"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

 

 

Món Nợ Oan Khiên

   Đứa con gái bước xuống phòng ăn, đưa mắt liếc nhẹ về phiá ông, ngần ngừ vài phút rồi lặng lẽ thu dọn chén diã. Đây là ngày thứ ba. Ba bữa cơm chiều liên tiếp, nào thịt kho, nào cá chiên, nào canh gà, không món nào hao hụt, ngoài dĩa rau và chén nước tương -theo yêu cầu của ông- có vơi đi một ít. Dọn dẹp xong, nó rón rén trở lên phòng. Trước khi đặt chân lên cầu thang, nó quay lại nhìn. Vẫn là ông với dáng ngồi lặng lẽ, bất động như hai hôm trước. Cái đầu hói trống trên đỉnh, những lọn tóc bạc xác xơ không hàng ngũ ở phía sau, trên cái ót gầy gò của ông, khiến đứa con gái cảm thấy một thoáng nao lòng. Chỉ chừng đó rồi thôi. Nó không muốn đến gần ông để an ủi, hỏi han.

   Hai mươi năm, kể từ ngày còn bé cho đến lớn, chưa bao giờ nó đến gần ông để được âu yếm, nâng niu. Nó tưởng chừng, hễ lúc nào ngước mắt lên nhìn ông là nó chạm phải một ánh mắt lạnh lùng, nghiêm khắc. Nếu nó nhớ không lầm thì hình như chưa bao giờ ông chuyện trò với nó, ngoài những câu sai bảo bình thường. Cũng chưa bao giờ ông gọi nó bằng con, ngoài tiếng “mày” cộc lốc, nhạt nhẽo. Tuy nhiên, điều đó cũng đã quá quen thuộc với nó trong suốt hai mươi năm qua, nên nó chẳng cảm thấy ngột ngạt gì cho lắm, vì còn có mẹ trong gia đình. Chỉ mới ba hôm nay, sự vắng mặt của mẹ làm căn nhà bỗng trở nên lạnh lẽo và nặng nề làm sao. Đang khỏe mạnh, bỗng mẹ ngã bệnh bất ngờ. Căn bệnh trầm trọng làm mẹ bị hôn mê kể từ lúc đưa vào bệnh viện cho đến giờ. Ban ngày, ông và anh nó thay phiên nhau vào bệnh viện với mẹ, trong lúc nó phải tới sở làm vì đang là thời gian huấn nghiệp nên không được phép nghỉ. Chiều về, lo cơm nước cho ông xong, nó chạy vào với mẹ.

   Vẻ lo lắng, hoảng hốt gần như mất hồn của ông là một thái độ rất lạ. Bởi trong ý nghĩ của nó, ông đã chẳng từng rẻ rúng, xem thường, hất hủi và bạc đãi mẹ mấy mươi năm nay đó sao. Nhiều lúc, nó cảm thấy bất nhẫn khi nhìn thấy mẹ im lặng chịu đựng những cơn thịnh nộ vô lý của ông. Có lần, lau nhẹ những giọt nước mắt cho mẹ, nó bực tức:
 -Sao mẹ cứ khóc, không phải là lỗi của mẹ thì phải nói cho ra lẽ. Gặp con thì con không nhịn được, ổng có phải là ông trời đâu.
   Mẹ đặt ngón tay lên môi nó, trừng mắt:
 -Con không được hỗn với ba.
   Nó giận dỗi đứng lên:
 -Nếu con là mẹ, con đã bỏ ổng lâu rồi.
   Chưa bao giờ nó nghe ông nói một lời dịu dàng với mẹ. Vậy mà mẹ vẫn cam tâm chịu đựng. Kể cũng lạ. Nó nghĩ. Làm sao có thể thương yêu một người đối xử tệ bạc với mình. Chẳng lẽ, mẹ có trái tim bồ tát như người ta thường nói. Có một điều nó biết, mẹ vẫn hy vọng sẽ có ngày ông hồi tâm và sự hy sinh của mẹ sẽ được đền bù.

***

   Có tiếng khép cửa nhè nhẹ và tiếng máy xe nổ vang lên, rồi chạy vụt đi trong đêm tối. Ông bước tới, vói tay đốt ba cây nhang cắm lên bàn thờ Phật rồi quỳ xuống, xì xụp vái lạy một cách rất thành khẩn. Những tiếng cầu nguyện thì thầm trong cổ họng. Những giọt nước mắt ứa ra. Ông quỳ như thế rất lâu, đôi mắt nhắm nghiền với hình ảnh bà thấp thoáng ẩn hiện……

   Hai mươi tám năm đã trôi qua, kể từ ngày bà bước vào đời ông. Như một tai ách cho bà. Như một vướng bận cho ông. Thì thật là vậy. Ông có thương yêu gì bà đâu. Chỉ có bà, dù trải qua bao cuộc bể dâu của cuộc đời, dù trải qua bao lần ruồng rẫy của ông, bà vẫn một mực hết lòng, hết dạ yêu ông. Ông nhớ lần đầu tiên gặp bà. Khi ấy, bà chỉ là một cô gái tuổi mười tám, không đẹp, nhưng hiền hậu, mồ côi cha mẹ,ï sống nhờ vào họ hàng và là em họ của một người bạn thân mà ông hay lui tới trong những ngày nghỉ phép. Tính ông hào hoa, bay bướm, nên gặp ai cũng săn đón, ngọt ngào. Những lời đẩy đưa bóng bẩy, những chìu chuộng ân cần đã làm rung động trái tim thật thà của cô gái ngây thơ. Và bà đã dại khờ trao hết cho ông tình yêu đầu đời. Không so đo tính toán. Không nghi ngại, phân vân. Rồi... ngày bà biết mình mang thai cũng là ngày ông làm lễ hỏi với người vợ chính thức của ông. Ông chỉ gửi cho bà vài dòng ngắn ngủi, biện hộ một cách gượng gạo rằng, vì chữ hiếu nên phải phụ tình và hứa sẽ tìm cách bảo bọc bà và đứa con sắp chào đời. Không cần biết bao nhiêu giọt nước mắt của bà đã rơi xuống trên lá thư tuyệt tình, ông thản nhiên làm chú rể trong một đám cưới tưng bừng, bên cô dâu xinh đẹp, lộng lẫy, giàu sang. Ngày qua ngày, ông chìm đắm trong niềm hạnh phúc mới, không chút bận tâm đến những gì đã xảy ra trong quá khứ rất gần. Hình như ông quên hẳn đã có lần mình thề non, hẹn biển với một người con gái và hứa hẹn chuyện mai sau.

   Thời gian trôi qua. Ngày cuộc chiến kết thúc cũng là ngày ông khăn gói vào trại tù. Đất nước thân yêu chìm trong cơn điêu linh, thống khổ, nên cuộc đời ông cũng thống khổ, điêu linh. Người vợ xinh đẹp, quý phái của ông không một lần bước chân đến trại tù thăm ông. Ông trông ngóng, mong đợi để rồi thất vọng. Một năm, rồi hai năm. Ông là người duy nhất trong tổ không có thân nhân thăm viếng, tiếp tế. Mẹ ông quá già, ở tận miền Trung xa xôi. Vợ thì biền biệt không một tin tức. Nỗi đau mất nước. Nỗi đau của thân xác. Nỗi đau của trái tim. Từng ấy thứ dày vò ông từng giây, từng phút, làm cho ông ngày càng hao mòn. Ông nhờ bạn bè được thả về trước dò la tin tức thì được biết vợ ông vẫn ở căn nhà cũ, vẫn lên xe xuống ngựa, vẫn có kẻ hầu người hạ, và một điều làm đau nát lòng ông -vợ ông bây giờ là vợ của một cán bộ cao cấp. Ông như rụng xuống trong cơn đau uất người. Mấy tháng dài, ông ốm liệt giường không cất người lên nổi. Ông hoàn toàn tuyệt vọng trong nỗi buồn chất ngất.

   Bỗng có một buổi sáng, tên ông được xướng lên trong danh sách những người được thăm nuôi. Khuôn mặt ông rạng ngời sung sướng. Ông mặc vội quần áo, hấp tấp theo đoàn người tiến ra phòng đợi. Nhưng niềm vui chợt tắt hẳn khi ông nhận ra, người đến thăm không phải là người vợ yêu quý ông hằng thương nhớ, mà là người thiếu nữ năm xưa. Người thiếu nữ mà ông đã từng ruồng bỏ, lãng quên. Nỗi ngạc nhiên pha lẫn chút bực tức vì thất vọng, ông hỏi trổng không:
 -Sao biết chỗ này mà đến?
   Bà cắn môi, rưng rưng nước mắt:
 -Anh Trí cho em biết.
   Rồi kéo tay đứa bé trai đứng gần đó, bà ngọt ngào:
 -Thưa ba đi con.
   Ông trố mắt nhìn thằng bé trừng trừng. Trong cơn bối rối, ông không biết phải làm gì thì người bạn cùng tổ ngồi gần đó đã lên tiếng:
 -Ồ! thằng nhỏ giống ông như khuôn đúc.
   Ông ngượng ngùng cúi đầu, lảng tránh ánh mắt tha thiết của bà. Bấy lâu nay, ông hầu như quên mất sự hiện diện của một đứa bé trong cuộc tình ngày xưa. Như một người không cảm giác, ông ngồi thừ ra đó, hết nhìn thằng bé lại nhìn xuống đất. Cuối cùng, ông cũng hỏi được một câu:
 -Nó mấy tuổi?
 -Dạ ba tuổi.
   Ông đưa tay kéo nhẹ, thằng bé ngã vào lòng, ôm chặt lấy ông.

   Từ đó, bà không bao giờ vắng mặt trong những đợt thăm nuôi. Bà nghèo, nên quà cho ông thường chỉ là một bịch đường, một gói lạp xưởng nhỏ, một vài con khô sặc. Ông nhận lấy như một sự miễn cưỡng. Thật lòng, ông không hề yêu bà, nên không muốn nợ bà. Và một điều sâu kín trong lòng là ông vẫn mang hy vọng sẽ trở về, tìm lại người vợ xinh đẹp mà ông ngày nhớ, đêm mong.

   Rồi ngày ông được thả về cũng là ngày được tin vợ đã vượt biên cùng người đàn ông khác. Tim ông vẫn nhói đau như buổi đầu nghe tin vợ mình đang là vợ của kẻ thù. Ông hận đời, hận mình khi phải làm người thua cuộc. Với hình hài tang thương, với tâm hồn rách nát, quay đi ngoảnh lại, ngoài bà ra ông không còn một người thân nào cả, nên ông đành phải ép lòng sống với bà, một người vợ quê mùa, kém cỏi, không có được một điều kiện nào trong tiêu chuẩn đòi hỏi của ông. Còn bà, mặc cho bao đắng cay nghiệt ngã trong cuộc sống, bà vẫn âm thầm bên cạnh ông để săn sóc, lo lắng. Mặc cho ông lạnh lùng, hờ hững bà vẫn vui trong cái hạnh phúc hẫm hiu của số phận bọt bèo.

   Khi đứa con thứ hai ra đời cũng là lúc chính phủ Mỹ thực hiện chương trình H.O. Ông nghĩ mình sẽ có cơ hội để đưa bà và hai đứa nhỏ sang Mỹ -coi như một cách để ông trả nợ cho bà. Nợ tình hay nợ tiền ông không cần biết, chỉ có điều là ông cảm thấy mình có cơ hội và có quyền dò la tin tức để tìm lại người vợ cũ. Ý nghĩ này làm ông đứng ngồi không yên. Không màng đến gia đình, không thiết tha với công việc, ông như người bất cần đời, suốt ngày lơ thơ, lững thững. Bà một mình cật lực làm việc. Ban ngày đi làm hãng, ban đêm lãnh hàng về may, lại thêm tính cần kiệm, nên chẳng bao lâu cuộc sống trở nên sung túc hơn và đó cũng là lúc mơ ước của ông được thành tựu.

   Trong buổi họp mặt cuối năm với bạn bè cùng binh chủng, ông tình cờ gặp lại người em họ của vợ. Trở về nhà, ông thao thức trắng đêm với cảm giác vừa mừng, vừa lo khi ngắm nghía, nâng niu mảnh giấy nhỏ xíu với hàng địa chỉ mà ông từng ao ước có được. Trong tâm trạng rối bời, dùng dằng, ngần ngại, ông vẫn cảm nhận được sự thôi thúc của trái tim. Phải gặp. Gặp một lần cho rõ trắng đen. Gặp một lần cho thỏa lòng thương nhớ. Thế là sáng hôm sau, chờ lúc bà vừa lên xe đi làm, ông vội vàng thu xếp đồ đạc, chuẩn bị cho cuộc hành trình tìm lại cố nhân. Không cần bận tâm đến công việc làm, ông quyết định đi và phải đi trước khi bà về, để khỏi phải dài dòng giải thích, và nhất là ông không muốn nhìn thấy những giọt nước mắt của bà. Những giọt nước mắt mà ông nghĩ, có thể sẽ làm nặng nề bước chân c?a ông hơn. Người ta sẵn sàng chết cho tình yêu. Còn ông, ông cũng sẵn sàng vì người vợ yêu quý của mình mà mang tiếng bạc tình, bạc nghĩa.

***

   Hai tuần sau, ông trở về như cái xác không hồn. Rã rời. Thê thảm. Nỗi vui mừng làm nước mắt bà ứa ra. Bà như quên đi cái cảm giác lạnh buốt, uất nghẹn khi đọc những lời phũ phàng của ông trong lá thư để lại. Quên cơn đau điếng người khi khám phá ra ông đã rút hết tất cả số tiền bà dành dụm được trong ngân hàng, để ra đi tìm người vợ cũ. Bà giang tay đón ông bằng tấm lòng rộng mở, mặc cho hai đứa con giận dỗi, phản đối. Ông về với bà. Thế là đủ. Dẫu sao, bà cũng còn được nhìn thấy ông hàng ngày để lo lắng, hầu hạ bằng tình yêu tha thiết, chân thành.

   Ngày qua ngày, ông vùi đầu trong cơn say. Hết khóc, lại cười. Hết chửi rủa, lại đập phá. Nước mắt bà rơi theo từng cơn đau của ông. Hận người vợ bạc tình, ông đem hết những oán giận trút lên bà. Ông đay nghiến, chì chiết bà. Có lần, ông còn vung tay đánh bà. Đứa con trai không chịu được, nó đẩy ông vào tường, nhìn ông bằng ánh mắt rực lửa:
 -Ba còn đánh mẹ, đừng trách con bất hiếu.
   Bà nhào tới kéo tay nó, giọng hoảng hốt:
 -Con không được hỗn. Xin lỗi ba. Nghe lời mẹ, xin lỗi ba!
   Thằng con giằng tay ra một cách hằn hộc:
 -Con thật không hiểu. Tại sao mẹ phải chịu đựng những điều vô lý như vậy?
   Bà nhìn nó bằng đôi mắt u uẩn, van xin. Lòng nó chùng xuống, giọng nói như tắt nghẹn:
 - Ba là một người tàn nhẫn nhất trên thế gian này. Ba không xứng đáng...
   Câu nói làm ông giật bắn người. Đôi mắt ông như lạc đi, như dại khờ, như chìm khuất trong ánh lệ long lanh. “Một người tàn nhẫn nhất trên thế gian này”. Đây là câu nói của ông mà. Câu nói cuối cùng, ông dành cho người vợ cũ trước khi loạng choạng bước đi bằng những bước chân khập khễnh, vô hồn. Ông ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm đầu mà cảm thấy như từng hình ảnh chậm chạp trôi qua trong trí nhớ.

   …Buổi sáng đó, người vợ cũ đã tiếp ông trong phòng khách sang trọng của ngôi biệt thự đồ sộ, nguy nga. Nàng vẫn tươi trẻ và diễm lệ như thuở nào. Nụ cười duyên dáng nở nhẹ trên môi khi nhận ra ông. Không chút ngượng ngùng, bỡ ngỡ, nàng hỏi thăm ông về cuộc sống trong thời gian qua một cách tự nhiên và vô tư như hai người bạn tình cờ gặp lại nhau trên đường phố. Làm như nàng không hề nhớ có một thời nàng đã từng là vợ của ông. Ông nuốt từng ngụm nước mà nghe cay đắng tràn trong cổ họng. Ông cứ ngỡ, khi gặp mặt, nàng sẽ khóc lóc, van xin ông tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót của nàng, để ông được âu yếm ôm nàng vào lòng, vuốt ve từng sợi tóc và bày tỏ tình yêu quảng đại của mình bằng sự thông cảm và bao dung. Ông sẽ không trách nàng, vì ông hiểu “nỗi truân chuyên của khách má hồng” trong “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Vậy là nàng sẽ ngã vào lòng ông, kể lể bao nỗi nhớ nhung của những ngày xa cách và vợ chồng ông lại tái hợp để bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc mới.

   Nhưng thái độ dửng dưng của nàng làm tan vỡ ước mơ của ông - cái ước mơ “tái hợp” đã bùng dậy mãnh liệt từ khi ông nghe người em họ của nàng cho biết, sang đây được vài năm, nàng chia tay với người đàn ông đã đưa nàng đi tìm miền đất hứa và kết hôn với một thương gia người Mỹ rất giàu có. Hai người sống với nhau mười mấy năm không có con và khi qua đời, người chồng này đã để lại cho nàng một gia tài kếch xù. Hiện tại, nàng là người đàn bà độc thân, sống thui thủi một mình.

   Ông ngồi đó với tấm lòng nặng trĩu. Nàng không mời ông ở lại. Ông cũng chẳng thể ra về, nếu không nói được những điều ông muốn nói. Dẫu sao cũng phải một lần. Ông tự nhủ thầm và đổi thế ngồi, cố gắng giữ giọng bình tĩnh:
 -Sao ngày anh đi tù, em không đến thăm anh mà cũng chẳng thư từ?
   Nàng cười nhẹ:
 -Anh biết mà, em đâu dám đi xa một mình.
 -Sao em không chờ anh trở về mà bỏ đi với người khác?
   Vẫn nụ cười duyên dáng với hai lúm đồng tiền nhỏ xíu:
 -Em rất sợ cô đơn. Vã lại, anh trở về thì sao, anh có lo cho em được không? Anh cũng thừa biết, em không chịu nổi cuộc sống nghèo khổ.
   Ông nuốt ực nỗi nghẹn ngào vào tim:
 -Nghĩa là em chỉ nghĩ đến em, chứ không nghĩ một chút gì cho anh, cho tình yêu của chúng mình sao?
Nàng nghiêng đầu, lộ chiếc gáy trắng ngần dưới mái tóc búi cao, đầy vẻ kiêu sa của một mệnh phụ.
-Em nói thật, cuộc hôn nhân của anh và em là do ba ép buộc. Dù chưa bao giờ anh nói ra, nhưng em thừa hiểu là anh biết em không còn trong trắng khi về với anh. Em nhỏ hơn anh cả chục tuổi, người em yêu lại không phải là anh... Vì vậy, anh đừng trách em.
   Ông chưa kịp thố lộ tình yêu chung thủy, bền bỉ, bất chấp mọi nghịch cảnh của ông đối với nàng thì đã có khách đến thăm. Nàng đành mời ông lên phòng nghỉ ngơi để nàng tiếp khách. Mấy tiếng đồng hồ của buổi chiều trôi qua, ông vẫn nằm im trong phòng chờ đợi. Mãi đến lúc người giúp việc lên mời cơm chiều, ông mới hay nàng đã đi dự tiệc.Ông lại tiếp tục chờ. Đến nửa đêm, ông nghe tiếng xe đỗ lại, rồi tiếng mở cửa. Mừng quá, ông vội bước ra thì vừa kịp thấy nàng và một người đàn ông đang quấn quýt nhau trong nụ hôn từ giã. Ông trở vào phòng, thẫn thờ trong nỗi đau xé lòng giữa bầu không khí im lặng đến rợn người. Ông không biết mình phải làm sao để kéo nàng trở về với ông. Nàng giàu sang. Ông trắng tay. Nàng vẫn còn mỹ miều, xinh đẹp, còn ông đã bước vào tuổi hoàng hôn với những phai tàn. Nhưng ông không đành thua cuộc. Trái tim ông vẫn còn nồng nàn, tha thiết với tình yêu trọn vẹn dành cho nàng. Ông suy nghĩ miên man, tính toán mọi cách, để rồi chìm vào giấc ngủ mệt nhoài đầy mộng mị.

   Sáng hôm sau, khi ông thức giấc thì nàng đã rời khỏi nhà. Ông thất vọng trở về khách sạn, mỗi ngày trở lại tìm nàng, nhưng suốt cả tuần cũng không gặp được. Đến ngày thứ tám thì nàng lại tươi cười tiếp ông trong khu vườn phía sau nhà với bộ áo tắm bó sát, khêu gợi. Nàng đẹp quá, ông không thể mất nàng một lần nữa. Ý nghĩ đó giúp ông mạnh dạn bước tới, nắm lấy tay nàng, giọng xúc động:
 -Chúng mình làm lại từ đầu đi em, anh vẫn yêu em như ngày nào, anh không thể sống thiếu em được.
Nàng nheo mắt nhìn ông, nét mặt thật rạng rỡ, xinh đẹp. Ông nghe lòng mình xôn xao như ngày mới lớn.
 -Xin lỗi anh, mọi chuyện đã qua lâu rồi, em không muốn nhớ lại quá khứ, huống chi anh đã có gia đình khác rồi.
   Giọng ông hăm hở:
 -Anh sẽ vì em mà bỏ tất cả.
   Nàng ngữa mặt cười thành tiếng:
 -Hình như anh quên nhìn lại anh đó nha!
   Rồi không để ông xen vào, nàng nói tiếp:
 -Anh già rồi, nên nhìn vào thực tế một chút, đừng để em nghĩ là anh đang ngấm nghé cái gia tài em đang có.
   Rồi nàng thản nhiên phóng mình xuống hồ bơi, sau khi tặng một 'nhát dao' xuyên thấu trái tim ông. Cả trời đất sụp đổ chắc cũng không làm ông bàng hoàng, đau đớn như thế. Nàng đã đặt tình yêu của ông xuống bậc thang thấp kém và tầm thường nhất. Nàng đã chà đạp tấm chân tình của ông không chút tiếc thương. Ông đứng đó như chôn chân dưới đất. Nước mắt ông ứa ra trong uất ức, nghẹn ngào. Khi bước lên khỏi hồ bơi, nàng cười thân thiện như chưa hề nói một điều gì xúc phạm đến ông.
 -Mời anh vào nhà ăn cơm.
   Ông nhìn nàng van nài:
 -Anh muốn nói… anh đã bỏ công ăn việc làm, bỏ tất cả chỉ để được gặp em, được nhìn thấy em và nói với em rằng……
   Nàng ngắt lời ông:
 -Đủ rồi, anh hãy trở về với gia đình anh đi.
 -Không… anh…
   Nàng nhìn ông lạnh nhạt:
 -Em sẽ tặng anh một số tiền để đền bù thiệt hại cho anh, vậy được chưa? Anh muốn bao nhiêu?
Ông cố kềm giữ cơn tức giận đang làm run rẩy cả chân tay, nhưng tiếng nói cất lên chứa đầy nỗi phẩn uất:
 -Em là một người tàn nhẫn nhất trên thế gian này.

***

   Khi bà ngã bệnh ông mới nhận ra mình là người ngu dại và “tàn nhẫn nhất trên thế gian này”. Cái hạnh phúc trong tay thật cao quý và thanh khiết mà ông không biết đón nhận và giữ gìn. Hơn nửa cuộc đời ông chỉ biết thả mồi bắt bóng, chạy theo một ảo ảnh xa mù. Ông muốn nói với bà, nói nhiều lắm những lời ân hận mà không biết còn có dịp hay không. Ông âu lo, bối rối, nhưng chẳng biết phải làm gì ngoài chuyện ăn chay, cầu nguyện cho bà qua khỏi cơn bệnh thập tử nhất sinh.

   Bấy lâu, ông vẫn xem bà là một món nợ oan khiên mà ông mong muốn được dứt bỏ. Nhưng giờ đây, trong nước mắt, trong hối tiếc, xót xa, ông cầu nguyện ơn trên cho ông được giữ lại “món nợ” này để trân trọng và thương yêu cho đến hết cuộc đời.

Ngân Bình