"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

 

Búp Nụ Một Thời

gởi về thị trấn vùng cao một thời nương náu

Hồi đó, nắng chiều tháng Bảy. Miền nắng sầu lòng bởi nhìn nắng mà thấy vàng hoe tĩnh lặng. Hàng dừa trước sân tĩnh lặng. Ngôi nhà tĩnh lặng.

Dượng Ngạc ôm cây đàn nhị ngồi ở góc phòng nắng chiếu qua song cửa.

Ôn ngồi trên chiếc ghế bành to trong góc phòng, gác chân chữ ngũ, đăm chiêu .

Nắng chiều rãi thảm ngoài kia, trên mảnh sân rộng ngan ngát mùi thơm hoa Lài, hoa Sứ , hoa Ngọc Lan.

Ôn chờ lắng nghe tiếng đờn để nhận mặt họ hàng.

Dượng Ngạc buộc phải đàn cho Ôn nhận mặt vì dưới mắt nhìn của Ôn, Dượng là người khác miền, khác giọng, khác phong cách sao lại lạc đường vào gia phả.

Ôn đã có nghe Ba tôi nói rõ lai lịch về Dượng . Ôn chưa ưng bụng dù biết Dượng văn hay chữ tốt là quan lại triều đình. Quan quyền chưa đủ để O Nhạn tôi từ chối mối mai nhiều đám để quyết lòng theo Dượng.

Nghe rằng Dượng có ngón đờn tuyệt kỷ mà quyến rũ lòng O. Ôn muốn nghe ra cho thỏa.

Bà con đông đủ chen nhau bên nhà chú Cẩn. Chờ nghe tiếng đàn và chờ nghe tiếng nói quyết định của Ôn về hoàn cảnh một người từ quê cũ xa xôi tìm tới vùng đất mới nhận mặt họ hàng dựa hơi nương náu.

Tôi thì không biết chuyện người lớn trong họ tộc, chỉ háo hức chờ nghe tiếng đờn của Dượng.

Tiếng đờn đến nỗi chi mà để O Nhạn của tôi phải xiêu lòng gá nghĩa trăm năm.

Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

Dượng ở xứ Quảng ra thi, đi không đành với O Nhạn của tôi. Tình yêu O chắc mắc nợ với tiếng đàn mà không chừng có nhiều kỷ niệm để gắn bó vì nhau. Và vì đâu mà Dượng bỏ lại trời cố quận để khăn gói vô mảnh đất mới, nơi có họ hàng bên vợ đang quây quần lập nghiệp gầy dựng cơ ngơi sinh sôi nẩy nở.

Giờ đây, tháng Bảy, ngồi ôm cây đàn dạo khúc ngũ cung. Dượng nhớ O tôi một thời chia xẻ ấm nồng. Nay O…xa biệt nghìn trùng là xa biệt nghìn trùng…bơ vơ mình…bơ vơ tình…ứ a là xứ lạ…

Tiếng đàn của Dượng ngân vang thoát lên ngọn dừa, lên khoảng trời chiều nhá nhem. Buồn thấu tâm can. Buồn thấm đất.

Dượng rơi nước mắt. Nước mắt rơi xuống phím đàn.

Tháng Bảy, quê hương chờ mưa Ngâu cho truyền thuyết Ngưu Lang- Chức Nữ gặp nhau. Còn có được gặp nhau dù chỉ một lần.

Dượng thì không, không còn, có dịp gặp lại O Nhạn của tôi lần nào nữa !

Ôn thở dài, mắt đỏ, buồn hiu.

Mấy O tôi chùi mau nước mắt thương nhớ em, giấu mặt sợ mọi người ngó, ốt dột.

Tôi ngồi ở góc cuối phòng thấy O Ba tôi vội vàng dẫn thằng em cô cậu của tôi, thằng Trai, chạy vội ra sân.

Gọi quen là o Ba nhưng O tên là Yến.

Chị ba Yến nhớ thương em tư Nhạn…

Có  điều buồn chia  cảnh giống Dượng Tư Nhạn  là vì Dượng Ba tôi cũng đã mất, O đành bỏ quê lưu lạc vô đây … xa biệt nghìn trùng là xa biệt nghìn trùng…bơ vơ mình…bơ vơ tình…ứ a là xứ lạ

O khóc thương em là khóc thương thân phận của mình !

Tiếng đàn của Dượng Ngạc tôi đã kéo bà con dòng tộc gần nhau. Kéo Dượng tìm vô chung ấm nồng.

Ôn tôi thì mủi lòng hoàn cảnh Dượng bơ vơ đơn độc tha hương tìm nhận mặt họ hàng. Nghe tiếng đờn thanh thoát, mang mang hoài cổ, lại thiệt lòng níu gọi tình yêu thương người ở với người đừng xẻ lòng chia xa. Ôn gật đầu ưng chịu.

Dượng được phân công việc quản gia ngôi biệt thự ( màu vôi trắng nên thường quen gọi là Biệt Thự Trắng ) của ông anh con chú bác, nằm ở cuối góc đường Phan Chu Trinh- Quang Trung, thị xã Ban Mê Thuột ( sát mặt sau rạp chiếu bóng Tương Hiệp, ngó xéo qua bên trái là ngôi Nhà Thờ Lớn, ngó xéo xuống bên phải là khách sạn của bà Lý Trần Lý ).

Cuối sân biệt thự là một dãy nhà ngang bốn phòng. Phòng đầu, nối sát với  garage lớn, là Ba tôi ( và anh em tôi) ở, phòng thứ hai là của Dượng, phòng thứ ba bỏ trống, phòng thứ tư là nhà kho một nửa và phòng vệ sinh (rộng rinh) một nửa.

Dượng tiếng là quản gia nhưng công việc rất nhàn hạ. Chỉ sáng mở khóa cổng trước rồi xế chiều đóng lại. Việc quét dọn, lau chùi đã có vợ chồng  anh Y’Nút lo, mỗi tuần một ngày.

Anh Y’Nút !. Thiệt tình là cái anh chàng  rách việc ! Chẳng làm gì !.Chỉ đi lên, đi xuống thang lầu. Ra sân trước rồi bước  sân sau, hút tẩu thuốc, ngó quanh, để bà vợ lau chùi hết bàn ghế tới cầu thang rồi tới sàn gạch phòng ốc.

Tôi bất bình, có hỏi chị H’Liêng sao chị không để anh làm chia với chị. Một mình chị làm không nổi chịu. Nhà rộng quá mà !.

Chị cười ngất, hồn nhiên nói nó không làm việc này đâu, nó làm việc khác lấy cái cơm nuôi vợ. À, tôi nghĩ ra là anh Y’Nút phải làm công việc nặng nề hơn. Anh đứng máy cưa xẻ hàng ngày, chỉnh độ dày mỏng theo yêu cầu của khách hàng. Ván xẻ ra, anh chịu trách nhiệm cùng với (gọi là nhóm xẻ ván) cào lớp mạt cưa đưa ra một khoảng sân riêng, dọn dẹp bìa ván xẻ đưa ra một nơi riêng . Cuối cùng còn lại là những tấm ván dài, ngắn khổ rộng hẹp theo yêu cầu của khách hàng được sắp xếp gọn gàng ở sân trước. Có anh Hòa thư ký ghi từng số lô ván theo hóa đơn để giao đúng hẹn theo hợp đồng thỏa thuận.

Đống mạt cưa cao như đồi thì hầu như cho không, ai muốn tới lấy bao nhiêu cũng được. Ván xẻ triên bìa, cũng chỉ dùng làm củi đốt, bán với giá tượng trưng. Có nghỉa là vừa bán vừa cho.

Chị xem ra cũng hiểu lòng anh. Con voi rừng mà bắt đi nhổ cỏ thì chắc là không ưng bụng rồi. Ông anh tôi cũng có ý là để anh nghỉ thoải mái một ngày không ở xưởng cưa bởi anh nghỉ một ngày ở xưởng cưa là coi như là không nghỉ. Ngồi hút thuốc bên lò lửa một hồi rồi thế nào rồi cũng ra bãi mạt cưa xăng xái cào xới gọn gàng, qua bãi củi sắp xếp ngăn nắp triên bìa một bên, ván lép thải một bên. Lâu lâu lại chạy vô giàn máy phụ với nhóm xẻ ván đưa ván ra ngoài bãi. Nói chung là không có ngày nào anh muốn được nghỉ kể cả ngày Chủ nhật ( thứ Bảy xưởng vẫn làm). Ngày nghỉ của anh là ngày theo chị đi làm cho đẹp ( như lời anh nói ) cái nhà của ông chủ. Anh đi vì ông chủ muốn tao làm đẹp cái nhà ( cũng lời anh nói ) nên khó  bụng mà phải  đi đừng để  bỏ cái bụng tao ở lại,  ( xưởng cưa ), chắc ý anh muốn nói, là vậy !

Chị nói rõ hơn cho tôi hiểu là nó tới chỗ làm đẹp cái nhà mà nó còn thương lại cái máy còn ăn cái cây. Nó không ưng cái bụng thì nó hút thuốc nhiều hung.

Tôi thì nghĩ khác. Tất nhiên là anh không ưng công việc này. Chị cũng không ưng cho anh làm công việc này. Ở phòng khách, khi chị đang lau chùi, tôi nghe hai người nói qua nói lại, rồi thấy anh tiu nghỉu bước ra sân sau. Tôi tò mò chạy vội theo hỏi sao anh không làm việc cùng với chị. Sao đi một mình. Anh cười hồn nhiên, nói :

-Nó ưng tao đi hút thuốc.

Chị ưng anh đi hút thuốc là ý chị ưng anh nghỉ ngơi thôi, đừng làm gì hết. Là tình yêu chị dành riêng cho anh. Tôi thiệt lòng ngưỡng mộ tình chị H’Liêng thương yêu  anh Y’Nút.

Thấy  anh ra  sân sau  bật  lửa  châm vố thuốc  theo lời chị. Dáng ngồi thanh thản. Một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa tình yêu.

Vừa đúng lúc khói tình từ vố thuốc bay lên tản mạn sân sau thì trong phòng riêng, tiếng đàn của Dượng tôi ngân vang réo rắt .

Sao mà đúng thời.

Sao mà đúng điệu lảng đãng khói thuốc hòa nhập tiếng đàn réo rắt.

Anh K’Nút thả khói thuốc bay lên bay theo ý lòng người vợ H’ Liêng đang còn đó, đang lau chùi, đang làm đẹp nhà người chủ.

Dượng tôi thả tiếng đàn bay lên bay theo thương nhớ tình nghĩa phu thê một thời ngút ngàn hương lửa mặn nồng.

Duy có một điều là chị H’Liêng còn đó. O Nhạn của tôi thì không còn nữa…

Nhưng so bì với tình yêu thì mãi mãi vẫn còn…

 Câu chuyện này tôi viết khi tình yêu tôi với người-tôi-yêu-người-yêu-tôi vẫn còn đây, trên vùng đất không còn là vùng đất ngày xưa quê xưa.

Đã mịt mờ xa quá nửa địa cầu !.

Anh K’ Nút chị H’Liêng giờ đã về với rừng với núi.

Dượng Ngạc của tôi giờ cũng hạc nội mây ngàn.

Tôi còn lại đây viết câu chuyện này để thêm trân trọng tình yêu qua nhiễu nhương dâu bể thế sự tang thương vẫn mãi là tình yêu muôn đời không tang thương ngẫu lục…

Tôi muốn nói : lòng chung thủy.

 

viết dưới hiên trăng

        Trần Huy Sao