"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 


Mùa Đông Sẽ Còn Dài

Công việc làm lúc này thật bận rộn chị Bông luôn hối hả với thời gian và cảm thấy sức ép của công việc của cuộc sống đè nặng lên vai mình. Mang tiếng làm việc cho chính phủ là chắc ăn, nay thì đã bị “rung rinh”, ở California chính phủ đã “cắt” việc bằng cách giảm giờ làm của công nhân viên chức tại một số cơ quan, mỗi tuần chỉ bớt vài giờ cũng tiết kiệm được bộn tiền.
Kinh tế nước Mỹ vào năm 2010 vẫn đang tồi tệ, để cứu vãn, một ủy ban gồm hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đang tìm phương thức giải quyết thâm thủng ngân sách quốc gia. Người ta ra dự luật cắt bỏ bớt quyền lợi của người gìa khi về hưu, đồng thời kéo dài tuổi về hưu đến 69 tuổi.
Chị Bông ngao ngán, nếu dự luật này được thông qua thành luật thì con đường về hưu của chị càng ngày càng xa thêm.
Nước Mỹ đang nợ nần như chúa chổm, cứ một đồng đô la Mỹ chi tiêu trong đó đã là 37 cent tiền vay nợ rồi. Thảm sầu quá!!!
Cơ quan chị Bông chưa lay off ai cả, nhưng họ không mướn thêm người làm việc hợp đồng nữa, cũng bấy nhiêu công việc nhưng ít người đi nên những người còn lại phải làm nhiều hơn.
Đấy là việc cơ quan, việc nhà thì chẳng bao giờ dám “lay off” chị, lúc nào cũng bận rộn công việc và bù đầu vì ba đứa trẻ, mà anh Bông thì cứ thủng thỉnh cứ đủng đỉnh chẳng phụ giúp được vợ là bao.
Không biết bà mẹ sinh 8 năm nào báo chí đã đưa tin rầm rộ cộng với mấy đứa con có trước là hơn chục đứa, bà sẽ điều hành lũ con ra sao?
Chị Bông có 3 đứa mà đã cảm thấy mình là một trong những người mẹ bận rộn nhất thế giới.
Các con chị mỗi đứa một tính nết khác nhau, con Tabi lớn nhất lên 8 tuổi, chỉ nhìn đôi mắt to đen sâu thẳm và lấp lánh của nó cũng đủ tiêu biểu cho một phụ nữ lanh lợi và khó tính khó nết sau này (người ta bảo người khôn ở đôi mắt mà). Nó là một con bé kén chọn, thích uống nước táo, nhưng chị Bông lỡ mua chai nước táo khác hiệu là nó nhất định không uống cho đến khi chị xót xa thương con, sợ con bé vốn gầy gò sẽ không đủ chất dinh dưỡng, nên dù ngày thường bận túi bụi chị vẫn phóng xe ra chợ mua cho nó chai nước táo chính hiệu nó yêu thích thì Tabi mới chịu uống.
Từ ngày Tabi đi học, biết đọc sách truyện, nó thích đi học lắm, đến nỗi có hôm bị ho nó cố gắng nhịn ho trong lớp, chỉ sợ cô giáo biết và cho nghỉ về nhà thôi. Nó trở thành người có “ trình độ” và “trí thức” nhất nhà so với hai đứa em nó, nó chê Betsy không biết đọc sách, chê thằng em út Holden đang học nói, có mấy chữ mà cũng nói ngọng không ai hiểu gì. Có lần Tabi vừa đọc xong một cuốn sách, hớn hở và kiêu hãnh nói với mẹ:
- Mẹ ơi, bao giờ bố mẹ chết hết, con sẽ chăm sóc hai đứa em như người chị trong câu truyện này.
Chị Bông dẫy nẩy:
- Con nói thế chẳng khác nào mong bố mẹ chết sớm để con trở thành một người tốt trong truyện hay sao? Con phải cầu mong cho bố mẹ sống lâu, sống tới già với các con chứ.
- Nhưng con không thích người già, trông họ xấu xí lắm.
Chị Bông nhớ một hôm đi chợ Wal-Mart, lúc đứng xếp hàng chờ tính tiền, đứng trước là một bà già Mỹ, da mặt nhăn nheo, nó đã sợ hãi tránh ra xa.
Chị lại phải khuyên con:
- Con ơi, chẳng có người già nào xấu xí cả, trước kia họ cũng là baby, là đứa trẻ dễ thương, và lớn khôn hơn, họ từng có nghề nghiệp, có công việc làm ra đồng tiền, làm ra lợi ích cho xã hội. Con phải quý mến người già cả nhé, với lại rồi đây con cũng sẽ trở thành một người già như thế đấy.
Tabi gật đầu nhưng buồn bã:
- OK, con sẽ cố gắng. Nhưng con không muốn thành bà già đâu mẹ ơi.
Cô em Betsy lên 5 khắc khẩu với bà chị khó tính, hai chị em luôn có cơ hội để… cãi nhau và đánh nhau. Khi bị bà chị mắng mỏ vô lý:
- Chị cần im lặng để đọc sách, Betsy im đi!
Betsy biết khiêu khích cho Tabi nổi giận:
- Em không im, ai muốn đọc sách thì hãy đi chỗ khác mà ngồi.
Nếu bố mẹ không can thiệp thì cuộc cãi nhau cứ thế mà kéo dài và ầm nhà ầm cửa vì hình như cả hai đứa đều không biết mỏi miệng.
Nhưng Betsy cũng là một cô bé tình cảm, đi nha sĩ khám răng nó sợ hãi lắm, bù lại nó háo hức và sung sướng chờ đợi cô nhân viên của nha sĩ cho bánh cooki, hay cho đồ chơi để dụ trẻ em lần sau hăng hái đến thăm nha sĩ nữa như những cái nhẫn bằng nhựa màu hồng, màu đỏ hay màu tím (mà màu nào nó cũng thấy đẹp) đeo vừa ngón tay bé nhỏ của nó để làm điệu. Lần nào nhận quà xong nó cũng tha thiết xin thêm:
- Cho cháu thêm nhẫn, thêm bánh đi, cháu còn một người chị và một thằng em ở nhà.
Chị Bông cảm động vô vàn, chị em trong nhà biết thương nhau chắc sau này sẽ gắn bó với nhau.
Vậy mà cô chị Tabi chẳng hề nghĩ đến em gái như thế, ở trường về có mấy viên kẹo chocolate, Tabi ngồi mở kẹo thong thả ăn cái đầu tiên với vẻ thích thú, trong khi Betsy lân la đến gần, ngồi đối diện chị, miệng thì há hốc ra chờ đợi, nó thèm miếng kẹo đến chừng nào nhưng nó không dám lên tiếng xin chị, vì biết tính bà chị đanh đá, cho đến khi Tabi lần lượt bóc đến viên kẹo cuối cùng bỏ vào miệng thì Betsy thất vọng khóc vỡ òa lên, nức nở như vừa bị ai đánh một phát đau điếng.
Chẳng những Tabi ích kỷ còn hay ăn hiếp Betsy, dành phần trước em. Thí dụ như mỗi ngày mỗi đứa được bố rửa mặt vào buổi sáng hay uống 1 viên vitamin vào buổi chiều theo thứ tự ưu tiên bé trước lớn sau. Thằng Holden trước nhất rồi đến lượt Betsy, nhưng đã nhiều lần Tabi xông lên chỗ của Betsy, nó chìa mặt ra đợi bố rửa hay há to miệng đợi bố cho viên thuốc vào, đều bị bố làm ngơ, vẫn theo đúng nguyên tắc bé trước lớn sau. Thế mà Tabi vẫn không chừa, không nản lòng, vẫn chen lấn dành phần với Betsy mỗi ngày.
Betsy cũng là một con bé biết đòi hỏi, yêu sách không thua gì chị nó. Nó thích ăn hamburger Mc Donalds, nhưng nếu tiện đường ghé vào Jack in the box thì sẽ bị Betsy phản đối và khóc, nên bố mẹ chẳng đành lòng, phải ráng đi tìm cho bằng được Mc Donalds dù xa thêm, dù đang bận rộn cần về nhà.
Còn thằng Holden mới hơn 3 tuổi cũng ra dáng cánh “đàn ông”, hiên ngang và tự lập, nó không cho mẹ đút cơm, muốn tự mình làm lấy dù rơi vãi tùm lum, nếu chị Bông cố cưỡng ép, dùng “vũ lực” đút cho nó được một miếng thì Holden cũng chẳng chịu thua mẹ, nó thò tay lấy miếng ăn ấy ra ngoài và đút lại vào miệng như minh chứng với mẹ là con thừa sức làm điều này.
Mỗi khi cả nhà đi chợ hay ra công viên chơi, Holden không cho bế, không chịu để dắt tay như những đứa trẻ con khác, mà thích một mình chạy nhảy tung tăng, nên đã mấy lần ngã sưng đầu trong siêu thị, và chơi cầu tụt bị ngã lăn quay khi vừa tụt xuống đất vì không biết cách “hạ cánh” an toàn. Được cái là nó lì không khóc, vẫn hớn hở ngồi dậy tiếp tục cuộc chơi, lại thoăn thoắt leo lên những bậc thang và tụt xuống vội vã như sợ ai dành hết quyền lợi vui chơi của mình.
Holden thích trò chơi xếp puzzel, nó thường kéo tay Betsy người hay chiều chuộng nâng niu nó, đến ngồi bên cạnh, không biết vì muốn bà chị ngồi bên để “khoe tài”, để vỗ tay khen mỗi khi Holden ghép được mảnh thích hợp, hay cho bớt “cô đơn” trong khi Holden đang loay hoay trò chơi? nó biết xếp hình quả táo 8 mảnh đâu ra đấy, và mỗi lần hoàn tất Holden không quên lấy tay đập đập xuống cho những mảnh được liền khớp hơn, bằng phẳng hơn, bắt chước y hệt hai bà chị nó. Trẻ con tự học hỏi và thông minh đến không ngờ, ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất, tầm thường nhất chúng cũng để ý.
Thằng bé bụ bẫm nhất, khác hẳn hai bà chị trải qua thuở baby gầy nhăng nhẳng như suy dinh dưỡng chỉ vỉ tội lười ăn, mà đi nhà trẻ thì ai bỏ thì giờ chăm sóc cho những đứa lười ăn như thế? sữa chai mang đi nhà trẻ, chiều về vẫn còn, chưa thanh toán hết, các cô giữ trẻ than thở là cháu không chịu bú sữa, chứ các cô có tội tình gì. Thế là thuở đó vừa mang con về đến nhà công việc đầu tiên là chị Bông hối hả như chữa cháy nhà, vội cho con bú sữa bằng mọi cách chiêu dụ.
Chị đã cầu mong chúng mau lớn để biết đói biết khát và biết lo cho thân mình.
Đến thằng Holden trời thương, dễ nuôi hay ăn chóng lớn, bây giờ nó như con heo mọi, ăn tạp đủ thứ bất kể món Mỹ hay Việt Nam, hot dog nhâm nhi hết một cái, mẹ nấu phở cũng xơi luôn một bát nhỏ, mấy trái nho hai chị ăn còn sót lại trong đĩa nằm chơ vơ trên bàn Holden cũng thanh toán nốt một cách ngon lành. Nhờ phát giác ra “hiện tượng” này mà mỗi lần đồ ăn thừa, ế và bị chê của hai chị đều được mẹ nhờ Holden giải quyết.
Sữa chai mang đến nhà trẻ chiều về hết sạch sẽ, phục vụ thằng bé ăn uống mau chóng thế nên các cô giữ trẻ sung sướng khoe rằng có thì giờ vui chơi với Holden và luôn âu yếm nói về nó, làm chị Bông mát lòng mát dạ về nhà khoe lại với chồng:
- Anh ơi, thằng Holden nhà mình khỏe mạnh và dễ thương nhất ở day care đấy.
Anh hớn hở mừng thầm, hỏi lại cho chắc ăn:
- Sao em biết?
- Em thấy cô giữ trẻ ca ngợi thế và hay bế bồng nó từ nhỏ tới giờ. Cô ấy nói Holden là “người mẫu” để chủ tiệm day care mang ra khoe mỗi khi có khách hàng tới lấy đơn đăng ký gởi gấm con em mình.

*************

Tháng mười hai đến, lá vàng lá đỏ của mùa Thu đã đi vào quá khứ, nhưng trời bắt đầu lạnh ngay từ giữa tháng mười một rồi, có hôm còn cao hứng tuyết rơi, tuyết trên đường thì tan ngay nhưng tuyết vẫn trắng xóa ở đầu non để chờ mùa Đông đang gần đến, để tuyết phủ thêm trên núi nhiều hơn, hầu như cả núi sẽ là một màu trắng xóa, bàng bạc và lạnh lẽo.
Lo cho 3 đứa con mà quanh quẩn hết năm hết tháng, chuyện học hành, chuyện đi nhà trẻ và chuyện đi gặp bác sĩ khi con ốm đau. Mỗi khi thời tiết thay mùa thể nào cũng có đứa cảm, đứa ho.
Hôm nay vợ chồng chị Bông xin nghỉ làm về sớm vì có hẹn gặp bác sĩ khám tổng quát cho Holden hàng năm. Càng đông người đi càng làm Holden thêm vui và bớt sợ. Chị Bông đã chuẩn bị tinh thần cho Holden trước:
- Holden ơi, con phải đi khám bác sĩ cho khỏe để nay mai nhà mình đi máy bay thăm ông bà ngoại nhé.
Nó thích đi máy bay, ông bà ngoại trong đầu óc của Holden là hai người nó vẫn nói chuyện trong phone mỗi cuối tuần, họ ngọt ngào âu yếm thương yêu với nó, nên Holden cũng thích gặp họ.
Thế là cả nhà 5 người cùng đi đến văn phòng bác sĩ dù chỉ cần khám sức khỏe cho một người. Chẳng khác nào khi người ta gọi cầu cứu 911 cho một người bệnh, thí dụ như lên cơn đau tim hay vừa bị thương tích, thì toàn bộ đoàn xe cùng vội vã đến, gồm xe cứu thương và xe cứu hỏa, dù nhà không hề bị cháy.
Holden chưa ghét ai bằng ghét bác sĩ, mỗi buổi sáng mẹ chở đi day care ngang qua con đường rẽ về hướng văn phòng ông bác sĩ là nó nhận ra ngay. Đó là ngã ba đường, nó chẳng thích quẹo ngã nào cả, vì nó ghét bác sĩ và chẳng thích ở day care, chỉ muốn được quay xe ngược về nhà với bố mẹ và hai chị, nhưng nó đành dặn dò mẹ chỉ đến day care thôi nhé, đừng ghé vào bác sĩ, đó là chọn lựa duy nhất nó có thể làm.
Vào văn phòng bác sĩ, ba chị em hí hửng đi ra rổ kẹo ngay bàn cô nhân viên, mỗi đứa lấy mấy kẹo mà mình ưa thích, và ngồi chờ đợi cùng với bố mẹ.
Holden ăn tới viên kẹo thứ ba thì được gọi vào trong, cả nhà lại theo vào để cho Holden lên tinh thần.
Vừa gặp cô y tá Holden nói ngay:
- Mẹ tôi cần gặp bác sĩ, không phải là tôi.
Cô y tá nhận ra thằng bé nhát gan năm ngoái nên mỉm cười trấn an:
- Hôm nay không có chích đâu, Holden đừng sợ.
Nhưng Holden vẫn sợ, nó nắm chặt lấy tay mẹ, nhìn cô y tá sửa soạn bàn cân rồi chỉ Tabi nói:
- Đến lượt Tabi trước.
Holden đang cố tình kéo dài thì giờ, chiều em Tabi cũng bước lên bàn cân.
Holden lại chỉ Betsy:
- Bây giờ là Betsy.
Cô y tá vui vẻ dắt tay Betsy lên cân để làm vừa lòng thằng khách hàng nhút nhát.
- Đến lượt bố. Lần này anh Bông bị thằng con gọi tên.
- Đến lượt mẹ.
Mẹ nó cũng không thoát. Thế là cả nhà đều lên bàn cân, người còn lại cuối cùng là Holden, tưởng nó sẽ biết điều mà bước lên bàn cân cho cô y tá làm bổn phận sơ khởi kiểm tra sức khỏe. Nhưng nó lại chỉ… cô y tá và nói:
- Đến lượt cô y tá.
Bây giờ thì cô y tá hết kiên nhẫn, cô tóm lấy thằng Holden mang lên bàn cân mặc cho thằng bé vẫy vùng gào khóc.
Cái thằng nhát như cáy thế mà ở nhà thì tự xưng là người hùng Spiderman, rồi mơ lớn lên sẽ lái xe motorcycles chở mẹ ngồi phía trước, bố ngồi phía sau để… ra nhà hàng McDonalds ăn French fry.
Lại còn biết điệu đàng nữa chứ, mỗi lần bố cắt tóc cho nó xong, dù mẹ nó khen đẹp rồi, dễ thương rồi, nhưng nó không tin, vẫn kê ghế lên cho cao để đủ soi mặt mình trong gương và rầu rỉ nói “Trông tôi xấu quá.”
Cuối cùng Holden cũng đã khám bệnh xong, bác sĩ nói sức khỏe nó tốt, chiều cao và trọng lượng phát triển bình thường.
Không gì làm Holden vui thích bằng được bước ra khỏi văn phòng bác sĩ.
Khi cả nhà đã ngồi vào xe Tabi hỏi:
- Chúng ta sẽ đi thăm ông bà ngoại thật hở mẹ?
- Đúng thế, như thông lệ hàng năm khi mùa Đông về.
Con Betsy reo mừng:
- Con thích lắm !
Thằng Holden cũng la to y như lúc nãy đã gào khóc to:
- Con cũng thích luôn.
Chợt Tabi buồn bã:
- Nhưng con tiếc là không được ở nhà chơi tuyết, để bố sẽ kéo sled cho chúng con. Ở Texas của ông bà ngoại đâu có tuyết như Utah .
Hai đứa em của Tabi cũng về hùa bắt chước theo chị:
- Ôi, con cũng tiếc.
- Con muốn bố kéo con đi sled cơ.
Năm ngoái bọn trẻ đã có một mùa Đông đầy thú vị, mùa Đông của Utah có bao giờ thiếu tuyết đâu, chúng sinh ra ở xứ lạnh nên yêu thích tuyết. Mỗi khi thấy tuyết rơi là Tabi và Betsy đều đứng trong cửa sổ nhìn ra, thích thú cầu mong tuyết rơi thật nhiều để rủ bố kéo sled, một trò chơi tuyệt vời.
Anh chị Bông đã dẫn bọn trẻ đến một ngọn đồi thấp thoai thoải, và thay phiên nhau kéo sled hết đứa này đến đứa kia từ trên ngọn dốc xuống tới cuối chân đồi. Hai vợ chồng chị mệt, bàn tay ai cũng lạnh cứng, nhưng bọn trẻ thì không, chúng tranh dành nhau, cãi nhau để mong đến lượt mình được ngồi vào sled, cho đến khi đầu mũi đứa nào cũng đỏ lên vì thấm lạnh mới chịu theo bố mẹ về nhà.
Chị Bông giải thích cho các con hiểu:
- Các con cứ yên chí mà vui hưởng chuyến đi Texas thăm ông bà ngoại nhé, vì sau hai tuần đi chơi trở về mùa Đông vẫn còn dài. Chúng ta lại lên đồi chơi kéo sled.
Thế là cả ba chị em cùng cười và reo hò như muốn vỡ cả cái không gian chật hẹp trong chiếc xe van.
Anh Bông lái xe, giờ tan làm highway đầy xe, có muốn nhanh cũng chẳng xong, thôi thì phải chịu đựng, tìm vui trong mọi hoàn cảnh.
Khi qua một đoạn đường dài bị kẹt xe, thì đường bắt đầu thoáng hơn, xe chạy nhanh hơn, một chiếc xe tải dài 18 bánh chắc nãy giờ phải đi chậm rì cũng nóng lòng chạy vọt lên hối hả, tí nữa thì đâm vào xe anh Bông.
Ôi, những anh tài xế xe tải to kềnh này thường là những xe chạy đường dài, các anh có máu giang hồ thích đi đó đây, cơm hàng cháo chợ, những buổi tối dừng xe vào một khu lề đường vắng, mấy anh tài chẳng khi nào chịu nằm ngủ cho ngon để lấy sức mai chạy tiếp, mà thường ghé vào quán ba gần đó, nhảy đầm, uống rượu giải khuây.
Các anh chúa chạy ẩu, ỷ xe mình to lớn có tai nạn tài xế cũng không đến nỗi nào, còn hàng hóa có tổn thất thì thiệt hại của chủ, nên hầu như anh tài nào cũng nghênh ngang dành đường vượt ẩu. Xe khác sợ anh chứ anh chẳng sợ xe nào.
Anh Bông lấy lại thăng bằng cho xe, quay lại thấy vợ con vẫn bình yên anh mừng mà không kịp hướng mắt theo chiếc xe tải rủa thầm tên tài xề chạy ẩu vài câu.
Mùa Thanksgiving đã qua, mùa Đông đang bắt đầu. Anh Bông nghĩ đến những đường phố đầy tuyết, nghĩ đến ngọn đồi năm ngoái cho các con trượt sled. Lại một mùa Đông lạnh lẽo, nhưng nhìn các con vui khỏe lòng anh ấm áp vô cùng.
Anh Bông quay xuống âu yếm nói với ba đứa trẻ:
- Mẹ con nói đúng, các con đừng lo sợ hết mùa Đông. Chúng ta sẽ đi Texas thăm ông bà ngoại, khi trở về Utah bố sẽ kéo sled cho các con trên khu đồi đầy tuyết vì mùa Đông sẽ còn dài lắm.

Nguyễn Thị Thanh Dương
(Mùa Đông-2010)