"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **


Nấm Mộ Có Ma

 

Viết theo lời kể của bác H.

 

Cuối thời Pháp-thuộc ở một miền núi phía Bắc.

Trời mưa rả-rích mấy hôm nay, không ai đi đâu được. Tại nhà thờ giáo-xứ, các thầy không có việc gì làm. Vẻ tư-lự hiện trên gương mặt các thầy. Trong số các thầy, thầy Vinh là lớn tuổi nhất, độ chừng trên dưới 30. Thầy Vinh quê ở trong Nam. Nói thế, vì ai cũng nghe Thầy nói tiếng Nam. Thầy Vinh không cười đùa vui-vẻ như thầy Hiếu, người trẻ nhất trong đám, chỉ chừng 25 hay hơn kém chút đỉnh.

Không biết làm gì trong những ngày mưa gió sụt-sùi, bỗng nhiên thầy Vinh nêu ý-kiến. Các thầy khác chỉ biết nghe. Giọng thầy Vinh ồn-tồn:

-Trời mưa hoài buồn thấy mẹ. Hay...tụi mình chơi trò này đi.

Thầy Lộc và các thầy khác thắc-mắc.

-Trò gì?

Thầy Hiếu tò-mò, vừa nói vừa nhìn ra cửa nhà thờ. Bên ngoài, trời tối như đêm 30. Mưa lất-phất. Gió lạnh run người.

Thầy Vinh nói chậm-rãi:

-Để chứng-tỏ lòng can-đảm của mình, thầy nào dám ra ngôi mộ của Cô Sửu ở khu nghĩa-địa Nhà Thờ đêm nay?

Cả bọn im-lặng. Cô Sửu, con ông Trùm Hương mới chết một tuần nay. Nghe nói cô tự-tử vì tình, treo người lên cây đa đầu làng.

Cô và Chú Thìn yêu nhau đã 3-4 năm nay, nhưng vì lý-do gì đó, ông Trùm Hương không gả. Cô Sửu treo cổ lên cây tự-tử. Cô chết mà hai con mắt mở trừng-trừng như muốn nhát những người qua lại. Sau khi cô Sửu chết, chú Thìn bỏ xứ đạo, đi luôn.

Sau đề-nghị của thầy Vinh, chợt có tiếng nói:

-Tưởng gì, dễ ẹc.

Thầy Vinh không nói gì. Thầy chậm-rãi đi về góc nhà, lấy ra một cái túi vải. Thầy mở túi, rút ra một cái cọc sắt mầu cam. Đây là loại cọc sắt quân đội Mỹ thường dựng lều. Trong khi cả bọn còn đang ngơ ngác, tay cầm một cây cọc, thầy nói:

-Đêm nay, người nào dám ra ngôi mộ cô Sửu cắm cây cọc này?

Có tiếng nói:

-Chỉ có thế thì… quá dễ. Để tôi đi cho.

Tiếng thầy Lộc, người trẻ nhất trong bọn, nói. Không thấy các thầy khác trả lời. Tưởng chừng như thời-gian ngừng lại. Một tay cầm tách trà đã nguội, thầy Vinh đi lại cái bàn duy-nhất trong phòng. Thầy mở ngăn kéo, lục-lọi, lấy ra một cái đèn bấm. Một tay cầm đèn bấm, thầy nói:

-Đây là cái đèn bấm. Đường đi tối lắm. Các thầy phải dùng đèn bấm mới thấy đường đi.

Ngừng một chút, như để cả bọn hiểu những lời mình nói, thầy Vinh đưa mắt đảo quanh căn phòng, nói tiếp:

-Người nào cắm được cây cọc này lên mộ cô Sửu, sánh hôm sau tôi sẽ ra kiểm-chứng, người đó sẽ là người can-đảm nhất ở nhà thờ này.

Có tiếng hỏi:

-Chỉ vậy thôi à?

Thầy Vinh vừa nói vừa mỉm cười:

-Được tiếng khen là người “can-đảm nhất giáo xứ” là điều vinh-dự, không phải ai cũng có được.

Sau câu nói của thầy Vinh, cả phòng im phăng-phắc tưởng như nghe được tiếng muỗi bay. Trả cây cọc về chỗ cũ ở góc phòng, thầy Vinh lại đảo mắt chờ-đợi. Bên ngoài, trời vẫn còn mưa rả-rích và gió lạnh từng cơn quất vào mặt. Một lát sau lại có tiếng nói:

-Tôi đi.

Lại vẫn tiếng nói của thầy trẻ-tuổi nhất trong đám, thầy Lộc.

Tiếng thầy Vinh:

-Thầy chỉ cần đóng cây cọc này lên nầm mộ cô Sửu, rồi đi về. Mọi chuyện còn lại, ngày mai tôi tính. Rồi thầy Vinh nhìn thầy Lộc:

-Thầy hiểu chưa, và có thắc-mắc gì không?

Thầy Lộc không trả-lời, tay với cây đèn bấm từ tay thầy Vinh, đi về góc phòng lấy cây cọc mầu cam, kẹp nách cây dù che mưa, xốc lại quần áo ấm, chẳng nói chẳng rằng băng ra ngoài.

Thầy Lộc bước ra ngoài như một mũi tên bắn. Bên ngoài, dù không muộn lắm , nhưng trời tối om. Thầy Lộc cẩn-thận căng cây dù. Mặc dù trời chỉ mưa nhẹ, nhưng cũng có thể ướt được. Từ Nhà Xứ đến mộ cô Sửu chỉ chừng vài trăm thước, nhưng đường đi khó-khăn, khúc-khuỷu. Thầy Lộc cứ theo đường vẽ trên bản-đồ mà đi.

Thầy Lộc cứ đi như thế, khoảng một trăm thước sau thì con đường biến mất. Thời ấy các “quan” Tây ở Tỉnh chỉ vẻ bản-đồ xơ-xài như thế. Bản-đồ chỉ vẽ đại-khái những chỗ chính.

Thầy phải lội bì-bõm đi vào khu nghĩa-địa. Một tay cầm dù và cây cọc, một tay cầm cây đèn bấm chiếu đường, thầy Lộc bắt-đầu cảm thấy sợ, một nỗi-sợ vô cớ. Thầy còn trẻ, còn can đảm, máu nóng trong người còn nhiều. Nhưng phải lội vào nghĩa-địa giờ này, ai mà không yếu bóng vía? Những cảnh-tượng ma-quái bắt-đầu làm Thầy ớn-lạnh. Nào là ma lè lưỡi, cái lưỡi dài-ngoằng, đỏ-hoét. Nào là ma mặc áo-dài, đứng ở vệ-đường, nhát người qua lại. Nào là ma treo cổ trên cành cây như cô Sửu.

Thầy Lộc cứ lầm-lũi đi. Một vài con chim nghe có tiếng động, bay vù-đi, làm đám lá xao-xác. Nấm mộ của cô Sửu còn xa. Thầy chặc lưỡi trong cổ họng. Nhìn thoáng qua những nấm mộ nằm im-lìm trong nghĩa-địa, thầy Lộc có phần “nhụt chí.” Biết vậy, không nhận lời thách-thức của thầy Vinh cho xong. Nhưng còn lòng can-đảm của thầy? Nghĩ thế, thầy bước tới.

Rồi cuối-cùng Thầy cũng tới được nấm mộ của cô Sửu. Ông Trùm giầu-có nhất Nhà Xứ. Cô Sửu tự-tử mới một tuần. Ông Trùm chưa xây mộ cho Cô. Mộ của Cô chỉ cao hơn mặt đất một bước để tránh nước lụt mà thôi. Ông Trùm chưa xây mộ cho Cô.  Nhìn mộ Cô Sửu, tự-nhiên Thầy Lộc nhớ mấy câu thơ của Nguyễn-Du tả mộ Đạm Tiên Thầy mới học năm Lớp Sáu. Nhìn thấy mộ Cô Sửu, đất mới đắp, Thầy Lộc mừng quá. Vậy là không phải đi thêm. Tay Thầy lăm-lăm cầm sẵn cây cọc nhọn.

Thầy đứng lên nấm mộ không mấy khó khăn, chọn chỗ đất mểm để có thể dễ-dàng cắm cây cọc. Thầy ngồi thụp xuống nấm mộ, quỳ một chân, rồi lấy hết sức bình-sinh cắm cây cọc sắt xuống. Xong xuôi, Thầy đứng lên. Nhưng sau khi cắm cọc xuống đất, hình như có bàn tay nào kéo Thầy xuống. Thầy càng cố đứng lên, “nó” càng kéo Thầy xuống, y như có một sức-mạnh vô-hình nào. Thầy cố, thầy cố, thầy cố mãi cho tới khi không còn sức-lực. Thầy ngã gục xuống trên nấm mộ, nằm im như thế, không nói một tiếng nào. Chiếc đèn bấm văng khỏi tay Thầy, nằm bất-động như chủ, trong bóng đêm.

Ở Nhà Giáo-Xứ, các Thầy đang mong Thầy Lộc trở về mang tin “chiến thắng” nhưng Thầy ra đi không bao giờ trở vể như lời thề.

Sáng hôm sau, các Thầy cùng nhau ùa ra mộ xem sự-thể. Thầy Lộc nằm chết trên nấm mộ cô Sửu.

Buổi trưa, các “quan” trên Tỉnh tới. Sau một hồi lui-cui xem xét, các “quan” kết-luận: không có ma cỏ gì cả. Thầy Lộc chết vì đóng cây cọc xuyên qua đuôi chiếc áo chùng. Cây cọc ghim xuống mộ Cô Sửu, Thầy đứng lên không được, vướng đuôi áo, tưởng là Cô Sửu kéo xuống. Trong lúc hoảng-sợ, Thầy làm rơi cây đèn, trời tối-đen như mực, đường lại ướt, lầy-lội, Thầy cố mãi thành kiệt-sức, gục trên nấm mộ. Thầy nằm đó cả đêm. Mưa ướt và gió lạnh làm Thầy bị “cảm-hàn”, và cuối-cùng Thầy đã “đi”.

Hà-Việt-Hùng