"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

SỞ BÁ VƯƠNG HẠNG  VŨ

QUA THƠ NGUYỄN DU, HỒ TÔNG THỐC, PHẠM SƯ MẠNH   VÀ   HUY THÔNG

I . NGUYỄN DU  THĂM   MỘ  SỞ  BÁ VƯƠNG  HẠNG VŨ., PHẠM TĂNG

          Sở Bá Vương Hạng Vũ tức Hạng Tịch (232-202) tự Võ hay Vũ, người đất  Hạ Tương nay thuộc tỉnh Giang Tô xuất thân từ gia đình quý tộc đời  đời làm tướng nước Sở. Sức mạnh nhấc vạc, dời non địch cả trăm người. Cuối đời nhà Tần theo chú là Hạng Lương khởi binh ở Ngô Trung, đánh phía Bắc sông Hoài, sông Hoàng Hà, đại phá quân Tần. Sau khi Tần mất tự lập là Tây Sở Bá Vương, cùng Lưu Bang (Hán Cao Tổ) tranh đoạt thiên hạ, cuối cùng bị thua ở Cai Hạ, chạy đến Ô Giang tự vẫn năm 31 tuổi.

          Hạng Vũ và Lưu Bang là hai nhân vật chính trong lịch sử  Hán Sở Tranh Hùng : một đìển hình về nhân đạo và bạo lực. Tần Thủy Hoàng tóm thâu 6 nước thống nhất thiên hạ, lập nên nhà Tần ham dâm vô đạo : chiếm nước Triệu giết bốn trăm ngàn quân sĩ đầu hàng, đốt sách, chôn nho sĩ, lập cung A phòng với  5 ngàn cung nữ, xây Vạn Lý Trường Thành hao tổn bao xương máu, nhân dân thán oán. Lòng dân ngóng đợi một vị minh chúa. Khi Tần Thủy Hoàng mất. Thời thế đã xuất hiện một Hạng Vũ, một kẻ vá trời lấp biển, thuận theo lòng người diệt nhà Tần, trị thiên hạ. Tuy nhiên Hạng Vũ vẫn là kẻ bạo ngược, cũng chỉ biết dùng bạo lực trị dân. Lưu Bang không đánh giặc bằng uy dũng mà dẹp loạn vì lòng nhân, khiến cho bạo lực và nhân đức đối chọi một cuộc chiến kỳ thú. Cuối cùng Lưu Bang đã thắng lập nên nhà Hán cai trị Trung Quốc 400 năm. Là một triều đại thịnh trị, dân Trung Hoa tự xưng mình là dân tộc Hán.

          Hạng Vũ khi bị Lưu Bang vây chặt ở đất Cai Hạ. Hạng Vũ làm bài thơ Cai Hạ Ca. Ngu Cơ họa theo. Hạng Vũ khóc, mọi người cùng khóc,  Ngu Cơ tự vẫn để Hạng Vũ chiến đấu trận cuối cùng.

Bài thơ Hạng Vũ :

Sức bạt núi  hề khí  trùm cõi thế,

Ngựa chuy không chạy hề thời không may.

Ngựa sao đứng mãi thế này!

Nàng Ngu Cơ ơi,  hề tính sao đây !

Nguyên tác:

Lực bạt sơn hề khí cái thế,

Thời bất lợi hề chuy bất thệ.

Chuy bất thệ hề khả nại hà !

Ngu hề Ngu hề nại nhược hà !

Nàng Ngu Cơ đáp lời :

Hán binh lấy hết đất,

Khúc Sở vang bốn bề,

Đại Vương chí lớn cạn,

Tiện thiếp sống làm chi !

Nguyên tác:

Hán binh dĩ lược địa,

Tứ diện Sở thanh ca.

Đại vương ý khí tận,

Tiện thiếp hà liễu sinh  !

          Hạng Vũ tự vẫn ở bến sông Ô Giang, tỉnh An Huy , đầu bị cắt đem  về dâng Hán Cao Tổ, Lưu Bang ôm đầu khóc, nhớ lại  những ngày xưa từng kết nghĩa anh em, chỉ vì tranh thiên hạ mà hiềm khích. Tuy bắt Thái Công và Lã Hậu, mà vẫn nuôi dưỡng tử tế không hề xúc phạm, đó là hành động của bậc trượng phu. Không ngờ nay nhà vua chết đi, tôi thương tiếc biết chừng nào.... Cái đầu xuất hiện lần cuối cùng ở Lỗ Thành, khi thành này không chịu hàng, Hán Cao Tổ cho đem đầu đến quân tướng Lỗ Thành mới chịu đầu hàng. Sau đó Hán Cao Tổ cho an táng  theo nghi lễ Lỗ Công,tại khu lăng mộ vua nước Lỗ. Như thế theo phong tục ngày xưa Trung Quốc, có hai ngôi  đền lăng mộ Hạng Võ:  Ngôi mộ ở Ô Giang chỉ có thân mình và chiếc đầu giả bằng gỗ, và ngôi lăng mộ ở Lỗ Thành an táng chiếc đầu và thân hình tạc bằng gỗ. Nguyễn Du viết bài I, ở Ô Giang và viết bài II, ở Lỗ Thành khi đi sứ trên đường về qua Sơn Đông; trong khoảng thời gian 2-11 đến 11-12 năm Quý Dậu ( 1813) từ Cảnh Châu tỉnh Trực Lệ qua Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, rồi qua An Huy mà xuống Hồ Bắc..

          Nguyễn Du viết bài Sở Bá Vương mộ bài I, vì có chi tiết Nguyễn Du muốn đi Trường Lăng,  tỉnh Thiểm Tây thăm mộ Hán Cao Tổ. Thiểm Tây là tỉnh có  kinh đô   Trường An,  do đó bài này làm khi đi qua Sở Bá Vương mộ ở Ô Giang trong thời kỳ giang hồ 1789. Sứ thần Hồ Tông Thốc làm bài thơ ở Đền Hạng Vương, Lỗ Thành. Sứ thần  Phạm Sư Mạnh đời Trần làm bài thơ ở Ô Giang.  Nhà thơ Phạm Huy Thông, năm 16 tuổi, không đi qua hai nơi này nhưng bắt nguồn từ cảm hứng từ chuyện  Hạng Võ biệt Ngu Cơ trong Hán Sở Tranh Hùng đã viết  trường ca Tiếng Địch sông Ô, đăng báo năm 1935. Sông Ô Giang là một trong 7 phụ lưu chính, nằm bên phải sông Dương Tử Giang, dài 6300 km. dài thứ ba trên thế giới sau sông Nil và Amazone. Dương Tử Giang có 700 phụ lưu.  Ngày nay sông Ô Giang , không còn thơ mộng như thời Hạng Võ biệt Ngu Cơ, mà là con sông ô nhiểm nhất thế giới, ô nhiểm đến mức báo đăng gần đây, có một thương gia họ Lưu làm ăn thua lỗ, nhảy xuống sông Ô Giang  tự tử, nhưng chịu không nổi mùi hôi thối phải, kêu cứu nhờ người cứu vớt  lên bờ trở lại.

          Nguyễn Du viết : Có sức dời non, nhấc vạc, nhưng làm gì được mệnh trời. Bài Cai Hạ Ca, Hạng Vũ viết:  Lực bạt sơn hề khí cái thế (Sức  san bằng được núi, khí thế bao trùm cõi đời). Trước miếu vua Hạ Vũ có cái vạc, chỉ một mình Hạng Vũ nhất nổi. Mối hận xưa, dằng dặc gửi dưới lớp cát mỏng. Đất Bá Thượng (tỉnh Thiểm Tây) khi Lưu Bang ở có đám mây nổi lên trời như con rồng năm sắc, mọi người cho đó là điềm vua xuất hiện, có người sẽ lên làm vua. Trong màn luống nghe tiếng hát mỹ nhân. Khi Hạng Vũ bị Lưu Bang vây. Hạng Vũ ngâm thơ, phu nhân  là Ngu Cơ họa đáp. Hạng Vũ khóc mọi người cùng khóc. Ngu Cơ hát lời cuối cùng trước khi tự vẫn . Phiến đá trước mắt còn ghi dấu anh hùng. Sau sự việc xãy ra, bọn nhà nho bàn tán quá nhiều. Bàn tán vì Hạng Võ sau khi thua ở Cai Hạ không chịu về Giang Đông để phục binh mà tự vẫn vì không muốn mang danh là tướng bại trận. Muốn tìm một mãnh đất ở Trường Lăng. Trường Lăng nơi mộ Hán Cao Tổ nay thuộc huyện Trường Lăng, tỉnh Thiểm Tây. Sau loạn  Xích My rồi nơí ấy gai góc mọc đầy. Cuối thời Tây Hán, để khỏi lộn với quân Vương Mãng, nghĩa quân đều vẽ lông mày đỏ gọi là Xích My.

SỞ BÁ VƯƠNG Mộ

I

Dời non nhất vạc chẳng qua trời,

Dưới cát mỏng còn hận chẳng nguôi.

Bá Thượng hiện ra thiên tử khí,

Trong màn tiếng hát  mỹ nhân thôi.

Anh hùng bia đá còn trong mắt,

Nho sĩ  luận bàn biết mấy lờì.

Đất cũ Trường Lăng toan tính đến,

Xích My loạn lạc phủ đầy gai.

Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

SỞ BÁ VƯƠNG Mộ

Bạt sơn giang đỉnh nại thiên hà ?

Túc hận du du ký thiển sa.

Bá Thượng dữ thành thiên tử khí,

Thướng trung không thính mỹ nhân ca.

Nhãn tiền phiến thạch anh hùng tại,

Sự hậu quần nho khẩu thiệt đa.

Dục mịch  Trường Lăng nhất phôi thổ,

Xích my loan hậu biến bồng ma.

Bài II. Tấm đá dựng một mình cao ngất bên đường. Chẳng phải Ô Giang (phía đông bắc Hòa Huyện, tỉnh An Huy) nơi Hạng Vũ  tự vẫn. Mà là thành cũ nước Lỗ, nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Khi Hạng Vũ đánh thua ở Cai Hạ chạy về bến Ô Giang,  người đình trưởng Ô Giang đưa đò đến đón  khuyên Vũ nên về Giang Đông, nước Sở nhưng Vũ tự đâm cổ chết. Sau khi Vũ chết các thành đều hàng phục Lưu Bang, riêng Lỗ Thành không chịu hàng. Lưu Bang phải đem đầu Vũ ra cho xem mới chịu hàng. Nguyễn Du trên đường đi sứ về, vì đổi đường đi có đi ngang qua Sơn Đông viết bài Cây Liễu đền Mạnh Tử,  bài II, Nguyễn Du làm lúc đi sứ về lúc đi ngang qua Lỗ Thành thấy tấm bia nơi Hạng Vương Từ.  Đến khi biết bại vong không phải do tội đánh trận kém. Câu này nhắc lại lời Hạng Vũ nói ông ta thua không phải vì không biết đánh trận mà vì trời làm cho thua. Mới hay đem trí lực mà tranh với trời chỉ uổng công thôi. Xưa nay không biết bao nhiêu anh hùng đã rơi lệ. Câu này nhắc đến Hạng Vũ, ngâm họa Cai Hạ ca cùng Ngu Cơ , mọi người đều khóc không ai ngẫng  lên nhìn. Trong mưa gió còn nghe như tiếng la hét. Hạng Vũ khi cầm quân hay la hét khiển trách. Nguyễn Du tưởng tượng trong mưa gió gầm thét như tiếng hét Hạng Vũ năm nào. Ngôi đền vắng vẻ hai mùa, không ai quét dọn cúng tế. Mỗi mùa xuân đến, cỏ Ngu mỹ nhân lại mọc xanh tươi. Sau khi Ngu Cơ tự vẫn, thứ cỏ mọc trên mộ nàng gọi là Ngu mỹ nhân. Tăng Tử Cố trong bài vịnh nàng có câu : Tiêu huyết hóa vi nguyên thương thảo. (Máu đào hóa thành cỏ mọc trên bãi).

I I.

Bên đường bia đá dựng chênh vênh,

Chẳng phải Ô Giang mà Lỗ Thành.

Biết chẳng bại vong vì sức kém,

Uổng đem trí lực chống trời xanh.

Xưa nay bao lệ anh hùng đổ,

Mưa gió còn nghe tiếng hét quanh.

Vắng vẻ hai mùa không cúng lễ,

Cỏ Ngu xuân đến lại xanh xanh.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

II.

Lộ bàng phiến thạch độc tranh vanh,

Bất thị Ô giang, thị Lỗ Thành.

Cập thức baị vong phi chiến tội,

Không lao trí lực dữ thiên tranh.

Cổ kim vô ná anh hùng lệ,

Phong vũ do văn sất sá thanh.

Tịch tịch nhị thời vô tảo tế,

Xuân lai ngu thảo tự tùng sinh.

          Nói đến Hạng Vũ, cũng không quên nói đến Phạm Tăng        là quân sư, mưu sĩ chính của Hạng Võ. Ngày 21-9 năm Quý Dậu (1813) Nguyễn Du đến Từ Châu, đây là kinh đô Bành Thành của Hạng Vương, đã ghé thăm mộ Phạm Tăng, Nguyễn Du viết bài Á Phụ Mộ.

          Phạm Tăng người đất Cư Sào, có nhiều mưu kế lạ, năm ông 66 tuổi  được Sở Bá Vương Hạng Vũ mời ra giúp. Vũ rất trọng Phạm Tăng nên gọi Phạm Tăng là Á Phụ. Tăng biết mệnh trời đã ứng với họ Lưu song vẫn xui Vũ giết Lưu Bang nhân buổi yến tiệc ở Hồng Môn, Vũ không nghe. Phạm Tăng cầm đôi chén ngọc, do Lưu Bang, Trương Lương đem lại, vật tịch thu từ cung điện nhà Tần. Hạng Vũ  trao tặng thưởng cho  Phạm Tăng, Phạm Tăng tức giận cầm đôi chén ngọc  đặt xuống đất tuốt kiếm đập vỡ tan và nói: “ Chà, thằng trẻ con không thể cùng bàn mưu. Người đoạt thiên hạ của Hạng Vương nhất định là Bái Công. Bọn ta sẽ bị bắt cầm tù hết “ (Sử Ký). Phạm Tăng tiến cử Hàn Tín, Hạng Vương  không tin chỉ dùng làm Chấp Kích Lang, chức vác kích theo hầu.  Phạm Tăng dặn dò khi đi vắng, nếu không dùng Hàn Tín, thì nên giết Hàn Tín đi, Hạng Vương không nghe để Hàn Tín về đầu Lưu Bang, trở thành Đại Nguyên Soái của Lưu. Cuối cùng Hạng Vương bị đại bại về tay Hàn Tín.

          Lúc binh Sở vây thành Huỳnh Dương của Hán rất gấp, Hạng Vương lại mắc mưu ly gián của Trương Lương, nghi Phạm Tăng tư thông với Lưu Bang phản mình. Phạm Tăng biết tính nóng nẩy, hẹp hòi của Hạng Vũ, biết không thể minh oan cho mình được, bèn xin từ chức về quê. Phạm Tăng vừa buồn vừa tức. Buồn vì biết rằng Sở sẽ bị Hán diệt, tức vì mình đem thân phụng thờ Hạng Vương, kẻ hữu dõng vô mưu. Chẳng bao lâu Phạm Tăng lâm bệnh, phát một cái nhọt lớn ở lưng, rồi chết, thọ được 71 tuổi.

          Hạng Vương hay tin hối hận không cùng, sai người đem xác Phạm Tăng về Bành Thành, khâm liệm, mai táng trọng thể.

          Bài thơ Á Phụ Mộ, Nguyễn Du viết tại Từ Châu:  Mắt nhìn thấy mây năm sắc nổi lên ở đất Bá Thượng. Bá Thượng là nơi Lưu Bang, Hán Cao Tổ sinh ra. Ngày xưa cho rằng khi mây ngũ sắc xuất hiện nơi nào là nơi đó có vị thiên tử xuất hiện để lập một triều đại mới. Phạm Tăng biết Lưu Bang sẽ được ngôi vua, nhưng vẫn miệt mài bày mưu đặt kế giết Lưu Bang, nhưng đều bị hỏng. Phạm Tăng hành động vì quan niệm trung quân, đã thờ Hạng Vương làm minh chúa thì không phụ lòng Sở Vương,  khăng khăng cho rằng  “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều “ dù biết mệnh trời đã thuộc về Lưu Bang. Nghiệp bá của Sở Vương tiêu tan đã ngàn năm rồi. Nấm mộ cổ   ba thước (ngày xưa chôn dưới ba tất đất, thước Trung Quốc ngày xưa khác  mét ngày nay) giờ hoang lạnh trong mùa thu. Bao nhiêu kẻ một lòng trung thành với người mình thờ, thường bị người đời cười là ngu.

MỘ Á PHỤ

Bá Thượng mây năm sắc thấy rồi,

Vẫn còn mài miệt đặt mưu thôi.

Không đành phụ Sở dầu ghi dạ,

Dẫu biết rằng Lưu có mệnh trời.

Nghiệp bá nghìn năm tiêu tán mất,

Nấm mồ ba thước lạnh thu  trôi.

Một lòng bao kẻ trung vì chúa,

Thường bị người đời bảo ngốc, cười.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

Á PHỤ MỘ

Nhãn khan Bá Thượng ngũ vân phù,

Cấp cấp phương đồ nhất kích mưu.

Đãn đắc thủ tâm vô phụ Sở,

Bất tri thiên mệnh dĩ qui Lưu.

Bá đồ dẫn diệt thiên niên hậu,

Cổ mộ hoang lương tam xích thu.

Đa thiểu nhất tâm trung sở sự,

Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu.

I I.   HẠNG VƯƠNG QUA THI CA CÁC SỨ THẦN HỒ TÔNG THỐC, PHẠM SƯ MẠNH

HỒ TÔNG THỐC, không rõ năm sinh năm mất, thủy tổ Hồ Xuân Hương, Hồ Sĩ Đống, đời Trần Nghệ Tông (1370-1372)  thi đỗ Trạng nguyên năm 17 tuổi, người làng Thổ Thành, phủ Diễn Châu nay thuộc Nghệ Tĩnh, ngụ tại xã Vô Ngại, huyện Đường Hào nay thộc Hải Hưng. Làm quan An Phủ sứ và đi sứ Trung Quốc.

          Vào những năm cuối niên hiệu Xương Phù vua Trần Phế Đế (1377-1388). Hồ Tông Thốc được thăng đến chức Hàn Lâm Học Sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm Hình Viện Sứ, rồi Trung Thư Lệnh, chức vụ cố vấn bên cạnh vua.. Khi nhà Hồ (1400-1407) lên nắm quyền. Hồ Tông Thốc về hưu và mất năm 80 tuổi. Hồ Tông Thốc có soạn: Việt Sử Cương Mục, Thảo nhàn hiệu tần tập, Việt Nam thế chí, Phú học chỉ nam. Ngoài ra ông còn hiệu đính Hình thế địa mạch ca do Trần Quốc Kiệt biên soạn. Các tác phẩm ông đều bị thất lạc, cho đến nay chỉ thấy hai bài thơ và hai bài văn xuôi: Qua chơi Đông Đình họa thơ của Nhị Khê (Nguyễn Phi Khanh), Đề đền Hạng Vương, Bài minh và tự ở bia chùa Từ Ân, Bài tựa sách Việt Nam thế chí.

          Trong Truyền Kỳ Mạn lục của Nguyễn Dữ, có Câu chuyện đền Hạng Vương chép: Hồ Tông Thốc đi sứ qua Đền Hạng Vương đề bài thơ, đề xong ông về  lữ quán, uống rượu say ngủ, bỗng có người mời đến gặp Hạng Vương, Hạng Vương trách Tông Thốc không nói đúng sự thật lịch sử, Tông Thốc tranh luận lại, được Hạng Vương cùng quần thần kính nể.. Câu chuyện giữa Hạng Vương và Hồ Tông Thốc là câu truyện truyền kỳ, nhưng bài thơ là bài thơ thật của Hồ Tông Thốc đề Hạng Vương Từ làm ở Lỗ Thành, Sơn Đông. Bài thơ như sau:

          Non nước nhà Tần ( còn có tên là Trăm Hai ) nổi lửa chiến tranh. Nhà Tần đóng đô ở Quan Trung, nơi hiểm yếu hai người có thể địch lại trăm người, vì vậy được gọi là non nước Trăm Hai. Hạng Võ  theo học với chú Hạng Lương, và cùng chú, nổi lên chống nhà Tần, đánh Quan Trung. Đem đoàn tử đệ vào Quan Trung, đem con em vào kinh đô nhà Tần. Hạng Bá cũng là chú Hạng Lương cùng chiến đấu với Hạng Vũ, Khói tan nơi Hàm Cốc cung châu lạnh. Hạng Vương đốt cung A Phòng nơi chứa  hơn 5000 mỹ nữ của nhà Tần cháy hàng tháng trời, chỉ còn đống gạch vụn lạnh giá. Tuyết tan chốn Hồng Môn đấu ngọc vỡ tan. Trong tiệc Hồng Môn, Phạm Tăng quân sư của Hạng Vũ định giết Lưu Bang, vì  tiên đoán  Lưu Bang sẽ thắng thống nhất thiên hạ, song Hạng Vương không nghe. Phạm Tăng tức mình chém tan cái chén bằng bạch ngọc của Hạng Vương tặng, cái chén vỡ ra, mãnh văng như tuyết. Số trời phải thua, chạy theo đường Trạch Tả. Hạng Vương bị vây ở Cai Hạ, Trương Lương thổi sáo làm quân tướng nhớ nhà bỏ trốn chỉ còn tám trăm quân, Hạng Võ phá được tám vòng vây đến Âm Lăng, hỏi đường bị ông già đánh lừa. Vương chạy sang phía tả vướng đầm lầy Trạch Tả không chạy được. Lúc về không còn nẻo đến được Giang Đông. Hạng Vương chạy đến Ô Giang, người đình trưởng lái thuyền khuyên nên qua sông sang Giang Đông gầy dựng lại sự nghiệp; Vương không nghe rút gươm tự tử.. Năm năm lăn lộn được việc gì nhỉ ?. Chỉ còn được vùi trong khu lăng mộ các vua nước Lỗ ở Lỗ Thành. Khi Hạng Vương mất các thành đều đầu hàng chỉ có Lỗ Thành quyết chiến đấu. Lưu Bang Hán Cao Tổ mới cho người đem đầu Hạng Võ đến, Lỗ Thành (Sơn Đông) mới chịu đầu hàng, sau đó Hán Cao Tổ lấy lễ Lỗ Công an táng chiếc đầu Hạng Võ tại Lỗ Thành,  khu lăng mộ các vua nước Lỗ.

ĐỀ ĐỀN HẠNG VƯƠNG

Non nước Trăm Hai nổi chiến chinh,

Đem đoàn tử đệ vào Quan Trung.

Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh,

Tuyết nát Hồng môn ngọc vỡ tan.

Số phải bại vong đường Trạch Tả,

Lúc về không nẽo đến Giang Đông.

Năm năm lăn lộn làm chi nhỉ ?

Chỉ được chôn khu mộ Lỗ Công.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

ĐỀ HẠNG VƯƠNG TỪ

Bách nhị sơn hà khởi hà khởi chiến phong,

Huề lương tử đệ nhập Quan Trung.

Yên tiêu Hàm Cốc châu cung lãnh,

Tuyết tán Hồng Môn ngọc đẩu không.

Nhất bại hữu thiên vong Trạch Tả,

Trùng lai vô địa đáo Giang Đông.

Kinh doanh ngũ tải thành hà sự ?

Tiêu đắc khu khu táng Lỗ Công.

          PHẠM SƯ MẠNH  học trò giỏi của Chu Văn An đỗ Thái Học Sinh (Tiến Sĩ)  vào đời Trần Minh Tông. Đi sứ năm 1345  đời Trần Dụ Tông (1341-1357) để tranh luận về cột đồng có viết bài thơ khi qua miếu Hạng Vũ ở Ô Giang.

          Bàn sự hưng vong là chuyện không cùng. Hãy tưới chén rượu thơm trước mộ mà viếng người anh hùng mắt có hai con ngươi.. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, Hạng Vũ là người tướng mạo dị thường mắt có hai con ngươi. Trùng đồng đây chỉ Hạng Vũ. Giết kẻ đầu hàng làm trái điều ước, để lại ngàn năm hận. Chỉ việc Tần Tử Anh tức Tần Tam Thế làm vua được 42 ngày, con Phù Tô, cháu đích tôn  Tần Thủy Hoàng, đầu hàng rồi, Hạng Vũ cứ giết. Hạng Vũ còn sai  chôn sống hai trăm ngàn quân Tần theo Chương Hàm, đã đầu hàng chỉ vì nghe lời nói vài  quân lính bàn tán. Hạng Vũ còn giết 800 tôn tộc nhà Tần, và 4600 họ hàng quần thần nhà Tần. Khi Lưu Bang và Hạng Vũ cất quân đánh Tần, hai người kết nghĩa anh em, vua  Nghĩa Đế có giao hẹn hễ ai tiến vào ải Tần trước người ấy sẽ làm vua. Kết quả Lưu Bang tiến vào cửa ải trước và hạ được kinh đô Hàm Dương, nhưng Hạng Vũ vẫn không chịu nghe, giết vua  Nghĩa Đế và đem quân đánh lại Lưu Bang để giành ngôi. Giành nghiệp bá, mưu đồ nghiệp vương, một lúc  không còn gì nữa. Mây mờ Giang Đông, đất Sở cũ, hạ lưu sông  Dương Tử Giang làm buồn lòng người già. Trăng soi đất Cai Hạ (huyện Linh Bích, tỉnh An Huy) nơi Hạng Vũ bị quân Lưu Bang vây hãm, nơi đây khi nghe Hạng Vũ, Ngu Cơ ngâm thơ mọi người đều khóc. Lời ngâm Hạng Vũ : biết cái chí bao trùm đời, sức san bằng núi. Nay đều nằm trong đám  cỏ nội, hoa đồng.

MIẾU HẠNG VŨ Ở  Ô GIANG

Bàn sự hưng vong chuyện chẳng cùng,

Rượu thơm tưới mộ viếng Trùng Đồng.

Sát  hàng, bội ước ngàn năm hận,

Tranh bá, đồ vương, một thoáng không.

Mây phủ Giang Đông buồn phụ lão,

Trăng soi Cai Hạ khóc anh hùng.

Tiếng đời  san núi, bao  tài  khí,

Cũng vùi cỏ dại với hoa đồng.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Ô GIANG HẠNG VŨ MIẾU

Thuyết trước hưng vong sự mạc cùng,

Nhất bôi liêu vị lỗi Trùng Đồng.

Sát hàng bội ước thiên niên hận.

Tranh bá đồ vương nhất đán không,

Văn ám Giang Đông sầu phụ lão,

Nguyệt minh Cai Hạ khấp anh hùng.

Kỷ đa cái thế bạt sơn lực,

Tận tại nhàn hoa dã thảo trung.

I I I.       PHẠM HUY THÔNG  TIẾNG ĐỊCH SÔNG Ô.

          Nói đến Hạng Vũ chúng ta không quên nhà thơ Huy Thông,  Tiến sĩ  Phạm Huy Thông (1916-1988), Hiệu Trưởng Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội ( (1956-1966) Viện Trưởng Viện Khảo Cổ (1967-1988), một nhà khoa học đã đặt nền tảng cho, đào tạo giáo dục và  ngành Khảo Cổ Học Việt Nam, tác giả nhiều công trình giá trị về thời đại Hùng Vương, Trống Đồng.

          Dòng dõi Phạm Ngũ Lão thế hệ thứ 14, sinh trong một gia đình giàu có Hà Nội, thân phụ là ông Phạm Chấn Hưng, chủ hiệu vàng Chấn Hưng phố Hàng Bạc, chủ trương báo Nông Công Thương, Chủ tịch Khu Đông Kinh Nghĩa Thục, Chủ tịch Tuần Lễ Vàng năm 1945..  Ông học  Trung Học Albert Sarrault Hà Nội . Đỗ Cử  nhân Luật. Viện Đại Học Đông Dương năm 21 tuổi, ông du học tại Pháp năm 1937. Đỗ Tiến sĩ Luật và Thạc Sĩ Sử Học tại Pháp năm 26 tuổi , ông được phong chức Giáo Sư tại Pháp năm 31 tuổi, từng giữ chức Ủy Viên Hội Đồng Giáo Dục Tối Cao Pháp.

          Tham gia và lãnh đạo  Phong trào Việt Kiều tại Pháp, năm 1946 ông được mời làm thư ký riêng cho phái đoàn Việt Nam tại Hội Nghị Fontainbleau.  Năm 1952 ông bị trục xuất về  Sài Gòn, bị giam lỏng trong một căn nhà đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng). Sau đó nhờ cáci báo đăng bài phản đối, ông được thả ra.

Năm 1954 Phạm Huy Thông tham gia Phong trào Hòa Bình tại Sài Gòn, ông bị chính phủ Ngô Đình Diệm bắt giam, rồi sau đó đưa về Bắc giam lỏng tại Hải Phòng đến năm 1955 mới được thả ra trao trả cho chính phủ Việt Minh.

 Ông  được cử làm Hiệu Trưởng Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội (1956-1966). Viện Trường Viện Khảo Cổ (1967-1988). Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Đại Biểu Quốc Hội Khóa II,III.

Năm 1987 được bầu làm Viện Sĩ nước ngoài Viện Hàn Lâm CHDC Đức.

          Từ năm 16 đến 20 tuổi ông đã là một nhà thơ tài hoa, mở đầu phong trào Thơ Mới,  ông xuất bản  những trường ca tuyệt tác : ông viết Tiếng Địch sông Ô,  năm 1935, Yêu Đương (1933) Anh Nga (1934) Tần Ngọc (1937) Tây Thi (1937) Người dong xe (1937) Thơ phóng túng (1938) . Ngoài ra còn có những tác phẩm đăng trên các báo: Con voi già (tặng cụ Phan Sào Nam) Tần Hồng Châu (Hà Nội Báo), Hận chiến sĩ, Huyền Trân Công Chúa, Lòng hối hận (Hà  Nội báo), Chàng Lưu, Kinh Kha (Hà Nội báo) Những người điên, Sát Đát. Ông cộng tác với nhiều tờ báo thời ấy như: Hà Nội Báo, Ngày Nay, Tiểu Thuyết thứ Bảy, Phổ Thông bán nguyệt san, Ngọ Báo, Trung Bắc chủ nhật..

          Tôi có dịp gặp ông nhiều lần tại Paris, và  ông có viết thư cho tôi. Tôi xúc động mỗi lần mở bức thư cũ tác giả Tiếng địch sông Ô, viết cho tôi :

“Hà Nội 23-4-1976

Anh Chánh thân mến,

Do đâu tôi chưa rõ, nhưng đến hôm nay mới đến tay tôi, gói sách báo và bức thư của anh đề ngày 5-1 ở Paris.

Tôi rất cảm động được xem những sáng tác chân thành và sâu sắc của lớp bạn trẻ ta ở Pháp và ở nước ngoài hiện nay. Âu cũng là một nguồn tự hào chính đáng nữa của dân tộc, bên cạnh biết bao nguồn tự hào khác của thế hệ ngày nay.

Vá riêng cảm động được đọc bức thư chân thành của anh. Cám ơn anh như đã cho tôi như sống lại những ngày ở Paris và cả những ngày ở Sài Gòn hơn 20 năm trước.. Đáng lẽ phải viết dài hơn. Nhưng công việc trước mắt quá bề bộn. Song xin thảo vội mấy dòng này ngay, không muốn để anh khỏi ngạc nhiên, thấy lâu không có hồi âm. Mục đích trước mắt của thư này, xin hãy là thế đã.

Tuy nhiên dù vội vã mấy, xin gửi anh lới chào nồng hậu nhất. Và mong được đọc thơ anh nhiều hơn nữa. Chúc anh sức khỏe và hạnh phúc.

Thân mến

Phạm Huy Thông

8 Hồ Xuân Hương. Hà Nội.

          Tôi vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về ông.  Một  trí thức uyên bác tài hoa trên nhiều lãnh vực từ thi ca, luật học, sử học, Khảo Cố Học . Tôi có dịp gặp nhiều người quen biết ông lúc còn trai trẻ, ông là  một công tử Hà Nội thanh lịch, nhà thơ đa tình, nhà giàu có, đẹp trai, học giỏi, bao nhiêu người yêu ông, bao gia đình phú quý mong được gã con gái cho ông. Nhưng rồi ông đi du học tại Pháp, thuở ấy đi du học trăm người nam sinh viên chỉ có một hai người nữ . Xa quê hương lâu  năm ông kết hôn với một phụ nữ Tây Phương và có hai người con trai. Ông tham gia phong trào yêu nước và bị trục xuất về nước, bà vẫn ở lại Pháp. Chuyện tình ông là những cuộc tình đến muộn, lúc ông đã đứng tuổi. Có bài báo nói “cái chết ông có nhiều bí mật “, ý nói ông chết vì chuyện chính trị, theo tôi được biết qua lời kể một giáo sư Đại học:  Cuối đời  ông chết vì chuyện tình ngày 21-6-1988, ông yêu một cô sinh viên, học trò ông,  hung thủ là người yêu của người ông yêu, nghĩ rằng vì ông, mà họ tan vỡ nên đã trả thù, giết ông trói ông bằng dây điện, bịt miệng  và dùng bàn ủi nóng giết ông.

          Trường Ca Tiếng Địch Sông Ô, ông cảm tác từ chương Hạng Võ biệt Ngu Cơ, chương này là đề tài của nhiều vỡ tuồng Trung Quốc, Việt Nam. Hai nhân vật Hạng Võ và Ngu Cơ giờ phút biệt ly, ông lấy tiếng sáo Trương Lương  làm nền. Trương Lương có tài thổi sáo kỳ diệu, tiếng sáo cất lên làm bao quân sĩ Sở Bá Vương nhớ nhà bỏ trốn.

Truyện  Hán Sở Tranh Hùng, bản dịch Mộng Bình Sơn tr 395 viết:

“Trương Lương đến cùng Hàn Tín tương kiến. Hàn Tín nói:

-Luôn mấy ngày đánh với Hạng Vương, các tướng Hán không ai địch nỗi. Lại thêm bọn Quý Bố, Chu Lan, Chung Ly Muội một lòng giúp đỡ. Nếu để Hạng Vương thoát ra được, trốn về Giang Đông lo việc phục hưng thì chiến sự kéo dài biết bao giờ yên. Trước tình hình nan giải ấy, chúng tôi phải mời tiên sinh đến để cho chúng tôi một lời chỉ giáo.

Trương Lương nói:

-Việc đó chẳng khó gì. Bây giờ cứ làm cho các tướng và quân Sở phân tán, rời bỏ Hạng Vương. Hễ Hạng Vương cô lập, ta có thể bắt được dễ dàng.

Hàn Tín nói:

- Chúng tôi cũng nghĩ vậy, song chẳng biết làm kế nào để làm cho binh tướng Sở ly tán.

Trương Lương đứng dậy, kéo ghế đến gần Hàn Tín, nói nhỏ:

- Tôi thuở nhỏ qua chơi Hạ Bì, gặp một dị nhân thổi ống tiêu rất giỏi, âm điệu vừa du dương vừa tha thiết. Nhân lúc giao bôi, tôi có học được khúc tiêu ấy. Tiếng tiêu thổi lên có thể làm cho người ta động lòng nhớ quê. Người vui nghe nó càng vui, người buồn nghe nó thì nỗi buồn càng thấm thía. Nay đương độ thâm thu, hiu hắt gió vàng, cỏ cây trút lá, người xa cách quê hương nghe nó không khỏi động lòng. Tôi sẽ nhân lúc đêm tàn canh vắng vào núi Kê Minh thổi ống tiêu lên, binh tướng Hạng Vương không thể nào còn nghĩ đến việc chiến chinh nữa.

Hàn Tín nói :

- Tiên sinh có tài như vậy tưởng không có gì quý hóa hơn.

Trương Lương từ tạ Hàn Tín trở về dinh. Ngày hôm sau, Hàn Tín đóng quân lại, không cùng quân Sở giao chiến nữa, bốn bề đặt nhiều chiến xa, tăng thêm giáp sĩ vây phòng rất cẩn mật.

Giữa lúc đó, Hạng Vương thấy quân tình yên ổn cũng không ra trận.

          Đêm càng khuya, gió thu càng lạnh lẽo, trăng thu buồn bã nhả ánh sáng màu vàng nhạt, rắt trên ngọn cây cao.

          Bỗng từ xa, một giọng tiêu buồn vang đến, kèm theo khúc bi ca nỉ non, réo rắc. Tiếng tiêu như gợi vào lòng người một nỗi buồn viễn chinh.

          Quân Sở mặt mày ngơ ngác nhìn nhau, hồi lâu xúm lại thì thầm :

- “Bọn chúng ta tòng quân lâu ngày bỏ nhà, xa vợ con, theo Bá Vương những tưởng có ngày thanh bình đoàn tụ. Ngờ đâu binh thế mỗi lúc một tiêu tan. Nếu ở mãi như vầy, không chết giữa trận tiền, chẳng có ngày nào  hưởng được thú vui đầm ấm của gia đình.”

          Tiếng thì thầm truyền đi mãi khắp dinh trại.

          Trong lúc đó giọng tiêu càng réo rắc, càng thê lương, như những tiếng chinh phụ đang mong chồng nỉ non trong canh dài cô quạnh.

          Tiếng tiêu đó chinh là tiếng tiêu của Trương Lương đã thổi trên núi Kê Minh, khiến cho kẻ có lòng sắt đá đến đâu cũng phải yếu mềm, như cành liễu non trước cơn gió lốc.

          Tiếng tiêu ấy kèm theo bản bi ca như sau :

          “Đêm thu mù mịt trời sương,

          Có người thiếu phụ quê hương lạnh lùng.

          Sa trường vó ngựa,

          Trẩy gót binh nhung.

          Con thơ nheo nhóc mịt mùng dậm xa.

          Cơ hàn, đau đớn mẹ cha,

          Canh khuya vò võ tuổi già đợi con.

          Chí trai vạn dậm,

          Hồ thỉ bốn phương,

          Nhưng con đi đã lầm đường,

          Giúp người tàn bạo không thương dân tình.

          Mơ màng nửa giấc ba sinh,

          Một đi, một nhớ, một mình canh thâu.”

          Đêm ấy vừa tàn canh, quân Sở đứa khóc, đứa buồn mặt mày ủ rũ, ngồi đứng không an.

Chúng bàn nhau rằng:

- Chúng ta nên bỏ trốn khỏi cảnh này là hơn. Nếu quân Hán bắt được, chúng ta nên tỏ thật nỗi tình, xin về quê quán, chắc Hán Vương không nỡ giết chúng ta !

          Ba quân bàn tán nhau, rồi không nghe lệnh các tướng, cùng nhau bỏ đi trốn hết. Chỉ trong chốc lát dinh Sở trống không. Các tướng thất kinh, muốn vào tâu với Hạng Vương, nhưng thấy Hạng Vương đang cùng Ngu Cơ ngủ say trong trướng, không dám vào.

Các tướng bàn nhau:

- Tình thế nguy ngập lắm rồi, nếu quân Hán biết việc này, đổ dồn lại đánh thì chúng ta tất bị bắt. Chi bằng lộn vào đám quân, trốn ra khỏi vòng vây, sau này kiếm kế giúp cho Đại Vương trả thù. Chung Ly Muội:

- Lời các ông nói rất phải. Rồi các tướng thu góp hành trang, bỏ ngựa lại, cùng với quân sĩ lẫn trốn.

… Chẳng bao lâu Hạng Vương thức dậy, nhìn quanh thấy doanh trại trống không, thất kinh chạy ra ngoài hỏi :

- Quân Hán đã chiếm hết trại Sở rồi hay sao, mà quân lính mất hết vậy ?

Chu Lan và Hoàn Sở chạy đến, vừa khóc vừa nói :

- Quân ta bị Hàn Tín dùng kế thổi ống tiêu, làm cho lòng quân tan rã, cả đến các tướng cũng bỏ trốn, chỉ còn hai chúng tôi và tám trăm quân ở lại đây hầu hạ Đại Vương. Xin Đại Vương phải đánh gấp phá vòng vây, chậm trễ quân Hán kéo đến không thể thoát được.

          Hạng Vương nghe nói đôi dòng nước mắt chảy ràn rụa, bước vào trướng thuật lại đầu đuôi câu chuyện với Ngu Cơ. Nàng Ngu Cơ  cũng không cầm được giọt lệ, thở dài nói :

- Trời cố diệt chúng ta chăng ? Hạng Vương thấy Ngu Cơ khóc sướt mướt, cầm tay nói :

- Tướng sĩ nay đã trốn hết, quân Hán vây đánh rất ngặt. Ta định từ giả nàng, liều mình xông ra trận. Tuy nhiên, lòng lại không nỡ, vì hai ta sống với nhau đã bao năm, chưa từng rời nhau sớm tối, dẫu trong thiên binh vạn mã cũng vẫn có nhau. Nay một phút muốn vĩnh biệt với nàng, lòng ta thấy quyến luyến. Ngu Cơ khóc nghẹn ngào nói:

- Thiếp đội ơn Đại Vương thương tưởng, nguyện khắc cốt ghi lòng. Nay chẳng may trên bước đường ly loạn, dẫu chết cũng khó rời nhau. Bá Vương lau nước mắt, truyền quân bày tiệc rượu ở trung quân để cùng Ngu Cơ đối ẩm. Hơi men không sưởi ấm được lòng người trong phút não nề, Hạng Vương buồn bã ngâm mấy câu thơ:

          “Tấm thân lấp biển vá trời,

          Thanh gươm yên ngựa một đời dọc ngang.

          Giờ đây mưa gió phủ phàng,

          Anh hùng mạt lộ, giang san tiêu điều. “

Hạng Vương ngâm thơ xong, mời nàng Ngu Cơ uống mấy chén rượu. Ngu Cơ cũng ngâm mấy câu thơ buồn như sau :

          “ Cát đằng nương bóng cội tùng,

          Bấy lâu khắn khít thủy chung một lòng.

          Tơi bời vì ngọn gió đông,

          Cội tùng xiu vẹo, cát đằng bơ vơ. “

Ba Vương cùng Ngu Cơ uống rượu ngâm thơ, mãi cho lúc tới tàn canh, bên ngoài trời rựng sáng. Chu Lan và Hoàn Sở từ ngoài bước vào giục:

-  Trời sắp sáng rồi, xin Đại Vương lo khởi hành. Hạng Vương đứng dậy từ biệt Ngu Cơ nói:

- Thôi đến lúc tôi phải đi, ngự thê ở lại bảo trọng lấy thân thể. Ngu Cơ quỳ gối nói:

-Thiếp xin theo Đại Vương để cùng nhau sinh tử. Hạng Vương  nói:

- Trong chốn muôn quân nghìn tướng, phận liễu bồ làm sao chịu đựng được cực nhọc. Trước kia binh tướng còn nhiều có người bảo vệ, nay ta đơn thương độc mã, làm sao có thể đem nàng theo được. Ngu Cơ nói:

- Thiếp xin mượn thanh kiếm Đại Vương, thề quyết cùng Đại Vương thoát vòng vây quân địch. Hạng Vương rút thanh kiếm đeo trong mình, đưa cho Ngu Cơ. Ngu Cơ tiếp lấy đứng dậy nói:

- Thiếp mang ơn Đại Vương không biết lấy gì đền đáp. Nay trong cơn nguy khốn, nếu thiếp đi theo Đại Vương không khỏi làm cho Đại Vương bận bịu, mang hại vào thân. Nói xong đâm lưỡi gươm  vào cổ tự vận. Hạng Vương đau lòng, hét lên một tiếng toàn thân run rẫy. Chu Lan và Hoàn Sở bước lại đỡ Hạng Vương và nói:

- Xin Đại Vương lấy giang san làm trọng, đừng qua bi lụy như thế. Hạng Vương nghiến răng, vung gươm lên ngựa ra khỏi dinh cùng tám trăm quân xông vào trận địch.  Quân Hán được tin, chạy về trung quân phi báo, Hàn Tín liền thống xuất đại binh, hợp với các tướng kéo đến phủ vây.

Hạng Vương một mình cỡi ngựa Ô truy, vung đao xông đến, gặp tướng đánh tướng, gặp quân chém quân, như vào chỗ không người. Ai nấy thấy vậy sợ hãi, không dám ngăn cản. Hạng Vương thoát được tám vòng vây, ngoảnh lại thấy Chu Lan, Hoàn Sở đã lạc mất, chỉ còn vài mươi quân kỵ. Hạng Vương vẫn không nãn lòng, vừa giục ngựa xông tới vừa đâm chém. Hàn Tín cùng các tướng Hán thấy vậy bảo nhau:

-  Hạng Vương có sức mạnh như thần, lại lúc cùng quẫn liều chết khó ai địch nỗi. Chi bằng vây hai tướng Chu Lan, Hoàn Sở. Các tướng liền bỏ Hạng Vương xúm lại vây Chu Lan, Hoàn Sở. Chu Lan và Hoàn Sở sức yếu làm sao địch lại, chống đỡ một lúc, biết không thể thoát được, ngửa mặt lên trời nói lớn:

- Đại Vương ôi ! chúng tôi đã kiệt sức rồi. Nói xong hai tướng rút gươm tự sát.

Giữa lúc đó, Hạng Vương thoát ra khỏi trận, theo sau chỉ còn vài chục tên quân, nhằm hướng đông mà chạy. “

          Từ một đoạn truyện trong Hán Sở Tranh Hùng trên, Phạm Huy Thông năm 16 tuổi đã viết  nên một thiên anh hùng ca tuyệt tác. Ông đã cảm hứng thêm những hình ảnh sương thu chiều tà, cờ bay trùng trùng điệp điệp đầu non, tiếng ngựa hí, tiếng loa vang quân Hán và các chư hầu. Ông thêm thắt thêm tình tiết Hạng Võ khuyên Ngu Cơ ở lại, nàng có nhan sắc Lưu Bang sẽ trọng đãi  riêng nàng trong hậu cung, khuyên  nàng chớ sợ. Tuy nhiên ông chỉ nhắc đến Lưu Bang, và tướng Phàn Khoái , nói đến tiếng sáo Trương Lương mà không nói đến Hàn Tín, vị nguyên soái của Hán Cao Tổ Lưu Bang, chỉ huy một triệu quân trong trận đánh cuối cùng này. Phía binh Sở ông cũng không nhắc đến tướng Chu Lan, Hoàn Sở hai vị tướng tận trung với Hạng Võ đến giờ phút cuối cùng.

          Phạm Huy Thông sống trong một giai đoạn lịch sử sôi động, ông đã xông pha gánh vác việc nước, đảm nhận những trách nhiệm chính trị, rồi trách nhiệm đào tạo sinh viên Trường Đại Học Sư Phạm, Viện Trưởng Viện Khảo Cổ, ông ít viết thơ. Thi ca ông dừng lại vào những giai đoạn đầu của cuộc đời như nhà thơ Rimbaud, nhưng cũng đủ để lại những tuyệt tác trong lịch sử văn học Việt Nam.

TIẾNG ĐỊCH SÔNG Ô

I

Sở Bá Vương, ngồi yên trên mình ngựa,

Giương mắt buồn say ngắm chân trời xa.

Trong sương thu nhẹ đượm ánh dương tà,

Quân Lưu Bang đang tưng bừng hạ trại.

Khói tung bay trên vòm trời rộng rãi,

Như muôn sao trong đám tối mơ màng.

Khắp bốn phương giáo mác tỏa hào quang,

Liên tiếp nhau chen chúc xung quanh ven trời lớn.

Mấy làn trại (lưới xa xôi, mịt mùng và chắc chắn)

Đóng trùng trùng điệp điệp trên đầu non.

Cờ chư hầu đỏ rực tựa pha son,

Quằn quại cong trên nền trời lá mạ.

Gió quát bên tai Vương, và rộn rã,

Tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, tiếng  loa vang,

Theo gió chiều vi vút vẳng đưa sang.

Nhưng, lặng lẽ, bâng khuâng, vua nước Sở,

Như pho tượng đồng, ngồi trên mình ngựa.

Để luồng mắt mênh mang

Như vấn vương, như vơ vẩn trên Ô Giang,

Vì Vương rõ, phía sông Ô, binh Phàn Khoái,

Mới hôm qua bị quân mình xô qua ải,

Nên vòng vây chưa kịp khóa trước bình minh.

Vương toan khi đêm tối, chỉ huy binh,

Chém quân Khoái vừa thua như cắt cỏ,

Phá trùng vi tang tành về hướng đó,

Vương sẽ dàn tướng sĩ bên kia sông,

Hợp chư hầu còn trung tín cho thật đông,

Rửa máu Hán, rửa lần hờn Cai Hạ.

Vương sẽ như năm nào đem binh mã,

Lại tung hoành trên thế giới mênh mông.

Vương sẽ lại (ôi ! vinh quang !) trong bão lửa vẫy vùng,

Vương sẽ lại tơi bời vung kiếm thép,

Và, đưa tay, giành lại tấm giang sơn,

Vương sẽ lại..

Nhưng bóng đêm đã xóa cảnh hoàng hôn,

Và phương xa mơ hồ trăng le lói.

Một trận gió hung hăng đùng đùng nổi,

Vặn mạnh cờ trên nóc trại ngất cao,

Vương khoan thai buộc lại dải chiến bào,

Rồi xuống ngựa bước vào trong trướng gấm.

II.

Trướng thênh thang, lạnh lùng và u ám,

Sở Bá Vương đứng sững trước cửa phòng.

Để nỗi buồn, một nỗi buồn u uất mênh mông,

Ngao ngán nhẻ, nặng đè lòng người chiến sĩ..

Vì chống kiếm trước cửa phòng sầu quạnh quẽ,

Hạng Vương vừa nhác thấy bóng Ngu Cơ,

Nên hỡi ôi ! tia hy vọng tờ mờ,

Vương cảm thấy trong lòng ngầm ngấm tắt.

Vương trông..

          Vẫn như gặp nàng lần thứ nhất,

Tim anh hùng như ngây ngất say sưa.

Tựa thân mềm vào lưng ỷ, nàng Ngu Cơ,

Mắt mơ hồ nhìn qua khung cửa sổ,

Để hờn buồn chơi vơi như bay trên cành gió.

Chỗ nàng ngồi,

Một luồng trăng biêng biếc chếch riêng soi,

Khiến Hạng Vương, trong lòng say, những tưởng

Rời cung Quảng, ả Hằng vừa bay xuống..

Thấy rèm châu êm ái bỗng cuống lên,

Nàng bâng khuâng sực tỉnh giấc mơ tiên,

Ngoảnh đầu trông thấy quân vương bên trướng,

Nàng đứng dậy. Rồi cúi chào phu tướng,

Bước lại gần, chàng hé miệng, xót đau,

Rồi ngập ngừng toan nói…

                               Bỗng âu sầu,

Vẳng bên tai như từng lời thổn thức,

Như suối vắng âm thầm chiều thu khóc.

Địch xa xôi dìu dặt trên Ô Giang,

Khúc bi ca não ruột và mơ màng,

Như càng khêu những nỗi sầu tịch mịch,

Như ôm ấp, như nấu nung lòng Hạng Tịch.

Hồn đê mê, Sở chúa vuốt tua rèm,

Mắt say sưa nhìn cặp mắt long lanh đen,

Cặp mắt nồng nàn, mà xa xăm, mà say đắm,

Như chan hòa niềm ái ân đằm thắm,

Cặp mày thanh, êm ái như mây cong,

Như núi xuân lưu luyến hơi xuân phong,

Dưới vầng trán bâng khuâng se dịu dàng uốn nét.

Tóc óng đen, như ao dưới bóng đêm mù mịt,

Chập chờn bay theo áng gió heo may,

Và êm buông như sóng cuốn trên lưng gầy.

Trên Ô Giang đương mơ hồ dìu dặt,

Trong vùng tối âm u, dần dần tiếng địch.. tắt.

Tiếng địch tắt. Nhưng dư âm

Trong đêm khuya còn văng vẳng điệu âm thầm.

Nén đau thương, Vương ngậm ngùi sẽ kể.

Niềm ngao ngán vô biên như trời bể,

Ô ! tấm gan bền chặt như Thái Sơn

Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sờn !

Ô ! trận mạc khiến “long trời đất lở “!

Những chiến thắng tưng bừng, những vinh quang rực rỡ !

Oơi ! những võ công oanh liệt chốn sa trường !

Những buổi tung hoành, lăn lộn trong rừng thương !

Những tướng dũng bị văng đầu trước trận !

Nhưng, than ôi ! vận trời đã tận,

Sức “ lay thành nhổ núi “ mà  làm chi ?

Rồi buồn rầu Vương tỏ nàng nghe

Hy vọng cuối cùng trong tim Vương còn sót lại,

Rồi Vương nói : “Nhưng lòng đau ta biết mấy !

Ngay đêm nay, ta phải  quyết.. biệt ái khanh..

Thì than ôi việc lớn mới mong thành.

Nhưng rời nàng, ôi.. rời nàng ta đâu nỡ.. ?

Mà mang nàng xông pha trong mưa lửa,

Trùng vi kia ta thoát khỏi làm sao ? “

Giọt châu sa lã chã trên áo bào,

Nàng Ngu Cơ bên mình chàng thổn thức.

Địch Trương Lương như ngậm sầu quyên khóc,

Lại não nùng dìu dặt trên Ô Giang,

Trên Ô Giang tiếng địch thiết tha than,

Như tiếng nhạn kêu đêm nơi ven trời vò võ.

Như tiếng nhạn đêm khuya thầm nhủ gió,

Tự hư vô lại nức nở mơ màng.

Nàng Ngu Cơ..

Nàng Ngu Cơ, khẳng khái nắm tay chàng :

“Quân vương ơi ! còn đợi chờ chi nữa,

Mà đường xa chàng còn chưa ruổi ngựa ?

Trống canh hai trong bóng sẫm đổ hồi,

Còn vùng vằng chi nữa, đi đi thôi !

Kìa  ! thờ ơ, trăng mờ đang chênh chếch..

Còn ngồi đó mà nghe chi tiếng địch,

Cho chí đầy dần cạn trong tim đau.

Đừng nghe ! Đừng nghe nữa ! hãy đi mau !

Nghe làm chi tiếng tre đằng than ai oán,

Khúc bi ai nặng nề và đoài đoạn,

Đầy những lời thương tiếc điệu thê lương,

Quân vương ơi ! mau sữa soạn lên đường,

Lê đường xa nơi mơ mòng sương phủ..

Nào đâu trái tim xưa ? nào đâu tâm hồn cũ ?

Lãnh truân chuyên xin gắng giữ chí bình sinh,

Khách anh hào chi sá kể nỗi điêu linh,

Ngày gian lao với quãng đường khe khắt ? “

Địch Trương Lương trên Ô Giang dìu dặt,

Tưởng trời đêm trăng biếc lạnh lùng than.

Quỳ sát bên, nàng tha thiết khuyên van,

“Đi đi chàng, nơi xa xăm, tiếng địch,

Càng não lòng, càng âm u, càng tịch mịch…

Đi đi chàng! Còn thân Ngu đâu đáng bận chí Quân vương ?

Lá lìa cây dù gió xé bên vệ đường,

Dù nắng hung, dù mưa dầm làm tan nát,

Xin Quân vương chớ bận lòng vì phận bạc ? “

Nhưng lời lời tuy dũng cảm oai linh,

Trong lòng đau niềm thống khổ vẫn mênh mông,

Cố.. nàng cố nỗi u buồn.. nhưng không được,

Và sóng lệ áo tuôn, nàng bưng đầu thổn thức..

Tiếng du hồn trong bóng tối vẫn lang thang,

Vẫn âu sầu dìu dặt phía Ô Giang;

Địch âm thầm bên tai đưa văng vẳng,

Đương bâng khuâng trong khoảng trời yên lặng.

Bỗng véo von, như chim hót rồi bỗng ngừng,

Rồi lại nỗi.. xa xôi và u uất não nùng,

Gan sắt đá như chơi vơi theo tiếng địch,

Vương thấy tan đâu chí anh hùng vô địch,

Cất tiếng buồn, chàng sẽ nói :

                               “Ái khanh ơi !

Đành .. vận trời khi đã hết cũng đành thôi !

Không, Phi ơi ! .. thà cùng Phi cùng sống chết,

Còn hơn phải.. phải trọn đời cách biệt  !"

Rồi đỡ cầm, chán nản, Sở Bá Vương,

Để cặp mắt im giương

Đuổi bóng những ngày vinh trong âm tối.

Nhưng nàng Ngu lại băn khoăn tha thiết gọi :

 Thiếp đâu ngờ, Quân vương hỡi, trí  trượng phu,

Lại không còn hơn lòng nhi nữ chút nào ư ?

Nếu vì thiếp, chỉ than ôi, vì tiện thiếp,

Mà chàng quên trí cao cùng sự nghiệp.

Thì thân hèn thà vơ vất dưới tuyền đài.

Để dành, chàng nghĩ đến cuộc tương lai.

Đi đi, chàng, đi đi , phu tướng hỡi !

Ngại ngần chi, và u sầu chi mãi..!

Niềm ái ân xưa, chàng hãy gác lại một bên lòng,

Và, quyết tình lên ngựa, thẳng xa rong !

Quân vương trông, trăng liềm càng phai ánh

Đi đi thôi !”

Sở Bá Vương, lòng quyết định,

Nhìn Ngu Cơ  lần cuối và nghẹn ngào :

“ Ta đi đây.. nàng ở lại .. Dù sao,

Có nhan sắc nhường kia nàng chớ sợ..

Vì nay mai khi Hán binh vào trại Sở,

Ta quyết Bang phải hậu đãi riêng nàng. “

Rồi đi ra.

          Nhưng trầm trầm bổng bổng trên Ô Giang,

Địch Trương Lương vẫn vô hình nức nở,

Như non nước tô sương ngùi than thở,

Hòa nỗi lòng u uất cõi đêm sâu.

Vương dừng hia,  đứng lại trước rèm châu,

Rồi, e ấp, ngoảnh nhìn người dưới trướng.

Tiếng than dài vẫn đâu đây bay lưởng vưởng..

Khi nặng nề, khi đắm đuối, khi ngân nga,

Khi mơ hồ, khi êm ả, khi cao xa.

Tiếng địch rung trong cảnh sầu không giới hạn.

Hy vọng gần tàn , trong tim Vương như tàn hẳn,

Nhưng bỗng:

                     -“Buổi gió cuồn xa, tống lá vàng bay,

Ta muốn nàng tường lòng son sắt chẳng đổi thay.

Lúc gian nguy, cách biệt nàng ta đâu nỡ !

Đi ! ta cùng đi ! cùng xông pha trong sóng lửa !

Ta quyết sẽ mang nàng vượt khỏi trùng vi.

Rồi !  cùng nhau ta cùng dấn bước lưu ly !

Mà ví bằng Cao Xanh kia không tựa nữa,

Đôi ta, cùng nhau, cùng chôn thây trong da ngựa !

Bên mình Phi, dù bỏ mạng cũng can tâm. »

- « Nếu chàng mong còn trở lại đất Hoài Âm,

Nếu chí xưa, chí nghiêng trời lệch đất,

Trong trái tim anh hùng chưa tan nát,

Thì chàng ơi !

Đường mênh mông chàng vỗ ngựa ra đi thôi.

Bằng vì quyến, vì thương thân hèn mọn,

Mà đến nỗi chàng đành buông chí lớn,

Tiện thiếp đây xin khuất bóng trước mặt chàng,

Cho chàng đi, đi ngang dọc bước ngang tàng,

Cho phỉ sức cường long nơi hồ hải.”

Dứt lời, nàng hăng hái,

Tới bên chàng, cao tuốt lưỡi gươm xanh.

Rồi tự ải.

          Vẫn âm thầm trong cõi tối mông mênh,

Địch Trương Lương như ngậm ngùi kể lể,

Nghẹn lời thương chiếc vong hồn quạnh quẽ,

Liều theo mây bạt gửi kiếp lênh đênh !

Như đã dày, đã dạn nỗi điêu linh,

Hạng Vũ như không còn biết đau đớn.

Mặt gan thép nỗi u buồn chẳng gợn,

Chàng nghiêng mình lặng đứng trông người yêu.

Nhưng.. hồn bâng khuâng trong cảnh mộng tiêu điều,

Chàng còn cố hình dung đôi mắt sáng,

Đôi mắt sâu xa ảo huyền và sán lạn,

Mà ngàn thu  đành tối mãi tự đêm nay.

Nên, tuy nhường.. không cảm động mảy may,

Như thản nhiên, như lạnh lùng, như vô giác,

Mà, ngập ngừng trong khóe mắt,

Lần đầu tiên, lệ chiến sĩ long lanh.

Lần đầu tiên, người chiến sĩ đa tình,

Để lệ bạc thầm lăn trên gò má.

Trong khi tiếng địch thổi, âm thầm và buồn bã,

Trên Ô Giang như khóc lóc nỗi phân ly.

Càng ngày càng réo rắt, càng lâm ly,

Càng âm u, càng mơ màng, càng thảm thiết.

III

Bên mình Ngu Cơ đứng bao lâu, chàng không biết,

Nhưng , đến khi, bàng hoàng, chàng lặng lẽ ngẩng trông,

Thì Hán binh đã đóng nghịt bên bờ sông,

Và trời cao, than ôi vừa tuyết trắng.

Mà..!

          Mà tiếng địch âm thầm trong bóng đêm văng vẳng,

Trên Ô Giang, đã bặt hẳn tự bao giờ.

(Hà Nội Báo, số 2, 6-1-1936)

          Khi nhà Tần bạo ngược, lòng dân thán oán, Hạng Vũ đã khởi nghĩa chiêu tập nghĩa binh, diệt tàn bạo cứu sinh linh. Chưa đủ uy tín Hạng Vũ lập cháu vua cũ nước Sở, để qui tụ lòng dân. Hành động Hạng Vũ được đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

          Hạng Vũ dùng được Phạm Tăng là kẻ trí, nhìn xa thấy rộng, mưu lược tài giỏi. Trong triều lại có những tướng tài như Anh Bố, Quý Bồ, Bành Việt.. Nếu Hạng Vũ biết kết hợp được cái sức mạnh vô địch của mình, với cái tài trí của Phạm Tăng, với sự giúp đỡ của các tướng, với lòng dân, thì thành một kẻ trí dũng song toàn làm nên sự nghiệp. Tiếc thay Hạng Vũ dùng Phạm Tăng mà không nghe Phạm Tăng, cuối đời lại nghi ngờ Phạm Tăng phản bội mình. Hạng Vũ đã bỏ mất cái trí, chỉ còn cái dũng của kẻ hữu dũng vô mưu. Hạng Vũ sai lạc từ khi không nghe lời Phạm Tăng trong tiệc Hồng Môn. Khinh thường Hàn Tín người được Phạm Tăng tiến cử, chỉ dùng làm người chấp kích theo hầu. Dùng uy lực áp đảo dân chúng, la hét binh sĩ dưới trướng, ham danh địa vị giết Hoài Vương, làm thất nhân tâm, không nghe lời can gián các cận thần.

          Đường lối lãnh đạo của Hạng Vũ, là lãnh đạo cá nhân độc tài, khiến mọi người xa lánh không ai còn muốn giúp đỡ mình nữa. Anh Bố, Bành Việt, Ngụy Báo làm đến tước Vương, thế mà bỏ Sở đầu Hán không chút quyến luyến. Không phải tiếng sáo Trương Lương có cái sức mạnh làm nửa triệu quân Sở phải tan rã, mà nó thổi vào lòng binh sĩ đã chán ghét chiến tranh dưới cờ Hạng Vương, ví như một khu rừng nóng bức mùa hạ, chỉ chờ một tàn thuốc, hay một con đê bị tổ kiến, tổ mối làm nức chỉ chờ một cơn nước lớn là cuốn phăng đi.

          Lưu Bang xuất thân từ một anh Đình trưởng, một thôn xã, trí tuệ chẳng hơn gì Hạng Vũ, nhưng biết nghe lời các quân sư, mưu sĩ, biết phục thiện sữa sai. Khi Hạng Vũ đã nắm trong tay một binh lực hùng mạnh, uy thế lừng lẫy, Lưu Bang còn nằm trong bóng tối. Thế mà Lưu Bang biết kết hợp với Hạng Vũ, giành lấy con đường chính nghĩa đi đúng với lòng dân. Khi vào kinh đô nhà Tần, Lưu Bang biết khai thác lòng căm phẩn thiên hạ với nhà Tần, không dùng sức mạnh quân sự mà dùng nhân nghĩa để đoạt tướng thu thành. Lúc  chiếm được Quan Trung kinh đô nhà Tần, Lưu Bang không tham của cải, ngọc ngà, vàng bạc châu báu, mỹ nữ đầy cung, lại cởi mở, khoan dung. Điều đó ngược lại với Hạng Võ, giết vua Tần Tam Thế đầu hàng, giết cả họ hàng nhà Tần, giết họ hàng các quan lại nhà Tần, giết hai mươi vạn quân Tần đầu hàng. Lưu Bang đã thu phục được nhân tâm, và Hạng Vũ chỉ làm nhân dân kiếp sợ nhưng không phục.

          Hạng Vương có chí thu phục thiên hạ, nhưng lại bỏ Hàm Dương lui về đóng đô ở Bành Thành, khung đất chật hẹp, thiếu địa lợi. Đối với chư hầu Hạng Vũ luôn luôn dùng uy lực, mà không dùng tình cảm và nhân tâm thu phục. Mọi việc đều tự ý không nghe lời can gián các mưu sĩ. Không bao giờ thấy mình sai lầm, không bền tâm vững chí khi thất bại, thua keo này bày keo khác. Trên bến sông Ô Giang, chỉ cần qua sông đến Giang Đông  là có thể dựng lại cơ nghiệp, nhưng Hạng Vũ chỉ mới 3I tuổi mà không muốn mình là tướng bị bại trận rồi tự vẫn. Khác với Lưu Bang không nghe lời Hàn Tín, Trương Lương bị bại trận có lúc Kỷ Tín phải liều chết thay mình, rồi lại phục thiện tiếp tục cuộc chiến đấu. Ngay lúc gần chết Lưu Bang nghe lời Thích Cơ, toan phế bỏ Thái Tử, lập con Thích Cơ. Quần thần can gián, biết lỗi lầm nghe lời, tránh được vết xe đổ nhà Tần.

Lưu Bang dùng Trương Lương, Tiêu Hà và Hàn Tín. Lưu Bang biết nghe lời phân tích phải trái và biết phục thiện khi làm sai. Đó là một đường lối lãnh đạo sáng suốt.

          Hàn Tín là một nhân vật tài giỏi đã quyết định sự thắng bại giữa Hạng Vũ và Lưu Bang. Phạm Tăng là người đầu tiên khám phá tài năng của Hàn Tín. Phạm Tăng tiến cử Hàn Tín với Hạng Vương đủ mọi cách, nhưng Hạng Vương vẫn khinh thường Hàn Tín. Lưu Bang lúc đầu cũng có thành kiến Hàn Tín là kẻ đốn mạt luồn trôn anh hàng thịt giữa chợ. Nhưng khi dùng đã thành tâm tin cậy, khiến cho Hàn Tín phụng sự hết lòng, tận tâm tận lực. Nếu Hàn Tín nghe lời Khoái Kiệt chia ba thiên hạ, thì lịch sử Trung Quốc đã đổi khác. Lúc Hàn Tín lập công to, phản Lịch Sinh làm Lịch Sinh bị ném vào vạc dầu, Hàn Tín cải mệnh Lưu Bang muốn làm Tề Vương. Lưu Bang đã thấy lòng Hàn Tín đã đề phòng, song trước tình thế vẫn phong chức Tề Vương  cho Hàn Tín, để tránh sự phản trắc.

          Sau khi Hạng Vương bị diệt, Lưu Bang thành công thống nhất thiên hạ, số phận Hàn Tín đệ nhất công thần thật  bi thảm: bị tru di tam tộc, bị lóc thịt cho chó ăn, thật tàn bạo so với Hạng Vương còn có nấm mồ, an táng theo nghi lễ Lỗ Công. Sau khi Lưu Bang thành công thì  công thần Anh Bố, Bành Việt, Trần Hy cũng thế khi thú săn hết chó săn cũng bị làm thịt.  Còn Trương Lương biết trước Hán Vương khi nguy biến thì chiều chuộng người hiền, khi thành công thì phụ kẻ có công nên lánh xa tai nạn, bỏ đi giang hồ, thổi sáo nơi rừng sâu núi thẳm, không ai còn biết Trương Lương nơi đâu. Trương Lương là bậc siêu nhân đã đặt quyền lợi thiên hạ trên quyền lợi bản thân mình.    

Tài liệu tham Khảo :

Hán Sở Tranh hùng. bản dịch Mộng Bình Sơn.  Zielek (Zien Hồng) Texas, in lại.

Nguyễn Du. Toàn tập tập I Thơ chữ Hán. Văn Học Hà Nội. 1996.

Thơ Văn Lý Trần tập III. nxb Khoa Học Xã Hội , Hà Nội 1978. Hồ Tông Thốc, Phạm Sư Mạnh.

Việt Nam thi nhân tiền chiến. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng biên soạn. Quyển Trung. Nxb Xuân Thu. Hoa Kỳ

 

Paris 3-2016

Phạm Trọng Chánh

 

* Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.