"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Ký Ức Đồng Quê

 

Hoa dành dành màu trắng tinh khiết, cánh hoa tạo dáng mạnh dạng nhưng thanh tú, đặc biệt là tỏa hương thơm thoang thoảng nhẹ nhàng nên người ta ví hoa như cô gái ở độ xuân thì, trong trắng, trinh nguyên của tình yêu đầu đời! Tuy nhiên riêng đối với Bé Tư thì khác, đây là loài hoa nhiều kỷ niệm nhất tại khu vườn nhà Ngoại nên dù mấy chục năm sau nhắc đến hoa dành dành là bao nhiêu hình ảnh thời thơ ấu ấy lại trở về đầy ắp trong ký ức của nó.

Hồi còn nhỏ hoa dành dành rất thân thuộc với Bé Tư nó “rành sáu câu” luôn, bởi vì Ngoại dạy cho nó biết đủ thứ, như cách pha trà h

ái hoa dành dành tươi từ sớm mai bỏ vào bình cho trà thơm, phải lấy đọt trà từ 3 hay 4 lá đầu chồi còn gọi là búp trà ở mấy buội trà trồng trước sân mà mấy cụ gọi là trà vườn. Cũng giống như ướp trà sen, trà búp hoa hồng hay hoa lài. Hoa dành dành là cùng họ với hoa lài đó, Ngoại nó nói như vậy. Đối với nó Ngoại là người giỏi nhất cái gì cũng biết, nó tin tưởng như thế nên nghĩ Ngoại nói là đúng hết!

Cây dành dành thanh khiết nên thường được ưa chuộng trồng ở các nơi tôn nghiêm như ở đình, chùa, đôi khi người ta cũng hay trồng hai bên bàn ông Thiên. Những nhà ở Nam Bộ thường có khoảng sân rộng trống trải cao ráo phía trước, dùng để sinh hoạt hay có nơi để phơi lúa, nhà giàu thì có hòn non bộ, nhà nào trước sân cũng đều có đặt bàn thờ thờ Trời Đất gọi là bàn ông Thiên, chung quanh có trồng một số hoa kiển như cây đinh lăng, lưỡi hùm, cây nha đam, cây sò huyết, ngãi cứu, … hai bên là buội dành dành cho hương thơm ngát. Toàn là cây thuốc nam, có lẽ bắt nguồn từ thuở đi khẩn hoang lập ấp hồi xưa người ta trồng những cây thuốc này để trị các bệnh thông thường phòng khi cần là có ngay.

Ngoại còn dạy cho Bé Tư biết cây dành dành là một cây thuốc quý, từ hoa, lá, trái đều là vị thuốc, trị được nhiều bệnh như sốt, cầm máu (vết đứt), chảy máu cam, ho ra huyết (thổ huyết), tiêu viêm, lợi tiểu, thanh nhiệt, viêm gan, … Ngoại còn dạy cho nó nhiều thứ cây lá khác trị các bệnh thông thường như vỏ quít với gừng trị ăn không tiêu, đau bụng; Lá ổi hay vỏ trái lựu trị bệnh đau bụng, tiêu chảy; Cảm mạo thì nấu nồi xông đủ thứ cây lá có tinh dầu; Trặc chân tay thì lấy củ ngãi cứu đâm nhỏ trộn với ít muối hột đem xào trên lửa cho ấm ấm rồi bó nơi bị trặc ít hôm không còn sưng từ từ sẽ khỏi, v.v… Ngoại còn hứa khi nó lớn sẽ dạy phương pháp trị bệnh bằng cách bấm huyệt và châm cứu nữa, nhưng Ngoại mất sớm nên Bé Tư chỉ biết lõm bõm về thuốc Nam. Ngoài ra Ngoại còn có khu vườn đặc sản trồng quýt đường, cam, xoài nên ở vùng khác đều biết tiếng “vườn quýt lớn” tại Ba Se.

Vườn Ngoại lớn lắm, 3-4 mẫu lận, trồng nhiều cây ăn trái, xen kẻ là cây cau có đến mấy trăm cây. Đến mùa, Ngoại mướn cả chục người làm công tách cau trái, xắt lát, rồi sấy khi trời mưa hay phơi khô khi có nắng bằng nhiều cái xịa lớn. Nghe nói cau khô bán cho chú ba tàu làm thuốc nhuộm, chứ người ta mua để ăn trầu một phần ít thôi.

Mấy bà con làm công nhật cho Ngoại thích Bé Tư lắm, trưa hè nóng nực nó bứt một rổ quảu lá dành dành làm một thau nhỏ sương-sa. Cứ lấy lá vò lấy nước, lượt cho nước trong pha thêm ít nước nếu không thì đặc cứng, đem phơi nắng một lát là có sương-sa màu trong xanh lá cây, bỏ thêm đường cát trắng đem cho mỗi người chén nhỏ ăn giãi nhiệt, mát cổ, ngon ghê đi!

Vườn cau cũng là hình ảnh in đậm trong tâm tư của Bé Tư, những đêm hè trăng vằng vặt sáng cũng là mùa cau trổ bông nên ngoài vườn thoang thoảng hương cau.

“Quê hương là vầng trăng tỏ,

hoa cau rụng trắng ngoài thềm …

(Thơ Nguyễn Trung Quân)”.

Đồng quê luôn là nơi mà Bé Tư yêu thích nhất, có lần nó theo mấy đứa con nít xóm ra ngoài ruộng coi tác đìa, sau đó xuống bắt hôi. Tát đìa là vào khoảng tháng chạp lúc gần Tết, lúc đó ruộng đã gặt xong trơ những gốc rạ, khô ráo, chỉ còn cái đìa người ta đào gần mé vườn còn nước để giử cá tụ lại, khi đó bao nhiêu cá trên ruộng đều đổ dồn xuống đìa. Người ta tát cho cạn nước để bắt cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc là mấy con cá lớn thôi còn cá nhỏ và đôi khi cũng còn sót đám trẻ nhỏ nhảy xuống bắt gọi là đi bắt hôi, vui lắm!

Bé Tư cũng hay theo mấy anh người làm của Ngoại đi đặt trúm bắt lươn, trúm là ống tre dài non một thước, ruột thông các mắt ở đầu trúm có cái hom, thêm một hom bên trong nữa cho chắc ăn lươn vào thì không thoát ra được, một đầu có cửa để trút lươn ra. Mồi để vô ống trúm nhử lươn vào là con ốc bưu đập dập bỏ bớt vỏ cứng hay con cá sặc hoặc vài con cá bãi trầu. Buổi chiều đem ống trúm đặt dọc theo bờ ruộng hay mé mươn lạn trong vườn là những nơi buổi tối lươn đi tìm mồi, sáng ra thì cứ đổ trúm bắt lươn.

Còn một món nó cũng khoái lắm là cứ đến hè về quê đi móc ngó sen về làm gỏi tôm thịt hay nấu canh chua cá lóc, nó có “bí quyết” nên chưa có đứa con nít xóm nào hơn nó nổi, nhưng nó cũng tốt bụng không dấu nghề nên sau đó cũng chỉ cho mấy đứa khác. Dễ lắm, ai không biết thì cứ mò mò dưới gốc sen tìm ngó, nhưng biết cách thì cứ nhìn lá non cuốn tròn chỉa về hướng nào thì ngó cũng nằm về hướng đó dưới gốc cứ theo đó móc ngó dễ dàng.

Có lần Bé Tư xuống ruộng bị đứt chưn máu chảy quá chừng, nhớ đến lá dành dành nó chạy đi ngắt một ít lá nhai nát rồi đấp vào vết đứt, lát sau máu không còn chảy, lá dành dành cầm máu hay lắm đó. Nhưng hôm đó Bé Tư thấy tiếc không bắt được con cá con tép nào hết!

Đối với Bé Tư, cây dành dành còn có nhiều công dụng hơn nữa rất là lợi ích nên nó trồng khắp nơi, ngoài việc trồng ở bàn ông Thiên cho Ngoại nó, ở bến sông, ven mươn vườn chổ nào có mé nước thuận tiện là nó trồng. Dễ trồng lắm, cứ chặt nhánh cắm xuống đất là nó bén rể sống, đến mùa khoảng từ tháng ba hay tháng tư là có bông. Ngoại nó thường lấy hoa dành dành ướp trà giống như ướp trà bông lài. Trái dành dành nhỏ chừng bằng ngón tay, có khía như trái khế, màu vàng người ta thường dùng để nhuộm xôi nếp vàng ươm, hạt phơi khô để dành làm thuốc, có nhiều công dụng như thế nên Bé Tư trồng tùm lum mà Ngoại nó không cấm. Còn đến mùa trổ bông, hoa thơm và đẹp nữa nên các chị thích cài lên mái tóc làm “Sơn nữ Phà Ca”. Đây là mùa thu hoạch lớn của Bé Tư, mấy chị trong xóm hay đến gặp nó để thương lượng trao đổi mà mặt hàng là bông dành dành. Các chị đưa cho nó có khi là củ khoai cao luộc thơm phưng phứt, hay trái bắp mới đốn đem luộc rất ngọt còn nóng hổi, có khi là trái chuối xiêm nướng chan nước cốt dừa gói trong tấm lá chuối. Ôi ngon làm sao, khó mà từ chối! Nó thích thú cho là được lợi nhiều vì nó đâu có bỏ công chăm sóc mấy cây dành dành gì đâu, chỉ có điều đến mùa trổ bông cũng là mùa dành dành có sâu nên phải lo bắt sâu. Sâu dành dành ghê thiệt! Con to bằng ngón tay người lớn, dài chừng một tấc, màu xanh lá cây tiệp màu với lá nên phải vạch buội cây xem kỷ mới bắt được hết. Coi vậy chớ sâu này hiền lắm mình nó trơn không giống như như sâu rọm mình có lông, sần sùi đụng tới là bị ngứa. Bướm sâu dành dành lớn bằng bàn tay nhưng khó gặp vì ban ngày nó trốn ở đâu á, ban đêm mới bay ra. Các cụ trong xóm muốn xin bông dành dành ướp trà cũng phải có qua có lại với Bé Tư. Vườn cây ăn trái Ngoại nó là chủ vườn, cái đám cây dành dành thì Bé Tư là ông chủ nhỏ đó, hể ai cần chi phải nói chuyện với nó dĩ nhiên phải có điều kiện trao đổi vậy thôi. Duy nhất chỉ có dì Quỳnh Hoa tuy gọi bằng dì nhưng bằng tuổi nhau, Dì rất khéo tay biết cắt mo cau sau vườn làm quạt tặng nó, Dì còn biết tước tàu cau, bỏ phần lá chỉ còn cọng và cái xống rồi bó thành cây chổi đẹp vô cùng, nó cũng thích quét sân bằng cây chổi của dì Quỳnh Hoa đưa nó. Hai đứa còn thường thích chơi trò kéo mo cau, thay nhau kéo quanh sân gạch rộng của Ngoại, nên nó ưu tiên để dành bông nào lớn nhất đẹp nhất cho dì ấy.

Mấy mươi năm qua rồi, hoa dành dành đưa Bé Tư trở về thời tuổi dại, một chiều trong sân vườn củ nó ghi nhanh lại cảm xúc chợt đến:

“Hoa Dành thơm ngây ngất

Lá Dành tợ sương-sa

Tuổi thơ về trong nắng

Gió gợn chiều mênh mang!”

***

Thanh Minh năm nay Bé Tư dự định về thăm mộ Ngoại, nhưng con cúm Tàu Covid-19 thật đáng ghét, báo hại không thể về được! Năm rồi Bé Tư có về thăm quê, ngồi dưới bến sông hồi tưởng về lúc nó còn nhỏ, nhớ mấy buội dành dành theo mé nước! Nhớ lắm, nhớ quê, nhớ Ngoại, nhớ ray rứt xót xa!

-        Ngoại ơi!

Bé Tư lấy phone bấm số của dì Quỳnh Hoa ở Atlanta, Georgia (770)- 986- …, chuông reo, có tiếng bên kia đầu máy:

-        Ê, Bé Tư cả năm rồi mầy trốn biệt ở đâu vậy không gọi thăm tao? Không thèm gọi coi tao có bị cúm Tàu giết chết chưa, bửa nay mắc cái gì mà mầy mới chịu phone vậy?

-        Hihi! Dì Quỳnh Hoa à, mấy tuần nay bị cách ly ở trong nhà theo lệnh của thành phố nên tui ở nhà viết chuyện ngắn, nhớ tới quê ở Ba Se, đang viết bài “Ký Ức Đồng Quê”, nhớ mấy chuyện hồi nhỏ vui quá! Định mời Dì qua mùa dịch cúm Tàu cùng về Ba Se thăm quê nhà. Về đi tui sẽ kéo mo cau cho Dì, tặng Dì cái bông dành dành nữa!

-        Haha! Cái thằng mắc dịch, già cái đầu rồi có cháu ngoại cháu nội đầy nhà mà còn như con nít! Ừ, tao cũng nhớ quê lắm nhưng không biết đến khi nào qua mùa cúm để về, chừng nào mầy về gọi cho tao để tao sắp xếp coi sao …

Dì cháu tôi hơn nửa thế kỷ mà vẫn như xưa, có cùng chung một “Ký Ức Đồng Quê”.

Người đi biền biệt phương trời

Dòng sông bến củ còn hoài nhớ thương!

Lê Hữu Uy

Phoenix, Arizona – May 24, 2020