"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

Bệnh Giời Leo (Shingles, Zona)

Con Giời là một động vật thuộc phân ngành Đa Túc (Myriapoda) trông giống như con rết nhỏ, bò khá nhanh, thường sống ở các góc khuất, ngõ ngách, có thể gặp ở dưới gầm giường, nơi ẩm thấp như dưới các hòn gạch, đá,... Chúng kiếm ăn vào ban đêm nên có khi bò lên người đang ngủ và gây ngứa ngáy, nhột nhạt. Nhưng bệnh Giời Leo không phải do Con Giời gây ra.

Bệnh GIỜI LEO gây ra bởi siêu vi herpes-3 (HSV-3).

 

Siêu vi HSV-3 (Herpes Simplex Virus-3) cũng được gọi là HHV-3 (Human Herpes virus-3) hay là VZV (Varicella Zoster Virus).

 

HSV-3 (HHV-3) gây ra bệnh TRÁI RẠ cũng có tên khác là THỦY ĐẬU (Varicella = Chickenpox). Bệnh Trái Rạ ít nóng sốt cao, có nhiều mụt nước mọc rải rác khắp cơ thể gây ngứa ngáy khó chịu. Bệnh Trái Rạ rất hiếm khi gây nguy hiểm cho tính mạng, nhưng khi trẻ em mắc bệnh thì phải nghỉ học để tránh bệnh lây lan cho các bạn học khác. Khi bình phục, bệnh Trái Rạ ít để lại vết sẹo, hoặc nếu có thì chỉ rất ít sẹo nông và mờ, khó thấy.

 

 trai ra1   trai ra 2

                                      Trái Rạ (Chickenpox) 

 

Không nên lẫn lộn bệnh Thủy Đậu hay Trái Rạ (Varicella) với bệnh Đậu Mùa (Variola = Smallpox). Bệnh Đậu Mùa rất nguy hiểm, sốt cao, gây mụt mủ khắp thân thể. Người mắc bệnh này có thể bị mù mắt hoặc chết. Khi bình phục người bệnh sẽ phải mang đầy sẹo rỗ suốt đời. Rất may bệnh đậu mùa nay nay không còn nữa. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã tuyên bố bệnh Đậu Mùa đã được triệt bỏ.

 

dau mua 1             dau mua 2
                                       
 Đậu Mùa (Variola) 

Khi bệnh Trái Rạ lành, HHV-3 lẩn trốn và sau này gây ra bệnh GIỜI LEO (Shingles = Zona). Bệnh Giời Leo cũng có mụt nước như bệnh Trái Rạ nhưng mọc thành từng cụm dọc theo dây thần kinh và thường chỉ ở một bên của cơ thể, nhiều nhất là dọc theo dây thần kinh giữa hai xương sườn (intercostal nerve) nhưng cũng có thể ở dọc theo bất kỳ dây thần kinh ngoại niên nào, từ đầu tới chân. Bệnh Giời Leo không gây ngứa ngáy nhiều như Trái Rạ nhưng làm đau đớn. Người càng lớn tuổi thì càng đau nhiều và cơn đau càng kéo dài. Cơn đau có thể từ vài tuần tới nhiều tháng, có khi cả năm.
gioi leo 1     gioi leo 2

                                                     Giời Leo (Shingles, Zona)

Về điều trị bệnh Giời Leo thì thuốc Acyclovir (Zovirax), Valacyclovir (Valtrex), Famvir (Famcyclovir)… nếu được dùng sớm có thể giúp thu ngắn phần nào diễn tiến của bệnh. Nếu đau nhức thì tùy nhiều hay ít có thể dùng Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin), Naproxen (Aleve, Anaprox) … Gabapentin (Neurontin); đôi khi phải dùng cả tới narcotics mới làm dịu nổi cơn đau.

Thuốc chủng ngừa Trái Rạ (Varivax…) đã có từ lâu. Mọi trẻ em ở Hoa Kỳ đều được chích dù có bảo hiểm y tế hay không. Nay thuốc chủng ngừa bệnh Giời Leo (Zostavax) cũng đã có. CDC (Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật) và các hội đồng y khoa và Medicare đều khuyến cáo người già tên 60 tuổi nên chích ngừa. Tuy nhiên không phải bảo hiểm nào cũng sẵn sàng chi trả cho dịch vụ này. Quý vị nào quan tâm thử hỏi bác sĩ gia đình của mình xem sao.

 

Cũng xin được nói thêm ở đây là có 8 loại HSV (HHV):

HHV-1 gây lở miệng, chốc mép.

HHV-2 gây herpes genital (bệnh truyền nhiễm sinh dục). HHV-2 được tìm thấy ở 50% phụ nữ bị ung thư cổ tử cung.

HHV-3, đã nói như trên

HHV-4 (or EBV) gây nên infectious mononucleosis đau mình, đau cổ, mệt mỏi rã rời, …. Infectious Mononucleosis nằm trong nhóm ‘bệnh hôn’ (kissing diseases)

HHV-5 (or CMV) thường không gây triệu chứng gì nhiều, nhưng khi người mẹ mang thai truyền cho thai nhi thì đôi khi đứa con có thể bị tàn tật suốt đời.

HHV-6 và HHV-7 gây roseola, nóng sốt đỏ da ở trẻ em (roseola infantum) dễ lầm với ban đỏ (measles và ban Đức (German measles, rubella)

HHV-8 có thể gây ung thư da nhất là nơi những người hệ miễn nhiễm quá suy yếu, đặc biệt là những người mắc bệnh  AIDS.

 

Bác Sĩ Trương Ngọc Thạch