"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

 

Những Cây Nến... “Đen”

Cuối cùng thì ông cũng “”được” về hưu như người ta, đóng lại 40 năm ròng rã mệt nhoài trong công xưởng, hối hả đi về theo những chuyến xe tất bật ngược xuôi dòng đời.
Kết quả của 40 năm bươn chải, con cái thành tài có gia đình cơ ngơi riêng, nỗi lo toan cơm áo gạo tiền kết thúc, khoẻ ru! Bổng lộc hưu trí tích lũy ngần ấy năm thư thả cho những ngày còn lại của 2 ông bà, không phải nhờ con cháu, nhẹ gánh rồi!

Thời giờ xin dành hết thời gian cho bà, người vợ đầu gối tay ấp chung thủy nghĩa tình bao năm vất vả quán xuyến trong ngoài cho đại gia đình này.

Một chuyến du lịch hải hành trọn gói dài ngày bên Âu Châu, ước mơ thầm kín của bà từ lúc còn tóc xanh, có một ngày thật gần sẽ trở thành hiện thực. Viễn ảnh đẹp đẽ của những bờ biển trong veo trải dài cát trắng, núi non thiên nhiên hùng vĩ, những con đường thơ mộng trong công viên của thành phố hoa lệ… chỉ được nghe ca tụng, giờ nằm trong tầm tay với, ông cảm thấy hài lòng với món quà hấp hôn đầy ý tình, thi vị sẽ gây cho bà nhiều ngạc nhiên thích thú lắm đây! Vui!

Mùa Giáng Sinh sắp tới, kéo dài bắc cầu sang đến ngày lễ nghỉ mừng Năm Mới, ông lại nôn nao mong chóng gặp lại gia đình các con, chúng nó tất cả hẹn nhau tụ tập về đây, một công đôi chuyện, vừa hưởng ngày nhàn nhã lễ hội vừa dự tiệc họp mặt đại gia đình sau bao năm hẹn mà trớt quớt vì công tác bất ngờ hay có chuyện bận rộn bên vợ hay bên chồng thình lình của đứa này, đứa kia…
Còn đám cháu nhỏ, nghĩ đến là rộn rã ùa tràn lòng, tính khí năng động con nít sẽ khuấy động không khí vốn trống vắng từ lâu trong căn nhà này, nhớ tiếng cười, tiếng vòi vĩnh dễ thương của chúng quá thể!

Bà cũng như ông, ra vào cứ giở hoài tờ lịch, tẩn mẩn đếm đi đếm lại số ngày xuống dần sẽ đoàn viên cả nhà, rồi lại lui cui ghi chép thêm vào sổ tay thật kỹ càng những thứ bất chợt nảy sinh trong việc chuẩn bị những bữa cơm thân mật đông đủ gia đình với món ruột của tụi nhỏ, kể ra thôi cũng đã thèm cho kẻ mê ăn, này nhé… món bánh xèo Nam quyện nước dừa béo ngậy đổ chảo nóng giòn rụm, món bún thang Bắc đậm đà mắm tôm, bún bò giò heo Trung cay xé lưỡi, dặm thêm món bột lọc tôm chấy nồng đượm, món phở đặc trưng với mùi ngò gai rau quế thân thuộc v…v ngoài ra những món ăn vặt, ăn chính kiểu Tây Mỹ cho đám cháu không thể nào thiếu trong thực đơn. Bấy nhiêu cũng đủ chiếm trọn thời giờ của bà nội trợ đảm đang.

Việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, giao hẳn cho ông, coi như đã gần xong, cây thông dựng lên chỉ thiếu mấy trái cầu thủy tinh đủ sắc để tăng phần lộng lẫy bên cạnh những giây đèn hoa giăng rực rỡ, chiếm cứ một diện tích không nhỏ nơi góc nhà, và dự định sẽ để lâu qua hết tuần đầu của năm mới. Lễ lớn mà!

Ngày vui gần kề, thương bà quá! hẳn vì sự chộn rộn lo lắng, trông chờ nên giấc ngủ xáo trộn sinh bần thần, sớm ra lại lăng xăng việc nhà viêc chợ, nên khó tránh dạo này hay quên thứ này không nhớ thứ nọ, vì thế ông cũng bở hơi tai khi kiêm thêm nhiệm vụ sai vặt liên tu bất tận của bà.

Rồi một sáng, nét phờ phạc mệt mỏi của bà hiện rõ. Ông phải lên tiếng khuyên bà ngừng công việc, nghỉ ngơi ngay, cứ thủng thỉnh mà làm có thi đua chi đâu mà vội, chứ điệu này khi con cháu về, bà đổ bệnh thì mất vui, nhưng Bà chỉ ậm ừ, rồi bỏ ngoài tai, dễ giận không chứ?

Ông nói đâu có sai! để rồi một tối, chuyện lớn xảy ra.
Ông về nhà, cửa ngõ không khoá, phòng khách tối om, thất kinh hơn cả khi thấy bà nằm sóng soài trên nền gạch lạnh từ hồi nào.
Tiếng xe cấp cứu rú lên liên hồi trên đường đưa bà vào bệnh viện, lần đầu tiên, cảm giác không an bình, lo sợ mông lung làm bấn loạn cả ruột gan ông khiến bơ phờ cả mặt mũi, ông cứ nhẩm khấn khứa như bà đã từng, khi có tình huống gì nghiêm trọng, khó trấn tĩnh được.

Bao ngày bà nằm lại nhà thương để chờ kết quả định bệnh, là bấy ngày ông tất tả tới lui bệnh viện. Không ngờ cú té ngã mà sinh chuyện to thế, cứ tưởng là bà mệt do thiếu ngủ, trễ ăn bỏ bữa gây tụt huyết áp hay thiếu máu chi đó, chỉ cần khám cho thuốc rồi về tịnh dưỡng, chứ biết đâu…

Nhìn bà không khoẻ trên giưòng bệnh, ống nước biển truyền lủng lẳng trên đầu giường, cái kim to, dấu mình dưới mảnh băng keo dán, rúc vào mạch máu tay nổi bầm tím thịt da làm ông cũng thấy như thân mình cũng bị châm, đau cách gì!
Mấy bữa không ăn uống, gương mặt bà hốc hác xanh xao trông rõ. Ông có tốt hơn gì bà, sáng tối túc trực bên giường bệnh, thân già như củi mục ủ rũ. Bao tử của ông chỉ một khoảng thời gian ngắn thiếu bàn tay bà chăm sóc cơm nước nên tóp teo hẳn lại, reo báo động suốt, dáng đi hết còn mạnh mẽ, da dẻ bớt tươi, bề ngoài bạc nhược, nhìn ông chán nản thì thôi!

Coi bộ bà chẳng nhớ chút gì chuyện té xỉu ở nhà mỗi khi hỏi đến, bà ngơ ngác trả lời không đâu vào đâu, lơ mơ đầu óc… ông bất giác sợ tái người khi nghĩ bà có phải phát bệnh lú lẫn “ăng dai mơ” rồi chăng? hay khi té, nói dại, đập đầu xuống nền nhà, chạm dây thần kinh nào nên mới ra cớ sự.

Thế nhưng khi ngoài cửa sổ, những sợi tuyết bám đặc kín vào mặt kính như tấm màn bông, vọng tiếng nhạc lễ hội vui tươi phát ra khe khẽ từ radio của người nuôi bệnh cạnh bên lén mang vào cho người thân nghe bớt nhớ nhà, thì như có phép lạ khiến ký ức tưởng đã ngủ quên đâu đó trong bà bỗng trỗi dậy, đánh thức mách bảo trái tim của người mẹ thương con, tấm lòng yêu cháu của người bà ngoại, bà nội như bà, phút chốc giác quan trở nên mẫn tiệp, năng lượng đầy đủ tiếp sức cho tỉnh táo đầu óc, thấp thỏm câu hỏi thăm ông mọi sự vật sự việc, đề cập công chuyện nhà, nhắc chừng ông đừng báo vội cái tin không hay, tuị nó lo, đằng nào… con cháu cũng sắp về rồi, chậm biết càng tốt.

Không biết ông trấn an bà hay là tự nhủ lấy mình hãy lo cho sức khoẻ trước đi… mọi việc khác không quan trọng nữa, gác hết qua bên. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, thấm thía quá!

Ừ! đúng là cận ngày lễ Giáng sinh, nhưng sao chẳng còn những háo hức đón chờ khi thấy tình trạng của bà bây giờ. Ông nghe như tiếng thở dài của ai đó kéo theo tiếng chặc lưỡi ảo não giữa cái không khí đầy mùi thuốc của nhà thương, buồn thêm… lại buồn!

Ông bước thấp bước cao ra khỏi cửa bệnh viện với đầu óc hỗn mang cùng cực, không tin vào chính tai mình sau khi nghe bác sĩ chuyên khoa thần kinh chẩn đoán và thông báo cái hung tin đến điên đảo đất trời, bà phải nằm lâu trong nhà thương để chờ ngày lên lịch mổ… chỉ lấy ra… một phần… cái bướu trong não. Ác thay! là một bướu… độc, đang phát triển rất nhanh.

Số mệnh tàn nhẫn vậy sao? Trong cùng cực bi quan, ông quên hẳn rằng tấm thân tứ đại con người vốn phải chiụ sự chi phối của vòng sinh bệnh lão tử, và mọi sự trên cõi gian này chỉ là ngắn ngủi, tạm thời, nhưng nhất thời cú sốc thình lình, không chịu nổi, cảm xúc dằn vặt đau đớn cứ thế mỗi lúc dâng từng hồi trong lòng ông với tiếng kêu tuyệt vọng. Bệnh của bà… bất trị!

Mai này… không có bà, đời ông còn gì là hạnh phúc nữa, biết sống sao đây? Trời ơi! đau quá, đau nát tim, xé lòng, hô hấp cứ như thắt lại, không hít thở nổi, tưởng như nỗi tê dại gậm nhấm trong từng mạch chảy làm đông cứng toàn thân ông, muốn té quỵ!

Sắc sẫm hoàng hôn kéo dần chụp úp cảnh vật mọi nẻo đường. Bóng ông đổ dài lê thê với bước chân nặng chịch in rõ trên nền tuyết trắng xóa rã rượi mênh mang. Gió u u vô tình thổi buốt đến đỉnh đầu không nón, tràn xuống cổ không quấn khăn, ghim vào ngón tay xương xẩu già nua như nhánh khô thời gian, vạn vật theo ông rùng cả mình. Lạnh điếng!

Bước vào nhà, căn phòng tối om như hôm bà té, lạnh lẽo không có chút sưởi nhiệt, sinh khí.
Tắt điện! ông run rẩy mò mẫm vào bếp tìm cây nến bằng ánh sáng lập loè chờn vờn như ma trơi của chiếc bật quẹt gas.
Mở chiếc ngăn kéo tủ bếp, mắt ông nhìn trừng trừng như chết sững khi tay lôi ra những cây nến nhỏ, chắc được bà trữ sẵn dùng để thắp bánh trong dịp sắp tới, chúng đồng bộ hầu như đã bị cắt ngắn chỉ còn non phân nửa thân, thành những cây nến tí hon thấp lè tè, kỳ dị! Có phải chủ nhân muốn kết thúc thật nhanh đến tận cùng thời gian cháy nến hay vì tiết kiệm muốn tăng số lượng nến lên gấp đôi? Hoàn toàn không phải vậy bạn ạ! nến rẻ rề cơ mà! Ông liên tưởng ngay đến lời của bác sĩ đọc hồ sơ bệnh lý của bà, cái bướu phát triển đè lên giây thần kinh thị giác.

Thì ra chính sự ảnh hưởng của cái bướu, hình ảnh mọi sự vật xung quanh bị thu hẹp hẳn lại khác thường trong tầm nhìn của bà, không gian chỉ còn lờ mờ thấp nhỏ trong khung tranh tối tranh sáng, nửa chừng nửa vời. Bà không biết nan bệnh đã phát, tưởng cơ thể mình bị nóng, hỏa xông, hoa mắt, nhất thời không tỏ, cũng không nói ra sợ chồng con bận tâm, tự nghĩ cách đơn giản là cắt ngắn bớt thân nến đi là có thể thấy trọn vẹn ánh sáng thắp lên từ ngọn của nửa cây nến. Trời ơi! tội nghiệp làm sao!

Ôi! Những ngọn nến… “đen”… sẽ chẳng có cơ hội được thắp lên nữa. Quỹ thời gian của chủ nhân chúng đã dần cạn kiệt đến nơi.
Ông ngồi bệt dí xuống đất, chiếc bật lửa theo cơn gió chạm tắt ngúm trong đôi bàn tay run như cầy sấy.
Nước mắt tưởng rất hiếm trên gương mặt của đàn ông, nếu có thì cũng phải gan góc ghìm chặt vào lòng, ông vẫn từng tự hào thế, bây giờ thì sao? chẳng có gì có thể kìm hãm nó được, cũng chẳng còn gì mà giữ kẽ với ai nữa.

Ông mặc cho nước mắt, nước mũi, tự do thả tuôn như suối cuồng bão nổi đẫm ướt trên những cây nến …đen… cụt đầu. Ông ôm mặt nấc lên từng hồi rưng rức, tức tưởi như đứa trẻ ngoan bỗng nhiên vô cớ bị người tước mất trên tay vật yêu quý nhất đời mình. Thế là hết… mất… hết cả rồi!

Vô thường!

Hồng Thúy