"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

Song Ngữ Làm Bịnh “Lẫn” (Dementia) Xuất Hiện Chậm Hơn

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã bàn đến đề tài làm sao cho con cái chúng ta giữ khả năng nói hai thứ tiếng (song ngữ) hoặc nhiều hơn hai thứ tiếng ( như Pháp ngữ, Hoa ngữ, Nhật ngữ, Spanish,.. ngoài tiếng Anh được dùng hàng ngày). Lợi ích dễ thấy nhất là nếu chúng nói và hiểu được tiếng Việt, sự dạy dỗ sẽ dễ dàng hơn đối với chúng ta, và sẽ ở một trình độ sâu và ý nghĩa hơn, nhất là đối với vấn đề văn hóa.(1)

Ngoài những thuận tiện về giáo dục và văn hoá của khả năng song ngữ, càng ngày càng có nhiều bằng chứng y học về lợi thế của bộ óc song ngữ. Những khảo cứu trong khoa sinh học thần kinh (neurobiology) chứng minh những lợi ích của tình trạng song ngữ trên sức khoẻ của bộ óc, nhất là sự dẻo dai (plasticity) và "dự trữ tri thức" (cognitive reserve) của não bộ gia tăng, làm giảm nguy cơ lão hoá của bộ óc lúc cao tuổi, cũng như giúp cho bịnh lẫn (dementia) dù có đến thì triệu chứng cũng đến trễ hơn.

Một khảo cứu ở Canada cho  thấy những người dùng hai thứ tiếng bị chứng  “lẫn” tinh thần  (dementia) chậm hơn những người nói một thứ tiếng khoảng 4 (bốn năm). (2)

Trước đây người ta vẫn nghĩ rằng hoạt đông thân thể (physical activity), trình độ giáo dục, mức giao tiếp với thế giới bên ngoài giúp cho bộ óc “dẻo dai “ hơn ( brain plasticity), tăng khả năng vận dụng một vùng khác thay thế những vùng của bộ óc bị hư hại và tăng mạch máu đem dinh dưỡng tới bộ não (increased brain vasculature). Những yếu tố đó giúp tạo nên một “dự trữ về tri thức/hoặc nhận thức” (cognitive reserve) để xài trong tuổi già. Có nghĩa là những điều kiện sinh hoạt thể chất cũng như học hỏi lành mạnh lúc trẻ giúp cho bộ óc chúng ta có một “khoảng cách an toàn’ (margin of safety ) về khả năng học hỏi, vận dụng kiến thức, khả năng nhớ, nói chúng là các khả năng tri thức (cognitive functions) lúc tuổi xế chiều. Nhờ vậy óc của chúng ta được minh mẫn lâu hơn lúc già và các triệu chứng do “già sinh ra lẫn” (senile dementia) sẽ được ngăn cản xuất hiện trể hơn.(Bịnh Alzheimer là một trong những nguyên nhân của chứng dementia)

Cuộc khảo cứu ở Rotman Research Institute  đăng trong báo Neuropsychologia cho thấy việc dùng hai ngôn ngữ khác nhau cũng cho những kết quả trong chiều hướng đó. Theo nhà khảo cứu chính, TS Ellen Bialystok :“Khảo cứu của chúng tôi cho thấy nói hai thứ tiếng suốt đời một người có vẻ như liên hệ đến việc các triệu chứng “lẫn”xuất hiện chậm hơn 4 năm so với những người chỉ nói một thứ tiếng”. Trong các khảo cứu trước đây, TS Bialystok đã chứng minh rằng nói hai thứ tiếng có ích  cho khả năng chú ý và học hỏi ở người lớn cũng như trẻ em. Khảo cứu vùa công bố giúp trả lời câu hỏi bà đặt ra là những tác dụng như vậy ảnh hưởng thế nào đến sự khởi đầu của chứng “lẫn” (onset of dementia ).

Gần đây hơn, một khảo cứu mới của bác sĩ Brian  T. Gold ở Đại học Lexington, Kentucky so sánh người nói lưu loát hai thứ tiếng với người chỉ dùng một ngôn ngữ. Bộ óc những người này được theo dõi qua hình ảnh fMRI (neuroimaging by functional MRI, hình ảnh do cọng hưởng từ trường cơ năng) trong lúc hoạt động của tâm trí họ  thay đổi từ một lãnh vực này qua một lãnh vực khác (perceptual task switching). Ví dụ, đang chú tâm quan sát màu sắc các sự vật, họ phải đổi qua việc quan sát hình dạng các sự vật đó. Bộ óc những người hai ngôn ngữ, nhất là người lớn tuổi, chuyển đổi từ hoạt động nay qua hoạt động khác dễ dàng hơn, ít tốn kém năng lượng hơn.

Tiến sĩ Bialystok nhận xét rằng chơi ô chữ hay chơi một dụng cụ âm nhạc cũng làm tâm trí người già nhanh nhẹn và dẻo dai hơn, tuy nhiên đối với người dùng nhiếu thứ tiếng, đây là một loại thể dục tâm trí mà chúng ta có thể thực hành  mỗi phút trong ngày.

Thiết tưởng đây cũng là một tin đáng mừng cho những người nói trên một thứ tiếng như chúng ta. Thêm một lý do nữa để chúng ta tiếp tục dùng tiếng mẹ đẻ (lúc thích hợp) và dạy cho con cái chúng ta nói và đọc tiếng Việt, vừa có ích cho bây giờ và ngay cả lúc chúng …già, vừa giúp cho hạnh phúc gia đình.

   

BS Hồ Văn Hiền

Ngày 14 tháng 1 năm 2007

Cập nhật ngày 15 tháng 9, năm 2013

Tham khảo:

(1) MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VIỆC GIÚP CHO TRẺ EM VIỆT CÓ KHẢ NĂNG SONG NGỮ (bài 30 trong Nuôi Con Việt Trên Đất Mỹ tập 2) http://bshien.org/

(2) Bilingualism Has Protective Effect In Delaying Onset Of Dementia By Four Years, Canadian Study Shows

http://www.medilexicon.com/medicalnews.php?newsid=60646

(3) http://www.theglobeandmail.com/technology/science/bilingualism-helps-ward-off-dementia-study-shows/article7078305/

Bài báo đăng trong The Journal of Neuroscience có thể đọc ở đây:

Lifelong Bilingualism Maintains Neural Efficiency for Cognitive Control in Aging

http://www.jneurosci.org/content/33/2/387.full