"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

Phantoms: Hiện Tượng Tay Chân Và Bộ Phận Ma

Tóm tắt: Người bịnh có thể ý thức về sự hiện diện của một tay, chân (hay bộ phận khác) như là một phần của cơ thể mình sau khi tay chân đó đã bị cắt bỏ. Hiện tượng này gọi là 'phantoms' hay tay chân ma. Phantoms có thể tiếp tục gây đau đớn hay trải nghiệm những cảm giác khác, và giới hạn, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người đó. Đem những yếu tố của phantom kết hợp vào việc dùng tay chân giả thay thế có thể giúp cho người bịnh phục hồi tốt hơn.
Tác giả so sánh phantom với quê hương đã mất, và đưa ra giả thuyết chúng ta có thể dùng được những yếu tố của quê hương đã mất chỉ còn lại trong tâm tư để xây dựng một ý thức về quê hương mới lành mạnh hơn.

Một số người bị giải phẫu cưa tay, cưa chân, ngày hôm sau vẫn có cảm giác tay chân mình vẫn còn đó, vẫn biết cử động, ngứa ngáy, đau đớn sau một thời gian dài ngắn, mặc dù trên bình diện ý thức họ biết rằng mình đã cụt tay hoặc cụt chân. Những hình ảnh hay ký ức của những chân tay không còn nữa gọi là "phantom limbs". Ngoài tay chân ra, cũng có những trường hợp xảy ra trên bộ phận khác: như người bị cắt dạ dày rồi vẫn tiếp tục những cơn quặn đau loét dạ dày, người bị cắt hết ruột già vẫn còn muốn đi cầu và có cảm giác mình trung tiện, có người đàn ông bị cắt mất bộ phận sinh dục vẫn còn "trải nghiệm" được sự cương cứng và xuất tinh.Trong những trường hợp này, bộ phận 'ảo" còn vương vấn cũng được gọi là "phantoms", giống như từ tiếng Pháp fantôme có nghĩa là 'ma". Chúng ta tạm dịch là "bộ phận ma".

phantom HVH1

Fig 1: Bịnh nhân có thể cảm thấy tay chân mình tuy đã bị cắt cụt, vẫn còn tồn tại, trong một số vị trí khác nhau. (from farmagain.com)

Oliver Sacks (1) ghi lại những trường hợp bộ phận ma sau đây từ British Medical Journal:

  1. Một thuỷ thủ rủi ro bị mất ngón tay trỏ phải. Trong 40 năm, anh ta cứ bị ngón tay chỉa thẳng ra (vị trí lúc ngón tay bị cắt đứt) quấy rầy. Mỗi khi anh ta đưa bàn tay về phía mặt mình, để ăn hoặc gãi mũi, anh cứ phải ngại ngón tay đâm vào mắt. (Anh ta biết rằng chuyện vô lý, nhưng cảm giác không thể cưỡng lại được). Cho đến khi anh mắc bịnh tiểu đường nặng, viêm các dây thần kinh làm anh ta mất cảm giác từ các ngón tay (ngón còn lại), nhưng cùng lúc đó thì ngón tay ma cũng biến mất luôn.
  2. Lúc người cụt tay cụt chân học dùng chân tay giả, họ đều nhận thấy rằng phải cần có cái chân hoặc cánh tay ma. Theo bác sĩ Michael Kremer:
    "Giá trị đối với người cụt tay, chân thật lớn lao. Tôi chắc chắn không ai có thể đi với cái chân giả một cách vừa ý nếu cái hình ảnh của cái chân ấy (body-image), nghĩa là cái "chân ma" chưa được lồng vào trong cái chân giả đó."

Bởi vậy nếu cái chân/tay ma đó biến mất, sẽ thật tai hại và phải vựt nó sống giậy. Bác sĩ Mỹ Silas Weir Mitchell (1829-1914) (2) mô tả cách hồi sinh một cánh tay ma sau thời gian 25 năm bằng cách dùng điện Faraday kích thích tùng thần kinh bả vai (faradisation of the brachial plexus). Bs Sachs kể chuyện bịnh nhân cụt chân mỗi sáng phải đánh thức cái chân ma của mình bằng cách rút cái đùi cụt về, và vổ mạnh vào như chúng ta phết vào mông em bé. Đánh đến cú thứ 5-6 thì "cái chân ma" sống dậy, và chỉ sau đó bịnh nhân mới mang chân giả vào và đi được.
Hiện tượng này từng được mô tả từ thời cổ đại, nhưng gần chúng ta hơn được khảo cứu rộng rãi bởi bác sĩ Weir Mitchell trong và sau thời chiến tranh Nam-Bắc của Hoa kỳ. Thời chiến tranh nội chiến (American Civil War) này, quân đội dùng những viên đạn chì mềm gọi là minié. Đạn chì lúc trúng vào cơ thể thì đầu đạn bằng lại , không nhọn nữa và do đó sức tàn phá trên các mô tàn khốc hơn nhiều so với các vết thương lưỡi lê. Trên 600,000 người chết và 30,000 tay chân phải cắt đi mà không có thuốc tê hay mê. Bác sĩ Mitchell kể lại tay ông luôn luôn phải nhúng trong máu và nước đến nỗi các móng tay cũng mềm nhão ra. Với tư cách là bác sĩ giải phẫu quân y, ông phải cưa tay chân cho thương binh cho đến khi cảm thấy tim đau nhói về cảnh giết chóc này. Sau chiến tranh, ông trở thành bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Ông kể lại những loại phantom khác nhau: loại mờ ảo, mà ông gọi là "ma cảm giác " (sensory ghosts), loại rất hiện thực, rất giống tay chân thật (realistic), loại méo mó, bị rút co cụt lại tựa như ống viễn vọng (telescopic phantom), loại đau đớn, loại không đau, loại vắng mặt (phantoms of absence, negative phantoms).
Ngay từ thời đó , ông cũng đã tìm cách giải thích, hoặc cho đấy là do những kích thích trên vùng võ não phụ trách về cảm giác (sensory cortex), hoặc do sự kích thích được truyền dẫn từ ngoại biên (chỗ bộ phận bị cắt bỏ) đi vào thần kinh trung ương; ví dụ dây thần kinh bị hư hại, bị mọc ra một u bướu thần kinh (neuroma), hoặc thần kinh bị ức chế (nerve block), hay kích thích, gây ra những tin tức sai lạc được gởi về bộ não.
Theo thuyết đầu tiên, cho rằng nơi bị cắt là nguồn gốc của các cảm giác tạo nên bộ phận ma, các bác sĩ từng tìm cách chữa đau đớn trong các tay chân bộ phận ma bằng cách ngăn chặn các cảm giác này thành hình như cắt lại cái cùi (stump) ngắn hơn, cắt các dây thần kinh đi từ chỗ bị cắt vào não bộ, hoặc có khi phá huỷ một phần thalamus ở đáy não bộ, là nơi hội tụ các cảm giác gởi vể từ châu thân trước khi được gởi lên vỏ não (cortex) là tổ chức cao nhất của não bộ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không giải quyết được vấn đề trên thực tế, và có khi làm bịnh nặng hơn, ví dụ trường hợp bác sĩ cắt cái cùi thịt [stump] ngắn lại, thì bịnh nhân sau đó lại có thêm một cái chân ma nữa, cọng vào cái chân ma nguyên thuỷ vẫn còn đó làm đau đớn.
Năm 1984, Michael Merzenich, một nhà thần kinh học ở Đại học California, San Francisco, cắt ngón tay giữa của con khỉ, và sau đó kích thích những ngón tay bên cạnh ngón tay bị cắt, đồng thời đo phản ứng (dòng điện phát ra) của những neuron trên vỏ não phụ trách ngón tay giữa lúc bàn tay con khỉ còn nguyên vẹn. Kết quả là, trên con khỉ bị cụt ngón tay trỏ, khích thích những ngón bên cạnh làm phát ra những dòng điện từ neuron phụ trách ngón tay bị cắt. Những thí nghiệm sau đó của Timothy Pons ở Viện Sức Khoẻ Tâm Trí Quốc Gia Mỹ (NIMH) cũng cho thấy là sau khi dây thần kinh từ tay, vai và phía sau cổ của con khỉ bị cắt đứt , kích thích mặt con khỉ cũng cho nó cảm giác là người ta kích thích tay vai và cỗ nó. Pons nghĩ rằng, tương tự như các cây ivy leo trên tường bò đến chỗ trống trên vách,các tế bào thần kinh chúng ta cũng "bò" qua chiếm những khoảng trống "để hoang" trên não chúng ta và dùng chúng trong mục đích mới. Theo chiều hướng đó, nhà khảo cứu thần kinh Ramachandran chứng minh rằng nếu vuốt vào một số chỗ trên mặt bịnh nhân, bịnh nhân sẽ có cảm giác như ai đụng vào cái chân tay "ma" của mình. Chúng ta ý thức về những bộ phận, vùng, thành phần khác nhau của cơ thể chúng ta dựa vào những "input" từ những bộ phận đó được gởi vào vùng vỏ não phụ trách các cảm giác của cơ thể, gọi là "somatosensory cortex", trong đó mỗi bộ phận, mỗi vùng cơ thể được tương ứng với một vùng liên hệ trên vỏ não. Nếu một bộ phận bị cắt bỏ đi, những kích thích cảm giác từ bộ phận đó không xảy ra nữa, vùng trên vỏ não liên hệ không bị kích thích nữa và sẽ được huy động dùng cho một bộ phận khác, được "tái tổ chức" (reorganization in the somatosensory cortex). Dựa trên giả thuyết này, Ramchandran giải thích các hiện tượng "phantoms" và đau ở tay chân ma bằng hiện tượng tái tổ chức của vỏ não phụ trách cảm giác châu thân.
Những nhận xét này làm thay đổi quan niệm về cơ năng bộ óc. Trước đây, người ta nghĩ rằng sau một giai đoạn ("cửa sổ" thời gian) lúc mà bộ óc phát triển lúc còn trẻ, bộ óc và cách các thành phần của nó được "nối dây"(wired)với nhau sẽ giữ nguyên như vậy cho đến khi bị hư hại do bịnh tật hay thoái hoá theo tuổi già, nghĩ là chì có đường đi xuống thôi. Những kết quả thí nghiệm này đề ra khái niệm "plasticity" (dẽo dai) của bộ óc, với khả năng "nối dây lại" ("rewiring") hay "nối dây chéo" (cross-wiring) tái sử dụng những "lãnh thổ" bỏ hoang trên vỏ não do mất một bộ phận như trong trường hợp phantom limb.

phamtom HVH2

Fig 2: Vùng vỏ não phụ trách cảm giác cơ thể nằm sau vùng vận động. Tầm quan trọng (rộng hẹp) tuỳ thuộc vào tầm quan trọng các cảm giác từ bộ phận tương ứng, chứ không tỷ lệ với kích thước lớn nhỏ của vùng bội phận đó. Ví dụ mặt, môi, lưỡi, họng, bàn tay, nhất là ngón tay trỏ chiếm những vùng lớn hơn các bộ phận khác của cơ thể.

Tuy nhiên, thực tế có vẻ không đơn giản như vậy. Ronald Melzack (3) đưa ra giả thuyết về một hệ thống tế bào thần kinh gọi là "body-self neuromatrix" theo đó sự trải nghiệm vể cơ thể chúng ta cơ sở trên một mạng lưới rộng rãi gồm những cơ cấu thần kinh kết nối với nhau ở nhiều nơi trong não bộ, không phải chỉ trong thalamus hay vỏ não (cortex)- nơi thu nhận các cảm giác từ cơ thể. Một kích thích từ ngoại biên đi vào "sensory-input" (như viêm, thương tích, vv) phải đi qua hệ thống "neuro-matrix" này trước khi nó được cảm nhận như là một sự đau đớn xảy ra trong bộ phận đó. Tuy nhiên, điều này không cần thiết cho cảm giác đau, vì trong trường hợp những hội chứng đau mạn tính (chronic pain syndrome), không có sensory input (ví dụ bắp cơ không sao cả, mà bịnh nhân vẫn đau nhức bắp thịt), cảm giác đau vẫn hiện hữu vì cảm giác này xuất phát từ neuro-matrix, mà matrix này tuỳ thuộc vào di truyển, vào trải nghiệm vể cảm giác trong quá khứ (sensory experiences). Cảm giác đau mà nó tạo ra (output) và đưa vào ý thức tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, mà kích thích ngoại biên đi vào neuro-matrix (peripheral sensory input) chỉ là một yếu tố không bắt buộc phải có. Neuromatrix liên tục "xử lý" các inputs và tạo nên một loại báo cáo tổng quát gọi là "chữ ký thần kinh" (neurosignature), từ đó não bộ xử lý qua một giai đoạn nữa để phát sinh ra "nhận thức". Nếu chúng ta giải thích sự đau đớn, và nhận thức về cơ thể theo mô hình trên, thì các phantom thành hình qua nhiều cơ chế rất phức tạp, liên hệ đến nhiều cơ cấu, nhiều vùng khác nhau trên toàn não bộ.
Bịnh nhân có thể cảm thấy tay chân mình tuy đã bị cắt cụt, vẫn còn tồn tại, trong một số vị trí khác nhau.
Một số nhà khảo cứu đang tìm cách giải quyết bịnh này. Ví dụ BS V. S. Ramchandran ở Đại học California, San Diego kể trường hợp bịnh nhân cụt một cánh tay và bàn tay, nhưng vẫn có cảm giác bàn tay này co quắp lại, các móng đâm vào lòng bàn tay rất đau đớn. phantom HVH3Ông cho bịnh nhân để cánh tay lành lặn vào một cái hộp mở nắp ở trên.Trong hộp có cái gương soi ở giữa, làm bịnh nhân nhìn vào tưởng như mình còn có 2 tay nguyên vẹn.
Bịnh nhân được hướng dẫn cứ tưởng tượng hình trong gương là bàn tay ma của mình, và dùng ý chí điều khiển cho ngón bàn tay duỗi ra. Kết quả làm ngạc nhiên người bịnh cũng như bác sĩ, cơn đau biến mất cùng với bàn tay ma ở vị trí co quắp đau đớn trước đó.Những nhà nghiên cứu khác đang áp dụng kỹ thuật thế giới ảo 3 chiều để chữa hiện tượng phantom trong chiều hướng tương tự như hộp có gương nói trên.

Thay lời kết, nghĩ rộng ra, là những người từng bị hoàn cảnh bắt phải cắt lìa khỏi quê hương, tổ quốc, kỷ niệm quê nhà lúc chia ly có thể vẫn còn hiện hữu mãi, được đóng băng và không thay đổi qua năm tháng, trong con người của chúng ta. Cái "phantom" đó của một thời đã mất vẫn tiếp tục tác động, "input" vào nhiểu bình diện khác nhau của "neuromatrix" chúng ta: cảm giác, cảm xúc, tri giác và chi phối toàn bộ vật chất và tinh thần con người chúng ta, dù chúng ta có ý thức điều đó hay không. Người mất cánh tay, cẳng chân có thể dùng phantom để kết hợp với tay chân giả của mình, thì biết đâu chúng ta có thể đem phantom của quê hương trong ký ức kết hợp vào cuộc sống ở quê hương thứ hai để có một cuộc sống toàn vẹn hơn.

phantom HVH4

Hình 4: Sơ đồ về thuyết "neuromatrix". Neuromatrix được biểu hiện bằng một hình cầu quay không ngừng nghỉ và gồm 3 lãnh vực : (S) là cảm giác từ cơ thể (Somatosensory), (C) là về hiểu biết, tri thức (Cognitive) và (A) cảm xúc (Affective, feelings).
Neuromatrix nhận tín hiệu đầu vào (input) từ các phần não bộ phụ trách cảm giác, cảm xúc và tri thức. Ở đầu ra, neuromatrix nhả ra một "chữ ký thần kinh", kích hoạt những lập trình khác nhau về cảm nhận đau đớn (pain), phản ứng vận động (motor reaction) hay phản ứng về cảm xúc (emotion) và phản ứng stress.

Figure 4: Conceptual diagram of the neuromatrix theory as a refinement of the gate-control theory. Itself visualized as an entity (like an incessant spinning sphere) comprising of the somatosensory (S), cognitive (C)and affective (A) domains, the neuromatrix receives inputs from areas of the brain governing sensation, emotions and cognitions; and in return, churns out a neurosignature (output) which activates various programs for pain recognition, motor response, emotional and stress reactions. (Adapted from Melzack, Evolution of the neuromatrix theory of pain. The Prithvi Raj Lecture: presented at the third World Congress of World Institute of Pain, Barcelona 2004. Pain Pract 2005;5:85-94.)
(From the Indian Journal of Psychological Medicine)

Tài liệu tham khảo:

  1. (1) “The Man Who Mistook His Wife For A Hat”. Tác giả Oliver Sacks là một bác sĩ thần kinh nổi tiếng qua những cuốn sách best-sellers kể lại những trường hợp bịnh lý thần kinh rất thú vị, về sự thử thách mà bịnh nhân thần kinh phải trải nghiệm và đặt ra những câu hỏi về giới hạn của ý thức của con người.
  2. (2) Joanna Bourke. Silas Weir Mitchell's The Case of George Dedlow
    http://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(09)60761-3/fulltext
  3. (3) Phantom Limbs and Rewired Brain.
    http://www.technologyreview.com/article/400015/phantom-limbs-and-rewired-brains/
  4. (4) Ronald Melzack: Pain and the Neuromatrix in the Brain
    Journal of Dental Education
    http://www.jdentaled.org/content/65/12/1378.full.pdf
    “The neuromatrix theory of pain provides a new conceptual framework to examine these problems. It proposes that the output patterns of the body-self neuromatrix activate perceptual, homeostatic, and behavioral programs after injury, pathology, or chronic stress. Pain, then, is produced by the output of a widely distributed neural network in the brain rather than directly by sensory input evoked by injury,inflammation, or other pathology. The neuromatrix, which is genetically determined and modified by sensory experience, is the primary mechanism that generates the neural pattern that produces pain. Its output pattern is determined by multiple influences, of which the somatic sensory input is only a part, that converge on the neuromatrix.”

Ngày 24 tháng 6 năm 2014
Falls Church, Vỉginia

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
(Bài này đã được đăng trong "Nội San Y Giới", số 65, tháng bảy, năm 2014, của Hộ Y Giới Việt Nam Tự Do tại Pháp)