"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

 

Lãnh Nợ

Khôi vừa thức giấc đã nhận được cú phone của Ngọc Giao với giọng nghẹn ngào:

- Anh ơi, mẹ em qua đời rồi!

Khôi hốt hoảng và ngạc nhiên:

- Sao thế? mẹ vẫn khỏe mạnh bình thường kia mà…

- Sáng nay thấy mẹ dậy trễ hơn mọi ngày em vào phòng mẹ gọi ra ăn sáng và phát giác mẹ đã chết từ lúc nào rồi. Có lẽ là heart attack.

Khôi buông phone xong mà lòng còn ngẩn ngơ buồn và lo âu. Đến lượt mẹ Khôi gõ cửa phòng gọi con ra ăn sáng:

- Khôi ơi, con thức dậy chưa, đồ ăn đã sẵn sàng rồi?

Khôi bật dậy và không thể không chia sẻ ngay với mẹ cái tin đột ngột này:

- Con dậy nãy giờ nhưng buồn vì mới được tin bác Thuận mẹ Ngọc Giao chết sáng nay.

Bà Bông cũng bàng hoàng:

- Khổ thân! chắc bà ấy bị đột qụy mới ra đi nhanh chóng thế. Mà con ơi…

Bà mẹ trở về ngay với thực tế lo âu:

- Bà Thuận mất đi làm dở dang đủ thứ, con và Ngọc Giao chưa tiến tới cưới hỏi, rồi nay mai ai sẽ trông coi cái khu thương mại đây?

- Mẹ chứ ai.

Khôi phản ứng buộc miệng nói xong mới biết mình lỡ lời vội nói thêm:

- Xin mẹ giúp chúng con, con bận đi làm còn Ngọc Giao bận đi học chưa ra trường…

- Mẹ đã nói ngay từ đầu mẹ không muốn con dính dáng gì tới cái khu thương mại này chứ đừng nói là mẹ dính vào. Bây giờ mẹ về hưu non mẹ đang vui hưởng nhàn.

Bà Bông chì chiết:

- Ngày ấy mẹ đã từng khuyên mà con không nghe, vì tình yêu Ngọc Giao và vì sĩ diện con nhào vào “hợp tác” làm ăn, nói trắng ra là con “lãnh nợ.” cho bà mẹ vợ tương lai..

Khôi vào phòng tắm đánh răng rửa mặt, mẹ chàng nói đúng y những điều mà chàng đang lo nghĩ khi nghe tin mẹ Ngọc Giao qua đời, ai sẽ thay bà Thuận trông coi khu thương mại là tài sản mà chàng đang “lãnh nợ”?

Bà Thuận là một phụ nữ tháo vát, kinh doanh giỏi từ ngày sang Mỹ tới giờ. Nhưng bao nhiêu vốn liếng bà kiếm được ông Thuận đã mang ra “kinh doanh” stock và thua lỗ hầu hết vào thời kỳ thị trường chứng khoán tuột dốc từ năm 2000 trở đi.

Ông qua đời mấy năm nay, ông đang mang căn bệnh đau bao tử lại thêm đau buồn vì tiếc của nên bệnh càng nặng thêm và chết sớm ngoài dự đoán của bác sĩ.

Chỉ còn hai mẹ con mà bà Thuận vẫn thích kinh doanh, bà nói là với mục đích gây dựng cho con cháu sau này.

Bà có ý định mua một khu thương mại nhưng không đủ tiền và không đủ credit để mượn tiền ngân hàng nên bà đã gợi ý với Khôi:

- Khu buôn bán này thời kinh tế huy hoàng trị gía một triệu rưỡi nhưng họ làm ăn thua lỗ ế ẩm, kinh tế xuống dốc thị trường địa ốc rớt giá thảm hại họ bán hạ giá một triệu, vốn liếng bác có 400 ngàn để pay down nhưng không thể mượn nợ vì bác không có nguồn tài sản hay income nào khác, bác mời cháu cùng hợp tác đứng ra mượn nợ ngân hàng rồi hai bác cháu mình cùng kinh doanh, chủ yếu là bác sẽ trông coi tất cả, không làm mất thì giờ của cháu hay của Ngọc Giao. Bao giờ Ngọc Giao ra trường hai đứa làm đám cưới thì tài sản này là của hai con.

Bà Thuận nói với vẻ tự tin:

- Bác sẽ làm sống lại khu thương mại, sẽ phục hồi lại giá trị ban đầu của nó, lúc ấy chúng ta sẽ lời to, vừa có tài sản địa ốc vừa có nguồn income vào hàng tháng...

Khôi vì cả nể, vì tình yêu của chàng với Ngọc Giao, và nhất là Khôi biết trước sau tài sản ấy cũng thuộc về vợ chồng Khôi trong tương lai gần, nên chàng đồng ý cho dù mẹ Khôi đã bất bình ngăn cản, bà nói chuyện đời những gì chưa nắm trong tay thì chưa thuộc về mình. Bà Bông đã cảnh cáo:

- Con đứng tên mượn tiền ngân hàng là mang credit của mình ra “lãnh nợ” cho bà Thuận đấy. Trả món nợ mấy trăm ngàn là đi trên con đường dài, ai biết những bất trắc gì có thể xảy ra?

- Vâng, mẹ lo xa cũng đúng, nhưng tình cảm giữa con và Ngọc Giao cũng như tình thương mến của bác Thuận dành cho con thì chắc là không bao giờ thay đổi.

Bà Bông so sánh:

- Gia cảnh nhà mình và nhà bà Thuận giống y nhau, bên nào cũng một mẹ một con mà cá tính hai bà mẹ khác hẳn nhau. Bà Thuận có vài trăm ngàn cứ thế mà vui hưởng nhàn tuổi già rồi thì cho con cháu như mẹ đây có phải là khỏe thân không.

Bà Bông cặn kẽ:

- Con cứ làm kỹ sư sang năm Ngọc Giao ra trường thì cưới nhau, có thêm Ngọc Giao đi làm thì hai vợ chồng con ung dung chán.

- Nhưng đồng lương cố định không thể làm giàu bằng kinh doanh mẹ à.

- Mẹ thừa biết con chỉ muốn làm vừa lòng bà mẹ vợ tương lai chứ con xưa nay có tha thiết gì đến chuyện kinh doanh đâu. Nhưng mẹ lo lắm, khu thương mại đang ế mình ham của rẻ rước về liệu có phục hồi đông khách được không hay lại chết chìm theo đò?

- Mẹ yên chí, con đò chòng chành thì bác Thuận là tay lèo lái rất giỏi, bác Thuận xã giao rộng quen biết nhiều, con tin là bác sẽ có cách để thành công.

Bà Thuận tế nhị và sòng phẳng trên giấy tờ mua bán chủ quyền khu thương mại có tên bà và tên Khôi, ngoài ra bà Thuận còn viết một giấy tay có thị thực chữ ký xác nhận phần tiền của mỗi người góp vào để mua khu thương mại. Bà nói:

- Dù trước sau gì cháu cũng là con rể bác, là chủ khu thương mại nhưng về mặt pháp lý giấy tờ phải rõ ràng đâu ra đấy.

Thế là bà Thuận có cơ hội chứng minh sự hoạt bát tài giỏi của mình.

Hai năm qua bà đã cho thuê với giá rẻ hơn thị trường nên dần dần có người đến ký hợp đồng, và chính bà mở ngay một tiệm giặt lớn với những máy giặt máy xấy mới tinh để kinh doanh và để góp mặt buôn bán trong khu thương mại cho thêm đông vui.

Chủ nhân trông coi tiệm giặt từ sáng tới chiều và cũng là để trông coi khu thương mại luôn.

Tiệm giặt đông khách, những lúc rảnh rỗi Ngọc Giao ra trông tiệm giặt phụ mẹ.

Tiền cho thuê chỗ cộng với tiền lời từ tiệm giặt chưa đủ trả cho mortgage hàng tháng, thiếu bao nhiêu Khôi phải trả thêm vào.

Hi vọng trong tương lai có thêm người thuê chỗ thì sẽ không phải móc thêm tiền túi trả nợ ngân hàng nữa.

Nhưng bà Thuận đã đột ngột qua đời.

**********************

Bà Bông nhìn đồng hồ 6:30 chiều, chỉ còn nửa tiếng nữa là đóng cửa tiệm giặt, từ sáng tới giờ bà mệt nhoài vì phục vụ đủ loại khách hàng, người ta vào giặt đồ kẻ hỏi mua xà bông, người xin đổi tiền lẻ trước khi bỏ vào máy đổi tiền xu.

Người thì khiếu nại máy không chạy, thì ra họ tham lam cố nhồi nhét một đống quần áo vào một máy thay vì số lượng quần áo ấy phải giặt làm hai máy. Thế là máy quá tải bị hư không chạy, chủ nhân không thể bắt đền họ mà còn phải lo sửa máy để phục vụ họ. Còn uất ức nào bằng!!!

Người thì con gào khóc inh ỏi vừa cho quần áo dơ vào máy vừa quát tháo con ầm ĩ làm như tiệm giặt này là góc bếp nhà chị ta.

Vài đứa trẻ con khác đi theo cha mẹ trong lúc cha mẹ bận rộn thì chúng chạy lăng quăng chơi đùa làm như tiệm giặt rộng lớn này là chốn công viên hay khu nhà trẻ...

Bà Bông ngứa cả mắt nhưng chẳng có quyền gì mà tống kẻ phiền nhiễu ra khỏi tiệm khi họ đến đây với danh nghĩa khách hàng, bà chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở cha mẹ hãy trông con cái đừng để chúng làm ầm ĩ hay té ngã, dù trong tiệm cũng có dán cái bảng nhắc nhở này mà hình như chẳng ai quan tâm đến.

Đó là những vất vả xảy ra hàng ngày, thỉnh thoảng có những cú vất vả khác, trời thần hơn.

Tiệm giặt làm trung gian nhận dry clean cho khách hàng để kiếm thêm lợi tức...

Đã mấy lần quần áo mà tiệm giặt mang đi dry clean, xong giao cho khách, chúng bới lông tìm vết ra những vết dơ chẳng biết cũ từ đời tám hoánh nào rồi đổ vạ tại dry clean và bắt bồi thường. Cái áo cái quần đáng giá ít chúng hét giá cao để được đền tiền nhiều.

Bị lạm dụng vài lần bà Bông phải dán thông báo từ nay hàng dry clean chỉ bồi thường tối đa 20 đồng nếu có sự cố chứng minh rõ ràng do sau khi dry clean mà ra.

Đau nhất là bị trộm tiền ngay giữa ban ngày ban mặt mà bà Bông “xớn xác” không biết. Sau mỗi tuần Khôi và Ngọc Giao mới ra mở ngăn tiền xu trong các máy giặt máy xấy thì phát hiện ra vài máy bị ai đó khoắng hết tiền.

Thế là bà Bông phải canh chừng để ý mãi mới tìm ra thủ phạm là hai vợ chồng hay đến tiệm giặt đồ, chị vợ “đảm đang” đứng thong thả dang tay gấp những tấm chăn, tấm vải rộng lớn hòng che khuất mắt bà Bông cho thằng chồng phía sau trổ tài mở hộp tiền trong máy nhanh như chớp. Vợ gấp xong món đồ chồng cũng vét xong tiền trong máy...

Bà Bông mất tiền mà cũng thầm khâm phục vợ chồng nhà này “tình chàng ý thiếp” đề huề, sát cánh kề vai nhau làm kẻ bất lương...

Bà chán làm việc trong môi trường này lắm, mong hết giờ và được trở về nhà trong không gian riêng tư ấm cúng của mình

Bắt đầu từ phút này bà sẽ không nhận thêm khách vào giặt nữa thì cửa mở ra một ông Mỹ đen to lù lù vác bao quần áo cũng to lù lù bước vào.

Bà định lên tiếng từ chối nhưng chợt khựng lại vì đã nhận ra gã, kẻ cách đây một tuần đã làm náo loạn tiệm giặt chỉ vì cái máy giặt bị trục trặc gì đó, thay vì khiếu nại chủ nhân để giải quyết, gã ta thẳng chân đá huỳnh huỵch vào cái máy giặt và chửi thề một tràng tục tĩu. Biết gặp phải thứ chằng ăn trăn quấn không chết bà Bông phải ra xoa dịu cơn sốt giận dữ bừng bừng của gã là đền tiền cho gã bỏ vào máy khác kèm theo cho miễn phí xà bông và lời xin lỗi. Thứ khách dữ dằn này chẳng ai mong đến tiệm vậy mà khi nó xấy quần áo xong bà vẫn vui vẻ tiễn khách bằng câu xã giao muôn thuở “Thank you ! See you again.”

Hôm nay gã lại đến.

Thôi thì bà đành nuốt hận chờ gã giặt đồ xong sẽ đóng cửa tiệm ra về còn hơn từ chối thế nào cũng bị gã sinh sự vì còn nửa tiếng nữa mới tới giờ đóng cửa, gã sẽ có cớ chửi thề, đập phá hay vu khống bà là kỳ thị.

Gã bỏ đống quần áo dơ vào 2 máy giặt, giặt xong thì cũng là giờ tiệm đóng cửa, nhưng chẳng lẽ đuổi khách về với đống quần áo ướt?

Gã bốc chúng qua 2 máy xấy rồi bỏ đi ra ngoài chắc vì không kiên nhẫn ngồi chờ.

Bà Bông ước lượng xấy 2 thùng quần áo kia nhanh nhất cũng mất nửa tiếng, bà thở dài chịu trận và thỉnh thoảng nhìn đồng hồ cũng như lắng nghe xem tiếng máy đã ngừng hay vẫn đang chạy.

Khi 2 máy xấy ngừng chạy là lúc đồng hồ chỉ 7:45 nhưng gã chủ nhân đống quần áo vẫn biệt tăm chưa xuất hiện. Chắc gã đi uống cà phê đâu đó và sắp trở lại?

Lần này sự chờ đợi của bà Bông thật là vô lý, khách giặt xấy đã xong, bà chờ đợi khách rong chơi chưa về…

Mấy lần bà định đóng cửa về cho gã kia một bài học biết điều đừng làm phiền kẻ khác nhưng lương tâm lại không cho phép, lỡ gã giặt xấy và cần quần áo sáng mai đi đâu sớm thì sao? Bà tưởng tượng ra bộ mặt cô hồn và thái độ hung hãn của gã hôm gã đạp xuýt vỡ tung cái máy giặt. Bà sợ lắm.

Đến hơn 8 giờ tối thì bà không còn lòng từ bi và kiên nhẫn nữa, bà quyết định đóng cửa tiệm.

Về đến nhà bà Bông quẳng giỏ xách ra bàn và ngồi xuống ghế thở dài não nề với con:

- Chưa hôm nào căng thẳng như hôm nay.

- Tiệm đông khách lắm hả mẹ? con đoán thế nên không dám gọi phone hỏi mẹ sợ làm mẹ bận rộn thêm.

- Chỉ vì một thằng khách hàng ba búa mẹ phải ngồi lại chầu chực đếm từng phút thời gian qua.

Bà kể cho Khôi nghe về gã khách phá hoại lần kia và buổi giặt xấy quần áo lần này, kết luận:

- Không biết sáng mai đến lấy quần áo gã có sinh sự gì không dù lỗi ở gã 100%.

Khôi phụ họa với mẹ:

- Có người hăm hở ôm quần áo dơ đi giặt xấy nhưng cuối cùng thì bỏ đống quần áo lại tiệm và không hề quay lại nhận. Chẳng lẽ hôm nay đi giặt quần áo hôm sau họ bỗng chốc mắc bệnh quên hay… lên cơn đột tử? bác Thuận trông tiệm giặt 2 năm mà lưu giữ mấy bao quần áo vô thừa nhận, chờ đợi chủ một ngày nào đó xuất hiện cho đến 6 tháng trở đi bác mới đem cho Goodwill.

- Mẹ mệt mỏi qúa rồi con ơi, không phải khách hàng nào cũng bình thường, gặp khách loại này mẹ đau thần kinh hay chết sớm thôi. Chuyện rao bán khu thương mại tới đâu rồi? con bán gấp đi để giải thoát cho mẹ.

Khôi chán nản:

- Mẹ biết rồi đấy có vài mối ký hợp đồng thuê chỗ với bác Thuận đều là bạn bè, người quen .Tuy giá rẻ nhưng họ chỉ ký hợp đồng ngắn hạn 2 năm xem tình hình buôn bán ra sao, nay họ đều than ế và muốn rút lui…

Vẫn giọng chán nản Khôi tiếp:

- Khu thương mại còn vắng người thuê nên không được giá và khó bán, mẹ ráng trông coi tiệm giặt thêm một thời gian chờ có thêm vài business đến thuê chỗ, người thuê đông thì vừa có giá vừa dễ bán... Con đang ráo riết đăng quảng cáo cho thuê chỗ từ cộng đồng người Mỹ đến cộng đồng người Việt rồi.

Bà Bông rên rỉ:

- Ối giời ôi! khổ thân con tôi, khổ thân tôi. Bà Thuận thế mà sướng, thảnh thơi yên ngủ giấc ngàn Thu nơi suối vàng mát mẻ để lại cho con lãnh nợ, mẹ cũng vì con mà lãnh nợ lây mỗi ngày phải lê tấm thân già ra tiệm giặt đối diện với đủ thứ hạng người. Mẹ sợ hạng “Chí Phèo” như hôm qua lắm...

Khôi đang lo buồn cũng ngạc nhiên, tò mò:

- Chí Phèo là ai hả mẹ?

Bà Bông bực mình gắt:

- Là chồng bá vơ của chị Thị Nở. trong văn chương Việt Nam xưa con không biết đâu, cái thằng khách đá máy giặt ăn vạ là thằng Chí Phèo mẹ nói đến đấy.

Khôi an ủi mẹ:

- Còn có nhiều người khách đàng hoàng khác, không phải ai cũng là ông Chí Phèo mà mẹ…

Bà Bông vì thương con, vì xót xa tiền của con bỏ ra nên phải ra trông coi tiệm giặt, thay thế vai trò của bà Thuận. cũng ngồi từ sáng tới chiều, bà chán nản và bất bình lắm. chỉ chờ mong ngày bán được khu thương mại.

***************

Khôi vừa đi làm về thì cell phone ring. Ngọc Giao gọi, nàng đang ở tiệm giặt, giọng nàng không được vui:

- Trưa nay em rảnh nên đến trông tiệm cho mẹ anh, mẹ anh đang trên đường về…

- Ừ, bất cứ lúc nào anh hay em có thì giờ rảnh thì trông tiệm cho mẹ nghỉ, để mẹ làm công việc bất đắc dĩ anh chẳng yên lòng...

- Em biết rồi, nhưng với mẹ em thì là công việc yêu thích nếu kiếm được tiền cho con cái, vì con cái…

Khôi tự ái:

- Em nói thế chẳng khác nào phê bình mẹ anh không biết hi sinh cho con cái. Ai đang mỗi ngày trông coi tiệm giặt cho chúng ta?

- Vì mẹ anh xót xa tiền của anh bỏ ra. Không phải là mẹ anh đang mong từng ngày bán được cái khu thương mại hay sao?

Khôi thêm tự ái:

- Chúng ta không ba đầu sáu tay mà trông coi khu thương mại được, hơn nữa lại đang ế, không có triển vọng tốt đẹp nào. Anh cũng ngao ngán và mệt mỏi lắm rồi, đến nỗi thỉnh thoảng anh còn thấy khu thương mại hiện ra trong cơn ác mộng, mở mắt ra mộng và thực đều làm anh toát mồ hôi...

Ngọc Giao sụt sùi:

- Mẹ anh không thông cảm đã đành mà anh cũng nói lời vô tâm ấy nữa. Có ai muốn thế đâu, mẹ em chết bất ngờ em đau khổ biết bao nhiêu…

Khôi dịu giọng lại:

- Anh hiểu ý tốt của mẹ em, anh có trách là trách ông trời mà thôi.

- Còn em thì chỉ nghe toàn là những lời than thở, từ mẹ anh lại đến anh. Em cũng mệt mỏi và căng thẳng lắm rồi.

- Em nên thông cảm cho mẹ anh, cả một đời mẹ anh chăm chỉ làm việc, cuộc sống căn cơ ổn định, mẹ anh đang vui hưởng nghỉ hưu non, bà không hề có máu kinh doanh, và rất ghét kinh doanh.

Ngọc Giao vùng vằng:

- Vậy anh cứ rao bán khu thương mại đi, bán gấp đi, được bao nhiêu thì được, lỗ tính vào phần vốn của mẹ em, anh sẽ không thiệt thòi gì cả...

Khôi bực mình:

- Em tưởng anh chỉ vì tiền à? Em cũng không hề hiểu tâm trạng anh lúc này.

Ngọc Giao cúp phone vì có khách đang đến hỏi han điều gì đó, bỏ mặc Khôi ngổn ngang lo buồn.

Khôi như đứng giữa ngã ba đường, một bên Ngọc Giao buồn trách mẹ chàng không bao dung thông cảm và một bên mẹ Khôi bất mãn bà Thuận, trách bà Thuận đã lôi kéo Khôi vào công việc kinh doanh bất đắc dĩ này để Khôi đang lãnh nợ ngập đầu. Bà ngấm ngầm oán hận lây qua Ngọc Giao, suy cho cùng vì Ngọc Giao mà ra.

Dù những lúc rảnh rỗi Ngọc Giao đã biết điều ra trông coi tiệm giặt cho bà Bông về nhà nghỉ, ân cần dịu ngọt với bà, nhưng bà Bông vẫn không thể thân mật với Ngọc Giao như trước kia.

Ngọc Giao hiểu điều này và nàng chỉ biết dỗi hờn dằn vặt với Khôi...

Bà Bông về tới nhà, nhìn gương mặt nặng nề xưng xỉa của mẹ, Khôi đã linh cảm ngay:

- Hôm nay mẹ lại gặp ông “Chí Phèo”, gã lại đá máy giặt hay máy xấy ăn vạ bắt đền hả mẹ?

- Chẳng Chí Phèo, Thị Nở nào cả, mà ngay người nhà mình, Ngọc Giao của con chứ ai.

Hèn gì lúc nãy Ngọc Giao gọi phone cho Khôi với giọng không vui mà Khôi chưa kịp hỏi cho ra lẽ. Bà Bông kể lể:

- Mẹ và Ngọc Giao vừa xảy ra bất đồng vì khu thương mại đấy. Mỗi tháng con phải è cổ ra trả thêm tiền cho mortgage và món nợ 600 ngàn như con ma ám, như cái án treo trên vai cho đến khi nào bán được khu thương mại trả nợ mới thôi, mỗi ngày mẹ phải sáng đi chiều về trông coi tiệm giặt. Vậy mà nó chỉ đánh giá cao sự hi sinh của mẹ nó, kinh doanh khu thương mại này cho các con, miếng ăn ngon chưa tới miệng đã được kể công rồi, thế có điên tiết không!

Khôi ngồi ra ghế hai tay ôm đầu rên rỉ:

- Những điều này con đã nghe nhiều lần từ ngày bác Thuận chết đi, từ mấy tháng nay rồi, con khổ tâm lắm. Mẹ và Ngọc Giao ai cũng có lý và đúng cả…

- Nhưng giá ngày ấy con nghe lời mẹ viện cớ nào đó từ chối hợp tác, từ chối lãnh nợ thì bà Thuận cũng dẹp giấc mơ mua khu thương mại, bây giờ đỡ khổ biết bao.

Bà Bông ai oán tiếp:

- Nhân gian có câu : ”Trên đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Mẹ đã làm mai mấy vụ, bây giờ đến lượt con “lãnh nợ”. Hay mẹ đã… di truyền cho con? “mẹ nào con nấy” hả con ơi?

Khôi đỡ lời cho mẹ:

- Mẹ con mình làm mai và lãnh nợ là làm điều tốt giúp người mà... Ai khôn ngoan thì mặc kệ họ, chúng ta dại mà có nghĩa có tình.

Bà Bông vẫn âu sầu:

- Mẹ không nên trách con mới phải. Không biết là khu thương mại gắng gượng được bao lâu? Khách mới chưa thêm ai mà khách cũ đang đòi dọn đi. Thấy khu thương mại vắng khách mẹ đau lòng lắm.

- Con cũng lo như mẹ, có mấy người đến coi cơ sở và địa điểm xong không thấy quay lại, con biết ngay là họ chê, cứ thế này con trả nợ cả đời không hết.

- Mẹ nói thật nhé bà Thuận có sống lại cũng chẳng tài nào mà bắt khu thương mại sầm uất lên được. Làm ăn cũng cần có duyên trời cho.

Khôi chợt đứng phắt dậy và rút… cell phone trong túi quần ra bấm số lia lịa. Bà Bông hốt hoảng:

- Thái độ con rút cell phone làm mẹ hết hồn, cứ tưởng con… rút súng... Con gọi cho Ngọc Giao đấy à? Con mách với nó mẹ vừa chê bà Thuận đấy à?

Khôi không trả lời mẹ vì đầu giây kia người ta đã bốc phone. Khôi nói:

- Chào anh Lê Vương realtor. Tôi là Khôi chủ nhân khu thương mại…

Bên kia vui vẻ nói ngay:

- Vâng, tôi Lê Vương đây… tôi biết khu thương mại của anh rồi. Chính tôi cũng là người đứng ra rao bán nó cho chủ nhân trước, họ đã bán lỗ vài trăm ngàn.

- Tôi cũng… sẵn sàng bán lỗ đây, anh rao bán khu thương mại cho tôi càng sớm càng tốt, giá nào có thể bán được thì anh đề nghị ra.

- Ngày mai tôi sẽ cho anh con số cụ thể theo tình trạng khu thương mại ấy và theo giá thị trường hiện nay... Chào anh.

Khôi cúp phone và thầm mong ngày khu thương mại lên thị trường “For sale” sẽ có bà nào đó lanh chanh như bà Thuận nổi máu kinh doanh và sẽ có anh chàng nào đó lụy tình giống như Khôi mà nhảy vào “lãnh nợ” giúp bà mẹ vợ tương lại mua khu thương mại mau lẹ cho rồi.

Khôi quay ra nói với mẹ, khôi hài cho mẹ vui:

- Mẹ ơi, con nghĩ ra rồi, thà bán ngay đi dù lỗ vốn ít hay nhiều cho rảnh tay rảnh nợ. Cứ coi như nhà mình vừa… bị cướp xông vào vơ vét tiền bạc mà mẹ con mình may mắn không bị bắn giết gì cả, của đi thay người mẹ nhé, còn hơn là cứ ôm khu thương mại chờ đợi, cả mẹ, con và Ngọc Giao sẽ căng thẳng, sẽ điên đầu. Nhất là kéo dài tình trạng này thì tình cảm giữa con và Ngọc Giao sẽ rạn nứt mất thôi, con hi sinh mất tiền mà giữ được tình yêu.

Bà Bông thương cảm nhìn con và cũng khôi hài cho con vui:

- Lỗ vốn bao nhiêu nhằm nhò gì, đồng tiền mất đi có thể kiếm lại được, tình yêu mới là vô giá đấy con. Riêng mẹ không phải ra trông coi tiệm giặt, không gặp lại thằng cha “Chí Phèo” kia là đủ vui hưởng tuổi già về hưu của mẹ rồi.

Nguyễn Thị Thanh Dương