"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

 

Một Tấm Lòng

Hôm nay bác sĩ Diệu Hiền đến phòng mạch làm việc trở lại sau một tháng nghỉ vacation về Việt Nam. Thời gian vắng mặt chị đã nhờ một đồng nghiệp trông coi giùm phòng mạch nên công việc không hề bị ảnh hưởng.
Mỗi năm Diệu Hiền về Việt Nam một lần, mục đích chính là để làm từ thiện song song với du lịch thăm các danh lam thắng cảnh quê nhà, chẳng cần phải là những nơi nổi tiếng, chỉ cần nơi nào đó có nét đẹp riêng theo cảm nghĩ của mình là Diệu Hiền sẽ tìm đến để tâm hồn khuây khỏa.
Chị về Việt Nam một mình vì chồng chị không hề muốn đi theo. Hai vợ chồng càng nhiều tuổi càng có sự xung khắc dù nhìn bề ngoài ai cũng tưởng vợ chồng chị rất hạnh phúc, cả hai vợ chồng đều có nghề nghiệp danh giá và ổn định.
Từ nhiều năm nay Diệu Hiền đã được bạn bè ở Việt Nam cũng như ở Mỹ nhìn vào ngưỡng mộ vì chị có “một tấm lòng”. Lần nào về Việt Nam Diệu Hiền cũng mang theo tiền bạc của chính mình hay thỉnh thoảng có bạn bè nào thông cảm và tự động đóng góp thêm vào để Diệu Hiền tận tay mang đến giúp đỡ, thân tặng những người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn.
Kể từ khi sang Mỹ định cư, cuộc sống khá giả và con cái đã trưởng thành, thành tài, nhưng tình chồng vợ vẫn có nét buồn riêng. Thế là chị lao vào làm từ thiện, trước là vì từ tâm sau là để mong lấy niềm vui của tha nhân làm niềm vui cho mình.
Khi người ta làm việc có mục đích thì sự làm việc thật hăng say và ý nghĩa, Diệu Hìền đã 60 tuổi, chị có thể nghỉ hưu với gia tài rủng rỉnh, nhưng Diệu Hiền vẫn muốn tiếp tục làm việc cho tới khi nào chị không thể. Chị làm việc để giết thời gian buồn tẻ trong mái gia đình và có tiền để đi làm từ thiện.
Vì thế hôm nay cũng như mọi hôm Diệu Hiền làm việc cả ngày mà không thấy mệt.
Đến lượt người khách cuối cùng Diệu Hiền dự định khám xong, đóng cửa office chị sẽ ghé chợ mua món gì đó về nhà làm nóng sốt thật ngon, thật đúng ý chồng để hai vợ chồng cùng ăn, bù đắp lại cho chồng sau mấy tuần lễ chị vắng nhà.
Dù sao chị cũng muốn gìn giữ mái gia đình, không thể để đời mình đổ vỡ thêm một lần nữa.
Bệnh nhân là một phụ nữ khoảng ngoài 60 tuổi, dáng dấp bình dân... Đây là bệnh nhân mới vì cả mặt và tên đều chưa quen với chị, Diệu Hiền thường xuyên có bệnh nhân mới “walk in” vì họ nghe người nọ người kia giới thiệu phòng mạch chị khám bệnh gía rẻ, bác sĩ thăm bệnh rất thân thiện và tận tình.
Bệnh nhân nhìn bác sĩ chăm chăm cả phút rồi thảng thốt kêu lên:
- Đúng là bác sĩ Diệu Hiền của tui ngày xưa rồi. Tui nè, Nguyễn thị Phèn ở chợ Gò Vấp nè...
Trời, bao nhiêu năm đã trôi qua, và bao nhiêu tên bệnh nhân trong quá khứ hồi còn ở Việt Nam làm sao Diệu Hiền nhớ cho hết.
Chị Phèn nói tiếp:
- Bác sĩ không nhớ tui là phải rồi, nhưng tui nói ra một người là bác sĩ nhớ liền, tui là bạn hàng chợ ngồi cạnh sạp chị Tư bán bún ở chợ Gò Vấp đó.
Diệu Hiền bật kêu lên mừng rỡ:
- Chị Tư bún tươi thì tôi nhớ…
- Đúng đó, chị Tư bán bún mà bác sĩ hay gọi là chị Tư bún tươi, vì chị ấy làm và bán bún tươi.
- Nhắc tới chị Tư bún tươi là tôi nhớ mang máng ra chị Phèn rồi, thuở đó cứ mỗi lần chị Tư tâm sự với tôi ở ngoài chợ là có chị đứng cạnh cùng nghe, cùng bàn ra tán vào chuyện vợ chồng chị Tư chứ gì?
- Thì tui đó…
Chị Phèn hớn hở tiếp:
- Tui mới “mu” tới Cali này, mấy dịp đi lang bang qua đây cũng như đọc quảng cáo trên báo Việt Nam thấy văn phòng bác sĩ Diệu Hiền tui nghi là bác sĩ Diệu Hiền ngày xưa ở ngay chợ Gò Vấp, nhờ cái tên giống cô đào cải lương Diệu Hiền nên tui vẫn nhớ tên bác sĩ đó. Tui đã… cầu bữa nào bịnh để tới gặp bác sĩ, nhận diện người quen, cho tới hôm nay mới cầu được ước thấy…
Diệu Hiền khám bệnh cho chị Phèn trong khi chị không ngớt vui mừng kể chị sang Mỹ định cư do đứa con gái theo gia đình chồng đi Mỹ và bảo lãnh chị.
- Chúc mừng chị đã sang Mỹ đổi đời, khỏi phải buôn bán cực khổ ngoài chợ như hồi ở Việt Nam. Còn chị Tư bún tươi lúc này chắc cũng khá hơn xưa hả chị?
Chị Phèn chợt lặng thinh vài giây rồi buồn bã:
- Mục đích tui gặp bác sĩ chủ yếu là kể về chị Tư mà nãy giờ gặp bác sĩ vui quá chưa kịp kể ra, bả chết rồi!!! mà chết trong nghèo khổ mới tội!
- Chị Tư!
Diệu Hiền thốt kêu tên chị Tư như một tiếng than van... Hình ảnh người đàn bà ngày nào đứng giữa chợ kể chị nghe chuyện đời, mà toàn là những chuyện buồn, chuyện khổ hiện ra chập chờn…
- Sau khi chị Tư bán sạp chợ, rồi tới bán nhà mà vẫn không cứu nổi bệnh tình của chồng thì hàng bún tươi của chị cũng sa sút ế ẩm dần, làm như con người ta buôn bán có thời, chị Tư bỏ nghề, bỏ chợ đi làm thuê, ở mướn rồi bịnh rề rề và chết tại nhà đứa con gái cũng nghèo khổ chẳng khá hơn mẹ là bao nhiêu.
Nước mắt Diệu Hiền rưng rưng từ lúc nào:
- Chị Phèn ơi, làm sao mà số phận chị Tư bún thay đổi nhanh chóng đến thế? Hàng bún tươi của chị ấy vẫn đắt hàng làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu mà.
- Tui hỏi bác sĩ chứ đang ngồi bán bún chễm chệ trên sạp ngon lành, hạ xuống đất dơ dáy và nay chỗ này mai chỗ khác thì mất khách là phải rồi. Bán hàng cần địa điểm tốt, khi tạo được khách quen rồi mà bỏ đi thì coi như mất khách luôn, ai rảnh, ai thương mà đi tìm mình chứ? chợ búa người dưng kẻ lạ mà, không có hàng này thì khách mua hàng khác. Hôm nay khách của mình mai là khách của người.
Chị Phèn chép miệng tiếp:
- Tui nghĩ là cái số bác sĩ à, nếu như chồng chị Tư không mang bệnh nặng, nếu như chị Tư không bán sạp, không bán nhà, nếu… đủ thứ thì giờ này chị Tư chắc gì đã buồn rầu mà sanh bịnh, mà ra đi chứ???
Diệu Hiền nghe chuyện cũ mà bàng hoàng như vừa mới xảy ra hôm nay.
Ôi, chỉ một chữ “nếu” mà thay đổi một kiếp người, cũng như nếu ngày ấy Diệu Hiền đừng quá khắt khe đòi hỏi, đừng chia tay người chồng trước thì biết đâu chị vẫn hạnh phúc hơn với người chồng hiện tại???

****************

Chị Phèn khám bệnh xong ra về mà Diệu Hiền còn lặng người một mình nơi văn phòng, chẳng còn háo hức chạy ra chợ mua đồ về để nấu một bữa ăn ngon cho chồng như từ lúc đầu đã dự tính nữa.
Ngày ấy Diệu Hiền khoảng 30 tuổi, sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Sài Gòn và hành nghề trong bệnh viện được vài năm đủ kinh nghiệm thì vợ chồng Diệu Hiền mở một phòng khám riêng nơi địa phương chị cư ngụ, phòng khám nằm ngay cạnh chợ Gò Vấp. Anh Thuận chồng Diệu Hiền cũng là bác sĩ, anh ra trường sớm hơn Diệu Hiền một năm.
Vì văn phòng cạnh chợ Gò Vấp nên mỗi ngày Diệu Hiền vào chợ này mua đồ ăn luôn. Diệu Hiền thường mua bún tươi của chị Tư, vì bún chị làm tại nhà rồi mang ra chợ bán nên bún luôn tươi ngon. Có hôm đói bụng mua bún về Diệu Hiền chỉ chấm lá bún với nước mắm nhĩ dầm qủa ớt hiểm mà thấy ngon miệng vô cùng.
Là khách hàng thường xuyên nên bác sĩ Diệu Hiền và chị Tư dần dần trở nên gần gũi thân thiện như đôi bạn, bán bún cho Diệu Hiền bao giờ chị Tư cũng bốc thêm cho vài lá bún sau khi đã cân xong, không thì cũng tính rẻ bớt cho chị chút đỉnh lấy thơm lấy thảo dù chị Tư hiểu rằng lợi tức bán bún của chị Tư làm sao so sánh nổi với lợi tức của phòng mạch hai vợ chồng bác sĩ lúc nào cũng đông khách.
Tấm lòng chị Tư đơn giản và rộng rãi chị đâu tính toán điều trái ngược một trời một vực ấy. Chị Tư hay níu chân Diệu Hiền để kể chuyện gia đình mình, câu chuyện hai người trao đổi ngay giữa chợ ồn ào và xô bồ, thỉnh thoảng có chị Phèn bán hàng ở sạp rau sống, giá hẹ bên cạnh cùng tham dự.
Những lúc ấy Diệu Hiền không nỡ chia tay dù bận thế nào, chị lắng nghe bạn tâm tình và có những lời an ủi...
Anh Tư là một người chồng cửa quyền, chuyến hà hiếp vợ, bất bình vợ chuyện gì là dở thói vũ phú đánh vợ không nương tay. Mỗi lần ra sạp chị Tư mua bún Diệu Hiền thấy mắt chị sưng tím, hay trán bầm dập, môi sưng vêu… là biết ngay hôm qua chị Tư vừa ăn đòn của chồng, người chồng ăn nhậu và cờ bạc, tiền lời bán bún của vợ không bao giờ đủ cung phụng cho anh ta, cho nên đàn con mấy đứa luôn nheo nhóc, nhếch nhác như con nhà mồ côi.
Diệu Hiền ái ngại hỏi thăm thì chị Tư vẫn mỉm cười chống chế:
- Thằng chả nổi khùng uýnh vợ là thường. Hết khùng chả lại dễ thương. Tui quen rồi.
- Mà những lúc ấy chị có chửi bới gì anh ta không mà nổi khùng lên vậy?
- Tui chỉ cằn nhằn chút đỉnh thôi đó, nếu chửi bới chắc thằng chả giết tui đời nào rồi. Mà cũng tại tui, thà nhịn, thà im họng thì chưa chắc chả uýnh tui… có điều tui nhịn không nổi cô Hai à…
Bấy giờ chị Tư mới chịu để đôi khóe mắt rưng rưng:
- Hỏi cô Hai chứ công lao hai vợ chồng thức khuya dậy sớm làm bún cực khổ, rồi tui phải mang ra chợ bán kiếm từng đồng, thằng chả chỉ cờ bạc một buổi hay ăn nhậu một chầu là tiêu tán hết thì ai không tức?
Diệu Hiền đã thẳng thắn khuyên:
- Chị li dị anh ta cho rồi, làm thì ít phá hoại thì nhiều còn thường xuyên đánh đập, chửi bới vợ con thì ở làm gì?
Chị Tư vội vàng gạt ngay đi như sợ những lời khuyên ấy sẽ thành sự thật:
- Úy trời, chuyện vợ chồng là chuyện duyên nợ dài lâu, nhà nào cũng có buồn vui mà cô Hai, tui bỏ chồng rồi mấy con tui mất cha sao???
Những lời nói chân chất nghĩa tình của người đàn bà nhà quê ít học ấy đã từng vang lên trong lòng Diệu Hiền mỗi khi chị giận hờn hay cãi nhau với chồng và chị đã từng tự hỏi chẳng biết duyên nợ của vợ chồng mình có được bền lâu???
Có hôm Diệu Hiền vừa đến chợ chị Tư hớn hở khoe:
- Cô Hai, vui qúa, thằng chả uýnh tui bao nhiêu lần tui không nhớ hết, nhưng hôm qua tui uýnh được thằng chả 1 lần cũng đủ trả thù rồi.
Diệu Hiền ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao mà chị Tư dám đánh chồng?
- Tui chỉ phản ứng bất ngờ thôi. Chuyện thế này, chả đang cằn nhằn, bực mình đi tìm cái hộp quẹt, khi chả giơ tay về phía tui như là tính uýnh tui làm tui hoảng quá, tức mình quá, vì tui đâu có lỗi gì trong vụ chả không tìm thấy cái hộp quẹt, nên tui nhào tới giáng cho chả một bạt tai thấu trời luôn.
- Rồi anh ta không đánh lại chị sao?
- Không, trái lại anh ta ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn tui như nhìn người từ hành tinh nào mới xuất hiện. Chả còn bật cười nói ”tui đâu có ý định uýnh bà, tui với tay ra phía bàn sau lưng bà để lấy cái hộp quẹt ở đó mà”. Quả đúng thế, mà thôi dù tui lầm lẫn nhưng tui cũng sung sướng vì một lần trong đời dám đánh chồng.
- Hên cho chị Tư đó...
Chị Tư vui vẻ và hồn nhiên như một đứa trẻ con:
- Có lẽ chả thấy bất ngờ và kinh ngạc quá nên tức cười chứ không nổi giận mà uýnh lại tui. Chính tui cũng… kinh ngạc nói gì chả.
Nhưng chị Tư lại xuống giọng buồn:
- Giáng cho chả cái bạt tai oan ức xong cũng thấy… tội nghiệp!
Chị vừa vui vì đánh được chồng, trả thù cho bao lần trong đời bị chồng đánh, rồi lại hối hận. Tình thương yêu chồng trong lòng chị vẫn bao la trong từng cử chỉ nhỏ của chị.
Một hôm Diệu Hiền đến chợ thấy chị Tư ngồi bán bún với cái đầu cạo trọc lóc và gương mặt buồn so. Diệu Hiền hỏi đùa:
- Bộ chị Tư tính cạo đầu vô chùa hả? sao còn ngồi đây bán bún…
- Rầu qúa cô Hai ơi…
Chị Tư than thở và ủ ê tiếp:
- Thằng chả bịnh, tui cạo đầu nguyện ăn chay một tuần cầu nguyện cho chả hết bịnh...
Máu nghề nghiệp nổi lên Diệu Hiền lo lắng hỏi:
- Anh ta bệnh gì? chị kể những triệu chứng bệnh xem…
- Chả bị vàng da xuống cân mà cái bụng to phình ra, khỏi cần đi bác sĩ tui cũng đoán chả bịnh gan rồi. Hôm nay chả vô nhà thương khám bịnh chiều về xem sao… tui ngồi đây mà lòng dạ như lửa đốt kim châm cô Hai ơi…
Người đàn bà lam lũ từng bị chồng hành hạ đánh đập, bóc lột từng đồng bạc mồ hôi lao động của mình, đang đau khổ xót xa cho người chồng bất nhân ấy.
Hôm ấy Diệu Hiền mang mớ bún tươi của chị Tư về nhà ăn mà cảm thấy xót xa theo. Bún chị làm vẫn tươi, lòng chị vẫn hiền hậu bao dung. Thương chị quá.
Chuyện người thì dễ cảm thông, sao chuyện mình thì khó! hình như chưa bao giờ Diệu Hiền rộng lượng nghĩ về chồng mình như người đàn bà này.
Chuyện gia đình chị chẳng an vui gì nhưng chưa bao giờ Diệu Hiền kể cho chị Tư nghe. Chị Tư cứ hồn nhiên coi Diệu Hiền như người bạn để tâm tình nhưng đời nào Diệu Hiền coi chị Tư như người bạn ngang hàng được, chỉ là bạn trong giới hạn nào đó thôi.
Cuộc sống giữa Thuận và Diệu Hiền không hề hạnh phúc.
Cả hai vợ chồng cùng tất bật với phòng khám, lo kiếm tiền để gây dựng cơ ngơi gia đình. Bản tính Thuận lại khô khan không biết ngọt ngào chiều chuộng vợ, ngược lại Diệu Hiền là phụ nữ thích được chiều chuộng, thích được nghe lời âu yếm, họ không có thời gian riêng, không gian riêng để sống cho nhau.
Thuận luôn cho là anh không có lỗi gì với vợ cả. Anh quan niệm tình yêu vợ chồng là thực tế không thể so sánh hơn kém với tình yêu hồi chưa cưới được.
Diệu Hiền thì hờn dỗi chê trách chồng đối xử lạnh nhạt với mình, đã bớt yêu mình.
Tình cảm vợ chồng đã mỗi ngày mỗi xa cách rồi sinh ra mâu thuẫn bất hòa…
Một tuần sau Diệu Hiền ra chợ vừa mua bún vừa hỏi thăm tình trạng bệnh tình chồng chị Tư thì sạp đã đổi chủ. Diệu Hiền ngạc nhiên ghé sang sạp chị Phèn để hỏi thăm, chị Phèn kể:
- Cô Hai bác sĩ ơi, tội quá, anh Tư bị ung thư gan phải nằm viện mổ nên chị Tư cần tiền phải sang gấp sạp bún cho người khác rồi... Mấy hôm nay chị Tư nghỉ bán ở bệnh viện lo nuôi chồng.
- Rồi chị Tư bỏ nghề làm bún và bán bún luôn hả chị Phèn?
- Đâu có, bỏ nghề lấy gì sống? giá nào chị Tư cũng sẽ bán bún tiếp mà, tui nghe chị nói chừng nào chồng đỡ bịnh chị sẽ bưng mấy sọt bún ra lề đường ngoài chợ bán vì sạp không còn nữa.
Diệu Hiền chỉ biết thở dài:
- Tội nghiệp!
Sau đó Diệu Hiền không kịp ra chợ hỏi thăm tiếp chuyện của chị Tư bán bún nữa, vì thời gian đó Diệu Hiền đang chuẩn bị cho một chuyến vượt biên, một cuộc chia ly tình cảm, chị không thể tiếp tục sống bên Thuận, hai tâm hồn không hòa hợp nhau, chị sẽ ra đi một mình, vừa đi tìm tự do vừa là cách chia tay êm đẹp với Thuận mà không cần phải qua cuộc li dị ít nhiều cũng gây ồn ào trong gia đình, bạn bè và dư luận.
Diệu Hiền muốn chia tay Thuận để làm lại cuộc đời khác, tại một phương trời khác, chị hi vọng sẽ tìm được người đàn ông yêu thương chị và hoà hợp với chị hơn Thuận. Hai vợ chồng chưa có con nên sự chia tay cũng chẳng mấy tổn thương ai, vì cả hai vẫn còn trẻ và có thể làm lại cuộc đời dễ dàng.
Định cư ở Mỹ, Diệu Hiền đã nhanh chóng học lại để lấy bằng bác sĩ hành nghề, rồi chị quen biết, yêu thương và nên duyên với Hậu, anh là một doanh nhân thành đạt, từ một kỹ sư chuyển thành một nhà thầu xây cất uy tín không chỉ trong cộng đồng người Việt mà cả với người bản xứ.
Từ tình yêu đến tình vợ chồng bao giờ cũng là một sự đổi thay, Hậu cũng có những bận rộn riêng của công việc, tính anh phóng khoáng nghệ sĩ làm Diệu Hiền luôn cảm thấy bất an và ghen tương. Vì con cái, vì tài sản và vì Diệu Hiền càng ngày càng hiểu ra rằng hạnh phúc ở đời chẳng bao giờ lý tưởng và trọn vẹn như mình mong muốn nên Diệu Hiền luôn phải chiều chồng và làm ngơ với nhiều cuộc giao du rộng rãi của chồng. Chị giữ thể diện với gia đình, bạn bè, với cộng đồng người Việt ở đây vì cả hai vợ chồng đều nổi tiếng.
Đôi lúc nghĩ lại Diệu Hiền cảm thấy mình có lỗi với Thuận khi ngày ấy bỏ anh để ra đi vượt biên một mình. Nếu chỉ vì vài sự bất đồng mà vợ chồng bỏ nhau thì thế giới sẽ không còn ai để cho mình chung sống nữa, và cả đời cứ mãi đi tìm hạnh phúc, như người đi bắt bóng không bao giờ nắm được bóng trong tay, như người đi tìm mây mà không bao giờ có thể với tay chạm tới trời.
Diệu Hiền được biết sau khi chị bỏ đi Thuận vẫn ở lại phòng mạch cũ của hai vợ chồng gây dựng, anh tiếp tục hành nghề rồi lấy vợ khác, người vợ này cũng là một bác sĩ. Họ đã sống hạnh phúc êm ả cho tới ngày hôm nay.
Hạnh phúc của người chồng cũ làm lòng Diệu Hiền cay đắng...
Diệu Hiền đã tự trách mình nông nỗi, không có một tấm lòng bao dung như chị Tư bán bún. Diệu Hiền cũng thương Thuận như chị Tư thương chồng, nếu chị chịu mở lòng ra, biết thông cảm và thương yêu chồng hơn thì biết đâu chị cũng tìm thấy hạnh phúc với Thuận đâu đến lượt người đàn bà kia.
Diệu Hiền đã có lỗi, đã vô tâm, vô tình qúa, với người chồng trước và với người bạn ngẫu nhiên ngoài chợ nhưng tốt bụng là chị Tư bán bún.
Khi nghe tin chị lâm vào vòng túng quẩn phải sang sạp chợ mà Diệu Hiền không giúp đỡ gì cho chị Tư ngoài những lời an ủi suông, những lời than suông. Dù bận rộn tới đâu Diệu Hiền vẫn có thể bỏ ra chút thì giờ lo cho chị Tư được mà.
Món tiền sang lại một cái sạp chợ cho chị Tư không đáng là bao với khả năng của Diệu Hiền. Thì biết đâu Diệu Hiền đã cứu được chị Tư, duy trì việc buôn bán kiếm sống, chị có sạp ngồi bán bún đàng hoàng, không phải bưng sọt bún ra lề đường lề chợ cho tới khi ế ẩm phải buông bỏ nghề rồi sa vào vòng túng quẩn thêm, nghèo khổ thêm.
Mấy năm đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam làm từ thiện Diệu Hìền đều nhớ đến chị Tư, cũng muốn biết tin tức chị để trả món nợ tình cảm của chị, không chỉ vì mấy lá bún chị bốc tặng thêm, không chỉ vì mấy đồng bạc chị Tư tính rẻ bớt mỗi lần mua bún, mà cả tấm lòng chân chất chị ưu ái và tin cậy trao gởi nỗi niềm riêng cho một người lạ, quen nhau giữa chợ búa, giữa chợ đời.
Diệu Hiền sẽ tặng chị một món tiền và tiếp tục giúp đỡ chị nếu cần. Nhưng Diệu Hiền không làm được điều ấy, chị chạnh lòng đau đớn không bao giờ muốn trở về chợ Gò Vấp nơi chốn cũ có phòng mạch của vợ chồng chị, có hình ảnh của Thuận, nơi chốn sẽ gợi lại nỗi thương tiếc khôn nguôi.
Thế là chị Tư biến mất như bóng chim tăm cá trong đời Diệu Hiền.
Ngày nay Diệu Hiền đã làm từ thiện, đã giúp đỡ được bao nhiêu người, nhưng một người mà Diệu Hiền quý mến và một thời thân thiện, một người đã vào bước đường cùng rất cần sự giúp đỡ thì ngày ấy Diệu Hiền đã không giúp được gì.
- Ôi, chị Tư… chị tha lỗi cho tôi…
Diệu Hiền bỗng thốt lên nghẹn ngào.
Ngày nay xung quanh Diệu Hiền người ta khen chị có một tấm lòng, biết thương người và giúp đỡ tha nhân.
Chỉ có một mình Diệu Hiền biết, Diệu Hiền hơn chị Tư bán bún đủ thứ, từ kiến thức, danh vọng và tiền bạc, nhưng thua chị ở một tấm lòng.

Nguyễn Thị Thanh Dương