"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Anh em, thứ tự sinh ra, tính tình và đồng tính luyến ái.

 

Trong các câu chuyện cổ tích quen thuộc của chúng ta , tuy không dữ dội tới mức giết nhau như chuyện Cain và Abel trong Thánh kinh hay chuyện Romus và Remulus của thành Rome, thường vai trò người anh cả và người em đối nghịch nhau.
Trong chuyện Trầu Cau, hai người cùng yêu một cô gái ở làng bên, người anh được “kết duyên cùng nàng”, và người em bỏ đi. Sau đó người anh đi tìm em, người chị dâu đi tìm chồng và đều bỏ mình, hai anh em hoá thành phiến đá vôi, cây cau và người đàn bà là cây trầu nối liền hai người đàn ông với nhau.
Trong chuyện “Trên cánh chim”, lúc cha mẹ chết người anh dành hết tài sản nhà cao cửa rộng, người em chỉ được cây khế trên miếng đất cằn cổi. Tuy nhiên vì người em tốt bụng nên được con chim đại bàng đến ăn khế, “ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang theo mà đựng”. Người em giàu mà không tham lam, trái lại người anh dành lại cây khế, lúc chim chở đến hòn đảo vàng, cố đem thật nhiều vàng đến đổi chim nặng quá phải thả người anh xuống biển chết.
Chuyện “Cái ấm đất” của Khái Hưng cũng vậy, người anh dành hết của cải, người em chỉ được có cái ấm đất để nấu nước vối đi bán, nhưng nhờ tấm lòng tốt và đôn hậu ấy, người em thành công và sống hạnh phúc.
Có lẽ những câu chuyện trên phản ảnh phong tục của chúng ta thời xưa, theo chế độ phụ hệ, theo đó người con trai đầu lòng thừa hưởng hết gia tài của cha mẹ để lại và được ưu tiên trong mọi hoàn cảnh khác. Xã hội tây phương cũng có luật tương tự, gọi là “luật con sanh đầu lòng” (progeniture law) hoặc “quyền con trưởng” (droit d’ainesse). Đặc biệt những xã hội nông nghiệp hay áp dụng luật này vì tài sản đất đai tích lủy khó và lâu, tài năng cá nhân ít quan trọng; luật này giúp cho việc bảo vệ di sản gia đình không bị chia năm xẻ bảy, khác với xã hội thương mãi những người tài giỏi có thể phát lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, ta không khỏi để ý rằng người con lớn là “bad guy” trong lúc người em yếu thế thường đóng vai “good guy”. Từ đó chúng ta thử đặt lại câu hỏi, đã từng được nhắc đến nhiều và gây tranh luận cũng không ít: vậy ngôi thứ chúng ta sanh ra trong gia đình ảnh hưởng đến con người, tính nết chúng ta như thế nào?
Alfred Adler (1870-1937), cùng thời với nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud, là người đầu tiên đưa ra giả thuyết là các điều kiện xã hội, bao gồm thứ tự chúng ta sinh ra (birth order), ảnh hưởng đến cá tính của chúng ta[1].Ông mô tả những người con trưởng thì “khát quyền lực” (power hungry), người con giữa thì ưa cạnh tranh, và con út thì “hư và lười biếng”. Thuyết của ông đưa ra để đối chọi với thuyết căn cứ trên sự phát triển tâm lý-tính dục của Freud (psychosexual development).

Thật vậy, đứa con đầu lòng đang được “một mình một chợ” thì bổng nhiên bị “mất ngôi” lúc có em mới sanh ra, và do đó bị ảnh hưởng suốt đời vì biến cố đó: trong tình bạn, tình yêu, và trong việc làm sau này. Trong lúc đó, nếu giải thích theo phân tâm học, thì đối với những đứa con sanh sau đẻ muộn, thì hiện diện của các anh nó làm biến đổi các động lực trong gia đình, tao nên một “môi trường xã hội” (social milieu) mới, ảnh hưởng trên tâm tính của những đứa đến sau[2].
Rất nhiều khảo cứu tâm lý học về vấn đề này đưa đến những nhận xét tương tự như nhận xét sau đây của Sulloway:
-Con đầu cần cù hơn (có tinh thần trách nhiệm, óc tổ chức, nhiều tham vọng và thành công ở học đường), ra xã hội thường bon chen hơn (socially dominant), ít chịu nhượng bộ hơn, ít cởi mở đối với những tư tưởng mới hơn những người sanh sau. Người con đầu chấp nhận tư tưởng mới căn cứ trên lý luận, trí thức nhiều hơn là do tính tình phóng khoáng.
Về mặt tình cảm, người con trưởng thần kinh dễ bị rối loạn hơn (neurotic), như dễ vui buồn bất thường, lo âu, bất an về địa vị của mình.
-Trẻ sanh sau dễ chịu hơn (agreeable), nhiều tình cảm hơn, dễ thích ứng, dễ tính (accommodating) hơn và có lòng vi tha hơn. Người con thứ thường cởi mở đối với những gì mới mẻ do tính tình họ phóng khoáng hơn. Họ thích thử nghiệm những cái mới và ít chịu ghép mình vào khuôn phép. Về tình cảm, họ ham vui hơn, và dễ hoà mình với người khác trong lúc người con cả nếu hướng ngoại (extrovert) cũng bằng cách tự cũng cố sự hiện diện (assertive) và quyền lực của mình trên người khác.
Ngoài ra, con đầu lòng tính theo trung bình, có vẻ như thông minh (đo bằng IQ: intelligence quotient) hơn các đứa sanh sau. IQ các người sanh càng về sau càng giảm, nhưng khác biệt rất ít. Có thể một trong những lý do là con cả được tiếp xúc với người lớn nhiều hơn, sau đó những đứa kia phần lớn là tác động qua lại với anh em mình nên về mặt trí thức, không phong phú như môi trường của đứa con đầu lúc nó sanh ra. Tuy nhiên, nếu đứa út thua anh hai của nó mười mấy tuổi, và anh hai của nó trình độ cao hơn của cha mẹ nó mấy chục năm trước đây, thì đứa út có thể có môi trường học hỏi thuận lợi hơn.

Cuối cùng, có một khám phá khá lý thú về thứ tự ra đời và đồng tính luyến ái. Tùy theo cách định nghĩa, tỷ số người đồng tính luyến ái có thể từ 2% đến 20%, đàn ông nhiều hơn đàn bà, và tùy theo địa phương. Chừng 4% cử tri Mỹ tự nhận là đồng tính luyến ái theo thống kê năm 2008. Mười mấy năm trước đây, Ray Blanchard và Anthony Bogaert [3] khám phá rằng một người con trai càng có nhiều anh cùng mẹ thì cái khả năng anh ta đồng tính luyến ái càng tăng (effect of fraternal birth order on male sexual orientation). Người ta ước tính rằng cứ 7 người đàn ông “gay” ở Mỹ thì một người “gay” vì anh ta sanh sau đẻ muộn trong gia đình nhiều con trai. Mà chỉ có số anh cùng một mẹ mới đáng kể, vì sự hiện diện của các loại anh khác (anh một cha khác mẹ, hoặc anh là con riêng của bố ghẻ (step brothers)), tuy có thể ảnh hưởng đến tương quan xã hội giữa người con trai đó với các thành viên khác trong gia đình, lại không có ảnh hưởng gì đến khả năng đồng tính luyến ái của anh ta. Người ta đặt giả thuyết giải thích hiện tượng này như sau:
Lúc người mẹ có thai con trai đầu lòng, trong máu bào thai nam có những protein đặc biệt của phái nam, những protein do nhiễm thể Y của tế bào thai nhi nam quyết định. Lúc người mẹ sanh đứa bé, một số protein này sẽ đi ngược vào máu người mẹ . Sau đó, hệ miễn nhiễm (phụ trách chống lại ngững protein lạ từ ngoài vào) của người mẹ sẽ sản xuất ra những kháng thể (antibodies) chống những protein “phái nam” đó. Khi người mẹ có thai những kỳ tới, nếu thai nhi là phái nam, những kháng thể “chống phái nam” đó sẽ đi qua nhau, qua máu thai nhi và tác dụng lên thai nhi nam mà không tác dụng trên thai nhi nữ. Người ta nghi rằng đấy là cơ chế làm cho những bé trai sinh sau các anh nó dễ trở thành “gay”.

Như trên chúng ta đã thấy, đây là những kết luận trong khảo cứu về tâm lý học gây rất nhiều tranh cãi cũng như nhiều lãnh vực khác của ngành tâm lý. Những yéu tố quan trọng khác có thể ảnh hưởng như di truyền (thành phần gien mỗi người), điều kiện kinh tế, văn hoá mỗi gia đình qua từng giai đoạn, khoảng cách nhiều ít giữa các con (dày hay thưa), bịnh tật mỗi người có thể mắc phải. Một trong những câu hỏi lý thú là với khuynh hướng mỗi nhà chỉ có hoặc được cho phép một hoặc hai con, thì tính tình của thế hệ tới sẽ thay đổi như thế nào, ảnh hưởng đến xã hội ra sao? Ví dụ ‘hiệu ứng ông Vua Con”(Little Emperor effect) bên Trung Quốc, đứa con trai độc nhất được nuông chiều tối đa, nhưng cũng có cảm tưởng luôn luôn bị canh chừng, soi mói, "giống như sống trong chậu nuôi cá", cũng bị ép phải thành công tối đa. Bernd Carette ở Đại học Ghent (2011) nhận xét đối với những gia đình chỉ có 2 anh/chị em sát tuồi nhau (chừng 2 1/2 tuồi), có sự khác biệt lúc chúng đề ra mục tiêu trong đời: người con trưởng đeo đuổi những mục tiêu do chính mình đề ra (self-referenced goals/mastery goals), trong khi người con thứ cố thực hiện những tiêu chí mà người khác đặt ra cho mình (others-referenced goals or performance goals), thường do người anh quy định. Khảo cứu cho thấy là rõ ràng người con đầu có khuynh hướng đóng vai trò lãnh đạo hơn. Tuy nhiên, có lẽ vai trò của cha mẹ không nhỏ: khi cha mẹ đinh ninh là đứa con cả có quyền và phải cầm đầu (ví dụ chúng ta cho người anh thay thế người cha,"quyền huynh thế phụ"), thì tự thái độ đó cũng làm cho đứa con cả tin thêm vào khả năng và quyền lãnh đạo của mình và sử dụng cái quyền đó, và phát triển khả năng lãnh đạo thực sự.

Còn nhiều khía cạnh, biến số khác cần bàn tới: giới tính trai hay gái; cách biệt tuổi tác nhiều hay ít; thành công cá nhân mỗi người, do đó có thể bàn về thứ tự trước sau theo cảm nhận tâm lý chủ quan của mỗi người thấy mình già dặng hay non trẻ hơn các anh/chị em khác (PBO: psychological birth order) so sánh với thứ tự thời gian sanh (ABO Age birth order); anh em một cha khác mẹ, hay một mẹ khác cha, hay cả hai bên con vợ; và con chồng ở chung, con nuôi, vân vân...Tuy nhiên, đây chỉ là một cơ hội để chúng ta duyệt qua những kiến thức mới về một lãnh vực lý thú của ngành tâm lý trẻ em.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

24-8- 2009

30-5-2014

 


[1] Sulloway, F.J. (2001). Birth Order, Sibling Competition, and Human Behavior. In Paul S. Davies and Harmon R. Holcomb, (Eds.), Conceptual Challenges in Evolutionary Psychology: Innovative Research Strategies. Dordrecht and Boston: Kluwer Academic Publishers. pp. 39-83.

[2] O brother, where art thou? The fraternal birth-order effect on male sexual orientation

David A. Puts, Cynthia L. Jordan, and S. Marc Breedlove*

Neuroscience Program and Psychology Department, Michigan State University, East Lansing, MI 48824-1101

[3] Xem phụ chú số 2