"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

batkhuat-1


William Ernest Henley,

Mandela và bất khuất tuổi trẻ

 

William Ernest Henley (1849-1903) là một nhà phê bình văn học, thi sĩ, nhà báo, nhà xuất bản người Anh, trong giai đoạn triều đại nữ hoàng Victoria (Victorian era, 1837-1901), thời kỳ vàng son của đế quốc Anh. Ông từng là bạn và xuất bản sách cho thi sĩ Rudyard Kipling (1865-1936), tác giả The Jungle Book và   bài thơ "Nếu" [If] nổi tiếng.

Cha ông bán sách và dụng cụ văn phòng, mẹ ông cũng thuộc dòng dõi thi ca. Lúc còn nhỏ, ông được hiệu trưởng là thi sĩ T. E. Brown nâng đỡ và là người ông hâm mộ như là thiên tài đầu tiên ông gặp được, gây cảm hứng cho ông đi vào thi ca sau này.

Ông mắc  phải bịnh lao từ lúc 12 tuổi, và thời đó chưa có thuốc trị bịnh nguy hiểm này. Ông bị cưa chân trái năm 19 tuổi. Do hình dáng to lớn, lại cụt một chân, nhưng với bộ râu đỏ xồm xoàm, tiếng cười sang sảng, biểu hiện một sức sống lạc quan yêu đời, ông là nguồn cảm hứng cho bạn ông Robert Louis Stevenson tạo nên nhân vật hải tặc Long John Silver trong cuốn tiểu thuyết Treasure Island (Đảo Kho Tàng). Sau này, ông suýt phải bị cưa thêm chân kia, nhưng may mắn còn giữ được nhờ Joseph Lister, bác sĩ giải phẫu tiên phong trong việc đề xướng các phương pháp khử trùng trong y khoa. Tuy nhiên, bịnh lao vẫn là tai hoạ ông phải đeo đẳng suốt đời, và cũng là nguyên nhân ông chết lúc 53 tuổi. Con gái ông cũng bịnh hoạn như cha, chết lúc mới 5 tuổi.

Tác phẩm thơ của Henley:

    ●  A Book of Verses (1888),

    ●  London Voluntaries(1893)

    ●  Hawthorn and Lavender (1899).

Bài thơ "Bất khuất" sau đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được viết năm 1875, mấy năm sau khi ông bị cưa cụt chân ngay dưới đầu gối. Khẩu khí của bài thơ, tuy có thể được xem hơi cường điệu và đơn giản, có thể áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau, và được nhiều nhân vật nổi tiếng ưa thích và trích dẫn qua bao thế hệ. Nelson Mandela (1918-2013), nhà tranh đấu cho nhân quyền người Nam Phi vừa mới qua đời, cũng từng tìm được cảm hứng và can đảm chịu đựng thử thách trong bài thơ này khi ông bị giam 18 năm ở nhà tù đảo Robben Island. Ông học thuộc bài thơ này và dùng bài thơ để động viên tinh thần các bạn tù. Một số chính trị gia từ đông sang tây, như Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn độ , Tổng thống Kennedy đều rất thích bài thơ này. Thủ tướng Churchill đọc đoạn kết bài thơ trước nghị viện Anh tháng 9 năm 1941 lúc nước Anh lâm nguy trong thế chiến thứ hai. Một số người khác có tiếng, nhưng do hành động xấu nhiều hơn tốt, cũng dùng bài thơ này để khẳng định ý chí cương quyết, sắt đá của mình: Timothy McVeigh, kẻ đặt bom ở Oklahoma, năm 2001 cũng đề lại một bản chép bằng tay bài thơ này như là lời tuyên ngôn tuyệt mệnh của mình. Các nhóm chủ trương quyền tối thượng của người da trắng cũng dùng bài thơ này như là tuyên ngôn của lập trường cực đoan không lay chuyển của họ.

Tác giả không đặt tên cho bài thơ của ông. Tựa đề la tinh Invictus, có nghĩa là bất khuất, chỉ được người biên tập gán cho bài thơ mấy chục năm sau, và là tựa của cuốn phim Invictus (2009) của Clint Eastwood, nói về giải vô địch bóng bầu dục thế giới (Rugby World Cup) năm 1995 tại Nam Phi, lúc Mandela đã trở thành tổng thống, sau khi chủ nghĩa phân chia chủng tộc apartheid đã chấm dứt. Trong phim Mandela dùng bài thơ bài thơ này để động viên tinh thần đội bóng rugby da trắng Springbok đại diện Nam Phi, lần đầu được các fans đen cũng như trắng ủng hộ trên đấu trường, như một biểu tượng của sự hoà giải sắc tộc và màu da.

Khẩu khí của một người 26 tuổi làm người đọc thơ trong tuổi xế chiều liên tưởng đến lời bài hát My Way (Đường Tôi Đi) , do Paul Anka viết, nổi tiếng qua giọng hát của Frank Sinatra:

For what is a man, what has he got?

If not himself, then he has naught

To say the things he truly feels and not the words of one who kneels

The record shows I took the blows and did it my way!

[Bởi người đàn ông là cái gì, anh ta có cái gì?

Ngoài bản thân mình ra, có gỉ khác nữa đâu ?

Phải nói những điều mình thật sự cảm nhận, không phải những lời của kẻ đang quỳ gối,

Thành tích ghi rằng tôi đã chịu những cú đấm, và sống theo ý tôi.]

Hồ Văn Hiền

December 10th, 2013

Ref: 1) http://www.poetryfoundation.org/bio/william-ernest-henley

2) Mandela's Favorite Poem Is Also Beloved by White Supremacists by J. Dana Stuster, in Foreign Policy.

3) Wikipedia: William Ernest Henley

Invictus

Out of the night that covers me,

Black as the pit from pole to pole,

I thank whatever gods may be

For my unconquerable soul.

In the fell clutch of circumstance

I have not winced nor cried aloud.

Under the bludgeonings of chance

My head is bloody, but unbowed.

Beyond this place of wrath and tears

Looms but the Horror of the shade,

And yet the menace of the years

Finds and shall find me unafraid.

It matters not how strait the gate,

How charged with punishments the scroll,

I am the master of my fate:

I am the captain of my soul.

William Ernest Henley

Bất khuất

Từ bóng đêm bao phủ thân tôi,

Thăm thẳm hố đen ngập kiếp người,

Cảm ơn thần linh, là ai đi nữa,

Đã cho tôi linh hồn bất khuất của tôi.

Trong khó khăn khắc khe trói buộc,

Không nhíu mày, không khóc rên la,

Định mệnh phủ đầu vùi dập không tha,

Đầu tôi vẫn ngẫng cao, đầy máu.

Hết cõi này, thịnh nộ đầy nước mắt,

Bóng kinh hoàng thần chết lấp ló theo ngay,

Tai ương tháng năm doạ giẫm mỗi ngày,

Tôi vẫn, tôi sẽ không sợ hãi.

Khung cửa cuộc đời dầu hẹp biết bao,

Tội hình chồng chất mãi lên cao,

Vận mệnh đời tôi tôi làm chủ:

Tâm hồn tôi tôi là thuyền trường tự hào.

(Hồ Văn Hiền dịch)

Invictus

(theo bản dịch tiếng Pháp trong phim Invictus)

Dans les ténèbres qui m’enserrent,

Noires comme un puits où l’on se noie,

Je rends grâce aux dieux quels qu’ils soient,

Pour mon âme invincible et fière,

Dans de cruelles circonstances,

Je n’ai ni gémi ni pleuré,

Meurtri par cette existence,

Je suis debout bien que blessé,

En ce lieu de colère et de pleurs,

Se profile l’ombre de la mort,

Et je ne sais ce que me réserve le sort,

Mais je suis et je resterai sans peur,

Aussi étroit soit le chemin,

Nombreux les châtiments infâmes,

Je suis le maître de mon destin,

Je suis le capitaine de mon âme.

William Ernest Henley