"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Những Người Lắm Chuyện

Hôm qua chị đã “hớn hở”kể cho anh nghe một tin “động trời”, là chị bắt gặp quả tang anh Châu, chồng của Phượng -bạn thân của chị- đi ăn với một cô bồ.
Bất cứ tin động trời nào chị biết, chị đều có hứng thú được đem lại cho người khác sự ngạc nhiên, bất ngờ.
Cho nên sáng nay anh thức dậy muộn đã thấy chị đang ôm phone to nhỏ với ai đó, nhìn nét mặt “trọng đại”của chị, anh biết ngay vợ anh đang “phát tán”cái tin anh Châu có bồ cho bàn dân thiên hạ cùng biết.
Anh bực mình về cái tội lắm chuyện của vợ vô cùng, ra dấu cho chị mấy lần chấm dứt cuộc nói chuyện, cuối cùng, chị cũng cúp phone và quay ra gay gắt với anh:
- Tại sao anh xâm phạm quyền tự do ăn nói của em? Em đang nói chuyện với bạn bè mà anh bắt cúp hả?
- Anh biết em đang rêu rao chuyện anh Châu có bồ.Từ sáng tới giờ chắc em đã thông báo cho cả chục người rồi chứ gì!
- Mới có 4 người, thì anh phá đám. Con Dung, con Hải, con Lệ và người cuối cùng là con Phượng, vợ của thằng ngoại tình.
- Trời ơi, thế thì cả thành phố này sẽ biết tin, nhưng chắc gì anh Châu có bồ mà em đã vội vàng lắm chuyện?
- Đi với một cô gái trẻ đẹp, lấm la lấm lét vào cái nhà hàng hẻo lánh, xa nhà, thì chẳng là đang lừa dối vợ đó sao?
- Cho dù đó là sự thật, thì chính em đã góp dầu vào lửa cho nhà người ta cháy thêm đấy.
- Anh ăn nói gì mà bất nhân thế? Thương bạn, em báo cho nó biết để tìm đường cứu vãn hạnh phúc gia đình.
- Thế còn những người khác: cô Dung, cô Hải, cô Lệ…Em báo cho họ làm gì? Không phải là em lắm chuyện à?
Chị chống đỡ:
- Để mọi người cùng cảnh giác. Hôm nay là chồng Phượng ngoại tình, biết đâu mai là chính chồng mình?
- Dám từ giờ tới chiều em sẽ gọi phone thông báo không sót một ai?
- Hôm nay weekend này, cell phone free này, lại có một đề tài nóng bỏng này. Tội gì không gọi? Chị nhởn nhơ đáp, không cần nhìn đến vẻ mặt khó chịu của anh.
Anh vào phòng, thay đồ. Những buổi sáng cuối tuần đẹp trời, anh thích ra quán cà phê ngồi nhâm nhi, nghĩ chuyện đời .Và sáng nay thì anh càng muốn đi cho nhanh, còn hơn là ở nhà nhìn thấy cảnh vợ anh giở cái list số phone của bạn bè gần xa ra, gọi hết người này đến người kia để mong mình là người đầu tiên báo cho họ biết chồng Phượng đã có bồ.
- Anh đi đâu đó?
- Biết rồi còn hỏi, đi uống cà phê chứ đi đâu.
Chị thường đi theo anh mọi nơi, mọi lúc nếu có thể, nhưng ra quán cà phê thì không, vì chị sợ tốn tiền, một lon cà phê có mấy đồng, ở nhà pha được cả chục ly cối, vậy mà ra quán nó tính 3 đồng một ly nhỏ xíu, xót cả ruột, và nhất là đây không phải món chị yêu thích.
Trước khi ra khỏi nhà, anh đe dọa vợ:
- Chuyện người ta, mà ai em cũng kể. Anh Châu biết được thì sẽ chửi em về cái tội lắm chuyện đấy. Em liệu hồn!
- Anh khỏi lo, trước khi kể em đều bắt tụi nó… thề, phải giữ kín, thì làm sao anh Châu biết được?
Ôi đàn bà! cuộc sống hình như càng bận rộn hơn vì những điều tào lao, lắm chuyện của các bà.
Đây là quán cà phê đông khách trong thành phố, có thể vì các cô phục vụ trẻ trung, có thể vì không khí vui tươi, nhộn nhịp. Mỗi người vào quán là một tâm trạng, một cuộc đời. Ai biết rằng hôm nay anh mang theo một chút bực mình vì cái tật lắm chuyện của vợ ? không hiểu sao, chị chỉ trông thấy anh Châu đi ăn với một phụ nữ, mà chị có thể kể thành câu chuyện kéo dài hàng giờ trên phone? chị bình luận, tán ra bàn vào như một talk show trên radio.
Anh vào ngồi tại một góc bàn quen thuộc.Giữa đám khách khứa xung quanh hầu hết là các đấng nam nhi, hi vọng sẽ tìm được sự bình yên, để tạm quên đi những chuyện đàn bà vớ vẩn ở xó nhà. Anh gọi một ly cà phê đen, anh thích được nhìn những giọt cà phê dịu dàng nhỏ từng giọt xuống đáy ly, và đôi khi, anh bâng quơ ngó qua khung cửa kính, thấy cuộc đời ồn ào bên ngoài, những khuôn mặt lạ hay quen lướt qua khỏi tầm mắt anh như một cảnh trong phim...
Cho một thìa đường vào ly cà phê đen đậm đặc, nếm chút vị ngọt đắng thơm tho, anh cảm thấy cuộc sống bỗng thi vị biết bao.
Bây giờ anh mới để ý tới bàn bên cạnh, có ba, bốn người vừa uống cà phê vừa chuyện trò thân mật. Họ có những hứng thú của họ, tụ tập ở đây để nói với nhau những câu chuyện cuộc đời. Họ đang nói về chiến tranh ở Iraq, đàn ông mà, chuyện chiến tranh khói lửa là chuyện hàng đầu. Anh lắng nghe và hào hứng theo họ. Mà không muốn nghe cũng không được, vì anh đang ngồi rất gần họ.
Hết chuyện chiến tranh, đến chuyện kinh tế, giá nhà cửa, bất động sản, đang ế ẩm vì công ăn việc làm ít, các ông bà làm nghề môi giới mua bán nhà đất, ngồi ở văn phòng tha hồ… đọc báo, và mòn mỏi chờ phone reo của khách hàng. Nếu không có văn phòng, thì cứ việc nằm nhà ngủ mấy giấc, đợi giờ đi đón con, cell phone chờ sẵn, có khách gọi là nhanh nhẩu đáp ứng ngay.
Thời buổi này công việc bị lay off nhiều, nên có nhiều ngành nghề bất đắc dĩ, người ta nhảy qua kinh doanh, sang lại nhà hàng, tiệm giặt, tiệm tạp hóa, hay đi học hai nghề ngắn hạn là làm nail và môi giới địa ốc. Các ông bà địa ốc vì lỡ thời hay để chờ thời này làm việc như đi câu, lúc có cá lúc không, dù biển đời mênh mông, nhưng thợ câu nhiều, cá đâu cho đủ?
Anh nhìn sang bàn “cà phê thời sự”, có già, có trẻ. Đúng là tình bạn không biên giới, miễn là trong câu chuyện tán dóc, kẻ tung người hứng nhip nhàng, dù không quen, anh cũng mỉm cười với họ, thay cho lời cảm ơn, họ đã cho anh một buổi sáng sôi nổi với tình hình chiến tranh và kinh tế, những vấn đề rất gần gũi với cuộc sống.
Tách cà phê của anh đã vơi một nửa, trong niềm vui vu vơ, anh muốn giây phút này kéo dài, cuộc sống có những điều nhỏ nhoi mà dễ thương thế đấy.
“Hàng xóm” bên cạnh anh đã đổi đề tài, từ chiến tranh, kinh tế, sang chuyện cá nhân ai đó.
- Ê, mấy chú biết tin gì chưa? Tin động trời đấy!
Anh bỗng giật mình, không lẽ tin “động trời” của vợ anh vừa loan báo sáng nay đã... bay tới quán cà phê này rồi?
- Chuyện động trời gì nói nghe coi?
- Có một thằng cha, tên tuổi thì ngon lành, uy tín lắm, rốt cuộc cũng chẳng hay ho gì. Đã có vợ con mà còn có bồ nhí. Con người ta có hai mặt, một mặt tốt và một mặt đểu.
Tội nghiệp “thằng cha” nào đó đang bị rêu rao bình phẩm giữa chốn công cộng, giữa chốn chợ đời thu nhỏ này. Anh chẳng muốn nghe, nhưng chẳng thể nào bảo họ dừng lại được, họ có phải là… vợ anh đâu.
- Nhưng thằng cha đó là ai? Có phải là lão dê xồm chủ câu lạc bộ “Đêm Dài” không? Hay là thằng chủ nhà hàng “Cá Bông Lau” nổi tiếng ăn chơi? Một người sốt sắng hỏi.
- Sai bét! Thằng này bán bảo hiểm, mới ra lò trong thời kỳ kinh tế sa sút của ông Bush. Thằng này tên gì nhỉ? Quên mẹ nó rồi!
- Ha ha!! Tao biết mày đang nói thằng cha bán bảo hiểm có cái văn phòng thật to, thật sang nằm ở ngay downtown thành phố này chứ gì? Nó mới nhảy vô nghề này, thế mà có nhiều khách hàng từ các nơi khác cứ tìm đến nó.
- Tao nghe đồn có người thấy nó dẫn con bồ đi ăn, đi vào khách sạn mấy lần.
Anh giật mình thật sự, thì ra họ đang nói về anh, nãy giờ anh cứ phải nghe, có ngờ đâu đang nghe chuyện của chính mình, nhưng có lẽ họ không hề biết nạn nhân đang ngồi lù lù bên cạnh họ, anh nhìn thẳng sang bàn bên và những cặp mắt cũng nhìn thấy anh, vô tư. Giữa họ và anh, không quen biết, nhưng chuyện đời người khác, họ vẫn thích thú được nhúng miệng vào. Anh bị tổn thương thì ít mà kinh ngạc thì nhiều, ít ra đàn bà như vợ anh, chỉ lắm chuyện mà chính mắt chị đã nhìn thấy, còn những người này, họ nói không thành có ngon lành. Anh cảm thấy như vừa nhìn thấy một áng mây mù qua khung cửa kính, buổi sáng đẹp trời đã biến mất.
Anh không muốn ngồi nhâm nhi cà phê nữa, những người bên cạnh, tưởng là những người bạn cà phê trong một lần hội ngộ tình cờ, bỗng càng trở nên xa lạ. Anh cay đắng như vừa uống xong một ly cà phê đen đậm đặc không đường.
Anh ra quầy trả tiền cà phê và trở về nhà. Chắc nãy giờ chị đã gọi phone cho vài người nữa để báo tin và tán dóc về “tai hoạ”của vợ chồng chị Phượng rồi. Chị đâu biết rằng chồng chị cũng đang mang một “tai họa” về nhà.
Anh bước vào nhà, quả nhiên chị đang nói chuyện phone với ai đó, tới giai đoạn cuối:
- Thôi nhé, làm ơn giữ bí mật chuyện này nhé. Khi nào có thêm tin tức gì tụi mình lại bàn luận sau.
Anh lên tiếng khi chị vừa cúp phone:
- Anh có một đống tin tức cho em nữa đây.
- Ủa, anh đã về rồi à? Sao hôm nay anh về sớm thế?
- Anh có một tin “động trời” nên cần về sớm kể cho em nghe.
Đôi mắt chị ngời sáng lên như ngọn đèn bão trong một đêm mưa gió:
- Chuyện gì vậy anh? Thằng cha nào đang phản bội vợ hay con mẹ nào đang ngoại tình?
- Một thằng đã có vợ mà còn bồ bịch tùm lum, cả quán cà phê đang đồn ầm lên đó.
- Có vợ con mà còn cà chớn! Thằng nào vậy, mình có quen không? Anh nói ngay đi, để em kịp thời thông báo cho vợ nó, đừng làm em hồi hộp đứt gân máu chết liền bây giờ.
- Chưa gì mà em đã lắm chuyện rồi. Sao hồi xưa em không đi học nghề làm phóng viên, làm báo, thỉnh thoảng đăng tin giật gân, tin động trời cho bà con té ngửa?
- Thôi đừng đùa nữa mà. Anh biết tính em hay nôn nóng mà cứ đùa dai làm chi! Thằng cà chớn đó là ai vậy anh? Chị hỏi lại.
- Là… anh!
- Anh lại đùa nữa rồi!
Anh hiên ngang nhìn vợ:
- Nãy giờ anh nói thật chứ đùa hồi nào? Một đám đàn ông ngồi uống cà phê bàn bên cạnh anh, nói về anh như thế đấy. Vậy anh thách em, thử kiểm điểm lại xem, liệu chồng em có cà chớn, có bồ bịch với ai không?
Chị hùng hồn trả lời ngay:
- Xưa mẹ anh quản lý anh chặt chẽ thế nào em không biết, mà anh còn nói dối mẹ, đi chơi với em được. Nhưng bây giờ với em thì không! tiền bạc em quản lý chính xác từng đồng, thời gian đi đứng làm việc của anh luôn có em theo sát nút, thì còn chỗ trống nào cho anh đi với bồ cơ chứ? Nhưng tại sao họ muốn gây sự với anh thế nhỉ?
- Đám này không hề biết mặt anh, chắc họ nghe lại những tin đồn từ ai đó!
- Mình làm ăn đàng hoàng đứng đắn, có động chạm gì tới ai đâu?
- Đơn giản là anh thành công trong công việc, có nhiều khách hàng nên có kẻ ghét anh, cạnh tranh nghề nghiệp chẳng hạn. Họ tung tin thất thiệt để giảm uy tín anh, hết đường làm ăn.
Chị bênh chồng:
- Họ đã làm tổn thương anh, để em cho họ một bài học! Anh hiền quá, người ta ăn hiếp anh đó. Những người này là ai?
Anh chán nản đáp:
- Em ra quán cà phê mà tìm, mấy đấng nam nhi đang uống cà phê và tán dóc đó.
- Từ giờ trở đi anh đừng có nói đàn bà lắm chuyện nữa nhé. Đàn ông các anh cũng lắm chuyện không kém. Chị hả hê nói.
- Biết rồi!
Bỗng chị hí hửng:
- Em sẽ “cứu” anh, tìm cho ra những đứa chủ trương phao tin nhảm này và chửi chúng một trận. Họ sẽ không dám nói về anh nữa.
- Em làm như chuyện trẻ con ấy! Thôi, không để ý đến điều này nữa. Anh đề nghị chúng mình ra ra ngoài ăn lunch, phở hay bún gì đó, đi em!
- Khỏi cần đi đâu, hôm nay em nấu món bún thang rồi. Anh thay đồ, rồi ra mà thưởng thức món bún yêu thích của anh.
- Trời, anh không ngờ hôm nay em “bận rộn” gọi phone đi khắp nơi mà vẫn còn đủ thì giờ nấu món bún công phu này.
Chị hiên ngang nhìn anh như lúc nãy anh đã hiên ngang nhìn chị:
- Dù bận tới đâu, em cũng không bao giờ quên bổn phận làm vợ, để xứng đáng với một người chồng tốt, đáng tin cậy như anh chứ.
- Cám ơn em nhé, ở nhà đôi khi cũng có những giây phút tuyệt vời, dù…
- Dù bún của em nấu không ngon bằng ở tiệm chứ gì? Nhưng tình của em đối với anh thì anh không thể nào mua ở tiệm được. Anh nhớ cho.
Anh mỉm cười âu yếm nhìn chị như đồng tình, trong khi chị sửa soạn trong bếp, anh ra ghế cầm tờ báo lên đọc, anh bỗng bật cười làm chị ngạc nhiên ngừng tay, hỏi anh:
- Có tin gì vui mà anh cười to thế?
- Chuyện cô Smith…
- Cái cô Anna Nicole Smith ấy hả? vợ goá của ông J. Howard Marshall, tỷ phú dầu hoả của Texas ấy hả?
- Sao chuyện gì em cũng rành quá vậy? Từ chuyện gần của hàng xóm, bạn bè đến chuyện cô Smith xa tít chân mây này.
- Từ khi ông chồng vừa già vừa ngu chết đi, cuộc đời cô Smith lên hương, tiếng tăm lừng lẫy, ai mà chẳng biết. Đơn giản, chỉ việc đi chợ, là biết tất cả mọi chuyện xảy ra trên cõi đời này. Những chủ chợ đã “tâm lý” dựng sẵn những kệ đầy tạp chí, bên cạnh quầy tính tiền, trong khi chờ đợi tới lượt mình thì ai mà không ghé mắt đọc những thông tin, những hình ảnh hấp dẫn, giật gân về những nhân vật nổi tiếng? Thế là tò mò, hiếu kỳ và… lắm chuyện, bèn mua về đọc chơi.
Chị suýt soa và tò mò hỏi tiếp:
- Cô ta đã ở cái Hotel Hard Rock với giá 1,600 một đêm, vài ngày trước khi chết đấy. Nhưng đã chết cả tuần lễ nay, mà báo chí còn nhắc đến chuyện gì nữa?
- Có ba ông nhảy ra tranh quyền làm cha đứa con gái mới 5 tháng tuổi của cô Smith, vì gia sản cô để lại, vì tên tuổi của cô, nên họ hám danh hám lợi. Nếu như cô Smith mà là dân homeless, vô danh, thì đến cha thật của đứa bé cũng chưa chắc thèm đến nhận con.
- Còn gì nữa không, anh kể nốt đi. Bài báo dài thế kia mà.
- Cuối cùng thì cũng tìm ra người cha thật sự của bé gái, mặc dù cô em của cô Smith tuyên bố rằng có thể đứa bé là từ tinh trùng đông lạnh của ông J. Howard Marshall. Ủa, em đang lẩm bẩm cái gì vậy?
- Em đang tính toán 20 năm nữa, khi ấy em cũng chưa già, vẫn còn đủ háo hức đọc những tin sốt dẻo, vẫn kịp khi baby girl của cô Smith lớn lên, lại tung hoành như mẹ nó, báo chí lại tha hồ săn tin, như họ đã từng theo dõi đời tư của hai người con cố tổng thống Kennedy, hai người con trai công chúa Diana, hay con gái của tỉ phú Christina Onassis, sau khi mẹ chúng qua đời, vậy đó.
Anh ngẩm nghĩ, vợ anh thế mà đúng, và tự mỉm cười một mình. Cả nước Mỹ, hay nói rộng ra là cả thế giới đều lắm chuyện. Người ta để ý, theo dõi những chuyện đời riêng của những người nổi tiếng trong bất cứ ngành nghề nào, trong bất cứ tầng lớp nào của xã hội. Vậy thì vợ anh hay mấy cha trong quán cà phê kia cũng chỉ là hạt bụi trong đám nhân loại này mà thôi.

Nguyễn Thị Thanh Dương
(Feb.2007)