"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Trăng Phương Nam

           

 Chị Hương về thăm quê. Khi trở lại, có ghé nhà, gởi ít quà đặc sản quê hương. Đặc biệt là nét tươi vui và những câu chuyện về làng quê xóm cũ. Chị kể về những đổi thay mới lạ, khác hẳn ngày xưa. Cảnh người đi, kẻ ở. Người đi, hầu hết, là những khuôn mặt thân quen một thời gắn bó với xóm quê xưa. Kẻ ở, phần đông là những ngươi lạ từ (phương Bắc, phương Nam) đến mua đất cất nhà cao cửa rộng “an cư lạc nghiệp” trên vùng đất mới. Kẻ ở, theo như lời chị kể, tôi không tìm thấy những nhân dáng ngày xưa. Chị vô tình không nhắc đến hay chị thầm nhận xét những “kẻ ở” này không có gì mới lạ. Vẫn như ngày nào. Nghèo và an phận ! Tự nhiên tôi cảm thấy buồn trong niềm vui háo hức của chị.

  Chị nói một thôi một hồi không nghỉ. Toàn những chuyện không ăn nhập gì đến dòng suy nghĩ của tôi về xóm cũ, nơi tôi đã rời xa từ rất lâu nhưng vẫn thấy gần gũi thân quen. Cuối cùng, không đợi được, tôi phải đành ngắt lời chị ;

- Chị cho em hỏi thăm về một người.

                           Đang say câu chuyện, chị cũng phải ngạc nhiên ngưng lại nhìn tôi dò hỏi :

 - Cái gì?. Hỏi thăm về một người à ?

 Rồi chị cười phá lên, dứ dứ ngón tay về phía tôi :

 - Cậu này ghê thật. Tới giờ này mới bật mí ra hả?. Hỏi thăm cô nào đây ?

 Tôi cười ngượng nghịu :

  - Chị cứ giỡn không à! Em muốn hỏi thăm anh Hoài Sơn.

  Chị Hương nhíu mày suy nghĩ, miệng lẩm bẩm :

   - Hoài Sơn...Hoài Sơn...Ủa. Hoài Sơn nào ? Tên nghe lạ quá !

 Như sực nhớ ra, tôi vội vàng cải chính :

- Ồ không...Là anh Tư Sang, con chú Định ở phía sau nhà mình, gần đồi Trọc đó.

Chị nhíu mày một thoáng rồi bỗng nhiên đổi khuôn mặt buồn thiệt lẹ :

- Mất rồi Cậu ơi ! Khi chị về thì chôn đã được mấy ngày. Chị có qua nhà thắp nhang. Tội nghiệp...

- Rồi còn cô đào Kim Thương ?

- À, là thím Tư Sang đó hả ?

Chị đổi mặt vui (thiệt lẹ) lại tiếp tục say đà câu chuyện :

- Trời ơi ! Gặp chị, cô mừng ôm riết làm chị muốn nghẹt thở luôn. Cô có hỏi thăm vợ chồng em...

Câu chuyện lại bắt đầu rôm rả qua những cảnh đoạn mới theo từng thời gian chị ở quê nhà. Tôi rán ngồi nghe cho tới lúc chị xin thêm ly nước lọc, uống một hơi cạn ráo rồi lên xe ra về. Làn khói xe còn tản mạn trong không khí nặng trầm se lạnh của những ngày vào Thu. Tôi vẫn ngồi trước hiên nhà, nhìn lên bầu trời vần vũ những đám mây đen cuốn hút về hướng núi mịt mờ xa. Giống quá, một khung trời quê xưa, cũng vào độ tiết Thu như thế này..                     Tiếng lá rơi nhẹ nhàng trong cái tĩnh mịch im ắng. Có con chim sâu nhảy chuyền từ những cành cây Phong gây nên tiếng sạt xào rất nhẹ như tiếng con chim Sẻ lủi mình trên mái tranh tìm hơi ấm mà một thời tôi đã rất quen nghe. Tự nhiên tôi nhớ về những hình ảnh ngày xưa. Những hình ảnh tưởng chừng như im ngủ trong tôi nay lại bừng lên từ những câu chuyện kể quê nhà của chị Hương. Tôi nhớ rất nhiều kỷ niệm từ một Xóm nhỏ. Ở đó, có ngôi đình được gọi là đình Đa Cát, gắn bó rất nhiều những tình cảm buồn vui. Nơi đó có anh Tư Sang, có cô đào Kim Thương của gánh hát cải lương Phương Nam, có những câu vọng cổ muồi làm rơi lệ bao người.  Và cũng chính tại nơi này, một cuộc tình được dàn dựng không phải theo tuồng tích mà là thật sự ngoài đời của một chàng trai dám liều lĩnh vượt qua những lệ luật khắt khe của xóm làng để chạy theo tiếng gọi của con tim. Một cuộc tình mà tôi thấy đẹp bởi vì nó trọn thủy chung và đầy tính lãng mạn.

Chàng trai đó là anh Tư Sang, người của xóm đình Đa Cát, một xóm nhỏ nằm cách thành phố Đàlạt 4 cây số về hướng tây-bắc. Còn được gọi nôm na là Cây số 4.

Sở dĩ  tôi phải nói rõ ngọn ngành vì nơi chốn đó đã nở rộ tình yêu của anh, của Chị. Khi người ta yêu nhau thường người ta vẫn nhớ mãi một nơi khởi đầu cũng ngang với tầm cỡ của nụ-hôn-đầu-tiên vậy.

Tình yêu bắt đầu vào độ Thu sang khi đường xóm quê yên tĩnh bỗng rộ lên tiếng phèng la từ hai chiếc xe hàng cũ kỹ. Con nít hiếu kỳ trong xóm ào ra nối đuôi la hét cổ võ, quảng cáo không công. Chiếc xe đầu mang hai tấm bảng lớn hai bên hông. Một bên là hàng chữ  Gánh Cải Lương Phương Nam. Một bên là tấm bảng vuông màu sắc và tên các đào kép chánh, phụ. Ở dưới cùng có hàng chữ màu đậm tên hai anh hề Hai Mập (Ù) và Tư Ốm (Nhách). Chưa biết đào kép thủ diễn, ca hát ra sao chớ hai anh hề này ngó bộ ăn khách. Con nít bu đen coi mặt hai anh hề làm cản trở lưu thông, chạy chậm rì.  Xe ngừng lại ở sân đình.  Đoàn hát lo  chuyển đồ đạc, phông màn các thứ vào dãy nhà sau. Tiếng la ới kêu gọi hỏi han đồ đạc râm ran. Giọng miền Nam như chim líu lo nghe không được. Tội nghiệp hai anh hề được đám con nít bu đen . Lúc đầu, để gây tình cảm, hai anh còn nhăn mặt nhíu mày làm hề cho đám con nít cười ré lên. Sau, ngó bộ khiêng vác mệt lại thêm đám trẻ cứ bám riết vấp, đá lung tung đâm nổi cạu xoay qua chưởi nhau loạn xạ. Đám con nít cứ tưởng hai anh đang làm hề, vỗ tay cười thoải mái. Có ông bầu già, chống cây ba toong, đứng ra can gián gì đó. Đám con nít chê ông này làm hề không hay, không thèm coi.

Khi hai chiếc xe hàng rời xóm, trả lại sự im ắng cho Đoàn . Con nít không được phép bén mảng tới sân đình. Khói bếp vươn lên từ nhà sau...Đoàn sẽ lưu lại xóm để hát đâu khoảng một tuần như đã có ghi trên tấm bảng lớn dựng trước sân đình.

Đối với dân trong xóm, đây là một dịp vui hiếm hoi. Xóm ở vùng hẻo lánh, thi thoảng mới có đoàn hát về lưu diễn. Từ lâu nay, chỉ có đoàn hát bội. Nay có đoàn cải lương từ tận phương trời Nam về lưu diễn khiến bà con đều nôn nóng. Những câu vọng cổ muồi mẫn bà con cũng đã từng có dịp nghe, nhưng chỉ nghe qua dĩa hát hay trong radio. Nay được tận mắt thấy người thật diễn tuồng tích và xuống câu vọng cổ thì sướng biết chừng nào! Tiếng đồn lan nhanh từ đầu trên xóm dưới. Không khí đã thấy chộn rộn.

Đoàn nghỉ một ngày đầu để lo chuẩn bị nhưng trước đó, đã thấy trương bản tuồng cho đêm mở màn mùa hát. Tuồng “Phụng Nghi Đình” do kép chính là Hữu Lang và đào chính là Kim Thương. Hai danh hề Hai Mập (Ù) vàTư Ốm (Nhách) được quảng cáo là chọc cười ngả nghiêng, cười lăn chiêng, cười liên miêncười như điên. Nếu thật sự mà cười kiểu đó thì làm sao mà coi  cho được. Nhưng có hề gì  đâu ! Khổ cực quá chừng vì cuộc sống, nay được bụng cười thì cứ việc cười.

Đoàn hát chuẩn bị đã đành, bà con cũng đang chuẩn bị. Soát lại hầu bao rồi tính toán coi nhín bớt được khoản chi tiêu nào có thể được. Nếu cần, nhịn ăn chút đỉnh cũng chẳng sao miễn thỏa được cái thị hiếu ngàn năm một thuở. Người ta ở tận đất phương Nam xa xôi tìm tới, là khách. Mình là chủ nhà phải tính sao cho trọn. Đó gọi là nhịn miệng đãi khách. Huống chi ở đây khách cũng được thu huê lợi mà chủ cũng hưởng được phần. Chuẩn bị kỹ hơn nữa là mấy O mấy Dì chuyên nghề bán hàng ăn dạo. Tính sơ cũng thấy rõ là gánh chè đậu ván cuả thím Năm Tiễn, gánh mì Quảng của Bà Mì Quảng, gánh bánh nậm của thím Vạy, gánh bánh bèo của  chị  Huế, gánh cháo lòng của O Duyên...Chưa kể  những  gánh hàng mới toanh  “ăn có” bán đủ thứ như đậu phụng rang, đậu phụng luộc, bắp ngào đường, hột vịt lộn v...v...Ban hương chức hội tề cũng chuẩn bị thành lập một toán canh giữ trật tự , thù lao do gánh hát chi trả. Nhiệm vụ chính là ngăn chặn mấy tay leo  rào “coi cọp”,  đám con nít ồn ào náo loạn, giải quyết kịp thời những vụ  gây mất trật tự ảnh hưởng đến buổi trình diễn hàng đêm.Toán trật tự được tuyển chọn từ sáu  tay thanh niên to con lớn xác trong Xóm và đặt dưới quyền của anh Tư  Sang. Thiệt là trúng mánh. Ai chớ anh Tư Sang thì tôi đâu có lạ gì. Anh là học trò ruột của Ba tôi. Nay anh ra nắm “trọng trách” thì tất nhiên tôi cũng được nhờ ở cái khoản...coi cọp. Đêm nào cũng vậy, cứ đúng giờ sắp  trình diễn là tôi cố ý rà rà lại gần cho anh thấy mặt. Chỉ cần đợi cái nháy mắt ra hiệu của anh là tôi đứng gọn vô hàng. Tới cửa soát vé, anh lẹ làng nắm vai tôi đẩy vô,  cố tình nói lớn “ Vé kèm trẻ em hả? Vô luôn. Nhưng mà vé kèm không có chỗ ngồi đâu nghen, em bé. Tìm góc nào đứng, không được chạy lộn xộn”. Vô được bên trong rồi, còn lâu mới không có chỗ ngồi!

Tính ra, mỗi đêm có chừng mười mấy tay coi cọp mà hợp pháp đàng hoàng. Ngoài anh Tư Sang và sáu tay thanh niên là cọp thứ dữ, tôi để ý mấy anh thanh niên kia cũng nháy mắt ra hiệu lia lịa. Rồi còn Ban Hương chức hội tề. Chỗ ngồi phải là chỗ danh dự gần sát sân khấu coi sướng con mắt, nghe đã lỗ tai chớ phải chơi đâu !

Tội nghiệp quá, thân phận của những Đoàn hát lưu diễn rày đây mai đó, đem tiếng hát lời ca đổi lấy những tháng năm lây lất sống . Và cũng tội nghiệp cho cả những thôn xóm nghèo như Xóm tôi, dẫu hết lòng yêu nghệ thuật, mến mộ tiếng hát lời ca, muốn đãi ngộ xứng đáng nhơn tài nhưng mà “lực bất tòng tâm”. Nghèo quá trời quá đất còn lấy chi để trang trải cho đầy đặn tình chủ khách. Mười mấy con cọp ngồi dưới Hội trường chắc là cũng có lúc chạnh lòng ray rức. Nhưng biết làm sao hơn ! Không có tiền mà !

Ông bầu hát xem ra cũng thấu hiểu lẽ đời qua nhiều kinh nghiệm đói no vinh nhục nên cũng tỏ lòng thông cảm. Buổi đầu tiên ông có lên nói lời cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của bà con làng xóm và ông hứa là toàn ban sẽ đem hết tài nghệ diễn xuất để đền đáp lòng thương mến của bà con. Đoàn sẽ lưu lại theo thời gian yêu cầu.

Lời nói chơn tình thiệt là hả lòng hả dạ. Còn hả lòng hơn nữa là lối thủ diễn và giọng ca muồi mẫn của cô đào chính Kim Thương. Nhịp sống đơn điệu của khu xóm nhỏ đã thật sự bị dao động. Thì ra, ngoài cảnh đời cùng khổ trái ngang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, còn có những cảnh đời  thương tâm oan nghiệt hơn nhiều. Tầm nhìn của bà con lại còn được nhìn xa hơn, xa hơn nữa, có những vùng đất phì nhiêu tươi tốt, tôm cá đầy đồng. Bên cạnh những tấm lòng chân chất thật thà còn có những tấm lòng giả nhân giả nghĩa. Giữa cuộc sống hôm nay có dịp  nhìn lại cuộc  sống ngày xưa qua những tuồng tích  mang ý nghĩa răn đời lồng trong những  tình tiết éo le...

Cô đào chính Kim Thương thật sự đã đem đến cho bà con những dao động tình cảm không ngừng qua những vai diễn hết sức sống động. Ban ngày, bà con đem cô ra nương lên rẫy. Ban đêm, thì ngồi chờ đợi cô trong một vai diễn mới với tất cả sự háo hức nôn nao. Cô đi vào lòng người với những bước chân nhẹ nhàng nhưng hằn đậm dấu. Nam phụ lão ấu thảy đều dành cho cô những tình cảm đặc biệt. Đó là chưa nói tới đám thanh niên mới lớn trong xóm.

Vậy mà, không được như lời ông bầu hát tuyên bố hôm đầu tiên, Đoàn phải chuẩn bị lên đường giữa sự tiếc nuối ngẩn ngơ của bà con trong Xóm. Cũng phải đành thôi ! Đoàn không thể nào nán lại được bởi một lẽ rất đau lòng là bà con không còn tiền để mua vé. Số tiền chắt bóp dành dụm đã hào phóng qua những đêm Đoàn lưu diễn.

Chiếc xe chở bầu đoàn thê tử lặng lẽ ra đi vào một buổi sáng nắng hanh vàng, trời se lạnh.

Cho đến ngày hôm sau, tin tức bàn tán xôn xao từ đầu trên xóm dưới: Anh Tư Sang đã bỏ nhà theo gánh hát Phương Nam.

Câu chuyện tưởng đã ngủ yên theo thời gian.

Một buổi sáng, cả Xóm bừng cơn náo động khi tin tức truyền nhanh là anh Tư Sang đã trở về. Con nít bu đen trước nhà chú Định, giành giựt la ó, thậm chí còn đấm đá nhau tơi bời để giành chỗ tốt nhìn cho rõ. Người lớn hiếu kỳ bỏ nương rẫy chạy về bởi vì nghe nói Tư Sang có đem theo người vợ. Phải coi cho tỏ tường người ở phương xa, khác làng khác xóm, nó ra thể nào. Hóa ra là cô đào Kim Thương của gánh hát Phương Nam năm nào.

Hình ảnh và tiếng ca muồi mẫn của cô vẫn còn đọng sót trong lòng mọi người dân xóm. Bà con đổ xô tới càng ngày càng đông cho thỏa tính hiếu kỳ. Thấy chú Định cười nói hả hê với đám khách đàn ông giữa mịt mù khói thuốc. Thím Định ngồi ở tấm phảng gỗ, cũng đang ồn ào trò chuyện với mấy bà bu quanh, nhai trầu bỏm bẻm. Anh Tư Sang, tôi nhìn không ra, người đậm chắc đen nắng đang rót trà đãi khách. Anh cười nói rổn rảng khác hẳn với tính rụt rè ít chuyện như ngày xưa. Dáng đi cũng nhanh nhẹn. Tôi cố tình cho anh nhìn thấy nhưng anh vẫn vô tình xếp tôi vào đám con nít, lâu lâu nhắc chừng là đừng ồn ào để người lớn nói chuyện. Tôi cụt hứng muốn bỏ ra về nhưng sực nhớ còn cô đào Kim Thương chưa nhìn thấy mặt. Phải chờ.

Vừa lúc đó, có tiếng xôn xao. Mọi người đổ dồn nhìn vô cửa phòng. Tiếng màn sáo trúc lay động và cô đào Kim Thương xuất hiện. Một  khoảng yên lặng trải dài cho lần tái ngộ sau nhiều năm vắng bóng. Không son môi  má phấn, không  rực rỡ  dưới ánh đèn...manchon sân khấu như năm nào. Cô xuất hiện dưới vẻ dáng bình dị của người miền Nam. Nước da giòn bánh mật, mập tròn chắc nịch thiệt khác hẳn ngày xưa. Cô cúi đầu chào hết thảy mọi người rồi khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh thím Định. Khoảng yên lặng vẫn kéo dài làm như mọi người đang chờ đợi, cùng với sự xuất hiện của cô, là tiếng ca muồi mẫn sẽ cất lên như ngày nào.

Nhưng làm gì có ! Chỉ có tiếng chào rụt rè e lệ của cô gái phương xa về làm dâu trăm họ xóm này. Mai đây rồi cũng lên nương lên rẫy, mò ốc bắt tôm như những người trong xóm. Cô đào Kim Thương và lời ca xưa đã thuộc về dĩ vãng, đã bèo giạt hoa trôi tan đàn xẻ nghé như gánh hát Phương Nam năm nào...Hình như thấy không khí yên lặng đợi chờ có vẻ nặng nề khó thở, anh Tư Sang nhanh nhẩu : ‘’ Xin mời. Xin mời bà con uống nước, hút thuốc, ăn trầu. Mấy em nhỏ có khát, mời vào trong tự nhiên”.

Thuốc thì đang hút. Trầu thì đang nhai chưa nhả bã. Chỉ có đám con nít đang nhịn khát khô họng nãy giờ, nghe tiếng mời, nhào vô tranh uống ồn ào. Không khí trở lại trạng thái dễ chịu, thoải mái.

Hai ngày sau, anh Tư Sang lễ vật qua nhà tôi tạ tội với Thầy về cái vụ đã theo tiếng gọi của tình yêu mà phụ lòng sư phụ. Ngày đầu dợt lại tay nghề, anh vẫn thành thạo, chính xác từ đường cưa, nhát búa. Ba tôi vui mừng nhận lại học trò cưng. Ông còn nói đùa:

- Lâu nay theo đường tình, chắc là học hỏi thêm nhiều thứ lạ. Hôm nào rảnh rỗi, dạy lại chú nghe.

Anh cười ngượng nghịu, chắp tay xá dài.

Anh có học hỏi ở tình yêu điều gì thì tôi không được ro,õ nhưng những khi rảnh việc anh em có ngồi chuyện trò, tôi phục anh lắm. Trong con người vai u thịt bắp ăn cục nói hòn, có trái tim đằm thắm dịu dàng, có tấm lòng đầy nhân ái thủy chung. Cứ nghe anh kể chuyện tình của anh thì biết.

Chuyện từ một buổi sáng tình cờ anh thấy cô đào chính Kim Thương ngồi bên bếp lửa đang cầm chén cơm có mấy miếng cá khô. Bàn tay gầy xương xẩu, hằn những đường gân thấy rõ. Ánh lửa bập bùng soi rọi gương mặt xanh xao, tiều tụy. Hình ảnh buồn thảm, bất ngờ đã làm cho lòng anh quặn thắt nôn nao. Mấy ngày liền anh cứ đi nhìn lén cô để rồi buồn ngẩn buồn ngơ. Tâm hồn người trai mới lớn chao đảo xót xa qua hai hình ảnh trái ngược. Giữa đêm và ngày. Giữa mộng và thực.

Đêm đêm, dưới ánh đèn sân khấu, cô diễm lệ rực rỡ biết dường nào ! Thế giới chung quanh như chìm hẳn xuống, thật tầm thường, trước vẻ cao sang quyền quý của hoàng hậu, công nương. Cuộc sống bỗng thăng hoa, sống động qua câu hò tiếng hát của cô thôn nữ má thắm môi hồng…... Để rồi, trong ánh nhìn thầm lén của anh mỗi sáng bên bếp lửa bập bùng giữa tiết trời se lạnh, phũ phàng rõ nét một hình ảnh tiều tụy, xanh xao, thảm não. Tự lòng anh dấy lên một niềm thương cảm xót xa, ray rức. Thấy thương cô và giận cả tình đời. Lòng anh chìm lắng nỗi buồn. Hình ảnh của cô cứ đeo đuổi anh suốt cả ngày, bắt anh thao thức suốt cả đêm. Cuối cùng, anh liều lĩnh có quyết định theo đoàn hát. Trong tâm trạng rối bời, anh không biết đó có phải là tình yêu không. Chỉ biết là anh không thể dời xa một hình ảnh đã làm cho lòng anh đau nhói. Nếu được gần gụi và được chia xẻ cùng cô, chắc lòng anh sẽ được vui hơn...

Anh không kể chặng đường nối tiếp theo dấu tình yêu như thế nào nhưng tôi nghĩ là cũng phải trải qua nhiều gian truân. Có tình yêu nào lại cho không biếu không đâu ! Nhất định là phải có thương đau, bầm giập, sóng gió bão bùng. Giữ được trái tim thục nữ, người quân tử háo cầu cũng phải trải qua bao chặng đường khổ ải.

Người-quân-tử Tư Sang đã dám can đảm vượt qua những lề thói khắt khe, nhẹ bước thênh thang trên những thị phi đàm tiếu để theo tiếng gọi của con tim. Khi ra đi và cả đến lúc trở về, anh vẫn giữ trái tim đều nhịp đập cho tình yêu. Đâu phải là loại tình yêu bướm hoa vui bay buồn đậu. Cũng chẳng phải là tình phấn nhạt hương phai phụ phàng tới nghĩa thủy chung son sắt. Tình yêu anh như nước vẹc-ni bền bỉ bóng ngời. Như lưỡi bào bén ngọt những đường bào. Như lưỡi cưa chuẩn xác những đường cưa. Như đinh đóng cột.

Về quê chồng, cô đào Kim Thương sớm hòa nhập vào dòng đời tất bật của xóm nghèo quanh năm suốt tháng chạy kiếm miếng ăn. Sáng mờ hơi sương đã lên nương chăm luống khoai  vạt sắn. Những ngày  rảnh rỗi vụ  mùa thì  đi dọc theo bờ suối cào hến, mò cua, bắt ốc. Buổi chiều, oằn gánh củi trên vai  qua từng con dốc, trở về khi mặt trời đang dần trốn núi. Hoạt cảnh đó cứ đều đặn diễn ra từng ngày. Và cũng từng ngày, cứ vào giấc chiều là anh Tư Sang lóng ngóng chân tay, nhấp nha nhấp nhỏm không yên. Ba tôi biết ý cho nên cứ nhìn thấy anh bắt đầu lóng ngóng chân tay, nhấp nha nhấp nhỏm là ông nói lớn, giọng đùa cợt :” Thôi ! Tới giờ đi đón người yêu rồi !”.Chỉ cần nghe ông nói vậy là anh vội vàng xếp gọn đồ nghề, bương ra con đường nhỏ lúp xúp chạy ngược về hướng đồi Trọc. Thường thì chị ngồi nghỉ mệt ở lưng chừng đồi và cũng có ý chờ anh. Hai vợ chồng gặp nhau chẳng nói gì, chỉ cười vui. Gánh củi được chuyền vai. Anh gánh không quen, co vai rụt cổ đi trước, chị theo sau trở về khu xóm nhỏ. Hai dáng người thầm lặng giữa cảnh trời chiều gợi lên hình ảnh hạnh phúc bình dị, đơn sơ.

       Quê tôi, tiết trời se lạnh quanh năm. Thi thoảng mới có những đêm trời trong xanh gió mát, trăng treo vằng vặc. Với những đêm trăng hiếm hoi như thế bà con thường ra khỏi nhà để tận hưởng  của trời cho. Con nít  tụ tập đông vui  ở sân  Đình với  nhiều trò chơi  hào hứng. Đàn bà túm năm túm bảy ngồi ở chiếc sân rộng trứơc dãy nhà của thím Ngữ, thím Ba Hồng, anh Hiếu nói chuyện cười đùa ồn ào. Đám thanh niên thanh nữ thì đi lên đi xuống con đường  chính của xóm. Đi giáp vòng trên lại quay vòng, đi xuống. Đi giáp vòng dưới lại quay vòng, đi lên...

Dù đã trải qua bao nhiêu năm, tôi không thể nào quên được, hình ảnh choáng ngợp tình yêu được diễn ra ở vườn ổi sau nhà . Trăng trải vàng xuyên qua cành lá. Cảnh vật yên tĩnh và trầm lắng chỉ nghe tiếng lá rơi nhè nhẹ. Anh Tư Sang ngồi ôm chiếc đàn ghi ta cũ kỹ. Chị Tư Sang ngồi bên cạnh nhìn anh chờ đợi. Tiếng đàn dạo của anh Tư Sang bắt đầu, khi chậm khi mau. Chị Tư Sang sửa lại dáng ngồi thoải mái, đợi tiếng đàn vừa xuống nhịp trầm dứt đoạn là chị nương đà vào câu vọng cổ. Phút giây này đây, chị đã thực sự trở lại hình ảnh cô đào Kim Thương năm xưa, với giọng ca mượt mà tình cảm làm rung đọâng lòng người. Còn anh, anh là ai ? Sao tiếng đàn nghe réo rắt não nề ! Hình như đâu phải là anh Tư Sang vai u thịt bắp ăn cục nói hòn ! Đôi bàn tay sần sùi chai nhám cưa đục suốt ngày sao giờ đây lại nhịp nhàng lả lướt những thanh âm não nuột !

Lần đầu tiên bất ngờ chứng kiến hình ảnh lạ lùng đó, cả nhà tôi đều đổ xô ra vườn ổi. Đám khán giả âm thầm tự tìm lấy chỗ ngồi, nín lặng lắng nghe tiếng đờn tiếng ca của cặp vợ chồng nghệ sĩ. Tiếng đờn của anh Tư Sang nghe sao mà buồn, một nỗi buồn day dứt. Hòa theo tiếng đờn, tiếng ca của chị  gợi nhớ về một chốn quê nào xa tít tắp. Nơi đó có ruộng đồng xanh tốt thẳng cánh cò bay, có dòng sông tấp nập những con đò xuôi ngược. Có tình yêu trai gái nồng nàn đất phù sa ngọt thơm mùi cây trái, đậm chắc màu nắng ấm bốn mùa...

Cô đào Kim Thương, cô đang ca với tấm lòng xót nhớ quê nhà. Tiếng ca mang tâm trạng của kẻ ra đi khó mong ngày trở lại. Đến nơi mảnh đất vùng cao khô cằn những núi đồi hoang dã lòng cô thôn nữ quê Nam nặng cảnh lưu đày. Chạnh lòng thương nhớ cảnh làng quê xóm cũ, xót thương đời con gái lạc trời xa, tiếng ca hòa quyện trong không khí tĩnh mịch, nhập vào dòng Trăng nghe sao mà đau lòng xót dạ.

Hình ảnh những đêm Trăng xưa đã đi vào đời tôi những cảm giác rất êm đềm mà tôi không thể nào quên được. Êm đềm lắm ! Vì từ hình ảnh đó tôi tìm thấy sự hòa nhập kỳ diệu của tình yêu tựa như lời ca phải có tiếng đàn hòa nhịp. Nỗi buồn vui thương nhớ phải có người chia xẻ.

Đã bao nhiêu năm và cũng đã qua bao nhiêu là đêm Trăng trong đời, lời ca của chị và tiếng đờn của anh vẫn hòa nhịp khắn khít, mặn nồng. Tình yêu chia đều từ gánh củi chuyền vai, miếng cơm vơi đầy chật vật từ cuộc sống cho tới cả lời ca tiếng đờn đồng nhịp buồn vui...

Thì ra, hạnh phúc nào có cao xa,  chỉ với tầm tay  cũng nắm bắt dễ dàng.  Đó là bài học đầu đời khi tôi vào dòng lũ xô bồ cuộc sống, rời xa xóm nhỏ

Và, giờ đây, rời xa cả chốn quê xưa

Thiệt là sông biển chập chùng, nghìn trùng xa cách. Cảnh cũ người xưa tưởng chừng như mới đâu đây, thoáng chốc cũng đã xa mù mất dấu. Chị Hương, sau câu chuyện về làng xưa  xóm cũ, đã  hồn nhiên  thoải mái  lên chiếc  xe đời mới, lướt  êm ru. Chị để tôi ngồi đây, trước hiên Thu, giữa trời xa đất lạ ôm bạt ngàn nỗi nhớ. Nhớ quá chừng !

Tháng trước đây, nhận được tin Dượng Đát mất, tôi thao thức nhiều đêm. Nhớ  giàn Lan của Dượng. Nhớ những chiều Dượng chống nạng lò dò chăm tỉa những chậu Lan quý hiếm. Cuộc sống của Dượng đói nghèo thiếu thốn, nhưng những giò Lan của Dượng nhất định phải mập mạnh, mướt xanh...Nỗi nhớ đeo đẳng theo từng năm, tháng qua những hình ảnh đậm nét quê nhà. Ở đâu mà tìm cho thấy thím Mới say xỉn suốt ngày, đi giáp làng trên xóm dưới kể chuyện tuồng tích hàm ý răn đời. Thím tĩnh trong cơn say.

Cũng ở đâu mà tìm cho thấy, chú Hợi hớt tóc, ngủ gật suốt ngày. Mấy anh trai làng kêu trời không thấu bởi vì anh nào cũng đã một lần bị hớt đầu trọc tếu. Gọi là tai nạn nghề nghiệp thì không đúng. Rõ ràng chú ngủ gật, đã đi ngọt một đường tông-đơ từ sau ra tới trước. Với đường cày thiếu thẩm mỹ như vậy, chỉ còn cách cứu vãn cấp thời là hớt trọc cho xong. Xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy chốc. Chú vỗ vai dịu dàng an ủi mấy chàng trai như vậy và tất nhiên không nhắc nhở chi chuyện tiền bạc, rườm rà.

Sau này, có bác Hoa Lư, trưng bảng hiệu màu mè như những tiệm hớt tóc ngoài phố. Bác làm ăn khấm khá vì biết thỏa mãn đúng yêu cầu của khách chớ không có cái cảnh bị hớt trọc một cách bất ưng như khách hàng của chú Hợi. 

Rồi còn chú Duy, làm nghề thầy cúng. Thím Ba Hồng, chích lễ mát tay. Ôn Cai Tư, hương sư, đã từng khai tâm cho bao thế hệ...

Kể ra thì còn quá nhiều những khuôn mặt và những cảnh đời gợi nhớ nhưng sao tôi cứ nhớ nhiều hơn hết những đêm xóm nhỏ có đoàn hát về lưu diễn. Tiếng trống dồn dã của đoàn hát vọng xa giữa màn đêm tĩnh mịch như thúc giục lòng người. Tiếng nói cười văng vẳng và những ánh đuốc chập chờn từ đồi cao lũng thấp lũ lượt dồn về khoảnh sân Đình vàng ánh đèn manchon . Cảnh tấp nập ồn ào người mua kẻ bán giữa cảnh trời đêm se lạnh. Cuộc sống sao mà êm ả, thanh bình!

Tôi nhớ nhiều hơn nữa, những đêm Trăng óng mượt tình yêu quyện lẫn lời ca tiếng đờn của cô đào Kim Thương và anh, anh Tư Sang, người con trai đôn hậu của xóm quê tôi. Anh đã đi vào tình yêu không từ bóng sắc mỹ miều của giai nhân mà từ chén cơm có mấy miếng cá khô được cầm nắm trong bàn tay gầy xương xẩu! Tình yêu anh trải dài theo thời gian mà sao vẫn cứ bền bỉ  bóng ngời như  nước  vẹc-ni. Những đêm trăng nối tiếp những đêm trăng trong cuộc đời, tiếng đàn anh vẫn khắng khít ôm choàng lời ca của chị. Hình ảnh của những đêm trăng xóm nhỏ để lại trong lòng tôi dấu ấn sâu đậm ngọt ngào về tấm lòng chung thủy.

Nay anh không còn nữa, lời ca không còn tiếng đờn hòa điệu, phải lạc nẻo cô đơn. 

Tôi muốn nghĩ một điều xa hơn nữa. Khi hai người đang sống bên nhau ở tuổi xế chiều, bỗng nhiên có một ngày, một người ra đi một người ở lại. Buồn biết chừng nào!

Nỗi buồn đó, tôi không biết tới cỡ nào. Hỏi chị, chị nghẹn ngào, cúi mặt.

Hỏi anh !!... 

Trần Huy Sao

(Tuyển tập thơ văn VIẾT DƯỚI HIÊN TRĂNG)