"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Thuở Tôi Là Học Trò

Thuở tôi là học trò con đường từ nhà tới trường là con đường hồn nhiên và thơ mộng.

Nhà tôi ở khu vực Hạnh Thông Tây quận Gò Vấp, đường từ nhà tới trường Lý Thường Kiệt ở Quang Trung qua mấy chợ, mấy nghĩa trang và con sông Chợ Cầu nhỏ hẹp chẳng biết nông sâu.

Khi xe đi trên cầu tôi hay nhìn xuống giòng sông và bâng khuâng theo những cụm hoa lục bình trôi nổi.

Con gái nhìn dòng sông êm đềm như thế nhưng mấy đứa con trai lớp tôi nhà ở vùng này thì chẳng cần nhìn ngắm mất thì giờ, chúng nó ra sông nhảy ào xuống tắm rồi lên bờ hái mấy trái mắt mèo trong bụi cây để dành hôm sau mang đến trường hù doạ lũ con gái nhát gan chúng tôi, không ai dám đụng vô trái mắt mèo vì rất ngứa.

Những tay bơi lội và thợ lặn không bằng cấp, những nam sinh nghịch ngợm ấy vừa là “người hùng” (vì không biết bơi mà khoái tắm sông không sợ chết là gì) vừa là kẻ “khủng bố” làm cho tôi luôn phải cảnh giác đề phòng.

Thì ra “chủ nghĩa khủng bố” đã có từ lâu, đâu cần đợi tới vụ 911 ở New York.

Mỗi buổi sáng tôi ra đứng ở đầu đường đất đỏ bên kia đường là một nghĩa trang với những linh hồn đã yên nghỉ, bên này có tôi, một cô bé mới lớn hớn hở yêu đời, đón xe đò đi học, những chuyến xe đò Liên Hữu quá quen thuộc với tôi, đến nỗi chỉ nhìn xe từ xa đang chạy đến là tôi biết ngay chuyến xe đó có bác tài và anh lơ xe nào rồi.

Chuyến xe đò “dễ thương” là anh lơ hiền lành lấy tiền xe từ nhà tôi đến trường Lý Thường Kiệt chỉ 1 đồng, chuyến xe đò “hắc ám” là anh lơ “chạc” tôi tới 2 đồng và nét mặt hầm hầm quyết “ăn thua đủ” với tôi mỗi khi tôi giằng co không chịu trả thêm tiền.

Cho nên mỗi lần đón xe đi học là một “cuộc chiến đấu” gay go với mấy anh lơ xe để bảo vệ cái túi tiền nhỏ bé của mình, thỉnh thoảng tôi cũng bị trời hại, bỏ rơi mấy chuyến xe đò tôi chê mắc, nên phải “chơi sang” vội vàng đón xe lam đắt gấp đôi xe đò để kịp giờ đến trường và phải hứng chịu những phút giây kinh hãi mỗi khi chiếc xe lam 3 bánh chông chênh phóng nhanh như ma đuổi tưởng như có thể hất tung tôi xuống đường bất cứ lúc nào.

Trường Lý Thường Kiệt của tôi, sân trường bé nhỏ nằm đối diện với một ngôi giáo đường, tôi yêu trường và yêu cả ngôi giáo đường này, những hôm thầy Quý dạy Toán mở sổ gọi trả bài là những lúc tôi nhìn sang giáo đường và… khấn nguyện thầy đừng gọi tên tôi. Có hôm rất linh nghiệm, có hôm Chúa chẳng thương tình.

Chúng tôi hay sang “nhà hàng xóm” của trường chơi, sân giáo đường rộng hơn cả sân trường, có hang đá lộ thiên dưới bóng cây râm mát là chỗ chúng tôi tụ tập chuyện trò cho đến khi tiếng trống vang lên mới chạy vội về trường để xếp hàng vào lớp. Nữ sinh và nam sinh xếp hàng cạnh nhau, trêu chọc nhau và…cãi nhau là thường.

Mười lăm tuổi tôi vẫn chưa biết điệu đàng, đi xe đò để mặc gió bay tóc rối bù xù và cứ thế,mang cái mặt bơ phờ vào lớp, chẳng bao giờ biết cầm cái lược chải lại mái tóc mình.

Giờ ra chơi đứng ở hàng hiên nói chuyện với mấy đứa bạn, tôi cứ thoải mái tốc áo dài lên đùa nghịch hay chạy đuổi nhau huỳnh huỵch và nhìn mấy đứa nam sinh cùng lớp như nhìn mấy thằng em. Hèn gì tôi bị “ế” chẳng có nam sinh Lý Thường Kiệt nào thèm làm quen chứ đừng nói tỏ tình, trong khi mấy đứa bạn đã dập dìu nhận thư ai đó.

Giờ ra chơi tôi hay ra sau trường ăn chè đậu đỏ bánh lọt, sau trường cũng là bãi đậu xe đạp, vừa ăn chè tôi vừa ngắm nghía mấy cái xe của những đứa cùng lớp coi xe nào… đẹp hơn. Hoặc không có tiền ăn chè thì tôi ra sân trước, đứng tựa cột tường vôi nhìn hàng cây trước mặt và đếm lá rơi. Chuyện vô nghĩa thế mà sao tôi vẫn thích.

Năm tôi lên đệ tam thì có thêm trường Lý Thường Kiệt mới xây ở Hốc Môn, tôi con gái xứ Bắc kỳ mà lại lọt vào xứ 18 thôn vườn trầu của Nam kỳ. Tôi hay theo bạn về nhà ở Bà Điểm, Hốc Môn, đi giữa hai hàng trầu lá chín ửng vàng hay vào vườn bưởi trái chĩu trên cành và còn được má nó cho ăn cơm với những món miền Nam lạ lùng với tôi như: canh rau tập tàng, cá nấu ngót, cà tím nướng, mắm lóc chưng.Trong khi mấy đứa bạn Nam kỳ của tôi lại hí hởn khi được đến nhà tôi trong một khu xóm đông vui và ăn cơm món miền Bắc như canh cua nấu với mồng tơi ăn chung với cà pháo, ốc nhồi nấu chuối xanh, lá tía tô, đậu hũ chiên sốt nước mắm và thả vào đó ít hành hoa thái vụn v.v… Coi như chúng tôi “trao đổi văn hoá ẩm thực” giữa hai miền Nam-Bắc.

Con đường đi học của tôi dài thêm nữa. Bến xe đò Hốc Môn nằm cạnh chợ Hốc Môn mà ở đầu chợ tôi được biết có căn nhà của cô bạn người Hoa cùng lớp, căn nhà trên dãy phố thương mại của người Hoa. Họ giỏi kinh doanh, bao giờ những miếng đất, những căn nhà mặt tiền hay đầu đường đầu chợ đều là của họ. Đó là điều cần thiết hàng đầu để mở cửa tiệm kinh doanh và sau đó là câu châm ngôn của họ là: “Không biết mỉm cười thì đừng làm thương mại”.

Bến xe đò tấp nập đông vui, tôi chen chân đứng cạnh các bà, các chị quang gánh, thúng mẹt bán buôn và ngang nhiên chen lấn với họ để lên xe trước tìm chỗ ngồi thuận tiện khi xuống xe cho dễ.

Những hàng quà vặt quanh bến xe luôn làm tôi quan tâm, nhưng thích nhất vẫn là món chuối bọc nếp dừa và lá chuối nướng trên bếp than, mùi thơm của lá chuối cháy xém cạnh, của nếp thơm ngon bay theo khói, làm tôi hình dung ra miếng nếp nướng vừa vàng tới, béo mùi vị nước cốt dừa bên trong có trái chuối sứ chín ngọt, một sự kết hợp thành món ăn dân dã tuyệt vời.

Đi học về bụng đang đói thì lúc ấy tôi chỉ mơ tưởng đến món chuối nướng ưa thích ngay trước mặt chứ chẳng tâm hồn nào mà mơ mộng đến những điều cao xa.

Khi xe đò chạy ngang qua hãng bột ngọt Thiên Hương lại thêm một mùi thơm hấp dẫn nữa y như mùi bánh bông lan nướng luôn làm tôi tự hỏi: “ Bột ngọt làm bằng chất liệu gì mà thơm đến thế?”

Những kỷ niệm “ăn uống” ấy vẫn theo tôi cho đến tận bây giờ.

Thời gian này trường có tổ chức cho các nữ sinh đi theo các anh chiến sĩ gặt lúa giúp dân tại một xã nào đó ở Hốc Môn mà tôi không còn nhớ tên. Anh lính dẫn chúng tôi ra bờ ruộng và “hù doạ”:

- Các em chỉ làm phía bên này, qua khỏi bờ ruộng bên kia coi chừng có kẻ cướp đó. Nghe chưa!

Trời ơi ruộng lúa mênh mông thế kia ai sức đâu mà qua bên đó? Nhưng tôi cũng bướng bỉnh:

- Nếu em cứ qua đó lỡ gặp kẻ cướp tấn công thì anh có cứu em không?

Anh lính thách thức:

- Em có ngon thì qua đi, chuyện cứu em hay không thì tính sau.

Chúng tôi vén áo hay cột ngược cột xuôi cho gọn gàng rồi sung sướng nhẩy bổ xuống ruộng lúa coi như một chỗ để vui chơi mặc cho bùn và nước dơ bắn lên tung toé, cắt gặt thì chẳng bao nhiêu, nhưng “ phá hoại” thì nhiều. Tội nghiệp những ngọn lúa chĩu hạt rơi rụng vô tội vạ vì lũ quỷ học trò.

Ngày mai mấy bác nông dân ra thăm ruộng chắc phải “khóc hận” trong lòng hay bác nào dữ dằn sẽ phải chửi thề mất thôi...

Có lẽ chuyện “giúp dân” ấy không hiệu quả gì nên không thấy các đợt khác đi tiếp.Thế là các bác nông dân tha hồ… ăn mừng. Còn tôi cũng cụt hứng vì tưởng sẽ được dịp ra ruộng “tung hoành” vài lần nữa cho vui.

Hai ngôi trường Lý Thường Kiệt (một ở Quang Trung và một ở Hốc Môn),vẫn là một trong lòng tôi cũng như trong lòng mọi học sinh khác của trường, mỗi nơi đều có những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm riêng của nó.

Thuở tôi là học trò đã qua nhưng đôi khi bận bịu trong cuộc sống như hai câu thơ:

“Tôi chợt thấy mình là viên sỏi nhỏ,
Mải mê lăn theo khát vọng cuộc đời…”

Tôi có phút giây khựng lại, bồi hồi nhớ về quá khứ, cái thuở tôi mười lăm mười bẩy còn cắp sách tới trường thì ngôi trường xưa Lý Thường Kiệt lại trở về…

Nguyễn Thị Thanh Dương