"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

 

Những Chuyện Buồn Vui

Buổi chiều tan làm về đường phố chen chúc xe cộ, ai cũng có vẻ vội vàng bận rộn để mau về nhà. Chị Bông cũng thế, phải ghé vào day care để đón Tabi và Betsy.
Highway giờ cao điểm dòng xe chậm chạp di chuyển, hai đứa con ngồi trong xe thỉnh thoảng lại cãi nhau, chị phải luôn miệng dỗ dành và phân xử cho đến lúc về tới nhà.
Trước khi mở cửa vào nhà, chị Bông mở thùng thư. Cầm xấp thư trong tay, như thường lệ chị chỉ liếc sơ qua rồi để đó, khi nào rảnh mới đọc và giải quyết, chẳng đi đâu mà vội, vì bây giờ còn bao nhiêu công việc khác đang chờ đợi chị, nấu cơm, tắm rửa con cái v..v… Nhưng phong thư đầu tiên là một địa chỉ xa lạ gởi cho chị, có in đậm hai chữ “Personal & Confidential” làm chị quan tâm, không nhịn nổi sự tò mò, chị xé phong thư ra đọc ngay. Thì ra ông Luật sư nào đó lấy records từ County, biết tin chị vừa bị câu lưu, giam giữ, nên ông đề nghị được chị thuê mướn để bào chữa cho chị, cứu chị thoát khỏi tội tình. Ông luật sư khoe đã có 35 năm kinh nghiệm trong nghề luật hình sự.
Chị Bông vừa buồn cười vừa bực mình, chị lật phong thư ra coi lại lần nữa, đúng là người nhận tên “Nguyễn thị Bông” và địa chỉ này không sai sót chút nào. Nhưng sự lầm lẫn thật khủng khiếp, Nguyễn thị Bông là chị vẫn là một công dân tốt, hôm qua tại hãng chị mới được lãnh thưởng và boss khen ngợi, hôm nay chị vừa đi làm về, đang ung dung ngồi nhà và đọc lá thư chết tiệt này. Tên tuổi giống nhau là chuyện thường, nhưng sao lại giống cả địa chỉ? Hay Nguyễn thị Bông gian ác, phạm tội từng sống ở căn nhà này trước kia? Hay thư ký của county trong lúc ghi chép, đánh máy làm báo cáo đã ngủ gật và ghi lộn địa chỉ?
Chị chẳng thì giờ đâu mà suy luận, tiện tay chị mở luôn phong thư thứ hai của Women’s Health, lần này thì chính xác là của chị, chắc họ thông báo kết quả chụp Mammogram tuần vừa qua. Nhưng nội dung lá thư này làm chị hoang mang hơn lá thư đầu tiên, bác sĩ đã đọc tấm phim chụp hình vú của chị và thấy bên ngực trái “không bình thường”, yêu cầu chị liên hệ với văn phòng để lấy hẹn khám lại.
Năm 40 tuổi, chị Bông bắt đầu chụp Mammogram, hai năm qua đều bình thường, sao lần này lại “giở chứng”?
Chị bỏ mặc đống thư, chạy ngay vào restroom, đứng trước gương, cởi áo ra rồi theo đúng sách vở đã chỉ dẫn chị giơ cánh tay trái lên đầu, lấy tay phải rờ nắn phía ngực trái theo chiều kim đồng hồ xem có cục u nào nổi lên không.
Đúng lúc đó thì con Betsy chạy vào đòi thay diaper vì bị ướt. Chị vội vàng cởi bỏ diaper ướt và rửa ráy qua loa cho nó, rồi đẩy nó ra ngoài để tiếp tục tự khám cho mình, nhưng con Betsy lại chạy vào restroom và luôn miệng lập đi lập lại câu:
- I have nothing!
Bị cản trở công việc và đang lo lắng âu sầu, chị quát mắng nó:
- Đi ra ngoài…
Thấy mẹ chưa hiểu ý mình mà còn nổi giận, con bé Betsy 3 tuổi bèn tốc váy lên. Thì ra chị Bông quên chưa mặc diaper và quần lót cho nó. Thảo nào con bé cảm thấy “trống vắng” phía dưới và chỉ biết diễn tả bằng vài từ đơn giản “I have nothing” mà thôi.
Biết mình có lỗi, chị Bông dịu lại, làm cho nó đầy đủ rồi mới vô restroom khám ngực lại, chị thấy hình như có cục u nhỏ nơi ngực trái?
- Chắc mình bị ung thư vú!
Chị đau đớn nghĩ thầm và bao nhiêu viễn ảnh đen tối hiện ra, nay mai bộ ngực chị sẽ bị cắt lìa, người ta sẽ hóa trị làm tóc tai chị rụng hết, và một ngày nào đó chị sẽ chết, khi ấy hai đứa con gái chị sẽ mồ côi mẹ, đầu xanh vương khổ lụy, và bi thảm thêm nữa là chồng yêu quý của chị sẽ được dịp sang ngang lần nữa.
- Mẹ ơi, con đói.
- Mẹ ơi, con muốn ăn cơm!
Hai đứa con đang réo gọi inh ỏi, không để cho chị có thì giờ ngồi khóc trước cho sự đời. Chị ra bếp bắt tay vào công việc vì chồng chị cũng sắp về tới. Người ta dù buồn phiền, lo âu hay đau khổ thì vẫn phải ăn, cái điều đôi lúc thật phàm tục mà vô cùng cần thiết trong cuộc sống.
Nấu cơm xong thì anh Bông về tới, anh vào nhà với gương mặt vui vẻ, anh quan niệm hãy để bao nhiêu lo âu buồn phiền ngoài cửa, chỉ mang niềm vui vào nhà, dù là niềm vui nho nhỏ. Hôm nay không biết anh có niềm vui gì không mà túi lunch của anh vẫn còn nguyên. Chị Bông hỏi:
- Trưa nay anh nhịn đói hả?
- Một người bạn cùng phòng thua cá độ nên phải khao bọn anh đi ăn lunch tại một nhà hàng Việt Nam . Chưa bao giờ anh ăn tô bún Bò Huế ngon đến thế!
Đang lo buồn, nhìn thấy mặt chồng vô tư hớn hở, chị tủi hờn, châm chọc:
- Ngon vì không phải trả tiền chứ gì?
Anh Bông vẫn chưa để ý vẻ bực mình của vợ:
- Phải công nhận nhà hàng này nấu món bún bò Huế ngon lắm, để hôm nào anh dẫn em đi ăn cho biết.
Chị hết chịu nổi, gắt lên:
- Bún bò Huế! Lúc nào em cũng nghe anh ca tụng món bún bò Huế. Chắc ngày xưa anh đã yêu một cô gái Huế, bây giờ ăn để tưởng nhớ người ta?
- Thế em thích ăn món cà ri gà chấm bánh mì, ngày xưa em cũng mê một thằng cha Ấn Độ nào hả? Anh châm chọc lại chị.
Bây giờ anh Bông mới nhìn chị và ngạc nhiên:
- Mà em làm sao thế? Trông em hình như có điều gì tuyệt vọng?
- Em bị… ung thư vú!
Chị Bông khóc vỡ oà ra như một đứa trẻ con đang có chuyện buồn và được người lớn quan tâm hỏi đến:
Anh cầm lá thư của “Women’s health” lên đọc và mỉm cười bình tĩnh:
- Có thế mà em làm anh hết hồn. Họ có nói em bị ung thư đâu, còn mời em đến để xem xét lại kia mà.
- Thì em… suy đoán thế.
- Con người lo xa như em chỉ khổ vào thân, mỗi lần đau bụng uống thuốc chưa khỏi là em suy đoán bị… ung thư bao tử, có một mụn ruồi lạ xuất hiện thì nghĩ là ung thư da, bây giờ đến ung thư vú. Sống với em kiểu này có ngày anh đau thần kinh mất.
- Em phòng xa… trừ hao ấy mà, đau khổ bao nhiêu sẽ nhận lại sự sung sướng bấy nhiêu.
- Anh xin em, anh chẳng muốn có một người vợ lo xa đến thế.
Những lời trấn an đầy tự tin của chồng làm chị Bông vơi bớt lo âu. Có thể hôm chụp Mammogram, do sơ suất từ phía chị hay phía người chụp, làm hình bị mờ, nên bác sĩ yêu cầu làm lại để tìm kết qủa chính xác mà thôi. Dòng họ nhà chị không có ai bị ung thư vú, mà mỗi năm chị mỗi đi khám thì bệnh ung thư ở đâu mà xuất hiện nhanh đến thế?
Chị bèn sang chuyện khác:
- Chẳng biết bà Nguyễn thị Bông nào phạm tội và bị câu lưu lại cùng địa chỉ nhà mình, nên luật sư gởi giấy đến nhà năn nỉ mình thuê mướn ông ta kia kìa.
Anh Bông liếc sơ qua vài giòng đầu lá thư của ông luật sư:
- County thì lầm lẫn địa chỉ, ông luật sư thì ế ẩm đi săn tìm khách hàng qua các records của sở cảnh sát, của county. Em đọc làm gì cho phí thì giờ.
Anh Bông lật xấp thư còn lại và nói:
- Có thư chị Hoa của em ở Việt Nam, em đã đọc chưa? Thư này mới thật sự liên quan đến em đây.
Lại thêm một lá thư cần đọc, chắc là chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui? Lá thư dài, vòng vo tam quốc để đi đến mục tiêu cuối cùng là xin tiền. Chị Hoa kể từ ngày chồng chị mê vợ bé, bỏ bê chị với thằng con trai, mấy năm nay mẹ con tần tảo nuôi nhau. Năm nay nó 18 tuổi, vừa mới lấy vợ, cô vợ trẻ con, cùng tuổi, không nghề nghiệp. Chồng đi làm phụ hồ vất vả cả ngày ngoài trời, thì vợ ở nhà “giết” thì giờ trống vắng bằng cách sang nhà hàng xóm chơi game. Chị Hoa ở nhà nấu cơm chờ con trai và con dâu, có hôm con dâu mải chơi game, bà mẹ chồng phải sang tiệm game, năn nỉ gọi con dâu về ăn cơm.
Làm gì “ăn” nấy, con trai chị Hoa làm phụ hồ, mỗi chiều về nhà nó “chôm” được khi thì vài cục gạch, lúc thì vài ký xi măng. Chị Hoa ky cóp, khích lệ con trai… tăng năng xuất chôm chỉa thêm nữa, để mau đủ số xây một cái chuồng heo, rồi chị sẽ nuôi vài con heo kiếm thêm thu nhập.
Mỗi người thợ quèn rút tỉa một chút, thợ lớn rút tỉa lớn hơn. Hèn gì những công trình xây dựng ở Việt Nam mau hư, mau xuống cấp là phải. Cái nghèo cái đói, làm cho con người ta trở nên ti tiện, nhẫn tâm không nhiều thì ít.
Nhưng giấc mộng xây chuồng heo không bao giờ thành sự thật, thằng con trai chị Hoa bị chủ cho nghỉ việc vì làm việc yếu kém, bây giờ nó đang ngồi nhà và cô vợ trẻ lại mang bầu không đúng lúc.
Đọc xong thư, chị Bông thở dài, tội nghiệp chị Hoa số kiếp lận đận, hết khổ vì chồng lại khổ vì con, vì cháu, và làm khổ lây cả đến chị. Phen này lại phải gởi tiền về giúp đỡ.

****************

Hôm nay hai vợ chồng chị Bông cùng nghỉ ở nhà, để anh đưa chị đến Women’s Health tái khám, thì nghe tiếng chuông cửa reo nên chị vội vàng chạy ra. Đó là một người đàn ông Mỹ tuổi trung niên, ông lịch sự mỉm cười :
- Chào chị, tôi muốn gặp anh Bill.
Chị ngạc nhiên:
- Anh Bill?
Ông khách thuộc loại nhanh nhẩu:
- Vâng, thế chị là vợ của anh Bill? Anh ấy từng kể với tôi có một người yêu là người Châu Á, thì ra là chị…
Chị hơi khó chịu:
- Anh nào?
- Anh Bill Cook ấy mà.
Chị lùi vào nhà, chuẩn bị khép cửa:
- Xin lỗi, thế thì ông lầm nhà rồi. Trong đời tôi chưa bao giờ quen biết anh Bill Cook nào cả. Ông khách vẫn băn khoăn:
- Tôi từ Austin lái xe hơn ba giờ đồng hồ tới đây mà không gặp được bạn cũ thì thật là uổng công. Đây là thư và địa chỉ của anh Bill gởi cho tôi cách đây mấy tháng. Đúng là địa chỉ nhà này. Chị cảm động, không nỡ đóng cửa, dù biết rằng không nên tin cậy bất cứ một người lạ mặt nào, nhưng trông ông Mỹ này hiền lành chị đành phá lệ. Chị cầm tờ thư, nơi góc cuối có ghi địa chỉ: 200 Maple, Ave… Đúng từ số nhà, tên đường và tên thành phố. Con đường Maple này không dài lắm, nhưng chị chẳng biết tên tất cả hàng xóm ngoài hai nhà bên cạnh nhờ thỉnh thoảng ra cửa gặp nhau, chào nhau và trao đổi tên tuổi theo phép xã giao. Giá như ở Việt Nam thì chị biết rõ lai lịch tông môn của hàng xóm láng giềng từ đầu đường đến cuối ngõ, chẳng sót một ai.
Chị đưa ý kiến:
- Chắc chắn có một sự lầm lẫn nào đó, tốt hơn hết ông nên gọi phone cho ông Bill và hỏi lại cho rõ.
- Tiếc quá, tôi vội đi nên để quên cell phone ở nhà rồi.
- Vậy thì ông dùng phone của tôi.
Chắc kiếp trước chị Bông mắc nợ ông khách này nên bây giờ dù vô tình mà ông cũng làm phiền chị quá. Chị vào nhà mang cái cell phone ra.
Nghe phone xong ông Mỹ hớn hở:
- Đúng là một sự lầm lẫn lớn, số nhà anh Bill là 206, mà anh ấy viết nhanh, viết láu, nên trông giống như 200, là số nhà của chị. Tôi thành thật xin lỗi chị.
Chị cũng vui lây:
- Thế thì nhà anh Bill cách đây có ba căn thôi, cũng cám ơn ông, nhờ vậy mà tôi biết thêm tên một người hàng xóm của tôi.
Ông khách vui vẻ rối rít:
- Thôi chào chị, tôi rất cám ơn chị.
Chị Bông vào nhà, bị anh Bông mắng:
- Em xí xọn vừa vừa chứ kẻo có ngày chết oan, chưa chết vì những căn bệnh suy đoán ung thư mà chết vì tin người lạ.
- Em đọc thấy vẻ mặt thất vọng của ông ta khi không tìm thấy nhà bạn cũ sau một cuộc hành trình xa, nên em muốn giúp đỡ ông ta. Đó cũng là một niềm vui trong cuộc sống đầy rẫy phiền lụy này.
- May mà em chưa tới số đấy!
Chị Bông than thở:
- Căn nhà của mình sao mà vô duyên! Hết bị county ghi tên bà Nguyễn thị Bông nào đó vừa bị câu lưu, là địa chỉ nhà này, đến một kẻ xa lạ từ Austin cũng tìm lộn địa chỉ nhà này. Thôi nào, mình đi anh ơi!
Niềm vui nho nhỏ theo chị trên đường đi. Bước vào khu của “Women’s Health” niềm lo âu lại uà vào tâm hồn chị, làm chị bồn chồn khắc khỏai, dù chị ngồi trong phòng đợi lịch sự thanh nhã, có tiếng nước chảy róc rách từ một bồn nước nhỏ nhân tạo làm kiểng nơi góc phòng, cửa sổ buông rèm màu xanh êm dịu, trên bàn một bức tượng phụ nữ khỏa thân mềm mại với bộ ngực tròn trịa và dáng đứng tuyệt với. Chắc chủ nhân của cơ sở này phải là một phụ nữ, mà là một phụ nữ có tâm hồn nghệ thuật sâu sắc lắm?
Khách hàng toàn là phụ nữ, các bà bước vào gian phòng nhẹ nhàng, hoặc lấy tờ tạp chí đọc hoặc ngồi im chờ đợi đến lượt được gọi vào.
Chị Bông vào một căn phòng và cởi áo ra nằm trên giường, bác sĩ bôi lên ngực trái của chị một chất kem trơn, dùng một dụng cụ chà sát di chuyển từng chút một quanh ngực trong khi theo dõi họa đồ trên màn hình. Công việc kéo dài khỏang mười lăm phút thì kết thúc và bác sĩ cho biết kết quả ngay tại chỗ: Chị hòan tòan bình thường, không bị ung thư vú.
Nghe xong, chị Bông nhẹ cả lòng, tưởng như mình bay bổng lên mấy từng mây, chị nhanh nhẹn nhẩy xuống giường và mặc lại áo. Chỉ nhìn nét mặt của chị khi vừa bước ra, anh Bông đã chắc ăn:
- Hôm nay em phải ăn mừng.
- OK, anh thích gì em cũng chiều, kể cả bún bò Huế.
- Nhưng không phải vì anh tương tư cô gái Huế, mà là cô Bắc Kỳ đa nghi và nhiều chuyện này đấy. Mình sẽ đến cái nhà hàng mà hôm nọ anh đã ăn, em nhé?
Chị Bông mỉm cười, kéo tay chồng bước ra ngoài. Chưa bao giờ cuộc đời đẹp như ngày hôm nay. Cách đây một tuần chị Bông nhận mấy tin buồn phiền, hôm nay có hai niềm vui. Cuộc sống thật muôn màu, có những sắc màu tối tăm thì cũng có những sắc màu tươi sáng. Những buồn vui đó chia cho mọi người trên khắp thế gian này.

Nguyễn Thị Thanh Dương