Nam, bà nghe nhạc thì ít mà quan tâm tới dung nhan ca sĩ thì nhiều, ca sĩ nào sửa mắt, sửa mũi, căng da mặt, bơm botox, đội tóc giả hay mập thêm một tí bà biết ngay...

- Anh à, em có đọc những tin giá trị đấy chứ, thí dụ như những thông tin về kinh tế tài chính nhưng chẳng có ích gì, chẳng học hỏi thu thập được gì, một chuyên viên tài chính nổi tiếng của Mỹ đưa ra mấy điều khuyên dân chúng Mỹ cách chi tiêu để tiết kiệm 10% lợi tức họ kiếm được trong khi điều này em dám chắc với anh là các bà nội trợ Việt Nam chẳng cần học hành bằng cấp về kinh tế cũng đã làm từ bấy lâu nay rồi và còn tiết kiệm được nhiều hơn lời khuyên kia nữa. Thế mới tài tình phụ nữ Việt Nam mình...

- Thôi không dài dòng nữa kẻo bà lại đi xa như con thuyền không bến, ý tôi muốn nói bà để “Hồn vía em bay theo gió” nên không nhớ có lần chị hàng xóm người Mỹ này đã sang tận nhà khiếu nại bà vì mùi cá mắm bà kho từ vườn sau bay sang patio nhà chị ta, nơi chị ta hay ra ngồi hóng gió mỗi chiều, gió đã mang mùi cá mắm nhà mình sang với chị ấy. Thế là từ đó bà không có dịp kho đồ bốc mùi ngoài vườn nữa và bà từng cầu mong chị hàng xóm Mỹ này dọn nhà đi cho khuất mắt, bà sẽ ăn mừng như trúng số độc đắc. Hôm nay bà đã toại nguyện, bà đã trúng số độc đắc rồi đó.

Chị Bông tỉnh bơ:

- Nhưng bây giờ em thay đổi tư tưởng rồi, chuyện gì của em anh cũng biết sao chuyện này anh chưa biết nhỉ? Suốt tuần qua anh có nghe tiếng con chó con sủa suốt đêm sau vườn nhà chị hàng xóm Mỹ không?

- Có... có, nó sủa làm tôi mất ngủ.

- Em cũng thế, trong đêm khuya em sợ nhất hai thứ âm thanh là tiếng chó con sửa dai dẳng ai oán vì lạ nhà và tiếng mèo gào não nùng trên mái hiên nghe như tiếng trẻ con khóc ngoài bãi tha ma hoang lạnh, rợn cả người.

- Nghe bà diễn tả tôi cũng…rợn cả người.

Chị Bông kể:

- Chị hàng xóm đã tự động biết điều sang nhà gặp em và xin lỗi tiếng chó sủa, chị yêu thích chó lắm, mới xin được con chó con từ người bạn, chó con lạ nhà và nhớ mẹ sủa suốt mấy đêm liền. Em đã nhận ra người hàng xóm này rất trung thực, chị biết phê bình em nhưng chị cũng biết nhận lỗi khi làm phiền người khác, công bằng và thẳng thắn.

Anh Bông được dịp phê bình:

- Bà cũng đã nhận ra là bà… nhỏ nhặt rồi phải không? Làm phiền nhà hàng xóm người ta sang nhắc nhở thì bà… giận dỗi và trù ẻo cho họ dọn nhà đi nơi khác, thử hỏi hàng xóm nào ở nổi với bà?

Anh Bông chợt nhớ ra:

- Người bạn cùng hãng tôi tên Bái, hàng xóm nhà anh Bái cũng là người Mỹ, Bái biết tin ông hàng xóm vừa qua đời cách đây vài tuần, Bái đã nói lời chia buồn với bà quả phụ hàng xóm, nhưng bà mẹ của Bái thì cho là lời chia buồn suông chưa đủ tình làng nghĩa xóm, bà cứ nằng nặc đòi con trai đưa sang nhà bà Mỹ để… thắp một nén nhang cho vong linh người quá cố... Bái phải giải thích “Má ơi, người Mỹ không có lập bàn thờ, không thắp nhang, má sang nhà người ta nhang đèn đâu cho má thắp” thì mẹ Bái mới chịu thôi. Bà thấy chưa, người ta ăn ở có tình cảm hàng xóm láng giềng thế đấy.

Chị Bông xuống nước:

- Em thật tình không muốn chị hàng xóm này dọn nhà đi nữa, và sau một giấc ngủ em cũng đã thay đổi tư tưởng cho ngày ra mắt sách của em rồi, dù có vắng tanh như chùa Bà Đanh, dù thế nào em cũng sẽ vui thế ấy với ân tình của người thân và bạn bè.

Chị quay ra tò mò hỏi chồng:

- Nhưng chùa bà Đanh là chùa gì mà vắng vẻ thế anh?

- Tôi không biết, bà lên net mà tìm. Gớm tư tưởng của bà thay đổi nhanh như tia chớp, bà ở bên cạnh tôi còn không hiểu nổi bà, nói chi… bà Đanh nào đó ở tận đâu đâu.

Chị Bông ngọt ngào:

- Bây giờ em ra ngoài để hỏi thăm chị hàng xóm và chúc gia đình chị đến nơi khác bình yên vui vẻ…

- Nhớ… hẹn ngày tái ngộ bà nhé, người ta biết điều và lịch sự như thế.

Và anh Bông vừa nhắp ngụm cà phê vừa lẩm bẩm:

- May quá, bà suốt ngày để hồn vía bay theo gió, hôm nay hồn vía bà vẫn ở nhà... Thôi bà sang mà nói những lời thân mến tiễn người đi để chuộc tội đã ngấm ngầm ghét bỏ người ta.

Chị Bông mỉm cười:

- Em làm thơ hồn vía có thường xuyên đi vắng nhưng chưa đi luôn, em cũng biết thực tế xã giao ở đời chứ không phải lúc nào cũng như người đi trên mây trên gió như anh nghĩ đâu nhé…

Nguyễn Thị Thanh Dương