"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Trái Vải và Dịch Bịnh Não Trẻ Em ở Nam Châu Á

17Ahvhien --- tvv1

Fig 1: Trái vải (litchi or lychee)

Lời giới thiệu:

Tạp chí Y khoa danh tiếng của Anh The Lancet (1,5) vừa công bố một khảo cứu về độc tính tiềm ẩn của trái vải (hay lệ chi) mà người Việt chúng ta rất ưa thích. Tuy nhiên trong trái vải có chất làm cho lượng đường glucose trong máu giảm xuống. Ở người dinh dưỡng tốt (ví dụ ở Mỹ), ăn vài trái vải cho vui miệng không thành vấn đề. Tuy nhiên ở trẻ em thiếu ăn, ví dụ ở Án độ, Bangladesh, hay miền Đông Bắc Việt Nam, các cháu lượm những trái vải sống, hư hay rơi rụng và ăn rất nhiều vì trái ngọt, chất hypoglycin có thể làm đường trong máu thấp đến mức não bộ thiếu đường để dùng cho năng lượng, các cháu mê man, làm kinh, và có thể chết được. (Mức hypoglycin trong trái vải chín bằng nửa mức trong trái chưa chín)

Trong cả 20 năm nay, tại vùng chung quanh thành phố Muzzafarpur, Ấn độ, nơi sản xuất 70% trái vải của toàn quốc,  cứ đến tháng 5 là xuất hiện những bà mẹ đem con đến bịnh viện. Tối hôm trước, đứa bé vẫn mạnh giỏi, sáng sớm chúng khóc thét lên, rồi mê man, co giật. Cứ 100 bé bịnh mỗi năm thì có đến 40 bé tử vong. Nhà đông con, nhưng thường trong một làng chỉ một đứa bịnh. người ta nghi siêu vi do chuột dơi, các con ruồi sandflies truyền bịnh, hay  nguyên nhân là do ngộ độc  thuốc trừ sâu,những món này đầy rẫy trong vùng sống nhờ trồng cây vải (lệ  chi).

Trong 3 năm trở lại đây,  các chuyên viên y tế công cọng xét hồ sơ 390 em và nhận xét:

-các em không nóng sốt

-nước tuỷ sống không có dấu hiệu nhiễm vi trùng hay virus (ví dụ bạch cầu không tăng)

-mức đường glucose trong máu thấp

-các em thường nhịn ăn buổi ăn chiều (có thể trẻ ăn trái vải nhiều nên no không ăn chiều/ tối, hay nhà nghèo không đủ ăn)

Các bịnh nhân có triệu chứng giống như trường hợp các bịnh nhân ngộ độc do ăn trái cây ackee còn sống ở Jamaica,trong biển Caribbean, gọi là Jamaican Vomiting Sickness; mà người ta đã biết là gây ra do ăn trái ackee sống có chứa chất hypoglycin làm đường glucose trong máu tụt xuống quá thấp. Trái ackee còn non thì chứa nhiều chất độc, trái chín thì không.

Từ đó, người ta tìm thấy cũng chất hypoglycin trong trái vải và thử nước tiểu của các bịnh nhân cũng hiện diện chất này.(4)

Các bà mẹ được dặn phải cho con ăn buổi ăn chiều trước khi đi ngủ và giới hạn lượng trái vải chúng được ăn. Hiện nay số bịnh nhân giảm xuống còn một nửa. 

Chuyện này từng xảy ra ở Bắc Giang, Việt Nam (2), nhưng theo bài viết sau đây, những nhà nghiên cứu thường định bịnh  là viêm não gây ra do một siêu vi (virus)  mà chúng ta chưa xác định được (3).

Định bịnh chính xác bịnh não do ăn trái vải có thể giúp giải quyết nhanh chóng, cần truyền nước có glucose cho bịnh nhân để mức glucose trong máu tăng lên. Định bịnh nhanh chóng bằng cách đo mức đường glucose trong máu (có thể dùng cái máy glucometer nhỏ nhắn của người bị tiểu đường hay dùng).

Trên thực tế, các trẻ nhỏ, nhất là trẻ ốm yếu, thiếu ăn, hay nhịn đói lâu (ví dụ vừa bịnh ói mữa do viêm ruột) không được ăn nhiều các trái cây loại vải, chôm chôm, nhãn (Họ [Gia đình, family] soapberry [Sapindaceae],tiếng Anh: lychee (Litchi sinensis), rambutan (Nephelium lappaceum), and longan (Dimocarpus longan). Chúng ta nên để ý vì các trái này ngon và dễ nuốt nên chúng ta dễ bị cám dỗ cho chúng ăn để hy vọng “lấy lại sức”. chúng ta không nên ăn  vải ( lệ chi ) quá nhiều lúc đang nhịn đói, nhịn ăn.

Những người bịnh tiểu đường mức đường glucose trong máu có thể lên xuống thất thường do thuốc hạ đường trong máu; nên tham khảo với bác sĩ của mình nếu thường ăn trái vải, và luôn cà trái nhãn, hay trái chôm chôm, cùng trong Họ Soapberry.

Tôi xin phỏng dịch bài viết sau đây nói về trái vải ở Á Châu để quý vị tham khảo nếu muốn đi vào chi tiết. về một vấn đề tuy mới nổi lên gần đây, lại có nguy cơ lan rộng vì càng ngày trái cây này càng được phổ biến trong giới trồng trọt cũng như giới tiêu thụ.

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

 

Bí Ẩn Độc Tính Trái Vải (Lệ Chi )

Một Quan Tâm Sức Khỏe Mới Nổi Ở Miền Nam Châu Á

Làm thế nào mà trái vải hay lệ chi, một loại trái cây nhiệt đới ngon ngọt, có thể gây ra một bệnh ở não bộ do hạ đường huyết (hypoglycemic encephalopathy) gây tử vong ở trẻ em? Câu trả lời rất đơn giản: trái vải (Litchi sinensis hoặc Litchi chinensis), và các trái cây khác của Họ Soapberry (Sapindaceae), có chứa các axit amin (amino-acid)  khác thường làm rối loạn cơ chế của cơ thể cung cấp đường glucose mới theo nhu cầu (gluconeogenesis) và cơ chế dùng năng lượng từ các acid béo bằng cách oxy hoá ( β-oxy hóa acid béo, beta oxidation of fatty acids). Điều này cũng được xác nhận đối với trái vải, và đặc biệt đối với một trái cây khác cùng họ hàng, trái ackee (Blighia sapida), một thành viên của nhóm Sapindaceae xuất phát từ Tây Phi Châu và được đem qua trồng vào thế kỷ 18 trong các đảo thuộc vùng biển Caribbean.

17Ahvhien --- tvv2

Từ mấy chục năm nay, người ta đã biết rằng ăn phải quả ackee còn non gây ra một tình trạng gây độc não bộ do hạ mức đường trong máu (bệnh nôn mữa Jamaica) ở trẻ em. Kiến ​​thức lan truyền chậm chạp đến một số vùng của châu Á, nơi mà cái bịnh được gọi là "bịnh trái vải bí ẩn" đã được giải thích bằng nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ người ta giải thích bằng màu trái cây

Fig2 : Trái cây  ackee (Blighia sapida) (Jamaica)

(fruit color), đột quỵ do nhiệt lúc thời tiết nóng (heat stroke) ở bang Bihar, Ấn Độ, hay do một loại thuốc trừ sâu chưa xác định ở phía tây bắc Bangladesh, và ở vùng Đông Bắc Việt Nam thì các nhà khảo cứu  nghi một virus nào đó tác dụng trên não bộ nhưng chưa xác định được là virus nào. Tuy nhiên , bệnh tiến triển quá nhanh để giải thích bằng một rối loạn do virus gây ra, với thời gian trung bình là 20 tiếng đồng hồ  từ lúc đứa bé đang khoẻ mạnh cho đến khi bị chết vì bịnh.

Dữ liệu về độc tính của nhóm trái cây Sapindaceae  đã được thiết lập từ lâu từ kinh nghiệm lâm sàng ở châu Phi và vùng Ca-ri-bê là một bài học quan trọng cho sức khỏe toàn cầu và độc chất học thần kinh (neurotoxicology). Một sự hiểu biết trên toàn thế giới về  các tác dụng có hại trên hệ thần kinh của các chất tìm thấy trong thiên nhiên cũng như các hóa chất tổng hợp sẽ gia tăng tốc độ chẩn đoán và điều trị các bệnh dịch bí ẩn khác của bệnh não  bộ do môi trường (environmental encephalopathy). Tiểu lục địa Ấn Độ không lạ gì với các tác động thần kinh của các chất độc trong thực vật - ví dụ, phụ thuộc vào những  thực phẩm như hạt đậu cỏ "grass peas" dẫn đến bịnh yếu hai hạ chi (parapareses  trong chứng lathyrism); và tuỳ thuộc vào thực phẩm chính là khoai mì (sắn, cassava) gây ra bịnh tê liệt do khoai mì gọi là  cassavism. Không giống như các bệnh về thần kinh loại này không thể chữa được nhưng tự giới hạn (self limited), bệnh não bộ do trái vải và trái ackee có thể được ngăn chặn bằng cách khôi phục nồng độ glucose trong máu. Tuy nhiên, một số trẻ em được báo cáo bị sa sút về nhận thức, yếu cơ, hoặc rối loạn vận động sau khi bị bịnh; nguyên nhân cần được điều tra.

Tại sao bịnh não do trái vải lại là một sự kiện tương đối mới xuất hiện ở Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam? Những lời giải thích hợp lý nhất là việc phát triển nhanh chóng của sản xuất trái vải với mục đích thương mại trên khắp châu Á và cả ngoài châu Á. Sản lượng trái vải  của Ấn Độ chỉ đứng thứ hai, sau Trung Quốc, xứ nguồn gốc của trái lệ chi (Litchi sinensis) và ở đó các hiệu ứng độc hại tiềm năng của trái vải được ghi nhận trong y văn  cổ đại. Hiện nay, một số nước châu Á xuất khẩu vải và các trái Sapindaceae khác, bao gồm chôm chôm (Nephelium lappaceum) và nhãn (Dimocarpus longan) để tiêu thụ ở nước ngoài. Ở Mỹ chẳng hạn, không giống như việc nhập khẩu được kiểm soát của quả ackee đóng hộp được kiểm soát, và hàm lượng về hypoglycin của  trái này  được screen (theo dõi  và giữ trong một giới hạn nào đó ), không có hạn chế cho các trái cây thành viên khác của gia đình Soapberry, bao gồm cả trái vải. May mắn thay, các loại trái cây nhập khẩu đắt tiền và người tiêu thụ chỉ thường ăn một lượng nhỏ, tình trạng dinh dưỡng của họ cũng tốt (không phải thiếu ăn như những nạn nhân bên Án độ), cho thấy có rất ít lý do để lo ngại về vấn đề này xảy ra ở Mỹ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn lo lắng để việc bịnh não bộ do đường huyết thấp này không còn bị lầm lẫn với một rối loạn do  nhiễm virus, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản B (Japanese encephalitis B), cũng như bịnh này sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác của châu Á, nơi sản xuất vải thương mại đang gia tăng và trẻ em suy dinh dưỡng có thể tìm ăn những trái cây rụng, hư, hay non mà người ta bỏ đi vì không bán được. Các vùng cần quan tâm bao gồm tây bắc Bangladesh, miền nam Trung Quốc, phía bắc Ấn Độ, Terai của Trung bộ Nepal, Vùng Tự Trị Codilllera của Philippines, Bắc Thái Lan và Đông Bắc Việt Nam.

Trồng vải cũng đang gia tăng ở miền nam Châu Phi, Australia, và lục địa Mỹ Châu. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu cần phải làm việc với các ngành công nghiệp trái vải để xác định mức độ chất axit hạ đường huyết thay đổi như thế nào giữa các giống, đất, khí hậu và điều kiện thu hoạch. Cần những hướng dẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, cũng như người lớn có  đặc tính chuyển hóa làm họ dễ mắc bịnh này, hoặc những người ăn trái cây lúc đói bụng. Trong khi tin tức về độc tính tiềm năng (có thể xảy ra) của trái vải có thể được tiếp  nhận với một mức chống đối nào đó, điều này có thể biến mất khi ngành công nghiệp được thông báo về các  nghiên cứu đang được tiến hành về cách sử dụng các tác nhân  hạ mức đường trong máu của trái vải trong cuộc chiến chống lại hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome) và những rối loạn sức khỏe mãn tính liên quan. Trong một bài hát của Jamaica, nơi Blighia sapida (trái ackee) được xem như  "trái cây quốc gia" (national fruit) và thường xuyên ăn kèm với cá muối, có câu sau đây: "một ackee một ngày khiến các bác sĩ đi ngay!" . Không chừng, lúc người ta tìm ra được cách dùng tác dụng hạ đường huyết của trái ackee, câu này lại có lý!

Peter S. Spencer , Valerie S Palmer

Bác sĩ Hồ Văn Hiền  phỏng dịch.

1)http://dx.doi.org/10.1016/S2214-109X(17)30046-3

2)Litchi-associated acute encephalitis in children, Northern Vietnam, 2004-2009.

Emerg Infect Dis. 2012 Nov;18(11):1817-24. doi: 10.3201/eid1811.111761.

3) Probable Toxic Cause for Suspected Lychee-Linked Viral Encephalitis

https://wwwnc.cdc.gov/eid/article/21/5/14-1650_article

4) Litchi Toxin May Have Caused Mysterious Epidemic in India, Inquiry Finds

https://www.nytimes.com/2015/01/31/world/asia/litchi-toxin-may-give-rise-to-mysterious-epidemic-in-india-inquiry-finds.html?_r=0

5) Association of acute toxic encephalopathy with litchi consumption in an outbreak in Muzaffarpur, India, 2014: a case-control study

http://www.thelancet.com/journals/langlo/article/PIIS2214-109X(17)30035-9/fulltext?rss=yes

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 4 tháng 2 năm 2017