"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Cây Nêu

Ngày mùa đến nhà nông bận rộn
Lội mưa dầm, cào trộn đất lên
Ruộng khô thấm nước nhão nền
Cày bừa, trâu dẫm tạo nên xốp mềm

*

Gieo giống tốt tăng thêm lợi nhuận
Mạ non chờ mưa thuận gió hòa
Vươn thành nhánh lúa mượt mà
Oằn sai hạt chín, cửa nhà ấm no

*

Vui xuân tết không lo sa sút
Dựng cây nêu cao vút giữa sân
Dân làng hoan hỉ ân cần
Treo lì xì đỏ chờ lân xông nhà

Người dân sống ở thành phố, nhà nhà san sát kề vách nhau. Với khoảng sân eo hẹp nho nhỏ nên ít người chú tâm đến một phong tục tập quán rất quen thuộc ở miền quê. Vào ngày hai mươi ba Tết, gia chủ chặt cây tre hay cây trúc cao thẳng ngọn, treo lủng lẳng vài món cần thiết để đánh đuổi tà ma. Từ ngày này, tất cả các Táo Quân đều rủ nhau về trời, làm bổn phận trình sớ, ghi chép tình hình biến động trong nhân gian cùng Ngọc Hoàng.

Như chúng ta đều biết, hầu hết những căn nhà miệt vườn đều có đất bao quanh kha khá rộng. Nhà ngoại tôi cũng có khoảng đất trống ngay trước mặt tiền rất thoáng mát, nằm bên cạnh mấy cái ao nuôi cá. Chung quanh là hàng dừa được trồng chạy dọc theo bờ đất, ngăn cách mấy cái ao này.

Nhắc nhớ tới mái tranh đơn sơ, hay là căn nhà chắc nịch xây tường xi măng vững vàng với mái ngói đỏ, cho tôi mơ về góc khuất xa xưa. Sắc nét hiền hòa tạo vẽ hình ảnh mộc mạc, cho ta chiêm ngưỡng bức tranh hương đồng cỏ nội. Đây là nỗi nhớ, là kỷ niệm in đậm tình quê.

Không khí tết Nguyên Đán rộn rã về với người Việt Nam. Cho dù sống đời viễn xứ, nỗi nhớ nhung ở một góc trời quê mẹ bên kia bờ đại dương, không làm sao bôi xóa trong tâm khảm chúng ta. Nhất là ngày tết với bao phong tục cổ truyền, là dấu ấn chưa bao giờ phôi phai trong ký ức bé nhỏ của tôi.

Từ thuở ấu thơ cho đến những năm trước khi tôi bước xuống ghe cây vượt biển, xa rời cái nôi chào đời, tôi vẫn về thăm nhà ngoại mỗi khi tết đến. Ngoại khuất bóng rất lâu nhưng ba ngày tết thiêng liêng, gia đình Cậu Mợ Út vẫn còn duy trì cúng kiến theo lối xưa.

· Lư hương được lau chùi bóng láng trên bàn thờ tổ tiên. Mâm ngũ quả và hộp trà thơm với màu sắc may mắn.

· Trên bàn thiên ngay cửa chính ra vào nhà, lúc nào cũng có bình hoa vạn thọ với trái dừa xiêm tươi tắn. Lư nhang nho nhỏ với làn khói quyện bay theo từng cơn gió xuân êm đềm.

Cây nêu suôn thẳng được vươn cao giữa sân vào ngày hai mươi ba tháng chạp âm lịch. Trên đỉnh chóp cây nêu treo toòng teng với vài thứ lỉnh kỉnh kêu leng keng như tiếng phong linh xì xào. Tôi biết chắc chắn có gói tiền lì xì, chờ cho anh lân nhảy múa tung trời. Sau đó, hai ba cái lưng rắn chắc, khỏe mạnh chồng lớp lên nhau, giúp làm cầu thang cao hơn. Nhờ mấy cái lưng gồng cứng, thì ông Lân mới dễ dàng, có thể leo lên cây nêu cao hơn. Từ đó, ông lân với tay, bắt chụp gói tiền ở chót vót đỉnh ngọn cây tre phất phơ.

Trên đây chỉ là sự hiểu biết chút xíu nông cạn của tôi mà thôi. Hy vọng quý anh chị lớn, hiểu biết, có kinh nghiệm nhiều hơn tôi. Tục lệ dựng cây nêu tin tưởng vào việc trừ tà. Khi ông Táo bay về thiên cung, thì bếp lò bỏ ngỏ nên ma quỷ có thể xâm nhập vào phá rối nhà cửa, cây nêu sẽ ngăn chặn điều xấu.

· Mồng bảy thì nhà nhà đều hạ cây nêu coi như hết tết.

Gói lì xì này là tiền thưởng cho mấy người chịu khó trổ tài, góp vui cho gia chủ vào ba ngày đầu tân niên. Bất cứ nụ cười nào cũng mang niềm vui, hoan hỉ tài lộc, xông nhà năm mới về.

Kính chúc quý thân hữu SỨC KHỎE VẠN AN

Bạch Liên
17/01 (JAN 17th) - 2024