"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Thạch Thảo

J’ai  cueilli  ce  brin  de  bruyère

L’automne  est  morte  souviens- t’en 

( L’Adieu-  Guillaume  Apollinaire )

 

Chiều xuống chầm chậm.  Hàng thông vi vu trên đồi cỏ xanh thẫm màu, vài cụm mây trắng bàng bạc trên bầu trời cao.

Người đàn ông thả từng bước chân , nhìn xuống làn nước bình yên, u tịch xa xa.  Có phải tình yêu xưa của tôi đã chìm theo mặt hồ tĩnh lặng ?  Tôi chợt lắc đầu, có chút tê tái trong tim khi làn gió lạnh thoảng qua nhè nhẹ.  Một trái thông khô rơi lông lốc trước mặt, tôi vô hồn nhặt lên.  Ôi !  Kỷ niệm xưa lại về...

    oOo

Thành phố dường như tất bật, nhộn nhịp hẳn lên so với những ngày trước.  Đâu đâu, người ta cũng xì xào bàn tán về chuyện di tản.   Những chuyến xe đò lúc nào cũng đầy nhóc khách và hành lý một cách không bình thường.  Chẳng còn gì bình yên ở nơi mà người ta hay tìm đến để trốn tránh những ồn ào, nhiễu nhương của cuộc đời.  Chiến tranh !  Chiến tranh là gì vậy nhỉ ?  Có một chủ nghĩa nào là tốt đẹp để giết nhau chăng ?  Tôi không hiểu nổi!

Sân trường Đại học hôm nay đượm vẻ buồn theo thời cuộc với những sinh viên lác đác đến trường. Khoa Chính Trị Kinh Doanh hầu như cũng chẳng có mấy người, ai nấy đều lóng ngóng nghe tin tức chiến sự.  Chúng tôi cùng nhau ở lại trường đến ba giờ chiều thì chia tay về trong bùi ngùi, không biết ngày mai còn gặp lại hay không với tình hình nầy ! 

Riêng tôi cùng Thạch Thảo- cô bạn gái và vài người bạn thân rủ nhau ra cà-phê Hạnh Tâm, gần bùng binh, dưới khu Hòa Bình.  Chúng tôi uống cà phê, nói chuyện quanh quẩn một lát rồi lại chia tay.  Tôi thì chở Thảo cùng về trên chiếc Dame da trời của tôi.   Thạch Thảo là bạn gái của tôi và học sau tôi một năm, hàng ngày chúng tôi vẫn hay đi về cùng nhau những hôm có chung giờ học.

-          Anh à, hôm nay không khí trên trường buồn quá nhỉ !

-          Ừ , tình hình nầy chưa biết ra sao !

Những con đường dốc, nhà cửa thấp cao vẫn còn đó, nhưng những đóa hồng nhung dường như không còn thắm tươi như ngày nào.  Thành phố hôm nay buồn chi lạ !  Mọi người đều có vẻ vội vã, dù chẳng biết vội vã để làm gì.

-          Anh, mình lên đồi đi anh .   -  Thạch Thảo bỗng lên tiếng .

Giữa giờ phút mơ hồ của cuộc sống nầy, con người vẫn còn chút lãng mạn- để quên mọi thứ trong chốc lát chăng ?

Tôi và Thảo cùng dạo lên ngọn đồi quen thuộc trong bóng chiều tà.  Ngọn đồi trải dài cỏ xanh với những cây thông đây đó là nơi chốn bình yên của tình yêu chúng tôi.

-          Anh à !  Ngày mai rồi sẽ ra sao ?   -  Thạch Thảo nép mình trong vòng tay tôi thủ thỉ .

Câu hỏi- Thạch Thảo hỏi tôi mà có lẽ cũng giành cho mọi người, và chắc cũng chẳng ai có câu trả lời !  Ngày mai- gần gũi và xa xôi – bên bờ yêu thương hay bên kia nỗi chết…

Một con chim chiều lạc bầy kêu quang quác trong bầu trời dần mờ tối.

oOo

Tôi mân mê trái thông trong nắm tay, từng “cánh khô xòe ra như lời tình yêu nở rộ” - lời của Thạch Thảo năm nào văng vẳng đâu đây, trong tiềm thức cuộc tình xa xôi miên viễn…

Tôi bước chân xuống đồi, định đi vòng quanh hồ về khách sạn.  Cả vùng đồi cỏ đã vắng lặng, chỉ còn tiếng thông vi vu trong gió.  Bỗng tôi giật mình vì dường như có một người – một cô gái – đang ngồi trên triền đồi, lưng quay về phía tôi. 

Ai mà giờ nầy còn ở đây nhỉ ?  Tôi tưởng chỉ có một người đàn ông gàn gàn như tôi giờ nầy mới ra đây chứ !  Cô gái, với mái tóc nửa lưng và chiếc áo len tím, có vẻ như đang làm gì đó.  Tôi bước đi nhè nhẹ, không muốn làm cô giật mình.  Tôi đã tính tránh qua và đi luôn xuống bên dưới, nhưng khi đến gần cô, tôi thật không khỏi tò mò đứng lại nhìn cô từ phía sau :  Cô gái đang sắp những quả thông khô- theo tôi nghĩ- thành một khuôn mặt người.  Cô nhìn đăm đăm vào “khuôn mặt thông” đó rồi bỗng nhiên lấy tay gạt mạnh, những trái thông khô văng tung tóe khắp nơi.  Tôi “ ồ “ lên một tiếng nho nhỏ.  Cô gái bỗng quay phắt lại.  Ánh mắt như long lên, giọng cô run run:

-          Ơ… !  Tại sao ông rình tôi ?

Tôi nhìn cô gái : trẻ, khá đẹp, chỉ khoảng đôi mươi, vẻ mặt chẳng có gì ngang ngược như câu hỏi vô lý của cô.

-          Ồ, tôi chỉ vô tình đi từ trên xuống thôi !  -  Vừa nói tôi vừa ra dấu.

-          Tại sao ông lại ở trên đó xuống vào giờ nầy ?

Thật là tôi muốn phì cười vì câu hỏi ngớ ngẩn của cô gái.  “ Tại sao cô lại ở đây giờ nầy ? “, tôi phải hỏi cô như vậy mới đúng chứ !  Nhưng câu trả lời của tôi lại nhẹ nhàng khi nhìn những sợi tóc bay lòa xòa qua khuôn mặt xinh xắn của cô gái kỳ lạ.  

-          Tại vì tôi thích đồi thông vào giờ nầy…  Tôi nghĩ cô cũng vậy phải không ?   -  Một câu nói xoa dịu tình hình của một gã đàn ông đứng tuổi giành cho người con gái trẻ trung.

-          Ông…ông chỉ đoán mò thôi…    -  Cô gái trẻ đã dịu giọng hẳn xuống.

-          Nhưng…đúng phải không ?

-          Đúng ?  Chỉ đúng với ông thôi !  Còn với tôi, có thể … trong lúc nầy nhưng lúc khác thì không.   Ông thấy không, gió ở đây vẫn hay đổi chiều đó !

Tôi ngạc nhiên với lối nói là lạ của cô gái. 

-          Tôi thì bao nhiêu năm rồi tôi cũng vẫn giữ ý thích nầy.  Nhưng lâu lắm, hai chục năm rồi tôi mới có dịp bước chân lên ngọn đồi nầy.

-          Ô…ông muốn tìm lại một chút ngày xưa phải không ?

-          Cô thật hay !  Đúng là như vậy.  Ngày xưa có thời gian tôi ở đây, nhưng tôi đã rời xa lâu lắm rồi, mãi đến giờ…Tôi muốn…

-          …hoài niệm.   -  Cô gái tiếp câu nói của tôi .   -  Chắc là ông có một mối tình ở đây và bây giờ ông chợt nhớ lại …

-          Không phải là chợt nhớ, mà luôn luôn nhớ…dù đã lâu lắm.  Lần nầy có thì giờ nên tôi sẽ thường ra đây…   - Có chút nghèn nghẹn như tôi đang tâm sự với một người bạn thân về nỗi niềm sâu lắng riêng tư.

-          Ông chắc cũng chẳng phải người chung tình, đàn ông là thế cả mà !  Nếu không thì ông đã không bỏ người ta mà đi .  Tôi nói đúng không nào ?  Người ta, nhất là các ông, vẫn thường vất bỏ những gì mình đang có vì nghĩ rằng nó đã trở nên cũ rích, dư thừa… Để rồi sau đó quay lại khóc thương, tiếc nuối vì cái mới cũng đã thành cũ và chẳng có gì tốt đẹp hơn, còn tệ hơn nhiều là khác !

Tôi lại ngạc nhiên vì vẻ sành sỏi lẫn mỉa mai của cô gái trẻ và toan đáp lại.  Nhưng vẻ mặt của cô bỗng như đăm chiêu, xa vắng, cô như đang nhìn vào cõi mông lung nào đó.

Tiếng chuông chiều từ đâu vọng lại văng vẳng, trời đã sẫm tối.

-          Tối rồi, tôi nghĩ mình nên về !  Cô ở đâu, tôi có thể đưa cô về .

Cô gái làm như giật nẩy mình, tỉnh mộng :

-          Không, không ! Tôi phải về ! Nhưng tôi cũng chưa tin ông đâu.  Nếu thật ông không rình tôi thì giờ ông phải nhìn lên trên kia trong năm phút, chờ tôi đi khỏi đây đã.

Nữa ! Cô nầy thật vô lý hết sức !  Nhưng cuộc đời, có nhiều khi có những điều thật vô lý nhưng ta phải chấp nhận, dù sao tôi cũng trải qua nhiều trường hợp như vậy rồi.  Có lẽ cô có điều gì đó…

-          Được thôi, cô cứ đi đi !

Tôi quay mặt đi lên đồi rồi vòng xuống.  Trong vòng vài phút, cô gái đã biến mất, cũng kỳ lạ như lúc cô xuất hiện trước mặt tôi. 

Buổi sáng, tôi lại thả bộ vòng qua đường Hai Bà Trưng, ngang nhà Thạch Thảo trước kia.  Tôi đã nhiều lần hỏi thăm nhưng ngôi nhà đã đổi chủ từ lâu, ngay cả những nhà kế cận cũng vậy.  Đà Lạt thay đổi tận gốc rễ như vậy sao !  Tôi cũng cố gắng tìm một vài người bạn cũ nhưng cũng không thể nào !  Cả một thế hệ cũ dường như tan biến vào sự vô thường của cuộc đời, dù đời vẫn êm ả như mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng ban sớm. 

Tôi dự định sẽ ở đây vài tuần và hàng ngày lên đồi đi dạo, nghỉ ngơi cho tâm hồn thư thả sau thời gian dài làm việc mệt nhọc.  Nhưng rồi mọi sự vẫn không như mình mong muốn, chỉ hôm sau là trong gia tộc lại có việc nên tôi phải về.

Tuần lễ tôi ở Sài Gòn hóa ra lại được việc, cả cho gia đình lẫn cho tôi.  Tình cờ gặp lại một người quen cũ, qua đó tôi tìm được Can, một người bạn thân cùng học ở Viện Đại Học Đà Lạt lúc xưa.  Chàng sinh viên ba hoa ngày nào bây giờ là một anh ba-gác máy, sớm hôm lam lũ nuôi bầy con nhỏ.  Gặp lại nhau chúng tôi thật là mừng, bao nhiêu kỷ niệm thời sinh viên được chúng tôi ôn lại bên ly bia vàng sóng sánh trong góc phố chiều. Lúc đầu, Can còn có vẻ e dè, có lẽ vì xa cách lâu ngày và cuộc sống làm Can mặc cảm.  Nhưng được mấy chai thì hắn trở lại là thằng Can ngày cũ :

-          Mầy tên Hậu nhưng đúng là …đản Hậu mà !

-          Gì nữa đây ?

-          Mầy còn nhớ con Thạch Thảo không ? 

Tôi giật nẩy người !  Từ nãy giờ, tôi đã muốn nhưng chưa kịp hỏi nó.

-          Lúc 75 đó , mấy tháng sau thì con Thảo xuống dưới nầy tìm mầy.  Nó bới khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, tới chừng nghe mầy đi rồi nó chết điếng.  Mầy thiệt đản hậu, đi rồi còn bỏ lại cái bầu cho nó !

-          Hả …?  Cái…gì ?   - Tôi thiệt đớ lưỡi với cái tin sét đánh của thằng Can.

-          Trời ơi !  Thiệt hả Can, rồi sao, Thảo bây giờ ở đâu ?

-          Sau đó…sau đó…Con Thảo lấy chồng .  –  Im lặng.  Can ngưng nói như để chọc tức tôi.  Rồi hắn tiếp :

-          Mà mầy biết chồng nó là ai không ?

-          Ai ?  -  Tôi thật không nén nổi .

-          Mầy nhớ thằng Quách “rùa “ chứ ?  Cái thằng rùa trong nhóm mình, đi rụt rụt cái đầu đó.  Nó đấy !

Tôi thở dài.  Đời phải chăng là tiếng thở dài !?

-           Mầy nghĩ coi ?  Ba nó chết, nó thì bầu bì !  Thằng Quách lúc đó mầy cũng biết mà, nó để ý con Thảo lâu rồi.  Nó biết hết, nhưng vẫn bằng lòng lấy con Thảo.  Con Thảo thì đâu còn lựa chọn nào nữa !  

-          Rồi sao ?  Bây giờ vợ chồng Thảo ở đâu ?

-          Ô, cái đó…tao cũng chịu thua !  Lâu quá rồi !  Khoảng một năm sau, Mẹ nó bán nhà rồi kéo rốc nhau về đây sống.  Nhưng sau thì làm ăn thất bại gì đó, rồi bặt tin luôn.  Giờ tao cũng không biết tụi nó ở đâu !

-          Còn đứa bé, là trai hay gái ?

-          Con gái.  Tao có thấy, dễ thương lắm !  Đúng là có nét của mầy .

Mọi con đường dẫn tới Thạch Thảo đều tắt ngúm với câu kết thúc của thằng Can.  Trong mấy ngày ở Sài Gòn , tôi lại ra sức tìm tin tức Thảo nhưng chẳng được gì.  Thất vọng !  Tôi quay lên Đà Lạt khi chỉ còn vài ngày cuối ở Việt Nam.

Hôm nay, ngày cuối cùng tôi còn ở thành phố sương mù để nhớ về một quãng thời gian nên thơ nhất trong đời- cho đến bây giờ.

Người bạn đường trung thành của tôi theo ánh chiều trải dài lên sườn đồi cỏ.  Tôi hầu như đi lại con đường mà tôi và Thạch Thảo thường đi ngày xưa.  Đâu đây như vẫn còn vang tiếng cười trong trẻo của nàng mỗi khi nghe tôi kể một chuyện cười ý nhị.  Tôi đã lên đến khóm thông giữa đồi.  Những cây thông có vẻ to lớn hơn xưa, hai mươi năm rồi còn gì !  Tôi ngồi xuống giữa một cụm thông dày, lòng thẫn thờ nhìn mặt hồ nhung loang loáng ánh chiều tà bên dưới.  Vài khóm Thạch Thảo tím vẫn còn đây đó như nhắc nhở lại chuyện tình chúng tôi năm nào.  Từng làn sương mỏng quyện lên như đưa tôi chìm vào ngày xưa huyền hoặc…

oOo

-          Ngày mai ?  -  Tôi lắc đầu, nhìn vào mắt Thảo. 

-          Anh chỉ biết giờ nầy mình còn bên nhau là vui rồi !

-          Anh, anh sẽ yêu em mãi phải không ?  Dù ngày mai có gì đi nữa…phải không anh ?

Tôi lùa bàn tay vào mái tóc rẽ ngôi bên trái của nàng.

-          Anh mãi yêu em ! 

Từng tiếng tình yêu nhỏ giọt vào đôi mắt nàng.  Có tiếng thổn thức giòn như tiếng lòng ngã đổ.  Hai bàn tay Thảo bỗng trở nên ấm áp lạ lùng “ Anh, em không muốn xa anh !  Đời sẽ không là gì nếu không có anh “.  Thảo vùi đầu vào tôi.  Hương con gái ngất ngây chiều gió lộng.  “ Em muốn là vợ anh hôm nay, anh mãi là chồng yêu của em nha anh ! “.  Màn sương khói từ xa của núi đồi hay của một chiều chinh chiến lãng đãng ru hai chúng tôi vào cơn bềnh bồng mê hoặc…  Trời cũng dần sẫm tối như cảm thông cho đôi uyên ương trẻ trong thời ly loạn… 

Nhà Thảo ở gần cuối đường Hai Bà Trưng, đoạn trên dốc.  Căn nhà tường trắng với hàng rào tường vy hôm nay có vẻ buồn sao ấy dưới ánh đèn vàng.   Thảo vừa mở cổng thì đã nghe tiếng Mẹ :

-          Chị con về rồi kìa !

Tôi tính chào Mẹ của Thảo rồi đi về nhưng Hồng Nhung, cô em gái mười lăm tuổi của Thảo đã òa lên khóc :

-          Chị ơi, Ba bị thương rồi !

-          Trời ơi !  Ba sao vậy Má ?

-          Mới lúc nãy, có người trong đơn vị ghé đây nói Ba bị thương, đã được đưa về hậu cứ.  Giờ Má phải vô đó xem sao, hai chị em ở nhà nghe.  – Mẹ của Thạch Thảo nói với khuôn mặt lo âu.

Tôi cũng thật bất ngờ với tin buồn của gia đình Thảo.  Một cảm giác tội lỗi dâng lên trong lòng.  Trong khi gia đình có chuyện thì chúng tôi chỉ biết tận hưởng lạc thú tình yêu bên nhau.

-          Bác đi bằng gì vậy ?  Hay là để cháu chở Bác đi .

-          Có phiền cháu không ?  Thật Bác cũng chưa biết đi bằng gì, giờ nầy kiếm xe sợ cũng khó.  Đây vô đó chắc cũng phải nửa tiếng, có trễ cho cháu quá không ?

-          Không sao ! Cháu đi được !

Tôi và Thạch Thảo từ giã nhau bằng ánh mắt yêu thương nồng nàn, cảm thông và chia xẻ.  Cả hai chúng tôi đều không ngờ rằng đó là lần cuối chúng tôi nhìn nhau .

Tôi chở Mẹ Thảo vào đến Quân Y Viện rồi chờ một lát thì Mẹ Thảo trở ra bảo tôi đi về, lát nữa sẽ có người chở bà về lấy thêm đồ rồi trở vô. 

Trên đường về, một vài tiếng đại bác từ xa vọng lại làm tôi lo âu thêm.  Những chiếc xe hàng thay vì chở rau cải thì lại đang chất ti vi, tủ lạnh, vật dụng gia đình bên đường.  Một không khí căng thẳng, tuy không ồn ào nhưng dường như đang bao trùm thành phố. 

Vừa đẩy xe vào sân thì Má tôi làm liền một mạch :

-          Tao trông quá trời !  Đi đâu mà dữ quá !  Thôi lo ăn uống rồi chuẩn bị con ơi .

-          Chuẩn bị gì vậy Má ?  - Tôi mở to mắt nhìn Má tôi.

-          Ông Tư ( bạn chạy xe hàng với Ba tôi ) về trước, ba mầy nhắn ở nhà chuẩn bị ổng về tới là lo dọn đồ đạc đi xuống Sài Gòn liền.

-          Vậy sao Má !

Tôi không ngờ tình hình biến đổi nhanh như vậy.  Tôi nhìn trong nhà, từng túm đồ đã được Má và các em tôi cột sẵn.  Lòng tôi cũng thật hoang mang.  Chúng tôi phải ra đi sao ?  Phải xa lìa thành phố và ngôi nhà thân thương này sao ?  Rồi tôi lại nghĩ đến Thạch Thảo cùng gia đình nàng.  Ôi !  Sao buồn quá vậy !  Tôi biết làm gì bây giờ ?

Tôi vừa ăn cơm xong thì Ba tôi chạy xe về tới.  Ông vừa bước vào nhà vừa nói :

-           Phải lo đi liền, chứ trễ là không kịp nữa đâu.  Đường xuống Sài Gòn có thể bị cắt bất cứ lúc nào.  Căng lắm rồi !

Rồi ông hối thúc chúng tôi mang đồ đạc lên xe.  Tôi thật trở tay không kịp vì tôi còn khối thứ muốn đem mà chưa chọn lọc lại được.  Rồi lại nghĩ đến Thạch Thảo, chẳng lẽ tôi đi mà không nói với nàng tiếng nào !  Tôi thật bức rức không yên, chỉ muốn xách xe chạy qua gặp nàng, nhưng thấy Ba tôi vậy thật tôi cũng không biết làm sao !  Lúc Ba tôi vô ăn cơm, tôi làm liều, đẩy xe Honda ra, nhưng Ba tôi đã nhìn thấy :

-          Không được đi đâu nữa hết !  Lên đường ngay đó ! 

Trời ơi !  Biết làm sao đây trời !  Ba tôi vừa bỏ chén xuống thì xe ông Tư đã đậu ngay trước nhà :

-           Xong chưa anh, mình đi luôn cho rồi !  Tôi thấy người ta đi rần rần rồi đó.

Vậy là theo lệnh của Ba, cả nhà tôi lên xe rời Đà Lạt giữa đêm khuya để đi cặp cùng với chiếc xe của gia đình ông Tư.  Lòng tôi như đã chết khi xe lăn bánh, bỏ lại những gì yêu dấu nhất- cả người yêu- người vợ mà mới chiều nay tôi đã cùng thệ ước !

Đèn vàng vẫn mờ ảo trong làn sương nhẹ.  Ôi Đà Lạt dấu yêu, tôi gục đầu thổn thức “Thảo ơi ! “. 

 Về được Sài Gòn, chỉ vài tuần sau thì lại thêm biến cố nữa.  Lần nầy, chúng tôi còn đi xa hơn nhiều và bỏ lại hầu như tất cả :  cả gia đình theo chú tôi lên một chiến hạm ở bến Bạch Đằng để ra khơi, từ bỏ quê nhà mãi mãi, dù trong lòng mỗi người ra đi là một cõi chết mênh mông bao trùm.  Dù sao, chúng tôi cũng lấy sự ra đi làm may mắn vì biết rằng còn vô khối người muốn đi mà không được trong ngày cuối cùng của Miền Nam.  Cái ngày mà có người đã nói- “ngày của nhiều người vui nhưng cũng của vô số người buồn “.

Trái tim tôi lúc nào cũng thương nhớ Thạch Thảo bên cuộc đời lang bạt nơi xứ người.  Mặt trời hàng ngày vẫn lên và tôi vẫn phải sống.  Một cuộc sống tha hương không hề dễ dàng cho những con người thể xác một nơi, tâm hồn một nẻo.  Từng mùa đông giá lạnh, tôi vẫn âm thầm thương nhớ người xưa.  Bao nhiều thư từ tôi gởi đi đều không tin tức.  Ngày lại qua ngày …

oOo

Tôi nhìn về lưng chừng đồi, nơi hôm trước đã gặp cô gái trẻ.  Hình như có gì đang ở đó, tôi tiến lại gần. Đúng rồi !  Một người đang ngồi vẽ say mê trước khung vải :  không ai khác hơn là cô gái hôm trước !

Tôi bỗng thấy lòng bồi hồi, cảm xúc khó tả đối với người con gái một lần gặp mặt.  Cô gái đã dừng tay cọ, ngắm nghía tác phẩm của mình rồi đột nhiên quay lại :

-          Cũng là ông ! Lại rình tôi nữa !   - Giọng cô không có vẻ gì chanh chua như hôm trước.

-          Tôi nghĩ là cô vẽ đẹp lắm !   - Tôi trả lời cũng bằng một câu êm dịu.

-          Không đẹp lắm đâu !  Nhưng tôi có thể làm điều tôi thích.  Đó mới là điều quan trọng phải không ?

-          Cô hay ra đây vẽ lắm à ?

-          Từ một tuần nay, ngày nào tôi cũng ra đây .

-          Vậy là trước đó, cô cũng ít ra…?

-          Ông nói là sẽ thường ra đây mà…sao tôi không thấy ông?  - Cô gái không trả lời mà hỏi ngược lại tôi.  Câu nói của cô lại như một hàm ý mong gặp lại tôi vậy. 

-          Tôi cũng rất muốn ra đây…Đà Lạt quả luôn có nhiều điều đáng yêu, kể cả những tình cờ.  Nhưng vì tôi bận việc phải về Sài Gòn, nhưng cô thấy đấy, vừa xong là tôi lên đây liền. Nhưng tôi cũng chỉ còn hôm nay là ngày cuối, ngày mai tôi sẽ phải đi rồi !

-          Vậy sao ?  Tôi thấy ông không có vẻ là người ở đó mà !

-          Tại sao cô nghĩ vậy ?  - Tôi khá ngạc nhiên với nhận xét chính xác của cô gái.

-          Có gì đâu.  Nhìn nước da ông thì biết, với lại người Sài Gòn cũng không ăn nói như ông, họ chỉ muốn làm tới thôi .

Tôi hiểu những gì cô gái nói.  Đúng và bình thường ! Đàn ông - phụ nữ, sự thu hút của những thỏi nam châm khác cực.  Thật ra, đứng trước cô gái nầy, tôi luôn có sự thích thú kèm chút xao xuyến.  Thích thú vì cô luôn có vẻ vừa lạ lùng, vừa thông minh.  Còn xao xuyến thì phải nói là tôi thật cũng không rõ lắm vì sao!

-          Nếu được, cô có thể cho xem bức tranh cô vẽ không ?  - Tôi nhìn bức tranh đã được phủ kín của cô gái.

-          Tranh à …? … Ông uống cà phê chứ ?  Tôi mời ông đó !  - Lại một câu ẩn ý của cô gái trẻ.

-          Cám ơn cô, tôi cũng đang thèm cà phê đây.

Cô gái thu dọn giá vẽ và khi tôi đưa tay ra thì cô cũng không ngại ngần trao cho tôi xách giùm.  Tôi theo cô gái đi xuống đồi, vừa đi vừa nói chuyện.

-          Tại sao ông lại muốn xem tranh tôi vẽ ?

-          Tôi thích xem tranh, tuy là không rành gì mấy về hội họa.  Nhất là trong dịp như thế này…

-          Ông xem theo cảm xúc tự nhiên phải không ?

-          Đúng vậy !  Cô không cười tôi chứ ?

-          Những gì tự nhiên bao giờ cũng đáng quý mà !  

 Hôm nay cô gái nói chuyện thật đáng yêu !  Ngày cuối của mình ở đây cũng không đến nỗi tệ .

-          Tôi tên là Hậu, còn cô tên…?

-          Thanh Thảo .

-          Thanh Thảo !   Tên hay... và có vẻ quen thuộc lắm…!

-          Tôi hiện hiện khắp trên đồi mà, ngày nào ông chắng gặp !  - Cô gái cười ý nhị.

-          Cô nói cũng đúng, nhưng còn hơn vậy nữa…

Thanh Thảo nhìn sang tôi, ánh mắt như ngầm tìm xem còn điều gì hơn vậy nữa, nhưng tôi không nói gì thêm.  Thật ra, cái tên nầy lại gợi nhớ đến Thạch Thảo của tôi ngày xưa .  Chúng tôi đã xuống tới con đường quanh hồ, ánh đèn vàng lung linh trong làn nước thẫm mượt mà.  Thỉnh thoảng vài chiếc xe tới lui trên con đường vắng.  Tôi lên tiếng :

-          Đường vắng vậy, cô không ngại khi đi một mình à ?

-          Đà Lạt mà !  Có gì phải ngại chứ !   -  Cô nói với một vẻ hãnh diện của một người Đà Lạt, làm tôi nhớ lại những người Đà Lạt xưa. 

Đúng vậy !  Cuộc sống Đà Lạt xưa rất hiền hòa, làm như nơi đây con người không có gì phải lo toan đua đòi, hơn thua nhau.  Thật ra, con người những nơi khác ở miền Nam trước kia cũng vậy thôi.  Nhưng cuộc sống đổi thay đã làm con người thay đổi nhiều, sự hiền hòa ngay thẳng đã ra đi để thay vào đó là lối sống khác để có thể thích hợp, sinh tồn.  Nhưng dường như Đà Lạt vẫn còn giữ được nét yêu kiều ngày xưa: tôi thấy những chiếc xe máy nơi đây vẫn không hề được khóa lại .

-          Mình uống cà phê ở đâu đây ?

-          Sắp tới rồi !   -  Cô mỉm cười, rồi tiếp :  - Ông cứ theo tôi, đừng ngạc nhiên nhé !

Tôi nhìn lại cô, khẽ nhún vai như chấp nhận, cô đã cho tôi nhiều ngạc nhiên rồi mà .

Đến trước một ngôi nhà bên đường, cô rẽ vào.  Tôi bước vào theo, tiếng nhạc nhè nhẹ đâu đây.  Những chiếc bàn nhỏ ngoài trời dưới những giàn dây leo bên trên, vài người khách ngồi rải rác.  Thạch Thảo như có vẻ thành thạo nơi này lắm.  Cô đưa tôi vào một chiếc bàn rồi hỏi “ Ông uống gì, cà phê đen? “  .  Thanh Thảo hỏi và tôi mỉm cười gật đầu với câu tự trả lời của cô.  Cô gái nầy thật cũng hay hay, tự nhiên và gần gũi, thật là khác xa với lần gặp đầu.  Cô quay đi và một phút sau quay lại với hai ly cà phê phin trên tay.  Tôi không khỏi ngạc nhiên :

-          Là quán nhà cô à ?  Quán đẹp lắm !  Thảo nào…  Tôi nhớ lại hôm trước cô biến mất một cách nhanh chóng.

-          Phải !  Nhưng ông uống cà phê đã rồi hãy khen, tôi pha đấy !

-          Ô, cà phê ngon tuyệt !   - Tôi nhấp một ngụm cà phê, thật ngon gấp bội với cô gái xinh trước mặt .

-          Thật chứ ?   - Thanh Thảo cười tự nhiên.

-          Thanh Thảo, tôi vẫn muốn xem tranh cô vẽ đó nhé !

Thanh Thảo trầm ngâm một chút rồi trả lời :

-          Cũng được !  Không hiểu sao tôi lại ưu tiên cho ông vậy nhỉ !  Vì tranh nầy, đúng ra tôi chỉ vẽ cho riêng tôi, với người khác chẳng có gì đặc sắc đâu.  Ông đừng cười nhé !

Cô gái dựng giá vẽ trước mặt tôi rồi từ từ giở tấm voan che bức tranh.  Hình dáng một đôi thanh niên nam, nữ ngồi bên nhau dần xuất hiện trên đồi cỏ xanh.  Và khi Thanh Thảo dở hết tấm voan, tôi không khỏi sững sốt : người thanh niên với mái tóc dài bồng bềnh trong tranh chính là tôi- chàng sinh viên Nguyễn Đức Hậu của hai mươi năm về trước.  Người thiếu nữ không ai khác hơn là Thạch Thảo ngày ấy.

Tôi cố kềm nén cảm xúc nhưng vẻ mặt bần thần, run rẩy của tôi đã không dấu nổi cô gái trẻ .  Thanh Thảo có vẻ ngạc nhiên, cô gái lên tiếng như để giải tỏa thắc mắc cho tôi :

-          Tranh nầy tôi chỉ vẽ lại một tấm hình thôi .

-          Hình !  Phải rồi…Tấm hình đó ở đâu cô có vậy ?   -  Giọng tôi như lạc đi.

-          Là của mẹ tôi để lại với những lời dặn dò từ khi tôi còn bé.

-          Vậy mẹ cô đâu ?  Ở đây chứ ?   -  Tôi hấp tấp.

Thanh Thảo nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ :

-          Không lẽ ông biết mẹ tôi sao ?  Nhưng mẹ tôi không còn nữa !  Mẹ, Ba và hai em tôi đã ra đi mãi mãi… Ngày ấy, vì tôi quyến luyến Ngoại quá nên Mẹ để tôi ở lại với Ngoại…

Cặp mắt Thanh Thảo ươn ướt, giọng cô gái như cơn gió vi vu đưa tôi lạc vào cơn mộng du xa tắp.  Từng đợt sóng dâng cuốn tôi vào biển cả mù khơi .

Mắt tôi mờ đi.  Tôi mơ hồ nghe tiếng Thanh Thảo từ đâu xa lắm “ Ông sao vậy ?  Dạ Ngoại , để con làm.  Ông chờ tôi chút xíu nhé, tôi quay lại liền ! “.

Tôi không biết tôi đang sung sướng hay đau khổ !  Giọng ca Julie nhè nhẹ như từ cõi xa mù…

Ta ngắt đi.  Một cụm hoa Thạch Thảo.

Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi !

Em nhớ cho, em nhớ cho.  Đôi chúng ta ,sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa

Trên cõi đời này

Từ nay mãi mãi.  Từ nay mãi mãi không thấy nhau …

Ôi ngát hương thời gian mùi Thạch Thảo

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.  Vẫn chờ đợi em ! …

 

Nguyễn Đức Diêu