"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Bịnh Virus Ebola

 

Virus Ebola là một virus đang gây chết chóc ở Tây Châu Phi. Tên đặt theo tên thung lũng con sông Ebola ở Zaire (nay là Cọng hoà Dân chủ Congo), nơi "outbreak" (nhóm ca bịnh) đầu tiên được ghi nhận (1976).

Tuy nhiên Ebola cũng không xa chúng ta lắm, chỉ một chuyến bay nữa ngày là tới Mỹ. Năm 1989, ngay tại thành phố Reston gần chúng ta một dịch do Ebola suýt xảy ra khi một số khỉ dùng trong thí nghiệm khoa học đem từ ngoại quốc vào bị nhiễm virus này và bị chặn đứng kịp thời. Mấy chục con khỉ macaque được nhập cảng từ Philippines để dùng cho các phòng thí nghiệm và được nuôi dưỡng ở thành phố nhỏ Reston phía tây của Washington DC, bổng lăn đùng ra chết. Lúc đầu, người ta lo ngại nghi đấy là một bịnh sốt xuất huyết do siêu vi gây ra; kết quả lại ghê gớm hơn, người ta phát hiện siêu vi Ebola là thủ phạm, mà lại thuộc strain (dòng) Zaire có khả năng giết 90% những người bị nhiễm. Trong khi đó thì 4 nhân viên phòng thí nghiệm có dấu hiệu đã nhiễm Ebola. May mắn là không ai phát bịnh, và cuối cùng người ta xác nhận strain (dòng) Ebola này là một trong 5 dòng Ebola không gây bịnh ở người. Strain mới này được đặt tên là Ebola-Reston. Chuyện này là một đề tài của cuốn phim ăn khách "Outbreak" nói về đe dọa của các siêu vi trùng trên nền y tế toàn cầu. Năm 2001, ở Canada, các chuyên viên y tế cũng qua một cơn lên ruột vì một nữ bịnh nhân từ châu Phi qua mang những triêu chứng xuất huyết giống như là nhiễm Ebola. Nếu thật sự là Ebola, đây đã là một đe dọa kinh khủng cho tồn vùng châu Mỹ. Tuy nhiên, may mắn thay, sau khi xét nghiệm kỹ thì không phải.

Hai mươi lăm năm sau biến cố ở Reston, bịnh virus Ebola (Ebola Virus Disease [EVD] hay sốt xuất huyết Ebola (SXH Ebola, Ebola Hemorrhagic Fever [EHF]) đã trở thành một mối đe doạ sức khoẻ không những cho Châu Phi, mà cho cả toàn thế giới. Mấy ngàn người đã chết vì bịnh do Ebola. Mặc dù Mỹ đã ra lịnh cho quân đội Mỹ tham gia trực tiếp nỗ lực quốc tế chống virus này lan tràn, theo Tổng Thống Obama, trong những tháng tới có thể hàng triệu người ở châu Phi sẽ bị nhiễm, và nếu cộng đồng thế giới không kịp lo liệu, sẽ có thể hàng trăm ngàn người sẽ tử vong vì bịnh này.

(Tuy cũng gọi là "bịnh sốt xuất huyết", bịnh SXH ở Việt Nam cũng như các nước Đông nam Á, Puerto Rico (Mỹ), nam Mỹ và các đảo trong biển Caribbean hiện nay do virus tên dengue, được muỗi thành phố (Aedes) mang virus, chích vào bịnh nhân và truyền virus vào dòng máu của bịnh nhân. Bịnh dengue cũng gây nóng sốt, đau nhức dữ dội (nên còn gọi là “breakbone fever”) và những triệu chứng xuất huyết, bầm tím trong da; dengue gây tử vong ít hơn Ebola)

hvhien --- ebla1

Ebola virus (source: Wikipedia)

Virus Ebola đi vào cơ thể qua các niêm mạc (mũi, miệng), qua các vết nứt trong da, và qua đường chích. Bịnh thường tiến triển nhanh đến mức hệ miễn nhiễm không đủ thời gian để dựng nên phản ứng đề kháng

Triệu chứng EVD :

  • nóng sốt (trên 38.6C hay 101.5F)
  • nhức đầu dữ dội
  • đau bắp thịt, yếu ớt, mệt mõi
  • ói mữa, tiêu chảy, đau bụng
  • xuất hiện các vết bầm tím
  • các triệu chứng xuất hiện 8-10 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bịnh (có thể nhanh trong 2 ngày, dài đến 21 ngày)

Sau giai đoạn ban đầu với triệu chứng tương tự như cúm, (flu-like symptoms) bịnh nhân có thể nổi ban (skin rash) đến giai đoạn tiêu hoá, xuất huyết: chảy máu ngoài da, mũi, âm đạo, ói ra máu, đi cầu ra máu. Trong giai đoạn cuối cùng, hiện tượng suy nhiều bộ phận (phổi làm khó thở, suy gan, suy thận; multi-organ failure) và shock có thể xảy ra, và có thể chết

  • Tỷ lệ tử vong trung bình là 50%, trong quá khứ tỷ lệ này biến đổi từ 25% cho đến 90%.
  • Những nhóm ca bịnh đầu tiên bộc phát (outbreaks) ở những ngôi làng xa xôi nằm cạnh rừng Trung tâm Phi Châu; tuy nhiên gần đây những dịch bộc phát ở các trung tâm đô thị lớn cũng như ở nông thôn.
  • Thành công ngăn chặn các ổ dịch này tuỳ thuộc vào sự phối hợp các cố gắng nhiều mặt của cộng đồng liên hệ thành một "gói" (package): như phát hiện trường hợp bịnh, theo dõi các trường hợp tiếp cận với bịnh, chôn cất, phòng thí nghiệm, giáo dục quần chúng. Dân chúng ở vùng xa xôi ở Châu Phi vẫn tin là bịnh Ebola do bịnh nhân bị bùa phép gây nên (witchcraft) và người da trắng mang mầm bịnh, cho nên gần đây dân địa phương ở Guinea giết một nhóm 8 người gồm người hoạt động xã hội, nhà báo đi vào các làng để phát hiện và cô lập các ca bịnh và giáo dục quần chúng.
  • Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị Ebola. Bịnh nhân được cung cấp cho đủ nước, (rehydration) chữa theo triệu chứng, hỗ trợ để cải thiện tỉnh hình chung của bịnh nhân. Những thuốc chữa dùng biện pháp miễn nhiễm ((dùng kháng thể chống Ebola) còn đang trong vòng nghiên cứu, thí nghiệm.
  • Có 2 thuốc chủng ngừa đang được xét để đi vào áp dụng phổ biến trên người.Theo WHO, hy vọng qua tháng giêng năm 2015, vaccine sẽ có thể được áp dụng giới hạn cho nhân viên y tế hay ở tuyến đầu các vùng bị dịch ở Tây Phi; việc áp dụng vaccine rộng rãi cũng như trị liệu dùng máu hay huyết tương của người từng bị nhiễm bịnh và hồi phục chắc phải đợi lâu hơn.

 

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Ngày 25 tháng 9 năm 2014

hvhien --- ebola2