"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Màu Sắc Đôi Mắt Và Bịnh Trẻ Em

Chúng ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Màu mắt là một đề tài được nhắc đến nhiều trong thi ca văn chương, âm nhạc ("người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ" (CT Tưởng),"mắt biếc năm xưa nay đâu ?" (N T Miên); "màu nắng hay là màu mắt em?"(TCS)...) Trong lịch sử, Đại đế Alexander the Great là người nổi tiếng nhất có hai mắt màu khác nhau. Màu sắc của mắt của trẻ sơ sinh hoặc trẻ em có thể là những triệu chứng quan trọng. Chúng ta sẽ tìm hiểu về một số trường hợp mắt trẻ em có sắc màu không đồng đều hai bên.

Sơ lược cơ thể học

Mắt chúng ta có mống mắt (iris) là cái màng chắn hình tròn, có lổ ở giữa gọi là con ngươi (pupil), nằm phía sau giác mạc trong vắt (cornea), và phía trước của thủy tinh thể (lens) và võng mô (retina).

15ahvhien --- msdm1

Fig 1: Cornea: giác mạc, iris:mống mắt, retina: võng mô, pupil: con ngươi (đổng tử mắt), lens: thuỷ tinh thể, thấu kính

15ahvhien --- msdm2

Figure 2: Iris

Tròng đen mắt gồm móng mắt (iris) (ở đây màu xanh) , chính giữa có đồng tử (pupil) là cái lổ để ánh sáng từ ngoài lọt vào chiếu lên võng mô (retina),

Iris ngăn chặn và kiểm soát lượng ánh sáng từ ngoài vào phòng tối phía sau của mắt và rọi lên võng mô và ánh sáng được võng mô thu nhận, biến thành tín hiệu thần kinh gởi lên óc.

Màng chắn (iris) này có thể màu nâu đậm, có thể nâu ửng đỏ (hazel eyes), có thể lợt hơn như màu xanh hoặc xanh lá cây (green eyes), tùy theo lượng của một chất gọi là sắc tố melanin. Melanin càng nhiều thì màu của móng mắt càng đậm, tối hơn.

Câu hỏi thú vị là tại sao melanin màu nâu mà lại làm cho một số người thành mắt xanh. Lý do: mống mắt về phía trước được bọc bằng một lớp mô sườn, nâng đỡ (supportive tissue) gọi là stroma. Nếu lớp stroma có rất ít melanin, các tia ánh sáng màu xanh có bước sóng ( wavelength) ngắn tác động nhiều hơn là các bước sóng dài (màu thiên về đỏ), do đó ánh sáng xanh lan toả và làm mắt có màu xanh long lanh.

Lượng melanin trong móng mắt tùy thuộc vào những yếu tố sau đây:

1) Di truyền: nguời dân da trắng (tây phương) mắt cũng như da ít melanin hơn. Người da màu (ở Mỹ gọi là “people of color”) , có melanin trong mống mắt và da nhiều hơn.

2) Tiếp xúc với ánh sáng nhiều hay it: Trẻ con lúc mới sinh da trắng hơn, mống mắt ngã về màu nâu nhạt, dễ xanh hơn . Dần dần do tác dụng ánh sáng, màu da cũng như móng mắt sẽ đậm hơn nhiều (cho đến lúc bé 2-3 tuổi mới móng mắt mới đổi hẳn màu lúc trưởng thành)

3) một số yếu tố khác có thể làm mắt đổi màu một hoặc hai bên: thuốc men (thuốc nhỏ mắt prostaglandin, vd latanoprost [Xalatan]) để trị bịnh cườm nước/glaucoma); chấn thương mắt; biến đổi trong hệ thần kinh dẫn tới mắt (ví dụ mất ảnh hưởng của dây thần kinh giao cảm (sympathetic) của mắt có thể làm móng mắt bên đó mất melanin va đổi qua màu xanh), Trường hợp hai móng mắt khác màu nhau gọi là chứng heterochromia (dị sắc).

15ahvhien --- msdm3

Figure 3:

Móng mắt hai bên màu khác nhau (heterochromia, dị sắc)

Một số bịnh nhân dị sắc mắt có thể thuộc về hội chứng Waardenburg, kèm theo một lọn tóc trắng ở trán và mắc bịnh điếc.

4) Một số trường hợp mới nhìn tưởng hai mắt khác màu (heterochromia) nhưng không đúng như vậy. Ỏ trẻ con, con ngươi mắt có thể đục, màu trắng vì cườm khô (cataract) do bẩm sinh hoặc do một bịnh nào đó , như chấn thương mắt, hay nguy hiểm nhất là bịnh ung thư võng mô (retinoblastoma) đặc biệt của trẻ em, tuy hiếm. Trong bịnh này, triệu chứng đầu tiên có thể cha mẹ nhận thấy, là trong một mắt em bé, con ngươi (pupil) đáng lẽ đen thì lại trắng (leukocoria). Nguyên nhân khác gây ra dị sắc (heterochromia): bịnh võng mô ở trẻ thiếu tháng, dị dạng của võng mô, tróc võng mô.

15ahvhien --- msdm4

Figure 4 : Con ngươi màu trắng (mắt trái) trong bịnh retinoblastoma

a) Retinoblastoma:

Cha mẹ nếu thấy một bên mắt của em bé có dấu hiệu khác thường cần đi khám bịnh cho em ngay, nên tìm bác sĩ có dụng cụ (ophthalmoscope) khám kỹ lưỡng, hoặc đến những trung tâm nhi khoa, đừng trì hoãn.

Lúc bác sĩ rọi đèn soi mắt (ophthalmoscope) phía sau mắt, võng mạc sáng lấp lánh như có những vì sao và định bịnh dễ dàng. Đấy là do bướu ung thư neuroblastoma phần sau của mắt.

Retinoblastoma là một loại ung thư của tế bào võng mô. Lý do có thể một hay nhiều gen trong tế bào bị đột biến hoặc bịnh nhân thừa hưởng một gen bất bình thường từ cha hoặc mẹ (autosomal, dominant gene; hereditary retinoblastoma).

Triệu chứng:

  • Con ngươi trắng, sáng long lanh, môt bên hoặc hai bên.
  • Lé, mắt này hướng về phía khác bên kia.
  • Đỏ mắt, sưng mắt hay vùng chung quanh mắt.

 Chữa trị:

Hoá trị liệu, xạ trị, huỷ tế bào ung thư bằng laser, siêu ba, phóng xạ, nếu không được thì giải phẫu.

b)Cườm khô (cataract):

  • Trẻ sơ sinh có thể bị cườm khô, bịnh hiếm.
  • Có thể là thành phần một hội chứng với nhiều triệu chứng khác.
  • Nguyên nhân không rõ trong đa số trường hợp. Một số trường hợp do do bị nhiễm virus (vd ban đào [rubella hay German measles], gây ra hội chứng congenital rubella).

Triệu chứng cataract:

  • Em bé có vẻ không thấy những gì xảy ra
  • Hai con ngươi không trong và đen, mà đục hoặc trắng
  • Nếu chụp hình flash, không thấy chấm đỏ thường gặp trong tròng đen mắt.
  • Tròng mắt giật (nystagmus)

Cần được bác sĩ chuyên khoa mắt trẻ em khám .

Có thể phải lấy cườm khô ra (thuỷ tinh thể bị đục) và cho bé mang contact lens hoặc thay bằng thuỷ tinh thể nhân tạo nhét trong tròng mắt (intraocular lens [IOL]).

Tóm lại màu sắc của mắt của trẻ sơ sinh hoặc trẻ em có thể là những triệu chứng quan trọng của nhiều bịnh khác nhau, có một số bịnh nguy hiểm cần được can thiệp gấp.

BS Hồ Văn Hiền

(Hien V. Ho, MD)

Ngày 21 tháng 3 năm 2015

(cập nhật)