"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Cô-Gái-Rượu

cám ơn cô Ba Quyên.

 

Vén trang đầu tuyển-tập-thơ-văn-viết-dưới-hiên-trăng (*), cô.gái.rượu có lời Tựa như vầy...

“ Đà lạt những ngày mưa của tuổi thơ tôi là những đêm nằm gối đầu lên tay ba nghe kể chuyện hay đọc truyện. Một lần ba cầm quyển Lục Vân Tiên biểu đọc một đoạn cho ba nghe, tôi đọc một đoạn, ba chê đọc mà không biểu cảm chi hết, phải đọc như vầy nè. Xong ba lên bổng xuống trầm đọc làm mẫu. Tôi gồng mình đọc theo ba, vẫn không đạt yêu cầu nên từ đó ít khi nào có đủ dũng khí đứng trước ba đọc thơ nữa. Cho tới miết sau này…

Tôi lớn lên làm quen với những lời thơ giản dị, rất mực đời thường của ba trong những tập “Nhật thi” về sún răng, sổ mũi, về khóc cười cơm áo, về ông đi qua bà đi lại, về buồn vui của xóm nhỏ. Ba đem những khốn khó, lo toan vào ngòi bút, thổi phù một cái ra những vần thơ nhẹ nhàng biết cười.

Cái xóm nhỏ đó, tuổi thơ đó, ngày rời đi tôi chỉ mang theo chút xíu kỷ niệm rớt bên này rơi bên kia, cho đến khi ba đem tôi về xóm đình Đa Cát… Nói Ba đem tôi về xóm đình cũng không đúng lắm, là Ba đem tôi về với hoài niệm tuổi thơ của Ba- ở cái xóm tưởng như xa lạ mà thân quen đó. Cũng cùng mảnh đất, con nguời (đã cũ) mà tôi đã trải qua gần hai mươi năm đầu đời của mình, bỗng chốc hóa thành một nơi chốn dung dị mà đầy ắp yêu thương, đầy ắp những tấm chân tình mộc mạc. Tôi đi qua xóm đình, đi qua đồi trọc, mắt thấy hoa quỳ giăng vàng ngõ, gặp chú Tư Sang, bác Ba Cận, ôn Cai Hoành, mệ Miên, chị Hẹ, anh Tấn, “cu trọc răng sún” … những nhân vật thực mà hư, hư mà thực, cảm nhận đâu đó là sợi dây vô hình nối buộc giữa hoài niệm tưởng như không bao giờ vơi của ba và ký ức ít ỏi của tôi về quê hương.

Ba viết về Ôn vầy : “Ba tôi nói tôi có tâm hồn nghệ sĩ. Tôi không hiểu một tâm hồn nghệ sĩ là như thế nào. Có hào phóng như Ba tôi không? Và nhất là có những bài thơ mà Ông thường đọc lên cho bạn bè cùng nghe. Thơ đọc hoài không hết. Lúc nào trên bàn ngủ của Ông cũng có một cây đèn sáp, một cuốn vở trắng và một cây bút. Ông thường nói với chúng tôi là Ông sẽ ghi những câu thơ bất chợt đến trong giấc ngủ. Bởi thơ chợt về trong giấc ngủ là Thi Thần.” Khi đọc những lời này, tôi bật cười vì ba cũng không khác Ôn là bao. Trong túi áo, túi quần hay trong xe ba, đầy những tờ giấy những lời thơ viết vội. Trong cuộc sống, dù là một cơn gió nhẹ thoảng qua hay cuồng phong càn quét, ba trầm ngâm buổi đêm, rồi hôm sau Cõi Thơ Trần lại thêm tâm tình mới. Có điều có phải là Thi Thần không thì tôi không biết vì “cô Ba nói cũng tại đời dâu bể/thơ bỗng trào dâng câu chữ tiếp vần”Viết đối với ba, như là lẽ sống. Ba khóc, ba cười bằng thơ, bằng chữ. Bên bữa cơm tối một ngày cuối năm, một người bạn của gia đình nhắc đến câu “chỉ còn thơ ở lại của Ba, tôi nói anh coi có một ngày ba em sẽ rời xa thế giới này, sẽ có lúc người ta không còn nhớ ba em là ai nữa nhưng có lẽ có người vẫn còn nhắc nhớ câu thơ này của ba em. Tôi nghĩ những người cầm viết, niềm vui lớn nhất là được người đọc cảm nhận được những gì mình viết. Một câu, một đoạn nào đó sẽ gợi nhớ một hình ảnh, một kỷ niệm nào đó, để lại trong lòng ấn tượng không quên. Như tôi, là “con quỳ lạy mẹ con đi/ nước non ngàn dặm biệt ly xót lòng.” Như với người xa quê, có lẽ là “ta đâu phải giang hồ thứ thiệt/bỏ nhà đi nhớ quá lại quay về/vậy là lòng còn vướng víu tình quê/tới một bước lại giựt lùi hai bước.” Hay “tôi đi lâu quá rồi đâu biết/giờ bầy chim sẻ lạc về đâu!” 

Về với hiên trăng của Ba, nếm thử tô mì Quảng, món bún bò Huế, con cá he chiên hay dĩa cơm hến của o Bình định của ba nấu, lại mênh mang trở về ngày cũ. Nghe bình yên là vậy, nhưng dông bão thỉnh thoảng vẫn quét qua.

Ngày đó tôi ghé qua, thấy ba ngồi rũ người trước hồ cá. Lòng dạ như nuốt vài chén muối. Với ba, buồn còn thêm mấy nỗi: “con ở phương xa buồn trây đời lưu lạc/nôn nóng về mà lực bất tòng tâm/ai hối thời gian cứ tra nần vết nám/ngó lại mình sắp vói cổ lai hi.” Rồi ý tưởng “viết dưới hiên trăng” của người đi xa…

Từ lúc ba hỏi tôi viết lời tựa cho tập thơ mà ông tâm đắc này, những ý tưởng đứt đoạn cứ đến rồi đi qua nhiều tháng mà tôi vẫn không thể ngồi lại viết một đoạn cho ra hồn. Rốt cuộc cũng vì cái bóng lúc đọc thơ Lục Vân Tiên mà ra. Câu thường xuyên nghe tới gần đây từ tựa đề của một tác giả tôi yêu thích là, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,” tôi không cần mua vé vì đã có ba là người lái tàu cần mẫn chở tôi đi miễn phí qua miền ký ức để về với tuổi thơ bất cứ lúc nào, khuyến mãi thêm miền hồi ức và nỗi niềm của ba.

Nói là tập thơ cuối đời, nhưng đối với một người “vốn làm thơ suốt đời không nhả’ và với “mái hiên sau làm hiên trăng đặng mỗi sáng mỗi chiều mỗi tối ra ngồi thầm lặng một mình thấy mình soi mình tìm ngó những gì đã qua và sắp tới,” Ba sẽ không dừng lại, sẽ tiếp tục vui tiếp tục buồn với thơ, với chữ. Vì rốt cuộc thì:

Thời gian rồi sẽ qua đi

Đời người rồi sẽ xa đi                          

Chỉ còn thơ ở lại…

TRẦN THỤC QUYÊN

Đêm Trừ Tịch 2017 

cô-gái-rượu có nói thiệt lòng ...” từ lúc Ba tôi hỏi tôi viết lời tựa cho tập thơ mà ông tâm đắc này, những ý tưởng đứt đoạn cứ đến rồi đi qua nhiều tháng mà tôi vẫn không thể ngồi lại viết một đoạn cho ra hồn...” 

Hồn dạng lạc nơi mô mà đòi chờ cho ra vô phiền dỗi dữ rứa, cô-gái-rượu?.  So lại nhiều tháng với sớt lại nhiều năm cha con mình từng sống trên rẻo đất nhỏ nhoi, nơi Ba(Mạ) từng đã sinh ra rồi tới lượt con, anh Hai Trí, em Tư Đào, Út Linh cũng sinh ra từ nơi ấy, có thấm chi?. Một nơi chốn gắn bó lưu truyền dòng đời tiếp nối . Hèn chi Ba cứ ưng câu...khi ta ở đất chỉ là  ở/khi xa đi đất hóa tâm hồn...                                              

Hỏi con còn nhớ ôn mệ Cai Hoành không?. Con còn nhớ ôn mệ Lào không?.

Hồi nội ngoại con khởi từ Mệ Cai Hoành(xa tay)Ôn cai Hoành rồi Ôn Lào(tay xa)Mệ Lào là, lâu hung lắm thời gian, hồi Ba mới ba ngày mồ côi thèm khát sữa mẹ rồi lấn dần lên hồi Ba trưởng thành vướng tình ưng ý với Mạ con têm trầu cau cánh phượng. Thời gian không ngừng nghỉ dòng trôi cứ rộng mở trang đời cho tới khi anh em con có được chan chung với Ba cay-đắng-ngot-bùi từ  một nơi chốn (nói gần xa chẳng thà nói thiệt) là có quá nhiều kỷ niệm ở chốn (quê) nhà chen chúc một (mái)nhà...

Nói ra rứa là nói ngọn ngành khúc chiết để con thấu hiểu tại làm răng mà ra nỗi Ba cứ đòi thơ&văn nhắc chuyện hồi xưa nhớ về một nơi chốn chừ đã ngàn.dặm.biệt.ly...

Có thể là Đông Đoài dị biệt trẻ già khác biệt nhưng nếu có một lúc nào con tự dưng nhớ về chắc là con cũng không quên, không thể nào quên...

...là hồi đó nhà mình...Mái, lợp giấy dầu. Vách, che nhờ ván ép. Mưa, nước giọt hứng thau. Nắng, ngó nhau chịu nóng. Vui, có mấy đứa bây... Buồn, cũng lay mấy đứa bây...Thiệt ấm nồng.

Rồi cả nhà mình nổi cơn ho trúng mùa H.O.  Rồi hò nhau xa quê  tới nổi cứ dây dưa nỗi buồn cố hương từ nớ tới nay. Đông vói Đoài ngàn dặm!...

May là Ba còn kịp gói cuộn thơ văn đem theo mới ra nỗi bây chừ thơ&văn lộng gió bốn phương Đời(chưa lên Trời). Như nếu mà không gói kịp thì bây chừ e là lạc loài mất dấu có mô mà đòi lại hồi xưa...

Chuyện tình Đời qua thời gian có dịp ngồi bên nhau nhắc lại, chỉ là chuyện vui buồn nói đó rồi quên đó. Chuyện kể từ tình Thơ thì sống đai... 

Nay con còn có dịp nối dài qua thơ văn gợi thêm nhiều kỷ niệm từ chuổi thời gian đầu đời nơi sinh ra chưa kịp trớn trưởng thành, đã phải rời xa. Một nơi chốn mà lòng Ba cứ giú hoài chưa bưa giữ hoài không ngạ hằng.hà.sa kỷ niệm mới ra nông nổi nửa đời mình xa mà bắt nhớ réo gọi về!.

Khi tôi đi mùa hồng chưa kịp chín

Cơn mưa mùa chuẩn bị về qua

Con dốc Linh Quang quỳ hương che kín

Đường Ngô Quyền lạc dấu tình xa

Tôi bỏ lại rất nhiều kỷ niệm

Kỷ niệm nào cũng thấy dễ thương

Đường xa quá, gánh gồng thêm bất tiện

Nên phải đành, gởi lại quê hương !

 

Gởi con cá Tràu dòng Cam Ly Hạ

Bụi Sim rừng ở đồi Trọc, Rừng Ngo

Con dế kêu sương dưới lùm cỏ dại

Con diều bay vuốt gió hục Bà Sơ 

 

Gởi trường Bạch Đằng bốn-mùa-lộng-gió

Cái quần đùi buộc túm dây thun

Đám bạn đầu trần tay chân trổ mốc

Con dốc Đa Trung nắng bụi mưa bùn 

Gởi trái ổi ôn Cai Hoành ngọt lịm

Hái dành cho “cô gái rượu” ôn Lào

Trái mồng tơi giã nghiền làm mực tím

Vỏ bao nhang thấm nước làm phấn son

Gởi những đêm trăng rượt-bắt-cứu-tù

Thấy anh Lạc ôm hun chị Hẹ

Thấy mái Đình cong dáng buồn ủ rũ

Nhớ chiêng khua trống rộn buổi hội hè

Gởi lại mùa Thu lá vàng lối nhỏ

Nắng hanh se rồi mưa bụi phấn rơi

Cũng tại mùa này tôi biết làm Thơ

Khóc gió thương mây học đòi người lớn

Gởi nụ hôn đầu sau vườn ổi Sẻ

Vị mặn cay muối ớt rát bờ môi

Để tôi biết vị tình yêu là thế

Ngọt-đắng-chua-cay, có cả mặn mòi !

 

Gởi lại tháng, năm vào đời khôn lớn

Ở một nơi yêu dấu lắm : Quê Hương

Giờ phải xa đi, tôi thiệt quá buồn

Bút mực nào gởi hết nhớ thương !... 

 

Là rứa đó, con...

Đã(quá cảnh) một thời trôi sông lạc bến tới nơi đất lạ quê người, con bắt gặp lại mái hiên trăng tìm thấy lại dáng người ngồi lặng thầm năm tháng đọc thêm thơ văn về một nơi chốn con từng gắn bó rồi xa...

Con lạ lẫm không ngờ được vói bắt thêm nhiều kỷ niệm(in tuồng như nghe lời thầm thì)tác giả nhắc nhớ một thời thơ ấu của mình về một chốn xưa...

Ở tuổi chiều đời mà tác giả[là Ba của con đó chớ ai mô vô đây ]rưng lòng hoài nhớ cố nài cho được câu chữ tìm về dàn trải tâm tình giữ níu hương xưa đó thôi...

Bởi...

Có những đêm khuya nghe tiếng sương rơi rớt hột ngoài thềm nghe tiếng gió hú từ ngàn thổi tràn về da diết nghe dế kêu sương gọi nhớ vô chừng về một thời thơ ấu...những buổi sớm mơi trời se lạnh...những chiều vàng nắng hanh giữa không gian tĩnh mịch...

Còn có nhiều lắm những hình ảnh bất chợt gợi nhớ về một nơi chốn đã từng gắn bó rồi đành đoạn bỏ đi xa...

Ba không thể dứt lòng bỏ lơ mới ray rứt nhiều thêm đêm khuya nhiều thêm sáng sớm nhiều thêm ngày tháng nhiều thêm câu chữ... 

Đưa con coi bản thảo tuyển tập là đưa con ngó thêm thăm thẳm năm tháng đi qua thương.hải.tang.điền, e rồi tới một hồi mô đó, nếu như không kịp ghi nhớ lại là chắc sẽ rời xa mất dấu...mất tăm...

Ưng con viết lời tựa là ưng con cùng chia xẻ tâm tình về một rẻo đất nhỏ nhưng to quá chừng, hoài niệm.

         Con cũng(viết)Văn, thi thoảng(làm)Thơ mà... 

Bài Tựa của cô-gái-rượu, Ba ưng ý ngay từ khi nhận được. Mô có ngờ con ni cũng trùng khơi sóng nhớ quá chừng chừng!.

Rứa là đồng điệu rồi đó hỉ!. 

Cám ơn cô Ba Quyên... 

viết dưới hiên trăng, 09/2018

Trần Huy Sao

(* ) Tuyển tập Thơ Văn VIẾT DƯỚI HIÊN TRĂNG